Tình Đầu, Tình Cuối, Các Mối Tình

Chương 16: Sa Mạc Cần Mưa (1)

Thuở bé vào những ngày mưa trái mùa, trong ngôi nhà tranh lạnh lẽo, mẹ thường ôm tôi vào lòng rồi kể những câu chuyện về các vị vua.

Tôi luôn chăm chú lắng nghe và thường thắc mắc một điều: vị vua nào cũng nhiều vợ. Những người phụ nữ ấy tìm đủ mọi cách để được sủng hạnh. Họ thủ đoạn, hãm hại lẫn nhau.

Tôi ngây ngô hỏi lý do họ làm thế là gì? Chỉ để tranh giành tình yêu của một người đàn ông ư? Luôn luôn thế, mỗi lần như vậy mẹ lại dịu dàng vuốt tóc tôi rồi mỉm cười đáp: “Vì họ quá cô đơn”.

Tôi tròn xoe mắt. Phát hiện trong cái nhìn bình thản của mẹ một nỗi buồn thương da diết. Tôi không biết rằng, câu trả lời đó đã ám ảnh tôi suốt nhiều năm sau, kể cả khi trưởng thành. Dự đoán về cuộc đời của một người phụ nữ mãi mãi không có hạnh phúc trọn vẹn…

Mẹ tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất cằn cõi như sa mạc. Nơi ấy chẳng có gì ngoài sỏi đá. Quanh năm thỉnh thoảng chỉ được vài trận mưa lớn. Trồng trọt khó khăn. Lương thực ít ỏi. Nghèo khổ.

Nhưng vùng đất đó vẫn hiền dịu chở che bảo bọc hàng trăm đứa con dân đen. Dẫu vậy, nó không đủ sức giữ chân những người mang hoài bão lớn lao muốn vùng thoát khỏi nơi này. Họ dùng định mệnh để bức đi hai từ “quê hương” ra khỏi mình.

Lần lượt, những người đàn ông ra đi không quay về. Để những người phụ nữ ở lại chờ đợi trong mỏi mòn, tiếp tục khao khát hạnh phúc.

Cũng giống như đất sa mạc.

Dù có bao nhiêu trận mưa đi nữa vẫn không đủ thoả cơn khát.

Mẹ tôi hiểu rõ cảm giác mong chờ từ năm lên tám. Vào cái ngày bình minh rực rỡ nhất, ông ngoại rời khỏi nhà và từ đó không về nữa. Suốt nhiều năm sau, mẹ tôi luôn đứng ở cửa đợi. Cái nhìn khắc khoải nhưng vẫn sáng bừng niềm hy vọng.

Gió reo khúc hát thuỷ chung, mưa trở về với đất hay những đám mây chờ buổi rạng đông, bốn mùa mười hai tháng xoay vần chẳng ngừng.

Nhưng cuối cùng, niềm hy vọng cũng tắt. Trong ngôi nhà tranh nhỏ, chỉ còn mẹ tôi và bà ngoại nương tựa vào nhau sống.

Năm mười sáu, mẹ tôi đi làm thuê. Bà xinh đẹp. Nhiều trai làng cứ nhìn trộm. Cũng có vài đám đến dạm hỏi nhưng bà không ưng, bảo chỉ muốn chăm sóc mẹ già. Nhưng bà ngoại hiểu, là vì con gái chưa yêu ai.

Lớn thêm chút, mẹ tôi theo người ta đi xa, tìm việc khác tốt hơn. Là con gái nhưng bà chẳng thua trai tráng. Hầu như vùng đất lạ nào bà cũng đặt chân đến.

Khác với những người từ bỏ quê hương trước đây, mẹ tôi vẫn đều đặn về thăm nhà mỗi tháng một lần. Vào thời gian ấy, sức khoẻ của bà ngoại suy yếu dần. Ngoại cứ nằng nặc giữ mẹ tôi bên cạnh. Thương ngoại, mẹ tôi ở nhà lâu hơn.

Chưa tròn nửa năm, ngoại tôi qua đời. Mẹ khóc hết nước mắt vì từ giờ không còn ai thân thích. Sau cùng, bà đành gạt nỗi đau sang bên và tiếp tục sống.

Năm mẹ tôi đôi mươi, bà tình cờ gặp một người mà sau này tôi sẽ gọi bằng “cha”. Cha tôi là người vùng khác. Không giống mẹ, ông - thương buôn giàu có đi làm ăn xa. Và khi thấy mẹ, cha đem lòng yêu.

Nghe mẹ kể, hồi đó bà thấy cha tôi rất đặc biệt. Ông nổi bật nhất trong nhóm người đi cùng mẹ. Có lẽ vì lý do ấy nên mẹ đồng ý khi cha ngỏ lời. Đơn giản, mẹ cần một người đàn ông bên cạnh. Sau bốn năm đi không ngừng, bà nghĩ đến lúc nên dừng lại.

Dù gì đi nữa, nỗi khao khát lớn nhất của một người phụ nữ vẫn là mái ấm gia đình, nơi có người chồng yêu thương mình cùng những đứa con nhỏ.

Cũng giống như đất sa mạc cằn cõi luôn khao khát những cơn mưa.

Mẹ theo cha tôi trở về quê hương ông. Đó là ngôi làng trù phú. Và gia đình họ nội của tôi thuộc hàng danh giá.

Ngày mẹ tôi ra mắt, ông bà nội tỏ ý không thích. Họ không chấp nhận người con dâu xuất thân từ nơi nghèo khổ như vậy. Dù cha tôi cố sức thuyết phục nhưng vô ích.

Không còn cách nào khác, cha tôi phải để mẹ tôi ở trong ngôi nhà tranh nhỏ. Cha hứa với mẹ, nhất định ngày nào đó sẽ để bà đường hoàng bước chân vào gia đình ông. Mẹ tôi không nói gì, chỉ mỉm cười gật đầu.

Mỗi ngày cha tôi đều đến thăm mẹ tôi. Họ đã có khoảng thời gian hạnh phúc nhất. Khi mẹ sinh đứa con trai đầu lòng, tức anh hai tôi, thì cha bị ông bà nội ép hôn với con gái một nhà giàu có.

Ban đầu cha nhất quyết cự tuyệt. Nhưng rồi sau cùng ông cũng nghe theo vì sợ “làm đau lòng cha mẹ”. Lúc biết tin, mẹ không trách ông nửa lời, vẫn mỉm cười gật đầu như thật sự hiểu cho nỗi khổ tâm của ông. Cha tôi lại tiếp tục hứa, chỉ thời gian ngắn thôi, sẽ đưa mẹ về nhà.

Vậy mà…

Hơn một năm sau, cha tôi lấy vợ thứ. Đến gặp mẹ tôi, ông quỳ gối trên giường, chẳng nói lời nào. Đối diện, mẹ không làm gì ngoài việc mỉm cười. Gật đầu.

Hai năm lần lượt trôi qua, bốn mùa thay màu áo. Xuân hạ thu đông vẫn tuần hoàn. Mẹ tôi sinh đôi, hai trai. Đó là anh ba và anh tư của tôi. Ấy thế trớ trêu thay, ông bà nội vẫn chưa chấp nhận mẹ tôi mà ép cha tôi lấy thêm vợ ba.

Cha tôi cứ thế. Im lặng nghe theo.

Ngày họ hàng bên nội mừng lễ cưới, mẹ tôi lặng lẽ bồng hai đứa con trai mới sinh nhìn cha tôi từ xa. Bà không nhớ gì ngoài vị mặn trên môi và nụ cười hạnh phúc của người đàn ông ấy. Bà không trách, chỉ buồn cho thân phận mình.

Bắt đầu từ lúc đó, cha tôi không đến thăm mẹ tôi nhiều như trước nữa. Ban đầu là mỗi ngày, tiếp theo là mỗi tuần rồi mỗi tháng, cuối cùng là nửa năm ông mới đến mái nhà tranh quạnh quẽ này.

Không còn ánh mắt ân cần, cử chỉ dịu dàng hoặc những lời hứa hẹn yêu thương, cha tôi trở nên lạnh nhạt hơn. Ông ít nhìn mẹ tôi. Chỉ ôm ba đứa con trai chốc lát rồi lại trở về.