Giữa gian bếp với nhà để xe, song tôi không lập tức quay lại chỗ chiếc Mustang mượn của cô Terri Stambaugh. Thay vào đó tôi vòng ra sau ngôi nhà để quan sát kỹ khoảng sân sau.
Bãi cỏ trước nhà mới khô héo một nửa nhưng cỏ ở sân sau này đã chết từ đời nào. Mảnh đất bị nung nóng chưa nhận được một giọt nước từ sau trận mưa cuối cùng vào cuối tháng Hai, cách đây năm tháng rưỡi.
Nếu một gã có thói quen chôn xác nạn nhân trong sân sau, chặt hết tay chân hoặc để nguyên, bắt chước John Wayne Gacy gã sẽ giữ cho đất dễ đào xới. Lớp đất cát này sẽ nứt nẻ dấu lưỡi cuốc và phù hộ cho kẻ đào huyệt nửa đêm tìm thấy búa khoan.
Dây xích thưa rào quanh chỗ không hề mọc lên dây leo hay thảm thực vật nào, khoảng sân sau không mang đến sự kín đáo cho một tên gϊếŧ người ôm trong tay tử thi phiền hà. Nếu láng giềng là những kẻ có sở thích ghê tởm, bọn họ có thể khui một lon bia, khiêng ghế ra ngoài bãi cỏ ngồi xem vụ chôn xác để tiêu khiển.
Giả sử Robertson đích thị là tay sát thủ liên hoàn thay vì chỉ là gã muốn trở thành như thế thì gã trồng vườn nơi khác. Thế nhưng tôi ngờ rằng tập tài liệu gã tạo ra cho chính mình đã hoàn tất kể từ hôm nay và thành tích đầu tiên sẽ diễn ra vào ngày mai.
Đang quan sát từ rìa mái ngói một con quạ há to cái mỏ màu cam và kêu la inh ỏi, như thể nó nghi ngờ tôi đến lấy trộm mấy con bọ giòn rụm và mớ thức ăn ít ỏi mà nó sống nhờ vào đó trên địa hạt khô cằn này.
Tôi nhớ đến con quạ khủng khϊếp của Poe[23], đậu trên cửa phòng, lặp đi lặp lại mỗi cụm từ nghe đến phát bực không bao giờ ăn nữa, không bao giờ nữa.
[23] Tập thơ nổi tiếng “Con Quạ” (The Raven 1848) của tác giả Edgar Allen Poe (1809-1849) kể về chuyện con quạ tên Nevermore (không bao giờ nữa) tìm đến một chàng trai đang đau buồn tưởng nhớ người yêu đã chết và nó không ngừng nhắc lại tên mình.
Đứng đây ngước nhìn, tôi không nhận thấy con quạ chính là điềm báo, hay thực ra, vần thơ trứ danh của Poe sẽ là chìa khóa tiết lộ ý nghĩa. Giá như tôi hiểu được rằng con quạ rít the thé kia chính là con quạ tìm đến tôi thì tôi đã hành động khác đi nhiều trong những giờ phút tiếp theo; và thị trấn Pico Mundo sẽ vẫn là nơi chứa đựng đầy hi vọng.
Không hiểu tầm quan trọng của con quạ, tôi quay về chỗ chiếc Mustang, tại đó tôi thấy Elvis đang ngồi nơi ghế hành khách. Ông mang giày đế mềm buộc dây, mặc quần kaki và áo sơ mi kiểu Hawaii.
Tất cả những hồn ma khác tôi quen biết đều bị hạn chế về mặt trang phục, họ chỉ có mỗi bộ quần áo đã mặc khi lìa cõi trần.
Chẳng hạn như thầy Callaway dạy tôi môn tiếng Anh thời học phổ thông, thầy qua đời trên đường đến dự tiệc hóa trang, ăn mặc như con sư tử nhát gan trong phim Phù thủy xứ Oz. Vì thầy là người khá tao nhã tự trọng và đĩnh đạc nên tôi thấy thật đáng buồn khi nhiều tháng sau đó, tôi bắt gặp thầy loanh quanh trong thị trấn với bộ đồ nhung rẻ tiền, lớp lông ủ rũ, cái đuôi phía sau lê lết trên mặt đất. Tôi rất nhẹ nhõm khi cuối cùng thầy rời bỏ thế giới này và đi tiếp.
Khi đã chết cũng như lúc còn sống, Elvis Presley đặt ra nguyên tắc riêng cho mình. Ông có thể yêu cầu bất kì trang phục nào lúc mặc lên sân khấu hay trong phim, cũng như bộ đồ mặc khi không biểu diễn. Quần áo của ông thay đổi theo mỗi lần hiện hình.
Tôi đọc báo thấy rằng sau khi nốc cả đống thuốc ngủ và thuốc giảm đau, Elvis chết trong bộ đồ lót hay có lẽ là đồ ngủ. Cũng có người nói ông được tìm thấy trong áo choàng tắm, nhưng có người lại nói không phải. Chưa bao giờ ông xuất hiện trước tôi trong trang phục bình thường đến thế.
Chắc chắn, ông qua đời trong phòng tắm ở Graceland[24], chưa cạo râu và ụp mặt xuống vũng nôn mửa. Điều đó nằm trong báo cáo của nhân viên điều tra những cái chết bất thường.
[24] Ngôi nhà của Elvis Presley được chính quyền Mỹ công nhận là địa điểm lịch sử cấp quốc gia.
May thay, ông luôn chào đón tôi với gương mặt nhẵn nhụi và không có bộ râu dính đầy thức ăn nôn mửa.
Lần này, khi tôi ngồi vào sau vô lăng và đóng cửa xe lại, ông mỉm cười gật đầu. Nụ cười của ông u buồn thất thường.
Elvis chìa tay vỗ nhẹ lên cánh tay tôi, rõ ràng muốn thể hiện sự cảm thông, nếu không phải là thương hại. Chuyện này khiến tôi bối rối và hơi lo âu, vì tôi chưa bao giờ phải chịu đựng việc gì đáng để nhận thái độ xót thương ấy.
Trong hậu quả của ngày mười lăm tháng Tám, tôi vẫn không thể nói lúc này đây Elvis biết bao nhiêu về những sự kiện khủng khϊếp sắp xảy ra. Tôi ngờ rằng ông đã tiên đoán được tất cả.
Giống những hồn ma khác, Elvis không nói chuyện. Ông cũng không hát.
Thỉnh thoảng ông nhảy múa nếu giai điệu nhịp nhàng. Ông có một vài bước nhảy tuyệt vời nhưng không giống diễn viên Gene Kelli.
Tôi nổ máy xe và bật một bản nhạc lựa chọn ngẫu nhiên trong ổ đĩa. Cô Terri chất đầy ổ sáu đĩa nhạc tuyển tập các bài hay nhất của thần tượng.
Khi ca khúc “Suspicious Minds” vang lên, Elvis có vẻ vui thích. Ông gõ nhịp đầu ngón tay lên bảng đồng hồ theo giai điệu bài hát trong lúc tôi lái xe khỏi Camp’s End.
Lúc đến nhà cảnh sát trưởng Wyatt Porter nằm ở khu vực lân cận với điều kiện khá hơn, chúng tôi đang nghe bài “Mama Liked the Roses” trong album nhạc Giáng sinh của Elvis và ông vua nhạc Rock‘n’Roll không cầm được nước mắt.
Tôi không thích nhìn ông như lúc này. Ngôi sao nhạc rock sôi động, người thể hiện ca khúc “Blue Suede Shoes” nở nụ cười vênh váo và thậm chí nhếch môi vẫn đỡ hơn mang bộ mặt đầm đìa nước mắt.
Bà Karla Porter, vợ cảnh sát trưởng Wyatt, ra mở cửa. Yểu điệu, duyên dáng với đôi mắt xanh như lá sen, lúc nào nơi bà cũng toát lên vẻ bình yên và lạc quan trầm lắng, trái ngược với khuôn mặt âu sầu và cặp mắt buồn rầu của người chồng.
Tôi nghĩ bà Karla chính là lí do khiến công việc chưa bào mòn ông Wyatt trở nên suy sụp hoàn toàn. Mỗi chúng ta cũng cần có nguồn động viên trong đời, một động lực để hi vọng, và bà Karla chính là động lực của ông Wyatt.
“Odd,” bà cất giọng, “bác rất vui được gặp con. Vào đi, vào đi con. Bác Wyatt ngoài sau đó, đang chuẩn bị sẵn sàng để phá hỏng vài miếng thịt bò cực ngon trên vỉ nướng. Hai bác mời vài người đến ăn tối, có rất nhiều thức ăn nên bác hi vọng con sẽ ở lại.”
Trong lúc bà dẫn tôi ra sau, không hề biết Elvis đang đệm nhạc cho chúng tôi bài “Heartbreak Hotel”, tôi đáp, “Cảm ơn bác, bác tốt quá, nhưng con có hẹn rồi. Con chỉ ghé qua nói chút chuyện với bác trai thôi.”
“Gặp con ông ấy vui lắm đấy,” bà quả quyết. “Lúc nào cũng vậy mà.”
Ra đến sân sau, bà giao tôi cho ông Wyatt. Ông đang đeo tạp dề in dòng chữ MÓN NƯỚNG VÀ CHIÊN XÀO SẼ NGON HƠN KHI DÙNG KÈM BIA.
“Odd,” cảnh sát trưởng Porter lên tiếng, “bác hi vọng con không đến đây để hủy hoại bữa tối của bác.”
“Con không có ý định đó.”
Ông đang canh chừng hai vỉ nướng, một vỉ rau củ và bắp đặt trên lò ga còn một vỉ thịt bò trên bếp than.
Mặt trời vẫn còn nằm trên đường chân trời hơn hai tiếng nữa. Một ngày nắng sa mạc được tích lũy đầy trong mảnh sân rải bê tông và những luồng hơi nóng bốc lên từ hai vỉ nướng lẽ ra sẽ khiến ông ấy phải tuôn ra lượng nước muối đủ để tái tạo vùng biển đã mất từ lâu của thị trấn Pico Mundo. Vậy mà ông ấy vẫn khô rang như ngôi sao đóng quảng cáo sản phẩm khử mùi ngăn mồ hôi.
Nhiều năm qua, tôi nhìn thấy cảnh sát trưởng Porter đổ mồ hôi vỏn vẹn có hai lần. Lần đầu, khi một gã cực kì gian ác đang nhắm cây xiên vào đáy quần ông từ khoảng cách chỉ nửa thước, và lần thứ hai còn ghê gớm hơn nhiều.
Xem xét mấy tô khoai tây trộn, bánh bắp và rau trộn trái cây tươi trên bàn ăn ngoài trời, Elvis có vẻ mất hứng thú khi nhận thấy không có món bánh mì chiên béo ngậy kẹp chuối và bơ đậu phộng. Ông ấy thơ thẩn bỏ ra hồ bơi.
Sau khi tôi từ chối một chai Corona, cảnh sát trưởng và tôi ngồi xuống ghế. Ông hỏi, “Con lại đang giao cảm với hồn người chết phải không?”
“Dạ lúc có lúc không suốt ngày bác à. Nhưng việc này không liên quan quá nhiều đến người đã chết hay người sắp chết.”
Tôi kể ông nghe chuyện Gã Nấm ở quán ăn và chuyện sau đó ở khu mua sắm Green Moon.
“Bác có thấy hắn ở Quán Vỉ nướng,” cảnh sát trưởng nói, “nhưng hắn không gây cho bác ấn tượng hẳn là tên khả nghi, mà là... người bất hạnh.”
“Dạ phải, nhưng bác đâu có lợi thế nhìn thấy được đám đông những kẻ hâm mộ hắn.” Tôi diễn tả quy mô náo loạn của bầy tùy tùng ông kẹ hộ tống Gã Nấm.
Khi thuật lại chi tiết chuyến viếng thăm ngôi nhà nhỏ ở Camp’s End, tôi bịa ra một cách khá lố bịch rằng cánh cửa phụ đã mở sẵn và rằng tôi vào trong do cảm tưởng có người sắp gặp rắc rối. Như vậy sẽ tránh cho cảnh sát trưởng rơi vào tình cảnh đồng mưu sau khi tôi đã phạm tội cạy cửa và đột nhập.
“Bác không phải nghệ sĩ thăng bằng trên dây,” ông nhắc tôi.
“Dạ đúng vậy.”
“Nhiều lúc con bắt bác cứ phải đi trên một sợi dây mỏng manh nguy hiểm.”
“Con cực kì khâm phục tài giữ thăng bằng của bác.”
“Con à, nghe như chuyện nhảm nhí.”
“Trong đó có chỗ nhảm nhí nhưng phần lớn là sự thật.”
Kể về những điều phát hiện ra trong ngôi nhà, tôi làm lơ không đả động gì đến căn phòng tối đen và đám đông đi du lịch. Một người biết cảm thông và cởi mở như ông Wyatt Porter cũng sẽ trở nên hoài nghi nếu bạn tống cho ông chi tiết quá ư kì quái.
Khi tôi kể xong ông lên tiếng. “Cái gì khiến cho con chú ý vậy?”
“Dạ sao bác?”
“Con cứ nhìn ra phía hồ bơi.”
“Đó là Elvis,” tôi giải thích. “Ông ấy đang cư xử lạ lắm.”
“Elvis Presley ở đây ư? Ngay lúc này sao? Trong nhà bác hả?”
“Ông ấy đang đi tới đi lui trên mặt nước và khoa tay múa chân.”
“Khoa tay múa chân ư?”
“Không phải kiểu bất lịch sự đâu bác, và cũng không phải nhằm về phía chúng ta. Trông như ông ấy đang tranh cãi với chính mình. Đôi lúc con lo cho ông ấy.”
Bà Karla trở lại, lần này dẫn theo hai vị khách đầu tiên đến dùng bữa tối.
Bern Eckles, khoảng trên hai mươi tuổi, vừa được bổ sung về Sở Cảnh sát thị trấn Pico Mundo. Anh ta có mặt trong lực lượng mới hai tháng nay.
Lisette Rains, chuyên về đắp móng giả, đảm nhận chức phó quản lí tại tiệm làm đẹp phát đạt của bà Karla nằm trên đường Olive, cách Quán Vỉ nướng tôi làm việc một góc phố và hai tòa nhà.
Hai người này chưa phải một cặp, nhưng tôi thấy cảnh sát trưởng và bà Karla đang tiến hành mai mối.
Vì chưa và sẽ không bao giờ biết về giác quan thứ sáu của tôi nên viên cảnh sát Eckles không tài nào đoán được tôi thế nào, và anh ta chưa biết liệu có ưa tôi hay không. Anh ta chẳng hiểu tại sao lúc nào cảnh sát trưởng cũng dành thời gian cho tôi, kể cả khi bận rộn nhất.
Sau khi mời những vị khách mới đến dùng nước, cảnh sát trưởng bảo Eckles vào phòng làm việc của ông vài phút. “Tôi sẽ lấy trên máy vi tính thông tin ở Sở Giao thông còn cậu gọi vài cú điện thoại giùm tôi. Chúng ta cần tìm ra tiểu sử sơ lược của một tên kì quặc đến từ Camp’s End.”
Trên đường vào nhà cùng cảnh sát trưởng, Bern Eckles quay đầu nhìn tôi những hai lần, cau mày. Chắc anh ta tưởng trong lúc vắng mặt anh ta, tôi sẽ cố kiếm cơ hội với Lisette Rains.
Khi bà Karla trở vào bếp làm nốt món tráng miệng, Lisette ngồi xuống cái ghế mà cảnh sát trưởng ngồi khi nãy. Con bé dùng cả hai tay cầm li coca có pha thêm rượu vodka hương cam, nhấp từng chút một liếʍ môi sau mỗi lần uống.
“Mùi vị ra sao?” tôi muốn biết.
“Như nước tẩy rửa pha đường. Nhưng thỉnh thoảng mình mất sức và caffeine giúp ích được.”
Con bé mặc quần lửng màu vàng và áo kiểu diềm xếp nếp màu vàng. Trông nó như cái bánh nướng vàng ươm phủ lớp đường ngon lành.
“Mẹ cậu dạo này thế nào, Odd?”
“Vẫn sặc sỡ.”
“Mình cũng mong thế. Còn bố cậu?”
“Bố sắp giàu nhanh rồi.”
“Lần này làm gì?”
“Bán đất trên mặt trăng.”
“Là sao?”
“Cậu chi mười lăm đô la là có được chứng từ cho một mét vuông đất trên mặt trăng.”
“Bố cậu đâu có sở hữu mặt trăng,” Lisette nói với giọng điệu phản đối rụt rè nhất.
Con bé là người dễ thương và không thích làm mếch lòng ai, ngay cả khi người đó có dấu hiệu lừa dối trắng trợn.
“Ừ, bố mình không sở hữu,” tôi đồng tình. “Nhưng bố nhận thấy cũng không một ai sở hữu nó, thế nên bố gửi thư cho Liên Hiệp Quốc yêu cầu đòi lấy nó. Hôm sau bố mình bắt đầu rao bán đất trên mặt trăng. Nghe nói cậu làm phó quản lí của tiệm.”
“Hoàn toàn chịu trách nhiệm thôi. Nhất là vì mình cũng chuyển chuyên môn.”
“Cậu không làm móng nữa à?”
“Còn làm chứ. Nhưng hồi đó chỉ là nhân viên làm móng còn bây giờ mình là nghệ nhân làm móng đã được chứng nhận.”
“Chúc mừng nhé. Đó thật sự là chuyện lớn đấy.”
Nụ cười hãnh diện bẽn lẽn của con bé khiến tôi cảm mến. “Việc đó đối với một số người chẳng có gì to tát, nhưng với mình là cả một câu chuyện li kì.”
Elvis từ hồ bơi trở vào và ngồi xuống ghế đối diện chúng tôi. Ông lại khóc lóc. Qua làn nước mắt, ông mỉm cười với Lisette hay với khe ngực của con bé. Khi chết rồi, ông ấy vẫn mê phụ nữ.
“Cậu và Bronwen vẫn là một đôi chứ?” Lisette hỏi.
“Mãi mãi. Tụi mình có vết bớt xứng với nhau mà.”
“Mình quên mất chuyện đó.”
“Nàng thích được gọi là Stormy hơn.”
“Ai lại không thích vậy?” Lisette nói.
“Còn cậu và sĩ quan Eckles thì sao?”
“Ồ, bọn mình mới gặp nhau thôi. Anh ấy có vẻ tử tế.”
“Tử tế,” tôi nhăn mặt. “Một gã tồi đã bỏ rơi cậu phải không?”
“Ừ phải, cách đây hai năm. Gần đây mình nghĩ tử tế là đủ rồi. Cậu biết sao không?”
“Ngoài kia có quá nhiều điều tệ hại hơn tử tế.”
“Đúng vậy,” con bé tán đồng. “Mất một thời gian, mình đã nhận ra thế giới này mới hiu quạnh làm sao, và khi thấy thế... thì tương lai thật đáng sợ.”
Vốn trong trạng thái nhạy cảm, Elvis vỡ òa ra trước lời nhận xét của Lisette. Hai suối lệ tuôn trào trên má và ông ấy vùi mặt vào đôi tay.
Lisette và tôi tán ngẫu một lúc, Elvis thổn thức không gây ra tiếng động nào và cuối cùng thêm bốn vị khách nữa xuất hiện.
Bà Karla đang đi vòng quanh với khay bánh phô mai, thứ mang đến trọng lượng mới cho cụm từ “món khai vị” thì cảnh sát trưởng cùng Eckles trở vào. Ông kéo tôi sang bên và đi với tôi ra phía xa ngoài hồ bơi, nhờ vậy chúng tôi có thể nói chuyện riêng.
Ông lên tiếng, “Robertson chuyển đến thị trấn cách đây năm tháng. Đã trả tiền đầy đủ cho ngôi nhà ở Camp’s End, không cầm cố gì hết.”
“Gã lấy đâu ra tiền?”
“Thừa kế. Bonnie Chan nói hắn từ San Diego chuyển đến đây sau khi mẹ hắn qua đời. Hắn vẫn sống với mẹ mình khi đã ba mươi bốn tuổi.”
Bonnie Chan, một chuyên viên địa ốc nổi tiếng về những chiếc mũ sặc sỡ ở thị trấn Pico Mundo, rõ ràng là người đã bán ngôi nhà cho Robertson.
“Theo những gì bác biết lúc này...” cảnh sát trưởng nói, “… hắn có hồ sơ sạch sẽ. Thậm chí chưa bao giờ bị phạt vì chạy xe quá tốc độ.”
“Bác có thể tìm hiểu xem mẹ gã chết ra sao.”
“Bác đã chuyển đi vài câu hỏi về chuyện đó. Nhưng lúc này đây bác không có bất kì cớ gì vin vào để bắt hắn được.”
“Toàn bộ mớ tài liệu về tất cả bọn sát nhân đó.”
“Bác có cách hợp pháp để biết được hắn giữ mấy thứ ấy nhưng đó chẳng qua chỉ là sở thích bệnh hoạn hay có thể là sổ sách nghiên cứu. Việc đấy đâu có gì bất hợp pháp.”
“Nhưng khả nghi lắm.”
Cảnh sát trưởng nhún vai. “Nếu chỉ tỏ ra khả nghi thôi thì tất cả chúng ta vào tù hết rồi. Con là người đầu tiên đó.”
“Nhưng bác sẽ canh chừng hắn chứ?” tôi hỏi.
“Vì con không bao giờ nhầm lẫn, bác sẽ bố trí người ngoài đó tối nay, cho người bám đuôi tên Robertson ấy.”
“Con ước gì bác có thể làm hơn thế,” tôi nói.
“Con à, đây là nước Mỹ. Một số người sẽ nói việc cố ngăn chặn người tâm thần thể hiện tiềm năng của họ là trái với hiến pháp.”
Thỉnh thoảng cảnh sát trưởng chọc tôi phì cười bằng kiểu câu nói giễu cợt trong ngành. Lần này không nằm trong số những dịp như thế.
Tôi lên tiếng, “Chuyện thật sự tệ lắm bác. Gã này, khi hình dung khuôn mặt hắn trong đầu... con sởn gai ốc khắp sống lưng luôn đó.”
“Các bác sẽ theo dõi hắn, con à. Không thể làm gì hơn được. Không thể chỉ đến Camp’s End và bắn hắn.” Cảnh sát trưởng trao cho tôi ánh mắt nhìn đặc biệt và nói thêm. “Cả con cũng không được làm vậy.”
“Con sợ súng ống mà,” tôi quả quyết
Cảnh sát trưởng nhìn mông lung về phía hồ bơi và hỏi, “Ông ấy còn đi trên mặt nước không?”
“Dạ không. Ông ấy đang đứng cạnh Lisette, nhìn xuống cái áo của con bé và khóc.”
“Cái đó không có gì để khóc hết,” cảnh sát trưởng nói và nháy mắt.
“Chuyện khóc lóc chẳng liên quan gì đến Lisette. Chẳng qua hôm nay ông ấy có tâm trạng thất thường.”
“Sao vậy? Elvis chưa bao giờ khiến bác nghĩ ông là người hay than khóc.”
“Người ta thay đổi khi đã chết. Sự việc lâm li bi đát mà. Nhiều lúc ông ấy thích vậy nhưng con không muốn biết rõ điều gì gây nên nỗi phiền muộn. Ông ấy không cố giải thích với con.”
Rõ ràng cảnh sát trưởng bị mất tinh thần trước hình ảnh Presley bù lu bù loa. “Bác có thể giúp gì cho ông ấy không?”
“Bác đúng là hay quan tâm đến người khác nhưng con thấy không thể làm gì thật sự giúp ích được đâu. Từ những điều quan sát trong mấy lần trước, con đoán chuyện này là… ông ấy nhớ bà Gladys, mẹ ông ấy, và muốn ở bên cạnh bà.”
“Theo bác nhớ, ông ấy vô cùng yêu quý mẹ mình, đúng không?”
“Ông ấy tôn thờ mẹ,” tôi đáp.
“Bà mẹ cũng qua đời rồi phải không?”
“Dạ, qua đời trước ông ấy rất lâu.”
“Vậy họ lại được bên nhau rồi đúng không?”
“Vẫn không được chừng nào ông ấy chưa chịu rời bỏ thế giới này. Bà mẹ đã sang bên ánh sáng của thượng đế còn ông ấy kẹt lại đây.”
“Sao ông ấy không chịu đi?”
“Đôi lúc có những chuyện quan trọng chưa làm xong ở đây.”
“Giống như cô bé Penny Kallisto sáng nay, dẫn con đến chỗ thằng Harlo Landerson.”
“Dạ đúng ạ. Và có khi chỉ vì họ yêu thế giới này quá nhiều đến mức không muốn rời bỏ.”
Cảnh sát trưởng gật gù. “Thế giới này chắc chắn là tốt đẹp với ông ấy rồi.”
“Nếu còn gì chưa làm xong ông ấy đã có hơn hai mươi sáu năm để lo chuyện đó rồi,” tôi lưu ý.
Cảnh sát trưởng liếc về phía Lisette Rains, cố nhìn ra dấu hiệu nào đó dù nhỏ nhất của linh hồn kề cận bên con bé, một luồng ngoại chất một không gian méo mó mơ hồ, một vùng sáng thần bí. “Ông ấy đã làm nên thứ âm nhạc tuyệt vời.”
“Dạ đúng thế.”
“Con hãy nói với Elvis rằng ông ấy luôn được hoan nghênh ở đây nhé.”
“Dạ. Bác thật tốt bụng.”
“Con không ở lại dùng bữa tối à?”
“Cảm ơn bác nhưng con có hẹn rồi.”
“Bác chắc chắn con hẹn với Stormy.”
“Dạ phải. Định mệnh của đời con.”
“Con thật khéo nói Odd ạ. Con bé hẳn rất thích nghe con nói như vậy - ‘định mệnh của đời con’.”
“Con rất thích nghe mình nói vậy.”
Cảnh sát trưởng choàng tay qua vai tôi và đưa tôi ra cánh cửa ở phía bắc ngôi nhà. “Điều tuyệt nhất có thể đến với người đàn ông là một phụ nữ tốt.”
“Stormy hơn cả mức tốt.”
“Bác mừng cho con, con trai à.” Ông đẩy chốt và mở cửa cho tôi. “Đừng bận tâm về gã Bob Robertson. Bác sẽ bám sát gót hắn nhưng hắn không ngờ bị chúng ta theo dõi đâu. Hắn mà thử làm gì sai trái là chúng ta đã bao vây rồi.”
“Con vẫn lo bác à. Gã này cực kì xấu xa.”
Khi tôi đến chỗ chiếc Mustang, Elvis đã ngồi sẵn trên ghế hành khách.
Hồn người chết không cần đi bộ hay đi nhờ xe đến nơi họ muốn đến. Khi họ chọn cách tản bộ hoặc vi vu trên phố là họ đang thôi thúc bởi nỗi luyến tiếc quá khứ.
Từ bữa tiệc cạnh hồ bơi ra đến xe Mustang, ông ấy đổi trang phục khác với bộ phim Blue Hawaii. Hiện giờ ông ấy mặc quần đen, áo khoác thể thao bằng vải tuýt sang trọng, sơ mi trắng cà vạt đen và khăn tay bỏ túi màu đen, một bộ cánh (sau này cô Terri Stambaugh nói cho tôi biết) trong phim It happened at the world fair[25].
[25] Tạm dịch: Chuyện xảy ra ở hội chợ thế giới.
Trong lúc lái xe rời nhà gia đình Porter, chúng tôi nghe “Stuck on You”, một giai điệu dễ đi vào lòng người như các bài trước đây ông vua này đã thu âm.
Elvis vỗ nhịp lên đầu gối và lắc lư cái đầu nhưng nước mắt vẫn không ngừng tuôn rơi.