Đêm Tân Hôn Thôi Tiểu Thư Ngộ

Chương 18: Bày tỏ nỗi lòng


Giờ Thìn, đôi tân nhân sửa soạn xong thì tay trong tay ra cửa, đến chính đường dâng trà cho trưởng bối.

Nói chính xác thì ở những nơi Bùi Tuyên có mặt, Thôi Đề đã không được xem như một người mù thật sự nữa, nhưng nàng vẫn phải giả mù. May mà bản thân đã là người mù tám năm, nên nàng giả vờ không hề có sơ sót.

Nàng nhắm mắt theo đuôi Bùi Tuyên, nàng ấy cẩn thận cầm lấy tay nàng, dịu dàng thủ thỉ: "Nương tử, đi chậm thôi."

Mỗi lời nói, mỗi hành động phải gọi là dịu dàng tận xương.

Chưa nói đến việc Hào Chung, Nhiễu Lương nghe xong thì nghĩ thế nào, nhưng Bạch Cáp đi sau lưng Thôi Đề lớn đến tuổi này rồi mà chưa từng nghe âm thanh của nam tử nào dịu dàng đến mức tan thành nước như vậy. Quả nhiên người ta đồn không sai, Bùi lang quân thật sự là lang quân tốt có thể sáng bằng gió xuân!

Trên dưới Bùi gia, từ vợ chồng Tể tướng, đến hầu gái vẩy nước, không có ai là không nâng niu "báu vật" này.

Bạch Cáp tận mắt nhìn thấy mặt phơi phới gió xuân của con trai Bùi gia, ngó dáng vẻ "vai ngươi kề vai ta, cùng nhau sánh bước" của hai người, trong lòng "ôi chao" một tiếng, cảm thấy cô gia nhà mình thật là buồn nôn!

Nhưng đáy lòng nàng ấy lại cảm thấy vui cho cô nương, phấn khởi không gì sánh được.

Trời cao đã có mắt, giúp chủ tử tìm được một tri kỷ hiếm hoi biết nóng biết lạnh rồi!

Bùi Tuyên mặc áo bào đỏ rực, Thôi Đề đi bên trái nàng ấy cũng mặc y phục cùng màu, vô cùng đẹp đôi.

Nắng sớm rọi xuống, tôi tớ nội viện đã được gặp thiếu phu nhân của bọn họ, vừa nhìn đã kinh ngạc vì vẻ đẹp của con gái nhà Tây Ninh Bá. Nàng văn nhã, tĩnh lặng, họ nhìn thoáng qua đã có cảm giác như đang ngắm một bức thủy mặc sinh động.

Rồi họ lại thấy lang quân hăng hái mà ân cần, thì càng kinh ngạc ngây ra. Bùi Tuyên đối nhân xử thế rất có chừng mực, sắc mặt luôn vừa phải, có thể lộ ra vẻ nhiệt tình như thế thật là hiếm thấy!

Xong xuôi, họ lại nhớ việc vị thiếu phu nhân này là người lang quân quyết tâm quỳ cả đêm mới lấy được, thì ánh mắt lập tức thay đổi.

Bùi Tuyên là con trai độc nhất của Bùi gia, trong hầu hết vấn đề, thái độ của "hắn" chính là thái độ của Bùi gia. Chính thê mà hắn cưới là thiếu phu nhân hợp cách của Bùi phủ, về sau nàng sẽ là chủ mẫu.

Tuy Thôi Đề không nhìn thấy dáng vẻ phục tùng của hạ nhân lui tới, nhưng nàng vẫn cảm giác được ánh mắt mơ màng rơi vào sau lưng mình đã thay đổi, nàng biết tất cả những điều này đều là nhờ vào Bùi Tuyên.

Kể từ hôm nay, khi nhắc đến nàng, mọi người đều phải gọi nàng là Bùi thiếu phu nhân, chứ không còn là ai đó của nhà Tây Ninh Bá nữa.

Nhưng nàng cũng không thể trông mặt mà bắt hình dong. Ở kiếp trước cũng thế, có rất nhiều người khinh thường nàng, hoặc thương hại nàng, chỉ một mình Bùi Tuyên là nâng niu nàng thật kỹ, chuyện dịu dàng nào cũng làm. Nghĩ như thế, những ngón tay của nàng hơi siết lại, giữ chặt ngón út kia.

Hai người mượn tà váy che đi mắt nhìn của những người khác, khóe miệng Bạch Cáp khẽ giật, nàng ấy thầm nghĩ: Chưa từng thấy ngấy thế này.

Bùi Tuyên thì lại rất thích, mặt mày toàn là niềm vui. Gió thổi qua sợi tóc nàng ấy, rồi vạt áo, và đôi y phục cùng màu quấn quýt vào nhau. Nàng ấy nhìn mà thấy cảnh đẹp ý vui, còn không quên cố gắng tả lại cảnh vật xung quanh cho Thôi Đề.

Nàng ấy có tài của một Trạng nguyên, một bông hoa, một cá cây qua miệng nàng ấy cũng trở thành cảnh đẹp hiếm có trên đời. Lúc ban đầu, Thôi Đề còn căng thẳng chuyện ra mắt cha mẹ chồng, nhưng dần dần bị lời lẽ của nàng ấy hấp dẫn, rồi cũng bình tĩnh lại, chân đã bước qua ngạch cửa chính đường.

Tể tướng Bùi Như Phong lúc trẻ ngạo nghễ, sinh được con gái cũng muốn nàng ấy giả nam, bước vào quan trường, nay đã trung niên, Bùi tướng không lay chuyển được con gái, đành phải "bí quá hóa liều" mà tổ chức hôn sự.

Hôm nay là một dịp rất đặc biệt, ông ấy và phu nhân đã sửa soạn chỉn chu, ngồi đợi được uống trà con dâu dâng từ lâu.

Nghe thấy động tĩnh bên ngoài, Bùi Như Phong ngước mắt, Bùi phu nhân thì thấy đôi bích nhân nắm tay đi vào, hai mắt bèn sáng lên.

Nếu Tuyên nhi thật sự là nam, hai đứa cũng xem như "đôi lứa xứng đôi".

Suy nghĩ này lại đồng thời hiện lên trong lòng hai vợ chồng, nhưng Bùi Tuyên không biết được suy nghĩ của cha mẹ, chỉ đỡ Thôi Đề bước từng bước đến.

"Con trai đến chào cha, mẹ."

"Con dâu ra mắt cha." Thôi Đề cúi người dập đầu, lại được Bùi Tuyên dẫn dắt về phía Bùi phu nhân: "Ra mắt mẹ."

Trà nàng dâu còn được gọi là trà đổi xưng hô, bước vào nhà họ Bùi, thì nàng đã trở thành người nhà họ Bùi, về sau sẽ cùng tiến cùng lùi, cùng vinh cùng nhục.

Giọng Thôi Đề vốn mềm mại, cực xứng với ngoại hình, một tiếng gọi “cha, mẹ” đều khiến trái tim vợ chồng Tể tướng rung rinh.

Không ngờ con gái của họ đã thật sự cưới được một cô nương vừa ý. Nhìn lại khuôn mặt vui vẻ không gì giấu được của Bùi Tuyên lần nữa, trên mặt Bùi phu nhân hiện lên nụ cười.

Cũng đã đi đến bước này rồi, họ còn có thể làm gì nữa chứ?

Uống món trà do con dâu dâng lên, Bùi tướng tặng một bao lì xì thật lớn. Ông ấy là nam tử, không nên quá thân cận con dâu, chỉ nghiêm khắc bắt bẻ "con trai", chẳng có chút uy nghiêm nào như hồi đến phủ Tây Ninh Bá.

Bùi phu nhân thì rất dễ nói chuyện, bà ấy lấy ra vật gia truyền đã được chuẩn bị từ trước.

Miếng ngọc màu trắng được đặt vào lòng bàn tay Thôi Đề, bà ấy đưa mắt, Bùi Tuyên đỡ vợ đứng dậy.

Kiếp trước, mẹ chồng cũng giao ngọc dưỡng tâm cho nàng, nhưng thái độ khá xa cách, hẳn là vì khi đó bà ấy cảm thấy nàng không phải điềm lành, lúc mới gặp mặt đã khiến Bùi Tuyên té ngã, nên nàng ấy mới mất đi vị trí Trạng nguyên.

Kiếp này, chuyện đó không xảy ra, Bùi phu nhân rất thân thiết, còn có mấy phần thương tiếc cho những chuyện nàng phải chịu.

Ngọc dưỡng tâm là vật quý Bùi gia truyền lại mấy đời, thuộc cùng một đôi ngọc. Bùi Tuyên đã đeo một miếng trên cổ, nay miếng còn lại thuộc về nàng. Trên miếng ngọc có khắc hình cá rất sống động. Kiếp trước, trước khi chết, Thôi Đề cũng đeo miếng ngọc này.

Có khi vật mà Bùi gia xem như đồ gia truyền thật sự mang một “tác dụng phi thường”, lòng bàn tay nàng cẩn thận vuốt lấy miếng ngọc, đáy lòng hiện lên một suy đoán khó tin: Có khi việc mình "cải tử hoàn sinh" liên quan trực tiếp với miếng ngọc này.

Tể tướng bận rộn, uống được mấy ngụm trà của con dâu thì rời đi.

Bùi phu nhân mất ngủ cả đêm, bấy giờ được biết kết quả là con gái giấu chuyện rất tốt, thì khá hài lòng, nhưng khi tách nàng ấy khỏi Thôi Đề để hỏi về chuyện viên phòng, bà ấy lại thất bất mãn.

"Sao con lại không chu toàn như thế? Không phải con rất thích nàng sao? Không phải con còn dám cãi lời cha vì nàng à?"

"Là vì thích." Tính Bùi Tuyên thẳng thắn, không quen lừa người, dịu dàng nói: "Rất thích, nên mới không muốn mạo phạm nàng."

"..."

Nếu đứa bé này không phải bò từ bụng mình ra, Bùi phu nhân nghĩ thế nào cũng phải dán một chữ "đồ ngốc" lớn vào trán nàng ấy.

Bà ấy muốn nói lại thôi, im lặng một lát thì nói với giọng từng trải: "Nàng không biết thân phận của con, con vui vẻ cưới nàng là để trưng bày à? Bề ngoài con vẫn là nam, nào có ai lại để vợ mình chủ động? Tuyên nhi, con làm như thế sẽ khiến nàng bị tổn thương."

"Thật ạ?"

Khi biết chuyện này sẽ khiến Thôi Đề đau lòng, nàng ấy không biết phải làm sao: "Vậy theo ý của mẹ, con phải làm gì đây?"

Bùi phu nhân thở dài: "Vẫn phải động phòng! Tuyên nhi à, con đừng trách mẹ nhẫn tâm, nhưng một khi nàng chưa thật sự trở thành phụ nữ Bùi gia, thì vẫn là một mối họa ngầm."

...

"Phu quân? Phu quân?"

Thôi Đề gọi mấy tiếng mà không có ai đáp lại, thì níu lấy tay áo Bùi Tuyên. Thấy sắc mặt đầy tâm sự của nàng ấy, nàng không khỏi phỏng đoán mẹ chồng đã nói gì đó.

Tháng Năm, ánh mặt trời ấm áp, hậu hoa viên sắc hoa rực rỡ, nhưng Thôi Đề không thấy được những điều này. Vậy nên, nàng đưa mắt về lại chỗ Bùi Tuyên lần nữa, thì phát hiện ra Bùi Tuyên vừa sững sờ đã trở lại tỉnh táo.

"Là ta đã làm không tốt chỗ nào nên khiến mẹ nhọc lòng sao?"

Lòng Bùi Tuyên khẽ rục rịch, kinh ngạc vì sự nhạy bén của nàng. Nàng ấy quay đầu lại bảo đám Hào Chung không cần đi theo nữa. Bạch Cáp hơi do dự rồi vẫn đứng tại chỗ, nhìn theo lang quân đưa cô nương nhà mình đi xa dần.

Trừ chuyện mình giả nam ra, Bùi Tuyên không muốn giấu giếm Thôi Đề bất kỳ chuyện gì nữa.

Họ cùng bước đi, nhìn thấy những đóa hoa nở rực rỡ, nàng ấy tiện tay hái một bông, cài vào tóc đen của Thôi Đề.

Cài hoa cho vợ là một loại thú vui, Bùi Tuyên chậm rãi lên tiếng: "Mẹ hỏi chúng ta có viên phòng chưa..."

Da mặt Thôi Đề đột nhiên nóng lên, tai nàng đỏ như sắp bốc lửa. Nàng cúi đầu, xấu hổ nhìn Bùi Tuyên, lòng biết mọi chuyện bắt đầu thay đổi rồi, mà những điều xảy ra tiếp sau cũng sẽ thay đổi.

Hiện mẹ chồng rất thân thiết với nàng, Bùi Tuyên nữ tử thật thụ, lại cưới một nữ tử làm vợ. Nếu nàng ấy không thể khiến thê tử toàn tâm toàn ý với mình, đây là một mối họa cho Tướng phủ.

"Chàng, chàng trả lời thế nào?"

"Sao ta có thể lừa gạt mẹ mình?"

Hiểu theo nghĩa nào đó, Bùi Tuyên thật sự là "quân tử", nàng ấy sẽ không nói dối, không lừa gạt tình cảm, nhưng nàng ấy vẫn muốn biết một chuyện rất, rất quan trọng.

Nàng ấy giương mắt nhìn Thôi Đề, chỉ thấy nàng cúi đầu, vẻ xấu hổ như muốn dán cả cằm vào ngực.

Một ngón tay của nàng ấy nâng cằm thê tử lên.

Ngón tay nhỏ mà dài, lực dùng tuy dịu dàng nhưng lại ẩn chứa một thái độ không thể từ chối. Thôi Đề thuận theo, ngẩng đầu lên.

Trái tim Bùi Tuyên gõ trống, ngón tay đang nâng cằm thê tử hơi nóng lên. Nàng ấy mở to đôi mắt trong veo như nước, dè dặt hỏi: "Nương tử, ta cưới nàng, nàng có thấy vui vẻ không?"

"Ta..."

Trong lòng Thôi Đề đã ngập tràn tình cảm khó tả thành lời. Ngàn lời, vạn chữ nghẹn lại nơi cổ họng nàng, nàng sợ sẽ dọa Bùi Tuyên, lại sợ trông mình quá hèn mọn, nên phần ngực không kiềm được mà nhấp nhô, trong mắt là một mảng sương mù: "Vậy còn chàng?"

"Sao cơ?"

"Chàng là thật lòng mến mộ ta, nên mới muốn cưới ta?"

Đại Chiêu trọng nhất là lễ giáo, hôn nhân lại chú trọng sự sắp đặt từ cha mẹ, nếu nam nữ lén lút qua lại trước khi được cha mẹ chấp thuận, thì chính là tư thông. Nếu truyền ra, nó sẽ trở thành tiếng xấu muôn đời không rửa được.

Nam tử còn đỡ, nữ tử mới chịu khổ nhiều nhất.

Trong thời buổi này, hai chữ "trong sạch" giống như thanh kiếm treo trên đầu nữ tử, chỉ cần sơ sẩy là họ có thể mất mạng.

May mà hai người đã cưới nhau, nên Thôi Đề mới dám dũng cảm đặt câu hỏi. Nhưng nàng không biết thật ra sự dũng cảm này cũng là thứ mình đã trải suốt hai kiếp, vượt qua sống chết, mới có được.

Nàng đang hỏi Bùi Tuyên.

Bùi Tuyên nhìn nàng, không nói.

Trước đây, Thôi Đề là người mù, không nhìn thấy mặt nàng ấy thì sẽ không đoán được suy nghĩ của nàng ấy. Nhưng bây giờ, nàng có thể thấy rồi, mà vừa hay Bùi Tuyên cũng không biết nàng có thể. Nàng nhìn ánh mắt thương tiếc mà dịu dàng của nàng ấy, nhìn hồi lâu có thể phát hiện ra những quấn quýt, si mê, và say đắm trộn trong đó.

Rõ ràng nàng ấy đã động lòng.

Thôi Đề bị ánh mắt "thô lỗ" này làm cho chấn động, lùi lại nửa bước, dọa Bùi Tuyên vội vã kéo tay nàng lại.

Bàn tay cầm lấy cổ tay thanh mảnh, nơi da thịt chạm vào nhau nóng như sắp cháy.

Ở trước mặt cha mẹ, trước mặt Tống Tử Chân, Trịnh Vô Ky, Bùi Tuyên dám phun thẳng ra chữ "thích", nhưng khi ở trước vị thê tử mới cưới, nàng ấy lại xoắn xuýt. Chỉ một chữ thôi mà nàng ấy lần lựa nửa ngày, khiến Thôi Đề đang chờ đợi mà lòng chuyển từ nóng bỏng sang lạnh lẽo.

Nàng ngờ là Bùi Tuyên câm luôn rồi, đang định tránh khỏi tay nàng ấy, thì Bùi Tuyên lại hốt hoảng, sợ nàng chạy mất, bèn giữ cổ tay nàng lại: "Nương tử, nàng đừng lộn xộn!"

Thôi Đề đã đợi cả đời, đợi đến khi chết cũng không được nghe nàng ấy nói rõ. Vốn dĩ, nàng đã tưởng mình không hề uất ức, nhưng khi nghe được câu "lộn xộn" kia, lệ nóng như tụ lại nơi viền mắt nàng. Thôi Đề bèn giận dữ đưa chân lên đạp xuống chiếc giày tuyệt đẹp của Bùi Tuyên.

Bạch Cáp không yên lòng, chạy đến nhìn lén, vừa hay thấy cảnh cô nương nhà mình đang "bạo hành" Bùi lang quân.

Nàng ấy nhắm tịt mắt, làm như không thấy, trong đầu toàn là suy nghĩ "cô nương thật là giỏi!"

Trước khi nước mắt của Thôi Đề chảy xuống, Bùi Tuyên đã uyển chuyển thể hiện nỗi lòng: "Nếu không phải vừa gặp đã yêu, sao ta có thể liều mạng cầu xin suốt một ngày một đêm để được lấy nàng? Ta... trong lòng ta thật sự có nàng!"