Quế Hỷ đứng tần ngần phía trước cửa tiệm ba gian hồi lâu, ngoài hai gian lúc nào cũng khách khứa ra vào tấp nập, gian còn lại vắng vẻ hơn rất nhiều. Cô không biết chữ, sợ đi nhầm cửa lại bị chế nhạo. Dù sao cô vẫn có chút lòng tự ái. Ven đường có ông cụ bán hạt dẻ ngào đường, mồ hôi nhễ nhại, đang nắm chặt cái sạn sắt đảo qua đảo lại hạt dẻ và cát trong nồi sắt. Từng hạt dẻ ngào đường chắc mẩy đỏ au bóng bẩy nứt ra thành hình trăng lưỡi liềm, lộ ra phần thịt vàng óng bên trong, ngon lành, mùi thơm ngào ngạt tản ra khắp phố.
Quế Hỷ bước đến mua một túi, đưa một đồng tiền, cầm lấy hai cái quai túi mảnh rồi hỏi: "Đây là tiệm bán trang sức châu báu đúng không ạ?"
Vẻ mặt ông cụ mờ mịt gật đầu, xắn cái sạn xuống rồi đảo lên, cát bụi từ cái nồi cuồn cuộn bốc lên. Quế Hỷ nói tiếp: "Vòng ngọc bị gãy họ chịu sửa không ạ?"
Vì không có tiếng đáp lại nên cô lại cất giọng hỏi thêm lần nữa. Một đứa trẻ chạy đến mua hạt dẻ, ông lão cầm cái túi giấy lên, xúc đầy hạt dẻ vào. Quế Hỷ ngượng ngùng đi qua một bên, không phải là không nghe được, mà là lười quan tâm. Một người làm công trẻ tuổi trong tiệm vừa tiễn hai phú bà đi ra, vừa đi vừa nói cười vui vẻ, gọi giúp họ một chiếc xe kéo, dõi mắt nhìn họ đi xa rồi lại xoay người định trở vào tiệm. Lại thấy một cô em xinh xắn, tay cầm túi hạt dẻ ngào đường, tay còn lại vân vê chiếc khăn tay màu xanh thêu chim én, đứng một bên chần chừ muốn nói rồi lại thôi.
"Trong tiệm có khuyên tai, vòng nhẫn, trâm cài áo tiến cung, còn có cả trà cúc, bánh xốp hồ điệp, cô gái nhỏ có muốn vào ngồi một chút không?”
Cậu ta lướt qua phục trang của cô, rồi vẫn như cũ mỉm cười: "Không mua cũng không sao, vào xem thôi cũng được."
Quế Hỷ thấy cậu ta thân thiện, xáp lại gần hỏi: "Tôi có một chiếc vòng ngọc bị gãy thành hai nửa, các anh có thể sửa không?"
Cậu ta chỉ gian hàng trống không lạnh lẽo kia, cười nói: "Cô đến chỗ đó hỏi thử xem, bên đó chuyên gia công trang sức, thu mua, sửa chữa đồ hư hỏng."
Thấy cô chần chừ, cậu ta nói thêm: "Đều là cửa hàng của Hứa Nhị gia, sẽ không lừa gạt cô đâu."
Quế Hỷ bị đoán trúng ý, trên mặt hơi ửng hồng, vội vàng cảm ơn rồi cất bước đi đến cạnh cửa, vén rèm bước qua bậc cửa đi vào. Trong tiệm thoáng đãng, trên những chiếc kệ chạm trổ hoa văn bày biện đủ các loại đồ cổ bằng ngọc, trên tường treo tranh chữ sơn thủy của danh nhân. Cái quầy bên phía bắc được dát kính, đến gần nhìn thấy cơ man những món trang sức xinh xắn tinh xảo. Cô liếc mắt nhìn ông chủ đang ngồi chỗ quầy cửa hiệu. Anh mặc một chiếc áo dài lụa vân cẩm màu xanh ngọc, đang ngồi ngay ngắn trước bàn chong đèn đọc sách. Vòng phật gỗ lim trên cổ tay sa xuống trang sách. Bên cạnh là một chiếc lò đồng đang đốt trầm hương, làn khói lượn lờ quẩn quanh làm dịu bớt đi khí thế của hàng chân mày. Cả người anh toát lên phong thái hơn người, nhưng cũng dịu dàng nho nhã.
Quế Hỷ cúi đầu nhìn cây trâm bằng vàng khảm ngọc trai và đá quý, trong đầu suy nghĩ làm thế nào để mở miệng hỏi. Sáng sớm hôm nay, Hứa Ngạn Khanh đến cửa hàng trang sức kiểm tra sổ sách chi tiêu ba tháng, phát hiện sót mất vài trang, chủ tiệm và người làm còn đang cuống cuồng đi tìm. Anh cũng không gấp, ngồi đây vừa đọc sách vừa chờ. Bỗng dưng trong làn khói trầm hương lại lẩn khuất thêm mùi hạt dẻ ngào đường. Anh khẽ nâng mắt, chẳng biết từ khi nào trước quầy có một cô gái đang đứng, lộ ra nửa người. Ánh mắt anh chạm vào hàng cúc áo hoa mai cài đến tận cổ, vẫn không che được đoạn cổ trắng nõn lộ ra bên ngoài, làn tóc xanh được buộc chặt ở sau gáy. Bởi vì cúi đầu nên chỉ nhìn thấy vầng trán rộng phía trên, cùng chiếc cằm nhọn nhọn như hình hạt dưa. Anh không khỏi có cảm giác quen thuộc, như đã từng gặp ở đâu đó...
Anh nghĩ ngợi một hồi, rồi cong khóe miệng. Là cô bé quỳ trong sân nhà khách Vạn Quốc... Có đánh chết cũng không cúi đầu. Nhìn thấy cô còn yên lành, rảnh rỗi đi dạo tiệm trang sức, chắc chắn chủ nhà khách đã làm theo lời anh dặn dò, đỡ cho ai đó một trận đòn roi. Anh nhìn vậy nhưng bình thường vốn không thích xen vào chuyện của người khác.