Còn Lưu Luyến Mùi Hương

Chương 3: Tôi ghét những người không nói thật

Những ngày giữa tháng tư của năm 2005 là thời điểm tôi chuẩn bị thi chuyển cấp, nhưng năm đó lại là năm bà tôi mất nên tôi chẳng thể nào tập trung vào việc học, tôi tuột dốc đến mức đã nghĩ mình không thể lên lớp nổi.

Sau đó thì cha mẹ tôi làm ăn xa trở về, muốn tôi nghỉ học để đi làm giúp đỡ họ.

Kiếp trước tôi đã đồng ý bỏ học để đến sống cùng họ, chắc có lẽ vì tôi sợ sự cô đơn nên mới làm thế. Vì thật sự sống trong một căn nhà có quá nhiều kỷ niệm thương mến với một đứa đa cảm như tôi mà nói, thì nó giống như một hình phạt tra tấn tinh thần.

Nhưng khi đó tôi không biết, quyết định này cũng là một trong những việc tôi hối hận nhất trong cuộc đời mình.

Giờ đây nếu đã có cơ hội làm lại, tôi muốn sửa số phận của mình ở thời điểm này, dù tôi không biết lựa chọn lại có đúng không, nhưng tôi không muốn làm bản thân phải hối tiếc nhiều như kiếp trước nữa.

Sáng hôm đó có một người phụ nữ đến gõ cửa nhà tôi, tôi biết bà ấy là ai nhưng vì khoảng thời gian quá lâu mới gặp lại khiến tôi chẳng thể nhớ nổi tên bà, tôi chỉ biết bà mở một tiệm tạp hóa ngoài đường lớn, và là người có điện thoại cố định duy nhất ở xóm này.

Thường thì khi có ai đi làm ăn xa, đều sẽ lấy số cố định của bà rồi gọi về để liên lạc với gia đình ở quê, số ít người vẫn sẽ viết thư nhưng nó không quá tiện lợi.

Bà thấy của nhà tôi đang đóng chặt, thì cất cao giọng gọi tôi:

“Dương ơi Dương! Chút nữa con ra nhà Tư nghe điện thoại nha, hồi nãy mẹ con có gọi về rồi nhắn Tư vô kêu con đó!”

Tôi đang ngồi đánh răng trên sàn nước nhà sau, nghe thấy giọng bà ấy thì vội nhả mớ bọt kem trong miệng ra, nhanh nhảu trả lời bà ấy:

“Dạ, con biết rồi ạ.”

Giọng nói của tôi sau nhiều đêm khóc than nên có chút khàn khàn mệt mỏi, vừa cất tiếng lên đã khiến cả tôi lẫn bà Tư tạp hóa giật mình.

Vừa nghe thấy giọng tôi bà ấy liền nhẹ giọng rầy la:

“Bộ bây khóc dữ lắm hay gì mà bể tiếng luôn vậy hả? Rồi có ăn uống gì chưa hay ngày nào cũng nhịn đói?”

Tôi lau mặt qua loa rồi chạy ra nhà trước mở cửa chào bà, cố gắng nở một nụ cười khó nhọc với bà:

“Dạ lúc sáng con có mua bắp luộc rồi ạ, lát con ăn. Với lại mấy nay con không có khóc nữa đâu Tư.”

Dù nói vậy nhưng đôi mắt sưng húp của tôi đã phản chủ mất rồi, bà Tư thấy vậy chỉ đành thở dài rồi vỗ nhẹ đầu tôi dặn dò:

“Một lát nữa mẹ gọi về thì nói mẹ cho thêm ít tiền, mua mì với trứng để sẵn trong nhà để tối đói bụng có mà ăn, đừng có khóc la trách cha trách mẹ như hồi hổm nghe chưa?”

Nghe bà nói vậy trong lòng tôi cũng có chút chùn xuống, ký ức về mấy ngày bà sắp mắt lại tràn về cùng với câu nói vô tâm của mẹ vang lên trong đầu tôi, thế nhưng tôi lấy lại tinh thần rất nhanh, ngoan ngoãn đồng ý với lời dặn của bà Tư.

Tôi còn nhớ thời điểm này mì gói vẫn còn là một món ăn xa xỉ với người nhà nghèo như tôi, bà nói vậy vì bà biết tôi chẳng thể tự nấu cơm cho mình nên chỉ có thể ăn mì.

Đợi gần nửa tiếng sau tôi mới tắm rửa sạch sẽ rồi thay đồ đi học xong, sau đó tôi lấy chiếc xe đạp cũ chạy ra con hẻm nhỏ, ghé quán tạp hóa đầu đường của bà Tư.

Bà Tư ra hiệu tôi đứng đợi một lát, sau đó bà gọi lại cho mẹ tôi, không lâu sau thì bà ngoắc tay gọi tôi vào nghe máy.

Có lẽ trong thân thể mười bốn tuổi này, tôi với mẹ chỉ mới có nửa tháng chưa nói chuyện, nhưng thực tế tôi và mẹ đã gần bảy năm không nói chuyện với nhau.

Thế nên nghe thấy giọng nói bên kia của mẹ, trong lòng tôi lại có chút cảm xúc không thể diễn tả, trải qua một kiếp người rồi, không biết tôi có nên ôm mãi những cơn giận này trong lòng hay không?

Mẹ tôi hỏi:

“Đám tang của bà xong rồi hả con?”

Tôi cố kìm nén giọng nói quá khích của mình, trầm giọng nói:

“Xong rồi.”

Bên kia mẹ tôi im lặng trong chốc lát, sau đó bà lại hỏi:

“Gần đây con có ăn uống đầy đủ không? Mẹ với cha sắp về được rồi, về nhà mẹ với con nói chuyện, mẹ có chuyện quan trọng muốn nói với con.”

Cuối cùng thì tôi chẳng thể bỏ qua được cơn giận trong lòng mình, trái tim xôn xao cảm giác vừa đau lòng vừa căm giận.

Tôi cộc lốc đáp lại mẹ:

“Tùy mẹ.”

Mẹ tôi im lặng khá lâu, đến khi tôi gần như mất kiên nhẫn bà mới nói thêm:

“Mẹ có gửi ba trăm về cho con đó, chắc tầm cuối tháng là tới, con xài tiết kiệm chừa tiền đóng tiền học nha.”

Tôi bật cười thành tiếng rồi lại thêm chút chua chát trong lòng, mẹ tôi vẫn y hệt người mẹ trong trí nhớ của tôi.

Nói một đằng làm một nẻo, luôn luôn đứng ở vị trí lương thiện còn người đối đầu với bà chính là kẻ xấu.

Tôi lạnh lùng nói:

“Nếu không có gì nữa thì con cúp máy đây, con không dư tiền trả tiền điện thoại nữa đâu, mai mốt mẹ đừng gọi nữa.”

Mẹ tôi gằn giọng ở đầu dây bên kia:

“Dương!!!”

Nhưng tôi không để bà nó thêm gì nữa lạnh lùng cúp máy, sau đó lấy mấy đồng còn sót lại trong túi đưa cho bà Tư.

Tôi leo lên con xe đạp cũ rồi phóng như bay đến trường, trái tim vốn đã tan nát lại bị cứa thêm vài nhát dao.

Có lẽ nếu tôi của đời trước khi nghe bà nói vậy chắc chắc sẽ nghĩ mẹ tôi rất thương tôi, cho tiền tôi tiếp tục học hành cho nên người, nhưng đã trải qua một đời, tôi hiểu rõ đây chỉ là chiêu bài mà bà dùng để đánh động tôi mà thôi.

Giống như cái cách mà bà ấy đã lừa chị tôi vậy.

Tôi vốn dĩ không ghét những người mưu tính thiệt hơn, nhưng tôi giận chính là giận người tôi gọi là mẹ lại hết lần này tới lần khác đẩy tôi vào ngõ cụt không có đường ra.

Tôi ghét những người nói dối, ghét những người chỉ nói một nửa sự thật rồi lấp lửng cho qua, khiến một đứa trẻ vừa mới bò ra khỏi miệng giếng lại tiếp tục bị hãm sâu vào nó lần nữa.