Nam Bắc Tạp Hoá

Chương 19

Họ mặc áo quần mỏng manh, đôi chân bị rét cắt làm cho đỏ bầm, nứt nẻ, nhưng trên mặt lại tràn đầy niềm vui, rõ ràng số tiền kiếm được từ việc bán đậu phụ khiến họ cảm thấy hài lòng.

La Dụng đã nghe kể về sự phồn hoa của thành Trường An thời này. Anh cũng biết vào thời kỳ này, có đủ mọi tầng lớp hạ tiện tồn tại, nhiều người không thể tự quyết định được sự sống chết của chính mình.

Anh không biết việc anh đến đây là do tình cờ hay là có người sắp đặt sẵn. Nếu là sắp đặt, vậy thì đối phương mong muốn anh làm điều gì?

Nhưng điều đó quan trọng sao?

Dù ở đâu, vào thời nào, La Dụng cũng chỉ sống cuộc đời mà mình mong muốn, làm những gì mình muốn làm. Có thể trời quyết định anh sẽ chết vào lúc nào, nhưng không thể quyết định cách anh sống ra sao.

Thời gian đã bước vào cuối tháng mười một, ngày càng có nhiều người đến thôn Tây Pha mua đậu phụ. Có người từ những thôn gần đó, có người từ huyện Ly Thạch, thậm chí còn có một vài người đến từ những nơi xa hơn.

Thôn Tây Pha không cách huyện Ly Thạch quá xa. Người đi nhanh, xuất phát từ lúc ba bốn giờ sáng, đến trưa là tới nơi. Dân làng muốn đi sớm về sớm, thường đi từ lúc trời còn tối. Cả nhóm người đi cùng nhau nên cũng không quá nguy hiểm, chỉ có điều rất lạnh.

Khi món đậu phụ trở nên phổ biến trong huyện Ly Thạch, những nơi khác có buôn bán với huyện cũng nhanh chóng nghe tin. Ban đầu là các thương nhân giàu có, đánh xe ngựa tới mua hàng, sau đó là những người gùi đậu đến đổi đậu phụ theo từng nhóm.

Những ngày này tuyết lại bắt đầu rơi, trời càng thêm lạnh. Gặp những người từ xa đến, La Tam Lang thường mời họ một bát đậu hủ nóng với nước sốt gừng cay.

Nước gừng đậm đặc được nấu sẵn từ sớm, đựng trong hũ đặt trên bếp nấu đậu nành, lửa ở mấy bếp này cháy từ sáng đến tối nên không lo nước gừng bị nguội. Trong nước gừng có cho thêm ít đường đỏ, tuy chỉ có một chút thôi nhưng ít ra cũng có vị ngọt.

Ngoài cổng lại có một chiếc xe ngựa tới. Thời buổi này, người đi xe ngựa đều là người quyền quý. La Tam Lang ra cửa đón, mời người vào sân, rồi dâng lên vài bát đậu hủ nóng hổi với nước sốt gừng.

“Tam Lang, lần trước ngươi nói món đậu hủ đông trộn lạnh, ta về nhà làm thử rồi, ông bà rất thích. Lần này ngươi nói thêm cho ta mấy món khác từ đậu hủ đi.” Người nói là một thiếu niên chừng mười sáu mười bảy tuổi, môi đỏ răng trắng, vẻ ngoài khôi ngô, rõ ràng là con nhà gia giáo.

Thiếu niên này đội mũ lông, khoác áo da, ngồi trong sân nhà đơn sơ của nông dân, cầm bát sành thổi phù phù ăn đậu hủ nóng, gần đó là những người nông dân ăn mặc thô kệch, mà cậu ta chẳng mảy may bận tâm.

Người này tên là Mã Phi Dương, là công tử nổi tiếng ở huyện Ly Thạch. Nhà họ Mã là gia đình đứng vào hàng nhất nhì trong huyện, tổ tiên đã từng có người làm quan. Tuy chi này không phát đạt bằng họ hàng ngoài Trường An, nhưng cũng là nhà có người làm quan, so với những gia đình nhỏ không có gốc gác thì hoàn toàn không cùng đẳng cấp.

Một cậu công tử sinh ra trong gia đình giàu có địa phương như thế, cũng là nhờ nhà bỏ ra không ít công sức mới đưa được vào học trong huyện học. Nói đến đây, Mã Phi Dương và La Tam Lang từng là bạn đồng môn, chỉ có điều La Tam Lang vừa nhập học chưa bao lâu, thì cậu đã bị đuổi khỏi huyện học.

Không thể không thừa nhận, các thầy giáo thời này rất kiên định, và chính trị địa phương tương đối trong sạch. Theo quy định của triều đình, quan lại địa phương phải chịu trách nhiệm về phẩm hạnh của học sinh trong huyện học.