Nghĩ một lúc vẫn không yên tâm, bà túm Hổ Tử lên, chỉ thẳng vào mũi nó, nghiêm giọng: “Nghe cho rõ đây, Hổ Tử. Không được đυ.ng đến gà nhà, hiểu chưa?”
Bây giờ, bà Phùng cảm thấy Hổ Tử thật phiền phức. Nếu không vì đã hứa với lũ trẻ sẽ nuôi nó, bà chắc chắn đã chẳng buồn bận tâm. Bà lục lọi khắp sân, cuối cùng tìm được một chiếc sọt tre cũ. Bà lót ít rơm khô vào bên trong, nhốt Hổ Tử lại rồi đặt sọt bên hiên nhà.
Đến trưa, khi cả nhà trở về, ai nấy đều ngạc nhiên khi thấy Hổ Tử. Phùng Ích Dân nhấc nó lên xem xét, vừa nhìn vừa hỏi: “Cái này là con gì thế?”
“Là em gái nhặt ở đầu thôn về, gọi là Hổ Tử. Em bảo nó là hổ.” Đại Oa kéo ghế ngồi xuống bên cạnh, ngẩng đầu nhìn ba, tò mò hỏi: “Ba, nó thực sự là hổ sao?”
Câu hỏi làm Phùng Ích Dân sững lại. Anh là người sinh ra và lớn lên ở thôn Đào Nguyên, nhưng cũng chẳng nhận ra đây là con gì. Gọi nó là hổ thì không giống, bảo là báo thì chưa chắc, mà mèo thì lại càng không phải. Làm gì có con mèo nào trông như thế này?
Tô Uyển đứng bên cũng chưa từng thấy qua, lo lắng lên tiếng: “Liệu nó có cắn người không?”
“Không nói trước được. Để xem sao, nếu không ổn thì hai ngày nữa vứt đi.” Ông Phùng nói chắc nịch. Nếu thật sự là loài thú dữ, nhà họ cũng chẳng dám nuôi.
“Không cần đợi đến hai ngày.” Bà Phùng từ trong nhà bước ra, nói với giọng đều đều: “Nó cả buổi sáng không ăn gì, trước đó không biết đã đói bao lâu. Có khi đến mai là chết đói rồi.”
Ông Phùng mở miệng Hổ Tử ra xem xét, thở dài: “Nhìn này, răng mọc cả rồi. Mấy con thú trên núi thường ăn thịt. Giờ phải làm sao đây?”
“Cớ gì nó đòi ăn thịt? Người còn chẳng có thịt mà ăn! Đưa cơm thì không ăn, tôi thấy số nó đúng là chết đói.” Bà Phùng nói miệng thì cứng rắn, nhưng nhìn đôi mắt to tròn, long lanh như nước của Hổ Tử cùng tiếng “u u” đầy tội nghiệp, bà lại không nhịn được bật cười. “Ô, còn làm nũng nữa cơ à? Bà bảo này, Hổ Tử, mau ăn đi. Chờ lớn rồi thì tự ra đồng bắt chuột mà ăn!”
“Cá!” Manh Manh từ trong nhà bất ngờ hét lên, giọng nói lanh lảnh vang khắp sân.
“Đúng rồi! Cho Hổ Tử ăn cá chắc chắn nó thích. Mèo nào mà chẳng mê cá.” Đại Oa xoa đầu Hổ Tử rồi cười nói: “Hổ Tử, cố đợi một chút, lát nữa bọn tao ra biển bắt cá cho mà ăn.”
Người lớn không định can dự vào việc này. Bọn trẻ con nhà ngư dân từ nhỏ đã quen thuộc với biển cả, việc ra biển bắt cá chẳng phải chuyện khó khăn gì. Bà Phùng chỉ dặn một câu: “Cẩn thận chút, đợi lúc thủy triều rút hẵng đi.”
Người trong thôn ai cũng quen với nhịp thủy triều. Mùa đông, thủy triều thường rút vào buổi chiều, và giờ rút mỗi ngày đều khác nhau. Sau bữa trưa, Đại Oa và Nhị Oa cứ ngồi đếm thời gian, mong ngóng giây phút được ra biển. Đám trẻ con trong thôn nghe tin thì kéo nhau đến nhà chơi với Hổ Tử. Nghe nói sẽ ra biển bắt cá, cả bọn lập tức hào hứng, không đứa nào chịu về.
Cuối cùng, khi đồng hồ điểm ba giờ chiều, bà Phùng tính toán kỹ rồi mới cho phép lũ trẻ đi. Đám nhóc như đàn chim sổ l*иg, vừa hét vừa đẩy Manh Manh bế Hổ Tử, rồng rắn chạy ùa ra biển.
Ra đến nơi, thủy triều vẫn chưa hoàn toàn rút hết. Nhưng mấy đứa trẻ không chút do dự, xắn quần lội xuống ngay, men theo những bãi đá tìm các vũng nước cạn – những chỗ mà nước biển để lại khi rút đi. Có đôi khi, bên trong sẽ có vài con cá nhỏ mắc kẹt.
Mùa đông, cá thường ít, người lớn chẳng ai bận tâm lặn lội vì mấy con cá nhỏ. Nhưng trẻ con thì khác, bắt được cá là tụi nó tự nhóm lửa, nướng lên ăn ngay. Việc này đã quá quen thuộc với chúng.
Thế nhưng hôm nay chúng lại phát hiện một vũng nước thật đặc biệt. Lũ trẻ tròn mắt kinh ngạc. Làm sao mà trong vũng nước này lại có nhiều cá đến thế?
Những con cá trong vũng đều có thân dài cỡ cánh tay của chúng, vây lưng màu xanh đen, bụng thì ánh bạc. Đây chẳng phải là cá thu sao? Cả đám đều nhận ra loài cá này. Thường ngày, nếu nhà bắt được cá thu, người lớn còn tiếc chẳng dám ăn. Chúng lớn từng này tuổi, may ra chỉ được nếm thử một hai lần. Món đó ngon không tưởng.
Nhìn cả vũng đầy cá, đứa nào đứa nấy nuốt nước miếng. Không biết ai đó hét lên: “Đừng nói với người lớn, bắt nhanh đi!”
“Đúng, lấy đá chặn lại trước, đừng để chúng chạy thoát.”
Vừa nghĩ đến hương vị thơm ngon của cá thu, cả đám chẳng chút do dự, lao vào hành động ngay. Đứa thì bê đá chắn miệng vũng, đứa khác dùng nhánh cây đuổi cá dồn vào góc. Mấy đứa lớn nhất đứng đó, cầm đá đập xuống, quyết không để con nào thoát thân.
Hôm đó, lũ trẻ vừa mừng vừa hân hoan như Tết, bởi vũng nước chật ních cá, đông đặc đến mức chỉ cần ném bừa một hòn đá cũng đủ làm cả đàn cá ngất lịm.