Đồng chí y sinh trực bệnh viện phân khu nói đã hết lý lẽ nhưng anh em thương binh vẫn không chịu nghe.
- Chúng tôi không đi đâu hết, không nhận thì nằm đây chết bỏ.
- Không còn chỗ thì chúng tôi nằm ngoài trời. Mỹ đến thì đánh.
- Dưới đẩy lên, trên lại đẩy xuống, chống nạng chạy càn hai ba ngày nay rồi, các đồng chí còn muốn chúng tôi đi đâu nữa?
- Thôi mà, các cậu nói làm gì cho phí lời với các loại lính cậu ấy. Họ còn phải nhẹ nhàng để cơ động. Mỹ đến thì chạy cho mau.
Đồng chí y sĩ trực không chịu nổi nữa:
- Yêu cầu đồng chí ăn nói cho tử tế.
- Tử tế với người tử tế, ba gai với người ba gai...
Vậy là một cuộc cãi lộn nổ ra, không còn phân biệt ai đúng ai sai nữa.
Trạm xá trung đoàn đầy thương binh. Ông Dũng đã phải viết thư kêu gọi các tiểu đoàn góp củ, góp gạo cho thương binh ăn. Đánh nhau bị thương thì ít mà đi công tác vướng mìn, bị kích, đi tải gạo bị pháo, thì nhiều. Ngày nào các đơn vị cũng báo cáo tử vong. Gạo, củ, để nuôi thương binh đã khó, nhưng bảo vệ thương binh còn khó khăn gấp mười. Thuốc không có, băng thì phải lấy băng cũ, giặt nấu nước nóng, phơi khô, dùng lại. Thuốc tím, thuốc đỏ hạn chế. Hầu như các vết thương chỉ được chữa bằng cách thay bằng rửa nước muối. Một ít thuốc khống sinh phải để dành trường hợp thật nguy kịch. Đến lúc muối không có, anh chị em hộ lý phải hái lá đắng, lá chốt về nấu, rửa vết thương cho anh em.
Thuốc men, gạo củ, tuy có khó khăn, vẫn không phải lý do chính để bệnh xá, bệnh viện hạn chế nhận người.
Ở trung đoàn, ông Dũng cũng chỉ thị cho các đơn vị cố gắng nuôi thương binh tại chỗ. Nhiều anh em bị thương không chịu đi viện chỉ vì họ biết là đến đó công tác bảo vệ thương binh rất khó khăn. Mỗi lần địch càn, hộ lý, y sinh, bác sĩ, từ cán bộ đến chiến sĩ phải thay nhau khiêng, cõng thương binh xuống hầm bí mật. Nếu hầm bị khui, thì thương binh chỉ có nằm chờ chết!
Chính vì vậy mà đồng chí y sinh trực nhất định không dám nhận thêm thương binh nữa. Nhận rồi không bảo vệ được anh em là vô trách nhiệm.
Nhưng lý gì thì lý, đến lúc bế tắc thì sinh khùng, mà đã khùng lên thì chẳng còn lý lẽ gì giải thích được nữa.
Suốt ba ngày bốn đếm, Bảy Hường dẫn đoàn thương binh từ bệnh xá trung đoàn cắt đường lên đây. Anh em thương binh trừ những ca thật nặng, còn thì khập khà khập khiễng, kéo nhau đi. Mỗi lần qua sình, Bảy Hường phải ghé lưng cõng hết người này đến người khác. Các cậu lính trẻ mắc cỡ không muốn cho cõng, cô quát ầm lên: - Anh muốn sống hay muốn chết?
Chỉ một lần như vậy, lần sau họ nghe răm rắp.
Bốn đêm đi đường, đêm nào cũng gặp địch. Những lúc mệt quá, anh em đòi nằm lại. Đến lúc đó, Bảy Hường lại phải dỗ từng người như dỗ trẻ:
- Gắng lên, không để tui cõng anh đi một đoạn.
Vậy rồi họ lại tiếp tục đi...
Và cho đến hôm nay, khi tới đích, họ tưởng đâu sẽ được nghỉ ngơi lại được nghe đồng chí y sinh trực giải thích như họ không còn chịu đựng được nữa và nói lung tung.
Quay trở về ư? Lại ba bốn ngày đường nữa! Rồi dọc đường làm sao chữa chạy cho anh em, rồi gạo đâu, củ đâu, cho anh em ăn? xảy nhà ra thất nghiệp. Dầu sao thì ở trung đoàn cũng còn cố anh có em. Các đơn vị đói không có gì ăn, vẫn cử người đi lên trạm xá, mang hết những gì qúy nhất, ngon nhất nhường cho thương binh. Có đồng chí mang gạo lên cho bệnh viện, gặp biệt kích hy sinh dọc đường. Những ngày ở bệnh xá trung đoàn, dầu phải khiêng cõng thương binh chạy hết chỗ này qua chỗ khác, nhưng Bảy Hường chưa bao giờ phải lo, chuyện ăn uống, ở đó, anh em bị thương nhẹ hàng ngày thay nhau đi đào củ, kiếm rau rừng. Sống dậy, họ buộc bồng nhìn chừng. Khoảng 9, 10 giờ, yên tâm, họ tản đi. Và hàng ngày, dầu ít dầu nhiều, cũng còn có cái ăn...
Cô đã năn nỉ và nói hết lời với bệnh viện phân khu. Nhưng nói gì thì nói, bế tắc vẫn hoàn bế tắc. Cô nói về khó khăn của mình thì họ cũng nói khó khăn của họ.
Chưa nói đến thuốc men, gạo củ, chỉ mỗi chuyện di chuyển thương binh đã không đảm bảo. Tháng trước, nó càn vào, thương binh không chạy kịp. Ba đồng chí hy sinh... Nhưng các đồng chí bảo bây giờ quay về bệnh xá trung đoàn thì anh em cũng đến chết mất.
- Các đồng chí nghĩ lại một đêm, thay băng cho anh em... rồi đi, chúng tôi không có cách nào khác... Chúng tôi đang định tổ chức chuyển bớt thương binh lên Miền, nhưng địch đang càn trên biên giới. Các bệnh viện ở trên người ta cũng còn chuyển cứ. Ở đây, anh em cứ nghe nói chuyển viện là ngán. Dọc đường đi mười lần, chín lần gặp địch.
Từ lúc đến nơi. Quá đặt bồng, dựa lưng lên gò mối định ngủ một giấc. Tình cảnh ở bệnh viện vùng ven anh đã trải qua. Những cuộc cãi lộn, chửi bới anh cũng đã trải qua có lần giặc càn vào đến gần hầm thương binh, anh nằm trong võng rút lựu đạn và nghĩ rằng: Nó vào đây thì đổi mạng Vì vậy mà lần này cũng như những lần khác, anh ngồi im, không tham gia gì vào câu chuyện. Những lúc thế này Quá hay nhớ bà nội.
Bà anh chỉ có một ước muốn là anh chống lớn, rồi cưới vợ. Vợ anh phải sinh một đứa con trai đầu lòng... Bố anh là con trai một, anh cũng là con trai một. Bố anh hy sinh để lại cho bà anh một thằng cháu.
Thằng cháu lớn lên, lại giống nó như đúc. Không biết có thật anh gióng bố không, chỉ nghe bà nội bảo thế. Bà nội nuôi bố anh từ lúc còn ẵm ngửa trên tay, cho đến lúc trốn nhà đi Vệ quốc. Vợ cưới cho rồi thì để đó, đêm sang nhà hàng xóm ngủ. Vậy mà rồi may sao, hồi đơn vị hành quân qua làng, về tranh thủ một đêm, có được thằng cháu trai mà bà đặt tên cho là Quá. Đến lượt Quá, cũng lại bà nội bế bồng trên tay, rồi nuôi anh lớn lên cho đến bây giờ. Bà thuộc từng cái nốt ruồi trong người anh, nhớ dấu vết trên từng ngón tay ngón chân của anh. Bà thường phàn nàn: Thằng Quá lớn lên rồi cũng vậy, cứ nói đến chuyện vợ con là kiếm đường tếch. Nghĩ buồn cười cho bà. Cháu mới mười bảy, mười tám, đi bộ đội bà còn lo ốm đau, còn bỏ cả gói hành tăm vào trong ba lô, vây mà đã đòi bắt nó lấy vợ. Hồi đó anh thấy chuyện ấy thật buồn cười, nhưng bây giờ ngồi nghĩ lại, anh mới thấy thương bà. Mình đi đánh giặc, bà mình đâu có cấm. Nhưng ước nguyện của một người mẹ, bây giờ là một người bà, có một đứa con, rồi có một đứa cháu... Mình không phải là mẹ, không phải là bà, nên mình không hiểu điều đó. Bây giờ đi đánh giặc, ra sống vào chết, biết rằng việc sống chết là không thể lường được, thì tự nhiên anh thấy thương bà. Không, không bao giờ anh quá lo sợ về cái chết. Nhưng nếu mình chết đi, tuy khó mà vẫn dễ, nếu như chỉ nghĩ đến một mình mình...
Trong trận đánh đầu tiên, anh chẳng tính toán cân nhắc nhưng sang những trận đánh sau, anh thường nghĩ đến bà nội... ừ, giá như mình có thể viết về một lá thư thưa với bà mình đã có người yêu, thì chắc dẫu xa xôi, bà mình cũng vui vẻ lên được ít nhiều...
Mãi đến lúc nghe Bảy Hường khóc, Quá mới quay lại, Bảy Hường đã phải khóc là chuyện không vừa. Xưa nay có ai thấy cô khóc bao giờ?...
Thương binh và quân y sĩ trực vẫn cãi nhau, gần như chửi nhau, công việc thì chẳng giải quyết đến đâu cả. Bảy Hường nói sao cũng mặc, chẳng bên nào nghe bên nào.
Quá chống nạng đứng dậy, đi đến. Anh em thương binh tránh sang một bên, nghĩ rằng anh sẽ nói những câu đáng nói với đồng chí quân y sĩ:
- Chúng nó ngoan cố lắm, gân cổ lên mà cãi.
- Chết thì cũng chết cả. Biệt kích đến đây, mấy mạng này bỏ, cả cái bệnh viện cũng bỏ.
- Lúc đó thì chúng nó bỏ bệnh nhân chuồn. Chỉ bọn mình chết trước...
Đồng chí quân y sĩ cũng gần muốn khóc.
Quá nói với các đồng chí thương binh:
- Anh em tản ra nghỉ đi. Khó khăn thì ta bàn bạc với nhau giải quyết. Cãi nhau chỉ mất thì giờ.
Người bỏ đi chửi lẩm bẩm. Người vẫn đứng lại.
Đồng chí quân y sĩ toan quay vào. Quá nắm lấy áo.
- Vừa rồi đồng chí nói vầy là không được. Sao đồng chí lại bảo: Bọn tôi không biết? Không phải trách nhiệm bọn tôi?
Đồng chí quân y sĩ định giật áo ra, Quá trừng mắt:
- Đồng chí đứng đó cho tôi nói đã, tôi một chân đứng được, đồng chí hai chân cũng đứng được. Khó khăn này là khó khăn chung, các đồng chí cũng khổ, chúng tôi cũng khó. Đi đánh Mỹ thì ai cũng khổ như ai. Đồng chí cứ để yên tôi nói: Tôi nằm viện chai cả da lưng rồi, tôi biết. Tôi biết bệnh viện các đồng chí không có người, biệt kích thì vào như cơm bữa. Tôi biết các đồng chí sợ không đảm bảo được thương binh nên các đồng chí không chịu nhận. Nhưng các đồng chí cũng phải biết cho bọn tôi, đi ba bốn ngày đường đến đây, có đồng chí về thì nhất định chết dọc đường. Ở lại cũng chết, về cũng chết, thì anh em người ta không chịu về. Đồng chí xem đồng chí nằm kia (Quá chỉ cáng Lựu). Từ bên kia sông, anh em chúng tôi đưa về trung đoàn. Trung đoàn không có thuốc, không đủ phương tiện điều trị, mới đưa lên đây. Có gì chúng ta phải bàn bạc với nhau. Sao đồng chí lại bảo đồng chí không có trách nhiệm? Khoan đã, để tôi nói hết. Cô Bảy, lại đây, ta cùng bàn. Tôi đề nghị: Nếu như chúng tôi để lại thương binh, để lại người phục vụ, tự túc đi đào củ ăn, các đồng chí tính sao?
Đồng chí quân y sĩ không phản ứng nữa, nhưng ngập ngừng không dám trả lời.
- Việc này tôi phải báo cáo thủ trưởng.
- Tôi đề nghị đồng chí mời viện trưởng ra đây, khỏi phải báo cáo đi lại dài dòng.
Đồng chí quân y sĩ đi rồi, Bảy Hường nói:
- Em sợ họ không nhận nổi.
- Tôi sẽ theo anh em hộ tống về và vận động một số anh em về bớt rồi nói đơn vị đào củ đưa lên.
- Anh ở lại đi anh Quá.
- Anh ở lại có gì khó khăn anh giúp đỡ em với, em lo quá.
Đồng chí viện phó ra, trước hết xin lỗi về thái độ không hòa nhã của quân y sĩ, sau đó trình bày lại những khó khán của bệnh viện. Hôm nay tất cả nhân viên, y bác sĩ của bệnh viện chỉ có mười lăm người mà thương binh bốn năm chục.
Bảy hường cũng nói những khó khăn của bệnh xá trung đoàn, khó khăn của anh em thương binh. Bàn nhau một lúc, hai bên đồng ý để anh em thương binh ở lại với điều kiện có thêm người phục vụ. Số anh em bị thương nhẹ phải đào củ, kiếm rau để tự túc. Như vậy, Bảy Hường phải ở lại, còn ngoài các đồng chí hộ tống ra, anh em nào tự nguyện, thì có thể trở về trung đoàn.
Người ta khiêng các ca thương binh nặng xuống hầm điều trị. Anh em ở lại được phân chia vào một khu vực cho Bảy Hường tiện phục vụ. Số anh em hộ tống tìm chỗ nghỉ để sáng hôm sau lại về đơn vị.
Mắc võng xong, Quá chống nạng đến gặp Bảy Hường. Cô vừa thay băng cho Lựu. Lần đầu tiên Quá tìm đến từ biệt cô.
- Tôi về thôi cô Bảy.
- Anh về đơn vị rồi làm sao theo kịp anh em, ở lại đi anh Quá.
-….
- Anh ở lại ít hôm cho đỡ, rồi có về hãy về.
- Em cũng ở lại mấy hôm, bao giờ các anh thương binh nhẹ đi lại được, em gửi mấy ca nặng lại rồi chúng ta cùng về.
- Ở lại nhiều người chừng nào càng vất vả cho cô chừng ấy.
- Em chỉ mong được vất vả.
- Thật không.
- Thật mà.
- Bảy Hường à...
- Dạ...
-Tôi...
- Anh cứ nói đi, em nghe mà...
Bảy Hường như đoán biết câu nói đã từ lâu cô mong đợi, cô đưa tay nắm mớ tóc kéo xuống trước ngực, che nửa khuôn mặt, chỉ còn để lộ con mắt tinh nghịch nhìn Quá.
- Cô có còn giữ tấm ảnh của tôi không?
- Còn, mà sao?
- Cho tôi xin lại...
Bảy Hường lặng đi.
Quá định nói một câu mở đầu cho vui, không ngờ giọng anh nghiêm trang quá, làm cho Bảy Hường buồn xỉu. Trong khi hoảng hốt, anh vội vã nắm lấy tay cô.
- Bảy Hường à.
-Dạ!
- Cô giữ tấm ảnh cũng được, nhưng...
- Dạ!
Bảy Hường vẫn cầm mớ tóc kéo xuống mân mê, nước mắt lưng tròng.
- Cô lấy tấm ảnh của tôi, cô cũng phải cho tôi một tấm ảnh.
Bảy Hường vẫn ngồi im như vậy, gật đầu một cái.
- Và cô phải ký một chữ ở đằng sau bức ảnh...
- Chi vậy?
- Để nhớ!
Bỗng Bảy Hường hất mớ tóc về phía sau, rồi trở lại cái nết nghịch ngợm của những ngày thường, cô giương to hai con mắt đen ghé sát tận mặt Quá.
- Hình em nè anh Quá, anh cất đi mà nhớ.
- Qúa kéo Bảy Hường vào ngực mình, đặt lên đôi mắt đó một cái hôn. Trên mi cô gái còn đọng đầy nước mắt.
- Em chờ mãi không thấy anh nói một câu.
- Anh nghĩ đời bộ đội...
- Bộ em là thường dân chắc?
-Thì anh đã nhận khuyết điểm đó còn chi.
- Bắt đền anh.
- Khi nào hòa bình thống nhất đất nước anh sẽ đưa em về Hà Nội. Vậy được không?
Bảy Hường gật đầu.
- Các anh ngoải không ưa con gái Nam Bộ hen anh Quá.
- Ai bảo?
- Người ta nói vậy, người ta bảo con gái Nam Bộ không dịu dàng bằng các chị ngoài. Các chị ngoài vừa đẹp, vừa có văn hóa cao, như em thì... - Bảy Hường bật cười. - Người ta đồn uống rượu bằng bát B.52.
- Nói bậy...
Họ có thể ngồi nói chuyện suốt ngày suốt đêm với nhau như vậy nếu đó không phải là một đêm chiến tranh. Trên trời C.130 vẫn bay ì ì. Mấy hôm nay, “trực thăng” cần cẩu, cái lưng cong oằn, treo những khẩu đại bác, những chiếc xe tăng lúc la lúc lắc dưới bụng bay về hướng Dầu Tiếng. Từng đoàn “trực thăng” vũ trang cũng nối đuôi nhau bay qua trên đầu họ. Chúng nó đang điều quân cho một cuộc càn. Kinh nghiệm của người vùng ven cho họ biết, việc xuất hiện chiếc “trực thăng” cần cẩu ấy là triệu chứng của những trận càn trung bình trở lên, ít nhất cũng phải hàng chục ngày.
- Anh đi đường cẩn thận nghe anh Quá, em ở đây ít bữa chuyển được thương binh đi, em về.
Bảy Hường lấy ra ba tấm hình: một tấm đội mũ tai bèo đang cõng gạo lội qua suối, một tấm nai nịt gọn gàng, lưng thắt “xanh tua” khoác khẩu M. 79 chuẩn bị lên đường chiến đấu. Một tấm đội nón lá, hất ra phía sau, quàng khăn rằn đang ngồi bơi xuồng trên sông Sài Gòn. Quá chọn tấm Cuối cùng.
Bày Hường tủm tỉm cười:
- Vậy là biết rồi đó.
Và cô lật phía sau tấm hình, lấy bút bi ghi một dòng- “Qúy anh nhất đời đó anh Quá à".
Bảy Hường lại vào với anh em thương binh, còn Quá thì đến bên võng Lựu. cúi xuống ôm hôn bạn. Lần đầu tiên Quá từ biệt bạn mình bằng cái hôn nồng thắm như vậy.
Địch ủi xong phía tây sông rồi chuyển sang phía đông. Lúc đầu, chúng nó càn chung quanh lộ Mười bốn, ủi các khu rừng sau ấp 3, ấp 2, sau đó ủi lên Suối Tre, lên Ván Tám, để quân xuống lộ Căm Xe, cắt đôi khu vực Long Nguyên, Ván Tám. Từng đại đội biệt kích cắt ngang cắt dọc trong rừng, hễ đυ.ng ta, ít thì đánh, nhiều thì gọi pháo, gọi máy bay. Xe tăng cũng nống ra, ủi một cụm rừng nằm phục.
Đánh địch một trận không khó, nhưng đánh xong không làm sao giải quyết được thương binh tử sĩ. Trung đoàn phải tổ chức các bộ phân thay nhau đi lấy đạn từ bên kia sông Nha Thức về.
Gạo càng khó hơn nữa. Nếu sang bên kia sông Nha Thức gùi về thì phải đi hết hàng nửa tháng, một đoàn mười người đi, trở về may lắm còn năm, sáu. Có anh em qua đó rồi đi tuột luôn lên biên giới, có anh em hy sinh.
Phía tây sông, từ hôm địch làm dữ, các đồng chí cán bộ hậu cần 82 chưa biết sống chết thế nào? Chạy về đâu? Gạo chôn cất ở đâu? Qua sông thì suốt một dọc 4 5 cái bến, bến nào cũng có tàu mặt dựng, xuồng máy vũ trang nằm phục, động một cái là pháo sáng bắn lên đỏ rực. ĐK trên tàu bắn xuống, cối trong đồn bắn ra. Nhiều anh em ra giữa sông, đã thả bồng cho trôi để chạy lấy người cũng không được. Sau những trận như vậy, nước sông Sài Gòn rút xuống, bao gạo, ni lông mũ nón của anh em chiến sĩ mắc vào ngọn tre, treo lủng lẳng trên bờ.
Hễ phục bắn chết một người, chúng nó lại gài trái lên xác chết rồi nằm phục tiếp. Nó biết thế nào mình cũng ra lấy tử sĩ.
Anh em chiến sĩ không ngại đi đánh nhau mà lại ngại đi công tác lẻ như lấy gạo, cáng thương, liên lạc. Sơ suất một chút là đυ.ng biệt kích, là trúng mìn. Đi trong rừng không ai dám làm ồn, chúng nó thả máy ghi âm xuống các ngả đường, bến sông. Có tiếng động là pháo ầm ầm dập tới.
Trên bờ sông Nha Thức, nơi nó biết ta phải đi qua để chuyển thương binh, cõng gạo, cứ 10 phút lại có một đại đội biệt kích cắt qua. Nếu đại đội bên kia đi lên thì đại đội bên này đi xuống.
Số chiến sĩ thương vong vì đi lấy gạo, chuyển thương, đào củ, ngày một cao. Bệnh xá trung đoàn không thể bảo đảm được, đành trả lại cho tiểu đoàn. Tiểu đoàn lại phải cử ra một bộ phận bảo vệ thương binh.
Trung đoàn bộ sau khi vượt ra ngoài vòng càn ở khu vực Đắc Un, Suối Tre, ông Dũng phân tán bớt các đại đội trực thuộc xuống đơn vị.
Đến Ván Tám, vừa mới đặt bồng hôm trước, hôm sau xe địch tràn vào cứ. Chính trị, tham mưu, hậu cần đêm lại móc nhau kéo qua lộ Căm Xe cắt về Long Nguyên.
Những ngày đó, từ cán bộ đến chiến sĩ ai cũng có nhiệm vụ đào củ, hái rau. Gần trưa, nhìn trời, nhìn đất nghe ngóng! không có tiếng động thì chia nhau đi. Họ đi từng tốp 3 người. Cứ hai người đào thì một người tìm dây. Đào hai ba mươi phút mới được một củ khoai to bằng ngón chân cái, dài 4, 5 mươi phân. Gặp củ đào củ, gặp rau hái rau. Họ hái đủ thứ rau: rau bướm, rau bìm bìm, rau tàu bay, rau dớn rau môn thục, rau lạc tiên, có đến cây hoa lan, lính ta cũng hái về muối dưa ăn.
Thỉnh thoảng chiến sĩ ta gặp được một cái nương bỏ lâu ngày, cỏ đã mọc kín mít. Rẽ đám cỏ lên, anh em tìm ra những đám củ dong đã sượng, đào về ăn kêu sần sật. Cũng có khi gặp những đám dây lang bò trong cỏ tranh, hoặc những dây mưóp, quả đã thành xơ.
Được cái B.52 càng đánh thì củ rừng càng mọc nhiều, lại dễ đào. Thôi thì đủ thứ củ: củ nho, củ đậu, củ mỡ, củ báng...
Năm ngày sau khi từ biệt ông Ba Kiên, ông Dũng đưa trung đoàn bộ đi qua ba cái cứ, cứ nào cũng đυ.ng biệt kích đi từng đại đội một, cắt từ trong Minh Thạnh, Dầu Tiếng ra. Hễ gặp ta là nó gọi pháo, gọi trực thăng. Xe tăng nằm ém sẵn trong rừng, động là rồ máy ào tới.
Đến cứ Long Nguyên, ông Dũng cho trung đoàn bộ dừng lại. Cái cứ này là cứ đầu tiên của trung đoàn xây dựng từ khi xuống hoạt động ở vùng ven. Năm 1967, ở đây có nhà lợp lá trung quân, có hầm âm thông vào hầm có nắp, có bếp Hoàng Cầm, có đường đi lại. Khu rừng hãy còn xanh um. Long Nguyên lúc đó coi như hậu cứ an toàn của trung đoàn. Vậy mà bây giờ đường tăng cắt ngang dọc không còn nhận ra lối nữa.
Đêm vừa mới hành quân tới thì sáng đây đã nghe tiếng súng nổ ran ở phía tiểu đội trinh sát. Xe tăng không biết từ lúc nào đã nằm lọt vào giữa đội hình của trung đoàn bộ, hụ máy, bắn 12,7 ly thùng thùng vào phía hậu cần. Đội hình trung đoàn bộ bị cắt làm hai nửa: một bên là tham mưu, chính trị, một bên là hậu cần, tiểu đội trinh sát và trạm xá. Địch từ hướng đưòng bò song song với sông Thị Tính cắt vào ba mũi.
Ông Dũng dẫn một nửa trung đoàn bộ rút ra ngoài vòng và cho liên lạc sang móc hậu cần, nhưng cắt lối vào cũng gặp địch.
Ông cho anh em dừng lại ở một cái cứ bỏ rồi gọi trợ lý tác chiến đến:
- Cậu dẫn liên lạc qua sông Thị Tính, xuống dưới lộ Căm Xe rồi vòng lên móc hậu cần và tiểu đội trinh sát về giao cho d Tám. Bọn mình chờ ở đây, nếu địch càn vào thì sẽ sang suối Ông Thành. Nếu cậu về suối Ông Thành không gặp nữa thì theo đường bẻ cò mà đi. Trường hợp nó làm dữ quá, không qua lộ Căm Xe được, cậu cứ bám d Tám. Ít bữa anh Kiên ở bên kia sông về, cậu liên lạc với anh ấy tổ chức tiếp cho bộ phận sang sông. Trên này, d Chín qua Nha Thức, xin Miền chi viện gạo và đạn. Nếu anh Ba đi về thành công, thì ta sẽ áp sát d Bảy xuống.
Đồng chí trợ lý tác chiến vừa đi một lúc thì Tuấn, lúc đó là trưởng ban trinh sát vào báo cáo:
- Có địch.
Ông Dũng tự nhiên nổi cáu:
- Địch đâu mà lắm thế. Cậu ra xem lại xem địch rút ra hay là địch cắt vào?
Vừa nói vậy thì một vệ binh chạy ào tới trước hầm.
- Đề nghị thủ trưởng rút ra phía hầm quân lực đi, xe tăng cắt theo đường ủi vào đến a vệ binh rồi...
Đèn tăng bật sáng. Súng nổ ran.
Ông Dũng càng cáu. Xe đâu mà vào nhanh vậy. Tuấn nắm tay ông Dũng lôi đi. Họ chạy qua hầm quân lực thì lại gặp các đồng chí quân lực chạy ngược lại. Phía đó cũng có địch.
Ông Dũng đứng lại, bảo Tuấn:
- Cậu sang gọi bên chính trị, mình vòng qua phía thông tin, đợi ở ngoài bìa trảng. Báo cho các bộ phận tập trung đó. Nếu ra đó gặp địch thì cắt về cứ suối Ông Thành.
Ông Dũng gọi thông tin, cùng với bộ phận quân lực rút ra đến bìa trảng, đợi một lúc thì các bộ phận lần lượt tập trung. Người mất bồng, người mất dép. Được người nào ông Dũng chỉ hướng cắt đi. Phía trinh sát, hậu cần vẫn đánh nhau. C.130 quần, ném pháo sáng đỏ rực một góc rừng.
Nửa tiếng sau, Tuấn dẫn bộ phận chính trị ra:
- Đi đi thủ trưởng, bên kia bìa trảng có địch đây.
Lần đầu tiên, xe tăng càn vào cứ giữa ban đêm... Thực chưa bao giờ đánh giặc lại cực như lúc này.
Đáng lẽ những lúc khác, có lực lượng trong tay, chỉ cần một đại đội là có thể ăn ngon dăm bảy chiếc tăng diệt 100 tên Mỹ như trở bàn tay. Ông Ba Kiên khuyên tạm phân tán đánh nhỏ một thời gian, ông Dũng tuy đã thống nhất nhưng vẫn cứ băn khoăn nghĩ đến một đòn trừng trị cần thiết.
Về đến cứ suối Ông Thành, ông Dũng gọi Tuấn đến mở bản đồ ra bàn bạc. Xưa (lúc đó đi theo ông Dũng) mở bồng, lấy túi ni lông đựng mấy củ mài đưa ra đặt trên bản đồ. Ông Dũng nhặt một củ đưa cho Tuấn, cầm một củ ăn, rồi gạt bao ni lông sang một bên.
- Phía bắc ta là sông Thị Tính, phía nam là đường bò, kéo dài sang phía tây nam là cứ Bãi Cưa đây. Theo mình, khu vực này rồi nó cũng sẽ càn vào.
- Ủi xong dưới Ván Tám rồi, nó sẽ ủi lên. Bãi Cưa lên đây. Nó cứ cuốn chiếu như thế mãi, thì hết đất mất.
- Tuấn ạ, mấy hôm nay đi đường mình cứ nghĩ đến anh Ba Kiên. Anh ấy nhận định nhanh thật. Nó vừa ủi xong bên kia sông, anh ấy đã nghĩ đến việc vòng sang bên đó luôn.
- Thủ trưởng cũng định vòng trở lại à?
Ông Düng gạt tay trên tấm bản đồ:
- Đây là sông Nha Thức. Mình chỉ được phép ở từ đây xuống.
- ừ nhỉ. Vậy là ta đi hết bản đồ rồi.
Bên kia sông Nha Thức!
Anh em trung đoàn Mười sáu gọi đó là Đất Thánh. Mặc dầu từ đó lên Miền còn phải qua bao nhiêu cửa ải: lộ Trắng, lộ Đỏ.
Bao nhiêu cán bộ, đơn vị tróc cơ sở chạy lên biên giới cũng chỉ ao ước qua được sông Nha Thức, về đến ngã ba Công Kiên là họ đặt bồng thở phào nhẹ nhõm. Chỉ cần qua đó rồi, biệt kích cũng được, B.52 cũng được. Sang bên kia sông ít ra thì cũng còn tìm vào được những cái cứ của đoàn C.50 của các đoàn hậu cần 82, 83, gặp dịp ra thì có thể xin được bồng mì, bồng gạo. Sang bên kia là một cánh rừng mênh mông, mặc dầu địch có cho máy bay bắn phá, rải chất độc hóa học đến mức rụng hết lá, cây chỉ còn thân cành trơ trụi, thì vẫn là một khu rừng kín đáo gấp mười lần bên này.
Đã có lần ông Dũng nghĩ: Hay xin rút trung đoàn về bên đó củng cố một thời gian rồi trở lại. Tất nhiên sang đó cũng còn phải đói, nhưng dầu sao cũng có gạo. Lên đến Công Kiên có thể xin được đạn, thương binh cũng có thể gửi vể Miền được.
Chỉ cách có một con sông thôi!
Con sông đổ không biết bao nhiêu là máu. chịu không biết bao nhiêu là bom đạn. Nhưng qua bên kia sông, cũng có nghĩa là bỏ trắng một vành đai.
Dưới kia ông Ba Kiên đang qua lại sông Sài Gòn. Cũng lại là một con sông. Có những ngày đứng bên kia sông Sài Gòn nhìn sang bên này, người ta cũng bảo phía Ván Tám, Long Nguyên là Đất Thánh, và có lẽ bây giờ bên đó cũng đang có người nghĩ như vây.
Và nếu cứ nhìn sang bên kia bờ sông tìm về “Đất Thánh” thì chẳng bao giờ đến được. Rồi chúng ta sẽ qua sông Sài Gòn, sẽ qua sông Nha Thức, sẽ qua lộ Trắng, qua lộ Đỏ về đâu nữa... Bên kia bờ sông...
Hai người ngổi im lặng một lúc trước tấm bản đồ ông Dũng nói:
- Chẳng lẽ lại hết đất.
Tuấn:
- Đất thì rộng nhưng nó ủi trắng hết rồi.
Ồng Dũng cười. Một lúc, ông cúi xuống lấy móng tay vạch một đường dài dọc theo sông Thị Tính qua lộ Căm Xe sang bên kia cứ Ván Tám.
- Bây giờ cậu ở nhà, nếu yên thì tạm ở đây một thời gian chờ nó càn xong, vòng trở lại Long Nguyên, qua lộ Căm Xe xuống gần d Tám. Nếu trường hợp nó càn qua đây, thì cắt dọc theo con suối này, về luôn dưới đó, về lại được Suổi Tre càng tốt.
- Xuống mãi Suối Tre?
- Xuống đó, phân tán ra, đào hầm bí mật mà ở, ngoài chỗ ở chính chuẩn bị thêm cứ dự bị.
- Nhưng thủ trưởng đi đâu bây giờ?
Ông Dũng gập bản đồ lại:
- Mình xuống d Chín.
- Thủ trưởng lại qua bên kia đường bò à? Bây giờ nó còn rải quân trên đó, đi dễ bị phục.
Ông Dũng im lặng. Ông vẫn thấy cay cú: cần có một đòn trừng phạt. Dọc đường, ông đã nghĩ đến một trận đánh, ông sẽ điều d Chín cho đánh một trận xong, tổ chức khiêng thương, mở đường qua sông Nha Thức. Qua bên đó, một số sẽ đi lấy vũ khí và gạo, một số đưa thương binh lên cho bệnh viện tiền phương của Miền.
Nếu có ông Ba Kiên ở nhà, chắc ông ấy cũng đồng ý mình. Đã gần hai tháng nay, trung đoàn không có một trận đánh nào then chốt. Càng nghĩ, ông càng thấy phương án tác chiến đó thật hấp dẫn. Một lúc giải quyết được ba nhiệm vụ. Một là đánh một đòn trừng phạt, có tiếng vang, phối hợp với các chiến trường khác. Trên kia địch đang tập trung càn biên giới. Hai là giải quyết nốt những thương binh và làm một chuyến vận tải thật cơ bản. Ba là: đánh mạnh ở trên này, thì phía dưới kia ông Ba Kiên có thể rảnh tay, tổ chức cho d Bảy ổn định được đội hình và đưa bộ đội sang sông.
Suốt dọc đường, ông Dũng nóng ruột đến căn cứ để triển khai công việc. Không ngờ về Long Nguyên, địch lại càn nữa. Chưa bao giờ nó làm trắng trợn như bây giờ, dám cả gan xộc xe tăng càn vào cứ giữa ban đêm. Cứ chạy càn như thế mãi thì chẳng biết đến bao giờ!
Ông Dũng thức đến ba giờ sáng, giao lại công việc thật tỉ mỉ cho Tuấn như chuẩn bị một chuyến đi xa, xong đánh thức Xưa dậy.
- Cậu gọi một đồng chí vệ binh sang ngay bây giờ chuẩn bị đi công tác.
- Em cùng đi chứ thủ trưởng?
Vừa hỏi Xưa vừa rút dây võng.
- Để đó đã, nhanh lên không sáng bây giờ.
Xưa vừa chạy đi, vừa cuốn nốt dây võng.
Tuấn hỏi:
- Ngày mai nếu nó càn vào đây thì đón thủ trưởng ở đâu?
- Mình sẽ về d Tám.
- Bên d Tám hôm nay cũng còn đánh nhau!
- Thì mọi việc ở nhà các cậu cứ bàn nhau mà làm, mình sẽ về cứ Suối Tre. Có khi xuống đó rồi gặp cả anh Kiên.
Tuấn đưa một tổ vệ binh ra bám địch. Ông Dũng vòng ra phía sau cụm xe tăng và cắt quan bên kia lộ thì cũng vừa sáng.
Xưa lúc đầu nghe thằng Hùng xúi, một hai xin xuống đơn vị. Ông Dũng bảo:
- Thôi tùy cậu, nhưng cậu có muốn xuống đơn vị chiến đấu thì cũng phải tạm ở trên này ít lâu cho quen đã. Liên lạc hay vệ sĩ thì cũng vậy.
Ông Dũng còn hứa thêm:
- Đã vậy thì mình chẳng giữ cậu đâu. Thật tình thì mình cũng chẳng cần người phục vụ, bồng mình mình mang, quần áo mình mình giặt, tắm thì xuống suối, chỉ có một điều ở chiến trường này đi một mình không được, mà mình thì lại phải đi công tác luôn. Lấy anh em vệ binh thì lúc có lúc không.
Sau khi Xưa nhận nhiệm vụ, Tuấn lại gọi đến dặn thêm một lần nữa: Làm vệ sĩ có hai nhiệm vụ, một là bảo vệ thủ trưởng, hai là giúp việc cho thủ trưởng.
Xưa nghe một lúc rồi nói:
- Tính em ngang lắm, em sợ rồi không vừa lòng chính ủy. Hôm em trốn về đây là vì em muốn đi chiến đấu.
- Cậu khỏi lo, trước sau gì rồi cũng sẽ được chiến đấu. Mà đi với thủ trưởng có khi còn chiến đấu nhiều hơn...
Xưa không biết trả lời thế nào nữa nên đành im lặng. Chẳng lẽ đi B về người ta hỏi vào trong đó làm gì, lại bảo làm công vụ cho thủ trưởng.
Hồi còn ở ngoài bắc, có lần anh mang hai quả lựu đạn về nhà (đi tranh thủ mà). Bọn bạn bè thấy vậy liền hỏi:
- Mày đã biết ném lựu đạn chưa?
- Sao lại không biết.
- Nó chỉ đeo làm bộ, mới đi được mấy bữa, giỏi lắm thì chỉ ném đạn gỗ là cùng.
Xưa đỏ mặt:
- Tao ném nổ tụi bay mất gì?
-Bao thuốc lá.
- Xì ném quả lựu đạn mà một bao thuốc lá!
Chúng nó tưởng Xưa không biết ném thật, càng làm già.
- Rõ ràng là không biết tỏng tòng tong ra rồi. Thôi ông làm oai một chút cho bọn mình sợ, chứ bây giờ tụi mình có các cả tút thuốc cu cậu cũng không dám ném.
Vậy là Xưa rút lựu đạn. Cả bọn chạy giạt ra. Anh mở nắp giật dây và ném luôn xuống ao. Không may cái ao đó lại là ao thả cá của hợp tác. Cá chết nổi lềnh bềnh.
Hôm sau, mẹ anh phải gánh lúa đến đền cho đội. Còn anh về đơn vị ngồi viết bản kiểm điểm. Đó là chuyện hồi anh mới đi lính. Còn bây giờ Xưa không dại dột nữa, làm gì cũng có tính toán. Anh nghĩ: Mình đã trốn đơn vị về đây thì phải từ từ... Nhận nhiệm vụ nhưng trong lòng Xưa không thoải mái lắm.
Làm công vụ cho ông Dũng thì bở quá. bồng ông ông mang, súng ông ông đeo. Đến nỗi đào hầm. Xưa đào thì ông xúc, bảo mấy cũng không được, mà ông làm có bõ bèn gì chẳng bằng Xưa làm rốn.
Đào hầm xong, ông bảo Xưa đi ngủ, mai còn lấy sức mai đi, còn ông vẫn tiếp tục làm việc. Có người kích Xưa xin thôi việc, nhưng có người lại muốn về làm vệ sĩ cho thủ trưởng. Họ nói:
- Tao chỉ ước được như mày, hành quân về là lăn ra ngủ. ông Dũng với ông Kiên chỉ kiếm bạn đi đường cho vui chứ vệ sĩ vệ siếc gì.
Nếu như vậy thì Xưa lại càng không thích. Đi chiến trường mà tìm chỗ cho nhàn thì bết quá ở nhà. Vậy là Xưa lại nghĩ việc ra để làm. Kể thì ông Dũng cũng tốt thật. Hồi đi trên Trường Sơn, Xưa gặp một ông cán bộ có công vụ đi theo cậu ta cõng phần gạo của mình, còn phải cõng thêm gạo cho cả thủ trưởng. Đến trạm nghỉ, có hôm mắc võng xong, Xưa thấy cậu ta còn đi đun nước cho thủ trưởng tắm.
Hồi đó Xưa nghĩ: đi bộ đội vậy thì chẳng đi làm gì. Nhưng đến mấy hôm nay, thấy ông Dũng vất vả quá, anh lại thấy thương. Xuống anh nuôi nhận phần củ, Xưa chọn cho ông Dũng những củ ngon nhất. Biết tính ông Dũng nghiện trà đặc, hành quân đến nơi, Xưa nấu cho ông một hăng gô nước thật nóng. Hành quân đến nơi mà có ấm trà là ông khoái nhất. Mấy hôm nay trà hết, ông hái lá rừng nấu uống, mùi đăng đắng lơ lớ, Xưa chẳng biết là lá gì, vậy mà ông uống vào cũng xít, cũng khà và khen ngon, ông Dũng sống tình cảm, hết mình lo việc chung, thương yêu mọi người. Nhưng có một cái gì đó Xưa không thích lắm mà anh nghĩ chưa ra. Ví dụ ông Dũng cũng hay làm thơ. Nghe nói Xưa cũng thích văn đã học gần hết lớp 10, lại hay đọc thơ, hôm ngồi uống nước lá rừng, xúyt xoa khen ngon, ông liền ứng khẩu làm bốn câu đọc cho Xưa nghe và bảo anh nhận xét:
Chiến trường lắm chuyện vui ghê
lá rừng nấu nước thay chè lại thơm
Củ rừng đem luộc thay cơm
Chàng Siêu tóc dẫu điểm sương chưa về.
Xưa cười hề hề:
- Thơ chính ủy nghe giống như tên em ấy...
Ông Dũng nghĩ một lát, rồi cũng bật lên cười:
- Cái thằng... láo thật...
Được cái ông Dũng cũng vui, chuyện vặt ấy cười trừ với nhau là xong.
Hôm nay là lần đầu tiên đi công tác lẻ với thủ trưởng Xưa sang gặp Tuấn năn nỉ xin thêm một quả lựu đạn.
Tuấn nói:
- Chúng tao chẳng có mà dùng, lấy đâu cho mày?
- Các anh giao cho tôi nhiệm vụ bảo vệ chính ủy, giữa đường. Có sao thì tôi không chiụ trách nhiệm đâu!
- Cần đạn thêm thì tao cho, lựu đạn không có nữa!
- Lựu đạn mới uy hϊếp được địch, súng con thì chỉ tổ gãi ngứa chúng nó, càng bắn nó càng đuổi.
- Ai bảo mày vậy?
- Đi đánh nhau thì phải hỏi kinh nghiệm.
Thằng Hùng mách cho Xưa là đi lẻ nên mang nhiều lựu đạn, nhưng cậu ta không nói điều đó. Cuối cùng, Tuấn cũng phải chia thêm quả lựu đạn cho Xưa.
Xưa mới về trung đoàn mấy hôm, vậy mà về mặt ma lanh, nó chẳng thua kém gì lính cũ.
Nam và Tiến đang ngồi bàn công việc thì ông Dũng đến.
Đặt bồng xuống, ông hỏi ngay:
- Sẵn sàng chiến đấu được chưa?
- Đánh lớn hay đánh nhỏ thủ trưởng?
- Đánh cấp tiểu đoàn!
- Định làm ăn lớn à thủ trưởng? Cấp tiểu đoàn hay trung đoàn thì anh em cũng sẵn sàng, chỉ có việc giải quyết hậu quả “cuộc chiến” thì khó lắm!
Chỉ có Tiến trả lời, Nam vẫn ngồi im.
Tiến từ trinh sất xuống làm cán bộ đại đội, bây giờ là tiểu đoàn phó. Còn Nam ở tiểu đoàn Bảy, sau khi bị thương lên viện gắp đạn rồi quay về trung đoàn điều sang tiểu đoàn Chín vì bên tiểu đoàn Bảy đã có Lâu.
Ông Dũng đến đã gần 7 giờ sáng. Nam gọi liên lạc nói nhỏ:
- Lấy cái bao gạo...
Ông Dũng thấy cậu liên lạc cởi cái bao gạo còn chừng ba lon treo ở đầu cọc võng, vội nắm giữ lại.
- Thôi để dành cho thương binh và trận đánh tối nay. Nghe nói tụi bay vừa phát hiện được vườn dong riềng làng Mười phải không? Có thì cho tao mấy củ.
- Hì, hi! Cái gì chứ dong riềng thì vô khối, có điều muốn ăn thì phải đẽo vỏ thật lực.
Tiến gọi liên lạc mang ra một đĩa củ, chọn mãi anh mới lấy được một củ gọt cho ông Dũng rồi đẩy cái đĩa lại phía Xưa và cậu vệ binh.
Vừa ăn khoai ông Dũng vừa mở bản đồ ra.
Tiến vẫn ngồi tán:
- Thủ trưởng dạo này cũng “quân sự” ra phết.
Ông Dũng nói:
- Trước hết các cậu cho mình biết: quân số đi chiến đấu được bao nhiêu. Hiện nay tiểu đoàn có bao nhiêu thương binh nuôi tại trại. Vũ khí đạn dược còn bao nhiêu. Đánh nhau xong, ngoài việc giải quyết chính sách ra, còn có khó khăn gì nữa không?
Nam mở cuốn sổ tay to bằng cuốn lịch bỏ túi ra báo cáo tình hình. Nghe xong, ông Dũng hỏi lại một lần nữa:
- Vậy là không có khó khăn gì chứ?
Nam:
- Không!
Tiến:
- Cũng có khó đấy thủ trưởng ạ.
- Tôi nói việc giải quyết hậu quả tính sau mà.
- Nhưng vì chưa được nghe phương án cho nên anh em chưa yên tâm ạ.
- Vậy thì tôi nói luôn nhé: Đánh xong thì cả tiểu đoàn mang luôn thương binh qua bên kia sông Nha Thức.
- Ở luôn bên đó hả thủ trưởng!
- Cái thằng. Sang đó đưa thương binh về bệnh viện tiền phương của Miền, liên hệ với C.50 xin một ít gạo nếu không thì vay rồi lấy súng, lấy đạn mang về. Mình sẽ viết điện, cậu sang bên ấy, nhờ C.50 chuyển lên Miền xin thêm gạo…
- Vậy là chúng tôi phải đánh đến những hai trận đấy thủ trưởng ạ.
- Sao lại hai?
- Đánh trận tập kích xong thì đánh một trận mở đường đưa thương binh qua sông Nha Thức nữa chứ thủ trưởng. Mà trận này thì còn ác liệt hơn trận tập kích nhiều.
Nam gọi liên lạc:
- Cậu xuống nói các đơn vị cho anh em chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu rồi gọi cán bộ đại đội lên đây họp ngay, mang theo bồng, súng đi chuẩn bị chiến trường luôn.
Liên lạc đi rồi, Nam quay lại Tiến (lúc đó vẫn còn ngồi cà khịa với ông Dũng).
- Nếu vậy thì anh Tiến phải ở nhà, xuống các xê cho tập hợp anh em thương binh về cứ xê Bôn. Đánh xong, bộ đội sẽ rút về đó cùng vượt sông luôn.
- Anh đi với xê Ba và xê Một à?
Nam cúi xuống bản đồ, lấy móng tay vạch ra các hướng đi.
- Báo cáo anh, chập choạng tối đánh luôn rồi rút. Chúng tôi sẽ cắt cái cụm này ra mà dứt cho gọn.
Tiến:
- Vậy là qua bên kia sông thì hợp đồng với nhau ở đâu?
Nam:
- Cho anh em đi luôn, cắt về cứ C.50. Nếu ở cứ C.50 gặp địch thì sang cứ 82 cũ.
- Thôi được, bên ấy trời đất của ta cả mà, lo chi! Nge nhắc đến c. 50, ông Dũng vội vàng rút cuốn sổ viết:
“Điện Kính gửi Bộ tư lệnh Miền. E Mười sáu gặp khó khăn. Địch đã ủi xong tây sông đang càn ủi ở khu vực Ván Tám, đánh lên Long Nguyên Và hai bờ sông Nha Thức. Trung đoàn hết gạo, không móc đươc với đoàn 82. Đề nghị Miền chi viện cho ba tấn. Gạo và đạn xin lấy bên kia bờ sông Nha Thức. Trung đoàn vẫn đứng vững. Anh Kiên đã qua sông Sài Gòn, chuẩn bị đưa d Bảy sang đó”.
Ký tên: Dũng
Viết xong, ông Dũng xé đưa cho Nam:
- Cậu sang bên đó, vào C.50, nhờ họ điện lên R cho mình. Còn gạo thì cứ vay rồi tính sau. Mang về được nhiều chừng nào hay chừng ấy. Ở nhà bọn mình chờ kết quả của các cậu đấy.
- Vậy là tụi tôi phải đánh đến ba trận đây thủ trưởng ạ, không phải sai đâu?
- Sao lại ba?
- Một trận tập kích, một trận dùi qua sông bên đó, rồi lại một trận dùi về bên này, sang thì khiêng thương, về thì cõng gạo.
- Cậu tính thế thì suốt đời lính có đến ngàn trận. Thôi cố gắng qua bên ấy, cõng thêm súng đạn cho nhiều vào. Ta ở giữa hai con sông, d Bảy sang sông Sài Gòn, còn các cậu thì sang sông Nha Thức, bên đi lên, bên đi xuống, xem bên nào hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
Biết ông Dũng chỉnh nhẹ mình, Tiên cười hề hể:
- Đi xuống thì nhất định ác liệt hơn đi lên rồi, nhưng dưới ấy vào được ấp thì lại tươi, thủ trưởng cho đi, chúng tôi cũng tình nguyện cả hai tay.
Ông Dũng xuống đại đội Hai làm việc về đến tiểu đoàn đã gần chiều. Ông nghe lại tình hình chung một lần nữa để chuẩn bị ra đi. Nam gọi cậu liên lạc đến.
- Cậu mang cái bao gạo kia xuống nấu đi kẻo để đó mãi chuột phá.
Anh chiến sĩ trẻ không hiểu ý, nhìn Nam ngơ ngác:
- Thì cũng chỉ còn nấy gạo!
Ông Dũng biết từ sáng đến giờ vẫn cái bao gạo ấy. Vừa muốn cười, vừa muốn khóc, ông giữ tay cậu liên lạc lại.
- Thôi, mình đã bảo dành đó cho thương binh, các cậu có cho mình ăn, mình nuốt cũng không vào đâu mà, thà khi khác, cơm gà cá gỏi mình không từ chối.
- Qua bên kia sông là có gạo thôi mà...
- Thì các cậu cứ để dành cho đến lúc lấy được gạo...
Ông Dũng mang bồng đứng dậy. Biết không giữ được, Nam đưa chính ủy ra một đoạn. Tự nhiên anh thấy thương ông quá, thà trẻ trung như anh thì đi một việc. Nhiều tuổi vậy mà vẫn phải lặn lội, cũng ăn rau, ăn củ, cũng nằm hầm, nằm đất, người ta cũng cán bộ, ông cũng cán bộ. Giá bây giờ ông ở ngoài đó thì vợ con cũng đàng hoàng. Không gì thì đến bữa cơm cũng có người nấu cho ông bát canh vừa miệng...
Ồng Dũng quay lại:
- Thôi cậu về chuẩn bị cho anh em đi...
Nam tần ngần:
- Anh xuống đơn vị toàn gặp những lúc khó khăn.
Ông Dũng:
- Có vậy sau này mới nhớ nhau lâu.
- Tối nay, đánh xong, chúng tôi sẽ cho người lên báo cáo, bao giờ ở bên đó về, anh xuống ở với anh em lâu lâu một chút.
- Mình sẽ xuống, chúc các cậu đêm nay đánh một trận tốt.
- Xin đảm bảo với anh. Thôi, nếu anh đã không ở thì qua đường sớm đi. Lát nữa nổ súng, bom đạn giội xuống khó đi.
Ông Dũng gật đầu. Hai người chia tay nhau. Ra khỏi d bộ ông cắt hướng về xê Bốn. Anh em thương binh của tiểu đoàn đang tập trung ở đó chuẩn bị qua sông.
Xê Bốn ở cách tiểu đoàn khoảng 40 phút, gần bờ sông, ở đó, ông có thể ngồi nghe trận đánh, chờ xem đơn vị về kết quả thế nào rồi chia tay, cắt qua phía bắc con đường bò về suối ông Thành.
Đi được khoảng 30 phút, Xưa đứng lại:
- Báo cáo Chính ủy, có tiếng B.52.
- Cứ đi đi, nó đánh cái gì đây mà đánh.
Vừa nói xong thì Xưa hét lên:
- Nó cắt bom.
Tiếng bom hun hút rơi xuống. Tự nhiên Xưa thấy mình bị hẫng đi. Anh cảm thấy người mình nhẹ bỗng như được nâng lên khỏi mặt đất. Một tiếng nổ dữ dội, lóe chớp trước mắt. Phía ông Dũng, trùm lên những tiếng nổ khác. Cả bầu trời tối đen cát bụi. Xưa bị hất ngã lúc nào cũng không hay. Khi mở mắt anh trông thấy một vũng máu mà anh không biết từ đâu ra. Liếʍ môi, thấy mặn, anh đưa tay lên sờ, miệng và mũi đầy máu. Khắp người anh chẳng có chỗ nào xây sát. Vậy là mình bị sức ép.
Xưa ngồi dậy, cách anh chừng mươi bước, ông Dũng nằm bất động. Thấy Xưa đến, ông chỉ vào cái chân.
- Cậu băng cho mình một chút.
Băng xong, ông lại hỏi:
- Cậu đứng lên xem đây là giữa bãi bom hay một bên.
Bãi bom mênh mông, chỗ nào cũng bom cả, Xưa báo cáo:
- Đây là chính giữa.
- Tìm một hố bom...
Xưa cõng ông Dũng đến một hố bom, tụt xuống, lấy tay bươi đất thành hố, đặt ông nằm xuống.
- Cậu tìm xem đồng chí vệ binh ở đâu?
Xưa trèo lên hố bom đi vòng quanh một lúc, xác định vị trí đứng, rồi quay lại cái hố bom mà ông Dũng đang nằm. Đúng rồi, chính cậu vệ binh chạy về phía đó, nơi có một mô đất, và anh đã lĩnh trọn một quả bom, chẳng còn dấu vết gì nữa. Xưa lạị cúi xuống bên ông Dũng.
- Không thấy à?
- Đồng chí ấy bị ở hố bom này.
Tiếng B.52 lại ì ì bay tới. Bây giờ nghe nó chậm chạp nặng nề làm sao. Hai người nằm ngửa mặt lên nhìn trời. Bom lại ào ào rơi xuống. Xưa vừa kịp nhận ra nó cắt một đường chéo góc với vệt bom bỏ cũ, thì bỗng một khối đen tròn xoe nhằm thẳng trước mặt anh lao tới. Chưa bao giờ Xưa nhìn thấy một quả bom kinh khủng như vậy. Anh vội vàng quay lưng áp mặt lại thì nghe “ục” một tiếng và đất cát trùm lên, tối đen trời đất. Bị vùi rồi. Anh lấy hết sức giẫy mạnh một cái, thấy đất quanh người rung rinh. Anh chống tay hất người lên và nhô ra khỏi mặt đất. Không thấy ông Dũng đâu nữa. Xưa bò tới thảnh hố bom lấy tay cào đất, một lúc sau bới được ông Dũng lên, nhợt nhạt gần như một cái xác chết.
- Thủ trưởng!
- Thủ trưởng!
Gọi đến lẩn thứ hai, ông mới mở mắt:
- Lấy cho mình viên “bi” trong xà cột.
Uống thuốc xong, ông Dũng nghiêng lưng sang một bên:
- Cậu cởi súng và lấy cái xắc cốt của mình ra rồi đi về chỗ xê Bốn. Cứ cắt thẳng tới phía trước khoảng 500 mét, gọi người ra đây.
Xưa quàng xà cột và đeo súng vào người. Đi được chục mét thì nghe tiếng “cá rô” e e. Nhớ đến ông Dũng phơi mình dưới hố bom, anh nhặt một bó chà chạy quay trở lại. Thấy Xưa đáp chà lên người mình, ông Dũng mở mắt nhìn một chốc, rồi lại nhắm lại.
“Cá rô” quay vòng rồi dừng lại xoáy tít ở một lùm cây phía trước mặt. Ông Dũng vẫn nhắm mắt nói khẽ:
- Bình tĩnh, cầm sẵn cành chà, khi nào nó bay qua thì vượt. Để mặc mình đây.
“Cá rô” bay vòng lại một vòng nữa rồi lượn sang phía d bộ. Xưa cầm cành chà vừa chạy vừa khóc...
Anh em c Bốn ra khiêng ông Dũng về đến cứ thì ông đã mê mệt. Y sĩ tiêm thuốc trợ lực, thay băng lại. Một lúc sau ông tỉnh dậy, nhìn mọi người rồi hỏi:
- Nổ súng chưa?
Người ta chưa kịp trả lời thì ông đã nhắm mắt, không nói năng gì nữa.
Quân y sĩ lắc đầu:
- Trừ phi đưa đi bệnh viện cấp cứu ngay thì họa may còn hy vọng.
Tiến đang bàn tổ chức một đoàn đi trước đưa ông Dũng qua sông thì Xưa kêu lên:
-Thủ trưởng làm sao ấy!
Mọi người chạy đến vây quanh võng: ông Dũng đang hấp hối.
Trời sập tối. Một cơn mưa kéo đến ào ào. Cũng vừa lúc đó tiếng súng nổ vang, rồi tiếp đến tiếng đại bác. Ánh chớp lẫn vào trong ánh lửa. Tiếng sét lẫn vào trong tiếng súng.
Tuấn dẫn trung đoàn bộ cắt đường vòng trở lại. Từ suối Ông Thành lấy núi Bà Đen làm chuẩn ở phía sau lựng, cắt dọc theo sông Thị Tính, qua lộ Căm Xe. Trở về Ván Tám, và xuống lại cứ Suối Tre. Mới mấy ngày, họ từ đây ra đi. Cũng trong lúc đó đồng chí trợ lý tác chiến được ông Dũng phái đi, “móc” được hậu cần, lại vòng lên suối Ông Thành và hai bộ phận cứ như vậy đuổi theo nhau. Bộ phận đi trước để một người ở lại, và dặn với bộ phận đi sau hai ba cái cử mà khả năng họ có thể đến.
Chỉ sau hai ngày, khi họ quay trở lại, thì cánh rừng từ Ván Tám, Bãi Cưa đã bị ủi trắng. Chúng nó tiếp tục ủi dồn lên phía bắc lộ Căm Xe.
Cùng sau khi d Chín tập kích tiêu diệt hơn một chục chiếc xe tăng và hàng trăm tên Mỹ trước đêm tiểu đoàn vượt sông Nha Thức, địch tập trung phi pháo oanh tạc suốt ngày đêm vào các cứ ở Long Nguyên, suối Ông Thành, Bãi Cưa... Trên lộ Căm Xe, biệt kích và xe tăng ken dày. Hai bộ phận của trung đoàn bộ cứ đuổi nhau hành quân, gặp địch lại vòng sang cứ khác, gặp biệt kích lùi lại, cắt đường đi sang trái sang phải. Trúng mìn, gặp pháo, thì chôn cất tử sĩ rồi khiêng thương binh trên vai hành quân. Còn dăm lon gạo, Tuấn ra lệnh gom lại để cán bộ chịu trách nhiệm quản lý, không ăn nữa. Chỉ kiếm củ rừng, và lá cây thay cơm, riêng thương binh, được ăn cháo nấu lẫn với củ...
Đến ngày thứ năm thì bộ phận đi sau đuổi kịp bộ phận đi trước. Tuấn dừng lại ở Ván Tám, rồi cho liên lạc xuống d Bảy báo cáo tình hình với ông Thêm.
Khoảng nửa đêm, đoàn thương binh do Quá dần từ bệnh viện phân khu cắt vào bệnh xá trung đoàn. Đêm lặng ngắt không nghe một tiếng động. Quá cho anh em dừng lại, rồi nói với chiến sĩ hộ tống.
- Cậu vào xem xem còn ai ở đó nữa không?
Mộc lúc sau, chiến sĩ đó trở ra:
- Chúng nó phá hết hầm rổi, chỉ thấy toàn dấu xích xe tăng, và vỏ đồ hộp. Tụi Mỹ mới ở đây đi.
Cậu chiến sĩ đặt cái túi dết lốn nhổn những đổ hộp nhặt được xuống đất. Các chiến sĩ được chia mỗi người một hộp. Người thì hộp cá, người hộp trái cây, có người vớ được hộp bánh ngọt. Từ trong vòng càn ra, họ đi đêm nay nữa là hai đêm hai ngày. Đoàn có hai chiến sĩ hộ tống và hai thương binh nhẹ cũng theo Quá trở vể. “Trực thăng” đổ chụp xuống bệnh viện khi họ mới dời khởi đó được chừng một tiếng đồng hồ. Không biết số phận của các anh em thương binh sẽ ra sao? Bệnh viện phân khu cũng ở gần Long Nguyên, nằm trong khu vực càn lớn. Đã hai hôm nay, không biêt có đơn vị nào đánh nhau không mà phía sau họ bom pháo nổ suốt ngày.
Đoàn di, cắt qua hết khu rừng này đến khu rừng khác. Sáng, họ tìm vào những bụi cây, những hố bom còn có đám cở tốt, chui vào, xóa hết dấu vết, ngụy trang lại. Tối lại đi. Quanh họ, chỉ nghe tiếng tăng hụ, tiếng súng nổ.
- Chắc trung đoàn không còn đây nữa anh Quá à?
- Hay là đơn vị qua bên kia sông Nha Thức?
- Qua sông Nha Thức thì không biết nhưng chắc chắn không ở trong khu vực Long Nguyên này nữa?
- Vậy thì chỉ có qua lại lộ Căm Xe thôi.
Trong khi anh em bàn bạc với nhau, Quá cũng ngồi tính toán mọi khả năng có thể xảy ra, và xử trí như thế nào bây giờ? Đi đâu? Lên hay xuống? Làm sao đưa anh em thương binh về đến nơi an toàn? Rồi còn phải báo cáo với đơn vị tìm cách chi viện cho số anh em thương binh hiện đang ở bệnh xá phân khu. Nếu như có việc gì, Bảy Hường làm sao đưa anh em thương binh chạy? Cô có một mình!
Nó càn cái gì mà càn hoài ở phía đó? Có lẽ nó phát hiện trung đoàn bộ chăng. Quá đang ở trong tâm trạng của một người mới được yêu, và người yêu của anh lại ở phía đó, trong trung tâm của cuộc càn. Anh dự đoán những điều có thể xảy ra. Bệnh viện sẽ đưa một số thương binh nhẹ đi lên, còn số thương binh nặng sẽ ở lại hầm bí mật. Tất nhiên là Bảy Hường sẽ ở lại đó. Cũng có thể cả bệnh viện phân khu, cả trung đoàn bộ sẽ chạy sang phía d Chín rồi ở đó lại cũng có một cuộc càn nữa...
- Bọn mình bây giờ thành lính lạc ngũ, muốn đi đâu thì đi, “tùy nghi di tản”.
- Có một ông nhà văn nào đi theo bọn mình, thì viết được cuốn truyện hay bằng mấy “Rô-bin-xơn” ấy chứ!
- Thôi đừng nói dóc nữa, kìa, chụp lấy chú dế mà nướng ăn... A, chú dế trụi. Này, thứ này mà rút ruột, rán bột ăn ngon hơn thịt gà đấy.
- Này, bọn mình đi đâu cũng không thoát khỏi cái núi Bà Đen. Mà sao lại gọi là Bà Đen nhỉ? Nghe nói trên đó có cái trạm viễn thông có thể quan sát khắp cả miền đông đấy! Quá nghe chiến sĩ nói, ngẩng lên nhìn núi Bà Đen. Bây giờ anh chỉ còn ngọn núi đó làm chuẩn. Không địa bàn, không bản đồ. Cái núi Bà Đen đó là con mắt của địch, nhưng lại là người chỉ đường cho bao nhiêu chiến sĩ trở về đơn vị. Núi Bà Đen nằm ở hướng tây bắc, cứ lấy nó làm chuẩn thì cắt đường không lạc được. Nhiều chiến sĩ của trung đoàn Mưởi sáu thường nói đùa với nhau: “Khi nào tao chết, chúng mày cứ chôn tao quay đầu về hướng núi Bà Đen để tao còn tìm đường tao về!”. Bây giờ anh cũng đang lấy núi Bà Đen làm chuẩn. Có thể đêm nay có bao nhiêu ngưởi cũng đang nhìn lên cái núi Bà Đen đó để làm chuẩn, để đi về một một hướng. Biết đâu đêm nay Bảy Hường cũng đang nhìn núi Bà Đen...
- Thôi mình đi đi!
- Đi đâu bây giờ?
- Cứ đi về hướng Ván Tám, nếu ở đó không gặp trung đoàn thì tìm về d Tám, nếu không gặp d Tám, mình tìm đến d Bảy. Các cậu sao chứ mình về đơn vị thôi.
- Bọn em cũng về đơn vị thôi.
Điều khó khăn nhất của họ là phải qua sông Thị Tính. Họ quyết định vòng lên phía trên, chọn chỗ dòng sông cạn nhất để có thể cõng nhau đi qua.
Vậy là họ cứ việc nhắm thẳng hướng núi Bà Đen mà cắt tới. Phía sau Quá, hai chiến sĩ vẫn thì thầm:
- Cứ hướng này đi mãi về đâu?
- Lên R
- Thích nhỉ, vậy là mình chỉ cần một cái võng, một cái màn, một cái hăng gô, một cái chét đào củ mài là có thể “a- lê-hấp”, dông một mạch lên Đất Thánh.
- Thì đã chả có khối thằng “lấy núi Bà Đen làm chuẩn phía trước, tiến” là gì.
- Nghe đâu bên địa phương cũng nhiều cán bộ “tụt tạt” lắm.
- Thì trung đoàn mình cũng khối, cứ gì địa phương, bọn mình toàn là những thằng lọt sổ.
- Đánh thằng Mỹ cực thật. Tao mà làm chính phủ thì cứ thằng nào ở lại vùng ven này một tháng, tao cho một cái huân chương.
- Vậy thì có mà tặng huân chương cả nước.
- Suỵt!
- Cái gì vậy!
Quá vừa kịp hỏi câu đó thì một tràng đại liên lia ngang. Anh trông thấy ba chiến sĩ đi trước loạng choạng ngã xuống.
Họ đi gần nhau quá! Một quả lựu đạn nổ ngay trước mặt. Ai ném vậy? Quá nâng súng bắn một điểm xạ rồi lăn đi mấy vòng. Đất ở đây trống trơn, không có chỗ núp. Súng nổ ran bốn phía. Lọt tổ phục kích rồi. Chẳng có đứa nào bắn trả. Chúng nó hy sinh hết cả rồi sao? Không có lý! Quá nhìn lên ngọn núi Bà Đen để định hướng rồi sờ vào thắt lưng: còn một quả lựu đạn. Anh bò lên.
Cũng chính giữa lúc ấy thì một thương binh, không chịu nổi sự đau đớn đã kêu rống lên. Quá chưa kịp xốc nách anh ta dậy thì một quả đạn M.79 rơi xẹt nổ trước mặt. Anh gục xuống ôm lấy chiến sĩ vẫn còn la hét để rồi chìm đi trong những chùm lửa đạn... Đoàn thương binh năm người đêm ấy chỉ còn Quá trở về.
- Địch càn vào bệnh xá.
Bảy Hường đang đi đào củ, hầm chỉ còn Lựu và Tư Quang. Lựu nằm liệt trên võng. Mấy thương binh còn lê đi được đã bám theo đoàn cáng thương. Có cậu vừa chống nạng vừa tập tễnh, cắn răng mà bước. Không đi thì chết. Người cõng, người khiêng cáng, dìu nhau chạy qua các cụm cây thưa, trên thì máy bay, dưới thì đạn. Lệnh của bệnh viện: Ai bám theo được đoàn thì đi. Chỉ khiêng thương binh nặng. Nhưng thương binh nặng cũng không đù người cõng, chưa nói đến khiêng. Thứ nào thuốc, thứ nào dụng cụ y tế, thứ nào gạo, củ, cho thương binh, cán bộ công nhân viên lấy đâu cho đủ. Bác sĩ viện trưởng cũng cõng thương binh chạy, cả đến thương binh nhẹ cũng phải cõng thương binh nặng.
Tiếng máy bay ầm ào trên đầu, lớp khói trái mù, lớp khói hòa tiễn bịt bùng phía. Anh em đi hết rồi, chì còn Lựu và Tư Quang trong hầm. Tư Quang ra đi thi thật nhẹ. Anh chỉ cần bám theo đoàn tải thương, chống nạng mà đi. Nếu gặp địch thì còn súng, còn đạn...
- Nhưng Lựu nằm đó! Anh đến bên võng:
- Lựu à, bây giờ tính sao?
Lựu mở mắt, nhìn quanh rồi nhìn Tư Quang lúc đó đã tay bồng tay súng:
- Anh cứ đi đi, nếu còn, để lại cho tôi trái lựu đạn.
Nói vậy rồi nhìn ra ngoài hỏi tiếp:
- Đây ra chỗ vệ binh xa không?
Tư Quang:
- Khoảng 300 mét.
- Sao súng nổ gần vậy?
Tư Quang đứng im. Đã nghe súng nhỏ nổ ở bìa trảng tiểu đội vệ binh bắt đầu đυ.ng địch.
Lựu lại giục:
- Anh Tư, đi đi.
Trông thằng Lựu thật tội, hắn cứ nằm yên trên võng, tay cầm trái lựu đạn. Anh nhắm mắt một lúc rồi lại mở mắt ra nhìn Tư Quang:
- Anh chưa đi à? Đi đi kẻo muộn. Ra ngoài đó có gặp cô Bảy cho tôi gửi lời thăm. Tội nghiệp, một thân một mình đi đào củ. Kẹt ngoài đó rồi không biết làm sao! Mấy hôm nay không có cô ấy đi đào củ thì anh em mình chết rồi. Sống đến bữa nay cũng là quá lắm!...
Lựu nói tỉnh bơ. Anh nằm đó sẵn sàng chờ cái chết. Trông anh lúc này thật bình thản.
Ai mà đi được cho đành! Còn súng, còn lựu đạn, thôi, mình ráng chờ thêm chút nữa. Nghĩ vậy Tư Quang nói với Lựu:
- Chờ lát nữa có người vể, tôi đi với anh một thể.
- Tụi nó sắp vào rồi, anh đừng chờ, chết thêm một người vô ích.
Tư Quang đã quyết ở lại, nhưng vẫn nói để Lựu yên tâm.
- Tụi nó đánh cho thủng được tiểu đội vệ binh còn lâu. Anh cứ yên trí.
Lựu biết Tư Quang nói để động viên mình, nhưng mệt quá, nhắm mắt, không cãi nữa.
Các đoàn thương binh lần lượt đi qua hầm. Bây giờ thỉ không thấy người cáng thương quay về nữa, không biết vì đã hết thương binh hay kẹt đường vào. Ngoài kia, chỉ còn tiếng súng điểm xạ của tiểu đội vệ binh. Còn đây, chung quanh cái hầm trơ trọi độc có hai người, chỉ thấy mờ mịt khói đạn. Sự cô độc ở trong một trận địa thật là đáng sợ. Một lúc, tiếng súng ngoài tiểu đội vệ binh lặng câm.
Lựu mở mắt ra:
- Chuẩn bị đi anh Tư! Anh đỡ tôi xuống đất một chút. Nó sắp vào rồi đó.
Tư Quang đỡ Lựu xuống đất.
- Được rồi, anh đi đi, để thêm cho tôi quả lựu đạn, vậy là đủ.
Chính giữa lúc Tư Quang đang vô cùng bối rối đó, thi Bảy Hường bươn bả chạy về, vứt bồng củ xuống giữa hầm, mặt tái mét, nói không ra hơi:
- Trời ơi, may quá, anh mà có làm sao em chết, các anh đi hết rồi hả?
Anh Tư cuộn giùm em cái võng. Nhanh lên.
Vừa nói, cô vừa qùy xuống, đỡ Lựu lên lưng:
- Nó vào a vệ binh rồi, vòng sang phía a 3 mà đi. Anh đi được không anh Tư... Thôi vứt bồng củ đi, anh cầm hộ em cái chét. Vậy được rồi.
Lựu bỏ hai trái lựu đạn lăn long lóc giữa hầm. Hắn ta khóc như một đứa trẻ. Bảy Hường cười:
- Nín đi chớ anh Lựu, em không khóc thì thôi chớ sao anh, lại khóc...
Ra khỏi hầm 300 mét thì tụi Mỹ tràn vô. Gần thằng địch sợ thật, nhưng lại dễ luồn, không có bom pháo. Ba người dìu nhau vừa trông chừng vừa lẩn ra phía bìa trảng.
Cõng Lựu trên lưng, tay vẫn xách súng, Bảy Hường thở muốn đứt hơi, mặt cắt không ra hột máu. Biết vậy mà Tư Quang đành chịu. Anh cũng một khẩu súng, một cái bổng chân đi khập khà khập khiễng.
Mãi cho đến lúc Lựu kêu mệt, và phát hiện ra anh bị choáng, Bảy Hường hoảng hốt đặt anh xuống và nói với Tư Quang:
- Ra đây, anh có thể đi một mình được rồi, cứ vòng theo bìa trảng, sang gặp con đường mòn thì rẽ vào A.69, các anh đang tập trung sang đó.
Tư Quang đi lên trước. Ai ngờ chỉ khoảng dăm bảy phút sau đó phía sau có tiếng súng nổ. Bọn địch nào phục ở bìa trảng cắt vào chắc vô tình đã phát hiện ra hai người giữa lúc Lựu đang bị choáng. Chẳng cần phải phán đoán lâu, anh cũng biết Bảy Hường đang bắn trả từng phát một. Đạn của cô giỏi lắm thì còn được mười lăm viên trong băng. Đến lúc nghe tiếng lựu đạn nổ, Tư Quang biết vậy là hết.
Đi không dứt, nhưng trở lại thì chẳng có ích gì, chỉ nộp thêm cho chúng nó một mạng người, mà không chừng lại làm phiền cho Bảy Hường nếu cô đang tìm đường rút lui.
Mãi đến lúc không nghe tiếng súng nữa, anh mới đứng dậy tập tễnh trở về nơi sơ tán của bệnh xá. Chờ đến chiểu, rồi ngày hôm sau, rồi ngày hôm sau nữa, chăng có ai trở về. Bệnh xá còn trăm công nghìn việc, còn bao nhiêu thương binh chưa đưa đi, bao nhiêu người kẹt trong đó không biêt sống hay chết, đến rau, củ, thương binh cũng phải tự nấu lấy mà ăn. Nơi nào tụi Mỹ cũng đổ quân, nơi nào cũng nghe tiếng súng. Đêm pháo sáng đầy trời, ngày trực thăng rà sát ngọn cây. Mới hai hôm, bò ra khỏi cứ đã thấy cả một khu rừng trắng bóc. Tụi nó lại chuẩn bị càn vào khu còn có cây xanh. Xe tăng, máy ủi đã xếp hàng chờ sẵn.
Bệnh xá lại tiếp tục di chuyển, anh em nào lê lết đi được chỉ mong gặp người đơn vị để trở về.
Tư Quang vẫn mang theo cái chét đào củ của Bảy Hường và cái võng của Lựu. Cứ mỗi lần cầm cái chét anh lại nhớ cô gái, nhớ từ miệng cười, đôi mằt, ừ thì một chiến sĩ chiến đấu hy sinh chẳng sao, đằng này một cô con gái.
Về bệnh xá, anh em đói, Bảy Hường đi hái lá rừng, đào củ bằng hai bàn tay. Lúc đầu, cô lấy tay bới đất không được, sau bẻ cây, rồi mượn dao găm thương binh, đào xong lại bới, cả buổi về được vài ba củ mài bé xíu, phồng rộp cả da tay. Hôm ra giếng múc nước, có thương binh trông thấy cô gái vừa cầm dây gàu kéo vừa khóc, hỏi ra mới biết hai lòng bàn tay cua cô trầy da đỏ lựng. Họ kéo nhau lên viện, xin cho cô một cái chét cùn mòn đến gần cán. Ở đây một cái chét rất quý. Phải chia cho cô gái cái chét cũ đó là một sự hy sinh lớn của bệnh viện.
Được cái chét, Bảy Hường vui như người được của. Cứ buổi sáng, làm thuốc xong, cô ngồi chờ cho đứng buổi, đoán chừng tụi nó không đi nữa, lại xách bồng ra rừng. Bảy Hường đi có hôm tôi mịt mới về, đổ một bồng củ lăn lóc dưới hầm, lại đi rửa rau, luộc củ. Thấy cô về, anh nào cũng gọi, anh thì kêu đau, anh thì kêu đói. Mỗi ngày, anh nào cũng phải làm nũng Bảy Hường được một lần, chờ cô chia cho một nụ cười, một lời trách, một lời an ủi động viên. Không có vậy họ cảm thấy như mình mất phần trong ngày hôm đó. Ở cái bệnh viện giữa vùng ven, dưới bom pháo, luôn luôn phấp phỏng chạy càn, luôn luôn nghĩ đến miếng ăn, chẳng có một ai động viên thăm hỏi. Không có quà cáp, thì
đến một trái cây xanh trong rừng về cũng trở thành miếng ngon vật lạ. Những món quà đó Bảy Hường chỉ đành cho những anh em bệnh nặng. Những người bệnh nặng muốn được Bảy Hường săn sóc đã đành, những người tương đối khỏe cũng muốn được Bảy Hường nhờ vả.
- Anh Tư nhặt hộ em mớ rau.
- Em đi đào củ, chốc nhờ anh Tư bón hộ em thìa cháo cho anh Lựu.
Thấy Bảy Hường vứt bồng củ xuống, anh em thương binh đi được tập tễnh vây quanh.
Vậy mà bây giờ, hầu hết số anh em được Bảy Hường săn sóc, động viên, hoặc nhờ vả còn ngồi đó cả. Chỉ riêng Bày Hường và Lựu không về. Họ hỏi Tư Quang đến hàng trăm lần:
- Anh có biết tụi nó cắt từ hướng nào vào không?
Rồi họ lại hy vọng:
- Bảy Hường sao chưa về nhỉ?
Nhưng về làm sao? Đã nổ súng, đã ném lựu đạn. Thằng Lựu nằm đó. Đời nào Bảy Hường bỏ thương binh mà đi. Họ vẫn cứ ước mong điều họ muốn mà không muốn nhìn vào điều họ đã thấy: Bảy Hường không về nữa. Bảy Hường đã hy sinh!
Cuối tháng tám trời đổ mưa ào ào. Nước sông Sài Gòn dâng lên mênh mông. Ngồi trong cứ d Bảy nhìn ra, chỉ thấy trời đất mù mịt. Những mái nhà tôn trong ấp 3 cũng lẫn vào trong màn mưa. Xa xa chỉ cồn trông thấy vệt xanh mờ của hàng cây tiếp với bờ sông tráng xóa.
Mấy hôm nay yên tĩnh, chỉ có những viên đạn đại bác nổ trong mưa lóe trắng, và tiếng phản lực bay trong mưa.
Con chó Đớp của ông Thêm không chạy đi đâu được, đành trèo lên võng nằm. Nó không dám rên ư ử vì nó biết, không được rên, không được sủa. Từ hôm đưa con chó về, ông Thêm lấy miếng vải Mỹ xé từ cái bao đựng cát ra, làm cho nó một cái võng. Tối ngủ nó cũng leo lên võng nằm. Nó Thích ăn thịt nướng, vì hễ bắt được con gì, từ con rắn cho đến con cào cào, ông Thêm cũng nướng cho nó ăn.
- Anh em bảo: Để nó lộ bí mật, thịt đi.
Nó mới lớn hơn cái cổ chân một chút. Thế mà bao nhiêu đứa nhìn ngó. Đói mà!
- Lộ bí mật cái gì, nó bằng con cheo cheo chứ mấy? ăn uống thì toàn rắn rết, cóc nhái, nó ăn gì phần tụi bay. Nghe pháo thì nó chạy xuống hầm. Qua sông thì nó bơi. Mất gì tụi bay mà nay dọa làm thịt, mai dọa làm thịt.
Mà cũng lạ, con chó không hề sủa, không hề kêu, nó chỉ vẫy đuôi và nhảy chồm hai chân trước, hoặc chỉ khẽ ư ử để biểu hiện sự vui mừng. Pháo bắn, nó chạy vào một góc hầm nằm bẹp xuống, cụp đuôi, cụp tai, run lên bần bật. Ông Thêm chỉ chê nó cố một điểm hơi kém dũng cảm ấy. Nghe tiếng máy bay, nó chui ngay vào chỗ kín. Nhìn thấy người đi ra, nó mới theo ra.
Còn bơi thì nó chưa bơi được xa. Hôm qua Suối, ông Thêm thả xuống nước, bơi được chừng 50 mét, cu cậu hốt hoảng quay trở lại, trèo lên bồng ông Thêm ngồi.
Thắng ngủ dậy, vươn vai ngáp dài một cái. Anh quay sang nghịch với con Đớp. Con Đớp nằm trên võng, đưa hai chân trước khều khều bàn tay Thắng. Thắng lấy một cái que ném vào góc hầm. Con Đớp liền nhảy xuống, chạy đến ngậm mang về:
- Giỏi, để tao huấn luyện cho vào ấp, được đây... ôi, giá chi mình bằng con chó thì đi đâu cũng lọt.
Ông Thêm:
- Sao, đêm qua thế nào?
- Cả một đêm được năm lít gạo đó thủ trưởng ạ.
- Lại vào nhà cô Tạng à.
Ông Thêm ngồi lặng đi. Còn Thắng cũng không nói thêm.
Đêm qua, Thắng dẫn một tổ 3 người vào ấp, về đến đây thì vứt bồng lăn ra ngủ, ông Thêm cũng chưa kịp hỏi han tình hình. Mới có mấy hôm mà chúng nó làm ráo riết quá. Tập trung hết dân ấp 4 lên chung quanh đồn và bây giờ đang tập trung ấp 3. Vào nhà dân, không ai dám mở cửa. Nó gài trái đến nỗi chó mèo đi cũng đạp... Riêng chuyện đột ấp, chỉ trong mười ngày cả tiểu đoàn hy sinh một, bị thương hai mà chẳng được hạt gạo nào...
Đêm qua. Thắng phải bò mãi chung quanh bờ tre ấp 3, cuối cùng vào được nhà bà Sáu. Đến trước sân rồi Thắng vẫn còn ngờ ngợ vì nhà lớn của bà đã dỡ hết, chỉ còn cái nhà con trông như cái bếp. Thắng đi một vòng quanh nhà, thấy trong nhà có đèn và rõ ràng còn nghe tiếng nói, vậy mà khi gõ cửa thì đèn tắt phụt, trong nhà im re. Thắng không dám gọi vì sợ chung quanh có lính, anh đưa tay mò xem có mìn không rồi cạy cửa. Đến nước này thì chỉ còn liều! Trong nhà tối om, Thắng bò đến bên giường, nắm chân bà Sáu lắc lắc và nói thầm:
- Con đây mà, bộ đội Mười sáu đây mà.
Bà già vẫn nằm im. Nếu đó là con Tạng thì nó đã nhận ra tiếng Thằng rồi. Túng quá, anh đành rút cái dép cao su buộc ở lưng ra, rồi cầm tay bà Sáu đặt vào quai dép: con là lính ông Ba Kiên đây mà, đơn vị hết gạo ăn từ mấy hôm nay, thím còn gạo để lại cho chúng con một ít.
Đến lúc đó, bà già mới ngồi đậy, hỏi thầm:
- Tụi bay ăn cơm chưa?
- Có hột nào đâu thím.
- Lính nó ở cách đây có ba nhà thôi, đáng lẽ như mọi hôm, tao phải nấu cơm cho bụi bay ăn, nhưng nay thì nấu không được mà cũng chẳng còn gạo để nấu. Hồi chiều còn ít cơm nguội đây, tụi bay ăn tạm.
Nói rồi bà Sáu đứng dậy, mò mâm sờ tìm trong chạn thức ăn, bưng ra một cái niêu to hơn quả bưởi một chút. Ba người cạy cơm ra, được mỗi người lưng bát. ngồi ăn với muối tiêu. Vậy mà nuốt vào đến đâu, thấy mát bụng đến đó.
Ăn xong, Thắng lại hỏi mua gạo. Ba Sáu thở dài:
- Gạo tao chẳng còn hạt nào. Đến bữa, mỗi nhà mang một cái nồi đến, nó đong gạo rồi đổ nước vào. Về ăn bữa nào hết bữa ấy.
Thắng buồn quá đã định ra về, nhưng lại gặng hỏi thêm một lần nữa:
- Vậy nhà thím có còn cái gì ăn được không? Chẳng lẽ chúng con vào đến đây mà lại phải về không thì buồn quá.
Bà Sáu quay lại nói thầm phía sau lưng và Thắng mới biết còn một bà già nữa nằm trên giường. Hai bà thì thầm với nhau một lúc, bà Sáu quay lai:
- Tụi bay ra ngoài cái nhà bỏ trước mặt ngồi đó chờ. Chị Năm về lấy gạo cho. Giờ về sau các con đừng vào đây nữa. Lính nó nằm phục đầy ấp. Nó gài trái chó mèo đi cũng đυ.ng. Má thương các con lắm, nhưng các con cứ đi vầy rồi có hôm đạp mìn, đυ.ng lính chết mất. Ráng mà chịu ít nữa rồi mấy cây củ báng ngoài rẫy tốt lên, tụi bay nhổ về mà ăn.
Chẳng thấy Tạng đâu, Thắng đành phải hỏi:
- Cô Tạng đi đâu hả thím?
Nghe nói đến con Tạng, bà Sáu sụt sịt:
- Khổ thân con nhỏ, nó cứ đòi đi bộ đội hoài mà ông Sáu không cho đi. Để đến bây giờ tụi nó gọi lên quận, lên đó rồi một thân một mình con gái.
Thắng chẳng biết nói sao, nghe bà Sáu khóc một lúc rồi ra nhà bỏ ngồi chờ. Bà Năm ra sau bờ tre bới lên một cái thùng sắt. Tất cả được năm lít gạo. Thắng trả tiền, bà không lấy...
Ông Thêm đang ngồi nói chuyện với Thắng thì Lâu chạy xồng xộc vào hầm:
- ông Dũng hy sinh rồi.
- Tin đâu vậy.
- Liên lạc trung đoàn về dưới xê Ba sáng nay. Thằng Tuấn viết thư báo cáo tình hình cho anh đây.
Thêm mở tờ giấy gấp tư ướt nhòe nhoẹt. Chữ viết bằng bút bi dày đặc cả hai mặt. Vừa đọc, tay ông Thêm vừa run run. Lâu và Thắng thì ngồi lặng ngắt.
Con Đớp thấy mọi người không chú ý đến nó nữa, trèo lên võng nằm. Ông Thêm đọc xong một lần, lại lật lại đọc một lần nữa, trao lá thư cho Thắng rồi quay sang nói với Lâu.
- Cậu cho gọi đồng chí liên lạc sang ta nghe tình hình trên ấy một chút rồi gọi cậu An sang hội ý.
Giữa lúc mọi người đang ngồi im lặng, nghĩ về ông Dũng thì liên lạc dẫn ông Sáu Dần và một cán bộ địa phương đến.
- Giới thiệu với các đồng chí, anh Tư bên quận đội sang bắt liên lạc với trung đoàn.
Ông Thêm mời hai người ngồi. Thắng và Lâu dịch vào trong góc và kéo dài tấm ni lông ra.
Ông Sáu Dần nhìn ông Thêm rồi lại nhìn Lâu. Rõ ràng họ đang có chuyện gì không vui. Bắt liên lạc được với địa phương là chuyện rất mừng. Ông Thêm lại là người xởi lởi vui vẻ, vậy mà hôm nay ông cứ trả lời câu một... Hay là ông Thêm đã biết chuyện ông Ba Kiên hy sinh. Sang sông, ông Sáu đi về phía Trảng Bàng tìm liên lạc được với 82, rồi trở về chỗ ông Hai Trụ tìm ông Ba Kiên thì ông đã hy sinh.
Anh Tư, cán bộ bên quận đội Trảng Bàng sang bắt liên lạc với Củ Chi, đang muốn gặp ông Ba Kiên, nghe tin vậy.
Rủ ông Sáu bơi sông sang đây. Biết rằng tin ông Ba Kiên hy sinh sẽ làm cán bộ trung đoàn lo buồn, nên ông định từ từ rồi hãy nói. Vậy mà sao bây giờ họ lại biết trước ông. Ai về bên này? Thằng Thị còn nhắn với ông về báo cáo tình hình cho ông Thêm và chuẩn bị cho bộ đội sang sông lấy gạo mà...
- Chắc là các chú hay tin...
- Vâng, chúng tôi có tin buồn, đồng chí chính ủy chúng tôi vừa mới hy sinh, chúng nó đang càn lên trên khu vực Ván Tám, Long Nguyên.
Thì ra vậy, cái tin thật bất ngờ đối với ông Sáu.
Bây giờ lại nói thêm cái tin ông Ba Kiên hy sinh nữa thì quả là một điều đau đớn cho trung đoàn, nhưng rồi cũng phai cho họ hay:
- Ai đưa tin về đây vậy?
- Liên lạc trung đoàn mới xuống... Trên Long Nguyên d Chín mới đánh một trận tiêu diệt được chục xe tăng...
Ông Thêm ngừng lại nửa chừng, chợt nhớ ra việc Thắng nói: Tụi nó bắt con Tạng, con ông Sáu Dần lên quận. Biết việc này chắc ông Sáu phải buồn lắm. Mình đã khuyên ông nên cho con Tạng thoát ly, ông không nghe. Bây giờ mình nói ra, chắc ông sẽ buồn nhưng biết sao rồi cũng phải cho ông ấy hay...
Đồng chí cán bộ quận đội Trảng Bàng định sang đây bàn với trung đoàn nhiều việc. Từ hôm bị đánh, chạy đứt liên lạc mỗi người một ngả, hôm nay, ông lại mới đến được đây. Từ trung đoàn bắt mối với các đơn vị khác, rồi bàn về việc trung đoàn sang sông hoạt động bên đó như thế nào. Nhưng bây giờ cái tin chính ủy trung đoàn và trung đoàn trưởng hy sinh một lúc đến với họ, họ còn lòng dạ nào nói chuyện nữa. Hãy chờ một lúc. Nghĩ vậy, đồng chí cán bộ quận đội cùng ngồi im không nói năng gì.
Thấy mọi người lặng lẽ, ông Thêm quay lại phía Thắng gợi chuyện:
- Giới thiệu với các anh đây là đông chí Thắng, đại đội trưởng xê Hai. Tối qua đồng chí vừa đột vào trong ấp 3 được một số tình hình trong đó.
Ông Sáu Dần nghe vậy, hỏi luôn:
- Vậy em có ghé vô nhà qua không, có gặp bà Sáu không? Biết có bộ đội vào mà theo về thì hay quá.
- Cháu có vào nhà thím, nhà lớn chúng nó đã bắt dỡ vào trong đồn, nay còn cái nhà nhỏ.
- Rồi sao nữa?
- Còn con Tạng...
- Con Tạng sao?
- Tụi nó gọi lên quận, không biết để làm gì, nghe đâu nó bảo đưa đi cải tạo... học tập chi đó.
Thắng biết không giấu được, đành kể lại chuyện trong ấp. Ông Sáu chẳng hỏi lại một câu nào. Vậy là ông về đây chậm quá. Hôm ra đi, ông đã nghĩ lại. Gia đình ông là gia đình cách mạng, con Tạng bị nó theo dõi, không cách chi hoạt động được. Ở lại trong đó chỉ để nó làʍ t̠ìиɦ làm tội. Ông chưa kịp nói lại với nó thì đã xảy ra cơ sự này.
Thắng nói về tình hình trong ấp, nhưng ông nghe loáng thoáng câu được câu mất. Mãi một lúc sau, ông mới thở dài:
- Tao định về đây sửa chữa thiếu sót của tao, vậy là không kịp rồi, khổ thân con nhỏ. Nó cứ đòi đi bộ đội Mười Sáu hoài. Trời đất ơi... Đến bây giờ tao mới nghĩ ra tao là thằng ngu. Chỉ tại tao phong kiến quá. Tạng ơi! Tía có lỗi với con rồi, Tạng à. Anh Thêm, biết chi hôm rồi tôi nghe lời anh...
Ông Sáu nhắm mát lại, ngả đầu vào vách hầm, rêи ɾỉ:
- Khổ thân con gái tía... khổ thân con gái tía...
Ông Thêm an ủi:
- Thôi anh Sáu đừng quá lo buồn, có khi nó gọi lên dăm bảy ngày rồi lại thả.
- Tôi biết âm mưu tụi nó, nó làm nhục con tôi, nó làm nhục con tôi.
Ông Thêm bỗng nghĩ đến Út Lích, lúc sáng ông đã định hỏi Thắng xem có biết gì về cô út không, nhưng thấy không tiện, lại thôi. Bây giờ thấy ông Sáu tự dằn vặt về việc con Tạng, ông Thêm lại thấy bồn chồn trong bụng.
- Tụi nó thâm độc lắm anh Thêm ạ. Hết tụi dân vệ, bảo an, đến tụi bình định, tui biết, suốt ngày lui tới nhà tôi. Chúng nó treo giải thưởng cho đứa nào lấy được vợ con cán bộ... Con Tạng nó còn nhỏ qua, khờ quá...
Út Lích cũng vậy thôi, suốt ngày tụi nó đến nhà. Con Tạng còn có bà Sáu, có gì bà che chở, chứ còn út Lích thì một thân một mình, giá chi hôm đó, ông Thêm cứ mạnh dạn nói thêm chút nữa, cô út sẽ nghe ông. Phải rồi, ông giữ ý quá...
Trong khi ông Sáu đang rêи ɾỉ về số phân cô con gái và ông Thêm đang lựa lời an ủi ông, thì đồng chí cán bộ quận đội quay sang hỏi nhỏ Lâu:
- Các đồng chí biết tin về anh Ba rồi chứ?
- Tin gì?
- Tôi tưởng các anh biết rồi, anh Ba hôm sang sông bị pháo, đưa về chỗ chú Hai Trụ...
Cả Thắng và ông Thêm đều nhổm dậy và mặc đầu đã nghe rất rõ ràng mấy chữ “sau đó hy sinh”, họ vẫn không tin vào lỗ tai mình:
- Anh Tư nói chú Ba hy sinh rồi à?
- Dạ, ảnh hy sinh rồi, chú Sáu đây cũng biết.
Ông Thêm đứng đây:
- Lâu thu xếp chỗ nghĩ cho hai anh. Chút nữa ta bàn công việc.
Ông Thêm vào trong hầm ngã vật xuống trên võng.