Nam Bắc Tạp Hoá

Chương 18

Trong ký ức của La Dụng, trước kia khi cậu còn đi học ở thành, mỗi lần được nghỉ về làng, từ xa cậu đã có thể nhìn thấy mẹ và chị đứng trên ngọn đồi cao này..

La Dụng giẫm lên tuyết leo lên đồi, thì thấy đã có một đứa bé ngồi thu mình co ro ở đó, quần áo rách rưới

“Trời lạnh thế này, em ngồi đây làm gì?” La Dụng nhận ra đứa trẻ này, cha nó đang làm thuê trong sân nhà La. Không có gì ngạc nhiên khi nó ngồi thu mình ở đây, có lẽ lúc leo lên đồi, nó đã lén lút trèo lên, sợ rằng nếu bị cha bắt gặp thì sẽ bị mắng một trận.

“Ông nội vào thành bán đậu phụ rồi, ông bảo về sẽ mua cho con một cái bánh nướng.” Đứa bé thấy La Tam Lang thì có chút chột dạ, sợ cậu sẽ mách với cha mình. Dạo này cha mẹ nó đã nhắc nhở không biết bao nhiêu lần rằng trời quá lạnh, phải ngoan ngoãn ở trong nhà, đừng chạy lung tung ra ngoài.

“Bây giờ cháu quay về đi, chú không nói cho họ biết đâu.” La Dụng nói.

Thằng bé cúi gằm ngồi lì ở đó, chẳng nói chẳng rằng, cứ chần chừ mãi không chịu đi. Mấy ngày trước, ông nó cũng về vào giờ này.

La Dụng chỉ đứng nhìn nó, trong đầu nghĩ nếu thằng nhóc này còn không chịu nghe lời, anh sẽ bế nó về nhà, bảo cha nó cho một trận. Trời lạnh như thế này, thằng nhỏ bé xíu mà mặc ít thế, ngồi đó để gió lùa mãi, nhỡ bệnh ra thì chẳng phải chuyện đùa.

Ngay khi hai người đang giằng co, từ xa trên con đường đất dẫn vào làng, có một người đi tới. Mắt thằng bé tinh lắm, nó lập tức nhận ra ông mình, miệng gọi to “Ông ơi!”, rồi đứng bật dậy lao xuống dốc.

“Đừng lại gần, đừng lại gần, trời lạnh thế này, cháu chạy ra đây làm gì?” Ông lão thấy cháu trai liền vội vàng chạy đến. Trời lạnh thế này, tuyết rơi từ mấy hôm trước tích tụ lại trên đường, bị giẫm nát nhưng không tan hẳn, tạo thành những vũng bùn tuyết. Bước chân giẫm xuống, lạnh đến thấu xương.

Dù rõ ràng mới chưa đến năm mươi tuổi, nhưng ông lão đã trông giống hệt một ông già nhỏ thó. Ông chạy tới trước mặt, cúi xuống bế thằng cháu lên, động tác có phần chậm chạp, rõ ràng là đã kiệt sức.

Thằng bé không hiểu chuyện, còn đòi ông cho bánh nướng. Đến khi ông lão lục lọi trong ngực áo, lấy ra một miếng bánh đưa cho nó, thằng bé mới thỏa mãn rúc vào lòng ông vừa gặm bánh vừa ăn. Đối với lũ trẻ trong làng, một miếng bánh nướng như thế đã là món ngon lắm rồi.

Ông lão lấy đậu phụ từ chỗ La Dụng. Một đấu đậu có thể đổi được mười ba khối đậu phụ, anh còn tặng thêm ba khối, coi như giá sỉ. Sáng nay, ông đã gùi ba đấu đậu tới, La Dụng đổi cho ông bốn mươi khối đậu phụ, còn tặng thêm một khối gọi là lộc.

Đậu phụ này mang vào thành bán, thông thường bốn khối có thể đổi lấy một văn tiền, một gùi đậu phụ như thế sẽ bán được mười văn tiền. Dạo gần đây, giá đậu phụ trong thành khá lộn xộn, có người thấy cơ hội kiếm lời còn bán được một khối với giá một văn tiền, nhưng đó là chuyện trước đây. Gần đây nhiều dân làng gùi đậu phụ vào thành bán, giá cả đã ổn định hơn chút.

Thời này, lương thực rẻ mạt, mùa thu năm nay, một đấu gạo chỉ bán được ba văn tiền, đậu nành lại càng rẻ hơn, hai văn một đấu mà chẳng có ai mua. Dân quê làm ruộng vất vả cả năm trời, một mẫu đất cũng chỉ thu được vài văn tiền. Vậy nên dù cực nhọc, đường xá xa xôi, thời tiết khắc nghiệt, vẫn có nhiều dân làng gùi đậu phụ vào thành bán, và càng ngày càng có nhiều người tham gia.

La Dụng đứng trên đồi, nhìn dân làng lần lượt từ con đường nhỏ kia trở về.