Luận Đại Thừa Một Trăm Pháp Minh Môn

Chương 25: Vô Ngã.

VÔ NGÃ.

言 無 我 者畧 有 二 種 Âm :

Ngôn vô ngã giả,

Lược hữu nhị chủng:

一 補 特 伽 羅 無 我

Nhất Bổ Đặc Già La vô ngã,

二 法 無 我

Nhị Pháp vô ngã.

Nghĩa:

Nói vô ngã

Sơ lược có hai thứ:

Một Bổ Đặc Già La không có ngã

Hai Pháp không có ngã.

Phật pháp đề cập đến ngã thì phải có đầy đủ thường trụ, bất biến (tức là thường còn), tồn tại độc lập, có chủ (nhân ông) thì mới gọi là ngã. Giờ nói vô ngã là chủ trương sự tồn tại của tất cả, bất luận hữu vi, vô vi, đều không có cái ngã đủ hai nghĩa như trên (thường còn và chủ tể), nên đề xướng tất cả pháp vô ngã. Nếu có người, đối với pháp hữu vi và vô vi, mà chấp là thật có, thì gọi đó là Tăng Ích Chấp (đã chấp rồi giờ càng chấp thêm), vì không thấu hiểu pháp hữu vi là cái tướng của duyên khởi và vô vi pháp là cái tướng của vắng lặng.

A: Vô ngã của Bổ Đặc Già La.

Bổ Đặc Già La là phiên âm tiếng phạn, có nghĩa là Hữu Tình. Hữu Tình Vô Ngã tức Sanh Không. Vì chúng sanh hữu tình là sự vay mượn năm uẩn hòa hợp mà thành cá thể, đồng thời không có đủ hai điều kiện thường trụ, bất biến, tồn tại một cách độc lập và chi phối một cách tự tại (như ý), nên gọi là Bổ Đặc Già La không có ngã.

Bổ Đặc Già La cũng có thể phiên âm là Số Thủ Thú. Vì các hữu tình luôn luôn qua lại các nẽo luân hồi, tùy nghiệp thiện, ác bám chặt vào Tam Đồ, Lục Đạo. Đã theo chiêu cảm của nghiệp nào có thường trụ; theo chiêu cảm của nghiệp lành thì nhận quả báo an vui của trời người; theo chiêu cảm của nghiệp ác thì chịu quả báo khổ đau của tam đồ (ba đường; địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh). Qua lại sáu đường, giống như xe cộ, hình dung, thay đổi chưa từng cố định. Thật ngã lại như thế sao? Vì vậy nói Vô Ngã Bổ Đặc Già La.

B: Vô Ngã Của Pháp.

Pháp Vô Ngã tức Pháp Không. Vì tất cả pháp: sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều dựa vào nhân duyên mà sanh, không có tự tánh thật sự bất biến, nên cũng qui về không, gọi là Pháp Vô Ngã.

Đã biết Sanh Ngã, Pháp Ngã là căn bản sanh tử của loài hữu tình. Vì loài hữu tình có hai ngã như thế nên khởi lên ba loại tạp nhiễm của nghiệp khổ, làm cho loài hữu tình rong ruổi, chìm nổi triền miên ở trong sanh tử.

Nhưng Hai Ngã này lại bất nguồn từ hai Thức Thứ Sáu Và Thức Bảy. Từ vô thỉ đến nay, loài hữu tình nhận lấy cái nhân huân tập bên trong của hai thức Thứ Sáu, Thức Bảy, giả dối và ảnh hưởng ngoại duyên ở hiện tại bèn khởi lên hai loại ngã chấp sanh và pháp, khiến cho loài hữu tình sanh tử không dừng. Giờ hành giả muốn chấm dứt sanh tử thì phải từ hai Thức Thứ Sáu, Thứ Bảy siêng năng quán Vô Ngã. Nhưng Thức Thứ Bảy, từ vô thỉ đến nay và đến lúc chưa chuyển vị (chuyển thức thành trí) thì thu vào một vị Hữu Phú Vô ký Tánh, đã không cùng các tâm sở thiện như tín, ... tương ưng, lại không có sức của vô dục, giải, niệm, định thì làm thế nào có thể tự tu quán Vô Ngã? Chính vì thế chúng ta muốn chuyển Thức Thứ Bảy chỉ có cách duy nhất từ Thức Thứ Sáu và tâm sở chính huệ tương ưng. Nương vào giáo lý Đại Thừa như thật quán sát thì có thể thành công. Bởi

Thức Thứ Sáu và Thức Thứ Bảy quan hệ rất mật thiết (việc chấp ngã của Thức Thứ Bảy, có nguyên do từ sự huân tập của Thức Thứ Sáu giúp đỡ). Vì vậy phải dựa vào Thức Thứ Sáu để tu quán đoạn chấp, có liên quan đến việc chuyển thức thành trí của Thức Thứ Bảy.

Nhưng chúng ta phải tu quán như thế nào với

Thức Thứ Sáu? Tu quán hai vô ngã. Bách Pháp Trực Giải nói: Tức năm vị trước trong một trăm pháp, tìm tòi hết thảy đều không có hai thứ ngã tướng. Lại nữa, hữu tình không có ngã, ở trong năm vị trước, nếu nói tâm thức là ngã, mà tâm có tám, thì tâm nào là ngã? Niệm của tâm sanh diệt, trước sau không thể có, hiện tại không dừng, lấy gì làm ngã? Nếu nói tâm sở là ngã, mà tâm sở có năm mươi mốt, thì tâm sở nào là ngã? Ba thời không có tánh cũng như thế. Nếu nói sắc pháp là ngã thì năm căn thắng nghĩa không thể thấy được, năm căn phù trần cùng vật chất ở ngoài giống nhau, sanh diệt không ngừng, lấy gì làm ngã? Nếu nói bất tương ưng hành là ngã thì hữu thể sắc, tâm đã không phải là ngã; những thứ này dựa vào sắc, tâm giả lập, há là ngã sao? Nếu nói vô vi là ngã, đối với có nói không, mà hữu còn không có ngã, vô lại có ngã sao? Cho nên năm vị, một trăm pháp nhất định không thể có Bổ Đặc Già La chân thật.

Kế đến pháp vô ngã. Dựa vào Tục Đế, tạm nói có vô vàn sai khác: Tâm, tâm sở, sắc, Bất tương ưng hành. Còn dựa vào Chân Đế mà quán, đâu có gì để mà được, chỉ như huyễn mộng, không có dường như có, có tợ như không. Vì đối với hữu vi mà tạm gọi là vô vi. Hữu vi đã không thật, vô vi lại thật sao? Thí như nương vào khoảng không mà hoa đóm hiện ra. Hoa ấy chẳng có sanh, diệt, khoảng không há có, không? Vì thế mới biết năm vị trong một trăm pháp đều không phải pháp thật (có). Vì không thật pháp, nên gọi là Pháp Vô Ngã.

Đối với năm vị trong một trăm pháp mà có khả năng thông đạt được lý nhị vô ngã, thì đó là cửa vào một trăm pháp sáng tỏ hoàn toàn.

12-11-2012

Thay lời bạt: Buổi Mai Hôm ấy.

Chùa Huỳnh Kim (1977).

Ta tiễn người đi ngày ấy,

Nhìn nhau siết chặt; tê lòng! Sau lưng chùa hoang sương phủ, Bay bay vạt áo nâu sòng.

Run run tay người xếp vội,

Gói nhầm nửa mảnh trăng non,

Gói luôn hồi chuông triêu mộ

Gói luôn hai nửa đời buồn

Trực Ngộ

Những dịch phẩm đã in:

1. Tự Điển Pháp Số Tam Tạng

(Tam Tạng pháp số) 2. Kinh Kim Cang (Kim Cang

Kinh Lục Tổ Khẩu quyết)

3. Nhập môn Duy Thức Học

(Bát Thức Quy củ tụng)

4. Đại Thừa Quảng Ngũ Uẩn Luận

5. Pháp Tướng Tông (Duy Thức Tam Thập Tụng giảng ký)

6. Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ

Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác (Hạ Liên Cư hội tập)

7. Luận 100 pháp (Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận nghiên

cứu, Giản Kim Võ)

Sắp in:

8. Bát Thức Quy Củ Tụng trực giải. Bách Pháp Minh Môn Luận trực giải. Đại sư Trí Húc.

9. Thành Duy Thức Luận Quán Tâm Pháp Yếu. Đại sư Trí Húc.

www.quangduc.com