Đất Trắng

Tập 2 - Chương 4

Quang chia gạo trong ruột tượng ra làm hai nửa bằng nhau, một nửa bỏ vào bồng mình, một nửa giao lại cho Bảy Rỹ.

Anh mang theo một khẩu AK, ba băng đạn, giắt thêm ba trái lựu đạn vào thắt lưng. Thấy Tư Quang chuẩn bị ra đi, Bảy Rỹ buồn xỉu:

- Gạo trong ruột tượng còn năm lon, để dành mà ăn, nếu có ra chỗ chú Hai thì phải cẩn thận, bọn Mỹ nó phục ở ngoài đường bò. Chú dặn hôm nào không có cái lu nước ở bụi tầm vông thì đừng vào.

- Anh Tư đi bao giờ về?

- Nếu không móc được quân ủy thì tìm Mười sáu. Nhanh chậm gì thì cũng dăm ngày. Ở nhà ăn ở phải hết sức cẩn thận. Cái cứ này lộ thì không còn nơi nào mà ở nữa đâu.

Từ hôm dời cứ đến gần sát bốt Trung Hòa, đêm đến Tư Quang và Bảy Rỹ chui từ hầm bí mật lền, lần ra hố bom múc nước rồi lấy hai tấm ni lông quây lại nấu ăn. Nấu xong, chôn hết tro, rải lá khô lên chỗ đất vừa nấu, xóa hết dấu vết. Họ nấu mỗi ngày một bữa, ăn xong, nắm một nắm cơm bằng quả trứng gà, buộc vào miếng vải dù, giắt ở thắt lưng, đề phòng chạy càn.

Mỗi lần đi ngoài, họ phải lấy xẻng đào hố lấp phân, phủ cỏ và lá khô. Gần tối, hai người đội hầm lên, trèo cây nhìn xem có lính ở đâu không, rồi chia nhau đi tìm móc cơ sở. Theo tin ông Hai Trụ cho biết thì hầm Đảng ủy xã hôm ấy có 8 người, bị nó đánh điểm, hy sinh gần hết, còn đồng chí bí thư và một du kích nữa không biết đi đâu.

Tư Quang chỉ có một địa điểm liên lạc là nhà ông Hai Trụ. Có bữa ông ra, có bữa ông ở trong ấp. Ra Đồng Lớn lần nào cũng đυ.ng địch. Còn vào trong Trung Hòa thì Tư Quang chưa nắm được tình hình. Nghe nói thằng Trung cấm bà con tối không được ra khỏi nhà và cho lính gài trái chung quanh hàng rào kẽm gai, bọn dân vệ thì đi gài trái trong ấp, trước cửa từng nhà một. Bọn bình định áo đen đóng đầy ấp. Ban ngày về “ba cùng” với đồng bào. Ban đêm rút ra trụ sở.

Nó quy định vùng “tím” và vùng “đỏ”. Từ Rừng Làng trở ra là “vùng đỏ”. Bom pháo tự do. Từ Đồng Lớn trở vào là “vùng tím”. Từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều, bà con muốn ra đó sản xuất phải mặc áo trắng, từ 4 giờ trở đi nếu ra đó vướng mìn, trúng pháo nó không chịu trách nhiệm.

Ông Hai Trụ bảo Tư Quang:

- Tinh thần cách mạng mấy mà nó làm riết rồi cũng chùn. Dân Củ Chi nổi tiếng từ hồi chín năm, vậy mà bây giờ nó ép quá, cơ sở “sắp” chết “sắp” bỏ đi, trắng tay còn gì nữa đâu. Tụi bây đừng lấy “lòng dân không” ra mà đánh giặc, phải có súng, có đạn, có chủ lực, có địa phương thì tụi tao mới trụ được chớ.

Vậy là Tư Quang quyết định đi sang bên kia sông. Nếu không móc được quận đội thì móc Mười sáu.

Anh Tư à!

- Cái gì vây?

- Nếu như năm ngày nữa anh Tư không về thì làm sao?

- Thì bảy tám ngày.

- Giả dụ như bảy tám ngày anh Tư cũng không vể...

Trước đến nay Tư Quang chỉ biết làm việc của anh, còn anh không nghĩ rằng nếu anh có sao thì mọi việc ai lo. Như ông Hai bình toong đó, bây giờ Đảng ủy xã tanh banh, ông chẳng để lại cho anh một lời khuyên bảo. Nhưng nghĩ cho cùng rồi anh sẽ tìm cách mà làm. Tất nhiên ở xã này. nếu đồng chí bí thư chết đi thì anh phải thay chứ còn ai nữa.

Và nếu anh có chết thì thằng Bảy Rỹ phải gánh vác lấy công việc làm thì tự khác phải nghĩ. Nghĩ rồi mới ra. Chứ anh có hơn chi Bảy Rỹ?

Ba anh là du kích hồi chín năm, hy sinh trong trận đánh tàu trên sông Sài Gòn từ những năm 50. Anh lớn lên, đi chăn trâu ở Rừng Làng. Khi bộ đội tập kết ra bắc, anh đã biết gì đâu? Vậy mà cán bộ về móc cơ sở, đưa anh đi hoạt đông, vào du kích, rồi đồng khởi, cho đến bây giờ... Nhưng dầu sao thì Bảy Rỹ vẫn non trẻ quá mà anh cũng quên chưa dặn nó những điều cần thiết.

Nếu như tám, chín ngày chi đó mình không về, thì cậu phải tính liệu lấy công việc. Cậu lại phải sang móc “Mười sáu", bàn bạc với họ xem sao? Thằng Đực, thằng Re ở bên đó, có điều kiện đưa nó về. Rồi dần dần, móc chú Hai vô ấp lấy gạo, cách chi rồi quận ủy, quận đội cũng phải bắt liên lạc với mình.

- Nếu mất liên lạc với cả quận đội, quận ủy mãi thì tính sao?

Câu hỏi của Bảy Rỹ khó trả lời thật. Thì chính bây giờ anh cũng phải suy nghĩ đó.

- Mày hỏi tao nhiều quá vậy làm sao tao trả lời được, mày không thấy tao cũng đang búi xùi lên đấy à? Đến đó rồi nghĩ ra mà làm chớ. Xưa nay ai đã đánh Mỹ bao giờ mà biết? Đã thấy bao giờ giặc đem máy ủi ủi đất như bây giờ chưa? Phải nghĩ mà làm, chớ ai nghĩ thay cho mày được? Có điều thà chết thì thôi, còn sống còn phải tìm cách đánh nó, chuyện gì ở nhà cứ bàn với chú Hai.

- Thôi, nói vậy chứ anh đi đi, anh đi rồi chóng mà về.

A, tao quên dặn mày điều này, nếu ở nhà có động, phải bỏ cứ đi, thì nhớ ra móc chỗ chú Hai, cho chú biết, để có gì tao còn liên lạc.

Tư Quang đi rồi, Bảy Rỹ ngồi bải hoải. Khả năng Tư Quang trở về chỉ có 50 phần trăm. Vậy thì anh phải tính sao đây. Anh Tư ảnh nói đúng, phải nghĩ cách ra mà làm. Có làm rồi đây cũng phải đánh một trận, ví dụ đánh bọn đi phục. Hay là thử một chuyến vô ấp. Nhưng vô rồi làm gì nữa. Bảy Rỹ nhìn ruột tượng gạo và anh nhớ ràng dẫu có tiết kiệm thì anh cũng chỉ còn năm ngày để ăn nữa thôi.

Ngồi một mình, Bảy Rỹ lấy súng ra lau, mở từng băng đạn ra đếm. Mấy quả da láng vẫn trơn bóng. Kể ra với nấy súng nấy đạn, đánh dè đánh xẻn thì cũng còn được lâu. Bây giờ bên cạnh anh, chỉ có khẩu súng là bầu bạn.

Tư Quang không theo một con đường mòn nào cả mà cứ cắt hướng ra lộ Mười lăm, đi tắt ngang giữa những cánh đồng bỏ hoang đã mọc đầy cỏ. Hai đêm nay bên kia bờ sông, chúng nó đánh B.52 liên tục. Hôm bộ đội đánh ủi ở làng. Tư Quang có ra tìm nhưng chỉ gặp toàn Mỹ. Đến khi vòng qua được cụm xe chốt giữa cánh đồng thì trận địa đã vắng ngắt. Đơn vị rút và mang hết thương binh tử sĩ đi từ bao giờ. Tư Quang định đuổi theo, nhưng sợ ở nhà Bảy Rỹ trông, nên đành trở về.

Anh đoán nhất định qua sông rồi họ phải ém lại gần lộ Mười bốn. Bên đó, mấy hôm nay máy bay trinh sát lượn hoài, “Ép” cắt ngang, cắt dọc, B.52 đánh bom suốt đêm. Thế nào cũng còn có đơn vị bám trụ ở đó.

- Tìm Mười sáu rồi tính sau.

Nghĩ vậy, khi đến bờ sông, Tư Quang nhằm lúc B.52 vừa ném bom bên kia xong, bơi một mạch sang sông, vượt qua lộ Mười bốn.

Qua lộ, anh nhắm theo hướng bom pháo nhiều nhất cắt tới. Trước mặt anh là bãi B.52 còn bốc mùi khói bom. Cắt dọc theo hướng bom đánh, khu rừng vẫn im phăng phắc. Tư Quang biết trước kia ở gần đây có một cái cứ. Đã đến đây, anh cũng phải vào xem sao. Nếu đi rồi, bộ đội cũng phải để lại dấu vết.

Bộ đội vừa mới dời đi chưa lâu. Những căn hầm còn sạch lắm. Anh đi quanh một vòng chẳng gặp ai, tất cả im lặng trang.

Đêm nay là đêm thuận lợi nhất cho việc đi lại. Có B.52 ném bom thì dứt khoát không có biệt kích. Nếu móc được quận đội hay Mười sáu trong đêm thì chỉ tối ngày mai, hoặc tối ngày kia anh có thể trở về được.

Có thể gọi cả thằng Đực và thằng Re về, dầu sao bây giờ Tư Quang cũng đã có cái cứ tạm yên trong ít lâu. Chỉ có chuyện khó khăn là gạo và đạn, lần này phải xin trung đoàn một ít.

Anh nhìn đồng hồ, đã ba giờ sáng. Phải ráng thêm một đoạn nữa. Trước mắt, cách không đầy một tiếng, còn một cái cứ nữa mà trung đoàn hay đóng. Nếu đến đó không gặp nữa thì đi tìm quận đội.

Tư Quang vừa xốc bồng đứng lên thì lại nghe tiếng ì ì từ xa. Anh nhìn lên trời. Ba chiếc B.52 xếp hàng chéo cánh xẻ đang tiến dần về phía anh, nhả ra ba hàng khói trắng thẳng tắp.

Chả nhẽ nó lại đánh đây một lần nữa.

Anh vừa kịp nghĩ vậy thì bỗng chiếc máy bay đi đầu rẽ sang ngang một bên. Tiếp đó những ánh chớp lóe lên đỏ rực trên không. Bom rú ào ào, rơi xuống những giọt lửa khổng lồ, chạm đất bắn tung lên, và chỉ trong chốc lát, Tư Quang bị cuốn đi trong cơn lốc cát bụi. Chỉ còn cách cái hầm mươi mét mà không làm sao tới được.

Một làn gió mạnh bốc anh lên và ném cả người lẫn súng xuống dưới lòng một hố bom.

Khi Tư Quang tỉnh dậy thì bầu trời đã trong vắt. Anh cựa mình, đất từ trên thành hố bom rào rào đổ xuống Tư Quang nhớ ra những gì vừa mới xảy ra, định chống tay ngồi dậy, bỗng thấy đau nhói.

- Bị thương rồi!

Anh đưa hai tay ôm đầu gối nhấc nhẹ chân phải lên. Cái ống quần tướp xơ và bê bết máu.

Một làn gió lạnh chạy suốt xương sống Tư Quang. Anh run rẩy mãi mới rút được cuộn băng ra. Tự băng xong vết thương thì Tư Quang mệt lả. Cái bồng và khẩu súng rơi ngay bên cạnh, vậy mà quờ quạng mãi, anh mới lấy lại được.

Tư Quang cắn răng bò lên miệng hố, tựa lưng vào gò mối ngồi nghỉ. Đưa tay lên xem giờ, đồng hồ đã chết. Kim phút và kim giờ đã chập nhau ở số 3. Vậy là bom đánh lúc 3 giờ 15. Có thể bây giờ sắp sáng.

Đi đâu bây giờ?

Làm gì bây giờ?

Bãi bom B.52 mênh mông mà anh không còn chân để đi nữa. Nếu không bị thương thì anh có thể kịp về đến cứ Đắc Un trước lúc sáng. Nhất định máy bay “cán gáo” sẽ lên ghé mũi kiểm tra từng căn hầm một, cũng có thể chúng đổ quân ở đây.

Thằng Bảy Rỹ bây giờ ở nhà đang làm gì nhỉ, chắc là nó phải lo lắm. Nó đang tính ngày, chờ mình trở về. Còn mình bây giờ tất cả chỉ chờ ở sự may rủi.

Những ngày sống ở cạnh bốt Trung Hòa dầu vậy vẫn còn anh, còn em, còn người để than thở trò chuyên với nhau. Đêm đến, chui lên khỏi hầm, Tư Quang còn được nghe Bảy Rỹ nói thầm thì bên tai, nó trèo lên bụi tre, nhìn ra bốn phía, rồi tụt xuống tâm sự với Tư Quang. Nó nằm nhai gạo rang rốp rốp. Tư Quang mắng: “Gạo rang dể dành, nhai bậy bạ hoài hết lấy chi chống đói”. Hắn cười nhăn hàm răng thưa như răng chuột:

- Lo chi anh Tư, hết gạo em đi đào củ, em biết có nơi nhiều củ lắm.

Giá như có thằng Bảy Rỹ bên cạnh bây giờ, nó sẽ cõng xốc anh lên chạy qua bãi B.52 trong một loáng. Nó sẽ cười sẽ nói nghe tiếng nó đã ấm lòng, thấy vững trong bụng dầu cho có đứng cạnh cái chết thì có hai người, anh cũng thấy đỡ lo hơn. Mình đã vậy, còn thương bằng Bảy Rỹ ở nhà. Nếu như không có mình về, nó buồn biết bao nhiêu. Nó sẽ tính liệu sao đây?

Dầu sao thì cũng phải tìm cách đến cho được đơn vị bộ đội. Ít ra cũng phải nói cho mọi người biết là ở cạnh bốt Trung Hòa đang có một thằng du kích của Đồng Lớn trụ lại đó.

Tư Quang nhìn phía trước, ướm con đường sắp phải vượt qua. Chao ôi! Vượt lên sự ác liệt hình như không gian khổ bằng vượt lên sự cô độc. Cái bãi B.52 đối với Tư Quang bây giờ rộng mênh mông.

Trong cuộc chiến đấu này, lại chỉ có một mình anh. Một mình anh vượt qua sự chết chóc. Một mình anh tìm cho ra đơn vị. Một mình anh chịu trách nhiệm với anh những việc phải làm, phải làm cho bằng được. Một mình anh đang tiến hành một góc cuộc chiến tranh, im lặng, nhẫn nại, không cần biết một cái gì ngoài sự chiến thắng.

Tư Quang nằm sấp, quàng bồng phía sau lưng, gác chân bị thương lên trên chân lành, hai tay cầm khẩu súng ngang trước mặt, bò đi. Cứ bò qua được một hố bom, trước mặt anh lại hiện lên một hố bom khác. Bò rất lâu rồi, khi quay lại nhìn phía sau vẫn thấy cái gò mối, nơi anh tựa lưng ngồi nghỉ còn đó, quãng đường mà anh vượt qua chẳng đáng là bao nhiêu.

Thời gian thật ngắn đó, không gian thật ngắn đó đối với anh bây giờ như được kéo ra vô tận. Có lúc, gục đầu trên cánh tay, anh đã toan mặc hết sự đời, nhưng rồi nhớ đến cái cứ du kích, nhớ đến Bảy Rỹ, nhớ đến chú Hai Trụ, nghĩ đến buổi sáng mặt trời lên, nằm phơi mình giữa bãi đất trong mênh mông này, anh lại cố gắng bò đi.

Nếu khống may “cán gáo” hạ xuống, trong đó lại có thằng đại úy Trung thì sẽ sung sướиɠ biết bao nhiêu. Trước hết nó sẽ khoét một con mắt của anh để trả thù, rồi theo như nó nói: “Nếu bắt được thằng Tư Quang, nó sẽ khoét mắt rồi mổ ra xem cái gan nó lớn chừng nào?”

Nằm lại đây là chết, là bị bắt. Chỉ cần ngất đi trên cánh tay một lúc. Những chuyến máy bay B.52 cứ mười lăm, hai mươi phút lại bay qua, lại ném bom. Nó ném xa dần lên phía trên. Bên này sông nó cũng đang dọn bãi, rồi cũng sẽ càn, sẽ ủi như bên kia sông. Giữa lúc thế này mà cứ bò lết giữa bãi bom B.52 thì thật vô nghĩa.

Sức vóc của Tư Quang là vậy mà bây giờ mệt lả, khát đến khô cổ họng. Cứ qua hết hố bom này, trước mát anh lại hiện lên hố bom khác... Lúc bom đánh là 3 giờ 15. Vậy ít nhất bây giờ phải là 4 giờ sáng. Bốn giờ thì không sao vượt được bãi bom, không sao vượt được con đường bò trước lúc trời sáng.

Tư Quang muốn xuống một cái hầm nào đó, nhưng lại sợ chúng nó đổ quân rồi sục vào những căn hầm còn sót lại.

- Hay là phải lăn xuống một hố bom rồi tự vùi mình xuống dưới đất?

- Sức đâu, sức đâu mà bò lên, sức đâu mà bò xuống? Sức đâu mà bươi đất phủ kín mình?

Trước cái chết và cái sống lại vẫn chỉ có một cách giải quyết: vẫn phải tiếp tục bò đi thôi. Qua khỏi một hố bom. Rồi một hố bom nữa. Anh bỗng nhìn thấy mờ mờ dưới lớp bụi đỏ, những lùm cỏ thấp. Đến gần thêm, anh nhận ra lùm gai măc cỡ bị B.52 đánh đang xếp lá ủ rũ. Tự nhiên như được tiếp thêm sức mạnh, Tư Quang nhàm hướng đó lết tới.

Tư Quang chọn một bụi rậm nhất, quay báng súng gạt ra một lối vừa đủ chui lọt. Anh cởi bồng, và đẩy tuột vào trong rồi xoay người bò thụt lùi vào. Xong xuôi mọi việc, Tư Quang thò đầu ra nhìn lại một lần cuối địa hình chung quanh, đưa tay xóa hết dấu vết rồi kéo dây gai mắc cỡ phủ lên như cũ.

Nằm lọt dưới lùm gai mắc cỡ rồi, tạm thời coi như yên tâm, ít ra thì cũng trong một ngày. Sẽ chẳng còn thằng địch nào trông thấy, sẽ chẳng còn cái cán gáo nào quạt tung bụi gai lên được. Nhưng khi cái chết trước mắt giống như tạm thời lùi xa, thì lại có một sự lo sợ vô hình trải ra, bao quanh. Một cái chết mơ hồ, lởn vởn tràn đến trong giấc mơ. vẫn chỉ có một cách là phải vượt qua bãi bom này.

Vừa mệt, vừa đói, vừa khát, buông súng ra, anh không cưỡng nổi, nằm úp mặt xuống đất, lịm đi.

Tư Quang nghe mơ mơ màng màng có tiếng súng, rồi tiếng máy bay. Có thể chúng nó càn ở đâu đây, gần lắm. Tối nay mình sẽ phải bò về hướng đó, nhưng thôi kệ, cứ nằm cho qua một ngày. Nóng rát ở sau bắp chân, sau gáy, xoay ghiêng người lại được một lúc, thì xoay ngửa, nằm phía nào cũng ê ẩm, vậy rồi lại lịm đi.

Mãi cho đến chiều tối, gió động nổi lên ầm ầm, bốc cát bụi ném vào đầy mặt đầy mũi, Tư Quang mới thực sự tỉnh dậy. Mây đen kéo kín trời, sấm chớp ầm ẩm. Trận mưa giúp anh đi sớm hơn.

Tư Quang lấy tấm ni lông nhỏ bọc lại vết thương và mở tấm ni lông lớn ra lấy nước, xong đâu đấy nằm ngửa mặt lên nhìn trời. Chỉ một lát sau, trời tối sầm, gió từ phía sông Sài Gòn thổi lên ù ù tạt ngang những giọt nước quất vào mặt vào tay, lúc đầu còn mát, nhưng sau dần ngấm vào da thịt. Lạnh! Tư Quang rùng mình một cái rồi run lên bần bật. Biết rằng nằm lại là chết, anh cắn răng khoác bồng gác chân đau lên chân lành và mặc cho mưa xối xả, cứ nhằm hướng con đường bò trước mặt lê tới. Có tiếng đại bác nổ lẫn trong tiếng sét. Đạn rơi chỗ này một quả, chỗ kia một quả chẳng theo phương hướng nào cả. Những quả đạn đó là đạn của bọn gái điếm trong đồn bắn. Người ta bảo tụi gái điếm đùa chán chê với bọn lính rồi cũng xin bắn đại bác. Chúng nó bắn chẳng có mục tiêu nào. Khi quả đạn bay đi rồi, các anh, ả lại ôm nhau cưòi ngặt nghẽo. Anh em du kích gọi những quả pháo nổ lung tung như thế là “pháo đĩ”.

Vẫn mưa ào ào, lết đi được vài mét lại phải ngừng lại vuốt mặt. Cứ đi hoài tới phía trước: chẳng còn cách nào khác. Đơn vị đêm nay nhất định phải hành quân, cả ngày bom pháo ở hướng đó. Mà dầu cho đơn vị không đi nữa, và cứ cho mỗi giờ bò được nửa cây số thì chưa chắc gì sáng ra đến nơi. Rồi đêm mai họ lại đi. Cuộc đuổi theo này liệu đến bao giờ thì kết thúc? Hay rồi khoảng cách lại càng ngày càng xa ra cho đến lúc anh kiệt sức gục xuống bên một lề đường?

Ngày xưa, ba má anh nuôi con rất khó, vì vậy đặt tên anh là Quang. Sau má đem anh đi bán cho nhà chùa. Lớn lên, hễ nói gì phỉ báng thần phật là bị má rầy. Má bảo bản mệnh anh có thần phật phù hộ. Bây giờ anh cũng chỉ ước có thế.

Đêm nay mưa lớn vây rồi Bảy Rỹ có biết xem lại cái nắp hầm không? Mưa là dễ làm lộ các dấu vết trong cứ lắm. Cứ phải tiếp tục bò đi, dừng lại một lúc là sẽ lịm đi mất...

Con đường bò trắng nhờ nhờ hiện ra trước mắt. Sự phấn chấn làm cho anh khỏe ra thêm một chút.

Đến mí đường, Tư Quang ngừng lại tính toán. Qua con đường rồi, lại phải tiếp tục bò trên một bãi bom B.52 có thể còn dài hơn bãi bom vừa rồi. Bãi bom đó lúc bình thường chẳng đáng là gì. Vậy mà bây giờ anh đâm do dự: sức thì kiệt rồi mà trời thì sắp sáng. Ở dọc đường có một lùm gai mắc cỡ nào để núp nữa không? Hay là cứ liều. Trước cái chết thì chỉ có liều...

Có một hòn đá hay hòn đất rơi bên cạnh. Anh nằm im. Cái gì vậy thế này? Có một con vật nào ở đây? Lại một hòn đất nữa bây giờ ném trúng người anh. Hay một người nào đó làm dấu hiệu riêng cho mình là có biệt kích?

Anh đang định bò thụt lại thì có một tiếng quát rất nhỏ ở phía sau: Nằm im! Anh biết ngay là tiếng người mình và buông súng nằm nhoài xuống, gần như ngất xỉu.

- Xác chết à?

- Không, bị thương, có bồng, có súng.

- Có lẽ là du kích.

- Cậu nào mang giùm cái bồng.

Bị xốc lên vai, Tư Quang khẽ rên lên một tiếng.

- Đồng chí ở đơn vị nào?

- Ôi đau quá, cái chân...

- Chịu đau một chút, chốc nữa vể đơn vị thay băng, đồng chí ở đâu?

- Tôi ở Đồng Lớn.

- Du kích à?

- Đi đâu mà sang đây?

- Tôi sang tìm quận ủy. Bên ấy các cơ quan tróc hết rồi.

- Biết ông Hai bình toong không?

Nghe nói đến Hai bình toong, Tư Quang tỉnh hẳn:

- Tôi đi tìm ổng...

Hai người đi cạnh Tư Quang nói gì với nhau, rồi không thấy hỏi nữa.

- Đồng chí nào có nước...

- Ráng chịu một lúc.

Một cậu bộ đội nói tiếng miền Nam, chắc còn nhỏ tuổi đến phía sau Tư Quang:

- Chú tìm ông Hai bình toong chi vậy?

- Không phải việc của mày, đừng có bép xép.

Tư Quang bây giờ đã tỉnh hẳn, vậy là những người này chắc có biết đồng chí bí thư Đảng ủy, chắc đồng chí ấy lên quận ủy rồi gặp cả trung đoàn Mười sáu ở đây. Thôi, vậy là yên tâm.

Tư Quang nói với người đang cõng mình:

- Các đồng chí có gặp chú Hai, nhờ nhắn cho tôi báo cáo tình hình.

- Đồng chí cứ yên tâm, chúng tôi là bộ đội Mười sáu đây.

- Ối chú Ba!

- Thủ trưởng!

- A! Thằng nhóc!

Mọi người chào nhau rối rít:

- Suỵt, khẽ chứ! Trời ơi, tao vòng một vòng quanh trái đất, đi hết bản đồ phân khu một mới tìm về được đến đây. Anh Dũng đâu? Thôi, bây giờ tụi bay lo cấp cứu cho các đồng chí thương binh này đã rồi bố trí hầm hố cho anh em. Sáu Trang về đây lúc nào đó. ôi, con nhỏ, tao nhớ mày muốn chết.

- Cháu cũng nhớ chú muốn chết.

Cô con gái nói rồi cười khúc khích.

An đứng trong bóng tối, muốn kêu lên một tiếng hoặc bước ra chào hỏi một câu, nhưng lại thấy đông người nên anh đành buồn bã đặt bồng ngồi xuống, nhìn mọi người.

Chỉ một lúc sau tất cả đã vây quanh Tư Quang, vết thương của anh được mở ra rửa nước sạch băng lại, vẫn cái Sáu Trang trong đám đông:

- Hết cả sữa rồi, để em đi nấu cho ảnh bát cháo.

- Còn đường không?

- Hết nhẵn, ba hôm nay ở nhà ăn củ.

- Còn gạo trong bồng ấy, Thị lấy gạo cho nó nấu cháo.

Xưa nghe vậy đập vào cái ba lô cóc:

- Em còn sữa đây.

- À, thôi, đúng rồi, thằng nào đi đun nước đi. Thằng Xưa còn Điện Biên bao bạc, chè Sông Hương chính cống Bắc Kỳ nhá. Đấy thủ trưởng thấy không, tôi đưa nó về trung đoàn có phải đúng lúc không nào.

- Thôi phân tán về các hầm đi, đừng tập trung ở đây, hết mưa rồi pháo nó chần cho cả lũ đấy.

- Tôi phân công: đồng chí An sang hầm quân lực, Xưa và Hồng hầm tác chiến, còn nữa thì sang hầm thông tin. Đây, chia mỗi cậu một điếu thuốc, thiếu hút chung, về hầm chuẩn bị chỗ ngủ rồi sang đây lĩnh trà.

- Ông Thị khôn thật, thằng Xưa ông phân ngay vào hầm ông thì công tao “đạo diễn” nó về đây, tao phải được ưu tiên điếu thuốc chớ.

- Mọi người lục tục phân tán. An muốn ở lại nhưng không tiện, đành mang bồng đứng dậy.

Đi được mấy bước, anh nghe tiếng bước chân phía sau. Sáu Trang vừa đi vừa nói với mọi người mấy bước.

- Các anh trông chừng anh ấy một lúc, em đi nấu cháo.

An bước chậm lại cho Sáu Trang đuổi kịp:

- Anh An, anh về mà không chào ai một tiếng.

Đã đến lối rẽ, lại có người, An lúng búng:

- Thì mọi người đang nói, tui xen vô chi.

Sáu Trang đứng sững, rồi bỗng phá lên cười:

- Vậy thì em cũng đang bận, phải đi nấu cháo, em khỏi chào anh.

Phía trước có người đi lại càng làm cho An lúng túng thêm:

- Không chào thì thôi!

- Được nghen.

Nói xong Sáu Trang chạy biến, còn An kêu lên thảng thốt:

- Cô Sáu.

Sáu Trang cắm cổ chạy. “Cô Sáu”. Cô cần gì cái tiếng kêu “Cô Sáu” ấy. Vậy là suốt mấy tháng trời xa cách, họ gặp rồi để bực bội với nhau.

Cái đèn “lò xo” để trong lon sữa bò soi một quầng sáng lên bàn trà. Tư Quang bây giờ đã được lau người, băng bó vết thương, nằm trên võng. Dưới đất, trên tấm ni lông, là bàn trà dã chiến.

Ông Ba Kiên hỏi Tư Quang:

- Anh Tư đi dưới ấy lên từ hôm nào?

- Báo cáo thủ trưởng, tôi đi hôm qua.

- Vậy là cùng sang sông với tụi mình.

- Sang sông lúc có B.52.

- Thế anh Hai bình toong đi không dặn gì lại với ông à?

- Tôi sang Dân Hàng tìm không được, lại vô Trung Hòa sau mới về sang đây.

Tư Quang kể chuyện, thỉnh thoảng ông Ba Kiên mới hỏi một câu. Vậy là ông hiểu, thằng cha Hai bình toong nhất định chạy trốn lên biên giới rồi. Ông đã dặn anh em đừng nói chuyện Hai bình toong vói Tư Quang và ông cũng không đả động gì đến chuyện đó. Thà cho đồng chí bí thư chết quách đi trong tưởng tượng của Tư Quang còn hơn, nói làm cái gì?

- Vậy chắc anh Hai ảnh bị cái hôm địch càn vào cứ, hoặc lúc qua sông.

Sáu Trang bưng bát sữa đến. Ông Ba Kiên xoay ngọn đèn về phía Tư Quang.

- Mày về đây làm gì thế Sáu Trang, hay lại theo bọn tao vào Sài Gòn lần nữa.

Sáu Trang bón cho Tư Quang một thìa sữa, rồi mới trả lời.

- Nhiều chuyện lắm chú Ba ơi, phân khu giao cho cháu về lại vùng sâu. Xuống gặp quận đội, quận đội cũng đang bê bối, cháu sang đây định bám đơn vị về bên đó.

- Quận đội sang bên này sông à?

- Tróc sang đây, đang định quay lại thì hôm trước nó càn vào…

Tư Quang xen vào:

- Bây giờ cô biết quận đội ở đâu không?

- Không biết, em mới chạy sang đây. Anh Hai ở trong Trung Hòa à?

- Tôi thứ tư, tôi người Đồng Lớn.

Tư Quang nghĩ mãi, hình như anh đã gặp cô gái này ở đâu.

- Anh biết chị Ba em ở trỏng không? Ba Hồng ấy mà.

Quang à một tiếng, quen chị Ba em à?

- Lần nào vô mà tôi không vô nhà? Chị Ba nhắc cô hoài.

Chị Ba Hồng ở trong ấp chiến lược Trung Hòa ngày trước vẫn hay ra cứ du kích Tư Quang chơi. Chị thường đánh xe bò đi lấy củi trong Rừng Làng. Nhiều bữa chị ăn trưa luôn trong cứ. Thì ra cái cô em gái mà chị Ba vẫn thường khoe với mình đây. Con em gái mà chị bảo là bà má sinh dưới rạch hồi đi chạy càn, khi đưa lên mình mẩy bầm tím, vì vậy cho nên bây giờ nó gan cùng mình.

- Cô Sáu lâu không về trỏng?

- Lâu rồi, chả biết má với chị Ba em bây giờ ra sao?

- Dạo này cô có gửi đạn về cho chị Ba nữa không?

Sáu Trang ngừng bón, rồi quay đi, không nhịn được cười:

- Chị Ba chỉ nói ba láp. Chi có chuyện lựu đạn.

Vậy là đúng rồi. Cô Sáu Trang mà Tư Quang chưa biết mặt đây. Chị Ba kể rằng: Có hôm nó gửi về cho chị một cái hăng gô. Chị mang thấy nặng, về nhà mở ra thì thấy hai trái “da láng”. Chị hết hồn, hết vía. Chị bảo nó:

- Mày có còn để tao sống tao nuôi má, nuôi con không hở Sáu?

Nó nhăn răng cười.

- Em biết nó không đời nào khám chị, chị nhát, nói chị biết chị mất bình tĩnh, em để vậy cho chị yên tâm mang về.

Tư Quang ngắm Sáu Trang. Cô chẳng giống chị Ba Hồng của cô chút nào, mắt chị Ba màu nâu, mắt Sáu Trang màu hạt nhãn.

- Ăn đi anh Tư, anh nhìn chi kỹ vậy.

Có tiếng bưóc rất nhanh rồi một bóng người cao lớn bước ào xuống. Ông Ba Kiên nhận ngay ra bước chân ông Dũng và quay phắt lại. Hai người ôm chầm lấy nhau:

- Trời ơi, tôi tưởng biệt kích nó lấy họng ông rồi.

- Tôi cũng biết kỳ này ở nhà ông chạy vãi đái ra nên phải cố gắng đi về thật sớm, để cùng vác bồng chạy với nhau cho vui.

- Thằng Canh chết rồi!

- Tui biết.

- Thằng Nghĩa có lẽ cũng chết.

- Tui biết chuyện nó bị bắt vào Trung Hòa...

Ông Ba Kiên kéo ông Dũng ngồi xuống:

- Còn chè Thanh Hương miền Bắc pha một ấm thật đặc vào cho chính ủy uống đi Xưa.

- Chè của Miền à?

- Miền làm gì có. Họp chưa xong thì chuẩn bị chạy càn, mẹ cha cái thằng Tám Hàn. B.52 đánh trúng phóc căn cứ. Bộ chỉ huy cũng chạy muốn chết.

- Vậy thì chè đâu ra?

Ông Ba Kiên quay lại kéo tay thằng Xưa: ông coi có được không? Con trai tui ở miền Bắc mới vào gặp giữa đường đưa về.

Bố con gặp nhau, thôi mai phải nấu một bữa củ mài rõ nhiều mà ăn mừng mới được. Sao? Cháu có biết bố cháu ở đâu không mà tìm về. Không phải à?... A, a, trung đoàn trưởng nói dóc, trung đoàn trưởng ăn cắp lính của Miền nhé! Tội này thì đáng tù rồi.

Trong khi ông Ba Kiên nói chuyện vối ông Dũng thì Sáu Trang vừa bón sữa vừa giới thiệu với Tư Quang:

- Cái chú mới vô sau là chính ủy, còn chú nói chuyện với anh là thủ trưởng trung đoàn đó.

- Tôi có quen Mười sáu, nhưng chỉ quen các anh dưới đại đội. Chú Hai Trụ nói có gặp trung đoàn thì đề nghị họ về dưới.

- Họ muốn về lắm, riết một nỗi không có chỗ ở. Lần trước em có gặp chú Hai.

- Cô cũng định về bển?

- Em sang đây móc trung đoàn tìm cách về không biết được không?

- Vế bển nhiều chưa được đâu.

- Vậy các anh ở đâu?

- Tụi tôi có hai đứa, vô sát trong bốt nằm...

Từ khi được Hùng cho hay Tư Quang là du kích Củ Chi thì thằng Xưa bám riết anh, ngồi kề sát bên võng, giỏng tai nghe anh nói chuyện. Chờ cơ hội thuận tiện, cậu ta đưa cho Tư Quang một điếu Điện Biên:

- Thuốc lá miền Bắc đây!

Tư Quang định hút lại thôi.

- Tôi để đành cho thằng Bảy Rỹ.

- Anh cứ hút đi, đây vẫn còn mà.

Xưa lại rút một điếu thuốc nữa, bật lửa châm cho Tư Quang.

- Em có muốn xuống dưới Đồng Lớn với chị không? Anh Tư ở dưới đó.

Thằng Hùng:

- Chị Sáu cứ rủ rê người lung tung, thằng Xưa xuống đó lờ quờ “đầu đỏ” nó “cảo” cho mà chết.

- Coi bộ ông tướng làm phách không?

Ông Ba Kiên quay lại:

- Này đừng có mà rủ rê con người ta, tau đã có chỗ sắp xếp cho nó rồi đó.

Thị:

- Tôi phải bày mưu tính kế mới đưa được nó về đây đó cô Sáu ạ. Cậu cứ thu xếp ở đây với tớ. Tớ với cậu xem ra hợp tính nhau đó.

Thằng Hùng ghé tai Xưa nói nhỏ:

- Đừng ở với chú Thị, chú ấy ở tác chiến, nằm cơ quan chán chết.

Thằng Xưa hết nhìn Sáu Trang rồi lại trố mắt nhìn Tư Quang. Ở đưới Đồng Lớn chắc lắm chuyện lý thú lắm. Có cái cứ du kích mà chị Ba nào đó đi lấy củi lại còn tạt vô ăn cơm thì vui thật.

Bên ấm trà, ông Dũng vẫn rì rầm với ông Ba Kiên.

- Tôi cũng định cho rải đội hình ra, nhưng sợ như thế thì không nắm được tình hình. Điện thoại không mắc được. Có việc gì xảy ra anh em họ không kịp xử lý.

- Tình hình như thế thì mình phải chịu chớ. Bây giờ các tiểu đoàn, đại đội phải độc lập tác chiến. Mình lo cũng có viêc. còn làm sao mà ôm hết được, sắp tới ta phải chia nhau ra Anh đưa thằng d Chín lên, cố gắng xây dựng củng cố cho nó một thời gian, cho nó đứng chân từ Ván Tám trở lên giữ hậu phương cho mình.

Ông Dũng im lặng.

Tình tình này chưa sang sông được đâu, cứ để thằng d Bày bám khu vực Thành An, Bến Súc trở về, thằng d Tám đứng ở phía Suối Dứa, Dầu Tiếng, nếu được thì đưa một tổ sang sông chuẩn bị bàn đạp.

Vừa rồi tổ chức một đoàn qua sông Nha Thức đi cõng gạo chưa thấy về.

Đến lượt ông Ba Kiên im lặng.

Lại còn vấn đề thương binh nữa. Bây giờ bệnh viện phân khu chỉ nhận những “ca” đặc biệt, ở đó không ai đào củ, không ai chuyển thương, không ai bảo vệ thương bệnh. Sáu Trang vừa lắng nghe ông Ba Kiên nói, vừa hỏi Tư Quang:

- Hay anh xin nằm trạm xá trung đoàn, đừng đi bệnh viện khu nữa. Nghe nói bệnh viện phân khu rút lên Ván Tám lận.

Quang giãy nảy. Ở ít hôm lành vết thương tôi về, đi bệnh viện chi. Thằng Bảy Rỹ nó chờ tôi từng ngày ở nhà.

- Bộ đội người ta cơ động, anh theo chi xiết!

Ông Ba Kiên quay lại:

- Anh yên tâm anh Tư ạ. Anh cứ lên bệnh viện phân khu điều trị. Công việc ở nhà còn nhiều người lo chớ riêng chi một mình anh.

Tư Quang nghĩ: cuối cùng thì cũng mình lo thôi. Phân khu, quận đội rốt cuộc cũng phải xuống dưới đó mới nghĩ ra việc mà làm. Trên này, cơ quan cũng đang chạy xà quành với nhau cả. Mình đi chuyến này chẳng được cái tích sự gì. Càng nghĩ càng bực cho cái chân. Không có cái chân thế này, hôm nay nắm được tình hình như vậy là anh quay trở lại ngay lập tức.

- Cô Sáu à, bao giò cô về dưới đó?

- Em còn chờ ý kiến của anh Ba, nhưng có lẽ không lâu nữa.

- Nếu tôi về kịp thì hay.

Thằng Hùng:

- Chị Sáu này, chị xin chú Ba cho em xuống với nghen chị?

- Để chú Ba lại bảo tao rủ rê mày à? Mày là cục cưng của chú Ba mà, sao mày không xin đi?

- Xì, bây giờ có thằng Xưa đó, nó còn nhanh gấp vạn em. Mấy hôm đi đường, việc gì chú Ba cũng kêu nó.

Cho đến lúc về mắc võng nằm, chỉ còn hai người trong hầm, ông Dũng mới nói với ông Ba Kiên:

- Anh Ba này, tôi vẫn lo...

- Theo đúng nhiệm vụ Miền giao, thì chứng ta đánh nhỏ nhưng lại phải có trận then chốt. Trong phương án tác chiến thì ta phải đánh những trận ở quy mô cấp đại đội, cấp tiểu đoàn.

- Đối với bọn càn ủi mình cũng phải đánh những trận cho nó sợ.

Ông Ba Kiên im lặng, đến lúc này mới nói:

- Việc đó tui cũng đang nghĩ, không biết ta có nên đánh những trận theo phương án đó được không? Và có thể đánh được như vậy không?

- Tôi cũng đang nghĩ ta có thể đánh một trận bên kia sông, nhưng rồi nếu chỉ đánh có một trận thì nó có sợ không? Hay điều đó chính lại là điều nó đang mong muốn? Còn một việc nữa: gạo đâu, đạn đâu, quân đâu bổ sung? Đó là chưa kể thương binh không biết đưa về đâu? Bệnh viện phân khu bây giờ chỉ nhận những ca đặc biệt.

Dầu sao thì ngoài nhiệm vụ riêng, còn nhiệm vụ phối hợp với toàn Miền. Có vậy mình mới là chủ lực phân khu, nếu không, mình sẽ thành du kích.

Bây giờ đến lượt cả hai người im lặng. Ông Ba Kiên và ông Dũng khi nào bất đồng ý kiến lắm thì cũng chỉ nói đến như thế. Không bao giờ họ cãi nhau to tiếng. Ông Dũng cũng muốn chia nhỏ bộ đội ra. Có một cái gì đó hình như không đúng với phương châm tác chiến lắm. Phải tập trung và phân tán thật linh hoạt. Bây giờ đưa ba tiểu đoàn đứng ba khu vực xa nhau, rồi làm sao mà điều quân, mà cơ động. Đó là chưa nói việc tiểu đoàn lại phân ra đại đội. Tình hình làm sao mà cản phá được sự càn ủi, bình định của nó? ông Dũng không bao giờ nghĩ rằng ông Kiên làm sai là vì do dao động, hữu khuynh nhưng ông chỉ sợ ông Kiên không nắm vững phương châm tác chiến; ông Ba Kiên thì lại nghĩ. Phương châm là đánh nhỏ lẻ, và điều còn quan trọng hơn cả phương châm nữa là: Làm sao bám được ở đây đã. Có làm được chuyện ấy rồi thì mới lo những chuyện khác được. Ngay cả đến đường lối, chính sách, mình cũng phải nắm cái gì cơ bản nhất. Cấp trên làm sao thay được cho mình sự suy nghĩ cụ thể ở từng hoàn cảnh, từng địa phương. Hai hôm nay chân ướt chân ráo về đến nhà, đã gặp bao nhiêu chuyện; Địch càn vào tiểu đoàn Bảy, B.52 đánh vào đội hình của trung đoàn, hầu như trúng hết, đơn vị nào cũng bị.

- Anh Dũng ạ, tôi chắc là nó chuẩn bị ủi địa hình bên này...

- Tôi cũng thấy vậy, hay là gọi d Tám về.

- Tôi nghĩ là ta phải sang đứng chân bên kia sông.

- Còn bên này?

- Phân tán, đánh nhỏ.

- Nhưng anh tính sang bên kia bằng cách nào. Vừa rồi đưa đại đội Hai sang, chỉ trụ nổi một ngày.

Cách chi rồi mình cũng sang được. Thằng Tư Quang nó bảo nó vào sát đồn ở mà.

- Nếu mình đứng được bên kia, thì mới giữ được địa bàn, không sẽ lùi mãi.

Hai người lại im lặng, không biết ông Dũng đã ngủ chưa mà không nói gì nữa. Chuột chạy cắn nhau lích rích, làm đất rơi từ trên trốc hầm xuống. Trong hầm, sau trận bom B.52, muỗi bay ra kêu vo vo. Thằng Hùng nằm ngoài hầm âm đã ngủ từ lúc nào, thỉnh thoảng lại trở mình nghiến răng ken két, nó nằm mê, có lúc tự nhiên cười lên thành tiếng và nói một câu gì đó không ai nghe rõ.

Ông Ba Kiên đập muỗi, rồi dậy lấy giấy cuốn lại vê một điếu thuốc lào hút.

Từ lúc về trung đoàn, ông thấy không yên tâm. Trung đoàn bộ vẫn đóng cụm lại một cục: tham mưu, chính trị, hậu cồn, vận tải, thông tin... Thế này thì không ổn. Vừa rồi nó càn vào tiểu đoàn Bảy, anh em đánh rất tốt, nhưng tiểu đoàn bộ vẫn bị, bị cả ban chỉ huy. Vẫn cái kiểu bố trí tiểu đoàn bộ ở giữa xung quanh là các đại đội. Mười sáu xưa nay là một đơn vị chủ lực, quen đánh tập kích, đánh công kiên, đánh vận động với quy mô lốn, tập trung, địch đến thì trụ lại đánh phản kích. Trung đoàn có tiếng là kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời”, có những trận đánh cho đến người cuối cùng. Như trận nó đánh vào d Bảy vừa rồi đó, xe tăng càn vào tiểu đoàn bộ, từ ban chỉ huy liên lạc, cho đến anh nuôi đều đánh. Xe tăng đè lên hầm tiểu đoàn trưởng Canh... Nếu ở một tình thế khác, thì sự kiên quyết bám trụ kiên quyết tiến công đó thật cần thiết. Trong trường hợp này, cách đánh như vậy không hợp. Thật ra, phân tán bây giờ không phải là vì sợ hãi chạy trốn, mà là yêu cầu cao hơn về tinh thần dũng cảm, độc lập chiến đấu. Cái tâm lý chỉ muốn đánh trong tập thể có cái gì đó hơi tiêu cực. Sống Sống cả, chết chết cả. Cái tâm lý đó, ông Ba Kiên cũng đã từng trải qua. Cuộc chiến tranh này, ở đây, là cuộc chiến tranh với từng người, vậy thì, có những lúc một người phải là một đơn vị tác chiến, ông Ba Kiên nghĩ đến Tư Quang, đến Bảy Rỹ. Một trung đoàn sang đó đánh nhau một trận rồi rút, chưa chắc đã gây khó khăn cho địch bằng cách dăm bảy người du kích cứ bám lấy đất hoạt động như thế.

Sẽ điều một bộ phận nhỏ sang bên kia sông. Cái ý nghĩ cứ lớn lên mãi và quấn quýt trong đầu ông Ba Kiên. Cho đến bây giờ thì gần như ông đã có quyết định dứt khoát. Điểu này ông chưa nói vội với ông Dũng.

Tiếng nói rì rầm ở ngoài làm ông Ba Kiên nhổm dậy.

- Đúng là địch, không tin thủ trưởng đi với tôi.

- Nhưng địch ở đâu tới mới được chứ?

- Chiều qua bộ phận thông tin báo cáo có tiếng “trực thăng” ở phía tây Trảng Tranh, có thể chúng nó cắt từ hướng đó tới.

- Thôi, cậu đi báo động cho b Hai, sẵn sàng chuẩn bị. Đồng chí trợ lý tác chiến đứng trước cửa hầm, báo cáo tình hình. Ông Ba Kiên dậy thì ông Dũng cũng dậy. Một lúc sau tiếng chân chạy rầm rập, ở các hầm, bắt đầu có tiêng rì rầm, tiếng chuẩn bị súng đạn lách cách. Trinh sát ở hướng Trảng Tranh về báo cáo.

- Địch để quân xuống Trảng Tranh, và cắt vòng đường bò, đang cụm lại giữa khu vực b Hai và b Ba. Đội hình của trung đoàn bộ bị cắt làm hai.

Trên đường Mười bốn, các bộ phận đi công tác lẻ tối qua đều đυ.ng định quay trở lại. Cũng theo báo cáo của tiểu đoàn Bảy, thì bọn giang thuyền dàn ra trên sông Sài Gòn. Chúng nó đổ quân thêm xuống các chốt dọc đường Mười bốn.

Hiện tượng của một cuộc càn lớn rất rõ ràng.

Ông Ba Kiên lay thằng Hùng lúc đó đang nằm ngáy pho pho trên võng:

- Cháu xuống gọi anh Thị lên đây, chạy nhanh lên. Thằng Hùng định cuốn võng, nhưng ông Ba Kiên gạt đi:

- Để đó.

Có tiếng xe tăng hụ ở đường Mười bốn...

Ông Ba Kiên cuốn võng, nhét vào bồng, rồi cuốn võng cho thằng Hùng.

Ông Dũng cũng cuốn võng.

Liên lạc, trinh sát chạy qua chạy lại trước cửa hầm.

Vệ binh được tác chiến đánh thức dậy, ra bố trí ồ hẩm tiền tiêu.

Ông Ba Kiên nói với ông Dũng:

- Anh đưa cơ quan vượt sang bên kia đường bò trong đêm nay, tôi xuống d Bảy.

-….

- Sắp tới như ta bàn, cơ quan bộ phân tán ra, cùng đi với d Chín, d Chín sẽ ở trên đó, sát bờ sông Nha Thức, giữ mặt sau cho trung đoàn và làm nhiệm vụ liên lạo với phân khu và Miền.

- D Bảy có thể đứng đây ít lâu rồi sang lại sông, còn khu vực quanh đường Mười bốn giao cho d Tám.

- Hay là điều d Bảy về tập kích tụi xe tăng trên đường Mười bốn?

- Tôi xuống d Bảy rồi tùy tình hình. Đêm nay, có thể dùng lực lượng cơ quan bám đánh tiên hao rồi rút. Anh cho chuẩn bị đi.

Thị, An và một số cán bộ quân lực, tác chiến, thông tin đến đầy hầm. Người nào cũng mang bồng, súng sẵn sàng.

Ông Ba Kiên phân công:

- Cơ quan tham mưu đi với anh Dũng đêm nay, đưa bộ đội vượt qua đường

Anh Thị lấy một số trinh sát và bộ binh ra bám địch, dùng B.40 tập kích bắn bỏ rồi rút: Thị chỉ huy bộ phận này, đánh xong, lấy thêm một trinh sát đi xuống d Bảy. Nếu có thương vong, An ở lại phải giải quyết xong rồi theo đoàn bộ sang bên kia đường bộ. Trung đoàn qua bên kia đường rồi tổ chức lại, phân tán bớt b hai, b Ba xuống các đại đội trực thuộc...

Thằng Hùng:

- Cháu vẫn đi với chú chứ, chú Ba?

- Cháu sang quân lực nói với chị Sáu Trang cùng đi với chú. Nói với các anh cho đưa Tư Quang sang trạm xá, động viên cậu ta ở lại điều trị mấy hôm rồi bọn tôi sẽ cho người về móc.

Ban tham mưu được chia làm ba bộ phân. Một bô phận lớn đi theo ông Dũng, còn nhiệm vụ vòng qua đường móc với các cơ quan trực thuộc, vượt ra ngoài vòng càn, đi lên phía d Tám. Ban chính trị cũng đi theo cuộc hành quân.

Một bộ phận gồm hai tiểu đội trinh sát và vệ binh do Thị và An chỉ huy, có nhiệm vụ bám địch cho cơ quan rút. Sau đó dùng hỏa lực tập kích vào một cụm địch trên đường bò và phân tán rút theo đường ông Dũng. Riêng Thị thì sau đó, xuống tiểu đoàn Bảy, để gặp ông Ba Kiên. ông Ba Kiên xuống tiểu đoàn Bảy, mang theo hai vệ binh: Hùng và Thắng. Theo sự bàn bạc giữa ông Ba Kiên, trung đoàn sẽ đưa Thắng về bổ sung cho ban chỉ huy đại đội Hai, đưa Lâu lên bổ sung cho ban chỉ huy tiểu đoàn.

Công việc bàn bạc dập dạp ra như vạy và được ông Kiên phổ biến một cách vội vàng.

Hùng buộc xong bồng, chạy đến gặp Xưa:

- Thôi, cậu sang bên đó, mình đi công tác với chú Ba xuống tiểu đoàn ít hôm rồi về. Các chú chưa cho cậu đi xuống vùng sâu đâu, phải quen đã.

Xưa giúi cho Hùng ba điếu thuốc lá còn lại. Còn bao nhiêu chuyện thằng Hùng hứa mà chưa làm được. Nó hứa kiếm cho Xưa một cái bồng vải Mỹ để thay cái ba lô con cóc. Nó cũng hứa kiếm cho thằng Xưa một cái thắt lưng Mỹ, và còn bảo là nếu theo nó sang sông, nó sẽ đưa vào trong ấp chiến lược. Vào đó không phải dễ, nhưng vào được rồi thì cô bác cho đủ thứ...

Lần này thằng Xưa không dám gặp ông Ba Kiên xin đi vì thây ông bận quá, hết nói chuyện với người này, lại dặn dò người khac. Thị cũng đang bận hội ý với bộ phận vệ binh và trinh sát, không để ý gì đến nó nữa.

Chỉ còn thằng Hùng để nó hỏi mọi việc:

- Trung đoàn đi lên phía trên như vậy rồi bao giờ quay trở xuống?

- Còn tùy tình hình, chú Dũng là chính trị, chú ở nhà lo chung công việc, còn chú Ba là quân sự, chú phải ra phí trước, Làm xong việc chú Ba lại vể, có khi chú Dũng lại xuống.

Vậy bây giờ mình ở trung đoàn bộ à?

- Thì tớ cũng là lính trung đoàn bộ, nhưng lính trung đoàn bộ mà ở trung đoàn Mười sáu thì cũng như lính chiến đấu. Rồi mai mốt, cậu cũng phải đánh càn “tá hỏa tam tinh” chớ bộ...

Thằng Hùng đang nói bỗng bấm thằng Xưa một cái. Đằng kia ông Dũng đang trao đổi với ông Ba Kiên.

- Nếu anh định sang bên đó thì phải đưa người sang trước. Hay là chờ mấy ngày chỗ thằng Tư Quang khỏi vết thương đã.

- Ở dưới tiểu đoàn có hai cậu du kích Đồng Lớn nằm đó, lại có con Sáu Trang là người địa phương. Vả lại, vùng đó tôi cũng quen.

- Hay anh cứ để thằng Thị nó sang trước, về nó móc. Lúc đó anh đưa bộ đội sang sau.

- Tôi chắc là bộ đội chưa sang được, vì sang đó phải lấy được gạo trong ấp, không lấy chi ăn? Làm gì thì cũng phải chờ ít bữa, cây cỏ nó mọc lên lại.

- Ở bên này anh cứ cho d Tám và d Chín thay nhau đi lấy gạo trên miền. Làm sao cứ giữ cho có tiếng súng. Phải trị mấy thằng biệt kích. Thôi anh chuẩn bị đi, tôi gặp thằng Tư Quang một lúc.

Ồng Ba Kiên đi về phía hầm Tư Quang. Người ta đã cột võng, chuẩn bị đưa anh sang trạm xá. Ở đó cũng đang có một cuộc chia tay. Tư Quang đang dặn Sáu Trang về địa điểm liên lạc. Còn anh em đang chuẩn bị bồng, súng mang theo đi cho Tư Quang. Thấy ông Ba Kiên đến, Tư Quang nằm trên võng, định tụt xuống, ông Ba Kiên giữ lại:

- Chỗ Bảy Rỹ ém được mấy người?

- Nhiều thì 3, 4 người cũng được, tôi đi mấy hôm không nắm được tình hình, nếu chú về bên đó thì nên gặp chú Hai Trụ.

- Đêm nào ông Hai cũng ra Đồng Lớn à?

- Đêm ra, đêm không, đêm nào chú ra, mà êm, chú đốt bếp lửa, để than đỏ, động thì chú che đi. Nếu chú Hai bình toong còn sống thì thế nào chú cũng sang đó.

- Mình có vào ấp được không?

- Tôi có vô một bữa, nhưng đi hú hoạ, bữa nay chú Hai bảo đừng vô trỏng, nó gài mìn khắp lượt.

- Không có cách chi nắm được tình hình à?

- Tôi chưa nghĩ ra cách.

- Bảy Rỹ ở nhà lấy chi ăn?

- Chú Hai đưa cho bữa nắm cơm, bữa lon gạo ướt. Thằng Trung bắt dân tập trung gạo, đến bữa đong cho từng lon rồi đổ nước vào.

Anh em chuẩn bị khiêng Tư Quang đi. Ông Ba Kiên mang ba lô đứng trước miệng hầm nhìn đoàn người lục tục đi qua, cách nhau dăm bước một lặng lỗ trong đêm tối. Đến lượt tiểu đội trinh sát. Trông thấy Sáu Trang đứng cạnh ông Ba Kiên, An muốn dừng lại nhưng không kịp, chỉ nó:

- Tôi đi Sáu Trang nghen.

Sáu Trang im lặng không trả lời. Cô chẳng đợi chờ một cuộc chia tay chỉ có thế. Người chi mà đáng ghét hết chỗ nói. Chẳng lẽ cô còn phải nói với anh nhiều điều hơn những lời cô đã nói. Lần này cô xuống dưới đó, chưa biết khi nào về. Phân khu đã giao nhiệm vụ cho cô bắt liên lạc với cơ sở trong đó, và nếu có thể sẽ đi sâu thêm nữa. Có thể hoạt động của cô từ nay rồi sẽ khác đi, sẽ trở về lại trong đó. Chẳng lẽ điều này cô cũng nói với An nữa hay sao. Một cuộc chia tay sau mấy tháng trời mà rồi chỉ có một tiếng chào vậy thôi ư? Sáu Trang đứng lặng ngắt nhìn theo.

Tội nghiệp cho An, một thằng con trai lần đầu tiên được yêu và biết yêu, lúng ta lúng túng chẳng biết xử sự làm sao. Mấy hôm nay, vừa về đến nơi là bù đầu bù tai vào công việc, hết đi nắm địch, rồi lại chuẩn bị địa hình. Có khi thì ông Ba Kiên bảo: chuẩn bị sang sông với tao, có khi ông lại nói: có lẽ cậu phải về bổ sung cho d Bảy. Anh lại hay ngượng, nhiều lần định vào hầm Sáu Trang thấy có người, lại giả vờ rẽ sang lối khác. Và cho đến bây giờ, đi trong đoàn quân, anh càng không dám đứng lại tâm sự vài câu. Mối tình của hai người cứ vậy như chơi trò hú tìm với nhau, chẳng biết đến bao giờ anh cầm được tay cô một lần nữa như hồi ở dưới hầm Tân Thới Hiệp. Một người thì giận, một người thì buồn. Khoảng cách của tình yêu giữa họ chỉ có một tí một tí, vậy mà như hai con quay, nó quay tưởng như chạm vào nhau đến nơi thì vù một cái lại xa ra.

Đợi mọi người đi hết rồi, đoàn ông Ba Kiên mới mang bồng đứng dây. Sáu Trang vẫn còn ngồi một lúc, cắn môi nhìn theo các chiến sĩ vệ binh. Trong bóng tối, An cắm đầu đi không quay lại.

Lọat súng nổ bất ngờ nhắm trúng vào đoạn cuối của đoàn quân. Đồng chí tiểu đội trưởng vệ binh đi trước chưa biết binh tình thế nào, nằm xuống xả súng bắn trả về hướng có tiếng nổ.

Địch cũng như ta, cả hai bên đều không biết lực lượng của nhau, không hiểu cách bố trí đội hình của nhau, cứ nhằm theo tiếng nổ mà bắn. Một trận đánh xảy ra ở đoạn cuối đội hình. Chỉ mấy phút sau khi nổ súng, ở các chốt Mỹ đèn dù được bắn lên sáng rực. Có tiếng bọn Mỹ la, phán đoán tình huống. An dẫn một tiểu đội trinh sát vòng sang trái và nổ súng. Cùng lúc đó ở bên phải họ, có tiếng B.40, tiếng lựu đạn, rồi tiếng súng nổ rộ lên như một trận tập kích trên suốt một chặng đường dài. Vậy là Thị đã đoán được cái gì đang xảy ra, và cùng nổ súng phối hợp với tiêng súng nổ. Một trận đánh xảy ra ngoài dự kiến.

Đáng lẽ là hai trinh sát có nhiệm vụ bám địch cho đoàn đi qua, sau khi vượt qua con đường bò rồi An phải quay lại nổ súng phía sau lưng địch. Thị nổ súng phía trước. Khi An không bắn nữa, Thị rút về phía d Bảy, An rút theo đoàn bộ. Nếu thuận lợi, An có thể quay lại, vì ông Ba Kiên cũng cần có anh xuống đó...

Bây giờ tình hình đã thay đổi. Nổ súng được một lúc, An bấm chiến sĩ bên cạnh.

- Đồng chí lùi lại, cho anh em vòng sang bên phải một quãng và vượt đường nhanh lên, pháo nó bắn đến bây giờ đó.

- Còn anh?

- Tôi ở lại yểm trợ cho đoàn, xong rút về bên này. Đồng chí vệ binh chần chừ.

- Nhanh lên. về báo cáo tình hình với chính ủy như vậy.

- Có một đồng chí bị thương.

- Cõng đồng chí ấy theo đoàn.

Đồng chí vệ binh chạy đi rồi, An vòng sang bên trái bò lên. An di chuyển đến sau một ụ mối và áp sát người xuống lùm cây, tránh ánh sáng. Pháo dù vừa tắt, anh rút lựu đạn tung hai quả về phía có tiếng động. Súng lại nổ giòn lên một lúc rồi im lặng. Có lẽ đoàn đã qua.

An vừa toan đứng dậy thì nghe tiếng đại bác đầu nòng. Đạn nổ trước mặt, rồi sau lưng.

Anh vẫn chưa hiểu tại sao nó lại bắn vào đây thì những quả đạn chụp đã ào ào rơi xuống. Trước mặt anh là con suối cạn, anh kịp nhao tới đó thì loạt pháo thứ hai nổ. Một ánh chớp hắt cả bụi đất, và hất tung người lên. Bị rồi! Anh chỉ kịp nghĩ như vậy và ngã xuống.

Thằng Điloong tỉnh dậy và dần dần nhớ ra mọi việc... Còn có hơn hai tháng nữa thì nó được trở về Mỹ... Hôm qua trực thăng đổ đại đội nó xuống gần một con suối và được lệnh cắt góc phương vị về điểm X. Thằng Niu-lơ, bạn của nó đi trước, cầm một con dao dài, phát đường, nó cầm cái địa bàn đi sau. Chúng nó làm rất đúng theo điều đã học. Gặp gò đất, hắn cứ theo hướng địa bàn, phạt cây mà bước qua.

Trung đội của nó đi trước đại đội, tiểu đội nó đi trước trung đội. Đến đây, thằng Pirâycơn đi sau bỗng ngồi xuống và nổ một loạt súng. Vậy rồi Việt cộng bắn trả. Chẳng thấy mặt mũi Việt cộng ở đâu, cho đến khi quả B.40 nổ vào giữa tiểu đội thì nó bị thương lần thứ nhất. Rồi lần thứ hai, khi pháo nổ thì chẳng còn thấy ai bên cạnh nó nữa. Nó bị bắn tung xuống bên bờ một con suối cạn...

Thằng Điloong cựa mình, định ngồi dây thì thấy đau nhói ở ngực. Nó nhìn xuống vạt áo đẫm máu, vết thương dính vào vải không gỡ ra được. Nó đưa tay lên, tay đau nhói. Tìm một cuộn băng: không còn nữa. Nó rên lên một tiếng và ứa nước mắt. Khó thở quá. Nó thấy mằn mặn, sờ lên miệng: cũng máu. Nó chẳng còn hiểu ra thế nào nữa. Vậy là ở đây, chết ở Việt Nam! Mà sao pháo binh Hoa Kỳ lại bắn vào lính nó. Phải rồi, đang hành quân thì bị tập kích, Nó phải nằm chờ đây rồi sáng ra “trực thăng” sẽ đến đưa đi. Nhưng biết làm cách nào mà báo tin.

Nó nhớ mẹ. Mẹ nó đã ly dị bố nó và chắc mùa thu này đang về nghỉ ở đồn điền...

Nó đã gửi thư cho mẹ báo tin là ba tháng nữa sẽ về, mẹ đang chuẩn bị mua cho nó một cái xe du lịch.

Khó thở quá, hơi thở cứ như thoát ra ngoài l*иg ngực. Nó lại hé khuy áo ra nhìn. Những giọt máu đang sủi bong bóng trên ngực.

Nó quay nhìn xung quanh và bỗng trợn tròn mắt vì sợ hãi. Cách nó không đầy năm mét, một chiến sĩ Việt cộng cũng nằm đó. Hình như anh ta cũng mới tỉnh dậy. Anh chiến sĩ Việt cộng nhìn thằng Điloong một cách rất chăm chú.

Anh quay mặt ngược chiều với ánh trăng, nên thằng Điloong chỉ trông thấy hai hố mắt sâu hoắm.

Một lúc sau anh ta chống tay ngồi dậy, và như không đế ý đến thằng Điloong nữa, anh rút cuốn băng trên thắt lưng, dùng một tay và khó khăn lắm mới xé toạc được ống áo bên kia, tự băng vết thương cho mình. Băng xong, anh ta treo cánh tay đau lên trước ngực.

Anh chiến sĩ Việt cộng nhìn quanh một lúc và đứng dậy đi khập khiễng đến bên cạnh. Điloong mới nhận ra gần đấy có khẩu súng. Nhưng chậm mất rồi, anh chiến sĩ Việt cộng đã cầm lấy. Anh đứng nhìn thằng Điloong một lúc có vẻ suy nghĩ. Dáng trầm ngâm của anh chiến sĩ càng làm thằng Điloong lo sợ. “Mẹ ơi!”- Thằng Điloong thầm kêu lên.

Anh chiến sĩ Việt Nam mệt quá lại ngồi xuống, tựa lưng vào vách bờ suối. Chân anh ta cũng bị thương, ống quần rách tướp.

Hai người nhìn nhau trong tranh tối tranh sáng của bóng trăng mờ mờ.

Điloong hởi:

- Anh định bán tôi phải không?

Anh tính Việt cộng không hiểu, lắc đẩu. Anh quay nhìn bốn phía rồi bỗng chỉ tay xuống đất. Một lúc sau thằng Điloong mới hiểu. Anh chỉ một cái hố pháo. Có lẽ anh ta nói là pháo Hoa Kỳ bắn.

Thằng Điloong cũng không nhận ra được nét mặt của anh vui vẻ hay là giận dữ. Nhưng nó bắt đầu thấy yên tâm.

Tự nhiên nó thèm nói chuyện quá. Anh ta nói với nó là chính pháo Hoa Kỳ bắn vào đây.

Chắc anh ta con muốn nói cái gì nữa, nhưng không nói được.

Bỗng thằng Điloong rên lên một tiếng. Anh chiến sĩ Việt Nam đi lại bên nó, mở áo nhìn vết thương, rồi đưa tay lần quanh người. Thằng Điloong nằm yên. Anh bộ đội ngồi suy tính một lúc rồi đặt cái túi mang sau lưng xuống. (Anh khoác cả súng cả túi vải vào một bên vai). Anh lấy trong túi vải ra một tấm vải dày mà thằng Điloong không biết là cái gì nhưng trông rất bẩn, buộc quàng ngang ngực hắn, xong lại khoác túi và súng vào người. Thằng Điloong muốn bảo anh ngồi xích lại nói chuyện, Nó giơ tay ra hiệu, nhưng anh lắc đầu. Nó nói: Anh bạn, hãy ở lại đây, tôi và anh đều bị thương cả, sáng mai trực thăng Hoa Kỳ sẽ đến, đưa chúng ta về bệnh viện, tôi cam đoan với anh, tôi sẽ bảo lãnh cho anh. Quân đội Hoa Kỳ sang đây chỉ muốn làm những điều tốt lành.

Tiếng nói nó đứt đoạn, chắp nốỉ. Anh chiến sĩ Việt Nam không hiểu, chỉ lắc đầu. Một lúc sau, anh giơ tay quay tròn rồi chỉ vào Điloong và chỉ về phía Sài Gòn. Thằng Đi loong hiểu: - Anh ấy bảo nằm đó rồi “trực thăng sẽ đưa về Sài Gòn.

Thằng Điloong vội vã đưa tay khoát anh chiến nó rồi lại chỉ vào anh ta và cũng quay tròn cánh tay ra hiệu. Hai người sẽ cùng đi “trực thăng” với nhau. Bây giờ thì anh chiến sĩ hiểu, anh bật lên một tiếng cười khô khốc rồi đứng dậy, khập khiễng bước đi. Vậy là còn lại một mình thằng Điloong nằm bên suối cạn. Bóng anh chiến sĩ Việt Nam nhấp nhô rồi nhòa đi trong đêm. Trời đầy mây che mờ ánh trăng. Đêm trở lại lạnh ngắt trong mùi khói đạn đang tan loãng ra. Tiếng muỗi bay vo vo quanh mình. Thằng Điloong cũng cảm thấy nỗi buồn của nó tan ra, lớn lên mãi tưởng như bao trùm cả cái vũ trụ vô tận này. Mới đó nó bắn nhau với một người mà nó không biết. Người đó băng vết thương cho nó rồi người đó bỏ đi, để lại một mình nó nằm giữa rừng. Thế là thế nào? Nó chẳng cẩn biết nó phải làm gì. Nó chỉ cần bây giờ anh chiến sĩ ngồi lại trong một lúc. Nó sờ lên cái băng vải dày cộm mà anh chiến sĩ buộc vòng quanh ngực nó (mãi về sau này nó mới biết đó là cái bao đựng gạo của Việt cộng”.

Khi còn ở bên nước Mỹ, nó hình dung ra đối thủ của nó là những người du kích đội mũ tai bèo, lúc ẩn lúc hiện trong những cánh rừng nhiệt đới. Họ chỉ có biết chém và gϊếŧ. Họ chỉ biết có kẻ thù, họ không yêu người Mỹ, họ chống đối với một chế độ mà người Mỹ đang che chở. Họ đánh nhau để làm gì thằng Điloong chưa hiểu. Bây giờ nó cũng lại chưa hiếu nốt! Nhưng cái hình ảnh hoang dã ly kỳ của anh Việt cộng trong Điloong dần dần biến dạng đi. Vẫn là anh chiến sĩ đội mũ tai bèo trong rừng nhiệt đới, lúc ẩn lúc hiện đó bây giờ thêm một nét gì thật nhân hậu, thật con người. Trước kia Việt cộng không thể là bạn của Điloong được, nhưng bây giờ thì Điloong lại thấy mến anh chiến sĩ này. Nó nhìn lên trơi. Trời không tối nhưng không sáng. Mây bàng bạc che kín vầng trăng. Ý nghĩ của thằng Điloong cũng mông lung, không tối không sáng.

Hình ảnh cuối cùng mà thằng Điloong mang về nước Mỹ là hình ảnh một chiến sĩ Việt cộng quấn băng trắng trên tay. khoác súng đi khập khiễng vào trong bóng đêm mờ mịt của khu rừng nhiệt đới.

Còn hai tháng nữa thì nó về Mỹ. Người ta sẽ Việt Nam hóa cuộc chiến tranh này! Để làm gì? Để những người Việt Nam đó sẽ đánh nhau với những người Việt Nam mà hàng ngày nó vẫn tiếp xúc. Khó hiểu quá.



Đáng lẽ trong trường hợp bị thương như vậy, An phải vượt qua đường và đi theo đoàn của ông Dũng. Anh biết rất rõ trạm xá trung đoàn, bệnh viện phân khu đều ở hướng đó cả, nhưng anh lại quay về phía tiểu đoàn Bảy. Anh chẳng làm thế nào khác được. Sáu Trang giận anh. Biết vậy mà lúc đó anh phải cắm đầu đi gấp. Có thể ngày mai Sáu Trang sẽ về bên kia sông, cô ta sẽ vào trong ấp chiến lược. Sáu Trang là người của phân khu. Đi rồi, Sáu Trang sẽ không về lại trung đoàn.

Dầu sao thì đêm nay anh cũng phải về được tiểu đoàn Bảy. Anh sẽ nói những điều anh cần nói.

Đường đi cắt ngang qua bãi B.52 đầy những cành cây, hố bom. Phải đến tiểu đoàn Bảy trong đêm! Biết đâu, ngay trong đêm nay Sáu Trang lại không đi tiếp.

Còn có sức thì An sẽ chạy. Anh chỉ cần chạy đến kịp trước khi Sáu Trang ra đi và nói được một câu xin lỗi. Nếu anh không bị thương, rất có thể anh sẽ đi theo ông Ba Kiên sang bên kia sông. Nhưng bây giờ với cánh tay đau và vết dưới chân, anh sẽ không bơi qua sông Sài Gòn được nữa!

Trong cuộc chiến tranh này, mọi chuyện có thể xảy ra ngay trong đêm nay, hay trong ngày mai. Cho nên, cái điều chưa nói phải được nói.

Ngay đêm nay đó, bao nhiêu chuyện xảy ra đối với An giống như một giấc mơ...

Chuyện bị đại bác, chuyện băng bó cho một thằng lính Mỹ, chuyện thằng lính mỹ mời An ở lại, lên “trực thăng”, rồi chuyện An bỗng ra đi một cách vội vã. Bây giờ chắc hắn vẫn nằm một mình bên suối cạn. khi An nhặt khẩu súng lên, anh biết thằng mỹ rất sợ, nếu anh gϊếŧ chết thằng mỹ, thì rồi sự thể sẽ ra sao. Và rồi anh nghĩ đến Sáu Trang, nếu quả pháo đó nổ gần anh một chút nữa?

Một mình một súng, An bước đi khập khiễng, với những ý nghĩ chập chờn đứt đoạn trong đầu.

Đáng ra An phải nói với Sáu Trang từ lâu những điều anh nghĩ. Bao nhiêu lần như vậy rồi lại thôi. Cái đêm cuối cùng bị thương ở Tân Thới Hiệp, cũng lại Sáu Trang đưa anh lên bệnh viện, thằng Hùng nó bảo vậy. Bao nhiêu lần xa nhau mới gặp mà An chẳng nói được lấy một câu. Sáu Trang nói chuyện huyên thuyên với mọi người, anh cũng giận chứ. Sáu Trang đâu có biết? Sáu Trang trách anh không chào Sáu Trang một tiếng, nhưng cô có biết đâu, đêm ấy, trong góc tối, anh cũng đứng lên ngồi xuống không yên.

Trời sinh ra anh như thế, mọi tình cảm được giữ kín trong lòng đến độ dồn nén không bộc lộ, không vội vã, để đến hôm nay, anh chỉ còn nghĩ có một điểu: Bằng bất cứ giá nào, anh cũng phải gặp cho được cô gái.

Tiểu đoàn bộ đóng ở cống Bông Giấy, qua khỏi lô cao su thì gặp một cây cầu, cắt ngang bên trái, qua bãi B.52 đồng chí trinh sát dặn An như vậy. Nhưng đến đây thì vắng tanh vắng ngắt.

Bãi bom B.52 dài vô tận, cắt sang trái nữa hay là đi về hướng bờ sông. Đặt bồng xuống, bây giờ An mới thấm mệt. Anh biết rằng nếu chỉ ngồi thêm chừng 30 phút nữa thì sẽ không còn sức mà đi. Trời lại sắp sáng rồi. Anh nhìn quanh, tiểu đoàn chỉ ở đây thôi, không thể còn chỗ nào khác.

Đi mấy tháng trở vể, mà tất cả đều bỡ ngỡ. Sao lại có thể ém quân ở một vùng trống lốc như thế này. Nếu không tìm ra đơn vị, anh sẽ phải ém lạỉ đây, chờ qua một ngày... Nghĩ vậy, An lại mang bồng đứng dậy, tập tễnh bước.

- Đồng chỉ nào đấy? Sao đi nghênh ngang vậy?

An quay lại nhìn phía phát ra tiếng hỏi. Chỉ có một cái hố bom. Anh bước thêm hai bước nữa thì một cái đầu nhố lên từ dưới đám cỏ bị bom đánh giạt xuống.

- Đồng chí ở đại đội nào đấy?

- Tôi tìm tiểu đoàn bộ.

- Đi xuống đây đã, biệt kích nó nằm sát sau lưng, đi lênh nghênh, muốn chết à?

Anh chiến sĩ rẽ đám cỏ, lòi ra một cái miệng hầm. Có lẽ đó là tiểu đội hỏa lực. An trông thấy ba khẩu B.40 dựng ở vách. Mệt quá, anh vứt bồng ngồi phịch xuống.

Thủ trưởng Ba Kiên ở hầm nào?

- Đồng chí ở trên trung đoàn xuống à?

- ừ!

- Sao đi một mình, tay làm sao vậy? Đυ.ng biệt kích à?

- Pháo, cho mình hụm nước, khát quá!

Anh chiến sĩ đưa bình toong cho An:

- Tụi mình ba ngày nay cũng ăn rau với củ. Không có một hạt gạo!

An lại hỏi:

- Thủ trưởng Ba Kiên ở hầm nào?

- Thủ trưởng dẫn một đoàn xuống đây, vừa nghe nói có chú Sáu Dần, bí thư Đảng ủy xã ở dưới đại đội Hai, lại xuống dưới đó rồi.

- Tất cả đoàn đi hết à?

- Đi hết!

- Đây xuống đại đội Hai còn xa không?

Hai chiến sĩ nhìn nhau cười:

- Cứ như cái điệu bộ ông mà đi thì cũng mất một buổi.

- Cán bộ tiểu đoàn có ai ở nhà không?

- Còn ai nữa? Thủ trưởng Canh hy sinh, thủ trưởng Nam bị thương đi viện. Nghe nói thủ trưởng Lâu sắp về...

- Điện thoại ở hầm nào?

Nghe nói vậy, cả hai chiến sĩ phá lên cười.

- Cái ông này chui dưới lỗ lên hay sao mà hỏi vớ vẩn vậy. Thời này mà mắc dây điện thoại cho biệt kích nó lấy họng đi ấy à...

Anh bỗng nhớ ra. Mấy tháng xa đơn vị, mình đã quá lạc hậu với tình hình... Vậy là Sáu Trang lại đi xuống đại đội Hai rồi. Tối nay, mình không xuống đó kịp thì có thể chú ba sẽ sang sông.