Sóng Lúa

Chương 17: Gọi Điện Thoại

May mắn là hai ngày sau đó trời đều nắng to. Dù chưa đến mức gay gắt để làm ruộng đất khô hoàn toàn, nhưng ít nhất cũng không còn quá ẩm ướt.

Mỗi sáng, Lâm Hoài đều phải đi ra đồng kiểm tra tình hình. Trên đường đi, anh gặp không ít người trong làng.

Có người thấy anh thì đến trò chuyện đôi ba câu, bàn về tình hình mùa vụ năm nay, sau đó chuyển sang dò hỏi về chuyện máy gặt. Mà đã nói đến máy gặt thì thế nào cũng phải nhắc đến Vu Hàng.

Đa phần mọi người chỉ là ăn cơm xong không có việc gì làm nên tụ tập tán gẫu cho vui, có người tò mò hỏi Vu Hàng bao nhiêu tuổi, là con nhà ai. Lâm Hoài đứng cùng mọi người ở trên bờ ruộng, nói dăm ba câu rồi kiếm cớ rời đi.

Dù đã trao đổi số điện thoại nhưng hai người họ vẫn chưa liên lạc với nhau. Hai ngày trôi qua, đột nhiên Vu Hàng gọi điện thoại đến.

Tiếng chuông điện thoại bàn vang lên làm Vương Tú Nga giật mình. Nhà này chỉ có hai mẹ con sống nương tựa lẫn nhau. Ngoài ra còn có một người họ hàng – vừa là cô vừa là mợ của Lâm Hoài – nhưng hai bên đã cắt đứt quan hệ từ lâu.

Cái điện thoại bàn ấy hầu như không dùng, vì người trong làng có việc cần tìm Lâm Hoài đều trực tiếp đến nhà. Chẳng ai muốn tốn tiền gọi điện thoại làm gì.

Bà Tú Nga nghiêng người hỏi: “Điện thoại của ai đấy?”

Thực ra, ngay khi tiếng chuông đầu tiên vang lên, Lâm Hoài đã có linh cảm rồi. Anh vội đứng dậy từ vườn rau, xoa xoa tay vào quần, đá đôi dép cao su ra rồi bước vào nhà.

Quay đầu lại thấy mẹ cũng đi theo vào, anh nhìn bà rồi nói: “Mẹ, để con nghe cho, mẹ cứ làm việc của mẹ đi.” “Cái thằng này, mẹ có cản trở gì con đâu!”

Dù nói thế, bà vẫn đứng ở cửa, trong tay cầm đế giày đang sửa dở, dùng ánh mắt hối thúc: "Nghe đi, chuông kêu nãy giờ rồi kìa."

Lâm Hoài nhấc ống nghe lên áp vào tai, nói một tiếng “A lô”. Vương Tú Nga tò mò đứng gần hơn, hỏi lớn: "Ai gọi thế?"

Từ đầu dây bên kia, giọng cười của Vu Hàng vang lên: "Lâm Hoài à, tôi còn đang nghĩ là không gọi nhầm số, sao lâu vậy mà cậu vẫn chưa nghe máy đâu?"

Lâm Hoài nhìn ra ngoài cửa sổ, không trả lời câu hỏi của mẹ, chỉ nói với Vu Hàng: “Lúc nãy tôi đang ở ngoài vườn rau.” “Cậu cũng biết trồng rau à?” “Ừ.”

Đầu dây bên kia có tiếng ồn ào, Vu Hàng dường như đang ở chỗ đông người, tiếng nói anh ta không lớn nhưng hơi thở có vẻ gấp, như đang đi bộ, khiến giọng nói qua điện thoại nghe gần gũi hơn so với lúc nói chuyện trực tiếp.

“Trà tôi đưa, cậu uống chưa?” Lúc này, Vu Hàng đã tìm được một chỗ yên tĩnh hơn, âm thanh xung quanh nhỏ dần, giọng anh nghe rõ ràng hơn hẳn.

"Ừ, uống rồi." Lâm Hoài trả lời ngắn gọn. Thực ra, Lâm Hoài chưa uống vì không nỡ. Loại trà đó, trước giờ anh chưa từng thấy, cũng chưa từng uống qua.

Ngoại trừ lần trước nếm thử một chút ở nhà Đông Tử, phần còn lại anh vẫn cất kỹ. Nhưng trà này giống như miếng thịt thơm ngon treo lủng lẳng trước mắt, càng nhìn càng thèm.

Chỉ khi nào không nhịn được, anh mới lấy một ít từ trong túi nhựa, cho vào miệng nhai nhóp nhép để đỡ thèm.

Hương vị khi nhai lá trà khác xa so với pha uống, nhưng như vậy có thể giữ được trà lâu hơn. Nếu pha uống, chỉ nửa tháng là hết sạch.

Đây là thói quen anh hình thành từ khi còn bé, những gì tốt và thích nhất đều để dành đến cuối cùng. Ví dụ như: một gói kẹo long cần anh có thể ăn từ đầu tháng đến cuối tháng.

Mẹ anh cũng không biết thói quen này, vậy nên lúc nhìn thấy gói kẹo đã tan chảy thành cục thì cho rằng anh không thích, bà nổi trận lôi đình, còn mắng anh hoang phí và không mua thêm lần nào nữa.

Sau đó, chuyện này bị bà nhắc đi nhắc lại mãi, nhưng Lâm Hoài chẳng buồn giải thích, bởi có giải thích thì mẹ cũng không tin.

Vì vậy, anh không nỡ uống lá trà, không chỉ vì sợ uống hết, mà còn có lý do khó nói khác. Lá trà Phổ Nhĩ có vị đắng, nhai càng đắng hơn, nhưng trong cái đắng đó, Lâm Hoài lại cảm nhận được chút ngọt ngào khó tả.

Sau khi hỏi bâng quơ vài câu, Vu Hàng mới vào vấn đề chính. Anh nói ngày mai máy gặt sẽ được đưa đến làng của Lâm Hoài.

Lẽ ra việc này nên thông báo trước với trưởng làng, nhưng vì buổi sáng Vu Hàng bận gặt lúa mạch, nên tranh thủ lúc nghỉ trưa anh gọi điện cho Lâm Hoài nhờ nhắn lại cho tiện.

"Đừng lo lắng quá, sắp tới không mưa đâu, sẽ gặt xong nhanh thôi.” Vu Hàng an ủi.

Lâm Hoài mỉm cười, trong lòng nhẹ nhõm. Cuối cùng việc thu hoạch lúa mì cũng có thể bắt đầu rồi. “Được, cảm ơn anh.”

Giọng Vu Hàng mang theo tiếng cười, nóng bỏng như cơn gió hè: "Cảm ơn gì chứ, làm việc lấy tiền thôi mà!"

Không biết từ bao giờ, mối quan hệ giữa hai người đã trở nên thân thiết hơn. Dù chỉ mới quen vài ngày, họ lại như đã biết nhau lâu lắm rồi.

Ở phía sau, Vương Tú Nga nghe thấy tiếng Lâm Hoài cười thì không khỏi sinh nghi, tiến lại gần hỏi: “Nói gì mà cười vui thế?”

Lâm Hoài theo phản xạ lấy tay che ống nghe lại. Hành động này càng khiến anh trông có tật giật mình hơn. Bà liếc anh một cái, giọng nghiêm nghị: "Hỏi con đó."

Vu Hàng ở đầu dây bên kia hỏi: “Bên cạnh cậu có ai à?” Lâm Hoài đáp: “Mẹ tôi.”

Vu Hàng nghe vậy liền cười: "À... vậy hả."