Dọc đường leo lên, ba người luôn hết sức thận trọng, chỉ sợ gương mặt Phật trong sương mù kia lại xông ra. Quái vật ấy thật là khủng khϊếp, chẳng thể làm gì được nó. Có điều lần này họ leo suốt mấy trăm mét, không thấy con quái vật kia đâu cả, như thể nó đã biến mất vậy.
Từ ngực bức tượng đất trở lên chỉ có mấu để bám chân vào, không còn cành chân chạc cây nữa nên rất khó leo, hễ không cẩn thận, rất dễ bị rơi xuống. Từ trên độ cao này rơi xuống chắc chắn sẽ thịt nát sương tan nên họ phải hết sức cẩn thận.
Vương Uy bị thương tương đối nặng, dần dần anh bị tụt lại phía sau Dương Hoài Ngọc. Lần này, suốt dọc đường không thấy thứ ẩn nấp trong sương mù kia nữa nên Dương Hoài Ngọc dần dà leo nhanh hơn, bỏ Vương Uy và Nhị Rỗ lại phía sau cả chục mét.
Vương Uy và Nhị Rỗ leo rất vất vả, bỗng nghe thấy Dương Hoài Ngọc ở phía trên gọi to:
-Hai anh lên đây nhanh lên nào, hình như tôi phát hiện thấy thứ này kỳ lạ lắm.
Hai người leo lên đến nơi, thấy Dương Hoài Ngọc đang bám vào ngực pho tượng, ngẩn người ra. Cả hai vội đến gần xem xét, thì ra Dương Hoài Ngọc đang quan sát những nét vạch dài hai bên ngực tượng, thấy Vương Uy và Nhị Rỗ leo lên, cô bèn chỉ cho họ xem:
-Những nét vạch này hình như là chữ viết, các anh có nhận ra không?
Vương Uy nhìn đến hoa cả mắt, những vạch dài kia ngoằng ngoèo nghiêng ngả, nào có giống chữ viết giống một bức bích hoạ được phóng to thì đúng hơn, nhưng bức hoạ lớn như vậy, bọn họ không sao thấy được toàn cảnh nên chẳng thể hiểu rõ nổi.
Nhị Rỗ rất hứng thú với những nét vạch ấy, gã leo lên leo xuống xem xét hồi lầu rồi khẳng định với Vương Uy và Dương Hoài Ngọc.
-Đúng là chữ, hơn nữa còn là chữ Tạng.
Vương Uy trợn mắt nhìn Nhị Rỗ, nói:
-Anh định lừa ai đấy? Chúng ta đánh nhau mười mấy năm ở vùng Xuyên Trung, chẳng nhẽ chưa thấy chữ Tạng?
Nhị Rỗ vội xua tay:
-Đây có lẽ là loại chữ Tạng cổ xưa nhất. Nói chung chữ Tạng có thể chia làm ba loại, là Tạng, Khang và An Đa, tuỳ theo từng địa phương. Vùng Tạng Xuyên Trung thuộc khu vực sử dụng loại chữ Khang, khác xa chữ Tạng ở các địa phương khác. Không những vây, chữ Tạng từ thời cổ đại đến nay đã trải qua ba lần quy chuẩn và cải cách, gọi là ba đợt chỉnh lý toàn diện… Đợt thứ nhất là vào khoảng giữa thời kỳ Trì Tùng Đức Tán, thời đó còn biên soạn ra một quyển từ điển, gọi là Phạm Tạng từ điển, chữ Tạng mô phạm trong quyển từ điển này khác hẳn chữ Tạng thời kỳ đầu do Thôn Mẽ Tang Bố Trát, người xếp thứ tư trong số bảy đại hiền giả đặt ra; sau đó Thổ Phồn Tán Phổ Trì Tổ Đức Tán nghiên cứu Tạng văn, lệnh cho các dịch sư tăng nhân nổi tiếng của hai nước tiến hành chỉnh lý lần thứ hai; lần cuối cùng là cách đây hơn một ngàn năm, đại dịch sư Nhân Thanh Tang Bố của Thổ Phồn, con trai A Lý Cổ Cách vương Ý Hy Ốc, cháu năm đời của Đạt Ma cuối thời Tán Phổ cầm đầu những dịch sử nổi tiếng Thiên Trúc, mất đến chín mươi hai năm mưới chỉnh lý xong. Qua ba lần chỉnh lý này, chữ Tạng đã có nhiều thay đổi lớn, dù là phát âm hay chữ viết đều khác xưa rất nhiều. Chữ Tạng trên tượng đất này xem ra giống với chữ Tạng thời kỳ đầu do đại sư Thôn Mẽ Tang Bố Trát đặt ra.
Vương Uy nuốt nước bọt, nói:
-Chữ Tạng thời kỳ đầu? Không thần bí đến thế chứ?
Nhị Rỗ vê vê bộ râu dê, nói:
-Hiện giờ tôi mới chỉ là phán đoán thôi, hai người chờ tôi ở đây, để tôi xem hết những dòng chữ này rồi nói.
Chữ Tạng đọc từ phải sang trái, Nhị Rỗ buộc bó đuốc vào cánh tay, bảo Vương Uy đưa cho gã cây bút chì và vài trang giấy, rồi leo từ bên phải sang. Đoạn văn tự này phân thành mấy hàng, chạy dài suốt mấy chục mét ở hai bên ngực pho tượng. Nhị Rỗ leo đi leo lại mấy lần, nhất nhất chép lại những dòng chữ kia vào giấy, vất vả hồi lâu mới chép xong
Ba người tìm thấy một tảng đá lớn nhô ra gần ngực bức tượng, thừa sức để cả ba ngồi. Nhị Rỗ đọc lại những trang giấy ghi đầy chữ, vê rụng mấy sợi râu dê rồi mới nói:
-Những dòng chữ Tạng này cho biết, bức tượng này không phải là tượng Phật mà chỉ là tượng một người được tất cả dân Tạng triều bái và cung phụng.
Vương Uy hỏi:
-Nhiều chữ vậy mà chỉ một câu ấy thôi à?
Nhị Rỗ gật đầu, nói:
-Chỉ huy không tin ai thì được, nhưng đối với Nhị Rỗ này, anh phải tin trăm phần trăm.
Vương Uy xua tay, không tiếp lời Nhị Rỗ, chỉ hỏi:
-Anh có đoán được đây là tượng người nào không? Ai lại dựng cho người đó bức tượng lớn thế này?
Nhị Rỗ lắc đầu:
-Ở đất Tạng người có ảnh hưởng lớn nhất là Tùng Tán Can Bố[1] của vương triều Thổ Phồn, về sau chính giáo vùng Tạng hợp nhất, Phật sống trở thành lãnh tụ tinh thần của người Tạng, nhưng dù là Tán Phổ hay là Phật sống, cũng chưa từng nghe nói có kẻ nào dựng lên bức tượng đất khổng lồ thế này cho họ.
[1] Tùng Tán Can Bố hay Songzain Gambo (617-650) là người sáng lập vương triều Thổ Phồn (Turbo) vùng Tây Tạng, Thanh Hải, tồn tại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 9 - ND
Vương Uy gật đầu, ở Xuyên Trung anh cũng đã nghe nói đế những nhân vật có ảnh hưởng sâu rộng ở vùng Tạng, dân Tạng thường làm ca dao ca ngợi những nhân vật này, anh nghe nhiều nên cũng biết một ít. Còn Nhị Rỗ từ khi vào vùng Tạng Xuyên Tây rất hứng thú với văn hoá Tạng, thường đến đền chùa tìm các vị lạt ma, Phật sống để luận bàn kinh Phật, khiến những kẻ hồi đó chỉ biết mải mê với rượu chè, cờ bạc, trai gái ra sức cười chê.
Nhị Rỗ nói:
-Chúng ta leo lên xem, biết đâu trên kia còn có chữ nữa, có thể tìm thêm được nhiều đầu mối khác.
Ba người lại tiếp tục leo lên, leo thêm một đoạn nữa thì bắt đầu trông thấy phần cổ bức tượng ở xa xa. Bức tượng đất này rất lạ, chân và thân rất dài, nhưng cổ lại rất ngắn. lên đến đây thì sương mù đã tan, tầm nhìn rộng ra nhiều. Ba người leo tới vai bức tượng thì dừng lại tạm nghỉ một lúc, rồi tiếp tục leo lên cổ tượng, Vương Uy nói với Nhị Rỗ:
-Chắc lúc nữa thôi là đầu tượng.
Nhị Rỗ gật đầu. Bỗng trong bóng tối vang lên tiếng gào, ba người sợ tái cả mặt, khỏi nói cũng biết, thứ lẩn khuất trong sương mù kia lại sắp xuất hiện. Có điều lúc này họ đang ở trên cổ bức tượng, chỗ này trơn vô cùng, hơn nữa còn rất cheo leo, bất cứ lúc nào cũng có thể từ trên cao hơn nghìn mét rơi xuống, sao chống cự nổi thứ như thần long thấy đầu không thấy đuôi kia.
Ba người lăm lăm súng trong tay, chăm chăm nhìn làn sương mù phía sau, chỉ thấy đám sương mù mù gần đó đang tụ lại dày đặc, cuồn cuộn xao động. Cả ba người không kịp nghĩ nhiều, lập tức bắn loạn xạ vào màn sương ấy. Nhưng lần này thứ trong sương mù kia có vẻ rất lạ, tiếng súng không làm nó bỏ chạy, trái lại đám sương mù càng cuồn cuộn xao động nhiều hơn.
Nhị Rỗ bắn hết băng đạn, vội lắp băng khác, Vương Uy thấy quái vật kia quẫy mạnh sau lớp sương mù, bèn đưa mắt nhìn quanh. Hình thế nơi này quá hiểm yếu, không có chỗ nào vững chắc để dựa vào, chỉ cần thứ kia xông tới, ba người bọn họ không còn cách nào né tránh. Phần cổ này còn cái đầu ít ra là hai mươi mấy mét, dưới ánh đuốc lờ mờ, chỉ thấy bên trên có một khối đen lù lù, Vương Uy đoán đó là cái đầu. Nếu muốn leo lên cần phải mất một lúc nữa, xem tình thế này, đành tụt xuống vai tượng trước đã rồi tính.
Vương Uy liền gọi hai người kia cùng tụt xuống, xem ra không thể trông vào súng đạn được nữa rồi.
Nhị Rỗ lên đạn, không kìm được lại bắn quét thêm một loạt nữa. Gã không bắn còn đỡ, vừa nổ súng, đám sương mù kia bỗng nhiên tản ra. Một bóng đen nhanh như điên xô tới, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đã tụt xuống dưới, ngước lên nhìn thấy bóng đen kia xô Nhị Rỗ rơi xuống.
Trong tiếng thét của Vương Uy, Nhị Rỗ như diều đứt dây rơi vào đám sương mù, bên dưới vang lên mấy tiếng bịch bịch, chắc hẳn gã đã va phải vật gì đó. Tình cảm giữa Vương Uy và Nhị Rỗ không thể dùng lời để diễn tả được, thấy Nhị Rỗ gặp nguy, mặt Vương Uy tái nhợt, mắt đỏ ngầu lên, anh giật khẩu súng máy trong tay Dương Hoài Ngọc, bắn xối xả vào bóng đen kia.