Người Việt ta thường có câu : "Không thầy đố mày làm nên" ý muốn nói đến tầm quan trọng của người thầy trong việc học hỏi tri thức. Với khoảng thời gian dài học tiếng Anh, tôi cũng đã được học với rất nhiều thầy cô, mỗi người đều có những phương pháp dạy học khác nhau, cách giao tiếp và truyền đạt khác nhau và cả...... trình độ khác nhau.
Người đầu tiên dạy tiếng Anh cho tôi không phải là thầy cô giáo trên trường hay trung tâm tiếng Anh mà là mẹ tôi ( Vì mẹ tôi là một giáo viên tiếng Anh 🙂🙂🙂). Cảm xúc lúc đó của tôi sao nhỉ? Đơn giản là không thích. Vì sao ư? Bởi tôi học tiếng Anh trong thời gian nghỉ hè. Nếu những mùa hè trước, tôi được đi chơi thoải mái, không cần lo lắng, bận tâm điều gì thì tới mùa hè năm đó tôi phải bỏ thời gian một buổi sáng ra để học tiếng Anh. Một ấn tượng nữa mà khiến tôi không có hứng thú học tiếng Anh đó là anh trai của tôi. Anh ấy hơn tôi 3 tuổi, tôi đã thấy anh ấy phải học tiếng Anh vào những mùa hè trước với một tâm trạng không vui và nói thẳng ra là bị bắt buộc. Có thể nhiều người nghĩ anh tôi học không tối nhưng ngược lại, anh ấy rất thông minh, đặc biệt là với môn Toán và những con số. Anh ấy có thể tính toán từ năm 4 tuổi, chỉ cần 3 tuần để học chữ và biết đọc ngay sau đó. Tất nhiên ngay từ nhỏ tôi đã biết so với anh mình không giỏi bằng. Anh tôi giỏi như thế nhưng anh ấy không thích tiếng Anh, điều đó làm tôi có ấn tượng là tiếng Anh rất khó và tới mãi sau này nó vẫn luôn khó với tôi.
Như một lẽ thường tình, sau khi học trước 3 tháng tiếng Anh trong hè thì đến lúc đi học tôi đã có một vốn kiến thức nhỏ và đủ để " thể hiện" trước các bạn trong lớp vào buổi học tiếng Anh đầu tiên ở trường. Cứ như thế hết những năm tiểu học, tôi luôn được đánh giá là học tốt tiếng Anh và tham gia vài cuộc thi nhỏ. Đó cũng là điều kiện để tôi được chọn vào lớp "chọn Anh" khi vào cấp 2. Nếu hỏi tôi lớp "chọn Anh" chắc các bạn giỏi tiếng Anh lắm? Không hề nha. Thật ra trong lớp "chọn" ấy chúng tôi được học một bộ sách khác so với các bạn lớp còn lại, nói đúng hơn bộ sách ấy là sách thí điểm, chúng tôi học trước để xem kết quả thế nào rồi những năm sau sẽ áp dụng vào đại trà.
Buổi học tiếng Anh đầu tiên khi ở lớp "chọn" khiến tôi bị sốc. Tất cả kiến thức trong sách đều khá xa lạ với tôi. Tại sao? Vì khi ở cấp 1, tôi chỉ học chủ yếu là từ vựng còn những kiến thức trong sách thí điểm đòi hỏi tôi cần phải có ngữ pháp, các cụm động từ thường đi kèm với nhau. Nhưng điều khiến tôi hoang mang hơn là các bạn của tôi lại có thể làm được hết những yêu cầu trong sách mà không cần phải suy nghĩ nhiều. Với sự hoang mang, lo lắng kéo dài hết tiết học, tôi đã hỏi bạn cùng bàn: "Tại sao cậu giỏi tiếng Anh nhanh vậy? Mình chưa bao giờ biết đến mấy kiến thức này" rồi tôi nhờ cậu ấy giảng lại bài cho tôi. Nhưng câu trả lời của người bạn đó đã "mở ra một cách cửa" trong cuộc đời học tiếng Anh của tôi: "Mình cũng có hiểu đâu. Mình lên trang web này nè....". Chắc có người cũng hiểu ra đó là web gì. Giải thích cho những người không hiểu thì web mà bạn tôi giới thiệu là một trong những web học tập với danh nghĩa là soạn bài nhưng thật chất là nó cung cấp tất cả các đáp án của bài tập trong sách.
Để rồi bắt đầu từ đó, chúng tôi - những người với danh nghĩa là học sinh lớp chọn luôn lên những trang web ấy để "soạn bài" mà không cần hiểu. Có nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi là giáo viên của chúng tôi có biết không? Biết chứ, rất rõ là đằng khác. Nhưng tại sao họ không ngăn chặn điều đó? Bởi vì chỉ khi chúng tôi làm vậy mới kịp chương trình hay giải thích rõ hơn là hoàn thành các bài tập SGK trong thời gian một tiết học. Nếu đúng với khả năng của chúng tôi thì có khi một tiết giỏi lắm làm được 2 bài tập, trong khi chương trình đòi hỏi tới 5,6 bài. Thế đấy, bây giờ nhìn lại tôi có thể khẳng định rằng chính việc học như vậy đã "đập nát" quá trình học tiếng Anh của tôi, để rồi giờ nhìn lại thấy bản thân thật ra chẳng học được gì sau chừng ấy năm.