Thương Duệ trở về kinh thành vào một sáng mùa đông. Tuyết rơi nhẹ, phủ trắng mái điện, từng con đường gạch đá cũng bị che mất ranh giới. Binh sĩ hai bên chỉnh tề hàng lối, cờ xí phấp phới, trống đồng nổi lên như sấm gọi.
Đây là lần đầu tiên hắn được triệu hồi để dâng chiến công.
Bản thân là nghĩa tử của Tể tướng, lại có chiến tích rõ ràng, hoàng thượng đích thân cho lệnh vào cung, ban thưởng tại điện Văn Minh.
Hắn ngồi xe ngựa, mắt nhìn ra khe rèm. Kinh thành không đổi vẫn là những ngọn mái uốn cong, vẫn là sắc đỏ son và vàng rực rỡ trên cửa các phủ đệ. Nhưng trong mắt hắn, nơi đây chỉ là một chiếc l*иg son khổng lồ đẹp, nguy nga, và ăn thịt người.
Người của Tể tướng phủ đã chờ sẵn bên ngoài cung.
Có một cỗ kiệu khác lặng lẽ đi trước không vội, không chậm, nhưng mỗi bước như có trăm người dẹp đường.
Người hầu của Tể tướng thấp giọng nói bên tai Thương Duệ: “Đó là điện hạ Cảnh Thời – hoàng tử thứ mười. Mấy năm nay ở biên cương trấn thủ, vừa về kinh hôm qua.”
Hắn nghe mà tim bỗng khựng lại.
Cảnh Thời... Cái tên ấy hắn chưa từng quên.
Điện Văn Minh đông người. Các quan viên mặc triều phục, đứng thành hàng hai bên. Trên điện là ngai vàng của hoàng đế phủ rèm lụa, sau rèm là giọng nói khàn khàn của người đế vương: “Chiến công hiển hách, ban thưởng bạc trăm, thăng hàm chính ngũ phẩm.”
Tiếng đồng thanh hô vang: “Tạ hoàng ân.”
Thương Duệ quỳ một gối, tay ôm hòm chiến công, vẫn chưa kịp lui xuống thì một giọng nói vang lên bên cạnh: “Đây là tướng trẻ tuổi thắng trận ở Hàn Khẩu?”
Giọng nói không lớn, nhưng trong trẻo, dịu dàng, mang theo nét trầm ổn của người từng ra trận. Thương Duệ ngẩng đầu và lần đầu tiên sau bao năm, ánh mắt hắn chạm vào Cảnh Thời.
Người thiếu niên kia mặc triều phục xanh thẫm, tóc buộc gọn sau đầu, đuôi áo thêu ám văn hình giao long. Hắn đã khác năm xưa – không còn là thiếu niên lười biếng ngồi yến tiệc, mà đã là một nam nhân chững chạc, ánh mắt sâu thẳm, sống lưng thẳng như kiếm.
Thương Duệ nhất thời không nói được gì.
Cảnh Thời cười, gật đầu, bước xuống vài bậc thềm, đứng ngay trước mặt hắn.
“Ngươi chính là tiểu tử năm nào à?” Giọng nói nhẹ, nhưng rõ từng chữ, không lẫn vào đâu được.
Tim hắn đập mạnh một nhịp. Hắn nhớ rõ – năm ấy, giữa yến tiệc ồn ào, có một bàn tay chìa ra, một nụ cười dịu dàng giữa vô số ánh mắt khinh bỉ. Và giờ ánh mắt ấy lại ở đây, không khác mấy năm về trước.
Thương Duệ cúi đầu thật thấp: “Thần… không dám nhận.”
Không dám. Không phải không nhớ.
Cảnh Thời hơi nhíu mày, rồi lại nhoẻn miệng cười: “Vẫn y như năm đó chỉ biết cúi đầu trốn tránh.”
Lời nói ấy không hề mang ý mỉa mai. Ngược lại, lại có chút thân thiết, như thể đang nhắc lại một trò nghịch nhỏ giữa hai người quen cũ.
Thương Duệ vẫn giữ tư thế quỳ, không động đậy. Hắn không dám ngẩng lên, không dám để người kia thấy đôi tai đang đỏ bừng của mình. Hắn đã quen với ánh mắt lạnh, với đao kiếm, với sự khinh bỉ và âm mưu. Nhưng lại không quen với một chút dịu dàng vô hại.
Đó là thứ… nguy hiểm hơn cả binh khí.
Sau buổi ban thưởng, Thương Duệ được lưu lại trong cung vài ngày để tiếp chỉ dụ. Hắn không ngờ lại gặp Cảnh Thời nhiều đến vậy.
Có hôm đi qua ngự hoa viên, bắt gặp người đang đọc sách bên gốc mai trắng. Có hôm đang dùng bữa trong điện khách, thì người kia lại ung dung đến ngồi đối diện, cười hỏi vài câu như thể bằng hữu cũ lâu ngày gặp lại.
Mỗi lần gặp, Cảnh Thời đều cười. Mỗi lần chạm mặt, hắn đều tim đập nhanh. Nhưng Thương Duệ chưa từng dám hỏi.
Không hỏi năm đó vì sao lại giúp mình. Không hỏi vì sao bây giờ vẫn nhớ mình. Vì hắn biết những người càng dịu dàng, lại càng nguy hiểm trong chốn này. Hắn không thể để bản thân lại lạc bước một lần nữa.
Thương Duệ rời cung sau bảy ngày.
Trước khi đi, có người lặng lẽ đến đưa cho hắn một phong thư.
Là Cảnh Thời gửi.
Bên trong chỉ có một câu duy nhất viết bằng chữ chân phương, mạnh mẽ: “Ta nhớ ngươi, đã từng rơi nước mắt vì bị mắng oan.”
Hắn siết phong thư, ánh mắt tối lại, tim đập nhanh, nhưng không ai hay.