Đoàn người tế lễ vừa đánh chiêng trống vừa bước đi, chân nhảy múa theo điệu bộ kỳ lạ dọc theo dòng sông, đồng thời thả những chiếc thuyền nhỏ trôi đi. Tiếng chiêng trống vang vọng như tiễn đưa những chiếc thuyền nhỏ được vẽ đầy gương mặt kỳ dị ra giữa dòng. Người dân xung quanh cũng men theo bờ sông, vừa chạy theo thuyền vừa hò hét theo giọng ông lão dẫn dắt.
Chàng trai bị bỏ lại nghe được không có trẻ con ở đây thì thở phào nhẹ nhõm, liếc nhìn dòng sông nơi mấy chiếc thuyền nhỏ đang trôi xa, sau đó liếc sang nơi khác.
"Chạy đi đâu thế không biết!" Chàng trai lầm bầm một tiếng, rồi quay lại chuẩn bị đến những nơi mà thằng nhóc Nguyên Khê nghịch ngợm nhà mình thường xuyên lui tới để tìm cậu.
Những chiếc thuyền nhỏ được đoàn người vây quanh, càng lúc càng trôi xa.
...
Trẻ con trong làng thường chạy lung tung, nhà ai cũng có thể ghé chơi. Chúng thích tụ tập với nhau, nếu chẳng may chạy tới chỗ nguy hiểm thì người lớn nào nhìn thấy cũng sẽ nhắc nhở. Vì vậy, nếu có đứa trẻ mất tích, mọi người thường không quá lo lắng.
Lý Hoành đi tới vài chỗ nguy hiểm trong thôn hỏi thăm, nhưng chẳng nghe ai nói đã thấy Nguyên Khê đến đó. Anh ấy cứ nghĩ cậu chỉ đến nhà ai chơi hoặc trốn đâu đó ngủ quên.
Mãi đến vài giờ sau, khi Lý Thúy Nguyệt đi làm về, không thấy cháu ngoại Nguyên Khê đâu, bà ấy mới hỏi Lý Hoành. Nghe xong, lúc này anh ấy mới phát hiện ra rằng cậu nhóc vẫn chưa về, hoảng hốt cả lên.
Nhà họ Lý rối loạn cả một phen.
Tính đến lúc này, Nguyên Khê đã mất tích vài tiếng. Lý Thúy Nguyệt dẫn theo con trai Lý Hoành và con gái Lý Lệ Vân tìm khắp làng, tìm từ đầu làng đến cuối làng, từ đông sang tây, hỏi từng nhà một, nhất là những nhà có trẻ con, xem có đứa nào chơi cùng Nguyên Khê không.
Người dân trong làng nghe tin có trẻ con mất tích cũng đồng loạt ra ngoài giúp tìm. Thế nhưng, hỏi thăm cả buổi vẫn không ai nhìn thấy. Đa số thời gian mọi người đều bận bịu lo chuẩn bị lễ tế thần Sông, thậm chí chẳng ai để ý đến cậu bé.
Trụ Tử từng đứng ở bờ sông xem thuyền tế, khi bị hỏi đến, chợt nhớ ra mình từng thấy một đứa bé ở đó, liền thuận miệng nói: "Tôi có thấy một đứa trẻ ở bờ sông, nhưng tuổi tác hình như không đúng lắm, chẳng giống thằng cháu nhà thím chút nào."
Lý Thúy Nguyệt nghe xong, không thèm bận tâm đến lời anh ta nói có đúng hay không, vội vàng gặng hỏi: "Hình dáng thế nào? Sao lại không đúng? Đứa nhỏ đó chạy đi đâu rồi?"
Trụ Tử liền cố gắng nhớ lại bóng lưng đứa trẻ mình đã nhìn thấy: "Có lẽ cao đến ngang hông cháu đó, trông chừng năm sáu tuổi, mặc bộ trường sam đỏ đen, còn đội chiếc mũ quả dưa giống hệt các cậu ấm ngày xưa nữa...
Nghe đến đây, Lý Thúy Nguyệt càng thất vọng, nhưng vài người làng đứng gần đó càng nghe càng cảm thấy kỳ lạ.
Trong làng này nào có đứa trẻ nào ăn mặc như thế?
Nhưng thật ra sáng nay, trong lúc lễ tế thần Sông, bọn họ đã dâng lên hai đôi đồng nam đồng nữ để trên thuyền. Chúng được trang trí y hệt lời mô tả của Trụ Tử...
Chẳng lẽ trong số các hình nhân tế lễ, có một đồng tử đã trốn thoát, khiến thần Sông khi nhận tế phẩm đã thấy thiếu người, nên đã bắt Nguyên Khê thế chỗ?
Vài người nghĩ vẩn vơ nhưng cuối cùng vẫn không dám nói ra. Lý Thúy Nguyệt đang gấp gáp tìm cháu, nếu lỡ miệng nói bậy chắc chắn sẽ bị mắng, chi bằng tiếp tục giúp tìm kiếm thì hơn.
...
"Thiết Đầu..."
"Thiết Đầu..."
Bầu trời đêm ở thôn Tự Thủy bị những chùm ánh sáng từ đèn pin chiếu rọi, tiếng gọi nhau vang vọng khắp núi đồi. Thế nhưng, trời càng lúc càng tối, hy vọng tìm được người càng trở nên mong manh. Nhiều người cầm đèn pin tham gia tìm kiếm đã cạn gần hết pin, những người dân trong làng dần nản chí, bắt đầu khuyên nhủ Lý Thúy Nguyệt nên dừng lại.
Lý Thúy Nguyệt đỏ bừng mắt, túm lấy Lý Hoành vừa đánh vừa mắng, khuôn mặt anh ấy đầy vẻ hối lỗi và ân hận. Nhưng đúng vào lúc Lý Thúy Nguyệt gần như tuyệt vọng, bà ấy bỗng nghe thấy tiếng khóc quen thuộc của trẻ con vọng lại từ đâu đó.
“Mọi người có nghe không! Đây có phải tiếng của Thiết Đầu không!?” Lý Thúy Nguyệt không tin nổi, nắm lấy con gái là Lý Lệ Vân hỏi dồn dập, rồi quay sang hỏi con trai là Lý Hoành xem có nghe thấy không.
Ban đầu Lý Lệ Vân hơi sững lại, rồi nghiêng tai lắng nghe, quả thực có tiếng khóc.
Tiếng “oa oa” vang lên, không lớn lắm, lúc ẩn lúc hiện, dường như phát ra từ phía dòng sông Tự Thủy.
“Mẹ, bên đó kìa!” Lý Lệ Vân vội chỉ tay về một hướng rồi chạy đi, Lý Thúy Nguyệt và những người còn lại cũng lập tức đuổi theo.
Một nhóm người vừa chạy về phía sông Tự Thủy, vừa đi men theo bờ sông thêm một đoạn. Tiếng khóc “oa oa” ngày càng rõ ràng, cũng càng quen thuộc hơn.
“Đúng là Thiết Đầu rồi!” Lý Thúy Nguyệt mừng rỡ kêu lên, những người khác cũng hô vang gọi tên cậu bé: “Thiết Đầu, Thiết Đầu.”
Nhưng khi họ đến bờ sông, tiếng gọi dần nhỏ lại, rồi im bặt.
Giữa mặt sông, một chiếc thuyền nhỏ bằng giấy, có mui cong, đang lắc lư theo làn gió nhẹ, từ xa từ từ trôi về phía họ.
Mọi người nhìn nhau, ánh mắt đều đổ dồn về chiếc thuyền nhỏ đang trôi đến gần, không ai dám lên tiếng.
Chiếc thuyền đó chính là chiếc thuyền giấy được dùng để chở lễ vật trong lễ tế thần Sông vào buổi sáng.
Loại thuyền giấy này là nghề truyền thống tổ tiên để lại ở làng họ. Sau khi làm xong, người ta sẽ quét một lớp sơn chống nước đặc chế. Tuy rất chắc chắn, có thể chở được khoảng một trăm cân mà không chìm, nhưng lớp sơn này chỉ có tác dụng trong ba đến bốn tiếng, sau đó sẽ tan trong nước. Khi ấy, thuyền giấy sẽ ngấm nước, tự động chìm xuống, mang theo lễ vật đến dâng thần Sồng.
Thế nhưng chiếc thuyền trước mắt lại hoàn toàn đi ngược với hiểu biết của họ. Từ lúc tế lễ đến giờ đã mười mấy tiếng, vậy mà thuyền không những không chìm xuống giữa sông như dự đoán, mà còn ngược dòng trôi trở lại nhờ một làn gió nhẹ!
Những hoa văn mặt nạ vẽ bằng sơn dầu trên thân thuyền, lúc ban ngày trông trang nghiêm, phù hợp với không khí cúng bái. Nhưng giờ đây, dưới bóng tối, lại toát lên vẻ ma mị, đáng sợ.
Nhiều người bắt đầu thấy bất an, trong lòng đầy e dè.
“Thiết Đầu!” Lý Thúy Nguyệt tinh mắt nhìn thấy dưới mui thuyền có một đứa trẻ đang khóc lớn. Đúng là Nguyên Khê, cháu ngoại mà bà ấy tìm khắp nơi không thấy. Không quan tâm gì thêm, bà ấy lập tức lội xuống sông, bì bõm chạy về phía chiếc thuyền.
Những người khác thấy vậy cũng không thể đứng nhìn, cùng xắn tay hỗ trợ.
Lý Thúy Nguyệt bế Nguyên Khê từ chiếc thuyền giấy lên, vừa dỗ dành vừa vỗ về, hoàn toàn không để ý đến những điều khác.
Lạ lùng thay, ngay khi Nguyên Khê được bế lên, làn gió nhỏ trên mặt sông cũng từ từ ngừng lại.
Có người tò mò ghé mắt nhìn vào trong chiếc thuyền giấy, phát hiện lễ vật vốn được chất đầy trên thuyền đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại mình Nguyên Khê!
Không còn sức gió đẩy, chiếc thuyền nhỏ dừng lại một lúc rồi lại bắt đầu trôi đi. Có người định đưa tay ngăn thuyền lại nhưng bị những người tin vào điều kiêng kỵ giữ chặt. Cuối cùng, mọi người chỉ biết trơ mắt nhìn chiếc thuyền trôi chầm chậm xuôi dòng, rồi theo tiếng khóc của Nguyên Khê, càng lúc càng xa.
Càng đi xa, thuyền càng chìm dần xuống. Lớp sơn chống nước như vừa lúc này mới tan ra. Chưa kịp ra khỏi tầm nhìn của mọi người, chiếc thuyền đã hoàn toàn chìm xuống dòng sông.
Ai nấy đều nhìn nhau, không ai nói lời nào.