Thập Niên 80: Nuông Chiều

Chương 20

Người trong thôn mừng rỡ vô cùng, ai nấy cũng mang lễ vật của nhà mình đến dâng trước tượng thần rồi cùng quỳ xuống bái lạy. Trên mặt mọi người đều rạng rỡ nụ cười.

Sau khi cúng bái tổ mẫu xong, tất cả quay trở lại làng, khi ra ngoài lần nữa thì họ đã thay bộ quần áo cũ, tay cầm cuốc, liềm, xẻng, búa và các dụng cụ khác. Cho dù nam hay nữ, ai nấy đều mặc bộ quần áo vải thô màu xanh, trên áo còn có những mảnh vá chính là quần áo mặc thường ngày. Còn bộ quần áo mới mặc khi cúng tổ mẫu chỉ được đem ra trong những dịp quan trọng.

Manh Manh được Miêu Ngọc Phụng bế trong lòng, đi theo sau đội ngũ. Cô bé mặc một bộ quân phục nhỏ màu xanh lá cây, nổi bật hẳn trong đám đông toàn màu xanh lam. Bộ quân phục nhỏ này là kiểu dáng thịnh hành nhất bên ngoài vùng núi, và vải dùng để may là loại bông dày tốt nhất của Thượng Hải, ai có một bộ như vậy mặc ra ngoài thì khỏi phải nói, trông vô cùng oai vệ.

Bọn trẻ trong làng nhìn bộ quân phục nhỏ xinh của Manh Manh, lại nhìn khuôn mặt trắng nõn của cô bé rồi cúi xuống nhìn chính mình. Trên người chúng là những bộ quần áo cũ, rách nát mà anh chị đã mặc không dùng nữa, chẳng những đầy miếng vá mà còn không vừa vặn. Giờ nhìn Manh Manh ăn mặc đẹp như vậy, từ sâu trong lòng chúng dâng lên một chút ngưỡng mộ.

Bà vợ nhà Đại Khang đứng từ xa nhìn, miệng lẩm bẩm: “Có gì mà bảnh chọe thế? Một đứa con gái chỉ tổ tốn của mà mặc đẹp như thế, không sợ nuôi không lớn nổi à? Ái da!” Lời cô ta còn chưa dứt thì đột nhiên ngã lăn ra giữa đường một cái, suýt nữa mông bị vỡ thành tám mảnh, nhăn nhó kêu lên: “Đau chết mất, đứa nào đẩy tao thế?”

Một phụ nữ trong thôn đi ngang qua, ánh mắt đầy vẻ hả hê, không hề che giấu niềm vui khi thấy người đàn bà hay đơm đặt ngã, cô ấy vừa cười vừa đưa tay che miệng nói: “Ai đẩy cô, chắc cô bị điên rồi đó?”

Vợ Đại Khang tức giận lồm cồm bò dậy, nhưng không dám đuổi theo người phụ nữ phía trước, mà quay sang dậm chân đùng đùng nói với chồng: “Phùng Đại Khang, đồ vô dụng, thứ nhu nhược, chuyện này mà anh cũng không dám chửi lại giúp tôi à?”

Sắc mặt Phùng Đại Khang cứng đờ, như thể anh ta chỉ là một khúc gỗ, nhìn trái ngó phải như kẻ trộm rồi nhỏ giọng: “Cô không thấy mất mặt à? Cô còn chưa đủ mất mặt sao?”

“Tôi mất mặt à?” Vợ Đại Khang tức đến méo cả mũi, mặt xị xuống rồi hét to đến nỗi át cả mọi người: “Tôi có mất mặt thì cũng hơn cái đồ chết dẫm như anh! Ngày nào cũng ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn, lợn còn siêng hơn anh, sao anh không lười đến chết luôn đi cho xong!”

Cô ta cảm thấy số phận mình thật khổ cực, sao lại lấy phải một người chồng như thế này, cả thôn chỉ có nhà cô ta là sống khổ nhất. Nhà khác thì đàn ông làm chủ, còn chồng cô ta cứ hễ làm việc là kêu mệt, thà để cả nhà đói cũng không chịu làm. Cô ta thân gái một mình làm việc vất vả để nuôi cả gia đình. Nghĩ đến đó, cơn tức lại bùng lên.

Mặt Phùng Đại Khang lập tức đỏ như gan lợn, vội vàng bịt miệng vợ lại, sợ cô ta lại nói ra mấy câu xấu hổ hơn nữa. Nhưng làm vậy cũng chẳng có ích gì, cả thôn ai mà chẳng biết tính vợ chồng nhà này. Bây giờ là thời kỳ cải cách mở cửa, ai ai cũng lo kiếm tiền, còn nhà họ thì ngày càng sa sút, người trong làng nhìn họ chẳng khác nào đang xem trò cười.

Đi dọc theo con đường đất trong làng một lúc thì đến chân núi, lối vào núi phủ đầy đá núi lửa đen, loại đá này thường được dân làng dùng để xây nhà. Ngoài những tảng đá ấy, khung cảnh tràn ngập màu xanh, thi thoảng còn thấy vài bụi cúc dại trắng.

Con đường núi ban đầu còn rộng đủ cho bảy tám người đi song song, dần dần chỉ còn đủ cho năm sáu người rồi thu hẹp lại chỉ vừa hai ba người, và cuối cùng chỉ đủ chỗ cho một người đi. Dưới chân là hẻm núi đen sâu thẳm, chỉ cần nhìn thoáng qua cũng đủ khiến người ta run sợ.

Quẹo một đoạn, phía trước có một tảng đá đen lớn chắn ngang đường. Đoạn này sườn núi tương đối ổn, Phùng Ích Dân quan sát một lúc rồi nói: “Bắt đầu từ chỗ này đi.”

Vài cán bộ trong thôn tiến tới, buộc một sợi dây đỏ lên chỗ nhô ra của tảng đá lớn. Sau khi họ lùi lại, người dân trong làng lập tức ùa lên sườn núi, hăng hái vung búa đập vang “đinh đinh đang đang”. Bên dưới có người dùng cuốc đào, có người dùng xẻng xúc, có người dùng tay bẻ. Họ bận rộn một lúc lâu, cuối cùng cũng dịch chuyển được tảng đá lớn ấy.

Trong đám đông, có một người thở phì phò, tạm dừng rồi bước sang bên cạnh nói với vợ mình: “Ai cũng biết con đường này sẽ không sửa xong được, Trưởng thôn chỉ đang lấy lòng dân làng để chúng ta làm việc công cốc, còn hắn lại được tiếng thơm, thật đáng khinh!”