“Không cứu được nữa rồi.”
Chú bảo vệ trên chiếc bè phao nhìn lên cầu và lắc đầu nói to với bảo vệ đứng đầu cầu.
Chú bảo vệ trên đầu cầm bộ đàm hỏi: “Cảnh sát tới chưa? Đã kiểm tra camera giám sát chưa?”
Một bác gái đứng gần đó bất chợt nhận ra: “Đây chẳng phải là thằng bé ở khu nhà số 5 sao? Năm nay vừa lên lớp 12, đúng là đáng thương quá!”
“Sao lại rơi xuống đó vậy?”
“Ai đó đi báo cho bố mẹ thằng bé đi?”
“Có ai có số điện thoại của bố mẹ nó không?”
“Tôi không quen biết.”
“Tôi ở khu nhà số 5, tôi biết nó sống ở tầng nào!”
“Mau đi đi! Gọi bố mẹ thằng bé đến ngay!”
Đám đông đứng xem bắt đầu xôn xao và ngày càng ồn ào hơn.
“Chúng ta về thôi.” Mẹ của Chu Hoài Hạ nhíu mày, thậm chí còn định đưa tay che mắt cô, “Trẻ con không nên nhìn những thứ này, dễ gặp ác mộng lắm.”
“Mẹ, con lớn rồi.” Chu Hoài Hạ chặn tay mẹ, mắt vẫn nhìn chằm chằm vào xác của cậu bé dưới hồ. Đêm qua cô vừa bước vào giấc mơ của cậu và thấy cảnh cậu sụp đổ trong phòng thi, đến sáng đã thấy cậu nằm chết trong hồ.
Mẹ của cô kéo cô về nhà, không muốn cho cô ở lại công viên thêm nữa.
“Tiểu Hạ, nếu con gặp áp lực gì nhất định phải nói cho bố mẹ biết nhé.” Mẹ cô lo lắng dặn dò, thỉnh thoảng quay sang nhìn cô. Thấy cô im lặng, bà bèn hỏi: “Bị dọa sợ à?”
“Không có.” Chu Hoài Hạ khẽ đáp, không rõ là cô đang an ủi mẹ hay tự an ủi mình, “Có thể cậu ấy chỉ vô tình bị ngã xuống thôi.”
Nhưng giấc mơ luôn gắn liền với cảm xúc của người mơ.
Với trạng thái sụp đổ của cậu bé trong giấc mơ tối qua, thật khó để Chu Hoài Hạ không suy nghĩ lung tung.
“Con cũng nên cẩn thận khi ra ngoài.” Mẹ cô nhíu mày dặn dò, “Ban đêm đừng đi một mình nếu không có việc cần thiết, đi đứng nhớ nhìn đường cẩn thận.”
Chu Hoài Hạ đáp: “Vâng.”
Hai mẹ con vừa về tới nhà thì gặp bố của cô đang chuẩn bị ra ngoài. Vừa thấy hai mẹ con, ông đã hỏi: “Bố đang định đi tìm hai mẹ con đây, thằng bé ở phòng 1701 khu nhà số 5 đã nhảy hồ tự sát lúc 4 giờ sáng. Hai mẹ con có thấy không?”
Chu Hoài Hạ hỏi: “… Bố, sao bố biết?”
Một câu của bố đã nói hết địa chỉ, thời gian tử vong và cả nguyên nhân cái chết của cậu bé.
Ông giơ điện thoại lên: “Có người trong nhóm gửi video từ camera giám sát.”
Mẹ cô định ngăn lại nhưng Chu Hoài Hạ đã đưa tay ra nhận điện thoại của bố: “Để con xem chút.”
Trong khu có mấy nhóm chat, lúc này mọi người đều đang bàn tán xôn xao. Cô lướt lên trên một lúc, cuối cùng cũng thấy đoạn video ai đó quay lại từ màn hình camera giám sát.
Trong công viên, cậu bé mặt tròn mặc áo ngủ dài tay màu xanh đậm bước đi nhanh trên đường nhỏ. Một tay cậu tháo kính ra, tay kia “bốp bốp” tát vào mặt mình rất mạnh, dù màn hình giám sát hơi mờ cũng thấy rõ mặt cậu đỏ ửng cả lên. Miệng cậu hình như vẫn đang nói gì đó như bị điên.
Chu Hoài Hạ nhìn chằm chằm vào đôi môi của cậu bé, gần như có thể nghe thấy cậu đang lẩm bẩm những từ như “đáng chết”, “vô dụng” trong giấc mơ.
Cậu bé không để ý đến viên gạch nhô lên phía trước nên bị vấp ngã mạnh, kính trong tay bay ra ngoài và rơi vào bụi cây gần đó.
Cậu chống tay xuống đất đứng dậy, không đi tìm kính mà đứng đờ ra tại chỗ, như thể toàn bộ sức sống bị hút cạn. Chỉ có khuôn mặt méo mó vì nghiến răng là cho thấy cảm xúc cậu đang chập chờn kịch liệt.
Một lúc sau, cậu bé tròn mặt bắt đầu chuyển động, không phải để tìm kính mà là chạy nhanh về phía cây cầu đá, nắm lấy lan can trèo qua rồi nhảy xuống.
Mặt hồ “tõm” lên một tiếng vang nhỏ, đoạn video kết thúc.
Chu Hoài Hạ mở lại video, kéo tới cuối để nhìn thời gian ghi trên camera.
Lúc 4:18 sáng.
Thời điểm đó cô đang ngồi ở sofa phòng khách uống nước.
Nói cách khác, vừa tỉnh khỏi cơn ác mộng, cậu bé đã đi ra công viên và cuối cùng nhảy xuống hồ.
Chu Hoài Hạ đưa điện thoại lại cho bố, tay kia thì đưa lên che miệng, cố gắng ngăn cảm giác buồn nôn dâng lên từ dạ dày.
Chuyện này chẳng liên quan gì tới cô, nhưng…
“Người trong nhóm bảo là bố mẹ cậu bé nghiêm khắc quá nên bình thường cậu hay ngẩn người lắm.” Bố cô vừa đọc tin nhắn mới trong nhóm chat vừa nói, “Chắc lần này thi tháng không tốt, không chịu nổi áp lực nên mới như vậy.”
Ông mở video mới nhất trong nhóm, tiếng kêu gào tuyệt vọng của một cặp vợ chồng trung niên vừa tới công viên gọi “con ơi”, “sao lại thế này” vang lên trong điện thoại.
“Đáng thương quá.” Bố cô lắc đầu, “Giá mà bố mẹ bớt gây áp lực thì có khi đã không xảy ra chuyện như thế này.”
“Tắt video đi, đừng đứng đó nữa.” Mẹ cô thúc giục, “Chuyện nhà người ta đừng bàn nhiều.”
“Con buồn ngủ rồi.” Chu Hoài Hạ đột nhiên nói, “Bố mẹ, con đi ngủ lại một chút đây.”
Mẹ cô nhìn con gái, định nói gì đó rồi lại thôi, cuối cùng chỉ dặn: “Được rồi, khi nào xong cơm trưa mẹ sẽ gọi con.”
Chu Hoài Hạ đóng cửa phòng, còn nghe loáng thoáng tiếng mẹ trách bố ở ngoài phòng khách.
“Đưa cho Tiểu Hạ xem cái video đó làm gì? Nhỡ con bé hoảng sợ thì sao?”
“Tôi chỉ nghĩ là…”
“Ông nghĩ gì? Không thấy mặt con bé…”
“Rầm!”
Chu Hoài Hạ đóng cửa, cách ly khỏi tiếng nói từ phòng khách, sau đó cô đổ người lên giường nhìn trần nhà, mệt mỏi nghĩ: có thể bước vào giấc mơ của người khác thì sao, rốt cuộc chỉ có thể cảm nhận được cảm xúc của người mơ mà chẳng làm gì khác được.
Chỉ là người ngoài cuộc đứng xem thôi.
Chừng nào cô còn bước vào giấc mơ của người khác, chuyện như hôm nay chắc chắn sẽ lại xảy ra.
… Không đúng, có lẽ cô vẫn có thể làm gì đó.
Chu Hoài Hạ lục tìm điện thoại trong túi, sau đó mở cuộc gọi video trên WeChat.
Vài giây sau, Lữ Cẩn xuất hiện đầu dây bên kia, ngạc nhiên hỏi: “Chu Hoài Hạ? Có chuyện gì thế?”
“Tớ để quên đồ ở ký túc xá.” Chu Hoài Hạ nằm trên giường, quan sát phía sau Lữ Cẩn, “Cậu không ở trường à?”
“Không ở.” Lữ Cẩn ngồi trước máy tính, một tay cầm điện thoại tay kia ở gần bàn phím đen. Đằng sau là tủ sắt màu xám trắng, mắt cô ta vẫn dán vào màn hình. “Tớ đang ở bệnh viện chỗ mẹ tớ. Cậu để quên gì ở ký túc xá?”
Chu Hoài Hạ không trả lời ngay mà hỏi lại: “Vậy khi nào cậu về trường?”
Lữ Cẩn vừa lướt chuột vừa nói: “Tầm chiều tớ về.”
Cô ta không để ý Chu Hoài Hạ hơi cau mày, chỉ nghe bạn mình hỏi tiếp: “Cậu không về nhà vào ngày Quốc khánh sao, vẫn ở ký túc xá à?”
Thế thì chắc con mèo trong trường có khi lại gặp nguy hiểm?
Lữ Cẩn ậm ừ một tiếng: “Gần như vậy. Mẹ tớ có một căn hộ dành cho nhân viên trong khuôn viên trường, nên Quốc khánh này tớ ở đó.”
Ở ký túc xá chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản thôi, còn phòng nhân viên có cả ban công, bếp và phòng sách riêng, giường cũng lớn hơn. Nếu mẹ không bắt cô ta trải nghiệm cuộc sống sinh viên sống tập thể, Lữ Cẩn đã chẳng ở phòng 407.
Chu Hoài Hạ từ từ ngồi dậy, cảm thấy Lữ Cẩn như quả bom hẹn giờ: “Chiều cậu mấy giờ về?”
Lữ Cẩn đáp: “Không chắc lắm, khoảng ba giờ.”
Chu Hoài Hạ: “Khi cậu về có thể giúp tớ gửi vài món đồ được không?”
“Được chứ.” Lữ Cẩn quay ra nhìn màn hình: “Gửi cái gì?”
Chu Hoài Hạ: “Vài cuốn sách, đến ký túc thì gọi video cho tớ.”
“Ok.” Lữ Cẩn đồng ý ngay. Cúp máy rồi, cô ta chợt tự hỏi: “Chu Hoài Hạ mà cũng đọc sách á?”
Ngủ nhiều vậy mà còn muốn tỉnh ngộ đọc sách à?
Chiều 2 giờ 30, Lữ Cẩn vừa rời bệnh viện lại nhận được cuộc gọi video từ bạn cùng phòng. Cô ta nhấn nút trả lời, hỏi ngay: “Sao vậy?”
“Tớ tưởng cậu đã về trường rồi.” Chu Hoài Hạ nhìn bối cảnh đằng sau Lữ Cẩn là xe buýt. “Sợ cậu quên mất vụ gửi đồ cho tớ.”
Lữ Cẩn vịn tay lên vòng treo xe buýt, trấn an: “Yên tâm, tớ đã ghi vào ghi chú, không quên được đâu.”
Cô ta không đeo tai nghe nên nói vài câu rồi cúp máy.
Đầu dây bên kia, Chu Hoài Hạ tính toán thời gian Lữ Cẩn về đến ký túc, đến ba giờ lại bấm gọi video.
“Cậu muốn gửi sách gì?” Lữ Cẩn vừa vào phòng, chuẩn bị gửi cho bạn mình vài tấm hình, liền tiếp gọi video rồi xoay camera: “Mấy quyển nào?”
Bình thường không để ý, hôm nay nhìn lại, kệ sách của Chu Hoài Hạ toàn mấy quyển như Đọc Hiểu Phật Kinh, Nhập Môn Tu Đạo, Pháp Thuật Mao Sơn Tự Học... À, cả Cơ Đốc Giáo Thần Học.
Không ngờ tĩn ngưỡng của Chu Hoài Hạ lại đa dạng đến vậy.
Dù chưa đến ba giây nhưng Chu Hoài Hạ xác nhận Lữ Cẩn đang ở ký túc. Cô chỉ đại mấy cuốn: “Giúp tớ gửi mấy quyển này, cảm ơn nhé.”
Cúp máy xong, Chu Hoài Hạ cũng tạm thấy bình yên đôi chút. Cô không biết khi nào Lữ Cẩn thực hiện những hành vi biếи ŧɦái như trong mơ, nhưng Quốc khánh này trường gần như không có ai, chắc chắn là thời điểm thích hợp để hành động.
Cô phải cản kế hoạch của Lữ Cẩn.
Gọi video bất chợt là cách đơn giản nhất.
Tối 10:25.
“Chu Hoài Hạ?” Lữ Cẩn nhìn vào điện thoại, thấy bạn cùng phòng đang mặc đồ ngủ, mặt đầy ngạc nhiên: “Còn chuyện gì nữa? Đồ tớ gửi rồi, mã vận đơn cũng gửi cậu rồi mà.”
Chu Hoài Hạ ở bên kia im lặng một chút, mắt hơi buồn: “Tớ chỉ là… thấy mông lung thôi.”
Thư phòng xa lạ, trên bàn bày vài quyển sách, trong tay còn cầm bút, xung quanh không có tiếng mèo kêu, cô yên tâm đôi chút.
Lữ Cẩn đẩy gọng kính, nhìn cô bạn, cuối cùng cũng tỏ ra chút tò mò: “Là như nào?”
“Haizz, bố mẹ tớ với tớ cứ bất đồng trong việc chọn ngành.” Chu Hoài Hạ thở dài, rồi đột nhiên như nhận ra điều gì, “Có làm phiền cậu học không? Thôi để mai nói cũng được.”
Lữ Cẩn nhìn màn hình đen lại: “?”
Chu Hoài Hạ chưa biết nếu Lữ Cẩn muốn thực hiện kế hoạch hành hạ mèo trong mơ sẽ chọn thời gian nào, nhưng cô quyết định gọi video ngẫu nhiên để vừa quan sát vừa làm phiền Lữ Cẩn.
Rạng sáng 00:12.
Chu Hoài Hạ gắng chống cơn buồn ngủ gọi video cho Lữ Cẩn.
Bạn cùng phòng quả nhiên vẫn chưa ngủ, ngồi trên giường với tập tài liệu A4 trong tay.
Chu Hoài Hạ: “Cậu chưa ngủ à? Tớ khó ngủ quá. Thôi để mai nói tiếp vậy.”
“Không phải chứ…” Lữ Cẩn chưa kịp nói hết câu thì cuộc gọi đã bị cúp máy, cô ta nhìn điện thoại, thầm nghĩ: “Lạ lùng thật.”
Sáng hôm sau, 7:31.
Vừa mở mắt, Chu Hoài Hạ lập tức gọi video cho Lữ Cẩn.
Bên kia mất hơn chục giây mới nghe máy. Lữ Cẩn cầm điện thoại với vẻ mặt mỉm cười: “Lại chuyện gì nữa?”
Vừa sáng sớm, chưa kịp rời giường mà đã gọi video, vội muốn tâm sự đến vậy à? Tụi mình có thân đến mức đó không nhỉ? Bình thường ở trường cô ta cũng có thấy Chu Hoài Hạ nói nhiều vậy đâu.
Chu Hoài Hạ nhìn quanh, thấy Lữ Cẩn đang cầm điện thoại đi lại, rõ ràng là ở căn hộ sạch sẽ ngăn nắp, không có dấu hiệu nào đáng sợ, nhưng tóc cô ta còn ướt, chắc vừa gội đầu. Trong khi ở ký túc xá Lữ Cẩn chưa bao giờ có thói quen gội đầu vào sáng sớm.
Vì thế, cô trực tiếp hỏi: “Sao cậu gội đầu buổi sáng vậy?”
Lữ Cẩn một tay cầm khăn lau tóc, đi vào nhà vệ sinh: “Cậu có chuyện gì cần nói không?”
Chu Hoài Hạ thật sự không bình thường!
Như kẹo cao su vậy, dính lấy cô ta không buông.
Chưa từng gặp ai thích gọi video nhiều đến vậy, chưa đến hai ngày đã gọi sáu lần, chẳng khác nào tra khảo, bọn họ cũng đâu phải người yêu!
Lữ Cẩn nhịn một lúc, cố gắng giữ giọng bình tĩnh: “Nếu cậu với bố mẹ bất đồng việc chọn ngành thì cứ ngồi lại nói chuyện tử tế. Trường còn cho phép chuyển ngành mà.”
Chu Hoài Hạ thấy đạt mục đích định tìm cớ cúp máy: “Ừ, tớ…”
Lữ Cẩn vừa bước vào nhà vệ sinh lấy máy sấy, tiện tay đặt điện thoại lên cốc đánh răng nhưng không để ý làm đổ cốc, điện thoại rơi xuống.
Bên này, ánh mắt Chu Hoài Hạ bỗng chốc đông cứng lại. Cô đã thấy.
Cánh cửa kính quen thuộc, ngay cả vòi sen trong phòng tắm và các viên gạch vuông màu trắng hơi ngả vàng, với vị trí tay vịn cũng giống hệt.
“Cúp máy nhé.” Lữ Cẩn cúi xuống nhặt điện thoại, cô ta cần sấy tóc nên cũng chẳng tiện nói chuyện lâu, “Có gì thì nhắn tin, đừng gọi video.”
Trên màn hình hiển thị đã ngắt máy, Chu Hoài Hạ chầm chậm ngồi dậy, ánh mắt nặng nề. Ra là hiện trường đầu tiên trong giấc mơ chính là phòng tắm trong căn hộ dành cho nhân viên.
...
Chiều 4:53.
Lữ Cẩn mang balo trở về từ bệnh viện. Hôm nay cô ta nghe lén một buổi hội thảo, cảm thấy học được nhiều điều, định về soạn lại kiến thức mới thu thập.
Khi đến dưới căn hộ dành cho nhân viên, cô ta ngước lên thấy người quen đứng ở cửa, lập tức dừng bước.
Bề ngoài thì tỏ ra bình tĩnh nhưng cô ta cúi đầu đẩy gọng kính: “Chết tiệt!”
Chỉ mới bảo Chu Hoài Hạ đừng gọi video nữa thế mà cô đã lập tức chạy từ nhà lên tận đây rồi!