“Hôm nay uống sữa táo xanh! Chua chua ngọt ngọt! Tiểu Bình vẫn đáng yêu như mọi khi, hai má đỏ hây hây như táo chín cây!
Tớ quyết định kể cho Tiểu Bình nghe câu chuyện về nàng Bạch Tuyết mà tớ yêu thích nhất! Lần sau khi tớ đóng vai công chúa, sẽ bắt anh ấy đóng vai quả táo nhé!
— Trích “Sổ học chữ của Hạnh Hạnh lớp mẫu giáo.”
Dọc theo con đường núi trong thành phố Hoài, cứ đi về hướng Đông, gặp cột đèn giao thông đầu tiên thì rẽ phải. Tiếp tục đi dọc theo bóng cây rợp mát, đến khi nhìn thấy một cây ngọc lan đang mùa nở rộ, tỏa hương thơm ngát, thì dừng lại, rẽ trái — sẽ thấy cổng lớn khu tập thể Ngọc Lan.
Cánh cổng bằng đồng thau mang phong cách của thập niên 90, qua bao năm dãi nắng dầm mưa giờ đã phai màu, loang lổ như một món phế liệu chưa kịp đưa đi tái chế.
Qua khung cửa sổ mờ kính của chốt bảo vệ nhỏ cũ kỹ, nhìn thấy bác Vương trực hôm nay, người quen lâu năm ở thành phố Hoài, chỉ cần gật đầu chào là có thể tự do vào trong.
Đi thêm khoảng mười mét trên con đường lát đá gồ ghề của khu tập thể, gặp một bức tường cũ bị bút màu và phấn viết vẽ bừa bãi, tôi rẽ phải, đi dọc theo bức tường đó, chỉ vài bước nữa là đến một cây ngọc lan nhỏ, vừa chớm nụ.
Sau tán lá xanh đậm rậm rạp của cây ngọc lan ấy là hàng hiên dẫn vào tòa D1 của khu Ngọc Lan.
Khu này đã cũ, bóng đèn cầu thang dây tóc đã hỏng từ lâu, mấy hộ dân chung nhau góp tiền lắp cảm ứng đèn kiểu mới. Nhưng mua đồ rẻ ngoài chợ thì biết rồi đấy, chất lượng mỗi cái một kiểu, thế là xui xẻo lắp phải bóng đèn dỏm.
Giẫm mạnh một bước thì đèn vẫn không sáng. Chỉ có nhún nhảy vài bước như đang múa ở quảng trường thì đèn mới "bừng tỉnh". Ho khan một cái cũng vô ích — phải khụ đến mức muốn ói phổi ra mới mong nó sáng chậm chạp được chút.
Nhưng mọi người ở đây đều đã sống cả đời, từ khi khu Ngọc Lan mới xây đã dọn vào ở. Nhìn cây ngọc lan dưới nhà từ nhỏ xíu đến nay thành đại thụ, ai cũng quen với tòa nhà này đến mức nhắm mắt cũng tìm được đường về. Vậy nên mấy cái bóng đèn cảm ứng lỗi thời ấy cũng thành ra... có cũng được, không có cũng chẳng sao.
Đi lên cầu thang xi măng trơ trụi, leo qua hai tầng, bên tay trái chính là căn hộ 201 — tòa D1 khu Ngọc Lan. Tại nơi này, Chu Tễ Niên đã ra đời, vào mẫu giáo, học tiểu học, trung học cơ sở rồi trung học phổ thông — tất cả đều đã xảy ra trong căn nhà nhỏ hai phòng này.