Tế Phẩm Của Thần Sông

Quyển 1: Đồng Tử Giấy - Chương 2.1: Mạng Mỏng Như Giấy!

Tiếng ve kêu “rè rè” inh ỏi, vọng từ khu rừng ngoài nhà không ngớt. Thi thoảng, còn nghe tiếng ếch kêu ồm ộp từ những rãnh nước và ao hồ gần đó.

Tiếng ve và tiếng ếch mùa hè vang vọng khắp màn đêm, theo cơn gió nóng bức mà dội lên ồn ào khắp nơi. Tuy nhiên, khi đến gần căn nhà cũ của gia đình nhà họ Lý bên đường lớn, nơi chỉ hé mở một phần tư cánh cửa, tiếng ồn ấy bỗng như bị chặn lại. Cảnh tượng bên trong giống như một vòng tròn nhỏ đang kể chuyện ma, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài.

“Bà ơi, vậy là Thiết Đầu được thần Sông đưa về đúng không ạ?” – Một cô bé tầm bảy tám tuổi ngẩng đầu hỏi, giọng đầy tò mò.

Tối nay cúp điện, trời mùa hè lại nóng nực, Lý Thúy Nguyệt rảnh rỗi, bèn mở chiếc giường tre gấp ngoài hiên nhà, cùng mấy đứa trẻ nằm hóng mát.

Lũ trẻ chẳng chịu ngồi yên. Nằm trên giường tre mà cứ quậy phá mãi thôi, chúng làm ầm lên, đòi Thúy Nguyệt kể chuyện. Lại còn đòi nghe chuyện ma cho bằng được.

Thúy Nguyệt vốn không thích những thứ mê tín dị đoan. Trong đầu bà ấy chẳng có mấy câu chuyện để dỗ trẻ con. Thế là bà ấy đã chọn kể lại vài chuyện kỳ quái đã từng xảy ra trong đời mình.

Lúc này, bà ấy đang kể câu chuyện rùng rợn về việc Nguyên Khê suýt bị thần Sông bắt đi khi còn nhỏ. Mấy đứa nhỏ, như những con khỉ nghịch ngợm, đều mở to mắt lắng nghe, đến khi bà ấy kể xong mới bật ra câu hỏi.

Nghe chị gái Tâm Tâm hỏi, Nguyên Khê, người từng là nhân vật chính trong câu chuyện, lập tức vểnh tai lên, cũng tò mò không kém: “Bà ơi, sao con không nhớ gì hết vậy? Vậy là trong sông nhà mình thực sự có thần sao?”

Cửa chính nhà bà Lý mở hé một góc trên, như một ô cửa sổ nhỏ, thi thoảng có chút gió từ bên ngoài lùa vào, miễn cưỡng giúp giảm bớt cái nóng. Trong tay Thúy Nguyệt còn cầm một chiếc quạt lá chuối, lâu lâu bà phe phẩy vài nhát để giúp bản thân hoặc đứa nào trong đám trẻ đỡ ra mồ hôi.

Vừa phe phẩy quạt, Lý Thúy Nguyệt vừa không kiêng nể gõ nhẹ lên trán cậu bé Nguyên Khê đang tò mò rướn người lại gần, rồi nói: “Làm gì có thần Sông nào chứ, chỉ là con may mắn thôi.”

Câu nói dứt khoát của bà ấy lập tức dập tắt những tưởng tượng vừa lóe lên trong đầu đám trẻ.

Tâm Tâm phản đối, kêu lên: “Sao lại không có thần Sông được ạ? Vậy thì làm sao mà Thiết Đầu về được chứ?"

Nguyên Khê, tên gọi thân mật là “Thiết Đầu” lặp lại lời chị mình nói như vẹt: “Đúng đó, sao con được đưa về ạ?”

"Bà đã nói là nhờ có gió rồi mà. Ai mà ngờ lúc đó con lại nghịch ngợm đến mức đó chứ, dám trèo lên thuyền giấy, bà và cậu con tìm khắp nơi cũng không thấy, suýt nữa làm bà sợ chết khϊếp. Cũng may là con mạng lớn, đúng lúc cái thuyền giấy đó dán keo chắc chắn, lại đúng hôm có gió lớn. Nếu không, con thật sự đã chìm xuống sông làm mồi cho cá rồi."

Dù kể chuyện xưa hay nói về tập tục, Lý Thúy Nguyệt tuyệt đối không nhắc đến chuyện vị thần Sông nào đó đã đưa cháu ngoại mình về.

Dù bề ngoài bà ấy không giống lắm, nhưng Lý Thúy Thiệt thực chát là một người rất kiên định với tư tưởng vô thần.

Ngay cả khi đi đường ban đêm mà gặp phải ma, bà ấy cũng sẽ tự nhủ đó chỉ là ảo giác của mình, huống hồ là mấy chuyện “trùng hợp” như của Nguyên Khê. Trong mắt bà, tất cả chỉ đơn giản là do cháu bà ấy phúc lớn mạng lớn mà thôi.

Tâm Tâm và Nguyên Khê thất vọng thở dài thườn thượt. Nhưng anh họ của Nguyên Khê, Tiểu Vũ, lại chẳng hứng thú với câu chuyện có Nguyên Khê làm nhân vật chính. Cậu nhóc bắt đầu giục bà kể chuyện khác: “Bà ơi, chuyện này con nghe qua rồi thì phải, chẳng thú vị gì hết! Bà mau kể chuyện khác đi, bà kể mấy câu truyện nào hay hay í ạ."

Tốt nhất là kể câu chuyện nào mà cậu ta được làm nhân vật chính ấy!

"Nhàm chán gì chứ, đây là lần đầu chị và Thiết Đầu được nghe bà ngoại kể truyện đó." Chị gái Tâm Tâm cau mày gắt lời Tiểu Vũ, cô bé vẫn chưa từ bỏ ý định, tiếp tục truy vấn: "Bà ngoại ơi, nếu không phải là ngài thần Sông, thì sao khi Thiết Đầu bệnh tật triền miên, nhưng khi trở về đây được một hai ngày là đã khỏi bệnh rồi ạ?"

Nguyên Khê, lại một lần nữa trở thành tâm điểm câu chuyện, cậu chớp mắt, bắt chước hỏi theo chị mình: “Đúng đó bà ngoại ơi, sao con lại khỏi bệnh nhanh vậy ạ?”

Cha mẹ của Nguyên Khê làm việc ở thành phố, từ nhỏ cậu đã được gửi về quê để bà ngoại nuôi nấng, cậu bé lớn lên ở thôn Tự Thủy. Mãi đến mùa hè năm nay, khi cậu tròn sáu tuổi, cha mẹ mới đón cậu lên thành phố, dự định cho cậu đi học tiểu học. Nhưng không ngờ, vừa lên thành phố, Nguyên Khê đã ngã bệnh.

Hơn nữa còn bệnh rất nặng.

Dạo trước, Nguyên Khê bị nôn mửa liên tục, tiêu chảy không ngừng, lại sốt cao dai dẳng. Cha mẹ cậu đã đưa cậu đến bệnh viện nhiều lần, nhưng bệnh tình cứ tái đi tái lại, mãi không thuyên giảm. Suốt hơn nửa tháng, Nguyên Khê gần như sống trong trạng thái mơ màng, đến mức cha mẹ cậu hoảng sợ, suýt nữa phải chuẩn bị hậu sự cho con.

Trong lúc tuyệt vọng cùng cực, chẳng rõ nghe ai mách, cha mẹ Nguyên Khê đã quyết định đưa cậu về quê.

Lạ thay, đứa trẻ ốm yếu chẳng thể chữa khỏi ở thành phố, chỉ sau hai ba ngày về quê, lại khỏi bệnh một cách thần kỳ.