Cất Giấu Một Tấm Chân Tình

Chương 34

Giọng của Đình Việt rất ấm, mặc dù ở cách xa nhau hàng trăm cây số nhưng vẫn có thể vỗ về tâm trạng của Hà Phương. Thực ra, cô biết anh bận, cũng không trách anh vì không để ý đến cô, nhưng Hà Phương vẫn ấm ức. Cô là người chỉ cần phải chịu thiệt một chút cũng không nhịn được, nhất là trong mối quan hệ chỉ có hai người.

Đình Việt thấy cô mãi không trả lời lại hỏi: “Xương sườn đã hết đau chưa?”

“Hết rồi”.

“Mấy ngày nay em làm gì?”.

“Chạy loanh quanh, đi kiếm mấy anh chàng đẹp trai”

“Tìm được anh nào chưa?”

“Trên dưới mười anh rồi”. Cô ngẫm nghĩ một lát, lại nhớ đến cơ bụng rắn chắc cùng đường nhân như sâu hun hút dưới eo anh, bất giác nuốt khan một tiếng: “Anh nào cũng có cơ bụng tám múi”.

“Xem ra nhà văn có niềm vui mới nên không nhớ đến nơi nghèo nàn này nữa rồi”. Anh cười cười: “Uổng công sáng nay A Văn lại phơi đợt ô mai mới, quả nào cũng vừa to vừa nhiều muối, còn bảo khô hẳn rồi sẽ cất vào bình, chờ em đến lấy”.

Không nhắc đến thì thôi, nhắc tới lại thèm nhỏ rãi. Hà Phương lập tức ngồi dậy, với tay lấy túi ô mai trên đầu giường, bỏ một hạt vào miệng, quả nhiên vị ô mai chưa kịp khô này không thể ngon bằng ô mai anh mang xuống cho cô lần trước.

Có lẽ vì A Văn phơi chưa khô hẳn, cũng có thể do không phải đích thân Đình Việt lặn lội đường xa đưa đến nên mới không thấy ngon.

Hà Phương cau có nói: “Ai nói với anh là em quên bản A Tứ rồi? Em chỉ quên anh thôi”.

“Nhanh thế à?”. Anh nhướng mày: “Cách đây nửa tháng em còn bảo ngh.iện, giờ mới mấy ngày đã cai nhanh thế?”.

“Bác sĩ Việt, chẳng lẽ không ăn cơm cũng không cho người ta ăn phở sao?”

“Không cho”

Cô hừ lạnh một tiếng: “C.hết đói cũng là em chịu thiệt. Anh thì thiệt cái gì?”

Ngón tay Đình Việt gõ gõ xuống bàn, không theo nhịp điệu gì. Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi mới đáp: “Hà Phương, anh cũng không ăn cơm”.

Câu nói này mang hai nghĩa, từ hôm cô đi đến giờ anh thật sự rất bận, vào trong thôn cũng ăn tạm vài cái bánh cooc mò để làm việc, buổi tối về đến ký túc xá thì không còn sức nữa, tắm rửa xong thì leo lên giường đi nằm, không có hạt cơm nào vào bụng. Nhã Lam cả ngày quấn lấy anh như thế, anh cũng chưa từng động đến cô ta.

Anh không ăn cơm, cũng không phát sinh chuyện gì với bất cứ người nào ngoài Hà Phương. Ý anh là như thế!

Mà người con gái ở đầu dây bên kia cũng có lẽ cũng hiểu được một lời nhiều nghĩa của anh, vị ô mai mặn chua trong miệng cô tan ra, trong lòng cũng ít nhiều cảm thấy chua xót.

Cô không ấm ức nữa, chỉ lặng lẽ hít vào một hơi: “Mấy ngày này bận lắm à?”.

“Ừ, thuốc nam mọi người trong thôn uống sắp hết rồi. Anh phải đến khám lại, sau đó còn vào rừng đi hái thuốc. Việc hơi nhiều nên hôm nào cũng muộn mới về”.

“Anh đi một mình à?”

“Ừ”. Đình Việt sợ cô lại nhớ đến ngày đầu anh và cô giáo Nhã Lam ‘chơi trò dã chiến’ trong rừng, hắng giọng bổ sung thêm một câu: “Chỗ rừng phía tây khó đi, A Văn với Lâm cũng không leo được, nên một mình anh đi”.

A Văn và bác sĩ Lâm không leo được, nghĩa là cô giáo Nhã Lam muốn đi cùng cũng không nổi. Hà Phương hài lòng gật đầu: “Bác sĩ Việt, làm gì cũng nên giữ gìn sức khỏe”.

“Anh biết rồi”. Anh cười: “Mẹ em thế nào rồi?”

“Ổn rồi, bác sĩ nói phải nằm viện khoảng một tháng nữa để tiêm kháng sinh thôi. Khâu hơn ba mươi mũi”.

“Ừ. Dùng kháng sinh nhiều sẽ hơi mệt, ăn nhiều ngủ nhiều sẽ nhanh khỏe hơn”. Ngừng một lát, anh mới nói tiếp: “Trên này có mấy loại thuốc nam giúp hồi phục sức khỏe tốt, nhưng anh lại không có thời gian mang về”.

“Không sao”. Hà Phương nhả hạt ô mai ra, cười cười: “Ở đây cũng có bán nhiều thuốc bổ, không tốt bằng thuốc bác sĩ Việt tự tay hái, nhưng dùng tạm vẫn được. Anh cứ để dành thuốc đó, chừng nào về Hà Nội thì mang hết cho em. Em đăng lên mạng bán kiếm tiền”.

“Nhà văn Hà Phương, phải nói trước cho em biết, bán thuốc nam không được nhiều tiền đâu đấy”.

“Không sao. Dù sao thuốc cũng chỉ là một phần thôi, quan trọng là bác sĩ nổi tiếng của trạm xá bản A Tứ tự tay đem về”.

Đình Việt gật đầu, cười mà như không cười: “Ừ”.

Sau đó, bọn họ không ai lên tiếng nữa, đồng hồ đếm thời gian trên điện thoại vẫn chầm chậm chạy, phảng phất quanh ống nghe chỉ có tiếng hít thở đều đều của cả hai, cảm giác như ở gần thật gần mà không thể chạm đến. Lúc này mới biết, hóa ra từ bản A Tứ đến Hà Nội xa đến thế!

Hai người ở xa, phải chịu đựng khoảng cách, có những nỗi trống trải mà điện thoại cũng không khỏa lấp được. Cô hiểu, anh cũng hiểu.

Rất lâu, rất lâu sau đó, khi sương muối bắt đầu rơi xuống trên khu rừng nhỏ ở bản A Tứ, Đình Việt mới khẽ gọi: “Hà Phương”.

Cô lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ, lúc này mây đen đã giăng xuống trên bầu trời, mấy hạt mưa lất phất đổ xuống: “Ừ”.

“Vài ngày nữa có thời gian anh sẽ đi mua điện thoại”. Anh nói: “Nếu thèm thuốc thì ăn ô mai, biết không?”.

Cô gật đầu: “Ô mai em mang về vẫn đủ dùng. Khi nào hết, em sẽ tìm anh lấy”.

“Ừ”. Anh đưa tay lên, muốn xoa đầu cô nhưng lại chợt nhớ ra bây giờ Hà Phương ở rất xa, chỉ có thể đáp: “Có thời gian thì ra ngoài hít thở, đừng chỉ ru rú ở trong nhà. Đến triển lãm sách ký tên cũng được”.

“Sao tự nhiên lại bảo em đến triển lãm sách ký tên?”

“Vì lúc trước anh không thấy em ký tên”.

Hà Phương chợt nhớ đến Tết năm vừa rồi, cô đến gian triển lãm có thấy rất nhiều tác giả ngồi ký tên vào sách cho độc giả, chỉ có gian sách của cô trống không. Lúc ấy, Nam Minh còn chìa cuốn Mùa Hạ Ở Vùng Cao ra đòi xin chữ ký của cô, sau đó hai người khoác tay nhau đi xem phim. Không ngờ lúc ấy có một người nữa cũng ở đó.

Trong lòng Hà Phương có chút chua xót, cô hỏi anh: “Tết vừa rồi anh cũng đến triển lãm sách?”

“Ừ”.

“Bác sĩ Việt”.

Cô cầm chặt ống nghe, khẽ gọi: “Lần sau mang sách tới, em sẽ ký tên cho anh”.

Đình Việt cười cười: “Cảm ơn nhà văn Hà Phương”.

***

Thời gian sau đó, Hà Phương bắt đầu chịu khó ra ngoài hít thở. Hàng ngày cô ghé qua bệnh viện thăm Lê Diệu Châu, sau đó đến tòa soạn ký tên vào sách, gửi tặng cho độc giả. Tổng biên tập hỏi cô sao không tới triển lãm sách để vừa ký tên vừa giao lưu với mọi người, từ đó tăng độ phủ sóng của tên tuổi, nhưng Hà Phương chỉ nói: “Em sợ bọn họ nhìn thấy người thật lại sốc đến mức không muốn làm độc giả của em nữa”.

“Hà Phương, anh nói thật nhé”. Tổng biên tập nhìn cô từ đầu đến chân một lượt: “Gặp em, người ta đều có cảm giác muốn có được, nhưng lại không thể chinh phục được. Em giống như hoa a.nh túc vậy”.

Hà Phương bật cười: “Tổng biên tập, anh đang trêu em đấy à?”

“Anh đã bảo nói thật mà”. Thực ra, tổng biên tập định nói cô giống một con ngựa bất kham mà ai cũng muốn thuần phục được hơn, nhưng lại cảm thấy không phù hợp lắm, lại ví cô như hoa anh t.úc.

Hà Phương cũng không muốn nói nhiều đến vấn đề này, chỉ phẩy tay: “Anh có dụ dỗ em thì em vẫn không đến triển lãm để ký tên đâu. Phiền c.hế.t”.

Tổng biên tập cũng cười: “Được rồi, không đến thì không đến. Em cứ ngồi đây ký tên là được rồi”.

Hà Phương tủm tỉm, hạ bút xuống viết lên trang giấy, chữ ký của cô rất ngắn và cũng rất mạnh mẽ, chỉ có một chữ P.

Có một hôm, Hà Phương đến cửa hàng tiện lợi mua ít hoa quả mang tới bệnh viện thăm mẹ, tình cờ ở đó lại đang có đợt quảng cáo dầu gội mới, nghe nói là mùi bồ kết. Cô xách giỏ hoa quả đến nhìn thử, bạn PG mới đưa mẫu thử ra, cười tươi rói:

“Chị thử mẫu dầu gội mới của bên em đi, mùi bồ kết tự nhiên lắm, vừa thơm vừa sạch nữa, dưỡng tóc mềm mượt cực”.

Hà Phương cúi đầu thử ngửi, mùi bồ kết hơi nồng, lại đậm hương hóa chất, không trong sạch như mùi bồ kết trên tóc của một người ở bản A Tứ. Cô lẩm nhẩm tính ngày mới chợt nhớ ra mình đã về Hà Nội hơn nửa tháng rồi, 20 ngày không gặp được anh, chỉ thỉnh thoảng gọi cho nhau một cuộc điện thoại, ô mai cũng sắp hết.

Không ngửi được hương thơm, không có cảm giác bình yên dung dị từ cơ thể người ấy, Hà Phương có chút phiền lòng.

Cô lắc đầu: “Tôi có dầu gội rồi, cảm ơn”. Sau đó xách giỏ hoa quả đi thẳng.

Lúc đến bệnh viện, người bạn của mẹ cô cũng đang ở đó. Thấy Hà Phương đi vào, dì Tú liền ngây ra:

“Chị Châu, đây có phải là Phương nhà chị không?”.

Lê Diệu Châu chỉ có một đứa con gái này, tuy hơi lạnh lùng ngang bướng, nhưng từ đầu đến chân lại đẹp chẳng thua gì mỹ nhân, giống hệt như bà hồi còn trẻ. Lê Diệu Châu tự hào nói: “Con gái của tôi đấy”. Dứt lời, bà quay sang nhìn cô: “Phương, đây là dì Tú, ngày trước hay đến nhà chơi đấy. Dì ấy vừa ở nước ngoài về vài tháng nay, con còn nhớ không?”.

Hà Phương gật đầu, lịch sự đáp: “Còn ạ. Chào dì Tú”.

“Sao càng lớn càng xinh đẹp thế này. Xinh quá đi thôi”. Dù Tú nhìn cô xuýt xoa: “Da trắng môi đỏ nữa. Nghe mẹ con nói con vẫn chưa có bạn trai phải không?”.

Hà Phương định nói, nhưng hai người kia thậm chí còn không cho cô cơ hội mở miệng, lập tức chặn họng: “Nó ấy à, 28, 29 tuổi đầu rồi còn không chịu yêu ai. Bao nhiêu đàn ông theo đuổi cũng không chọn lấy một người. Tôi sốt ruột muốn bế cháu lắm rồi mà nó cứ bảo từ từ”.

“Từ từ sao được. Phụ nữ đến tuổi này cũng nên lấy chồng sinh đẻ đi chứ. Hôm trước tôi cũng nói rồi phải không? Thằng Minh nhà tôi hơn Phương một tuổi, cũng chưa có bạn gái, hay là hai đứa gặp nhau nói chuyện đi. Xem xem nếu hợp thì tiến tới, không hợp thì thôi”.

“Dì, bây giờ là thời đại mới rồi mà. Kết hôn đâu cần mai mối nữa. Với cả chắc con trai dì cũng không thích con”.

“Không gặp sao biết được, hai đứa cứ thử gặp mặt một lần đi xem sao”.

Mặc Hà Phương từ chối thế nào, hai bà mẹ vẫn tự ý bàn bạc với nhau, sắp xếp một cuộc gặp mặt giữa cô và con trai của dì Tú.

Với tính cách của Hà Phương, tất nhiên cô sẽ không đi. Nhưng Lê Diệu Châu nói chỉ cần cô gặp mặt lần này, về sau sẽ không giục cô kết hôn nữa. Thêm cả, hơn một tuần nay Đình Việt không hề liên lạc với cô, A Văn nói anh đi khám bệnh suốt, có những hôm gần sáng mới về, Đình Việt chỉ được ngủ vài tiếng lại phải dậy đi, thành ra cũng chẳng có thời gian để gọi điện thoại cho cô.

Hà Phương cười tự nhủ: Biết trước yêu xa phiền phức như vậy, cô đã không mất công tán tỉnh anh ngay từ đầu rồi. Bây giờ Đình Việt không rời khỏi bản A Tứ, mà Hà Phương cũng không thể cứ mãi lên đó cùng anh, mỗi đứa một nơi, mỗi đêm đều trống trải quay quắt.

Đằng nào cũng không có việc gì làm, cũng chẳng phải chờ điện thoại của ai, cô đi gặp con trai của dì Tú một lần coi như g.iế.t thời gian cũng được.

Mấy hôm sau đến lịch gặp mặt, cô một mình lái xe đến nhà hàng mà dì Tú đã đặt sẵn. Ban đầu dì Tú nói mình cũng đến, nhưng khi cô vừa xuống xe thì lại nhận được tin nhắn của dì ấy, nói có việc đột xuất phải đi trước. Dặn Hà Phương cứ vào nhà hàng, con trai dì Tú đang ngồi chờ cô ở bàn số 16, còn ghi chú thêm một dòng: Sát cửa sổ bên trái.

Hà Phương nhìn dòng tin nhắn trong tay, cười nhạt một tiếng rồi cất điện thoại vào túi, lững thững đi vào bên trong. Cô đảo mắt một vòng, nhanh chóng tìm thấy được bàn số 16, khi thấy rõ người đang ngồi đó, Hà Phương bất giác nhíu mày.

Cô ngẫm nghĩ một chút rồi vẫn đi lại gần: “Chào hàng xóm”.

Nam Minh đang chăm chú xem tin tức trên điện thoại, ngước lên nhìn thấy Hà Phương thì gương mặt lập tức lộ vẻ kinh ngạc: “Tình cờ thế, em cũng đến đây ăn cơm à?”

“Em đến xem mắt”. Cô cười cười, ngồi xuống ghế đối diện Nam Minh, một chân tùy ý vắt lên: “Dì Tú nói có con trai muốn giới thiệu với em, không ngờ lại là hàng xóm nhà kế bên”.

“Đừng nói em là con của cô Châu đấy nhé?”

“Tiếc quá, anh đoán đúng rồi”

Nam Minh vẫn chưa hết sửng sốt, anh ta mở to mắt, không tin nổi nhìn cô từ đầu đến chân một lượt, sau đó đột nhiên bật cười: “Anh không nghĩ là anh với em lại có duyên thế đấy. Tự nhiên sau một thời gian dài không gặp, lại từ hàng xóm trở thành đối tượng xem mắt của anh luôn rồi. Duyên phận này không phải ai cũng có được đâu nhé”.

“Em cũng thấy vậy”.

“Lâu không nhìn thấy em, em có khỏe không?”

“Em khỏe”. Hà Phương liếc cuốn Menu trước mặt, Nam Minh cũng nhận ra mình vừa rồi mải nói chuyện mà quên mất mục đích chính của buổi xem mắt hôm nay. Anh ta vội vàng cầm lên đưa cho Hà Phương:

“Em chọn món đi”.

Cô gật đầu, nhận lấy cuốn Menu. Ở đó toàn những món thịt, đắt tiền, hình ảnh cũng rất bắt mắt, nhưng với Hà Phương lại không có một chút hấp dẫn nào, cô chỉ vài món sald: “Cho em cái này đi”.

Nam Minh nói: “Người em đẹp rồi, không cần phải giảm cân nữa đâu”.

“Không phải, em lười ăn thịt, chỉ thích mấy món rau”.

“À…”.

Anh ta tỏ vẻ hiểu ra, vẫy tay gọi phục vụ, kêu mấy món salad Hà Phương vừa chọn, kèm theo một suất gan ngỗng. Lúc ăn uống, Nam Minh có hỏi cô thời gian vừa rồi đi đâu, Hà Phương chỉ nói qua loa mình sang Tây Tạng tìm cảm hứng viết sách.

Anh ta cười bảo: “Nhà văn phải đi nhiều nơi thật, mấy lần sang gõ cửa nhà em nhưng không có ai trả lời. Gặp được em khó quá”.

“Em về nửa tháng rồi nhưng không gặp anh”.

“À… bố anh ốm, anh về bên đó ở một thời gian. Đang định sang tuần tới dọn về nhà bên này”.

Nói tới đây, hình như Nam Minh nhớ ra chuyện gì đó nên ngước lên bảo cô: “Đúng rồi, tháng trước anh có thấy bảo vệ gửi anh một phong bì của công an, nhờ gửi cho em nhưng không gặp. Bây giờ vẫn đang ở nhà anh”.

Hà Phương biết đó là giấy thông báo bị mất tích của cô, cũng lười nhiều lời, chỉ đáp: “Vâng, lúc nào có thời gian thì gọi em, em qua lấy”.

“Lát nữa để anh về nhà lấy cho em, tiện đường, đưa em về nhà”.

Dù sao cũng thực sự là tiện đường, Hà Phương im lặng ăn salad trên đĩa, không từ chối.

Bởi vì đã quen biết nên bữa xem mặt đó không khó nuốt như cô nghĩ, ban đầu Hà Phương chỉ định đến, nói mấy câu khiến đối phương sợ chạy mất dép rồi đi về, nhưng vì con trai dì Tú hóa ra là hàng xóm nhà cô, nên cô chỉ đành lịch sự ngồi ăn đến hết bữa.

Nam Minh cũng không tỏ ra vồ vập như thời gian trước, anh ta nói chuyện rất điềm đạm, thỉnh thoảng kể một vài chuyện cười, quan trọng nhất là không hề đề cập đến vấn đề tìm hiểu để tiến tới kết hôn. Hà Phương nghĩ buổi tối hôm nay có thể tạm chấp nhận được.

Ăn xong, Nam Minh cùng cô về nhà. Lúc đến trước căn hộ của anh ta, Hà Phương không có ý định vào, nhưng anh ta mở cửa xong lại quay đầu hỏi: “Em có muốn vào nhà uống chén trà không? Anh phải tìm mất một lúc đấy”.

Hà Phương suy nghĩ một lát, cũng đi vào.

Nhà của Nam Minh không hẳn là quá gọn gàng, nhưng cũng không đến nỗi bừa bộn. Trong nhà có rất nhiều mô hình nhân vật hoạt hình, còn có mấy cuốn truyện tranh để trên giá, ở bàn trà đặt cuốn Mùa Hạ Ở Vùng Cao của cô.

Nam Minh thấy ánh mắt Hà Phương nhìn cuốn sách thì hơi ngượng ngập gãi đầu: “Hồi trước đang đọc dở nên để đây. Vẫn chờ nhà văn Hà Phương ký tên. Có chữ ký rồi anh sẽ cất vào tủ kính khóa lại cẩn thận”.

Cuốn sách không có nhiều nếp gấp, ở phần sau vẫn phẳng lì như mới, giống như người đọc nó chỉ mới giở qua mấy trang đầu, hơn nửa cuốn sách chưa từng đọc qua. Tâm trạng muốn ký tên lập tức bay sạch.

Cô lắc đầu: “Cuốn này xuất bản lâu rồi. Đợi khi xuất bản cuốn khác, em sẽ ký tên cho anh”.

“Em viết về bản A Tứ rất hay. Anh cũng muốn lên đó thử một lần, để xem ở đó thế nào mà viết vào sách cũng cảm thấy bình yên như thế”. Nói tới đây, Nam Minh lại khẽ cau mày: “Ở đó có thầy hiệu trưởng gì nữa nhỉ? A Pá à?”

Hà Phương cười: “Thầy A Sì Lử”.

“À đúng rồi, thầy A Sì Lử”. Nam Minh có chút xấu hổ: “Em đợi anh một lát nhé, anh nấu nước pha trà, tiện đi lấy đồ cho em luôn”. Dứt lời, không đợi Hà Phương đáp đã quay người vào bên trong.

Đợi Nam Minh đi rồi, cô mới lật giở cuốn sách ở mặt bàn. Thấy bên trong có vết ố sậm màu do cafe đổ ra, mấy bìa sau còn có một vệt hình tròn, có lẽ Nam Minh đã dùng nó để kê cốc cafe. Cô xem xong thì cười nhạt, không nói gì, chỉ đặt nguyên lại chỗ cũ.

Một lát sau, Nam Minh quay lại đưa cho cô một xấp phong bì và giấy tờ, đều là thông báo từ phía chung cư gửi đến, tất cả chưa bóc. Hà Phương nhận lấy, cũng không muốn ở nơi này quá lâu nên đứng dậy: “Cảm ơn anh, em còn có việc nên về luôn đây”.

“Anh chưa pha trà mà. Nước sắp sôi rồi”.

“Để lúc khác cũng được. Ngày tháng còn dài”.

Nam Minh cũng không miễn cưỡng cô, đành tiễn Hà Phương ra cửa. Lúc cô chuẩn bị đi khỏi, anh ta có nói: “Chắc ngày mai anh chuyển về luôn, hàng xóm, lúc nào rỗi mời em một bữa cơm nhé”. Nam Minh cười: “Tự tay anh nấu”

“Em hơi bận, tính sau nhé?”

“Được. Ngủ ngon nhé”

“Tạm biệt”

Hà Phương ôm đống giấy tờ về nhà, cô lười không thèm giở ra đọc, tắm rửa xong liền leo lên giường định đi ngủ, nhưng quay tới quay lui vẫn không sao thϊếp đi được.

Rảnh rỗi, cô lại lẩm nhẩm đếm ngày, từ lần cuối Đình Việt gọi điện thoại tới giờ đã 8 ngày rồi, cái tên bác sĩ c.hế.t tiệt kia hình như chỉ vùi đầu với công việc chữa bệnh của mình, không còn nhớ đến cô nữa. Hai người lại ở cách nhau mấy trăm cây số, đường đi gian nan, chẳng có lý do gì để đến thăm.

Hà Phương nghĩ đến cô giáo Lam ngày đêm quấn lấy anh, còn có đám thiếu nữ trong thôn muốn gả cho anh, tự nhiên lại cảm thấy đau đầu.

Cô nghiến răng kèn kẹt, nhìn ba chữ “Bác sĩ Việt” bất động trên màn hình rồi bực bội ném xuống gối, miệng chửi bậy hai chữ: “Đồ khốn”.

Cái tên kia dường như linh cảm được cả tiếng mắng chửi của cô, chưa đầy ba giây sau đã gọi đến. Hà Phương cầm điện thoại lên, thấy ba chữ “bác sĩ Việt” nhấp nháy thì không nghe, nhưng anh cứ gọi mãi, gọi mãi, đến cuộc thứ năm thì cô đành hậm hực nghe máy:

“Phiền quá, anh không ngủ thì đừng có phá đám giấc ngủ của người khác”.

“Ngủ rồi à?”. Giọng anh khe khẽ, đầu dây bên kia không lẫn tiếng côn trùng kêu, thỉnh thoảng chỉ có tiếng lạch cạch.

Cô đáp: “Ngủ rồi. Không bận rộn như bác sĩ Việt, giờ này làm sao còn thức?”.

Anh nghe được ý mỉa mai của cô, muốn cười mà không cười nổi. Anh hỏi: “Hôm nay em làm gì?”

“Đến bệnh viện, đi ký tên, buổi tối đi ăn với một anh chàng đẹp trai, cao mét tám”.

“Ăn ngon không?”. Thanh âm của anh có chút không vui, Hà Phương cũng nghe ra được.

Nhưng cô cố ý chọc tức anh nên vẫn đáp: “Ngon, nói rất nhiều chuyện. Anh ta còn mời em về nhà”.

“Uống chén trà?”.

“Làm nhiều hơn thế nữa”.

Đình Việt nhẫn nhịn hít sâu vào một hơi, cố nén cảm giác khó chịu trào dâng nơi cổ họng. Anh nói: “Làm chuyện gì?”.

“Làm nhiều chuyện. Anh không cần biết”.

“Em không kiên nhẫn đến thế à?”

“Đúng đấy, em không kiên nhẫn. Không có anh thì em tìm người đàn ông khác. Anh cứ ở đó với đống thuốc nam thuốc tây gì của anh đi”. Cô lẩm bẩm rủa: “Làm như không có anh thì em c.hế.t chắc”.

Anh không trả lời nữa, trong ống nghe chỉ có mấy âm thanh hít thở nặng nề. Hà Phương cũng không nói, cô buồn bực không cách nào trút giận, mà Đình Việt ở bên kia cứ im lặng mãi, cuối cùng cô cảm thấy hai người quá lãng phí thời gian, lãng phí cả tiền điện thoại, nên bấm nút tắt máy.

Đình Việt cũng không gọi lại, Hà Phương không trông chờ anh dỗ dành, nhưng thái độ này của anh khiến cô bực bội mãi không thôi. Cô có cảm giác như giữa mình và Đình Việt đơn giản chỉ là tình một đêm, nói ‘cho cả đời’ gì đó, đều là giả.

Hai người đã từng hứa hẹn gì đâu?

Hà Phương cười tự giễu, sau đó không muốn phải phiền lòng thêm, đành dứt khoát tắt luôn nguồn điện thoại, nhét xuống gối rồi nhắm mắt ngủ.

Nhưng cô chưa ngủ được lâu thì bên ngoài lại vang lên tiếng gõ cửa, ban đầu Hà Phương nghĩ là bên nhà hàng xóm, nhưng những tiếng cốc cốc kia cứ dồn dập vang lên, giống như dội vào tai, khiến cô cảm thấy khó chịu đến đi.ên cả đầu.

Hà Phương trùm chăn lại, cố bịt tai nhưng tiếng gõ cửa vẫn không ngừng lại, thậm chí còn nhiều hơn, tận một lúc sau cô mới phát hiện ra, thì ra mấy âm thanh ồn ào đó là ở cửa nhà mình. Không biết cái tên thối tha nào nửa đêm còn phá đám giấc ngủ của cô, nhưng đêm hôm khuya khoắt thế này làm phiền người khác đáng bị b.ắn bỏ.

Hà Phương định mặc kệ, để người kia gõ chán rồi thôi, nhưng người ở bên ngoài vẫn kiên trì không chịu đi. Hơn nữa, hàng xóm cũng bị làm phiền nên cũng lục đυ.c dậy mắng. Cuối cùng, cô hết chịu nổi, đành mặc nguyên bộ đồ ngủ, đầu bù tóc rối ra mở cửa.

Hà Phương không thèm nhìn xem ai đã cau có mắng: “Làm cái quái gì vậy hả?”.

Người kia không đáp, anh đứng ngược sáng, chiếc bóng dài đổ xuống thân thể cô, chồng lên bóng của Hà Phương.

Trong không khí thoang thoảng mùi bồ kết trong lành, không có hương hóa học, còn phảng phất cả mùi khử trùng thanh lạnh, lúc lan đến cánh mũi Hà Phương, cô mới thoáng ngây ra.

Anh nói: “Không có chỗ ngủ, đến phiền em một đêm”.