Nhưng ngày thường, dượng Út và cô Út vẫn rất tình cảm, không có gì bất thường. Hơn nữa, Từ Khang và Từ Nhạc vẫn đang ở nhà cô Út, mọi người đều cho rằng hôm đó dượng Út say quá nên nói nhăng nói cuội, nhầm Từ Khang thành con trai mình, nên cũng chẳng ai để tâm đến chuyện này nữa.
Nhưng bây giờ, sau khi nhìn thấy tờ kết quả xét nghiệm này, cộng thêm với lời đồn năm xưa, Từ An khó mà không tin đây là sự thật.
Cả hai kiếp, đây là lần đầu tiên Từ An “hóng hớt” được chuyện động trời như vậy, anh ngẩn ngơ suốt cả quãng đường về, chuyện này còn khiến anh sốc hơn cả việc bản thân trọng sinh trở về mười lăm năm trước.
Một lúc sau khi Từ An và Hòa Bình rời đi, dượng Út lại xuất hiện ở trạm xe buýt.
Dượng Út bịt mũi lục tung thùng rác, vừa tìm vừa lẩm bẩm: "Mới đi có mấy phút mà đã không thấy đâu rồi, hay là bị người ta lụm mất rồi? Tờ giấy rách nát thế mà cũng lụm, đúng là nghèo rớt mồng tơi mà."
Lúc hai người về đến nhà thì trời đã sẩm tối.
Khác với mọi ngày, hôm nay, Từ An đã đi vào tận sân rồi mà Từ Khang và Từ Nhạc chỉ liếc nhìn anh một cái rồi lại tiếp tục chơi cát, vẻ mặt hờn dỗi không thể nào che giấu nổi.
Từ An ngồi xổm xuống bên cạnh hai đứa nhỏ, hai đứa đồng loạt quay người đi, đưa lưng về phía cậu.
"Khang Khang, Nhạc Nhạc, sao thế? Hai đứa không muốn nhìn thấy anh sao?"
Đáp lại anh là hai tiếng “hứ” đồng thanh.
"Để anh đoán xem nào, có phải vì anh ra ngoài không dẫn hai đứa theo nên hai đứa giận dỗi không?"
Hai đứa nhỏ vẫn im lặng, xem ra không phải lý do này.
"Hay là do anh về muộn quá, hai đứa bị đói bụng nên không thèm để ý đến anh?"
Vẫn không thấy ai trả lời.
Từ An thầm nghĩ, tuy Từ Khang và Từ Nhạc còn nhỏ, nhưng rất ít khi chúng giận dỗi vô cớ. Chắc hẳn là hai đứa đã gặp chuyện gì đó, muốn nhờ anh giúp đỡ hoặc an ủi, kết quả là anh lại không có ở nhà, nên mới giận dỗi như vậy.
Anh chợt nhớ đến chiều hôm qua, sau khi tỉnh giấc vì gặp ác mộng, hai đứa nhỏ đã khóc lóc thảm thiết, đòi anh ôm.
Không lẽ lại gặp ác mộng nữa rồi?
Từ An đưa tay ôm hai đứa nhỏ vào lòng, dịu dàng hỏi: "Hai đứa lại gặp ác mộng nữa à?"
Nghe vậy, hai đứa nhỏ đang hờn dỗi bỗng nhiên rưng rưng nước mắt, ôm chặt lấy tay anh, nức nở gật đầu.
"Lại mơ thấy mụ phù thủy kia nữa hả?"
Hai đứa nhỏ lại gật đầu, đồng thanh đính chính.
"Không phải mụ phù thủy đâu, là lão yêu quái. Lão yêu quái cao cao, gầy như cái sào, trên tay còn cầm một cây gậy tre, đứng cùng với mụ phù thủy. Hễ khi nào tụi em kêu đói, muốn ăn cơm là lão ta lại lấy gậy ra đánh.
Trong mơ không có gì ăn cả, đói bụng quá, đói quá nên tỉnh dậy mất."
À, hóa ra là hai đứa nhỏ nhà anh bị đói bụng.
"Được rồi, anh đi nấu cơm đây, lát nữa hai đứa ăn nhiều một chút, ăn bù cả phần trong mơ nữa nhé."
Đến bếp rồi Từ An mới nhớ ra trưa nay đã ăn hết thịt rồi, trong nhà chỉ còn trứng gà là có thể coi là “món mặn”.
Vậy thì làm trứng hấp, trứng gà xào ớt chuông và rau cải xanh xào tỏi vậy. Người dân ở thành phố Hải không ăn cay, cho dù là ớt chuông thì cũng không hề cay, ngược lại còn có vị ngọt, trẻ con ăn thoải mái không sợ bị cay.
Từ An cứ nghĩ hai đứa nhỏ sẽ mè nheo đòi ăn thịt, không ngờ chúng lại ăn hết veo hai bát cơm chan trứng hấp, ngoan ngoãn vô cùng.
Lúc này, Từ An mới chợt nhận ra, từ sau khi tốt nghiệp đi làm, kiếm được tiền, nhà anh mới có thịt để ăn hàng ngày. Hai đứa nhỏ ở nhà cô Út bị bỏ đói quen rồi, nên mới thèm ăn thịt, thành ra không có thịt là không chịu ăn cơm.
Bây giờ hai đứa nhỏ không bị bỏ đói nữa, với lại Từ An nấu ăn ngon hơn bà nội.
Nếu nói tay nghề nấu nướng của bà nội đạt điểm 6/10 thì tay nghề của Từ An phải được 8,8/10, hai đứa nhỏ làm sao có thể chê được.
Ăn cơm tối xong, Từ An dọn dẹp bát đũa, sau đó đi gánh nước giếng vào lau người cho bà nội, tắm rửa cho hai đứa nhỏ, cuối cùng mới tắm rửa và giặt giũ quần áo cho mình.
Xong xuôi mọi việc thì đã tám giờ tối.
Giờ này chắc chú Đống Lương đã đi làm về rồi, Từ An đóng cửa sân, đi ra phía sau nhà.
Làng Từ Gia có hình chữ nhật, nhà cửa được chia thành bốn dãy, mỗi dãy có từ sáu đến bảy ngôi nhà, tổng cộng hai mươi sáu ngôi nhà.
Những ngôi nhà xây bằng gạch ngói như nhà Từ An đa phần đều được xây dựng từ thời ông bà, trong làng có tổng cộng bảy ngôi nhà như vậy, chủ yếu là những người thuộc thế hệ của bà nội đang sinh sống.
Thế hệ của cha Từ An cơ bản đều đã lập gia đình, xây nhà mới trên một khu đất khác trong làng. Rất dễ nhận ra nhà mới, những ngôi nhà nào có tường ngoài được ốp gạch men hình vuông ba bốn phân đều là nhà mới.
Đến thế hệ của Từ An, một số người sinh năm đầu đã gần ba mươi tuổi, cũng đã lập gia đình, xây dựng nhà cửa. Những ngôi nhà mới được xây dựng trong khoảng thời gian này đều được sơn một lớp sơn chống thấm nước đơn giản, chủ yếu tập trung đầu tư vào trang trí nội thất.