Vào ban đêm.
Một con mèo và một cô gái đi dạo trong con ngõ yên tĩnh.
Sau vài lần rẽ trái rẽ phải, Tư Vũ nhìn thấy một cửa hàng nhỏ xập xệ vẫn còn thắp đèn dầu.
Những người đi ngang qua đều vô thức tránh nơi này.
Đã là thời đại nào rồi mà vẫn còn thắp đèn dầu.
Cô đứng trước cửa hàng, nhìn ông già đang ngủ gà ngủ gật khoảng năm, sáu mươi tuổi với mái tóc hoa râm nhưng ánh mắt vẫn khá tinh tường.
“Cô bé muốn mua gì nào?”
“Kim bạc.”
“Kim bạc à?” Ông ta sửng sốt nhìn cô từ trên xuống dưới một lượt: “Trong nhà có người là thầy thuốc đông y sao?”
“Vâng.”
Tư Vũ không muốn lằng nhằng nên gián tiếp thừa nhận.
Ông già cầm đèn, xoay người lại lục lọi chiếc tủ gỗ với kiểu dáng thịnh hành cách đây hàng trăm năm.
Các vật dụng bằng gỗ dùng để cất giữ đồ vật trong cửa hàng đều được làm bằng gỗ tuyết tùng kim tuyến*.
(*) Tuyết tùng kim tuyến được coi là biểu tượng của tầng lớp quý tộc hoàng gia. Các sản phẩm được làm từ loại gỗ này là tượng trưng cho sự giàu sang, quyền quý của người sử dụng.
Người tinh mắt chỉ cần nhìn thoáng qua là nhận ra cửa hàng cũ nát này không hề tầm thường.
Ông già lấy ra một chiếc túi da đã cũ kỹ chuyên dùng để cất kim châm, rồi đặt lên quầy: “Năm trăm tệ.”
“Ghi nợ.”
Tư Vũ thậm chí còn không có lấy một xu dính túi chứ đừng nói là năm trăm tệ.
Ông già cau mày, lấy ra một cuốn sổ cũ, đặt trước mặt cô và nói: “Tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tiền ký nợ.”
Tư Vũ cầm bút lên viết. Đây không phải bút lông nên cầm rất thoải mái.
Mắt ông già sáng lên khi nhìn thấy chữ viết trên sổ: “Chữ đẹp đấy. Cô bé có thói quen luyện chữ rất tốt, thường xuyên viết thư pháp bằng bút lông phải không?”
Cô gật đầu, đặt bút xuống rồi cầm túi kim châm cứu rời đi.
Ông lão ngơ ngác nhìn cô bước vào màn đêm, dụi mắt vài cái và lẩm bẩm: “Chẳng lẽ mình già rồi nên mắt mờ ư? Tại sao lại nhìn thấy một con mèo chứ?”
…
Ngay sau khi Tư Vũ vừa trở về phòng mình, có tiếng gõ cửa vang lên.
“Tiểu Vũ, là mẹ đây.”
“Mẹ vào đi.”
Phó Nguyên Ngọc cầm một nghìn tệ bước vào, lo lắng hỏi: “Con cần nhiều tiền như vậy làm gì? Nếu cần gì thì để mẹ mua cho con.”
“Ngày mai nhà trường có buổi dã ngoại, cần phải đóng tiền. Con cũng muốn mua một vài thứ khác.”
“Sao con không nói trước với mẹ là nhà trường yêu cầu đóng tiền đi dã ngoại? Con còn cần mua gì nữa, để xem mẹ có thể mua cho con không?”
“Mẹ cứ cho con tiền là được rồi, những thứ khác cứ để tự con mua.”
Phó Nguyên Ngọc đưa cho cô một nghìn tệ, lúc đi ra ngoài, bà không khỏi quay đầu lại nhìn con gái mình vẫn ngồi bất động ở đó, trong lòng không được yên tâm cho lắm.
Con gái bà chưa bao giờ hỏi xin tiền bà. Bình thường, bà sẽ mua những thứ mà cô cần. Mỗi khi trường học thu tiền, bà cũng sẽ đích thân đi nộp.
Đây là lần đầu tiên Tư Vũ xin bà nhiều tiền như thế, mặc dù hơi băn khoăn nhưng bà vẫn cho cô.
Phó Nguyên Ngọc về phòng của mình, gọi điện thoại cho giáo viên chủ nhiệm, cười nói: “Cô Tiết, chuyện là thế này…”
…
Sáng hôm sau, Tư Vũ đeo balo, mặc bộ đồ thể thao và xỏ đôi giày sneaker đi ra ngoài.
Trước khi đến trường, cô đi qua cửa hàng xập xệ tối qua, trả cho ông chủ năm trăm tệ và lấy lại giấy ghi nợ.
8 giờ sáng, cô đến cổng trường đúng hẹn, xe buýt đã đợi sẵn.