Bà Ba sinh được hai con gái, bốn con trai, chú Đống Lương là con trai út, năm nay hai mươi lăm tuổi, vẫn chưa lập gia đình. Hai người con gái đã đi lấy chồng, ba người con trai thì có một người định cư trên thành phố, hai người còn lại đã kết hôn, xây nhà riêng trong làng, hiện tại chú Đống Lương vẫn sống chung với bà Ba trong căn nhà cũ.
Vừa đến gần, Từ An đã nghe thấy tiếng bà Ba mắng chú Đống Lương, hình như là đang trách chú ấy suốt ngày bảy tám giờ tối mới về nhà ăn cơm, sớm muộn gì cũng hỏng dạ dày.
"Mẹ, mẹ nghĩ con muốn về muộn thế này lắm chắc? Hôm nay, tan ca, con xếp hàng đi lấy cơm, còn chưa đến lượt con thì đã có người gắp phải nửa miếng sắt trong thức ăn, miếng sắt còn dính đầy dầu mỡ đen sì.
Mấy hôm trước có sạn, có côn trùng gì đó thì thôi, đằng này lại là sắt, túi nilon… thật không thể nào chấp nhận nổi. Con sợ ăn cơm xong lại phải vào viện, tiền kiếm được còn không đủ tiền thuốc men."
"Ai đời lại có chuyện cẩu thả đến mức ném cả sắt vào nồi thức ăn thế không biết."
Từ An gõ cửa, gọi với vào trong: "Bà Ba, chú Đống Lương, cháu là Từ An đây ạ, cháu có chút việc muốn hỏi chú Đống Lương một chút."
Cánh cửa "kẽo kẹt" mở ra, người mở cửa là chú Đống Lương, tay phải cầm một bát cơm lớn, vừa đi vừa ăn.
"Từ An đấy à, tìm chú có việc gì thế, gấp không, không gấp thì đợi chú ăn cơm xong rồi nói."
Vừa dứt lời, bát cơm trên tay chú Đống Lương đã bị bà Ba giật mất.
"Người ta đã tìm đến tận nhà thế này chắc chắn là có việc gấp, ăn cơm lúc nào chả được, đi nhanh lên."
Từ An vừa buồn cười vừa cảm động, vội vàng kéo tay bà Ba: "Bà Ba, không có chuyện gì gấp đâu ạ, cháu chỉ muốn hỏi chú Đống Lương một chút chuyện thôi, không mất nhiều thời gian đâu ạ."
Nghe Từ An nói vậy, bà Ba mới thôi, nhét bát cơm trở lại vào tay chú Đống Lương.
Nói không cảm động là giả.
Từ sau khi cha mẹ qua đời cách đây bốn năm, một mình bà nội phải gồng gánh nuôi nấng một đứa cháu trai đang tuổi ăn tuổi lớn và hai đứa cháu nội còn ẵm ngửa, những chuyện này đều không thể nào thiếu đi sự giúp đỡ của mọi người trong làng.
Mấy hôm trước, bà nội bị gãy chân cũng là nhờ chú Đống Lương đưa đi bệnh viện.
Chú Đống Lương vào nhà lấy một chiếc ghế cho Từ An ngồi, sau đó tiếp tục cắm cúi ăn cơm, mãi đến khi nhét đầy cơm vào miệng, chú ấy mới ngẩng đầu lên hỏi: "Từ An, có chuyện gì thế?"
"Cháu muốn hỏi chú một chút chuyện về công trường."
Con ngươi chú Đống Lương bỗng nhiên trợn to, cố gắng nuốt miếng cơm chưa nhai kỹ xuống, giọng nói có chút run rẩy: "Từ An, chẳng lẽ cháu cũng định đến công trường làm việc như chú sao? Chuyện này cháu phải nghe lời chú, cháu phải học đại học, học hành cho tử tế, làm ruộng hay đi làm công trường đều vất vả, lại chẳng kiếm được bao nhiêu tiền.
Tuy lương công trường có vẻ cao, nhưng đều phải đến sáu tháng hoặc một năm mới được thanh toán một lần. Gặp phải mấy ông chủ lòng lang dạ sói, làm việc cả năm trời, không những không được trả lương mà còn có khi phải bù lỗ ấy chứ."
Từ An đưa tay quẹt mấy hạt cơm dính trên mặt, cười khổ nói: "Chú Đống Lương, chú đừng kích động, cháu không định đến công trường làm việc cả đời đâu. Bây giờ đang là kỳ nghỉ hè, cháu ở nhà cũng không có việc gì làm, nên muốn tìm việc gì đó làm thêm, kiếm ít tiền."
"Ồ, định đi làm thêm à, làm thêm cũng được. Nhưng mà nhìn cái thân hình còm nhom của cháu, chắc không hợp với công việc ở công trường đâu." Chú Đống Lương đánh giá Từ An từ đầu đến chân, tỏ vẻ chê bai thân hình gầy yếu của anh.
"Không phải, chú Đống Lương, chiều nay cháu với Hòa Bình có đến mấy công trường trong thành phố xem thử, thấy phần lớn các công trường đều nấu ăn không ngon, lại không có mấy dầu mỡ, nên cháu định làm cơm hộp mang đến công trường bán, chú thấy thế nào?"
Chú Đống Lương theo bản năng định nói Từ An đừng có làm loạn, nhưng chưa kịp nói ra thì bỗng nhiên nghĩ đến điều gì đó, hai mắt sáng rực, nhìn chằm chằm Từ An: "Kể rõ hơn cho chú nghe xem nào."
****
Từ An đem toàn bộ kế hoạch của mình nói ra, chú Đống Lương vừa nghe vừa gật đầu lia lịa tỏ vẻ đồng ý.
“Ý tưởng của cháu rất khả thi. Công trường chú đang làm việc, ước chừng có khoảng năm sáu trăm người. Trừ những người ở địa phương ra, công nhân từ nơi khác đến cũng phải được hai ba trăm người.
Họ không giống chúng ta, tối đến có thể về nhà ăn một bữa ngon lành, họ chỉ có thể đến mấy quán ăn gần đó ăn tạm cho xong bữa. Chỉ cần cơm hộp của cháu rẻ hơn, ăn được là có thể làm ăn phát đạt rồi.”
Nói xong, chú ấy lại vội vàng bổ sung: “Cháu muốn làm thì đến công trường chú đang làm thử xem sao? Đến lúc đó chú sẽ rủ rê mọi người mua ủng hộ cháu, đảm bảo không lo ế hàng.
Chỉ là nếu cơm hộp của cháu mà không ngon thì lần sau phải đổi chỗ khác đấy, đừng có đến đây nữa. Bởi vì nếu bọn họ mà muốn “tẩn” cháu thì chú cũng không đỡ được đâu.