Tình Đầu, Tình Cuối, Các Mối Tình

Chương 17: Sa Mạc Cần Mưa (2)

Đêm cuối cùng cha ở cạnh mẹ, để rồi sinh ra tôi. Sự ra đời của đứa con gái cũng là thời khắc kết thúc tình cảm của cha nó dành cho mẹ nó.

Kể từ dạo ấy, cha tôi không đến nữa. Trong mái nhà tranh, chỉ duy nhất bốn mẹ con sống cùng nhau. Giống hệt mẹ tôi và bà ngoại năm nào.

Để nuôi bốn con, mẹ tôi phải làm thuê. Mỗi ngày cứ sáng tinh mơ, bà rời khỏi nhà từ sớm và trở về lúc tối mịt. Lúc này, anh hai tôi đã mười tuổi, biết chăm em và nấu cơm.

Lạ là, anh ba, anh tư và tôi rất ngoan. Không đứa nào quấy khóc dù còn nhỏ. Bốn chúng tôi thường ngồi sát vào nhau trên chiếc giường, trông ngóng mẹ về.

Tôi nhớ nhất những ngày mưa lũ, mái tranh dột nước còn bên dưới nước ngập tràn hết vào nhà, chúng tôi ôm nhau co ro. Vừa lạnh vừa sợ, đôi mắt trẻ thơ non dại nhìn vào màn mưa trắng xoá mong ngóng mẹ.

Được thời gian, mẹ tôi không làm thuê vào những ngày mưa nữa. Bà không yên tâm khi để chúng tôi ở nhà.

Dưới mái che của ngôi nhà nhỏ, ngắm nhìn những hạt mưa buông mình lên mảnh đất khô cằn, mẹ và bốn chúng tôi đều lắng nghe niềm mong nhớ cất tiếng sầu não qua những vết nứt nẻ trên đất. Thấm vào tận cõi lòng héo tàn của người vợ không chồng và những đứa con không cha.

Những ngày mưa qua đi, đến năm tháng đói khát vì mất mùa. Không ai thuê, mẹ tôi không có việc làm. Nhìn đám con khóc đòi ăn, bà kéo vạt áo lau nước mắt. Thương.

Sau cùng, mẹ tôi phải qua nhà từng người xin bát cơm, bát khoai. Tôi còn nhớ như in cảm giác mừng rỡ khi thấy củ khoai lang luộc bốc khói nghi ngút. Tôi nghe rõ cái đói cồn cào trong mình.

Thế là ngay lập tức, bốn anh em xúm vào giành lấy ăn. Vì tôi nhỏ nhất, lại là con gái nên bao giờ cũng thua và bị đá đít ra ngoài vòng tranh giành đó. Tôi mếu máo, ngồi khóc ấm ức.

Những lúc như thế, mẹ hay xoa đầu rồi cẩn thận lấy củ khoái trong túi áo ra đưa cho tôi. Bà lúc nào cũng giành phần cho tôi từ trước. Nằm trong lòng mẹ, tôi chăm chú nhìn củ khoai nóng hổi được bà bốc vỏ.

Rất nhanh, tôi đón lấy khoai và ăn ngon lành. Nhưng được một lúc, tôi ngước nhìn mẹ hỏi:

“Mẹ không ăn ạ?”

“Mẹ no rồi, con ăn đi.” Mẹ mỉm cười dịu dàng, ôm siết tôi vào lòng.

Tôi quá non nớt nên không hiểu rằng, mẹ đang nói dối. Bởi, vào những buổi tối, khi ba anh trai tôi đã chìm vào giấc ngủ thì tôi bắt gặp cảnh mẹ ngồi lặng lẽ vét từng hột cơm, miếng khoai còn sót lại của con, mà ăn.

Tôi nằm đấy. Lặng im, không nhúc nhích nhưng hiểu tất cả. Nước mắt lăn dài.

Khi tôi tròn mười tuổi, cha tôi ngã bệnh qua đời. Trước khi chết, ông vẫn không gặp mặt mẹ tôi và bốn đứa con mình đã lãng quên qua nhiều năm.

Đời cay đắng.

Ba người vợ của cha tôi tranh nhau quyền thừa kế cho con. Nhưng con của họ đều là gái. Chỉ duy mẹ tôi sinh đến ba trai. Cũng bởi vậy, ông bà nội bắt đầu lui tới ngôi nhà nghèo nàn này, với lý do con mất nên cần cháu.

Tôi biết họ hàng bên nội trọng nam khinh nữ. Vì tôi không bao giờ được ông bà nội để mắt đến. Đối với họ, chằng hề có tình thương dành cho cháu mà chỉ mong có người nối dõi tông đường.

Được một năm, ông bà nội muốn đưa ba anh tôi về nhà chăm sóc và cho ăn học tử tế. Ban đầu mẹ không đồng ý nhưng sau đó nghĩ đến tương lai của con nên sau cùng bà đành chấp nhận. Năm đó, anh trai lớn nhất của tôi tròn mười lăm.

Tôi ở lại với mẹ. Ngôi nhà tranh trước đây luôn rộn ràng tiếng cười đùa thì giờ đây hiu hắt buồn bã. Mẹ cố gắng làm việc để cho tôi được đến trường.

Năm mười ba, tôi học trong lớp của một thầy giáo trung niên hiền lành. Thầy rất yêu quý học sinh, đặc biệt là tôi. Thầy thỉnh thoảng vẫn ghé nhà cô học trò nhỏ mồ côi cha, đôi khi là để đưa nó bịch bánh, cây kẹo hoặc trái cây. Thầy gặp mẹ tôi vài lần và cũng biết chút ít về cuộc đời không may mắn của bà.

Ban đầu mọi thứ vẫn bình thường nhưng dần dà, tôi để ý thầy lui tới nhà mình nhiều hơn. Đến nỗi, cứ hễ chiều tan học là thầy lại nắm tay tôi dẫn về tận nhà. Tôi thấy thầy và mẹ ngồi hàn huyên tâm sự rất lâu. Nhiều lúc, mẹ còn mời thầy ở lại dùng cơm. Và thầy thường đồng ý. Mãi tối mịt, thầy mới về.

Những chuyện lạ trong làng thường truyền đi rất nhanh. Chẳng hiểu vì sao những phụ nữ goá chồng càng bị để ý nhiều. Dĩ nhiên, mọi người bắt đầu dèm pha. Ngay cả trong lớp, tôi cũng nghe đám bạn xì xầm to nhỏ sau lưng. Thậm chí có đứa còn nói thắng trước mặt tôi: “Mẹ mày muốn làm bà giáo à?”

Tôi lắc đầu bảo không. Chúng bạn cười phá lên rồi đẩy ngã tôi và chạy đi, hét to: “Mẹ nó muốn dụ dỗ thầy giáo!”.

Lúc đầu tôi mặc cảm kinh khủng. Tiếp theo, tôi bỗng dưng ghét thầy. Không còn niềm vui rạng rỡ khi nhận được bịch bánh cái kẹo. Không còn hớn hở khi được thầy nắm tay đưa về nhà. Giờ, tôi đẩy tất cả những sự quan tâm đó ra xa.

Chẳng riêng thầy mà tôi còn bắt đầu mang suy nghĩ kỳ quặc đối với mẹ. Vì mỗi lần ra khỏi nhà đi đâu đó là tôi lại thấy người ta chỉ chỉ trỏ trỏ mình, nói to nhỏ với nhau. Hiển nhiên là đề tài xoay quanh mối quan hệ giữa mẹ tôi và thầy.

Một thời gian sau, lời bàn ra bàn vào này đến tai họ hàng bên nội tôi. Ông bà nội và vài người trong gia đình đến tận nhà tôi, tỏ rõ thái độ khó chịu với mẹ. Bà không nói gì, chỉ im lặng. Rồi cả ba người anh của tôi, lúc này đã học xong cấp III chuẩn bị lên thành phố học đại học, cũng đến đây vặn hỏi mẹ đủ điều.

Mẹ chỉ nhìn ba con trai, nhẹ nhàng nói rằng:

“Mẹ chẳng làm chuyện gì để các con phải xấu hổ cả. Mẹ và thầy giáo như hai người bạn tri âm tri kỷ. Mẹ mất chồng, thầy ấy không vợ. Dù cả hai có muốn đến với nhau cũng không trái với lẽ thường.”