Từ Khang và Từ Nhạc mà theo Từ Quyên thì chắc chắn chúng nó sẽ được coi như con ruột mà đối xử. Cho chúng nó học hành đàng hoàng trên thành phố, sau này biết đâu lại thi đỗ đại học ở thủ đô, tiền đồ rộng mở.
Bà thông gia nói có đúng không?”
Sắc mặt bà nội có phần dịu lại sau khi nghe những lời này, bởi vì những gì bà ta nói đều là những điều bà vẫn luôn lo lắng.
Nhưng bà nội liếc nhìn con gái ruột của mình, từ đầu đến giờ, Từ Quyên vẫn luôn giữ thái độ thờ ơ, dửng dưng như người ngoài cuộc. Đôi mắt cô ta đảo liên tục trong sân, khi nhìn thấy Từ Khang và Từ Nhạc, trên mặt cô ta hiện lên vẻ lạnh lùng khó tả.
Thái độ này của Từ Quyên khiến bà nội không thể nào yên tâm giao hai đứa cháu nội cho cô ta được. Bà nội không nói gì, những người khác cũng không tiện lên tiếng can thiệp vào chuyện riêng của gia đình người ta, không khí trong sân bỗng chốc trở nên im lặng.
Từ An nhận ra đã đến lúc mình phải lên tiếng.
“Cô Út, nghe nói mấy hôm trước cô có đến làng Mã Gia?”
Trong lúc mọi người đang im lặng, câu nói này của Từ An đã thu hút sự chú ý của tất cả mọi người, ai nấy đều nhìn về phía cô Út.
“Hả… chuyện này…”
Cô Út có tật giật mình, nhất thời không biết phải nói gì, lắp bắp mãi không nên lời.
“Không phải là thím Lưu hàng xóm nhờ em đi cùng sao.” Dượng Út ở bên cạnh vội vàng nhắc nhở.
“À… đúng rồi… đúng rồi… Thím Lưu có việc nên cô Út mới đi cùng thím ấy đến làng Mã Gia. Mấy hôm trước rồi, cô cũng không nhớ rõ nữa, ha ha…”
Lúc này, bà Ba ngồi bên cạnh bà nội khịt mũi một tiếng, lạnh lùng nói: “Mẹ ruột bị gãy chân cũng không thèm đến thăm một lần, hàng xóm có việc thì lại nhiệt tình đến thế, còn đích thân tháp tùng đến tận làng Mã Gia. Làng Mã Gia cách làng Từ Gia có nửa tiếng đi bộ, đường xá gần như vậy mà cũng không thèm ghé qua thăm mẹ mình một chút.”
Chưa đợi nhà cô Út kịp phản bác, Từ An đã nói tiếp.
“Cháu nghe nói cô Út đến gặp bà đồng ở làng Mã Gia để xin con. Bà đồng phán là cô Út cả đời này không có con, phải nhận con nuôi thì mới có thể sinh con được.
Ban đầu cháu cũng không tin, nhưng hôm nay cô Út lại đến nhà cháu, vừa mở miệng là muốn đón Từ Khang và Từ Nhạc đi, thật khó mà khiến cháu không nghi ngờ cho được.
Từ Khang và Từ Nhạc từ lúc sinh ra đến giờ đã được bốn tuổi rồi, vậy mà cô Út chưa từng gặp chúng nó mấy lần, bây giờ lại đột nhiên muốn đón chúng nó đi, nghĩ thế nào cũng thấy có vấn đề.”
Lời nói của Từ An đã chọc trúng tim đen của ba người cô Út, khiến họ tức giận vì bị vạch trần ý đồ. Cả ba người đều trừng mắt nhìn Từ An, như muốn ăn tươi nuốt sống anh.
Mẹ chồng của cô Út tức giận đến mức ruột gan sôi sục, đã nói chuyện tử tế với anh rồi mà anh vẫn không biết điều, được lắm, vậy thì đừng trách bà ta độc ác.
Bà ta bước nhanh vào bếp, lúc mới đến, bà ta đã quan sát kỹ càng đồ đạc trong nhà Từ An, nhớ rất rõ là hũ gạo nhà anh đã gần như cạn kiệt.
Bà ta bưng phịch chiếc hũ gạo gần như trống không ra giữa sân, mở nắp ra, chỉ vào bên trong, vênh mặt nói: “Cậu có giở trò gì thì giở, nhìn cái hũ gạo sắp hết nhẵn của nhà cậu kìa, Từ Khang và Từ Nhạc theo chúng tôi thì ít nhất cũng được ăn no mặc ấm, không lo chết đói, chết rét.”
Nghe vậy, hai người đầu tiên lên tiếng phản bác chính là Từ Khang và Từ Nhạc. Chúng tròn xoe đôi mắt đen láy nhìn mẹ chồng của cô Út, líu rít nói:
“Chúng con có cơm ăn, còn có thịt ăn nữa.”
“Đúng vậy, chúng con được ăn trứng hấp, mướp đắng nhồi thịt, bánh bao thịt, canh xương hầm…, toàn là món ngon thôi.”
Lúc này, mẹ chồng của cô Út nào còn tâm trí đâu mà nghe, bà ta cứ bám riết lấy cái hũ gạo kia mà nói.
“Chúng mày chỉ được ăn thịt một bữa thôi, còn muốn ăn hàng ngày à? Hũ gạo đã hết nhẵn thế này rồi, lát nữa chúng mày lấy gì mà ăn, chỉ có nước húp cháo loãng thôi, mười ngày nửa tháng cũng chẳng ị nổi một bãi.”
Vừa dứt lời, ngoài cổng vang lên tiếng bước chân lộn xộn, mấy người đàn ông đang đứng trước cổng.
“Từ An, thịt lợn với xương lợn của cậu đây.”
“Hai bao gạo của cậu đây.”
“Dầu hào, bột năng, giấm, rượu nấu ăn…”
“…”
Nào là đủ thứ trên đời, chất đầy cả cổng.
Mẹ chồng của cô Út đang thao thao bất tuyệt bỗng chốc im bặt, bà ta không cam tâm chịu thua, liền cố làm ra vẻ hung dữ nói: “Cả nhà không có ai làm ra tiền, mua được một ngày chứ có mua được cả đời à?”
Nói xong, bà ta đặt hũ gạo xuống, chạy ù về phía chiếc ghế dài, ngồi phịch xuống.
“Bà thông gia à, đừng trách tôi nói lời khó nghe, nhưng sự thật là như vậy, chúng ta…”
“Đủ rồi.” Lần này là bà nội lên tiếng ngắt lời bà ta: “Chuyện nhận nuôi hai đứa nhỏ không phải là chuyện nhỏ, mọi người về nhà suy nghĩ kỹ càng đi, chúng tôi cũng vậy, hôm nay đến đây thôi.”
Dượng Út có chút nóng ruột, định đứng dậy nói gì đó thì bị mẹ mình kéo tay lại.