Luận Đại Thừa Một Trăm Pháp Minh Môn

Chương 24: Pháp Vô Vi

PHÁP VÔ VI

第 五 無 為 者, 畧 有 六 種: 1) 虛 空 無 為

2) 擇 滅 無 為

3) 非 擇 滅 無 為

4) 不 動 滅 無 為

5) 無 想 受 滅 無 為

6) 眞 如 無 為

Đệ ngũ Vô vi giả, lược hữu lục chủng:

1) Hư không vô vi

2) Trạch diệt vô vi

3) Phi trạch diệt vô vi

4) Bất động diệt vô vi

5) Vô tưởng thọ diệt vô vi

6) Chân như vô vi

Pháp vô vi sơ lược có sáu thứ:

1) Hư không vô vi

2) Trạch diệt vô vi

3) Phi trạch diệt vô vi

4) Bất động diệt vô vi

5) Vô tưởng thọ diệt vô vi

6) Chân như vô vi

Luận này sẽ nêu ra tất cả pháp thế và xuất thế, gión gọn có 5 vị, 100 pháp. Bốn vị trước là Tâm Pháp, Tâm Sở Hữu Pháp, Sắc Pháp và Tâm Bất

Tương Ưng Hành Pháp. Cộng lại có 94 thứ thuộc Pháp Hữu Vi của thế gian. Phần này đã nghiên cứu xong. Giờ trình bày vị thứ năm thuộc Vô Vi Pháp là pháp xuất thế gian, sơ lược có sáu thứ.

Sao gọi là Vô Vi?

Vi có nghĩa tạo tác (làm ra). Hữu vi pháp có 94 thứ đều nhờ nhân duyên tạo tác mà có sanh diệt, vô thường, nên gọi nhân duyên hòa hợp thì sanh, nhân duyên phân tán thì diệt. Giờ đây sắp nghiên cứu Pháp Vô Vi, đó là pháp xa lìa nhân duyên tạo tác, không sanh không diệt, thường còn.

Nhưng Vô Vi Pháp và Hữu Vi Pháp không phải Một không phải Khác.

Không phải Một là Pháp Hữu Vi chỉ cho sự tướng sanh diệt, biến hóa, như làn sóng của những con sóng. Còn Pháp Vô Vi chỉ cho chân lý bất sanh bất diệt, thí như nước biển. Nếu Vô Vi và Hữu Vi cuối cùng là Một thì vô vi không sai khác, hữu vi cũng không khác. Hoặc hữu vi sai khác, vô vi cũng không khác. Nhưng thực tế không như vậy, nên nói là chẳng phải Một.

Chẳng phải khác là hoàn toàn không có Pháp Vô Vi tồn tại ở ngoài Pháp Hữu Vi, mà cùng với pháp hữu vi đối đãi nhau, cũng không thể tách Hữu Vi Pháp và Vô Vi Pháp thành hai phần riêng biệt. Nếu tách ra hai phần riêng biệt thì vô vi pháp không còn là thật tánh của Hữu Vi Pháp. Như nước biển tuy do gió động mà biến thành làn sóng, nhưng toàn nước là sóng, toàn sóng là nước.

Tóm lại, Phi Nhất (chẳng phải một) là ước dụng mà nói. Hữu Vi, Vô Vi không phải Một, như làn sóng với nước biển, một động một tĩnh. Phi Dị (chẳng phải khác) là ước thể mà nói. Hữu Vi, Vô Vi không khác, như nước biển tức là bản thể của làn sóng.

Đoạn trên đã nói Pháp Vô Vi hiển thị ở bốn chỗ: Vô Vi Pháp phải mượn bốn Pháp Hữu Vi Tâm, Tâm Sở, Sắc và Bất Tương Ưng Hành để hiển thị (biểu lộ). Từ đây cũng có thể thấy Hữu Vi, Vô Vi không phải Một, không phải Khác. Như núi, sông, cây, cỏ (dụ cho Vô Vi Pháp), tuyết phủ khắp mọi nơi (dụ cho Hữu Vi Pháp), tuyết khắp nơi tan chảy không còn nữa thì Pháp Vô Vi có thể biểu hiện.

Hai điểm khải thị (gợi ý). Căn cứ ý nghĩa trên, chúng ta có được hai điểm gợi ý sau đây:

1) Pháp Vô Vi phải từ pháp hữu vi làm ra, tức là lấy Vô Vi Pháp làm mục đích, mượn Hữu Vi làm con đường. Nếu chỉ thừa nhận Vô Vi, xem thường hữu vi thì đoạn tuyệt với Vô Vi. Nếu dính mắc vào Hữu Vi mà không biết Vô Vi thì tự vẽ rắn thêm chân. Đoạn trước nói đến người chấp sự, mê lý.

2) Tu Pháp Hữu Vi mà không vướng mắc, đó là Vô Vi. Trừ cách này, ngoài ra không có cái gì gọi là Vô Vi. Như Kinh Kim Cang nói: Thật ra không có chúng sanh được diệt độ, phải tự độ hết chúng sanh. Đối với pháp không vướng mắc, phải tự thực hành Bố Thí. Độ chúng sanh, hành Bố Thí là Pháp Hữu Vi vậy. Vô diệt độ, bất trụ pháp là Pháp Vô Vi vậy.

Nhưng là Pháp Vô Vi thì như như bất động, chẳng do nhân duyên sanh, vốn không thể nói, còn không thể gọi là Một. Sao lại nói có sáu thứ? Chỉ vì hiển thị ở bốn nơi, cho nên không gây trở ngại việc bám víu Pháp Hữu Vi có thể hiển lộ. Nói sơ lược chỗ hiển lộ của Pháp Vô Vi có sáu thứ khác nhau.

A: Hư Không Vô Vi.

Bách Pháp Trực Giải nói: Chẳng phải sắc, chẳng phải Tâm, xa lìa các chướng ngại, không thể tạo tác, nên gọi là Vô Vi. Pháp Vô Vi như hư không.

Vì cớ gì?

1) Phi Sắc: Không có chất ngại của Sắc Pháp.

2) Phi Tâm: Không có khả năng duyên lự của Tâm Pháp.

3) Ly Chướng: Đã không có chướng ngại tất cả vật, cũng không bị tất cả vật làm chướng ngại.

4) Vô Khả Tạo Tác: Không hình, không tướng, đã không thể do tạo tác sanh ra, cũng không thể do tạo tác diệt đi.

Tông Cảnh Lục, Quyển 6, nêu lên 10 nghĩa của hư không, dùng lý chân như làm tỉ dụ. 1) Vô Chướng Ngại: Dung nạp được tất cả

các pháp

2) Chu Biến: Có mặt khắp tất cả nơi.

3) Bình Đẳng: Vì không có khác nhau giữa thân sơ, xa gần, yêu ghét.

4) Quảng Đại: Không có biên giới.

5) Vô Tướng: Không có hình tướng.

6) Thanh Tịnh: Vì không ô nhiễm.

7) Bất Động: Vì không thể thiên chuyển.

8) Hữu Không: Vì thể không có.

9) Không Không: Vì không lại không.

10) Vô Đắc: Vì đều không thể được.

Mười nghĩa của hư không như thế, cho nên được dùng so sánh với Pháp Vô Vi.

Hỏi: Người đều thấy hư không, sao lại nói là không thể thấy?

Đáp: Người đời chỉ thấy sắc sáng tỏ trong không gian, nghĩ tâm ở trong đó, biết không khác với vật, đến khi hiểu được hư không, bèn nói là thấy hư không, nhưng thật sự không thấy. Nếu hư không có thể thấy thì sắc pháp rồi. Sắc thì vô thường, Niết Bàn mở rộng, không gian sáng trưng không thể không thấy.

B: Trạch Diệt Vô Vi.

Còn gọi là Số Diệt Vô Vi. Số chỉ Huệ Số (tức Tâm Sở Huệ). Diệt là Tịch Diệt (tức là Niết Bàn). Dựa vào huệ số đoạn chướng mà được Niết Bàn, nên gọi là Số Diệt Vô Vi (Vô Vi là tên khác của Niết bàn)

Sao gọi là Trạch Diệt Vô Vi? Bách Pháp Trực Giải nói: Sự chọn lựa của trí huệ chân chánh, diệt hết phiền não, hiển lộ chân lý, vốn không sanh, diệt, nên gọi là Vô Vi. Tức là dựa vào năng lực của việc chọn lựa chính xác là Nhân, mà được Quả vĩnh viễn đoạn trừ phiền não ràng buộc. Quả này do đoạn phiền não mà hiển lộ, vốn là Niết Bàn không sanh không diệt, nên gọi là Vô Vi.

Thành Duy Thức Luận, quyển 10, nói: Nêu ra hai thứ trạch diệt.

1) Diệt Phược Đắc (chứng được do diệt trừ phiền não): Vì dứt trừ phiền não cảm sanh (phiền não chướng) mà chứng được Trạch Diệt.

2) Diệt Chướng Đắc (chứng được do diệt sở tri chướng): Vì dứt trừ chướng còn lại (sở tri chướng) mà chứng được Trạch Diệt.

Cho đến Tông Duy Thức lập ra bốn loại Niết Bàn, chỉ có loại một là Bổn Lai Thanh Tịnh Niết Bàn là không thuộc Trạch Diệt Vô Vi, vì không do dứt trừ sở tri chướng mà được. Ba loại Niết Bàn còn lại đều thuộc Trạch Diệt Vô Vi. Vì sao?

1) Hữu Dư Y Niết Bàn: là Niết Bàn của Tam Thừa vô học dứt trừ phiền não chướng, chứng được sanh không, hiển lộ chân như. Đây là sự hiểu biết chân chánh. Dựa vào nghĩa tạm gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn (vì thân, trí, quả của người ấy vẫn còn, chưa diệt khổ y, nên gọi Hữu Dư Y Niết Bàn)

2) Vô Dư Y Niết Bàn: là thân, trí đều diệt hết, hoàn toàn không còn cái Nhân Khổ (phiền não chướng) và Quả Khổ (quả báo thân năm uẩn trong một giai đoạn) ở ba cõi, chân như đã hiển lộ. Dựa vào nghĩa ấy tạm gọi là Vô Dư Y Niết Bàn.

3) Vô Trụ Xứ Niết Bàn: Tức là chân lý của Bổn Lai Tự Tánh Thanh Tịnh Niết Bàn đã nói ở trước. Do ra khỏi hai chướng (phiền não chướng và sở tri chướng) mới có thể hiển lộ hoàn toàn vô trụ ấy. Đại Bi, Bát Nhã luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ Bát Nhã không ở trong sanh, tử. Nhờ Đại Bi không ở trong Niết bàn. Vì Bát Nhã là Đại Bi đem đến lợi lạc cho loài hữu tình xuyên suốt tương lai. Vì Đại Bi là Bát Nhã, vận dụng độ sanh mà luôn vắng lặng. Vì nương vào nghĩa ấy tạm gọi là Vô Trụ Xứ Niết Bàn.

Ba loại Niết bàn đều tiêu trừ ràng buộc, tiêu trừ hai chướng mà chứng được, nên thuộc Trạch Diệt Vô Vi.

C: Phi Trạch Diệt Vô Vi.

Còn gọi là Phi Số Diệt Vô Vi. Vì loại vô vi này, không nhất thiết nương vào trí huệ chân chánh để chọn lựa, mà sanh khi trừ hết phiền não thì hiển lộ, cũng có hai loại:

1) Lý Tánh Tự Hiển: Tức bản tánh của chân như, tuy bị khách trần che khuất, như ngọc minh châu trong sáng, rơi xuống bùn lầy, tánh thể của nó vốn trong sạch không cần phải kinh qua sức chọn lựa vô lậu mới hiển lộ. Bách Pháp Trực Giải nói: Bản Tánh Thanh Tịnh không nhờ sức chọn lựa, nên gọi là Vô Vi.

2) Duyên Khuyết Sở Hiển (thiếu duyên không hiển lộ). Tức là các pháp Sắc, Tâm nhờ các duyên mà sanh, nếu gặp thiếu duyên thì không sanh. Lý Thanh Tịnh hiển lộ là chỉ dựa vào đó, nên gọi là Vô Vi. Bách Pháp Trực Giải nói: Pháp Hữu Vi thiếu duyên thì tạm thời không sanh, tuy chẳng phải là hoàn toàn mất hết mà chỉ vì thiếu duyên, nên gọi là Vô Vi. Như khi nhãn thức và ý thức chuyên chú vào cảnh sắc thì những cảnh khác thinh, hương, vị, xúc đều vắng mặt. Tức là tuy có nhĩ thức mà không nghe tiếng, tuy có tỵ thức mà không ngửi hương, tuy có thiệt thức mà không nếm vị, tuy có thân thức mà không xúc giác. Vì sao? Vì chuyên chú (tập trung, chú ý) vào sắc rồi, nên các thức còn lại không sanh vì thiếu. Chẳng những ở đời này không sanh thức (trong trường hợp ấy) mà ở đời vị lai cũng không sanh.

Có người hỏi: Khi Nhãn cùng Ý Thức tập trung vào sắc, tai, mũi, lưỡi, thân thức tuy không sanh, nhưng sau đó một sát na có thể sanh lại, tại sao ở đời sau hoàn toàn không sanh?

Đáp: Vì sau một sát na thì các thức khác sanh lại, trước một sát na không phải là các thức ấy, tức là các thức khác đã bị nhãn và ý thức làm chướng ngại, ở đời vị lai càng không sanh lại. Vì sao? Vì năm thức trước chỉ có hiện lượng, nên không duyên ở quá khứ và vị lai. Cho nên Năm Thức có Phi Trạch Diệt, vì nhân duyên không đủ. Chính là dựa vào pháp hữu vi thiếu duyên này mà chân lý không được sanh ra, nên gọi là Phi Trạch Diệt Vô Vi.

D: Bất Động Diệt Vô Vi.

Tức là Bất Động Vô Vi là Pháp Vô Vi của Thiền Thứ Tư ở Sắc Giới hiện ra rõ ràng. Bất động tức Là Bất Động Định, đối lại với Hữu Động Định. Câu Xá Luận, quyển 28, nói: Dưới ba tĩnh lự (đệ tứ thiền) gọi là Hữu Động, vì còn có tai họa. (Sơ thiền, động vì Tầm, Tứ: Nhị Thiền, động vì Hỷ; Tam Thiền, động vì Lạc). Tĩnh lự thứ tư (Đệ Tứ Thiền) gọi là Bất Động, vì không có tai họa (năm thứ vui thích gọi là lạc; ý thức, do đó, phân biệt mà vui thích gọi là hỷ). Có tám thứ tai họa: Tầm, tứ, tứ thọ (khổ lạc, ưu, hỷ); nhập tức, xuất tức. Tám loại tai họa này Đệ Tứ Tĩnh Lự đều không có, nên Đức Thế Tôn nói là Bất Động. Dựa theo tám tai họa này, giống như gió có thể làm động mặt nước yên lặng. Giờ thiền thứ tư không có tám thứ tai họa này thì tâm như tấm gương sáng không hề giao động, cũng giống như mặt nước yên lặng không có sóng, nên gọi là Định Bất Động. Nhưng chữ Diệt trong bất Động Diệt, chính là chỉ tiêu diệt tám thứ tai họa này.

Bách Pháp Trực Giải nói: Bất Động Diệt Vô Vi là đi vào Thiền Thứ Tư, quên hết cả khổ, vui, bỏ luôn niệm thanh tịnh, tam tai (hỏa tai, thủy tai, phong tai) không đến được, cũng gọi là Vô Vi. Ở đây giải thích sơ lược như sau:

1) Quên cả khổ, vui. Vì trong Thiền Thứ Tư, tâm chuyển sang vắng lặng, trong năm thọ thì hai thọ khổ, vui đều không còn, chỉ còn tương ứng với xã thọ. (Sơ Thiền đủ ba thọ: 1) Hỷ thọ: được ý thức tương ứng. 2) Lạc thọ: được ba thức, nhĩ, thân tương ứng. 3) Xã thọ: được bốn thức nhãn, nhĩ, thân, ý thức tương ứng. Nhị Thiền đủ hai thọ: 1) Hỷ thọ; 2) Xã thọ. Hai thọ này cùng với ý thức tương ứng. Tam Thiền đủ hai thọ: 1) Lạc thọ; 2) Xã thọ. Hai thọ này cũng cùng ý thức tương ứng. Tứ Thiền chỉ có một xã thọ và cùng với ý thức tương ứng). Kinh Địa Trì nói; Đệ Tứ Thiền gọi là Xã Thọ Thiền.

2) Xã Niệm Thanh Tịnh (bỏ luôn niệm thanh tịnh), tức là Hành Xả Thanh Tịnh và Niệm Thanh Tịnh.

a) Hành xả thanh tịnh: xa lìa vui (lạc) mà không tiết nuối gọi là xả. Vì đã chứng được Tứ Thiền Bất Động Chân Định thì bỏ cái vui khó bỏ mà không sanh hối tiếc, được tâm an tịnh, bình đẳng, nên gọi là Hành Xả. Khi chứng Tứ Thiền Bất Động Định, tâm không ghi nhớ dính mắc, tự mình có thể lìa bỏ, nên gọi là Hành Xả. (Hành Xả một trong những thiện pháp, cho nên gọi là Hành Xả, vì chọn riêng Xả của Xả thọ.

b) Niệm Thanh Tịnh: Niệm là nhớ rõ không quên. Vì hành giả đã chứng được Đệ Tứ Thiền Chân Định, đang nghĩ nhớ đến lỗi làm ở hạ địa (địa thấp nhất trong chín địa), lại nhớ đến công đức của chính mình, được nuôi lớn thích lợp, làm cho không thoái lui, tiến vào thắng phẩm, cũng gọi là chứng Tứ Thiền Bất Động Định, thiền định phân minh, đẳng trí chiếu soi, nên gọi là Niệm Thanh Tịnh. (Đẳng trí là trí hiểu biết việc Thế gian. Biết khắp các pháp nên gọi là đẳng trí).

3) Tam Tai Không Đến. (Tam tai là ba thứ tai họa khởi lên ở Kiếp Mạt, có hai loại nhỏ và lớn. Nếu Tiểu Tam Tai thì phát sanh ở Kiếp Trụ. Tức là trong Kiếp Trụ có 12 kiếp tăng, giảm. Khi khởi lên đến lúc kết thúc kiếp giảm, gọi đó là Tiểu Tam Tai (đao binh tai, tật dịch tai, cơ cẩn tai). Nếu Đại Tam Tai thì xuất hiện ở Hoại Kiếp. Tức là trong kiếp hoại có 20 kiếp tăng, giảm. Trước 19 kiếp tăng, giảm, loài hữu tình của cõi thế gian hư hoại, đến một kiếp tăng, giảm cuối cùng thì cõi thế gian hư hoại vì ba Đại Tam Tai ( hỏa tai, thủy tai, phong tai).

Giờ nói Tam Tai là chỉ cho Đại Tam Tai. Đại tam tai không khởi lên cùng một lúc mà tuần tự khởi lên để tiêu hoại thế gian. (Đầu tiên hoả tai nổi lên: bảy mặt trời xuất hiện cùng một lúc, sau đến Thuỷ tai nổi lên do mưa kéo dài, rồi đến Phong tai nổi lên do gió đánh vào nhau. Sức mạnh của ba loại tai hoạ đó huỷ hoại Khí thế gian).

a) Hỏa tai: Lửa đốt cháy từ Dục Giới đến Trời Sơ Thiền.

b) Thủy tai: Nước ngập từ Dục Giới đến Trời Tam Thiền.

c) Phong tai: Gió thổi tan từ Dục Giới đến Trời Tam Thiền.

Hỏi: Duyên gì mà Định Thứ Ba trở xuống bị hỏa, thủy, phong tai?

Đáp: Trong Sơ, Nhị, Tam Thiền tai họa ở trong bằng những tai họa kia. Nghĩa là Tam Tai bên ngoài do Tam Tai bên trong chiêu cảm. Như Sơ Thiền lấy Tầm, Tứ làm nội tai. Tầm, Tứ phân biệt giống như lửa dữ có thể đốt cháy tâm cáu giận, buồn rầu, nên chiêu cảm Hỏa Tai bên ngoài. Nhị Thiền lấy Hỷ Thọ làm một tai và khinh an đều có thể làm thân mát nhuận như nước nên chiêu cảm Thủy Tai bên ngoài. Tam Thiền lấy sự rung động của hơi thở làm nội tai. Hơi thở nầy là gió, nên chiêu cảm Phong Tai bên ngoài.

Tóm lại, Sơ Thiền có đủ bên trong, ngoài cũng bị Tam Tai phá hoại.

Nhị Thiền có Nhị Tai bên trong, ngoài cũng bị Nhị Tai phá hoại.

Tam Thiền chỉ có một tai, nên ngoài cũng chỉ có một tai phá hoại.

Hỏi: Tứ thiền sao Tam Tai không đến?

Đáp: Lý do Tứ Thiền không có ngoại tai, vì không có nội tai. Do đó Phật nói Tứ Thiền là Bất Động. Bất Động thì bất hoại. Tam Tai trong ngoài không thể đến được.

Pháp Vô Vi xa lìa tất cả nói năng, một vị bình đẳng, vốn không khác nhau, chỉ tùy theo khả năng mà hiển lộ (như căn cơ có nhanh, chậm; ngộ có cạn, sâu…) nên phương tiện nói có khác nhau. Giờ thì tùy theo hành giả vào Thiền Thứ Tư Bất Động Định thì Pháp Vô Vi được hiển thị, tạm gọi là Bất Động Diệt Vô Vi.

E: Tưởng Thọ Diệt Vô Vi.

Nếu như hành giả vào Diệt Tận Định có thể Pháp Vô Vi được hiển thị. Bách Pháp Trực Giải nói:

Tưởng, Thọ diệt là Vô Vi, vào Diệt Tận Định, Tưởng,

Thọ không còn hoạt động, vì gần giống với Niết Bàn, cũng gọi là Vô Vi. Ở đây giải thích sơ lược như sau:

1) Diệt Tận Định; là không còn Tâm, Tâm Sở (của sáu thức trước và phần tâm, tâm sở nhiểm ô của thức thứ bảy và trụ vào Định Vô Tâm Vị. Gọi đó là Diệt Tận Định.

2) Tưởng, Thọ không hoạt động. Diệt Tận Định cũng gọi là Diệt Thọ Tưởng Định. Bởi vì tất cả thánh nhân trước khi vào định này, rất là chán ghét hai Tâm Sở Thọ và Tưởng rồi cố gắng tìm cách diệt nó đi, nên từ gia hạnh (chuẩn bị hành động) đặt tên là Diệt Thọ Tưởng Định. Câu Xá Luận, quyển 1, nói:

Pháp sanh tử lấy Thọ và Tưởng làm Nhân tối thắng (hơn hẳn). Do đam mê, vướng mắc Thọ mà khởi lên tưởng điên đảo sanh tử luân hồi. Ý muốn nói; nguyên nhân hữu tình chúng sanh trôi lăn trong sống chết, không phút giây tạm ngừng, một mặt là do nam, nữ say đắm nhau, mê mẫn quấn quít hưởng thọ dục lạc; mặt khác là lúc thân trung ấm đầu thai, niệm đầu tiên sanh ra tưởng điên đảo. Vì ở chúng sanh có đầy đủ hai thứ nhân duyên điên đảo tưởng này là ham muốn, đắm say hưởng thọ dục lạc. Do đó từ vô thỉ kiếp đến nay luôn ở trong luân hồi sanh tử, chịu vô lượng khổ.

Đức Thế Tôn thị hiện ở thế gian, giảng kinh, thuyết pháp, chỉ có một mục đích là dạy cho chúng sanh được giải thoát sự trói buộc của sanh tử và thể nhập Niết Bàn. Vì lý do này về sau Đức Thế Tôn chỉ dạy cho người tu tập các thiền định. Đó là Định Diệt Thọ, Tưởng chuyên đối trị hoạt động của Hai Loại Tâm Sở Thọ Và Tưởng. Người hành giả tu học định này, nếu có khả năng dựa vào sự chỉ dạy của Thế Tôn, như pháp tu hành, thì có thể khắc chế Thọ, Tưởng, ngưng hẳn hưởng thọ dục lạc, xa lìa vọng tưởng điên đảo. Như vậy là thoát hẳn sống, chết, chính mình chứng được Niết Bàn vắng lặng.

3) Gần giống như Niết Bàn. Duy Thức Tâm Yếu, quyển 7, nói: Định này tuy thuộc Đạo Đế, nhưng gồm có Phi Học và Phi Vô Học, vì nó gần giống với Niết Bàn. Nghĩa là Diệt Tận Định là một pháp hữu vi vô lậu, gộp vào Đạo Đế, không phải Niết Bàn Diệt Đế.

Lại định này đã thuộc Đạo Đế phải thuộc hữu học. Nhưng gần giống Niết bàn vắng lặng mầu nhiệm, nên chẳng phải thuộc hữu học.

Lại định này đã không phải là Diệt Đế Niết Bàn, nên cũng chẳng thuộc vô học.

Như trên đã nói tuy hành giả vào Diệt Tận Định cũng gọi là Vô Tâm Định, diệt tâm, tâm sở làm cho thân được an ổn. Nhờ vậy mà hiển thị được pháp Vô Vi, tạm đặt tên là Tưởng Thọ Diệt Vô Vi.

F: Chân Như Vô Vi.

Do tánh của pháp này chân thật, tướng thì như thường mà đặt tên như vậy. Năm loại vô vi trước đều dựa vào đây mà giả lập.

Luận Thành Duy Thức, quyển 9, nói: Chân là chân thật, hoàn toàn không hư vọng. Như là như thường, hoàn toàn không biến đổi. Vì sự chân thật này đối với tất cả vị, tánh của nó thường như, nên gọi là Chân Như. Tức có nghĩa là vắng lặng không hư vọng. Trong đoạn văn trên có cụm từ “tất cả vị” là chỉ cho nhân quả thuộc thánh, phàm, các phần vị thế và xuất thế gian. Vì Chân Như bất biến tùy duyên, nên gọi là đối với tất cả vị (ư nhất thiết vị). Lại vì Chân Như tùy duyên bất biến, nên gọi đối với tất cả vị tánh của nó thường như. Đó chính là tại phàm không giảm, tại thánh không tăng, ở trong sanh tử mà không nhiễm, chứng Niết Bàn mà không tịnh. Giống như nước với băng cùng có tánh ướt.

Luận Thành Duy Thức, quyển 2, nói: Chân như cũng là cái tên giả lập. Ngăn chặn không để vướng vào không nên nói là có. (Tức là ngăn chặn ác thủ không và tà kiến, nên gọi chân như là có). Ngăn chấp hữu nên nói là không (chận lại chấp thật hữu của Hóa Địa Bộ thuộc Tiểu Thừa, nên nói là không. Tình Chấp là không, không phải không có thể của chân như). Không nói hư, ảo (hư dối, ảo hóa) nên nói là thật. (Hư là Biến Kế Sở Chấp. Ảo là dựa vào đó mà được biểu hiện, tức là biểu hiện Chân Như là Tánh Viên Thành Thật). Về lý chẳng hư vọng, điên đảo, nên gọi là Chân Như (chẳng phải giả dối nên gọi là chân. Không điên đảo nên gọi là như). Thuật Ký, quyển 53, cũng nói: Chân là chọn lọc các pháp hữu lậu, vì hữu lậu giả dối. Như là chọn lọc vô lậu hữu vi, thể của nó là chân nhưng vì có sanh có diệt.

Sự quan hệ giữa Chân Như và các pháp. Bách Pháp Trực Giải nói: Chân Như chính là tánh vừa giả vừa thật của các pháp Sắc, Tâm. (vừa giả vừa thật của sắc, tâm tức chỉ cho bốn pháp hữu vi ở trước). Các pháp như sóng, tánh của các pháp như nước. Các pháp như sợi đay, tánh ấy như sợi dây. Các pháp không có tánh này thì không có tự thể. Tánh này lìa các pháp cũng không có tự tướng, cho nên với các pháp không phải một không phải khác.

Kế đến nói rõ phương pháp chứng được Chân

Như. Bách Pháp Trực Giải nói: Chỉ có lìa xa Biến Kế Sở Chấp, thấu rõ ngã, pháp đều không mới có thể chứng được thể của Chân Như. Nghĩa là chúng ta nếu muốn chứng được Chân Như thì phải bất đầu ở đây: Quán sát muôn pháp đều là Y Tha Khởi. Tất cả phàm phu do không hiểu Y Tha Khởi, muôn pháp dựa vào Y Tha Khởi biến kế thành thật có, liền hiện ra vọng tưởng trùng trùng, mà còn bị vọng tưởng ấy làm khốn khổ, quấy rối và ràng buộc. Do vậy trôi nổi trong biển khổ sanh tử trường kỳ, không một phút dừng nghỉ. Trái lại, nếu chúng ta có thể nương vào muôn pháp của Y Tha Khởi mà vận dụng trí huệ Bát Nhã, luôn luôn thấu hiểu muôn pháp đều là sự biến hiện của Y Tha Khởi, giả tướng tạm thời tồn tại. Đương thể của vạn pháp tức không, cuối cùng không có một cái gì gọi là có. Giống như mộng, ảo, bào, ảnh thì có thể không bị mê lầm bởi giả tướng, lìa xa vọng tưởng do Biến Kế Sở Chấp gây ra, mà chứng được Diệu Lý Viên Thành thật mới mong nhảy ra khởi vòng xoáy luân hồi sanh tử, đi vào cung điện an lạc Niết Bàn.

Bách Pháp Trực Giải lần đầu tiên giải thích đề mục của luận này rằng: Nếu trong tất cả pháp thấu rõ nhị không thì tất cả đều là cánh cửa đi vào chứng lý Đại Thừa. Câu này khuyên chúng ta, nếu có thể trong từng ngày bình thường, đối với vạn tượng muôn hình, muôn vẽ của thế gian, bất cứ một việc gì, một lý gì, tất cả đều quán chiếu tư duy, thông đạt lý nhị không của ngã và pháp. Từ sự quán chiếu, từ duyên như thế nên đều có thể chứng nhập lý thể của Đại Thừa (tức Chân Như) và được giải thoát sanh tử, thành Phật an vui. Đây cũng là dụng ý của Bồ Tát Thiên Thân khi viết luận này.

Về sau gọi Chân Như tức Duy Thức Tánh. Vì sao? Luận Thành Duy Thức, quyển 9, nói: Duy thức tánh, tóm tắt có hai thứ.

1) Hư Vọng: Đó là Biến Kế Sở Chấp (tức biến kế dựa trên Y Tha Khởi).

2) Chân Như Thật: Đó là Tánh Viên Thành Thật (tức viên thành thật dựa trên Y Tha Khởi biểu hiện). Vì đơn giản nói là hư vọng mà để nói thật tánh. Đây là nêu rõ hai Tánh Biến Kế và Viên Thành đều không rời Y Tha Khởi. Chỉ dựa vào Y Tha Khởi để bỏ đi Biến Kế Chấp của hư vọng, tức là có thể làm xuất hiện Viên Thành Thật đúng đắn (chân như). Giờ lược bỏ hư vọng của Duy Thức Tánh (tức Biến Kế Chấp), nên thêm vào chữ Thật mà nói là Chân Thật Duy Thức Tánh hoặc Duy Thức Thật Tánh.

Luận thành duy thức, quyển 9, nói: Còn có hai tánh nữa.

1) Thế tục: Đó là tánh Y Tha Khởi.

2) Thắng nghĩa: Đó là Viên Thành Thật. Vì lược bỏ thế tục nên nói thật tánh. Đây là trừ bỏ pháp vô thể của biến kế chấp mà cùng với pháp hữu thể một cách tương đối. Giờ giản lược duy thức tánh của thế tục (tức y tha khởi) mà làm lộ rõ Chân Như Thắng Nghĩa, cho nên thêm chữ thật và nói Chân Như là Thật Tánh Duy Thức.

Luận này tuy phân tích tất cả pháp làm năm vị, nhưng tất cả pháp đều không lìa thức. Vì sao? Vì tâm vương lìa tự tánh của thức, tâm sở là tương ứng của thức, sắc là cái thức biến hiện, tâm bất tương ứng hành là phần vị của thức, vô vi là thật tánh của thức. Vì vậy nói: Sự, lý của năm pháp không lìa thức. Hoặc nói: Tất cả duy thức, lìa khỏi thức không một pháp nào có thể tồn tại, cho nên nói rằng tất cả pháp vô ngã.