Luận Đại Thừa Một Trăm Pháp Minh Môn

Chương 23: Vị Thứ Tư Tâm Bất Tương Ưng Hành Pháp P2

VIII. Danh Thân

Sao gọi là Danh Thân? Danh là danh từ, danh từ hay danh xưng. Thân là tụ tập. Một tên gọi là Danh, hai tên trở lên hợp nhau gọi là Danh Thân. Thí dụ nói Nhãn (mắt) là Đơn Danh. Nếu nói nhãn, nhĩ, tĩ, thiệt, thân cho đến hai tên hợp lại thì gọi là Danh Thân. Danh có công năng (chức năng, chức phận, tác dụng) gì? Bách Pháp Trực Giải nói: Giải thích tự tánh của tất cả các pháp, tức là giải thích nghĩa của tự thể tất cả các pháp, mà còn khiến cho sanh ra công năng giác huệ. Câu Xá Luận Quang Kí, quyển 5, nói: Danh có nghĩa là Tùy (thuận theo), Quy (trở về), Phó (đi đến), Triệu (gọi lại). Nghĩa là chúng ta có thể tùy theo tên gọi các cảnh như sắc, thanh, hương.v.v. mà trở về với các cảnh sắc, thanh, hương.v.v. và đồng thời kêu gọi các cảnh sắc, thanh, hương.v.v..ấy khiến cho trong tâm của con người hiện rõ tướng trạng của các cảnh sắc, thanh, hương.v.v..Vì vậy nói Danh giải thích tự tánh của tất cả các pháp.

Du Già Luận, quyển 72, nói: Danh là gì? Vì từ tướng mà ngôn ngữ có thêm thắt (tăng ngữ). Tăng là tăng ích (thêm lên), ngữ là âm thanh. Vốn là tự thể của tất cả các pháp chẳng có tên gọi. Nhưng vì Thức Thứ 6 của chúng ta tương ưng với Tâm Sở Tưởng, đối cảnh giữ lấy hình tượng, sau bày vẽ ra vô số tên gọi. Vì vậy danh xưng (tên gọi) là khách thể, không phải là bản thể của tất cả pháp, cho nên gọi là Tăng Ngữ. Giống như các uẩn giả hòa hợp mà có tên chúng sanh (các uẩn hòa hợp vốn không có tên là chúng sanh); mượn cột, kèo, tường, vách.v.v.. mà có tên nhà; lớn do nhỏ mà có tên lớn; dài do ngắn mà có tên dài, cũng đều như vậy.

1/ Các pháp vốn không có tên gọi. Tên gọi của các pháp như tưởng tương ứng, với Thức Thứ Sáu nương vào sự tương đối mượn tướng của các pháp mà giả bày, vẽ ra.

2/ Danh.

Tuy có thể giải thích tự tánh của các pháp, lại không thể khớp với bổn phận của nó, không thể thích hợp lượng của nó với tự thể của các pháp, cả hai không phù hợp nhau. Như nói lửa không cháy, nước không chìm. Vật không có tên đúng, tên không thể nói lên được công dụng của vật. Tức là Danh Tướng đã không thể nói lên Hiện Tượng biến hóa và Công Dụng của vật, cũng không thể nắm vững tánh chân thật của cảnh giới khách quan. Vì vậy, cái khả năng giải thích các pháp của Danh chỉ là phương tiện giả lập mà không có thực tế.

IX. Cú Thân

Cú chính là câu. Câu đơn giản nhất gồm có chủ từ và thuật ngữ (vị ngữ). Như “điểu phi”, “chim bay”, “điểu” là chủ từ, “phi” là thuật ngữ (đối với chủ từ có thêm văn tự để trình bày tính chất, trạng thái, động tác.v.v.. của chủ từ). Như câu “Chư hành vô thường” thì chư hành là chủ từ; vô thường là thuật ngữ. Câu có công năng gì? Bách Pháp Trực Giải nói: Câu giải thích sự khác nhau của các pháp. Tức là câu có thể giải thích rõ ràng sự khác nhau về nghĩa lý của tất cả các pháp. Như câu “Nhãn vô thường”, trong câu này nhãn là danh tự có thể trực tiếp giải thích rõ ràng tự thể của nhãn, giờ còn thêm hai chữ vô thường thì thành một câu. Câu có thể giải thích sự khác nhau về nghĩa lý của các pháp. Nghĩa là nhãn vô thường cùng với thường trụ bất diệt của vô vi pháp thì có sự khác nhau.

Lại đề cập đến Cú Thân. Thân có nghĩa là tập hợp. Một câu là câu, như câu: “Chư hành vô thường”. hai câu trở lên mới là Cú Thân, như: “Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết Bàn tịch tịnh”, là cú thân. Luận Du Già, quyển 81, nói: Cú Thân là danh tự đầy đủ, có 6 loại: 1/ Chân không đầy đủ; 2/ Câu đầy đủ; 3/ Câu đã được tạo thành; 4/ Câu có khả năng tạo thành; 5/ Câu đầu đề; 6/ Câu giải thích.

Câu không đầy đủ là văn không rốt ráo, nghĩa không còn rốt ráo, còn câu thứ hai thì mới được đầy đủ, tức. Như nói: Chư ác giả mạc tác, chư thiện giả phụng hành, thiện điều phục tự tâm, thị chư Phật thánh giáo. Nếu chỉ nói: Chư ác thì không được rốt ráo; Hoặc nói: Chư ác giả thì nghĩa không rốt ráo, phải thêm vào mạc tác thì mới được đầy đủ, tức là cấu đầy đủ.

Câu được tạo thành là câu trước do câu sau mới thành lập được. Như nói: “Chư hành vô thường, hữu khởi tận pháp, sanh tất diệt cố, bỉ tịch vi lạc”. Trong đây câu được tạo thành là “Chư hành vô thường”, vì câu kế nói “hữu khởi tận pháp”, câu trước là câu được tạo thành, câu sau là câu tạo thành (sở thành cú, năng thành cú là vậy).

Câu đầu đề như nói “Thiện Tánh”. Câu giải thích là nói thẳng “người cư sĩ hiền lành, tài giỏi”.

X. Văn Thân

Văn tức là Tự (chữ), là chỗ nương tựa của Danh và Cú. Văn có đủ khả năng làm cho nghĩa rõ ràng; hoặc làm rõ nghĩa của Danh, Cú; hoặc làm cho nghĩa lý hiển lộ. Một chữ (tự) là Văn, hai chữ trở lên là Văn Thân. Như chữ “bồ” là Tự (chữ), nhưng “bồ đào” hai chữ là Danh; “bồ đào vị toan” bốn chữ là Cú. Như thế có thể thấy Danh, Cú đều dựa vào Văn (hay Tự) mà lập ra. Nhưng Danh, Cú, Văn cả ba đều dựa vào phần vị của pháp trần sắc, thinh mà giả lập ra.

Nếu trong ngôn ngữ mà có Danh, Cú và Văn (hay tự) thì dựa vào Thinh lập ra. Nếu trong sách, vở mà có Danh, Cú, Văn (hay tự) thì dựa vào sắc lập ra. Nếu trong tâm tưởng mà có Danh, Cú, Văn (hay tự) thì dựa vào Pháp lập ra.

Tóm lại Danh, Cú, Văn chia ra 4 vị:

Vị một có 3: Sắc trần: trong sách vở có Danh, Cú,Văn thì đều dựa vào Sắc mà lập. Thinh trần: trong ngôn ngữ có Danh, Cú, Văn, thì đều dựa vào Thinh mà lập. Pháp trần: trong tâm tưởng có Danh, Cú, Văn, thì đều dựa vào Pháp lập.

Vị hai văn: Trong sách vở, ngôn ngữ, tâm tưởng, có chữ “bồ” thì chưa chỉ cho cái gì, đó là Tự Vị.

Vị ba danh: Trong sách vở, ngôn ngữ, tâm tưởng có hai chữ “bồ đào” giải thích một vật phẩm đó là danh vị.

Vị bốn cú: Như nói thêm “bồ đào vị toan”, để khác với “điềm bồ đào”, đó là Cú Vị. Do trên mà có thể biết Danh, Cú, Văn, đều dựa vào ba trần Sắc, Thinh, Pháp mà giả lập, không có tự thể. Nhưng đây là qui ước của chúng sanh ở cõi Ta Bà, ba loại căn thức Mắt, Tai, Ý rất nhanh nhẹn nên liên hệ với ba trần mà lập ra Danh, Cú, Văn. Nếu kể đến chúng sanh ở thế giới khác, căn thức còn lại nhanh nhẹn và lanh lợi thì cơm ngon, áo đẹp.v.v.. đều có thể dựa vào đó để giả lập Danh, Cú, Văn. Như Nhãn Căn lanh lợi thì dự vào ánh sáng lập ra Danh, Cú, Văn. Tỷ Căn lanh lợi thì dựa vào hương thơm lập ra Danh, Cú, Văn. Thiệt Căn nhạy bén thì dựa vào vị ngon mà lập ra Danh, Cú, Văn. Thân Căn nhạy bén thì dựa vào xúc trần mà lập ra danh, cú, văn.

Vì vậy, nói chung rằng mười phương cõi Phật, sáu trần đều là giả lập Danh, Văn, Cú đều là những lời dạy bảo của Phật (giác Kinh), cũng đều là những pháp môn tu hành (hành Kinh), đều là những giáo lý vi diệu (lí Kinh). Tất cả đều có thể hiển thị nghĩa lí, tất cả pháp đều là giáo thể (lời dạy của Phật): hoặc nháy mắt, hoặc mỉm cười, hoăc cau mày, há miệng, hoặc dựng mày, hoặc húng hắng, hoặc nhớ lại, hoặc cục cựa.v.v..những việc tương tự như vậy đều là làm hiển lộ Phật Pháp. Như ở thế gới Hương Tích, ăn bữa cơm ngon như hiển bày Tam Muội. Như ở nước Cực Lạc tiếng gió reo trong tàn cây như Chánh Niệm thành tựu. Tóm lại, không chỉ có nói năng mới có các pháp.

XI. Sanh

Sanh là gì? Luận Thành Duy Thức, quyển 2, nói: Trước không giờ có, có một vị trí trong trời đất gọi là Sanh. Nghĩa là xưa nay chẳng có pháp này, hiện tại vay mượn bao nhiêu điều kiện phối hợp thì mới có pháp này xuất hiện. Khoảng thời gian pháp này tồn tại gọi là Sanh. Thí như trong hư không, xưa nay không có kẽ hở (vốn trước không), giờ dùng hai tay chắp lại thì có kẽ hở hiện ra (giờ có). Kẽ hở ấy chỉ tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn, gọi là Sanh. Dù sự tồn tại của pháp này không dài lâu, chỉ tạm thời, khi hai tay tách ra thì thời gian hiện hữu ấy hết. Lúc ấy khe hở này trở về lại với hư không.

Chúng ta quan sát vạn hữu trong vũ trụ, tuy vô cùng phức tạp nhưng đều do quy nạp mà có, không ra ngoài hai pháp Sắc, Tâm. Hoặc có người hỏi: Hai pháp Sắc, Tâm này sanh khởi như thế nào? Theo Phật Pháp nói: Không luận Sắc Pháp hay Tâm Pháp cũng đều nương nhờ nhân duyên mà sanh khởi. Bách Pháp Trực Giải nói: Sanh là dựa vào Sắc, Tâm và nương vào Duyên mà giả lập. Nghĩa là sắc pháp có hai duyên sanh (là thân nhân duyên và tăng thượng duyên), tâm pháp có 4 duyên sanh (thân nhân duyên, tăng thượng duyên, sở duyên duyên và đẳng vô gián duyên). Tất cả các pháp thuộc hiện tượng giới trong vũ trụ đều do nhân duyên hòa hợp mà sanh, song không có thật thể, chỉ là giả tướng của Sắc, Tâm do nhân duyên hòa hợp mà tồn tại trong chốc lát. Gọi là Sanh, thật ra là Pháp Giả Lập.

XII. Trụ

Sao gọi là Trụ? Luận Thành Duy Thức, quyển 2, nói: Khi sanh tạm dừng thì gọi là Trụ. Tức là sau khi hai pháp sắc, tâm sanh khởi, an trụ tạm thời (chốc lát), gọi là Trụ. Bách Pháp Trực Giải nói: Nương vào sự hiện hữu của Sắc, Tâm trong chốc lát dường như liên tục, mà giả lập ra. Dường như (tương tự) là chỉ sự tương đồng, đại khái là trước và sau của Sắc, Tâm. Liên tục (tương tục) là chỉ sự liên tiếp trước và sau không gián đoạn của Sắc Và Tâm.

Lấy con người làm ví dụ, giai đoạn Trụ bao lâu? Lấy tuổi thọ con người là 80 năm để tính: 50 năm trước, tri thức chưa mở mang, còn mơ hồ, 30 năm sau tinh lực đã suy đồi, trí nhớ giảm dần. Trong tuổi 50 có thể cho là thời gian an trụ chốc lát. Ở giai đoạn này Sắc, Tâm tương đồng liên tục trong chốc lát. Đây chính là khoảng thời gian quý báu nhất trong một đời người của chúng ta, nhân cơ hội này nên tích cực cho sự nghiệp tự độ và độ tha của Bồ Tát, mới mong một đời không rỗng tuếch.

XIII. Lão

Sao gọi là Lão? Bách Pháp Trực Giải nói: Lão còn có tên là Đổi Khác (dị). Vì Sắc, Tâm thay đổi không dừng, từ từ đi đến suy yếu, đổi khác. Gọi là Già (lão), cũng gọi là đổi khác (Dị). Dị đi đến biến hóa, Sắc, Tâm trước sau bắt đầu biến hóa gọi là dị. Luận Thành Duy Thức, quyển 2, nói: Trụ khác với trước và sau, nên đặt tên khác. Tức là đối với Sắc, Tâm tương tợ liên tục trong một lát, là giai đoạn an trụ bất biến, bỗng nhiên khởi lên sự khác nhau, trước mạnh, sau yếu, nên đặt tên là Dị. Nói đến Dị (đổi khác) là nói đến sự biển đổi của Sắc Thân và Nội Tâm.

Sự biến đổi của sắc thân như: tóc thưa và bạc, da nhăn nheo, sức lực suy giảm, thân gù lưng còng, thở gấp hổn hển, khí lực hao gầy, đi lại chậm chạp, tới lui nhờ gậy, da nổi tàn nhang lốm đốm khắp người.

Sự biến đổi của nội tâm như sách vở nói: Ngủ nhiều, dậy muộn, trí nhớ giảm dần, hiểu biết chậm chạp. Tóm lại, thời tuổi trẻ hoài bão bao nhiêu lý tưởng, hùng tâm chí cả. Một khi tuổi già ập tới thì khói tỏa mây tan, tinh thần hết hứng thú. Vậy mượn Sắc, Tâm mà có thân này từ từ biến đổi theo thời gian rồi già yếu và giả, gọi đó là già.

XIV. Vô Thường

Sao gọi là Vô Thường? Du Già, quyển 87, nói: Vì pháp trong các hành đã diệt mất hoàn toàn, nên gọi là Vô Thường. Tức là pháp hữu vi tiêu diệt, tan nát, không thể phát sanh hoạt động, tác dụng trở lại. Gọi đó là Vô Thường. Bách Pháp Trực Giải nói: Vô thường cũng gọi là tiêu diệt, dựa vào Sắc, Tâm giả lập tạm có, giờ trở về với không. Tức là Vô Thường cũng gọi là diệt. Vậy mượn các pháp Sắc, Tâm, vì bị nhân duyên phân tán, nên từ cái tạm có trong một giai đoạn trở về với trạng thái hư không, vì vậy giả lập pháp Vô Thường.

Luận Đại Trí Độ, quyển 43, nêu ra hai loại Vô Thường:

1) Niệm niệm vô thường, tức sát na vô thường (sát na bằng một niệm). Tất cả pháp hữu vi sanh, diệt trong từng sát na, thay đổi không lường. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi của một sát na mà có đủ bốn tướng Sanh, Trụ, Dị, Diệt.

2) Nhất kỳ vô thường, đúng ra đó là sự kéo dài của sát na vô thường, còn có tên là Tương tục vô thường. Nghĩa là sự tương tục của một pháp, nhưng cuối cùng cũng phải hoại diệt. như cái thân do nghiệp báo của chúng sanh, ở trong sáu đường, luân hồi không dứt. Đó là pháp tương tục. Cái thân nghiệp báo của chúng sanh, từ sanh đến chết tuy thời gian dài, ngắn không giống nhau, đều gọi là nhất kỳ. Tất cả chúng sanh, nhất kỳ sanh mạng ở cõi khác, đều không tránh khỏi dòng chảy của bốn tướng Sanh, Trụ, Dị Diệt.

Thật ra không chỉ có nghiệp báo thân thể này, cho đến động, thực, khoáng vật tồn tại ở thế gian, tất cả quốc gia, thế giới tồn tại trong vũ trụ này…đều phải qua dòng chảy của bốn tướng Sanh, Trụ, Dị, Diệt, không có một vật nào miễn trừ.

Ba Tướng Của Pháp Hữu Vi.

Trong Phật pháp, cũng có khi nói ba tướng của pháp hữu vi. Ba tướng pháp hữu vi có hai thuyết:

1) Chỉ lập Sanh, Dị, Diệt, không lập tướng Trụ.

Vì sao? Nếu nói Trụ, sợ chúng sanh sẽ khởi lên tham ái cột chặt, nên Phật không lập tướng Trụ.

Thật tế cũng không có tướng trụ để nói, bởi các pháp vô thường trong từng sát na, lấy gì có tướng Trụ?

2) Lấy hai tướng trụ và dị hợp thành một tướng, nên có ba tướng: Sanh, Trụ Dị, Diệt.

Vì sao lấy hai tướng Sanh, Trụ hợp lại? là muốn chỉ rõ trụ ắt có dị (dừng lại chắc chắn có đổi khác) mới nói tất cả chúng sanh đều ôm chặt tướng trụ, tìm tòi tướng Trụ. Phật vì muốn chúng sanh chán, bỏ pháp hữu vi, nên gộp chung hai tướng trụ, dị lại, nhằm nhắc nhở con người rằng trong trụ chắc chắn có biến đổi. Tướng Trụ có gì đáng yêu? Vì ở Ấn Độ có chuyện ngụ ngôn Hắc Nhĩ và Kiết Tường. Đại ý nói: Hắc Nhĩ và Kiết Tường là hai chị em thường theo sát nhau. Chị tên Kiết Tường đi đến đâu, hay đem lợi ích đến đó. Em tên Hắc Nhĩ đi đến nơi đâu hay mang tổn hại đến đó. Vì vậy, ai cũng hoan nghênh người chị Kiết Tường, mà chán ghét người em Hắc Nhĩ. Nhưng vì hai chị em này không thể xa nhau. Nếu ai hoan nghênh chị thì cũng phải tiếp nhận em. Ý muốn nói thiện, ác; họa, phúc luôn luôn đi theo nhau. Khi có được lợi ích, đồng thời, chuẩn bị tiếp nhận hao tổn. Đây chính là dụng ý của Phật gộp trụ và dị để nói. Ở Trung Quốc cũng có câu chuyện giống như vậy. Lão

tử nói:

禍 兮 福 之 所 倚

福 兮 禍 之 所 伏

Họa hề họa chi sở ỷ Phước hề họa chi sở phục

Họa à! Là chỗ phước dựa vào.

Phước à! Là chỗ họa núp đó.

Pháp hữu vi của thế gian thì họa, phước; tốt, xấu đều nương tựa vào nhau sanh ra. Do đó, người đọc sách hiểu rõ lẽ này: Khi an ổn nghĩ đến nguy nan, tuy ở vào cảnh thanh bình, chớ quên cảnh gian nan, nguy hiểm. Chớ đam mê mà lầm vào cạm bẫy của an vui, lúc nào cũng phải nhớ đến vô thường, cảnh giác, cẩn thận chớ buông lung.

XV. Lưu Chuyển

Luận Du Già, quyển 52, nói: Tánh nhân quả của các hành liên tục không dứt. Đó gọi là Lưu Chuyển. Lưu có nghĩa tương tục. Chuyển có nghĩa sanh khởi. Lưu Chuyển có nghĩa liên tục sanh khởi. Điều ấy chỉ cái gì? Là nhân quả của các hành, tức nhân quả của pháp hữu vi. Chư hành có nghĩa là tất cả pháp hữu vi. Tất cả pháp hữu vi do nhân cảm quả, quả tiếp nối nhân; nhân, quả tương tục, trước sau không ngừng. Ví như hạt lúa gieo xuống ruộng, chẳng bao lâu nảy mầm, dần dần thành mạ, thành cây lúa, cho đến ra hoa, kết quả và biến thành giống, như hạt lúa mới gieo. Ban đầu, gieo hạt lúa là nhân, sau kết quả hạt lúa là quả, đây là sự tuần hoàn của nhân quả, liên tục không dứt. Gọi đó là Lưu Chuyển.

Luận Thành Duy Thức, quyển 3, nói rõ ý nghĩa căn bản của nhân quả. Vì nhân quả tương tục, không dứt và tất cả không rời một niệm trước mắt.

Tức là quán sát pháp hiện tại dẫn đến công dụng ở sau, mà giả lập ra “đương quả”, đối với “hiện nhân” mà nói. Hoặc nói giả thuyết pháp: hiện tại là nhân của quả sau. Hoặc quán sát pháp hiện tại vì có tướng trước biểu hiện giả lập là tăng nhân, đối với hiện quả mà nói. Hoặc giả thuyết: pháp hiện tại là quả của nhân trước, nên lấy pháp hiện tiền trong một sát na (tức là pháp trong một niệm hiện tại) mà nói thì nhân quả thành tựu tương tục không dứt. Nhân trước diệt thì quả sau liền sanh. Nhân quả tương tục như dòng sông nên gọi là Lưu Chuyển.

Duy Thức Tâm Yếu của Ngẫu Tổ nói: Chỉ là pháp trong một sát na hiện tại, nhìn về trước thì gọi là quả, nhìn về sau thì gọi là nhân. Nếu cho hiện tại là quả thì quá khứ là nhân, thì hạt bụi nhỏ ở kiếp trước giống như ngày hôm nay đều từ Thức biểu hiện, biến đổi dường như tướng của nhân ở quá khứ, mà không thật duyên việc ở quá khứ, hình như quá khứ đã diệt, không thể duyên được. Cho rằng nhân ở hiện tại vì nhớ đến quả ở vị lai, thì vô lượng kiếp sau giống như thấy rõ năm ngón tay của bàn tay đều từ Thức biểu hiện, biến đổi dường như tướng của quả ở vị lai, mà không thật duyên việc ở vị lai, vì vị lai chưa sanh không thể duyên được. Vì vậy, nói rằng người đời xưa nay, trước sau không rời đương niệm. Ngang khắp các nơi, dọc suốt ba đời đều là một tâm niệm ở hiện tại đây, không còn lý lẽ nào nữa. Tóm lại, thể của nhân quả khác biệt, việc sanh diệt chẳng giống nhau, đều từ Thức biến hiện, cùng trong một khoảng thời gian, trước sau lại khác nhau. Nhân quả như thế, sanh diệt trong từng sát na, tiếp nối không ngừng. Gọi đó là Lưu Chuyển.

Câu Xá Tụng, quyển 3, nói: Nói lưu chuyển là lấy Thức làm thể, vì trôi nổi ở trong sanh tử. Chữ “thức” trong câu văn trên chỉ cho Thức Thứ Tám, vì thức này nhận sự huân tập, giữ gìn chủng tử, nên là gốc rễ của Lưu Chuyển của chúng sanh. Lại nữa, Thức Thứ Tám là nhân của các pháp và còn gọi là Dẫn Quả (quả do nghiệp thiện hay ác dẫn đến). Vì vậy, Thức Thứ Tám theo nghiệp mà nhận lấy quả báo có chủ thể là nhân, quả xoay vòng nhau. Nếu lìa Thức Thứ Tám thì pháp nhân quả không thể dựa vào đâu để kiến lập, dù một pháp Lưu Chuyển cũng không tồn tại.

XVI. Định Dị

Định là quyết định. Dị là không giống nhau. Vì thiện có mười điều thiện, ác có mười điều ác. Mỗi thứ đều có nhân quả không giống nhau. Du Già Luận, quyển 52, nói: Từ vô thỉ đến nay, nhân quả có vô số mà hoàn toàn khác nhau, không có tánh tạp loạn. Ví như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, chắc chắn không thể lộn xộn. Nhân quả thiện ác còn như thế, tốt xấu rõ ràng, chắc chắn không xáo trộn. Đây là đạo lý tự nhiên, có Phật ra đời hay không ra đời, phép tắc của nhân quả xưa nay như vậy.

Ba Loại Định Dị:

Du Già, quyển 56, nói có Ba Loại Định Dị:

1) Tướng Định Dị: nhân, quả, thể, tướng chắc chắn không giống.

2) Nhân Định Dị: nghiệp nhân của quả thiện chắc chắn không giống.

3) Quả Định Dị: quả báo khổ, vui chắc chắn không giống.

Năm Loại Định Dị:

1) Lưu Chuyển Hoàn Diệt Định Dị: Lưu chuyển là Khổ Đế và Tập Đế trong Tứ Đế. Đó là nhân khổ, quả khổ. Hoàn diệt là Diệt Đế, và Đạo Đế trong Tứ Đế. Đó là nhân vui, quả vui. Hai phương pháp này chắc chắn không giống nhau.

2) Tất Cả Pháp Định Dị: Tất cả pháp là 12 xứ nhϊếp thu hết. 12 xứ là 6 căn và 6 trần. Mỗi thứ chắc chắn không giống nhau.

3) Lãnh Thọ Định Dị: Ba thọ: khổ, lạc, xả. Mỗi thứ chắc chắn không giống nhau.

4) Trụ Định Dị: Pháp hữu vi thọ lượng an trụ tạm thời hoặc có kỳ hạn. Mỗi thứ chắc chắn không giống nhau.

5) Hình Lượng Định Dị: Tất cả hữu tình, chúng sanh, hình thể lớn, nhỏ được sanh ra. Mỗi thứ chắc chắn không giống nhau.

XVII. Tương Ứng

Du Già Sư Địa luận, quyển 6 nói: Nương vào tướng nhân quả mà gọi phần vị, lập ra tương ưng. Nhân là nguyên nhân, Quả là kết quả. Chúng ta mỗi khi làm một việc gì, nói một câu gì, cho đến nghĩ suy một điều gì, đều gọi là gieo nhân. Nhân chia ra thiện, ác. Tùy tánh chất và số lượng của thiện, ác đều ăn khớp phần vị của nó, thích hợp kết quả theo lượng của nó ở sau, sớm hay muộn, người gieo nhân cũng nhận lấy kết quả đó. Vì vậy kinh nói:

假 使 百 千 劫所 造 業 不 亡因緣 會 遇 時果 报 還 自 受

Giả sử bá thiên kiếp

Sở tạo nghiệp bất vong Nhân duyên hội ngộ thời Quả báo hoàn tự thọ.

Nghĩa:

Dù trăm ngàn kiếp trôi qua

Nghiệp nhân đã tạo sao mà mất đi Nhân duyên hội đủ thời kỳ Quả báo lại đến thiếu gì nữa đâu.

Tóm lại, bất cứ tư tưởng, hành vi gì của chúng ta, chắc chắn dẫn đến kết quả thích ứng. Gọi đó là Tương Ưng.

XVIII. Thế Tốc

Thế Tốc là biến hóa hoặc động tác nhanh chóng. Bách Pháp Trực Giải nói: Dựa vào sự trôi chảy của các pháp Sắc, Tâm, không chút ngưng nghỉ mà giả lập pháp thế tốc. Nghĩa là không luận sắc Pháp, Tâm Pháp, đều giống như dòng sông trôi chảy miên man, nhanh chóng hướng mãi về phía trước. Cho nên nói: Rửa chân trên dòng sông, rút chân lên rồi nhúng xuống thì đã không còn là dòng nước cũ. Tất cả pháp hữu vi ở thế gian đều trôi chảy liên tục trong từng niệm, thay đổi mãi không ngừng.

Luận Du Già, quyển 56, nói: Thế tốc có ba loại:

1) Các hành thế tốc.

Vì pháp hữu vi sanh diệt vô thường, nhanh chóng, như trong thoáng chốc, búng móng tay có 600 lần sanh diệt kinh qua.

2) Sĩ dụng thế tốc

Sĩ là sĩ đại phu, chỉ người. Dụng là tác dụng, chỉ tạo tác. Tức là sự tạo tác rất nhanh chóng của ba nghiệp thân, khẩu, ý của con người.

3) Thần thông thế tốc.

Tức là tác dụng nhanh chóng của thần thông. Vì thần thông lớn có sức vận động thân, ý hết mức nhanh chóng, như khoảng thời gian cong, duỗi cánh tay đã đến trời Sắc Cứu Cánh (cõi thứ 18 của sắc giới).

XIX. Thứ Đệ

Thứ Đệ là nói thứ tự như nói trên dưới, cao thấp, ai nấy giữ phép tắc, tuần tự dần dần tiến lên. Gọi đó là Thứ Đệ. Bách Pháp Trực Giải nói: Dựa vào các pháp trước sau sanh ra giả lập thứ tự, không lộn xộn. Từ thứ tự trong đoạn văn trên, ngày nay có nghĩa là trường học (tường tự). Chữ tường và chữ tự, ngày xưa gọi là trường làng. Nhà Hạ đổi thành hiệu (trường học). Nhà Ân gọi là tự (trường học). Nhà Chu gọi là tường (trường học). Đời sau gọi là học hiệu (trường học). Đại ý hai câu trên là tất cả pháp hữu vi đều sanh, diệt trong từng sát na. Trước một pháp mở ra, sau một pháp sanh khởi, tất cả đều theo lớp lang, thứ tự như vậy, lần lượt tiến lên, không phải cùng khởi lên một lúc. Gọi đó là Thứ Đệ. Giống như các lớp trong một trường học, theo thứ tự tiến dần lên, không thể nhảy lớp.

Luận Du Già, quyển 8, nói: Thứ Đệ có nhiều loại khác nhau, xin lược kê như sau:

1) Lưu Chuyển Thứ Đệ.

Đó là Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức, cho đến duyên Sanh, Sanh duyên Lão Tử.

2) Hoàn Diệt Thứ Đệ.

Đó là Vô Minh diệt nên Hành diệt, Hành diệt nên Thức diệt, cho đến Hữu diệt nên Sanh diệt, Sanh diệt nên Lão Tử Diệt.

3) Thứ Tự Của Người Tại Gia Trong Một Ngày.

Đó là sáng sớm thức dậy, tắm rửa trang điểm, mặc y phục, đi làm, thư giản tắm gội, trang điểm chải chuốt, ăn uống, ngủ nghỉ.

4) Thứ Tự Của Người Xuất Gia Trong Một Ngày.

Đó là sửa sang y phục, chuẩn bị khất thực, đi vào làng xóm, thứ tự mà đi, nhận lãnh đúng pháp, trở về chỗ cũ, ăn xong rửa tay, tráng bát rửa chân, vào nơi vắng lặng, đọc tụng kinh điển, suy nghĩ đúng pháp; ban ngày ngồi thiền, kinh hành, tu tập tâm mình, dứt trừ các chướng ngại; đến nửa đêm, nghỉ ngơi; sau nửa đêm, mau chóng thức dậy, chỉnh trang y phục, trở về chỗ tu tập.

5) Tăng Trưởng Theo Thứ Tự.

Đó là tám vị trí theo thứ tự sanh khởi:

a) Bịnh vị: Mười tuổi trờ đi có nhiều bệnh

b) Sắc vị: Ở tuổi 20 nam, nữ nhan sắc đẹp nhất vào lúc này, qua giai đoạn này không còn nữa.

c) Lực toàn vị: Ở tuổi 30 sức lực dồi dào.

d) Hữu trí vị: Ở tuổi 40 suy nghĩ trước khi làm việc gì.

e) Niệm vị: Ở tuổi 50 nhớ lại việc được, mất của mình.

f) Săc lực tổn giảm vị: Ở tuổi 60.

g) Trí niệm tổn giảm vị: Ở tuổi 70.

h) Hôn loạn vị: Ở tuổi 80.

Luận Du Già, quyển 2 nói: Tám vị là gì? Đó là xử thai vị, xuất sanh vị, anh hài vị, đồng tử vị, thiếu niên vị, trung niên vị, lão niên vị, mạo thục vị. Tám vị ở trên tuần tự sanh khởi, đó là tăng trưởng theo thứ tự.

6) Hiện Quán Thứ Đệ

Hiện Quán là đi sâu vào thiền định, không trải qua ngôn ngữ, văn tự,… và khái niệm. Đó là phương pháp nhận thức hiện tiền, trực tiếp chân lý của Phật giáo, nên gọi là Hiện Tiền. Phương pháp nhận thức này ở trong Phật giáo Tiểu Thừa, đặc biệt là lấy Tứ Đế làm phương tiện nhận thức. Gọi là Thứ Đệ Hiện Quán, là Thứ Tự Quán Tứ Đế trong ba cõi. Trước quán Khổ Đế ở cõi Dục thì sanh ra được Pháp Nhẫn Trí Vô Lậu. Về sau lại sanh ra Pháp Trí. Kế tiếp quán

Khổ Đế ở cõi Sắc và Vô Sắc thì sanh ra được Loại

Nhẫn Trí, rồi Loại Trí. Cứ như thế đến Tập, Diệt, Đạo, mỗi thứ sanh ra bốn trí. Thứ tự hiện quán Tứ Đế có tổng cộng 16 loại trí huệ.

7) Nhập Định Thứ Đệ

Vì Thứ Đệ Nhập (cửu thứ đệ định) gồm có Tứ Thiền ở cõi Sắc, Tứ Định ở cõi Vô Sắc và Diệt Tận Định. Đó là 9 loại thiền định. Vì tâm ấy không lộn xộn, nương theo thứ tự từng định một mà vào định khác, nên gọi là Thứ Đệ Định.

8) Tu Học Thứ Đệ

Vì phải tăng trưởng Giới Học làm nơi nương tựa. Kế đến tăng trưởng Tâm Học. Tăng trưởng Tâm Học làm nơi nương tựa. Sau cùng tẳng trưởng Huệ Học.

Tóm lại, tất cả pháp hữu vi đều có thứ tự. Thường ngày chúng ta thường hay nuôi dưỡng, tuân thủ tập quán thứ tự, không tiếm vị, không vượt cấp, dụng cụ chỉnh tề, không rời xa bản xứ, việc xem xét trước sau, gặp việc nào làm việc ấy, thì với tâm lý ấy chắc chắn từ từ đi đến trong sạch hoàn toàn. Nếu với tâm này đem sử dụng vào công phu niệm Phật ắt hẳn có lợi ích lớn. Huống hồ thường ngày thấu đáo nguyên tăc thứ tự, dù có gặp việc lớn mới có thể xử lý bình tĩnh, cho đến liên quan đến sống, chết mới không luống cuống. Từ đây mới thấy công dụng của pháp thứ tự rất lớn.

XX. Thời

Thời chính là Thời Gian. Đây là đối tượng quán niệm rất khó, tuy vậy, chúng ta đều xác quyết có sự tồn tại của thời gian, ngay cả cây cỏ, cầm thú cũng biết rõ sự khác nhau của ngày, đêm. Lẽ nào không có ai nói một cách đúng đắn về thời gian sao?

Có một phương pháp có thể chứng minh sự tồn tại của thời gian. Đó là, giả sử có một thế giới, một trạng thái hoàn toàn ngưng đọng thì không có sự tồn tại của thời gian. Một khi có sự biến động phát sanh thì thế giới ngưng đọng ấy sẽ không giống với hiện tại mà trờ thành quá khứ.

Bất cứ quá khứ và hiện tại, khoảng cách thật là ngắn ngủi bao nhiêu, đã nói rõ nhất định có sự biến mất của thời gian. Có thể nhận ra thời gian và biến động có tính quan hệ mật thiết. Có biến động có thời gian tồn tại. Không biến động không có thời gian tồn tại.

Theo đây thời gian quán niệm kiến lập như thế nào?

Bách Pháp Trực Giải nói: Nương vào sự xoay vần trong từng sát na của Sắc, Tâm mà giả lập. nghĩa là dựa vào Sắc, Tâm v.v…, tất cả pháp hữu vi biến động trong từng sát na xoay vòng từ bắt đầu đến cuối, mà giả lập quán niệm của thời gian.

Luận Du Già, quyển 56, nói: Dựa theo sự tương tục của Hành mà phân vị, kiến lập thời. Thời có ba loại: Khứ, lai, kim (quá khứ, vị lai, hiện tại). Hành là chỉ tất cả pháp hữu vi.

Tạp Tập Luận, quyển 2, nói: Thời là đối với sự lưu chuyển tương tục của nhân quả mà giả lập ra. Vì sao? Do có sự chuyển động không ngừng của Nhân Quả. Nếu nhân quả ấy đã sanh đã diệt thì gọi là quá khứ. Nếu nhân quả ấy chưa sanh thì gọi là vị lai. Nếu nhân quả ấy đã sanh chưa diệt thì gọi là hiện tại.

Tại sao nói thời gian là giả pháp? Vì dài, ngắn không nhất định nên gọi là giả pháp. Như nói một ngày đêm, ở cõi người là 24 giờ, nhưng ở Tứ Vương Thiên, một ngày đêm, đối với cõi người, là 50 năm.

Một ngày đêm ở trời Đao Lợi, đối với cõi người, là 100 năm. Như thế cũng một ngày đêm mà dài, ngắn không giống ngau, nên gọi thời gian là pháp giả lập.

Lại như cùng là một năm, ở địa cầu có 365 ngày, nhưng ở tinh cầu khác trong thái dương hệ, nếu khoản cách giữa thái dương và tinh cầu gần nhau thì vào khoảng 10 ngày là một năm, nếu khoảng cách xa thì khoảng 100 năm, hoặc là 1000 năm, là một năm so với địa cầu. Như thế gọi là một năm nhưng dài, ngắn không nhất định, nên gọi thời gian là pháp giả lập

XXI: Phương.

Phương là phương vị (vị trí của phương), chỉ phương hướng và vị trí của Sắc Pháp tồn tại trong không gian. Phương có bốn; đông, tây, nam, bắc hoặc có tám ngoài bốn phương thêm đông nam, tây nam, tây bắc, đông bắc; hoặc có 16 ngoài 8 phương ở trên còn thêm đông bắc đông, bắc bắc đông, đông nam đông, nam nam đông, tây bắc đông, bắc bắc tây, tây nam tây, nam nam tây v.v…, tất cả là 8 phương vị nữa. Còn phương vị kiến lập như thế nào?

Ngẫu Tổ trong Bách Pháp Trực giải nói: Phương là dựa vào hình thể, trước sau, phải trái mà giả lập. Nghĩa là việc kiến lập phương vị cốt dựa một hình thể nào đó để tham khảo, từ đó mới xét xem sự khác nhau về trước sau, phải trái, bốn phương, bốn duy, trên dưới. Trái lại, nếu không vay mượn hình thể thì không phân biệt được trên dưới, không xác định được đông tây thì căn cứ vào đâu để nói phương vị?

Xin nêu lên một ví dụ:

1) Chỉ nói hửu (bên phải) không có ý nghĩa nào cả. Khi chúng ta nói đến phải, trái (bên phải, bên trái), trước tiên phải có một điểm để tham khảo bên phải bên trái về vị trí tương đối của nó, thì nói phải, trái mới có ý nghĩa.

2) Trên, dưới (phía trên, phía dưới) cũng vậy, dựa vào hình thể giả lập để xác định. Vì sao? Vì khi con người chưa phát hiện địa cầu là hình tròn đều cho mặt đất bằng phẳng, do đó bất cứ một điểm nào trên mặt đất cũng đều là hướng thẳng đứng, lúc này phương hướng trên, dưới là tuyệt đối đúng. Nhưng sau khi con người biết trái đất là hình cầu thì hướng thẳng đứng mỗi điểm trên mặt đất không còn giống nhau nữa. Ví như ở Đài loan là phương trên thì ở nước Mỹ là phương dưới và nói ngược lại cũng vậy. Bây giờ điều này là hiển nhiên. Khi chúng ta đang nói về trên, dưới thì trước hết phải xem xét trên, dưới chỉ là tương đối so với một vị trí ở đâu mà nói, thì nói trên, dưới mới có nghĩa.

XXII: Số

Số là chữ số, là tên gọi một cách đo lường như lớn nhỏ, ít nhiều về các pháp, kiến lập chữ số như thế nào? Ngẫu Tổ trong Bách Pháp Trực Giải nói: Số là dựa vào tướng ít, nhiều của các pháp mà giả lập một cách tương đối. Nghĩa là kiến lập chữ số dựa vào cả hai “tương nhưng” và “tương đãi” trong các pháp hữu vi. Từ đó mới có những chữ số khác nhau 1, 10, 100, 1000 cho đến A tăng kỳ sanh ra. Sao gọi là “tương nhưng” và “tương đãi”?

1) Tương Nhưng: 相 仍

Nhưng tương đương với theo cũ (nhân tuần) hoặc làm như xưa (duyên tập). Nghĩa là sau một chữ số thì theo trước đó một chữ số mà có, gọi đó là tương nhưng. Chúng ta theo phù hiệu từ 1 đến 10 của người cổ Ai Cập đến các phẩm vật, có thể thấy ra tình trạng tương nhưng. (Rập khuôn theo các ký hiệu từ 1 đến 10).

Căn cứ vào Tam Tạng Pháp số (Tự điển pháp số Tam Tạng) ghi: Pháp số có ba bậc; bậc thấp, bậc giữa, và bậc cao. Do ba bậc pháp số này cũng có thể thấy được tình trạng Tương nhưng giữa hai chữ số trước, sau:

a) Pháp số bậc dưới: Từ 10, 10 biến ra. Như trong Tam Tự Kinh: 1 thành 10, 10 thành 100, 100 thành 1000, 1000 thành 10.000 (vạn)

10 lập lại 10 cái 1 mà thành, gọi là 10 lần 1 = 10.

100 lập lại 10 cái 10 mà thành, gọi là 10 lần 10 = 100.

1.000 lập lại 10 cái 100 mà thành, gọi là 10 lần 100 = 10.000.

10.000 lập lại 10 cái 1.000 mà thành, gọi là 10 lần 10.000 =100.000.

b) Pháp số bậc giữa: Từ 100, 100 biến ra

như.

100 Lạc xoa (10 x 10.000 = Lạc xoa) = 1 câu chi (1.000 x 100.000 = 1 câu chi). Tóm lại, Lạc xoa:

1.106; 1 câu chi = 1.108.

c) Pháp số bậc trên: Bội bội biến ra như: Câu chi câu chi: 108 . 108 = 11016 = 1 A du đa. Ấn độ có 10 con số lớn đều thuộc pháp số bậc trên, như: A tăng kỳ, Vô lượng, Vô biên, Vô đẳng, Bất khả số, Bất khả xưng, Bất khả tư, Bất khả lượng, Bất khả thuyết, Bất khả thuyết bất khả thuyết (tham Khảo Tự Điển Pháp Số Tam Tạng, trang 820).

2) Tương Đãi.

Tương đãi là đối đãi hỗ tương. Nên biết sự hình thành của khái niệm chữ số, bắt đầu của tương đãi, theo như người ta nói, là của dân tộc Nguyên thủy ở xứ Tân Ghi - Né. Chúng ta dùng ngón út, ngón vô danh, ngón giữa, ngón trỏ, ngón cái của bàn tay trái, cổ tay trái, cánh tay trái, vai trái, tai trái, mắt trái, mũi, miệng, mắt phải, tai phải, vai phải, cánh tay phải, cổ tay phải, ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón vô danh, ngón út của tay phải để làm thành bộ phận tương ưng với phẩm vật (đồ vật). Giống như người hàng xóm mượn đồ vật, số lượng vật phẩm ấy được kiểm tra kỹ lưỡng. Đến khi trả lại cũng vậy. Như vậy giữa giữ và cho rất là rõ ràng và hợp lý. Về sau con người tiếng bộ dần, phương thức thay đổi, từ từ thay phù hiệu bằng chữ số.

XXIII: Hòa Hợp

Các pháp hài hòa, dung hợp tập trung ở một chỗ gọi là hòa hợp. Bách Pháp Trực Giải nói: Hòa hợp là dựa vào các pháp không chống trái nhau mà giả lập. Thường nói là hòa hợp như nước với sữa. Như đoàn thể Tăng Sĩ là một loại hòa hợp thanh tịnh. Vì sao? Vì có cả lý và sự . Lý hòa là cùng chứng được lý Niết bàn. Sự hòa là sống trong Lục Hòa. Lại như sự lưu chuyển của 12 nhân duyên là có sự hòa hợp dẫn sanh ra hậu hữu. (quả báo đời sau nhận lấy gọi là hậu hữu). Vì sao? Vì Vô Minh duyên Hành, Hành duyên Thức cho đến Hữu duyên Sanh, Sanh duyên Lão Tử. Mười hai chi tuy thuận nhau, như một con sông chuyển động không ngừng, như bánh xe xoay không đứng yên, khiến cho chúng sanh sống, chết ở đời sau vô cùng. Vì vậy gọi là có sự hòa hợp dẩn sanh ra hậu hữu.

Luận Du Già Sư Địa, quyển 52, nói: Sao gọi là hòa hợp? Vì có thể sanh ra các pháp khác, các nhân, các duyên tóm lại thành một, gọi là hòa hợp. Đây xin lấy Nhãn Thức có chín duyên mới sanh làm ví dụ: Những gì là chín? 1) Nhãn căn, 2) sắc cảnh, 3) tác ý, 4) không, 5) minh, 6) chủng tử của nhãn thức, 7) chỗ nương tựa rõ ràng (phân biệt y), 8) chỗ nương tựa nhơ hay sạch, 9) căn bản ý. Chín duyên trên giúp đỡ lẫn nhau, cùng nhau hợp lực, không trái ngược nhau, thì Nhãn Thức mới có thể sanh khởi. Vì vậy Nhãn Thức cùng Nhãn Căn v.v…, chín duyên, nên gọi là hòa hợp.

XXIV: Bất Hòa Hợp

Bất hòa hợp cùng với hòa hợp trái nhau. Bách Pháp Trực Giải nói: Bất hòa hợp là dựa vào các pháp trái ngược nhau mà giả lập. Nghĩa là giữa các pháp làm phương hại nhau, trở ngại nhau gọi là bất hòa hợp. Như lữa với nước, như băng với than đỏ, như chánh với tà, như mưa đá với lúa non đều là những bất hòa hợp thông thường. Hoặc trong chín duyên sanh ra nhãn thức khuyết mất một duyên thì duyên sanh nhãn thức không hòa hợp. Hoặc trong mười hai nhân duyên, khuyết một chi, thì nhân duyên sanh tử của loài hữu tình không hòa hợp.

Tổng luận, trên đã trình bày 24 loại Pháp Tâm Bất Tương Ưng Hành, ở đây giải thích sơ lược đã xong. Giờ tổng luận toàn bộ vấn đề trên. Đã trình bày 24 thứ đều dựa vào phân vị khác nhau mà kiến lập, do đó biết được tất cả đều giả có. Luận Tạp Tập, quyển 2, nói rõ như sau:

1) Dựa phân vị khác nhau tăng, giảm của thiện, bất thiện, để kiến lập Đắc.

2) Dựa phân vị khác nhau trụ để kiến lập Mạng Căn.

3) Dựa phân vị khác nhau của tương tợ để kiến lập Chúng Đồng Phận.

4) Dựa phân vị khác nhau của bất đắc để kiến lập Dị Sanh Tánh.

5) Dựa phân vị khác nhau của pháp tâm, tâm sở để kiến lập Vô Tưởng Định, Diệt Tận Định, Vô Tưởng Báo.

6) Dựa phân vị khác nhau của ngôn thuyết để kiến lập Danh Thân, Cú Thân, Văn Thân.

7) Dựa phân vị khác nhau của tưởng để kiến lập Sanh, Trụ, Lão, Vô Thường.

8) Dựa phân vị khác nhau của nhân quả để kiến lập Lưu Chuyển, Định Dị cho đến Hòa Hợp, Bất Hòa Hợp tất cả 10 thứ.

Hoặc có người hỏi: Trước nói 24 pháp này, ở trước ba vị khác nhau đã được rõ ràng, thì làm sao một pháp tương đương với một vị ấy mà được rõ ràng?

Đáp: 1) Mạng Căn là một pháp chỉ dựa vào phân vị tâm vương giả lập. Vì sao? Vì mạng căn là chỉ cho chủng tử danh ngôn của chính Thức Thứ Tám sanh ra. Từ chủng tử của Thức Thứ Tám có đầy đủ hiện hành của chính nó sanh ra, đồng thời liên hệ với sắc thân trong một thời kỳ mà công năng của nó không hư hoại. Nương vào công năng này giả lập một Pháp Mạng Căn.

2) Dị Sanh Tánh là một pháp chỉ dựa vào phân vị tâm sở giả lập. Vì sao? Vì Dị Sanh Tánh thì dựa vào một phần công năng của chủng tử hai chướng phiền não và sở tri, khiến cho sáu nẽo, mười hai loại khác nhau, nên gọi là Dị Sanh Tánh.Tuy gọi hai chướng phiền não, sở tri, thật ra là chỉ cho 26 loại tâm sở nhiễm ô, vì chưa dứt hết, khác đối với chúng sanh thuộc thánh nhân, nên gọi là Dị Sanh Tánh.

3) Hai định vô tâm và vô tưởng báo là dựa vào tâm vương, tâm sở mà giả lập.

4) Mười chín thứ còn lại đều không với ba vị sắc, tâm vương, tâm sở ở trên mà giả lập tên của chúng. Hữu vi pháp có 94 thứ đã nghiên cứu xong.