Hàm Tử Môn

Chương 1.4: Mưa như vậy, còn để nó đứng đó à?

Sáu năm Phương Viễn lớn lên cùng ba vị sư huynh, khổ không kể xiết.

Nỗi khổ đầu tiên là thường xuyên bị đói.

Không phải họ không cho Phương Viễn ăn, hay nghèo đến mức không mua nổi sữa cho một đứa trẻ, mà vì...họ quên mất trẻ con cần phải ăn mới lớn được. Trong ba người chưa ai từng có kinh nghiệm chăm trẻ con, lại tu tiên từ nhỏ nên sớm đã quên mất việc con người cần phải ăn. Đến lúc nhớ ra phải cho vị sư đệ này ăn thì Phương Viễn đói đến ngất đi rồi. Đến lúc được cho ăn thì các vị sư huynh lại không biết nên cho ăn bao lâu một lần, thế là cứ hôm thì no quá hôm thì đói quá.

Nỗi khổ tiếp theo là thường xuyên bị rét.

Người tu tiên chịu được nóng lạnh nhưng không biết người khác thấy nóng lạnh thế nào, đặc biệt là trẻ nhỏ. Hàm Tử Môn ở trên núi cao, mùa hè đã lạnh, mùa đông còn kinh khủng hơn. Đối với đứa nhỏ như Phương Viễn đúng là không khác gì hầm băng. Quần áo bọc đến mấy cũng bị lạnh, cuối cùng tam sư huynh phải xuống núi đi mua rất nhiều lò sưởi về, rồi ba người thay phiên nhau trông chừng sư đệ mới giúp Phương Viễn bình an qua mùa đông mà không bị lạnh chết.

Nỗi khổ cuối cùng, không thể câu thông.

Khi bắt đầu biết nói, Phương Viễn vật lộn với suy nghĩ nên nói chuyện thế nào để không bị nghi ngờ. Tuy rằng tu tiên đã là chuyện vượt xa logic nhưng bản thân thế giới này cũng có nguyên tắc riêng của nó. Những thứ như xuyên không gì gì đó đều bị liệt vào dạng tà thuật đoạt xá, có thể bị xử ngay. Mà một người hai mươi lăm tuổi lại giả làm đứa trẻ hai tuổi, nhiều khi muốn nói lại các sư huynh cũng không dám nói. Cuối cùng Phương Viễn chọn im lặng là vàng, làm mấy vị sư huynh ban đầu còn tưởng cậu bị câm. Thấy nguy cơ sắp bị đá đít đi chỗ khác, Phương Viễn mới chịu nhả ra vài chữ để thông báo rằng mình không câm, nhưng cũng rất hạn chế nói chuyện. Đối với chuyện này, đại sư huynh thì gật gù khen cậu trầm ổn, nhị sư huynh thì thấy chơi với cậu không vui (nhưng vẫn thích chọc cậu khóc), tam sư huynh thì tóc lại bạc thêm mấy sợi vì kế hoạch kiếm người thừa kế chuyện làm ăn đang từng bước đổ bể.

Cuối cùng Phương Viễn thấy tội tam sư huynh quá, lên bốn tuổi bắt đầu chịu khó nói chuyện hơn, tuy rằng chỉ nói những câu ngắn đứt đoạn, nhưng thi thoảng vẫn thể hiện sự thông minh, lúc này mái tóc của tam sư huynh mới được an toàn thêm chút.

Cho đến ngày hôm nay, Phương Viễn đã sáu tuổi rồi. Kỳ hạn một trăm năm xuất quan một lần của vị sư phụ trên danh nghĩa của cậu cũng đến rồi.