- Qua coi đồng tiền bằng cái rác. Sống với nhau, lấy cái nghĩa cái tình làm qúy. Đã xông pha hòn tên mũi đạn thì sống chết phải có nhau, thằng nào ra trận chạy, bắn bỏ... Còn về đến đây rồi, thì xả láng. Nào cụng ly... Năm Sứt... Đòi chiến binh da ngựa bọc thây mà. Ngày mai, cốc em có rót chén rượu lên mồ qua, thì các em nhớ cho vầy đó: thằng Hai Rớt sống hết, chết bỏ. Nào… Năm Sứt... ngoặc không? Tao chết trước thì tao giao vợ lại cho mày. Mày chết trước, mày giao vợ lại cho tao...
- Ha ha...
- Hố hố...
- Ông Năm Sứt chết buổi sáng, buổi chiều bà vợ ổng đi làm sở Mỹ, xơ múi chi anh Hai.
- Giao ước rồi thì phải thực hiện chớ. Nào đồng ý không? Ngoặc tay... được, vậy là xong, nào cụng ly nữa..., Khà...
Bọn lính biệt động nhậu trong nhà Út Lích. Tụi nó đi phục ở dưới sông sáng nay mới về. Đêm qua, dưới đó đυ.ng độ. Súng nổ đỏ rực cả một góc trời. Không biết tình hình thế nào, mới bừng mắt, một đoàn ướt như chuột, nhem nhuốc, kéo về nhà Út Lích lăn ra nằm ngủ rồi đến bây giờ, thức dậy, chúng nó rủ nhạu nhậu nhẹt. Thằng Hai Rớt đại đội trưởng, được bọn đàn em trong tiểu đội Năm Sứt bao...
- Nghe nói lại có đoàn bình định sắp về hả anh Hai?
- Nó về thì mặc mẹ nó. Mấy cái thằng chiêu hồi ấy rặt một bọn ăn hại, chỉ được việc rửa đít cho trẻ con và o mèo. Mẹ kiếp. Thằng phía sau lại có quyền hơn thằng đứng chịu hòn tên mũi đạn phía trước là cái lý gì? Tụi bay cứ biết oánh nhau là oánh nhau. Sinh ra làm thằng lính mà. Đời lính oánh nhau chết bỏ. Ra trận thì các em phải nghe lệnh qua. Còn về nhà thì...
- Thì nhậu chết bỏ chớ anh Hai?
- Nhậu chết bỏ...
Năm Sứt nói rồi bấm vào Hai Rớt, nháy mắt về Út Lích, lúc đó đang ngồi sàng gạo dưới bếp...
Thằng Hai Rớt tợp một ngụm rượu, cười tít mắt:
- Cái món ấy thì qua không cấm, trừ ấp chiến lược ra, thì những vùng “tím” vùng “đỏ”, xả láng tuốt, tha hồ 2 em tung hoành.
- Ấp chiến lược này là đất của anh Hai mà...
- Còn có đoàn bình định sắp về...
- Tao cấm, tao cấm tụi bay không được xun xoe với tụi bình định. Bình định cái gì, tụi tâm lý chiến chỉ được cái miệng, bọn nói láo, bọn bốc phét. Ai đuổi Việt cộng ra khỏi cái ấp 3 này cho chúng nó đến bình định? Việt cộng vào đây nó có cầm súng mà oánh nhau không? Rồi ai sẽ là người bảo vệ cho bà con ở đây. Tụi ta đánh nhau cho tụi nó tán gái đâu được... Bây giờ quốc gia lại coi trọng tụi chiêu hồi, các em thấy có nhục không? Sống ở đời này, mạnh được yếu thua. Các em đừng có xun xoe vối chúng nó. Qua đã trải qua hai thời chiến tranh, qua hiểu chứ. Khẩu súng là mạnh nhất... Ha... Ha...
- Nghe nói anh Hai trước kia cũng là du kích hả anh Hai?
-Hai Rớt đấm vào cái ngực phanh trần có chạm con rồng xanh và đầy lông lá:
- Du kích kháng Pháp chánh hiệu. Hồi chín năm, đánh tàu “Hô-bo” trên sông Sài Gòn là Hai Rớt này chớ ai. Thằng cha Sáu Dần hồi đó cũng ở du kích với qua. Vậy mà rồi bây giờ mỗi người một chí hướng. Nó gặp qua nó cho qua một viên đạn. Còn qua mà bắt được nó, qua vằm thịt cho vịt qua ăn. Các em có biết qua đi theo ông Diệm để làm cái gì không? Cái hận đời phải trả các em ạ! ở đời này, thằng nào có quyền, thằng nào có chức, thằng ấy mạnh, thằng nào có súng, thằng ấy không sợ. Qua có súng… ha … ha.
Bọn đàn em cứ rót, Hai Rớt cứ uống. Hắn say mềm, cầm hai cái ly đứng đậy đi về phía Út Lích:
- Nào cô út, cô cụng ly với anh đi... Cô không cụng ly à... ờ thì anh cụng ly với anh vậy
Nó cụng hai cái ly vào nhau rồi đổ tất cả rượu vào họng.
- Được rồi, các anh xông pha hòn mũi đạn cũng vì các em đó thôi. Em quay lưng lại thì rồi đừng trách các anh là bạc tình bạc ngãi. Mai mốt bọn bình nó có gọi em lên đồn thì... ha ha...
Con Miền quàng tay lên cổ và đeo vào lưng chị nó, ghé tai Út Lích thầm thì:
-Con chán lắm má Út ơi, má con ta sang thím Sáu đi.
- Má còn phải làm gạo.
- Con đi một mình vậy.
- Út Lích giữ lấy tay em:
- Ở nhà với má, cưng. Cưng mà đi các ông quốc gia bắt má lên đồn ạ...
- Con Miền quay lại nhìn thằng Hai Rớt chằm chằm. Hôm rồi, nó nghe thím Sáu Dần nói:
- Con gái đứa nào vô phước mà bị gọi lên đồn là không thoát khỏi tay thằng Hai Rớt. Thằng ấy nó gϊếŧ nhiều người ta. Nó dọa bắt chú Sáu Dần băm thịt cho vịt nhà nó ăn. Nó nhắn lời với thím Sáu như vậy. Cái ngón tay to như quả chuối hột ấy mà cầm dao băm thịt chú Sáu Dần thì ghê quá. Lạy trời, chú Sáu đừng để nó bắt. Gặp nó, cho một phát Chú Sáu có súng mà... Con Miền càng nhìn Hai Rớt càng thấy sợ, nó uống rươu vào mặt tái mét, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương.
- Này cưng, cưng nhìn chi bố dượng cưng dữ vậy? Hay là cưng không ưa bố dượng này. Thôi mà, trước lạ sau quen, đến đây con, nào... nào...
Con Miền ôm riết lấy cổ chị nó, Út Lích đành phải bỏ sàng gạo đứng dậy đi ra.
- Ha ha...
- Hố hố...
- Trông bộ ngon đó anh Hai.
- Gái một con trông mòn con mắt mà...
Hai Rớt cất giọng rè rè:
- “Em ơi, cũng “gì" tổ quốc gian nan mà anh phải bầm lá gan tạm biệt con bạn chung... hơ... ờ tình.
Kiếp nam nhi dầu góc biển đầu gành
Chinh chiến dọc ngang nhọc nhằn đâu sá
Chỉ thương em ở lại nhà chịu cảnh liễu úa tàn phai, hơ... ơ...
- Anh Hai ca mùi quá.
Tiếng vỗ tay rốp rốp. Đứa gõ bát, đứa đánh đàn mồm ầm!
Sang đến nhà thím Sáu, Út Lích thấy con Tạng đang ngồi khóc rấm rứt. Thím Sáu cằn nhằn:
- Tao đã bảo mà, đã đi thì đi cho luôn, đi rồi lại về.
- Thì con đã nói với tía...
- Lại còn con út này nữa. Tụi lính nó nhậu nhẹt bên nhà mày hả út?
- Dạ!
Con Miền trợn mắt, dẩu môi:
- Thằng Hai Rớt bển.
- Rồi khốn khổ cho tụi bay thôi út à. Bữa qua thằng ấp trưởng đến đây...
- Chi vậy?
- Nó bảo con Tạng phải lên quận đi học tập. Tao nói: Đi đâu hai mẹ con tui cùng đi. Hắn nói: trên người ta gọi có mình nó... Cung cách này thì khó thoát lắm. Thôi tụi bay à. không chi kiếm thằng lính quốc gia nào hiền hiền mà lấy quách đi cho rồi.
- Thím thì...
- Thì cái gì. Tao đã bảo ông Sáu cho con Tạng nó đi, ông không nghe, ông cứ bảo là tù thì tù, ở nhà mà “hai chân ba mũi"... Còn cái thân mày nữa, mày cùng phải lo sao chớ út. Tao nghe nói tụi bình định về rồi đó.
- Hay là con làm lẽ quách thằng Hai Rớt?
- Chẳng phải đùa, rồi có khi thật ạ.
- Má Út nói bậy.
Con Miền lấy tay đánh chị nó túi bụi. Út Lích vừa giơ bàn tay ra đỡ vừa cười khích khích. Con út tuồng như chả lo gì cả. Bà Sáu nghĩ vậy, mình thì đứt ruột đứt gan. Mới về có mấy ngày vậy mà nay tụi nó đánh tiếng, mai tụi nó đánh tiếng hỏi con Tạng. Đêm đi qua trước nhà, nó gõ cửa cạch cạch, giả giọng thằng Bảo, con trai thím đã thoát ly:
- Mở cửa cho anh vào với Tạng, anh là Bảo đây.
Bà quát ầm lên.
Vậy là chúng nó đấm nhau cười rồi kéo cả đàn chạy rật rật. Lại còn cái món nhận súng, đi tập trung dân vệ nữa.
Bà thì bà sẵn sàng ở lại đây, ít ra thì bà cũng còn làm được cái việc cung cấp tin tức cho tụi nó. Đêm đến tụi nó có vào, bà còn đong cho lon gạo. Còn bọn con gái thì như trứng treo đầu đẳng: Hỏng cả một đời như thể trở bàn tay. Vậy mà con Út vẫn cứ ngồi cười khích khích được... Tính nó như vậy mà cũng hay, khỏi lo. Xem ra nó chẳng sợ đứa nào. Nó hay nói liều, có khi lại được việc. Hôm mấy thằng lính đứng cớt nhả, nó nói:
- Tôi nói cho mấy anh biết, cái lão Hai Rớt thằng sếp của mấy anh còn chẳng nuôi nổi tôi, huống hồ cái thứ hạ sĩ mấy anh. Có chi thì tôi cũng vô sở Mỹ làm nuôi con tôi chả chới...
-Vậy là mấy thằng lính cười hô hố rồi bỏ đi.
- Út à, mày có biết tụi lính nó bảo mày thế nào không?
- Nó bảo sao hả thím?
- Sao nữa. Nó bảo mày là cái con l... sành ghe đá...
Cả nhà bật cười. Con Tạng cũng vừa lau nước mắt vừa cười. Con Miền thì xông vào đánh thím Sáu:
- Thím Sáu nói bậy, thím Sáu nói bậy... Con không chơi với thím Sáu nữa. Đi về đi má Ut.
Nó kéo tay chị nó đòi về.
Cười xong rồi Út Lích ngồi lặng thinh. Cô có muốn đùa giỡn làm gì. Mỗi khi nói đùa là mỗi khi buồn đứt từng đoạn ruột. Không có con Miền, thì đêm bị B.52, Út Lích đã ở lại trung đoàn Mười sáu. Ba cô bây giờ ở đâu? Tại sao ba chẳng tin cho con một câu một chữ, rồi khuyên con nên làm thế nào? Ba ơi, ba có biết má con mất rồi không? Ba có biết bây giờ con đang ở trong ấp chiến lược. Chẳng lẽ nay mai, ba trở về, ba lại gặp đứa con gái ba đã lấy một thằng lính ngụy. Hay rồi con gái ba đi tù... Anh bộ đội ở trung đoàn Mười sáu khuyên con gửi em mà đi thoát ly. Nhưng con làm sao bỏ em Miền đi được. Rồi nó sẽ hận con suốt đời...
... Ờ... Cái anh bộ đội (mà đáng ra cô phải gọi bằng chú ấy) có một cái gì thật ngộ. Cô chỉ muốn đùa cho anh ta phát khùng lên. Tướng ấy thì chỉ hai câu là nổi cáu. Nhưng cái đêm ấy chẳng bụng dạ đâu mà nghĩ đến những chuyện nghịch ngợm.
Ông Thêm, chú Thêm, hay anh Thêm thì đối với cô cũng vậy. Vậy là cô xưng em anh với ông. Hôm ấy rõ ràng ông Thêm chạy trốn cô. Cái ông buồn cười thật. Thì nếu như ông thương cô thât, ông tỏ thái độ cho rõ ràng đã có sao? Út Lích cười một mình: Giá mà mình còn ở Mười sáu lâu, thì nhất định mình phải làm rõ trắng đen, cho đến lúc ông Thêm phải nói đúng những điều ông đang nghĩ... Ờ mà, sao mình lại vớ vẩn vậy. Sao mình lại cứ nghĩ hoài về ông Thêm...
- Mi cười chi vậy út?
- Hôm rồi có thằng thiếu úy viết cho con lá thư.
- Thằng thiếu úy đồn phó ấy à?
- Dạ!
- Vậy rồi mày nói sao với nó?
- Con không trả lời, nhưng coi bộ cậu chàng mê con lắm. Con làm bà đồn phó thì thím coi có oách không?
- Con ranh...
Tự nhiên câu hỏi của bà Sáu Dần lại vô tình làm Út Lích nhớ sang chuyện thằng thiếu úy đồn phó.
Hắn nói là hắn đâu tú tài, sau đó vào học trường sĩ quan Đà Lạt. Coi bộ thằng đẹp trai và ăn nói có văn hóa chứ không cục cằn như thằng Hai Rớt. Hắn khinh thằng Hai Rớt ra mặt. Mà cũng có vẻ mê Út Lích thực. Hắn mê cô vì lý do gì thì Út Lích cũng không rõ, nhưng trong thư có đoạn viết: “Tôi biết rằng cô không ưa gì bọn tôi, nhưng rồi thời gian sẽ trả lời. Rồi cô sẽ hiểu ra rằng sĩ quan không phải ai cũng như thằng Hai Rớt. Tôi đến với cô bằng một sự chơn thành”. Hắn nói nghe cũng được, chỉ có điều là hắn đi lính cho ngụy. Có hôm, cô nói với hắn:
- Ông thiếu úy ạ, ông đừng dây vào tôi mà mang vạ đó, bố tôi là Việt cộng, chồng tôi cũng là Việt cộng.
Hắn nói:
- Điều đáng buồn cho người dân nước Việt Nam là vậy đó Cô Út ạ... nhưng rồi tôi cũng nghĩ là chúng ta có thể hiểu nhau hơn.
Thực tình thì thái độ và lời nói của hắn cũng làm cho Út Lích suy nghĩ, hắn không bao giờ cợt nhả với con gái, hắn không cục tính như bọn lính, hắn không nhậu nhẹt, thái độ của hắn đối với mọi người nhã nhặn, lịch thiệp. Nếu không là sĩ quan ngụy, thì hắn có thể là tiêu chuẩn lý tưởng cho những cô gái kén chồng...
- Út Lích này, những chuyện vậy mày đừng có đùa dai đùa dai rồi có ngày hối không kịp... Hay là...
- Dạ?
- Hay là mày bắt mối với nó đi...
Út Lích giật nảy mình, cô cảm thấy lạnh toát xương sống.
- Con chịu thôi... Rồi nó yêu con thật thì con làm sao?
- Tuyên truyền giác ngộ cho nó, hồi chín năm thiếu chi người yêu lính ngụy, sau vận động họ mang súng về theo ta đó.
- Thôi thím ơi, chẳng biết con giác ngộ hắn hay hắn giác ngộ con...
- Thì mày cứ thử xem.
- Con chịu.
- Má út ơi, về thôi, con không nghe chuyện nữa má, con chán lắm rồi...
Con Miền nắm tay Út Lích kéo đi.
Út Lích vế đến nhà, tụi lính đã đi hết, chén đũa tụi nó tha ra nhậu nhẹt vứt đầy một nhà.
Gần giữa mùa mưa, những trận mưa liên tiếp đổ xuống. Nước sông Sài Gòn dâng lên, hai bờ tráng mênh mông. Có nơi lòng sông rộng ra đến bảy tám trăm mét. Những bờ tre, bờ cây rù rì ngập gần tới ngọn, nổi lên như những hòn đảo xanh giữa dòng nước bạc. Các chân ruộng ở hai bên bờ cũng ngập trắng, trên mặt nước mênh mông chỉ còn sót lại những ngọn cỏ lơ thơ, đôi ba tàu chuối nước. Từ bên kia sông muốn lội qua, các chiến sĩ phải cởϊ qυầи áo đi bộ hàng trăm mét, nước ngập ngang bụng.
Đêm đêm, đứng từ xa cũng thấy xuồng máy của lính tuần chạy trên sông, kéo theo những làn sóng dài bạc trắng. Máy bay “trực thăng” từng chập, từng chập bay dọc dòng sông, soi đèn nhấp nhoáng, gặp một cụm bèo tây lềnh bểnh liền quay lại, lượn vòng, bắn vài loạt đại liên. Để nắm được tình hình hàng ngày trên sông, trong bốt đại đội Hai tiểu đoàn Bảy đặt đài quan sát trên cây cầy, dọc lộ Mười bốn. Mờ sáng và chập tối, họ trèo lên đó để xem động tĩnh từng ngày, từng đêm của địch. Buổi sáng thì xem chừng tụi trong đồn có nống ra đi càn không, buổi chiều theo dõi tụi lính đi phục, nơi chúng nó gài trái, gài mìn.
Chạng vạng chiều, Tuyên đã ra gần lộ, đích thân trèo lên đài quan sát, ngồi thu lu trên chạc ba cây cầy để theo dõi tình hình. Ông Ba Kiên đã quyết định dứt khoát sang sông, ông cũng mang bồng ra đứng đợi ở đó. Ông Thêm, Thắng (bây giờ là đại đội trưởng) cũng theo ông ra.
Ý ông Ba Kiên đã quyết. Ông đã cân nhắc kỹ, và đã giải thích cho ông Thêm nghe sự cần thiết phải sang sông.
Chỉ có ông đi thì mới trực tiếp nghiên cứu được địa hình, từ đó có thể nghi ra cách bố trí lực lượng. Việc móc nối với địa phương phải có đầu mối, phải quen thuộc địa hình, quen người, quen cơ sở. Trong lúc có một số cơ quan bị tróc, dân chay vào ấp, tình hình có muôn vàn khó khăn, người cán bộ lãnh đạo muốn được nhìn tận mắt, nghe tận tai mọi việc để rồi giải quyết. Từ trên Miền về, ông Ba Kiên đã đi vòng theo con đường bên kia sông. Qua đó, ông có thể nắm vững đường đi. Trong trường hợp có nhũng tình huống phức tạp phải xử lý (vì đây không chỉ có bộ đội với nhau, mà còn phải quan hệ với địa phương, chịu trách nhiệm với địa phương), giao cho cán bộ khác, ông cũng không yên tâm. Thằng Lâu phải để lại vì ông đang cần có cán bộ quân sự ở nhà. Nó cũng cần phải về củng cố tiểu đoàn Bảy sau khi Canh hy sinh, đưa Thị đi theo dự trù trường hợp bất trắc. Sang đó, Thị sẽ là người giúp việc cần thiết.
Đoàn ông Ba Kiên đi gồm có: Sáu Trang, Thị, Hùng và ông Ba Kiên. Ngoài ra, có ông Sáu Dần và hai cậu du kích Đồng Lớn mà Tư Quang gửi đi theo về chỗ Bảy Rỹ. Ông Thêm không muốn cho ông Ba Kiên đi, nhưng không có lý do để cãi lại, đành bàn bạc với Tuyên và Thắng lấy hai tiểu đội ra ém sát bờ sông cạnh ấp 3, cần thì nổ súng yểm trợ.
Chiều tối, một cơn dông kéo đến ào ào. Mây vẩn lên đen kịt, trời tối ập xuống. Nhìn ra phía trước, chỉ còn thấy có một con sông Sài Gòn bạc trắng. Những hạt mưa quất ngang, rơi lốp bốp, lúc đầu còn thưa, rồi mỗi lúc một mau. Gió hú trên mặt sông, xô sóng đập vào bờ, dựng lên nhũng đám bọt trắng xóa.
- Đi đi, ra đến bờ sông lặng gió thì vừa!
Thằng Hùng kêu đói, hắn vừa đi vừa run lập cập. Vậy mà chiều nay hắn là người được ưu tiên nhất trong số những người được ưu tiên. Bữa ăn riêng cho những người ra đi là một rá củ có lẫn những hạt cơm. Ông Ba Kiên ăn hai lưng bát rồi thôi, Sáu Trang cũng bỏ đũa nhường cho thằng Hùng, nó ngồi sau vét sạch mà còn thòm thèm.
Trời tối đến nỗi người đi sau không nhìn thấy người đi trước. Thằng Hùng đưa tay ra:
- Chị Sáu nắm tay em nè. Bữa nay chị lội sông giỏi rồi chớ. Đáng lẽ anh An cũng đi qua đó, mà chắc anh về không kịp.
- Suỵt, im đi, mày cứ làm như đi chợ không bằng. Thằng Hùng xuống giọng:
-Anh An về anh ấy...
Ông Ba Kiên bấm ông Sáu Dần. Tất cả ngồi thụp xuống, dù từ phía Thanh An bắn lên sống rực. Ra đến bến Ông Hai Hiệu gió đứng rồi, nhưng mưa vẫn đổ như trút nước. Đi lúc này không sợ “trực thăng”. Ông Ba Kiên giục:
- Sang sông đi Thị. Mày và thằng Hùng xem chừng con Sáu Trang. Tụi bay đi trước đi.
Họ buộc bồng sẵn rồi, chỉ việc ào xuống nước, thả trôi, mỗi người cầm một cành lá. Pháo sáng lấp lánh một vùng sông. Thị vừa bơi ra vừa quay lại nhìn. Ông Ba Kiên vẫn chưa xuống. Ông vẫn đứng nói chuyện với ông Sáu Dần:
- Sang bên kia, anh khỏi tìm bọn tôi, đi về phía rạch cầu Ngang thì chú ý, có chi ở phía trên đó tụi tui có cái cứ cũ của tiểu đoàn Tám.
Hai ông già vừa run lập cập vừa thả bồng trôi xuống nước.
Thị bơi trước một đoạn, đến Sáu Trang, đến Hùng. Họ thả nổi, bơi xuôi theo dòng nước, trông như những cụm bèo tây trôi lềnh bềnh.
Khi còn đứng bên này bờ sông trông sang, Sáu Trang nghĩ đến Đồng Lớn, nghĩ đến chị Ba, nhưng bây giờ đến giữa sông rồi, Sáu Trang mới nhớ là sẽ còn rất lâu cô mới trở lại bên này. Phân khu giao cho cô về Đồng Lớn rồi vào Trung Hòa. Từ nay trở đi, chưa biết bao giờ cô mới trở về Mười sáu.
Mới hôm qua đó, bây giờ hai người mỗi người một phía. Vừa rồi thằng Hùng nó định nói gì về An. Hồi nó nằm trên viện, Sáu Trang gửi thư cho nó. Cô không gửi thư cho An vì anh chẳng có một lời nào với cô. Chỉ một câu thôi mà không nói, không viết thư chi hết. Người chi mà lạ. Cái đêm trong hầm ngã ba bến thương binh, An hỏi Sáu Trang được một câu - Ngày mai cô lại xuống đó à? Lần này thì cô lại đi. Cô sẽ đi không tăm không tích gì nữa, cô sê không viết một dòng thư, không một lời hỏi thăm.
- Tấp vào bờ đi, ca nô đấy.
- Thằng Hùng vội đưa tay đẩy bồng Sáu Trang.
Lúc đó Thị đã lên đến bờ. Ánh đèn pha sáng rực quét vòng ở phía sau. Thằng Hùng cố sức đẩy bồng Sáu Trang đi. Giữa sông là ông Ba Kiên và ông Sáu Dần. Hai ông già vẫn nổi lềnh bềnh như hai cụm bèo tây giữa dòng sông. Hai cậu du kích lúc đó mới đẩy bồng xuống nước tít mãi bên kia bờ.
Cả Thắng và Tuyên đều ra bờ sông, ông Ba Kiên bảo về bớt một người, đề phòng nếu có xảy ra chuyện gì thì còn người chỉ huy ở nhà. Nói vậy rồi mà cả hai vẫn ở lại. Các chiến sĩ ngồi trong sình, cạnh những búi cây lúp xúp ven bờ sông. Người nào người nấy ướt sũng. Nước ngấm vào người, quần áo dính chặt vào da, càng lạnh thêm. Những anh lính mới, căng mắt ra lo lắng, quên cả mệt. Còn những anh lính cũ đã quen với những cuộc bám địch, trinh sát, thì vừa đói, vừa rét, lại thèm thuốc, ngồi run lập cập. Mưa vẫn đổ ào ào.
Tuyên nói với Thắng:
- Có lẽ đêm nay chú Ba Kiên đi đẹp đó.
Vừa nói vậy, thì đồng chí tiêu đội trưởng ngồi cạnh anh dứng bật dậy:
- Xuồng máy.
- Đúng rồi, trong tiếng mưa đổ rào rào, có tiếng động cơ. Ở đây, tai các chiến sĩ đã quen với tiếng động, nên họ nghe rất thính. Từ xa, họ vẫn phân biệt được tiếng xuồng máy, tiếng ôtô, tiếng “trực thăng”, tiếng “đầm già”, tiếng máy ủi.
Đã tưởng mưa to thì đoàn đi thuận lợi, vậy mà bây giờ không biết có động gì hay không, một chiếc ca nô từ phía Dầu Tiếng chạy về, đến ngang rạch Hố Bà Tùng thì bật đèn pha sáng rực. Ánh đèn pha xuyên ngang càng làm cho trận mưa trên sông trở nên dữ dội.
- Hay là ca nô chạy mưa trốn vào ấp 3.
Tất cả mọi người được lệnh sẵn sàng. Kế hoạch trao đổi ở nhà là: khi thật cần thiết mới nổ súng, ví dụ khi bị phục ngay trên bến, ra giữa sông gặp xuồng máy hoặc bị máy bay phát hiện quây bắn trên sông. Trong những trường hợp đó, bằng bất cứ giá nào, cũng phải đánh để làm lạc hướng sự chú ý của dịch. Còn bây giờ? Chiếc xuồng máy vẫn đang lừ lừ tiến đến. Hai cậu du kích mới bơi ra một đoạn, ướm chừng không vượt qua nổi vội vàng quay vào bờ. Ông Ba Kiên và ông Sáu Dần bơi giữa, vẫn còn lểnh bềnh trên một nước. Đã ra hơn nửa sông rồi thì chỉ còn cách bơi tới. Sát gần bên kia bờ là Thị, Hùng và Sáu Trang. Qua ánh đèn pha. Tuyên và Thắng trông thấy từng cụm lá bồng bềnh và họ biết đó là ai.
Mưa vẫn đổ ào ào. Chiếc xuồng máy vẫn chạy tới, mặt sông mỗi lúc một sáng rực. Hai cậu du kích đã vào gần tới bờ bên này. Người ngồi trên bờ đã trông thấy cái lưng trần nhấp nhô của họ.
Tuyên hỏi:
- Bắn không.
Thắng:
- Xem đã.
Anh tính toán: Hai cậu du kích vào gần bờ, ông Ba Kiên cũng bơi sang được hai phần sông rồi. Nếu chiếc ca nô cứ vậy xé đôi đội hình của họ rồi chạy qua thì hay biết bao nhiêu. Trời mưa mà! Như vậy thì chẳng việc gì mà nổ súng. Nhưng làm thế nào mà biết được sự thế rồi sẽ ra thế nào. Có thể nó phát hiện ra nhưng cũng có thể không.
Thắng đang đắn đo thì Tuyên đã cởϊ áσ:
- Để mình bơi ra, chỉ cần cho tụi nó trông thấy quay vào, các cậu chuẩn bị nổ súng.
Tuyên chưa kịp xuống nước thì ánh đèn pha bỗng lia vòng từ bên kia bờ sang bên này rồi soi thẳng vào chỗ mấy người đang đứng. Chiếc xuồng quay ngang lại xé nước thẳng vào bờ. Hai cậu du kích có lẽ vì quá hốt hoảng đạp chân té nước, bị phát hiện.
Một loạt đại liên quét vào bờ đỏ rực, đạn bay vung vãi. Hai câu du kích không còn giữ gìn gì nữa, phóng thẳng vào bờ, loáng một cái, họ đã biến mất.
Thắng nâng AK, ra lệnh:
- Bắn!
Hai tia lửa xanh lè vụt đi. Rồi những tràng đạn nhọt đan chéo nhau đỏ rực lòng sông. Biết là bắn quá vội, nhưng đành vậy. Bọn địch không kịp phản ứng, hoảng hốt quay mũi xuồng chạy lùi trở lại. Dòng sông tối đen. Cũng vừa lút đó hai cậu du kích không biết từ đâu xuất hiện, chưa kịp mặc quần áo, ôm hai cái bồng chạy ào tới.
- Bắn nữa không?
- Rút thôi.
Chỉ một phút sau, đèn dù từ trong ấp 3 lại bắn lên sáng rực. Tuyên nhổm lên nhìn sang bờ bên kia: Hai cụm lá vẫn lềnh bềnh trôi trên sông. Ít ra cũng còn chừng dăm chục mét nữa ông Ba Kiên và ông Sáu Dần mới vào đến bến.
Thắng nắm tay Tuyên:
- Chuồn đi, pháo căn đến bây giờ.
- Nhưng đoàn chưa qua hết.
- Nó đang tập trung chú ý bên này... không lo.
Ông Ba Kiên vẫn đang bơi nhích gần vào bờ.
Chiếc xuồng chạy lùi một đoạn, tắt máy, quay nòng đại liên. Cối trong đồn bắn ra, đại liên trên xuồng bắn đến, rồi từ các nơi bắn tới, lửa chớp sáng rực, quả nổ trên mặt quả nổ mặt bãi sình.
Đoàn trinh sát vừa núp, vừa chạy, vượt ra ngoài tầm pháo qua lộ Mười bốn. Đến dưới gốc cây cầy vẫn dừng làm đài quan sát, mọi người dừng lại. Thắng cho anh em về trước, nhưng không ai bảo ai, mọi người vẫn ngồi im, chờ anh trèo lên cây quan sát xem tình hình ra sao đã. Hai cậu du kích vốn ôm cái bồng run lập cập:
- Tụi em bây giờ thế nào thủ trưởng?
Tuyên không trả lời, chăm chú nhìn Thắng trên ngọn cây. Mưa ngớt, mặt sông lặng trang, vẫn còn đèn dù và máy bay nhưng chẳng thấy ông Ba Kiên đâu nữa. Chiếc “trực thăng” chúi xuống bắn vào bờ sông bên kia một lúc thì bay đi. Pháo sáng tắt dần, dòng sông trở lại tối đen. Thắng tụt trên cây xuống, Tuyên hỏi liền:
-Thấy gì không?
- Chỉ thấy máy bay bắn trúng vào chỗ chú Ba Kiên bơi lên.
- Chắc là nó bắn vu vơ chứ chưa phát hiện?
- Chắc vậy!
Làm sao mà biết được số phận ông Ba Kiên ra sao? May mắn thì thoát. Mọi người đều nghĩ như vậy rồi nhưng vẫn quay sang hỏi nhau:
- Mình nghĩ là chúng nó chỉ nghi ngờ.
- Chẳng dễ gì trúng đâu, cụ Ba Kiên ranh lắm.
Trong khi đó hai cậu du kích vẫn đi bên cạnh Tuyên:
- Bọn em bây giờ sao đây? Bao giờ có thể sang được?
Con Miền nằm co trong lòng chị nó. Trong đêm tối nó đưa tay sờ lên miệng, lên má Út Lích, nói chuyện nọ xọ sang chuyện kia:
- Má út nè, cái lão trưởng đoàn bình định hỏi gia đình ta là Việt cộng phải không? Con gật đầu đây, má có sợ không. Nó hỏi con ông đồn phó với ông đồn trưởng hay ra đây nhậu nhẹt phải không, con cũng gật đầu.
- Hôm sau, nó có ra hỏi nữa, con nói ông đồn trưởng định hỏi má làm vợ hai ổng đây.
- í, con không nói. Con không nói.
Tụi bình định mới về, mấy hôm nay đi thăm các gia đình. Thằng trưởng đoàn nghe đâu là huyện ủy viên, đi “hồi chánh”. Hắn nói là hắn đã học qua trường Nguyễn Ái Quốc của Bắc Việt. Trước khi hắn về vùng này, hắn cũng có gặp ông Tám Hàn bây giờ làm cái cấp gì to lắm.
Hắn nói:
- Làm việc với Việt cộng, họ vắt hết nước rồi bỏ. Có công không khen, có tội không phạt. Quốc gia người ta trọng người, không câu chấp. Tôi là cán bộ Việt cộng trở về hồi chánh, lập tức được sử dụng đúng chỗ. Biết tôi là huyện ủy viên, làm chánh trị giỏi, họ đưa tôi xuống nông thôn, làm công tác bình định, giúp cho dân chúng hiểu ra chánh nghĩa của phía quốc gia... Mọi việc quân sự có ông đồn trưởng, đồn phó, mọi việc về hình sự thì có ông ấp trưởng, xã trưởng, tôi chì làm phần việc của tôi, là làm sao nói đặng cô bác hiểu...
Thằng Hai Rớt khi nào mặt cũng lầm lầm lì lì, mở miệng là chửi thề như tụi lính của nó. Còn thằng trưởng đoàn bình định đi đâu cũng chào hỏi, mặt mày rạng rỡ, luôn luôn tươi cười. Vừa đến nhà Út Lích, hắn đã góp ý: để cho nhà cửa sáng sủa hơn, nên để cái bàn chỗ này, kéo lui cái giường lại chỗ kia. Nó bảo: ở đây, có quốc gia bảo vệ, còn phải để hầm trong nhà làm chi? Nó khuyên mọi người phá hầm đi cho rộng nhà rộng cửa.
Ban ngày, tụi bình định chia nhau đi nắm tình hình, ban đêm nó lại kéo nhau vào trong đồn ngủ, có lúc chúng về trên quận.
Từ hôm chúng nó đánh tiếng sẽ về ở nhà Út Lích, cô kéo cái chuồng gà vào sát trước nhà, sang bà Sáu mượn cái chân phản mọt thay vào cái lành đặt ngoài nhà. Lấy dây căng phơi quần áo rách và bẩn ra khắp lượt.
Thằng trưởng đoàn đến, giảng giải:
- Nhà cửa phải ngăn nắp trật tự, ăn ở hợp vệ sinh.
Nó gạt quần áo lại một góc, hứa sẽ đưa người về thu dọn sắp xếp thêm.
Thằng thiếu úy đồn phó đến chơi, Út Lích nói:
- Mai mốt mấy ông bình định lại đến đây ở, hết lính lại bình định, chỉ tốn nước rác nhà...
Thằng thiếu úy hỏi:
- Nó bảo với cô vậy à?
- Tôi nghe nói ông trưởng đoàn định cho người đến đây dọn dẹp nhà cửa đồ đạc cho ổng ở.
- Không tin được miệng lưỡi chúng nó đâu, bọn ấy đi đâu chỉ tìm nhà đàn bà con gái. Cô phải cẩn thân. Có chuyện gì phải báo ngay cho bọn tui.
Út Lích lại đánh tiếng với tụi lính trong đồn, tụi lính về nói với Hai Rớt. Hai Rớt uống rượu vào chửi đổng một trận.
Hai ba hôm liền hắn ta kéo lính đến nhà Út Lích nhậu nhẹt. Hắn tuyên bố:
- Thằng bình định nào đến đây qua bẻ giờ. Từ đây xuống bến sông, qua không bảo đảm an ninh cho tụi nó đâu.
Bọn bình định vẫn qua lại, nhưng không thấy thằng trưởng đoàn dọn đến ở nữa. Nghe nói thằng trưởng đoàn bây giờ lại định đến ở nhà bà Sáu Dần vì nhà bà là nhà Việt cộng số một ở ấp Thanh An này.
Út Lích sang nhà bà Sáu chơi, kể chuyện thằng đồn phó, thằng đồn trưỏng và thằng trưởng đoàn bình định cho bà nghe, bà lắc đầu:
- út ạ, mày coi chừng chơi dao có ngày đứt tay đó con.
- Thì thím bảo con biết tính làm sao bây giờ, cực lắm thím ơi, cái số kiếp của con không lấy ngụy thì rồi cũng đến vào sở Mỹ thôi thím à.
- Thì mày lấy quách thằng đồn phó đi, rồi bắt mối với nó...
- Ta là ta mà nó là nó... con nghĩ chán ra rồi... Đến như anh em, cha con một nhà, bây giờ còn chẳng nói nhau được, huống hồ chúng nó. Nó lại là người có học, có lý luận. Nó đã từng đi Mỹ, đi Đài Loan. Nó còn nói những gì gì đến chế độ với con người. Nó bảo nó không ưa ông Thiệu, không ưa mấy thằng tướng ngụy, nhưng nó thích thế giới tự do. Hôm ấy con bạo miệng nói liều: tui chẳng biết lý luận chi, chỉ có điều tui thấy cả nước Việt Nam ai cũng nghe Cụ Hồ. Vậy Cụ Hồ nói sao thì ta làm vậy. Nó im lặng. Nói chuyện một lúc, cả Út Lích, cả thím Sáu như đi vào ngõ cụt, ngồi im lặng nhìn nhau. Tội nghiệp con Tạng, bữa nay nó búi một cục tóc bù xù sau gáy, chọn cái quần ngắn cũn, cái áo cháo lòng ra mặc. Nhưng quần áo làm sao có thể che được cái thân hình hơ hớ tuổi 20 của nó. Môi nó đỏ chon chót, mắt thì ướt rườn rượt. Tóc nó đen mượt, xõa xuống dài có dễ gần đến khoeo chân.
Nó khóc đỏ cả mắt. Cứ gặp Út Lích đâu là ngồi than thở đó. Nhưng than thở với Út Lích thì được cái gì. Cô cũng có hơn gì con Tạng...
Con Miền nói bi bô một lúc rồi áp má vào ngực chị ngủ ngon lành. Mồ hôi rịn ra trên tóc nó ấm ấm mằn mặn. Mai mốt lớn lên, nó sẽ đi học, nó học cái gì đây? Thà như cô, có chịu, dốt một đời đã cam đi một lẽ.
Có tiếng gõ cửa rất nhẹ.
Út Lích nằm im. Mấy hôm nay tụi lính vẫn hay làm vậy, ở đầu ấp, nó còn giả đò làm Việt cộng, gõ cửa các nhà cơ sở.
- Cô út, cô Út...
Út Lích nghe tiếng lạ, nằm im. Biết đâu vẫn là tụi nó.
- Các ông có đi không tui kêu đó, đêm hôm đàn bà con gái.
- Bon tui đây mà! Mười sáu đây mà.
- Tui không biết Mười sáu, mười bảy chi hết, lựu đạn các ông cài bên cửa đó, các ông làm nổ là chết má con tui.
- Lựu đạn bọn tui gỡ rồi, tui đây mà, Thêm đây mà...
Út Lích thở phào, đúng tiếng ông Thêm rồi, cô mỉm cười đứng dậy:
- Tui có biết thêm bớt là ai, các ông không đi thì tui la lên bây giờ ạ.
Cô vừa nói vừa mở cửa. Một anh bộ đội vào trước rồi đến ông Thêm. Luồng gió tạt vào kéo theo mùi bùn đất. Cô út chạm tay vào người ông Thêm. Áo ông ướt rượt.
- Các anh đi đưòng nào vào đó, nó gài lựu đạn khắp lượt mà.
- Dưới bờ sông lên. Có bọn đang phục dưới đó.
Con Miền thức dậy, không thấy chị, nó kêu lên:
- Má Út, má út đâu rồi?
Út Lích dỗ em:
- Ngủ đi cưng...
Nhưng nó đã tinh như sáo:
- Ai vậy má út?
- Im đi, đừng nói to.
Nó cùng bắt chước chị nó, hạ giọng:
-Ai đó?
- Các chú Giải phóng, con nằm im để má đong gạo các chú, đừng nói to, tụi lính nó rình ngoài bụi chuối.
Con Miền không ngủ nữa, nó ngồi dậy, nhưng nhà tối đen, nó chẳng trông thấy gì cả.
- Chú bộ đội đâu hả má út?
Một bàn tay đặt lên đầu nó, nó đưa hai tay nhỏ xíu sờ cái bàn tay sần sùi rồi kéo vào lòng, nói thầm thì:
- Chú bộ đội ơi, chú ngồi xuống đây đi. Chú ngồi đây chơi với cháu để má út đi đong gạo. Má út không thắp đèn đâu thắp đèn tụi nó biết. Mà chú nói khẽ thôi, chú nói như con vậy nè...
Chú bộ đội ngồi xuống cạnh nó.
- Ôi, chú ướt hết, chú ở dưới sông lên à?
- Chú ở dưới sông lên, ngoài trời mưa mà...
- Hôm rồi má út bảo chúng nó phục các chú dưới sông, con nằm nghe súng nổ ầm trời ầm đất... Má bảo không khéo bộ đội Mười sáu rồi... Vậy mà các chú vẫn còn sống... Con biết mà.
Ông Thêm ngồi trên giường, mùi trẻ con ấm sực. Một tay ông đặt trên đầu, một tay ông xoa lên má nó. Cái làn da mịn mát của trẻ con thấm vào da thịt ông. Ông muôn ôm hôn nó quá mà người ông ướt hết.
- Cháu ngồi lui ra, chú ướt hết mà...
- Chú cứ ngồi xuống giường đi, con không sợ ướt đâu. Có phải đêm các chú ngủ ngoài rừng không?
- Sao cháu biết?
- Má út bảo vậy: đêm mưa thế này mà các chú nằm ngoài rừng! Hôm má út ra ngoài, con biết. Má bảo chờ ít nữa con lớn lên, hai má con ra rừng ở với các chú bộ đội. Khi nào con cao bằng cái dây phơi áo ấy.
Út Lích đong gạo vào bồng, xong bỏ thêm một cây thuốc, mấy gói mì tôm cô mua cất dành từ mấy bữa, nói với cậu chiến sĩ:
- Cậu mang về ngoài cho anh em hút, mì tôm thì làm thức ăn. Dạo này nó khám ngặt quá.
Cậu chiến sĩ mang bồng dứng dậy:
- Thủ trưởng chờ đây một chốc, tôi quay sang nhà bà Sáu. Thủ trưởng Thắng bảo thủ trưởng đừng đi, mìn nhiều lắm.
- Mình phải đi chớ.
Ông Thêm đứng dậy, cậu chiến sĩ quay lại:
- Thủ trưởng Thắng giao cho em bảo đảm an toàn cho thủ trưởng.
Cô út khẽ nắm lấy tay ông Thêm:
- Đừng đi nhiều người anh Hai... Tụi nó gài mìn lèn đường. Này, cậu em, chú ý các nhà, nhà nào nó cũng gài trái, có khi gài cửa trước, có khi gài cửa sau, có khi gài ở bậc lên xuống...
Ông Thêm còn đang lúng túng thì Út Lích kéo tay giữ lại:
- Anh Hai ngồi xuống đi cho đỡ mỏi. Miền, con vào nằm đi cưng. Không nhóm lửa được nên không châm trà anh Hai uống. Anh uống tạm nước nguội vậy.
Ông Thêm đỡ chén nước lóng ngóng làm đổ cả ra nhà. Út Lích cười thầm trong bóng tối.
Mãi một lúc sau, ông mới nghĩ ra câu cần hỏi:
- Vừa rồi, cô có nghe tin gì về trận đánh ca nô dưới bến không?
- Sáng dậy nó kéo chiếc xuồng máy bị thương đi. Nghe nói tụi nó mang về một cái bồng.
Út Lích kể chuyện trong ấp cho ông Thêm nghe. Tới đoạn bọn bình định ba cùng với dân trong ấp, con Miền nói leo vào cuộc đôi thoại giữa hai ngươi:
- Lão Hai Rớt bảo tụi bình định đến đây ở nó bẻ giò.
- Im đi cưng, để má nói chuyện.
- Thiệt mà, tụi nó đến dọn dẹp nhà cửa, nó còn bảo út dẹp cái hầm đi, chú Hai ạ.
- Miền, con có im đi không?
Ông Thêm nắm lấy tay con Miền:
- Để cho nó nói cô út, bộ đội ở trong rừng có khi nào được nghe tiếng trẻ con đâu...
- Thằng Hai Rớt ra đây, nó nhậu, nó nói bậy, má út bỏ đi...
Út Lích bỗng bật lên khóc.
Con Miền thấy chị khóc, im bặt không nói nữa. Ông Thêm đặt bàn tay phải lên vai Út Lích:
- Thôi, nín đi cô út. Đã từ lâu tui biết...
Út Lích càng khóc nức lên và cô gục xuống, những giọt nước mắt nóng hôi hổi nhỏ xuống bàn tay ông:
- Anh Hai ơi, anh bảo em làm sao bây giờ. Thằng đồn trưởng đến, thằng đồn phó đến, bây giờ lại thằng bình định đến...
Ông Thêm đưa bàn tay vén nhẹ mái tóc cũng ướt dầm nước mắt của Út Lích. Chẳng ngôn ngữ nào có thể an ủi nỗi đau khổ của cô gái lúc đó...
Ngoài trời mưa đổ ào ào. Một lúc sau, Út Lích ngồi dậy, bới lại tóc:
- Chết mất, trời này các anh đi ướt hết.
Có tiếng gõ cửa. Ông thêm đứng dậy nhưng Út Lích nắm tay giữ lại, nói rất nhỏ:
- Xem đã.
- Lại tiếng gõ cửa nữa.
- Thắng đây mà.
Ông Thêm mở cửa. Thắng và hai chiến sĩ nữa đi vào ướt lướt thướt.
- Gay quá, con Tạng nó đòi đi...
- Rồi tụi bay mần răng?
- Thì biết làm sao thủ trưởng, cô ấy khóc như mưa như gió, bọn tôi phải phá vòng vây chạy...
- Vậy bà Sáu nói sao?
- Bả nói tùy ông Sáu, tụi bay ra ngoài nói sao cho ổng nghe thì nói.
- Ông Sáu bảo thủ lắm, nói không được đâu, cô út nợ, bữa sau cô bảo với nó: Có gan thì tự mình quyết định lấy chuyện đi của mình. Ra đó rồi tụi tôi bố trí công tác. Còn rủ rê thì tụi tôi không làm, rồi có sao ông Sáu giận tụi tôi đến chết...
Út Lích thở dài. Vậy là cô cũng phải tự quyết định lấy số phận cô thôi. Biết làm sao bây giờ. Có lẽ anh Thêm cũng khuyên mình như vậy, nhưng anh không nói ra. Mình thổ lộ tâm sự của mình với anh ấy. Nhưng để làm cái gì? Anh ấy biết khuyên mình như thế nào?
Con Miền ngồi trên giường gọi:
- Má Út, má cho con xuống.
Ông Thêm chạy lại, ôm con Miền hôn vào má:
- Chú đi cháu nhá. Cháu ở nhà ăn cơm cho chóng hôm nào cao bằng cái dây phơi thì chú đưa đi bộ đội.
- Chú lại ra ngoài rừng hả má út?
- ừa.
- Bao giờ chú lại vô?
- Thôi im đi cưng, đừng nói nhiều, tụi nó ngồi ngoài bụi chuối.
Họ đi ra khép cửa, gài lại trái lựu đạn như cũ, xóa những dấu vết trước thềm. Trong bóng tối, ông Thêm chẳng biết cô út khóc hay cười. Lần đầu tiên trong đời, một cô gái khóc trước mặt ông. Lần đầu tiên, môt người đến cầu cứu sự giúp đỡ mà ông thì bất lực, kể cả một lời khuyên. Những câu an ủi thì phỏng có ích gì?
Mình yêu rồi ư? Cũng lần đầu tiên trong đời ông tự hỏi ông như vậy? Yêu một cô con gái kém mình đến gần hai chục tuổi? Rồi cả trung đoàn này người ta cười cho, người ta bảo ông già còn chơi trống bỏi. Mà sao mình lại sợ nhỉ? Thì đã sao? Mình yêu chính đáng mà.
Sao cô Út lại ngả đầu vào tay mình? Đó là dấu hiệu của một sự yếu đuối chăng? Không, ít nhất thì cô cũng phải rất tin ông. Ít nhất thì ông cũng được cô út quý mến và xem như một người anh. Thôi đừng nghĩ đến chuyện đó nữa.
Lâu đón ở gần cửa ấp chiến lược. Đến ông Thêm là tốp cuối cùng.
- Thắng lợi chứ?
- Được dăm chục lon, đó là mới có vài nhà... Cái con Tạng nó cứ bám riết, khóc như mưa làm mình không nỡ dứt.
- Thủ trưởng Lâu ạ, coi chừng cô ả mê thủ trưởng rồi. Ngon đó, bố vợ làm bí thư đảng ủy thì nhất...
- Chỉ sợ cụ Thêm không đồng ỷ. Cứ bảo đang làm nhiệm vu, chưa yêu đương vội mà...
- Yêu thì cứ yêu, mà đánh thì cứ đánh, càng yêu càng đánh hăng chớ thủ trưởng Thêm nhỉ.
Ông Thêm cười gượng, không nói gì.
Lần đầu tiên họ đột ấp. May mà êm. Bà Sáu Dần dặn sau này đừng vào nhà nữa. Bà sẽ chôn gạo trong thùng đại liên ở gốc chuối, cứ vào đó lấy.
Cả một đời chiến đấu, người chỉ huy dẫu có giỏi giang đến đâu, cũng khó mà tránh được không sai sót. Và sự sai sót đó có thể dẫn đến hậu quả không lường được.
Qua sông rồi, ông Ba Kiên quyết định đi luôn Thị can:
- Bên kia nổ súng, nhất định bên này nó chú ý. Ta ém lại đây đã.
Ông Ba Kiên không nghe:
- Ém lại chỉ ăn đại bác.
Vậy là họ vượt nhanh ra khỏi bãi sình, và đại bác căn đến thật. Một lần nữa, Thị lại chần chừ:
- Hay là chờ một chút anh Ba.
- Thôi đi đi, không sáng mất, cứ vào ấp Đồng Lớn trước. Lên đến lộ Mưòi lăm, ông Sáu Dần và ông Ba Kiên chia tay nhau, ông Ba Kiên bảo anh em cứ đi trước. Thị không yên tâm, ngồi lại chờ.
Ông Ba Kiên chia tay ông Sáu Dần, mang Bồng đứng dậy, Thị nói:
- Anh Ba ạ.
- Cái gì vậy?
- Sao tôi thấy nóng ruôt, tôi sợ.
Ông Ba Kiên phì cưòi:
- Cái thằng, mi giờ cũng mê tín à Thị?
Thị đi trước. Một loạt súng nổ, đạn bay nóng rực bên tai, trước mặt họ là khoảng đất trống. Theo một phản ứng tư nhiên, tất cả lăn xuống. Thằng Hùng quay súng rỉa môt điểm xạ dài về phía phát ra ánh lửa. Tiếp đó, hai trái lựu đạn cùng tung lên một lúc. Vừa nháng lửa, Thị đã thây ông Ba Kiên khoát tay nhỏm dậy. Anh chạy theo. Một loạt đạn bắn đuổi. Hai người đã vào đến bờ cỏ Mỹ cao ngang đầu người. Ông Ba Kiên quay nhìn ra: Thằng Hùng và Sáu Trang vẫn bò mẹp dưới làn đạn.
- Bắn đi!
Vừa nói, ông vừa tung lựu đạn, bắn một loạt AK và di chuyển vị trí. Lựu đạn không đến được mục tiêu, khói trùm lên phía sau Hùng và Sáu Trang. Thị vừa bắn từng điểm xạ ngắn vừa gọi:
- Nhanh lên!
Biết đã có yểm trợ, Hùng và Sáu Trang nhổm dậy chạy ào tới.
Từ trong đám cỏ Mỹ, hai người vừa ném lựu đạn, vừa bắn trả. Họ di chuyển vị trí nên tiếng nổ rải dài như có cả một trận địa phòng ngự bên này đường Mười lăm. Đạn địch bắn vọt qua đầu.
Chạy vào đến bờ cỏ, thằng Hùng nằm lăn ra, vừa thở, vừa cười:
- Chú Ba nhanh thiệt!
Không nghe ông nói gì, nó nhìn sang, ông đang ngồi bệt dưới đất, lúng túng tháo gỡ thát lưng.
- Chú Ba làm sao vậy?
- Tao bị thương rồi?
Cả ba người hoảng hốt xô tới. Thị rút băng ra băng. Không thấy ta nổ súng nữa, từ bên kia đường, đạn địch lại bắn sang cày đất. Ông Ba nói khò khè:
- Thôi, hai đứa ra cảnh giới, không cần thiết thì đừng nổ súng. Chúng nó không dám đuổi theo vào đám cỏ Mỹ này đâu.
Ánh đèn dù bật lên sáng trưng. Vừa băng cho ông Ba, mồ hôi Thị vừa vã ra trên trán từng giọt lấp lánh. Nhìn thấy bàn tay Thị run run, ông Ba cố gượng cười:
- Bình tĩnh thôi Thị ạ, không việc gì đâu.
Trong lúc ném lựu đạn và di chuyển vị trí, nổ súng yểm trợ cho hai đứa, ông Ba Kiên bị thương. Nghe thằng Thị gọi to, ông toan bảo nó im đi, thì bỗng thấy đau nhói ở ngực. Biết mình bị thương, nhưng trong tình trạng quá khẩn cấp ông ráng bắn thêm một điểm xạ nữa.
Trông thấy tụi nó đã vào đến nơi, ông mới buông súng ngồi xuống định cởi thắt lưng lấy cuốn bắng ra. Đến lúc đó, ông mới biết mình không còn sức nữa.
Ông bị một viên đạn xuyên từ trước ngực ra sau lưng, một viên nữa vào bụng. Súng vẫn nhầm vào đám cỏ cao ngang đầu người mà quét. Một lúc sau tất cả im lặng.
Thị:
- Hay là bây giờ quay về anh Ba?
- Cậu cứ cõng tớ về Đồng Lớn. Tớ phải làm xong việc trong đêm nay.
Sao lại làm xong việc trong đêm nay? Ông Ba Kiên nói chi lạ? Thị lại trù trừ. Ông Ba Kiên giục:
- Thôi, nhanh chóng rời khỏi nơi này đi.
Thị cõng ông Ba Kiên lên lưng. Sáu Trang đi sau khóc thút thít.
Đi một đoạn, ông Ba Kiên lại thều thao:
- Gần đến chưa Thị?...
- Gần rồi thủ trưỏng...
Ông nghiến răng thở hổn hển.
- Tôi để thủ trưởng nghỉ một lát nhá?
- Cứ đi đi...
Thị lại cặm cụi bước. Ông Ba Kiên nhẹ tênh, có dễ được hơn 40 ki-lô-gam chớ mấy. Có lẽ ông chết mất. Mà sao hôm nay mình nóng ruột hoài... Đáng lẽ mình phải kiên quyết giữ ông lại. Bây giờ cơ sự ra sao đây? Không đơn vị, không có dân không có quân y, không có thuốc, không có tất cả...
Ông Ba Kiên thì thào:
- Nếu đến Đồng Lớn, không thây bếp lửa ông Hai Trụ đến cứ Tư Quang...
Một lúc sau, ông lại nói:
- Nếu không tìm được cả hai nơi, thì tạm ém chỗ tối mai ra liên lạc.
- Anh cứ nằm yên, mọi việc tôi sẽ xử trí.
Ông Ba Kiên lại nghiến răng ken két.
- Bếp lửa nhà ông Hai Trụ vẫn đỏ.
Thị đứng lại bảo Sáu Trang:
- Cô vào trước xem sao?
Sáu Trang vừa vào giữa sân thì có tiếng ho, rồi một giọng nói khàn khàn vọng ra:
- Các chú đi tuần à?
Sáu Trang nhận ra tiếng ông Hai, bước tới:
- Cháu đây mà!
Một bóng người chui từ trong lều ra:
- Ai đó? A... con Sáu.
Một bóng người thứ hai nữa bước ra tiếp:
- Làm tôi hú vía, soạn chui xuống hầm bí mật.
Mọi người chưa kịp vui mừng thì Thị cõng ông Ba Kiên đi vào.
- Ai đó nữa, bị thương à?
- Thủ trưởng Ba Kiên.
Thị bảo Hùng trải ni lông, đặt ông Ba Kiên nằm xuống cạnh bếp lửa. Không còn ai kịp hỏi han ai nữa, mọi người xoay vào việc cấp cứu thương binh.
- Con Sáu bắc siêu nước lên bếp để rửa vết thương cho anh Ba, đặt ảnh vào nhà đi, nào Bảy Rỹ, đỡ với tao một tay
- Bây giờ vậy nè: Bảy Rỹ về cứ đi, mày đưa giùm hai chú này đi theo.
- Con Sáu ở lại đây, để anh Ba đó tui lo. Đừng tập trung nhiều, đông người chạy không kịp.
Ba Kiên nói với ông Hai Trụ:
- Anh cho thằng Thị ở lại.
- Chi vậy?
- Tôi làm việc đêm nay.
- Thôi mà, anh Ba còn mệt, anh cứ nghỉ đã. Ông Ba Kiên kéo tay ông Hai, thở hổn hển:
- Việc gấp lắm.
Ông Hai Trụ nhìn ông Kiên, lại nhìn Thị. Ông Ba Kiên ra hiệu cho Thị ngồi xuống:
- Không còn thì giờ nữa đâu... tôi nghe trong người tôi, tôi biết.
Thị nhìn ông Hai Trụ, ông Hai Trụ quay lại Sáu Trang:
- Vậy thì con Sáu đi, hầm bí mật ở đây không còn chỗ nữa.
Sáu Trang và Hùng con vẫn dùng dằng chưa muốn đi. Ồng Ba Kiên gật đầu bảo ngồi xuống, chỉ chỗ cho Hùng ngồi sang bên trái, Sáu Trang ngồi sang bên phải, rồi đưa hai tay nấm tay hai đứa. Ông nói với thằng Hùng:
- Chú không sống được đâu... đáng lẽ chú phải cho cháu đi học, vậy rồi không được... Hết đợt này, Thị nói với ông Dũng, cho nó đi học... Bao giờ cháu về dưới Tân Thới Hiệp, cho chú gửi lời thăm má cháu.
Thằng Hùng khóc òa lên:
Ông Ba Kiên quay sang Sáu Trang:
- Hết đợt công tác, cháu về bên đó, cháu gặp thằng An... đáng lẽ nó xuống đây... chú đã định cho nó cùng đi... Nó thương cháu đấy…
Sáu Trang úp mặt lên bàn tay ông Ba Kiên, nước mắt giàn giụa...
- Chú cho cháu ở lại với chú một lúc.
Thằng Hùng cũng nói:
- Chú cho cháu ở lại với chú một lúc...
Ông Ba Kiên lắc đầu:
- Chú muốn ở lại với các cháu suốt đời, nhưng không được, còn bây giờ... Các cháu đi đi, chú Hai bảo ở đây không được... Chú còn làm việc.
Sáu Trang nâng bàn tay ông Ba Kiên lên, cô úp mặt vào đó khóc một lúc, hôn bàn tay ông rồi vừa đi vừa khóc.
Ba người đi rồi, ông Ba Kiên gọi Thị mời ông Hai Trụ đến:
- Thôi, khỏi... đun nước, tui không sống đâu, anh Hai ngồi nói cho tui nghe tình hình đi.
Ông Hai Trụ đành phải nói tóm tắt cho ông Ba Kiên nghe. Thằng Bảy Rỹ vẫn ở trong cứ gần Trung Hòa, hôm rồi nó vào gài mìn trong bốt, nổ chết hai thằng lính. Đơn vị Bạch Đằng có người tìm ra đây, nhưng lúc về bị nó phục bắn chết, mang xác về trong Trung Hòa... Chắc là vẫn có tổ bám trụ dọc hai bên bờ sông này, nhưng tình hình căng quá, bọn chiêu hồi như rươi, thành ra ai cũng ngại, không dám để lộ căn cứ. Hầm ai nấy biết. Gạo thì rồi cũng có cách đưa ra được. Bữa một vài lon bỏ trong bao vải. Khu vực Đồng Lớn là khu vực “tím”. Khu vực “tím” nó chỉ cho dân ra làm đồng từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiểu. Sau những giờ đó nó không chịu trách nhiệm về chuyện bom pháo. Tụi nó càn dữ trong một vài tháng, bây giờ ủi xong, càn xong, đốt nhà, phá hầm xong, thì ở bên này sông coi như mọi việc cũng đã tạm ổn. Thằng Trung đại úy tuyên bố bây giờ sẽ đến lượt bên kia sông. Chính giữa lúc nó tưởng là nó làm ráo riết, đánh bật được mình ra thì mình vẫn tìm được kẽ hở để bám lại.
Ông Ba Kiên hỏi:
- Bộ đội về ở được chớ anh Hai?
Ông Hai Trụ nghĩ một lúc:
- Ở hầm bí mật thì được.
Ông Ba Kiên gật đầu.
Vậy là ông tính toán không sai lắm. Ông vẫn cho là có thể đưa bộ đội sang được. Có điều vừa qua nó làm dữ quá, hết cơ quan này tróc đến cơ quan kia tróc. Cách ăn ở trong tình hình mới chưa kịp thay đổi nên người ta nghĩ là không ở được đó thôi. Thời thằng Mỹ mới vào cũng vậy. “Trực thăng” đổ quân lèn trời lèn đất, tưởng như không có cách gì đánh lại được. Ban đầu bao giờ cũng vậy. Những lúc khó khăn, phải tỉnh táo mà nhìn mới được.
Ông Ba Kiên cười, những giọt nước mắt lăn xuống gò má. Vậy mà chỉ vì chủ quan. Mấy hôm nay, có lẽ tại ông mừng quá, vì vậy mà thành ra sơ suất. Sao lại đi qua lộ Mười lăm như đi chơi. Lúc đó, nếu nghe lời thằng Thị, mình dừng lại một chút... Nhưng thôi, nghĩ chi, đời bộ đội là như vậy, không lúc này thì lúc khác... Hơn hai mươi năm cầm súng, cho đến bây giờ cũng đã là dài...
Ông quay sang Thị:
- Sắp tới, cậu cho đào thêm hầm bí mật, ba người bám trụ lại đây, rồi dần dần, về bên kia sông, nói anh Thêm đưa bộ đội sang, từng tổ một, ở phân tán, làm hai nhiệm vụ: Đánh bọn lính đi kích và móc gạo trong ấp ra chi viện cho bên kia sông. Cố gắng tìm đoàn 82. Họ mua gạo để bên này.
Ông nghĩ một lúc rồi lại nói:
- Cậu về nói với anh Dũng điện cho Miền và phân khu xin chi viện gạo và súng, chỉ cần đưa về bên kia sông Nha Thức, Mười sáu sẽ đưa người sang nhận...
Dần dần, câu nói của ông Ba Kiên đứt từng đoạn một.
- Thủ trưởng nghỉ cho lại sức đã.
Ngừng một lát, ông lại tiếp tục nói những điều ông vừa nghĩ ra. Bây giờ từ đường Mười bốn trở lên lại khó đứng chân hơn bên này. Bên này, coi như nó càn ủi xong rồi, mình đã tìm ra cách hoạt động, còn bên đó, không phải chỉ có đơn vị chiến đấu, còn cơ quan, còn hậu phương. Phải nhanh chóng thích nghi với tình hình. Ông Ba Kiên định sang bên này, tổ chức cho d Bảy sang sông xong thì quay trở về... Bây giờ còn một mình ông Dũng chắc rồi sẽ khó khăn.
- Cậu về nói với anh Thêm và anh Dũng, ráng trụ qua mùa mưa, cây cỏ lại mọc lên...
Thị định đứng đậy đi lấy nước nóng, rửa lại vết thương, nhưng ông Ba Kiên lắc đầu, cầm tay anh giữ lại, ông không cho thay băng.
Ngoài bếp, ngọn lửa đã tàn. Ông Ba Kiên vẫn nằm vậy, một tay nắm tay ông Hai Trụ, một tay nắm tay Thị. Ông nhìn ra bên ngoài. Cơn mưa vừa rửa sạch bầu trời. Những ngôi sao như được sáng ra lóng lánh. Ngày xưa mẹ ông bảo ông rằng mỗi người là một vì sao, ai chết thì vì sao đó sẽ tắt. Bây giờ ngôi sao nào đang tắt?... Ông Dũng rồi một mình sẽ chèo chống công việc ra sao? Thằng Thêm hơn bốn mươi tuổi đầu rồi chưa chịu lấy vợ. Tội nghiệp cái thằng... Nó là người cùng sống một trung đoàn với ông hơn hai mươi năm nay. Chẳng ai yêu trung đoàn bằng nó. Cái tội giáo điều của nó cũng đáng thương thôi... Bọn thằng Lâu, thằng Tuyên rồi sẽ đứng lên đảm đương lấy nhiệm vụ... Chẳng có trung đoàn nào như trung đoàn này... Cuộc chiến đấu lọc lại nguyên chất...
-Thị à.
-Dạ.
- Cho mình gửi lời thăm hết anh em... Còn cậu bao giờ về quê...
- Anh cứ nghỉ đi cho khỏe...
-... Cậu ghé lại nhà mình...
- Dạ.
Thị ở gần nhà ông. Những ngày đi đường với Thị, hai em hay nhắc đến chuyện quê hương.
Đất Đồng Môn dệt vải
Đất Phổ Hạ làm nồi
Đất Phổ Xá bầy tui
Bắt vài nạm mắm hôi
Về đâm đâm phơi phơi
Tay múc miệng tui mời
Mắm tui ngon lắm bà ơi...
Đất Phổ Xá của ông vừa đẹp vừa buồn, không biết bây giờ bà vợ ông đang làm gì? Một đời người đàn bà lam lũ nuôi con cho chồng đi đánh giặc.
Sáu Trang và Hùng theo Bảy Rỹ về đến cứ. Vừa đặt bồng xuống cô đã hỏi:
- Hầm bí mật ở đâu?
Bảy Rỷ chỉ hầm. Sáu Trang nói:
- Vậy là em biết rồi, nhờ anh Bảy cất cho em cái bồng, em phải ra lại ngoài đó.
- Chú Hai đã bảo phải phân tán bớt mà.
- Có gì em chạy, em thuộc đường rồi. Em phải ra, đêm nay chú Ba chết mất...
Thằng Hùng:
- Em cũng đi.
- Tùy mày.
Sáu Trang nói vậy rồi lấy cái thắt lưng có hai quả da láng đeo vào người. Thằng Hùng cũng bắt chước.
Bảy Rỹ đành đứng nhìn theo.
Sáu Trang đi như chạy, vừa đi vừa khóc. Thằng Hùng lầm lì bước phía sau. Nó không khóc nữa. Nó chạy theo nắm lấy áo Sáu Trang:
- Chị đi sau, vừa đi vừa khóc vậy rồi đạp trái, đυ.ng biệt kích không biết.
Sáu Trang nghe lời đi tụt lại. Bây giờ Sáu Trang không còn là chị nó nữa. Nó là người dẫn đường, là người chịu trách nhiệm nếu có việc gì xảy ra. Từ tối đến giờ, nó cứ ân hận mãi về việc qua lộ hồi hôm. Giá mà nó ở lại với chú Ba thì chưa chắc chú Ba đã bị. Chú Ba không ngăn lại thì nó phải cho tụi biệt kích một trận. Nó thừa sức “oánh”. Chú Ba chủ quan quá. Ai lại đứng nói chuyện ở gần lộ Mười lăm, mà tại cả cái bác Sáu Dần ấy nữa. Thằng Hùng tức mọi người, tức mọi việc. Cả cái ông Thị ấy nữa. Đi sau mà để vậy.
Sáu Trang và Hùng ra đến nơi thì ông Ba Kiên đã tắt thở. Ông Hai đang vuốt mắt cho người chết. Thị ngồi một bên, đầu gục xuống.
Ông Hai gỡ băng ra, lau người cho ông Ba Kiên, rồi liệm ông vào trong tấm ni lông.
Họ khiêng ông ra miệng hố bom, ở đó có cái hầm cũ. Chôn cất xong, ông Hai lấy cỏ rác phủ lên trên mặt ngôi mộ. Ông nói với người chết:
- Anh Ba nằm đây ít lâu, rồi em đưa anh vào nghĩa trang liệt sĩ. Anh ở ngoài Bắc vào đây đi đánh giặc, chết ở đây, thì cô bác cũng coi anh như người ở đây. Rồi cô bác sẽ lo đèn nhang cho anh...
Không ai khóc nữa. Họ im lặng trở vể cái lều của ông Hai. Ông Hai thu dọn, xóa sạch các dấu vết quanh nhà, rồi đặt một siêu nước lên bếp. Ông chỉ hai cái hầm bí mật cho Thị và Sáu Trang để có gì xuống núp; một cái cho riêng Thị biết, một cái cho riêng Sáu Trang biết.
Sôi nước, ông Hai tắt lửa, pha trà. Chỉ có Thị uống.
- Các em vậy là vất vả. Không may cho anh Ba ảnh hy sinh.
Phần việc nặng nề ảnh để lại, các em phải lo. Trong nhà cha chết thì đứa lớn phải đứng ra gánh vác công việc. Thằng Thị là đứa lớn trong nhà. Anh Ba đã dặn mọi việc với mày cả rồi đó. Tội nghiệp cho ảnh, đến chết rồi cũng chưa hết điều lo...
Bây giờ ông Hai Trụ mới khóc, ông khóc thành tiếng:
- Qua là phận chú phận em, qua đâu có được thông thái minh mẫn như anh Ba. Thôi thì cần cái gì...
Ông Hai khóc không nói được nữa, một lúc sau mới tiếp tục:
- Các em cần gì, các em nói với qua. Cứ nhìn cái gương anh Ba thì qua nghĩ mình có hy sinh đến bao nhiêu đi nữa cùng chưa xứng đáng với anh...
Bốn người ngồi im lặng một lúc, ông Hai mới nhớ là tụi nó đang đói bụng. Nhà chỉ còn mấy củ báng. Đói vậy mà không ai ăn cả.
- Thôi không ăn thì mỗi đứa nhặt lấy mấy củ. Suốt ngày nhịn đói rồi. Để sáng ra, qua vào trong ấp...
Mỗi người nhặt mấy củ báng bỏ vào bồng.
Mấy lần Thị định bàn việc mà anh không làm sao nói được. Đời lính, Thị đã từng chứng kiến bao nhiêu cuộc chia ly, vậy mà chưa lần nào anh thấy đau xót như lần này. Đúng như ông Hai nói: nhà cha chết thì anh cả phải lo. Bọn Thị bây giờ chẳng khác gì con mất cha. Ngồi nhìn Sáu Trang và thằng Hùng ủ rủ, Thị thấy mình có trách nhiệm, không thể cứ ủ rủ như vậy được mãi.
Nghĩ đến đấy, Thị nhón một củ báng, bảo Sáu Trang và Hùng:
- Thôi, ăn đi một miếng mà lấy sức. Để rồi ta lo liệu công việc. Chú Hai, chú ngồi xuống đây với các cháu.
Hùng và Sáu Trang như những đứa em ngoan ngoãn nghe lời Thị, vừa sụt sịt khóc, vừa cầm củ báng lên ăn.
- Chú Hai này, bây giờ việc trước hết là chú chỉ cho bọn cháu một số chỗ để có thể đào hầm bí mật được, nơi mà tụi nó ít đi lại, ít nghi ngờ. Đêm mai bọn cháu sẽ đào hầm.
- Hầm bí mật thì đứa nào đứa ấy biết, không phải tao không tin tụi bay đâu, nhưng ở đây tao có kinh nghiệm, nhiều người chịu không xiết rồi khai bậy.
- Chú Ba cũng dự phòng cho một địa điểm liên lạc khác lỡ ra...
- Ở khu vực này, ban ngày cô bác ra làm, các em phải chú ý bọn chiêu hồi, bọn thám báo đi lẫn vào trong dân, các em không tinh là nó phát hiện...
- Chú Hai ở đây cũng phải cẩn thận. Hầm của chú...
- Tao thì tao không ở hầm bí mật bao giờ. Hầm bí mật đó chỉ có thằng Bảy Rỹ biết.
- Vây là tối mai, tui cháu đào hầm bí mật. Sau đó thì cháu đã nghĩ, nó gài trái mình, mình cũng phải gài trái nó, nó phục mình, mình cũng phải phục nó.
- Ngày xưa, qua vẫn đánh xe trâu đi nhặt trái lép về cho bọn Tư Quang đấy.
- Chú Hai à, nếu bộ đội sang đây được, lấy chi ăn?
- Một mình tao không làm sao giấu nhiều gạo đưa ra được, nhưng để rồi tao liệu. Chuyện ấy thì các cơ sở phải lo mỗi người một ít. Đoàn 82 thế nào cũng còn người bên này.
- Liệu cháu có về trong Trung Hòa được không chú?
- Chưa về được đâu, bữa nay lính ở lèn trỏng. Nay nó nằm chỗ này, mai nó nằm chỗ khác. Để rồi dần dà phải có cơ sở thì mới vào được. Cháu có về kêu cũng không ai dám mở cửa.
- Vậy chú thì sao?
- Nhà chú nó kiểm soát ngặt hơn nhà tù.
- Nhờ chú nhắn với chị Ba cháu...
Mày định về trỏng...
- Dạ.
- Mày định đào hầm bí mật bay ở hợp pháp?
- Hợp pháp chi được chú.
- ừa, để tao tính xem đã... Bây giờ trong ấp, bụng dạ con người chẳng biết ra sao đâu Sáu Trang ạ. Cứ tối bữa là lên đồn khai báo.
- Tất cả mọi người à chú?
- Tất cả mọi người, ai nó cũng bắt lên khai, tụi điệp cũng lên khai, dân thường cũng lên khai nhà cơ sở cũng lên khai, vậy là chẳng còn biết ai tốt ai xấu... Bây giờ trong đó dân Dầu Tiếng có, dân Thanh An có, dân củ Chi có, dân Trảng Bàng có. Mày bảo biết ai là ai. Nó làm cái kiểu bốc trộn lung tung. Thằng Mỹ nó thâm lắm... đừng có nói nó dại...
Gà trong ấp chiến lược đã gáy ròn. Gần sáng rồi.
- Ông Hai Trụ giục:
- Thôi, thằng Hùng và con Sáu đi vô trỏng đi, tối mai ra đây đào hầm. Trỏng còn hầm thằng Tư Quang. Thằng Bảy Rỹ lạị đào thêm một cái nữa. Thằng Tư Quang đi mãi không về. Bảy Rỹ nó bắt đầu làm ăn được rồi đó.
- Tư Quang lên trển...
Đến lúc này Thị mới kể chuyện Tư Quang cho ông Hai nghe.
Đã cả nửa tháng nay, Bảy Rỹ ngủ một mình, ăn một mình, nghỉ một mình, đi lại một mình. Trừ những đêm ra ông Hai Trụ, còn thì cứ lầm lũi trong cứ. Râu mọc ra không có dao cao, tóc tốt không ai cắt. Quần áo đêm ra giặt hố bom rồi đưa hong gió se se lại mặc, được hôm nào ra Đồng Lớn thì mang ra bếp lửa nhà ông Hai hơ, mặc lên toàn mùi khói là khói. Đó là mới nửa tháng. Cứ nghe nói người ta sống lâu một mình rồi trở thành người rừng thì Bảy Rỹ phát hoảng. Chiều nào, Bảy Rỹ cũng trèo lên bụi cây tầm vông nhìn ra bốn phía, xem có chỗ nào xanh lên được một tí. Tư Quang đi biệt tăm biệt tích không về. Từ hôm ông Hai Trụ ra lại ấp Đồng Lớn, còn đỡ. Nhưng ông Hai cũng đêm ở đêm không. Đó là chưa kể những đêm ra đó gặp lính đi kích, lại phải quay về. Anh muốn móc mấy đứa trong ấp, nhưng tụi nó sợ, ban đêm không dám ra Đồng Lớn. Còn ban ngày thì họ ra trắng đồng, nhưng làm sao gặp được. Bọn chiêu hồi như rươi. Cứ 8 giờ họ ra, 3 giờ chiều họ đã về muốn móc cũng không được.
Mùa mưa đến, nấu nướng càng khó, ông Hai Trụ cho được lon gạo nào, Bay Rỹ lại nhờ ông rang lên. Rồi bữa ra đó kiếm nắm cơm, kiếm củ báng, củ mỡ ăn bậy bạ cho qua. Muốn gài trái nhưng không dám gài gần cứ, vì sợ nó phát hiện. Gài ở cánh đồng thi sợ đυ.ng dân. Mãi gần đến hôm rồi, thấy mấy thằng lính đêm đi kích về hay ngồi nghỉ ở cái nhà bỏ đầu ấp, gần suối cạn, Bảy Rỹ ra gài một trái lựu đạn. Sớm mai lựu đạn nổ, chết một thằng, bị thương một thằng. Vừa qua đó dân ra đồng đi làm, họ xúm lại xem.
Bọn nó nghi dân trong ấp ra gài, xét người ra vào rất ngặt. Ông Hai Trụ gặp Bảy Rỹ nói:
- Tụi lính trong đồn bảo du kích Tư Quang gài. Thằng Trung điên lên, mấy hôm liền đi lục xét lung tung trong ấp. Tụi lính trong đồn ra kích đầy các ngã ba. Chi tiếc không có lực lượng mà đánh.
Hồi hôm, thấy “lực lượng” về, Bảy Rỹ mừng rơn, nhưng anh chưa kịp vui thì đã buồn. Khi nghe nói cái ông hy sinh đó là ông trung đoàn trưởng. Trung đoàn trưởng chắc là sang đây nghiên cứu địa hình để đưa trung đoàn sang.
Chú bé và cô gái về vứt bồng đó rồi lại đi. Bảy Rỹ nằm chờ họ. Vui thì cũng chẳng phải, mà buồn thì cũng chẳng phải.
Có người nhiều hơn thì sao lại là buồn, nhưng người chết thì làm sao mà vui. Cô gái và chú em cứ như nhà có tang làm sao mà nói chuyện được.
Mãi gần sáng, hai người mới về cứ.
Bảy Rỹ vẫn ngồi chờ trên miệng hầm.
- Chú Ba ra sao rồi?
- Bọn tui ra chú đã tắt thở. Không còn được nói với chú một câu.
Ngồi im lặng mất đến dăm phút, Bảy Rỹ mới lại Hỏi:
- Bây giờ các anh, các chị tính sao?
- Chú hai bảo vào trong đó chưa được, anh có thể nhắn chị Ba cho em gặp được không?
Bảy Rỹ cười:
- Ông Hai ổng cẩn thận lắm, bây giờ trong ấp ai biết người ấy, không phải không tin nhau, nhưng mà một người khai ra là lộ hết. Đến như anh em hoạt động ngoài này, hầm ai nấy biết.
- Thì em cũng phải tin chị em chớ?
- Thà chị Ba biết cô thì được, chớ chị Ba biết ông Hai ở ngoài này, có móc với cán bộ là ổng không chịu.
- Vậy nhờ ai nhắn bây giờ?
- Để tui tính xem.
Sáu Trang nghe nói vậy thì giật mình. Hay là chị Ba lại có chuyện chi đó. Ông Hai Trụ cũng nói: để tính xem rồi đến bây giờ Bảy Rỹ cũng nói: để tính xem. Vậy là thế nào?
- Anh Bảy, em hỏi thiệt anh điều này...
- Cô cứ hỏi.
- Hay là chị Ba em có chuyện chi?
- Chuyện chi thì cũng chẳng có, nhưng dạo này trong đó nó làm ngặt lắm. Bây giờ nó lại bảo Trung Hòa không phải ấp loại A nữa. Đưa bình định về. Nhà nào có cán bộ thoát ly là nó chú ý. Chị Ba bây giờ đi ra ngoài này làm ruộng, nó có bố trí người kèm.
- Tụi bình định có đến nhà em không?
- Tui không rõ lắm.
Bảy Rỹ không nói nữa. Hình như ông Hai Trụ nói với anh là Ba Hồng sắp lấy thằng cán bộ bình định. Nhưng tin chẳng xác thực, nói ra Sáu Trang thêm lo. Với lại bây giờ tin thất thiệt cũng nhiều. Cứ như Bảy Rỹ nghĩ thì chị Ba Hổng là người tốt, chỉ tội chị non gan nên không đi hoạt động.
Sáu Trang và Hùng xuống hầm rồi Bảy Rỹ đi xóa hết dấu vết. Trời cũng vừa sáng.
Sáu Trang nằm trong hầm mơ mơ màng màng như tỉnh như mê. Có một đêm mà bao nhiêu là chuyện. Chú Ba Kiên mới hôm qua còn nói nói cười cười đó, vậy mà hôm nay đã không còn nữa. Rồi chị Ba của cô, chị Ba mà cô không đời nào có thể tin là thay lòng đổi dạ được, bây giờ cả ông Hai Trụ, cả Bảy Rỹ cũng đều nói với cô những câu nói úp mở không rõ ràng. An bây giờ không biêt ở đâu? Chú Ba Kiên bảo là anh ấy thương mình. Chú Ba Kiên đã định đưa ảnh xuống đây. Sao mà lắm chuyện chẳng may mắn cho mình một chút nào cả. Tối mai mình sẽ hỏi lại anh Thị, mình sẽ làm cách nào để móc với chị Ba? Sáu Trang nằm thϊếp đi, chẳng biết ngày hay đêm, sáng hay tối, mãi cho đến lúc Bảy Rỹ gọi trên miệng hầm.
Cái lều ông Hai Trụ bây giờ chỉ rộng bằng phân nửa cái nhà bếp cũ của ông. Vậy mà ông vẫn xếp dọn đàng hoàng, trải ni lông giữa nền nhà, bày ra bốn cái ly, một chai rượu đế. Thức nhậu là bánh cuốn, rau sống và thịt hộp.
Ông phân công Bảy Rỹ ra gốc ở bụi tầm vông, động thì ném một hòn đất. Có chi xảy ra cứ theo đường cũ mà chuồn. Còn để đó mặc ông. Bảy Rỹ là người ở đây, nhậu khi nào cũng được, còn tui chỉ tiếc bữa nay không có anh Ba.
Họ ngồi trong bóng tối. Mỗi người mỗi cái ly trước mặt. Chiều nay ông Hai mới nghĩ ra cuộc vui này, vì vậy chẳng chuẩn bị được đồ nhậu. Đã lâu lắm, ông Hai đi vào đi ra một mình, rượu không buồn uống. Ông Hai không ghiền rượu, nhưng uống vui những lúc bạn bè. Cũng có hôm buồn thì ngồi uống một mình, uống rồi đắp chăn ngủ.
“Tửu phùng tri kỷ ẩm”.
Uống rượu mà không có người tiếp chuyện thì bằng uống nước lã. Uống rượu vào mới nói được mọi suy nghĩ trên đời này. Uống với bọn trẻ tuy chưa phải là tri kỷ, nhưng dẫu sao, tụi nó cũng hiểu được lòng mình.
Ông buồn lăm, ngồi ở cái lều này đã chứng kiến bao nhiêu chuyện biến thiên của làng ấp. Ngày xưa từ đây đổ ra, nhà cửa san sát, vườn cây ăn trái san sát. Ngày xưa dân Đồng Lớn là dân “nhất hô bá ứng”. Đảng bảo đi dân công là đi dân công, Đảng kêu đóng quân lương là đóng quân lương. Thằng Mỹ vào hung hãn như vậy mà tụi thanh niên quần riết, đánh riết, chẳng làm gì nổi...
Lúc đó được vậy là vì lòng dân trăm người như một, còn bây giờ vào trong ấp chiến lược, nhìn đi nhìn lai, chẳng biết tin vào ai. Nay cho nó ăn, ngày mai nó chiêu hồi, chỉ điểm, nó dẫn lính về khui hầm bí mật trong nhà. Tụi thanh niên đi dân vệ, cầm súng, cũng rượu chè cờ bạc... Mấy thằng cán bộ hễ đυ.ng ác liệt là bỏ dân, dông tuốt, nghe yên yên lại xách bồng về tuyên truyền: Bung ra, bung ra... Các chú lấy gì các chú, bảo đảm cho tui bung ra. Tụi tui bung ra rồi súng rồi đạn rồi gạo nước lấy đâu ăn. Sao các chú không bảo vợ con các chú bung ra đi... Các chú còn biết dông tuốt sang bèn kia sông các chú ở các chú lại bảo bọn tui bung ra chịu bom đạn cho các chú à...
Có hôm nổi nóng, ông Hai Trụ đã mắng một cậu cán bộ như vậy. Ông biết nói vậy là quá lời. Nhưng là cán bộ thì phải khổ trước sướиɠ sau, chứ lại cứ núp sau lưng nhân dân mà làm cách mạng thì ai chẳng làm được.
- Thị à, tao cứ nhìn thấy lính Mười sáu là tao qúy. Lính mà chí cốt được như vậy là nhờ có những cán bộ như anh Ba. Tao qúy tụi bay ở chỗ tụi bay biết sướиɠ khổ với dân, sống chết với dân. Tụi bay từ ngoài đó vào, để được cái gì? Vậy mà tụi bay coi tụi tao như ba má... Tụi tao biết chứ. Những con người như anh Ba thiệt là lính Cụ Hồ, anh học được cái đức độ của Ông Cụ. Vậy mà…
Ông Hai khóc hu hu...
Một lát sau, ông Hai lại nói:
Có những người như vậy rồi dân mới tin, mà dân tin thì dân mới làm. Mà dân làm thì mọi việc đều xong. Chứ mầy tưởng thằng Bảy Rỹ đó thì tài ba chi. Tụi tao thương nó, tụi tao giúp nó bây giờ nó bám trụ được. Chỉ thương cái thằng Tư Quang, dạo nó vào ấp, nó hỏi ý kiến tao, tao cũng chưa biết tính sao, giờ nó nằm trên đó.
- Chú Hai à, phân khu giao nhiệm vụ cho con vào lại trong đó...
- Tao biết rồi, hôm qua mày đã nói, nhưng để tao tính đã.
- Có gì chú nói thiệt con nghe, hay là chị Ba con có chuyện chi...
- Mày bảo tao nói thiệt thì tao cũng nói thiệt. Nói là tao không tin chị Ba mày thì không phải. Chị Ba mày xưa nay vẫn là người một lòng một dạ với cách mạng... Lâu nay tao không biết nó ra sao? Bảo tao tin thì cũng không được. Chưa bảo lãnh được cho mày, đưa mày vào trỏng, có chuyện gì thì sao? Lâu rồi, cán bộ bình định ở trong nhà. Dăm ba bữa, nó gọi vào đồn rồi lại tha. Rồi nay người ta đồn tin này mai người ta đồn tin nọ. Đầu tao có không nghe thì tao cũng phải nhìn chừng. Thời buổi này ai dám phơi gan phơi ruột ra cho kẻ khác thấy hả Sáu. Đó, tao nói thiệt là vậy.
- Chú bảo tin đồn gì hả chú?
- À thì là nói vậy, rồi mày vào đó mà nghe. Tao chưa tin cho nên tao chưa nói. Nói là phải có suy xét:
- Vậy bây giờ con có nên vô trỏng không?
- Bây giờ vầy, mày phải nghe tao, mày khoan về nhà. Về trỏng, mày ở với bà Tám, rồi dần dần bà Tám bắt mối cho mày. Người nào tao bảo lãnh, tao nói người nào không thì thôi.
Ông Hai không nói, để con Sáu tự tìm hiển, vì ông bây giờ cũng đang phải tìm hiểu. Con Ba Hồng xưa nay có tiếng tăm gì. Nhưng gần đây bị bắt lên đồn, bị giam một chặp rồi thả về. Ít bữa nó lại gọi lên, lại thả. Ngày xưa Tư Qnang tuyên truyền nó đi cách mạng, nó bảo: tính tui nhát lắm, tui không như con Sáu. Thôi để tui ở ngoài Đảng, tui giúp chi được cách mạng tui giúp. Hắn đi buôn bán khắp nơi. Vậy rồi gần đây có tin hắn dẫm bọn lính ra đánh điểm ở mấy cái cứ du kích. Người trong ấp trông thấy tận mắt con Ba Hồng đi trước, tụi lính đi sau... Vậy là thế nào? Ông Hai không hiểu nữa.
Sáu Trang đứng dậy đi ra ngoài. Cô đi thẳng ra phía bụi tầm vông. Bên đó là nền nhà cũ của cô.
Đứng trên nền nhà cũ, Sáu Trang cô nhận ra chỗ này là cái bếp, chỗ này là cái hầm. Đây là nơi kê giường của má, đây là nơi kê giường chị Ba. Bờ chuối hay để lu nước vẫn còn đó.
Mấy lần trước, chạy vô ấp rồi, má vẫn dựng cái thum đây, bây giờ chẳng còn gì nữa. Cả dãy này cũng chăng còn dấu vết nào nữa, chỉ có những bụi chuối, bui tầm vông lưa thưa sót lai.
Ngày xưa, hồi còn nhỏ, cô chạy chơi ở bờ tầm vông. Sang kia nữa là nhà anh Thăng mù mắt. Anh hay đặt bài hát kháng chiên. Hồi ta đánh tàu Pháp trên sông Sài Gòn anh cũng đặt một bài hát, đến bây giờ Sáu Trang còn nhớ:
Cà xinh cà xinh
Kìa một l*иg cu
U u năm chiếc ghe chài
Chở đầy bơ sữa
Kéo đi Dầu tiếng…
Nghe nói bây giờ anh Thăng chạy ra ngoài ấp chiến lược đâu mãi bên Bình Dương, làm thầy bói kiếm được rất nhiều tiền.
Đó là thời đánh Tây, rồi sang thời đánh Mỹ. Làng xóm bao nhiêu là đổi thay, con người cũng bao nhiêu thay đổi. Chẳng lẽ chị Ba mình lại đi làm chỉ điểm, lại đi chiêu hồi. Thế nào mình cũng phải gặp chị Ba. Mình sẽ đào một cái hầm bí mật ngay ở cái bụi chuối kia.
Sáu Trang đứng đó, một mình trên nền đất trơ trọi. ông Hai ngồi trong thum nhìn sang, lầm bầm một mình:
- Tội nghiệp con nhỏ.