Đoạn nhạc đệm nhỏ diễn ra ở trước quầy lễ tân càng khiến cho Mạc Thiếu Dương cảm thấy bực bội nhưng vì giữ mặt mũi cho Mạc Quân trước mặt người ngoài, cậu chỉ đành nở một nụ cười cứng đờ rồi đưa lại ví tiền cho gã.
Mạc Quân không lấy lại ví tiền ngay một trăm phần trăm là vì cố tình! Một người cẩn thận và tỉ mỉ như gã làm sao có thể dễ dàng giao đồ của mình cho người khác quản lý được, nhất là trong đó còn có một bức ảnh chụp đã cũ của Mạc Thiếu Quang.
Gã chưa từng cho phép bất kỳ ai động đến những thứ thuộc về người anh cùng cha khác mẹ xấu số kia của cậu, kể cả một đứa trẻ thừa hưởng nửa bộ gene của gã cũng thế. Trận đòn thừa sống thiếu chết hôm đó chính là minh chứng rõ rành rành như ban ngày nhất đấy thôi. Đó là vết thương trong lòng Mạc Quân, cũng là ranh giới phân cách mối quan hệ và cả địa vị xã hội thực sự của cậu và đối phương.
Không mang họ Mạc, cậu chỉ là một đứa trẻ miền quê bị cả cha lẫn mẹ bỏ rơi, không nơi nương tựa mà thôi.
Mạc Thiếu Dương lầm lì xách hành lí, tự ngược đãi chính mình bằng cách gom hết tất cả mớ vali và túi xách – thứ vốn có thể giao cho bellman trực ở hành lang mang lên giúp – một mình lặc lè vác hết chúng vào thang máy và cố tình nhốt luôn Mạc Quân ở bên ngoài. Dù biết gã là người cầm thẻ mở cửa phòng nhưng chỉ cần nghĩ đến việc mình phải ở cùng gã trong một không gian khép kín là đã đủ khiến cậu phát điên. Cũng may là luật sư Mạc thừa tiền để thuê hai phòng đơn, bằng không cậu thà là lay lắt ngoài hành lang còn hơn là phải chơi trò chơi nhập vai mà chẳng ai tin được nổi đó cùng gã.
Mạc Quân nhìn cửa thang máy đóng lại, lẳng lặng thở dài thườn thượt.
Tốt quá hoá lốp, có lẽ gã đã hơi vội vàng.
Khi Mạc Quân đến được trước cửa phòng, Mạc Thiếu Dương đã đứng đó được một lúc lâu. Cậu thanh niên nọ nhìn thấy gã chẳng những không buồn bày ra vẻ mặt thoải mái giả tạo lúc như ở công ty mà còn cau chặt mày, nhấp môi giống như định nói gì đó nhưng rồi lại thôi. Cậu không thúc giục Mạc Quân mở cửa, cũng không mở miệng thừa nhận mình đang rất mệt và cần được nghỉ ngơi. Đứa bé này sẽ không bao giờ giống như Thiếu Quang. Thiếu Quang dù rất sợ người cha nghiêm khắc là gã nhưng vẫn có thể căng da đầu dán lại làm nũng, vừa tỏ ra ngoan ngoãn đáng yêu vừa nơm nớp quan sát vẻ mặt của gã, chỉ cần bắt gặp một chút dấu hiệu không kiên nhẫn thôi là đã vội vàng nghiêm túc lại ngay.
Nghĩ đi nghĩ lại, Mạc Quân quả là một người cha thất bại.
Thất bại toàn tập không còn đường cứu vãn.
Trước kia mỗi ngày Thiếu Dương đều phải đi làm với suy nghĩ mình là một kẻ thất bại, mỗi một vụ án mà cậu thụ lý đều được lên kế hoạch kỹ càng tỉ mỉ, chỉ có điều cậu lại thiếu một người thầy hướng dẫn tận tâm. Khi mọi chuyện xảy ra không đúng như những gì cậu tưởng tượng, cậu bắt đầu lúng túng và lại càng mắc nhiều sai lầm hơn. Không ai nói cho cậu biết cậu cần phải thay đổi những gì, cần phải phát huy thế mạnh nào, cũng không ai động viên cậu khi tâm tình cậu tụt dốc. Đứa bé đó mỗi lần bị thương đều chỉ có thể tự an ủi mình, tự chui vào một góc nghiêm túc kiểm điểm lại bản thân rồi hát vài bài hát cho quên đi loại cảm giác đó, cái cảm giác bản thân mình đã nỗ lực hết sức nhưng lại chẳng khác nào một kẻ vô dụng.
Sau lại, khi Mạc Quân đã hoang phí hết một chút lí trí cuối cùng còn sót lại của cậu, cậu đã phát điên.
Gã mở cửa phòng, tống đống hành lí vào trước khi quay sang đứa trẻ đang xù lông nhím gần đó. Những chiếc kẹo đủ sắc màu mà mười mấy năm trước gã chưa từng mua được cho cậu lấy một lần vẫn nằm trong túi xách của gã, dù đứa trẻ trước mắt ngày đã thể hiện rõ ràng lập trường của mình. Dù nó đã qua cái tuổi vòi vĩnh bố mẹ những thứ đó nhưng lúc đứng trước quầy bán tạp hoá ở sân ga, gã đã không kìm lòng được mà nghĩ đến đứa con trai đang ngồi thẫn thờ trên ghế đá ở phía xa.
Thiếu Dương chưa từng đòi hỏi Mạc Quân bất kỳ thứ gì, hay nói chính xác hơn là không dám. Trẻ con rất nhạy cảm trước địch ý của người lớn, nhất là người thân. Là hậu quả sai lầm của cha mẹ, không được yêu thương, phải hứng chịu quá nhiều những điều tiếng và sự cười cợt của bạn bè, đứa trẻ miền quê lần đầu lên phố đó đã phải cố gắng rất nhiều để không thể hiện những mặt “ngu dốt” của mình trước mặt Mạc Quân, âm thầm học hỏi và tìm cách để trở nên thân cận với Mạc Quân hơn, nhưng những gì mà nó nhận lại được vĩnh viễn chỉ có lạnh lùng.
Một đứa trẻ con, suốt mười mấy năm trời không hề biết đến cái gì gọi là niềm vui nhỏ nhoi khi được bố mẹ mua quà vặt cho, cũng không có cái đặc quyền mà mọi đứa trẻ trên đời đều có – kể cả Mạc Thiếu Quang đã chết kia – là có đồ chơi để khoe khoang với bạn bè rốt cuộc đã sống thế nào và suy nghĩ ra sao? Mỗi ngày bạn học đều đem đồ chơi đến trường khoe; bọn họ khoe giày mới, áo mới, khoe cặp sách mới, mũ mới và cả đồng hồ điện tử hiện đại nhất, Mạc Thiếu Dương lại không có những thứ ấy.
Thứ mà Mạc Thiếu Dương có chính là hai lần suýt bị Mạc Quân đánh chết.
Mạc Quân tiến lại gần hơn một chút, không ngoài ý muốn nhận thấy Mạc Thiếu Dương lùi vội lại phía sau. Khi mà khủng hoảng và nỗi sợ hãi đã bị khắc sâu và tiềm thức, muốn xoa dịu phải cần rất nhiều thời gian. Gã cũng muốn cho mình và đứa trẻ này chút thời gian để giảm xóc và hoà hoãn lại quan hệ, nhưng có đôi lúc kế hoạch vẽ ra càng hoàn hảo đến đâu, lúc thực hiện lại càng thất bại đến đó.
Thiếu Dương không giống những đứa trẻ khác. Cậu càng tỏ ra lạnh lùng bao nhiêu, trong lòng cậu lại càng mong muốn có được thứ đó bấy nhiêu.
Lúc thuyết trình phương án giải quyết vụ lùm xùm của Mazaryn, cậu chẳng phải đã ôm khư khư bản nháp của mình ngồi cả buổi đó sao?
Vả lại nếu không có mong muốn hàn gắn với Mạc Quân, cậu còn hiến thận cho gã làm gì? Cậu có thể mặc kệ gã, vì về mặt pháp luật, Mạc Quân coi như đã cắt đứt hoàn toàn quan hệ với cậu từ cái hôm cậu bị đuổi ra khỏi nhà. Chỉ cần lên một bài phỏng vấn nói rõ mọi chuyện, kể rõ gã là người thế nào, đã đối xử tệ bạc với cậu ra sao, mũi dùi dư luận đằng nào thì cũng sẽ hướng về phía gã - người thà rằng thiên vị một kẻ đã chết còn hơn bằng lòng bố thí chút ấm áp mảy may cho người còn sống.