Cất Giấu Một Tấm Chân Tình

Chương 14

Chẳng rõ đã hôn bao lâu, chỉ biết đến khi hai thân thể dần trở nên nóng rực, Đình Việt mới rời khỏi môi Hà Phương.

Gương mặt cô đỏ ửng, hô hấp rối loạn, nhưng ánh mắt vẫn trong veo nhìn thẳng anh, không có một chút xấu hổ hay kiêng dè, thậm chí bàn tay còn bắt đầu đưa lên, sờ cơ bụng của anh rồi trượt thẳng một đường xuống dưới.

Đình Việt sầm mặt, tóm lấy cổ tay cô: “Đừng càn quấy”.

“Anh cứng rồi”. Cô nói một cách rất thản nhiên: “Khó chịu không?”

“Không”

“Anh nói dối”.

Đình Việt thật chẳng biết làm sao với người phụ nữ này, cô không có loại e thẹn mà phụ nữ nên có, cũng chẳng giả vờ ngượng ngập một cách giả dối, sự thẳng thắn đến trắng trợn này làm anh có chút đau đầu.

Đình Việt nghiêm giọng, cố ý lảng sang chuyện khác: “Muộn rồi, đi về thôi”.

“Chỉ thế thôi à?”. Hà Phương bĩu môi. Cô biết, thân thể anh còn muốn nhiều hơn thế.

Nhưng Đình Việt chỉ nhặt hộp đồ nghề rồi đi thẳng xuống cầu, Hà Phương đành phải lững thững đi theo. Cây cầu bằng luồng già theo bước chân hai người vẫn kêu kẽo kẹt, kẽo kẹt.

Khi đặt chân đến bờ suối, cô mới lẩm bẩm nói: “Hôm nào anh cũng đi đến giờ này mới về à?”

“Ừ. Đang có dịch sốt xuất huyết, nhiều người bị sốt nhưng không chịu đến viện, tôi phải đến từng nhà thuyết phục”.

“Ở trong thôn muốn đến viện có xa không?”

“Không xa lắm”. Anh đi phía trước cô, chiếc bóng dưới ánh trăng đổ dài xuống đất, Hà Phương đi phía sau cố ý dẫm lên bóng anh: “Trong thôn có một đường cái vừa đủ cho ô tô chạy. Đi qua hai ngọn đồi là có thể ra huyện. Tính ra nếu từ trường tiểu học ra trung tâm huyện gần hơn nhưng đường khó đi, từ thôn ra đến huyện xa hơn nhưng dễ đi”.

“Ừ. Nếu thế thì xe cấp cứu có thể vào được. Dịch sốt xuất huyết không điều trị kịp thời thì nguy hiểm lắm. Trước tôi từng bị một lần, tưởng đã c.hế.t rồi”.

“Ở thành phố thì không c.hế.t được”. Anh bỗng dưng dừng lại, chìa tay về phía cô. Lúc này Hà Phương mới để ý hai người đã đi vào chỗ tán cây, ánh trăng không chiếu đến nên đường xá tối om, trước mặt là mấy hòn đá to tướng gồ ghề.

Cô nắm lấy tay anh, cảm nhận sự mềm mại cùng cứng rắn từ lòng bàn tay, trái tim cũng mềm xuống: “Đúng vậy, ở thành phố không c.hế.t được nên tôi lên đây tìm c.hế.t đấy. Bác sĩ Việt, anh không nhớ tôi à?”.

Đình Việt không đáp, chỉ kéo tay cô tiến về phía trước. Hà Phương không nghe được câu trả lời từ anh lại nói: “Thời gian qua anh chưa từng chủ động liên lạc. Gặp tôi ở đây anh cũng chẳng ngạc nhiên”.

Trong rừng chỉ có tiếng côn trùng kêu, thỉnh thoảng còn có tiếng chim đập cánh vì bị tiếng bước chân của hai người đánh thức. Mãi rất lâu sau đó, người đàn ông đi dưới ánh trăng kia mới chầm chậm thốt ra một câu: “Tôi biết cô sẽ đến”.

Câu nói này làm Hà Phương thoáng sửng sốt, cô tròn xoe mắt nhìn anh rồi bật cười: “Tại sao?”

“Cô từng nói cô đã quên mất ánh trăng ở chỗ này”. Ngữ điệu của anh rất kiên định, như lại ẩn chứa trong đó nét dịu dàng: “Quên mất thì sẽ không nhắc đến nữa, chỉ có người muốn tìm lại mới nói mình đã quên. Cho nên nhất định cô sẽ đến”.

Từng lời, từng chữ giống như xuyên thẳng vào đáy lòng của Hà Phương, cô có ánh mắt nhìn rõ ràng được sự ham muốn của anh, còn Đình Việt, anh có sự sắc bén trong ngôn ngữ có thể nhìn thấu được nỗi lòng của cô.

Trên đời này, chưa từng có người đàn ông nào hiểu cô đến vậy.

Cô lặng sẽ siết thật chặt tay anh: “Đúng thế, bác sĩ Việt, tôi nhất định sẽ đến”.

“Lần này ở bao lâu?”

“Cũng không biết. Tôi đi theo đoàn phóng viên, lần này bọn họ lên đây lấy tư liệu viết báo, có thể xong việc tôi sẽ đi cùng bọn họ. Cũng có thể…”. Cô liếʍ môi, nhìn chằm chằm anh: “Nếu ai đó giữ tôi lại, tôi sẽ ở lại thêm ít ngày”.

Đình Việt ngay lập tức đáp: “Thời gian này tôi bận việc trong thôn, cô lên sớm về sớm”.

Hà Phương bị anh chọc giận, nghiến răng véo anh: “Bác sĩ Việt, đồ kh.ốn”.

Có ai đó khẽ cong môi, nở một nụ cười mềm mại rực rỡ như ánh nắng, lúc này hai người đã bắt đầu ra khỏi rừng cây, trên đầu lại có ánh trăng sáng. Đình Việt kéo Hà Phương bước thật nhanh, cô chạy bước nhỏ theo anh, đến khi tới con dốc thì không nhịn được nữa, bật cười thành tiếng giòn tan.

“Có một ngày tôi sẽ chỉnh c.hế.t anh”.

***

Lâu rồi Hà Phương mới được ngủ một giấc thật ngon, sáng hôm sau tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao, trên trường tiểu học, bọn A Sùng đã học được hai, ba tiết rồi.

Cô ra sân vươn vai một cái, ngó lên trạm xá mới thấy một bóng áo blouse trắng đang loay hoay làm việc. Đình Việt đang bận rộn ghi chép hồ sơ giấy tờ gì đó, gương mặt vừa bình thản vừa chuyên chú. Hà Phương đứng bên dưới thì trầm mặc ngắm anh, mãi đến khi bắt đầu thấy môi lưỡi ngứa ngáy, cô mới lững thững đi ra giếng rửa mặt.

Nước giếng vừa mát vừa trong lành, chỉ cần dội một gáo đã thấy tinh thần vô cùng sảng khoái. Nghiêm Quỳnh mới đi đâu về thấy cô mới cất tiếng: “Chị Phương dậy rồi à?”.

“Ừ”. Cô gật đầu, vẫn chăm chú vốc nước tạt vào mặt: “Một người nữa đi đâu rồi? Sáng nay đã thu thập được tin nào chưa?”

“Bé Thu ấy hả? Em ấy đi cùng thầy A Sì Lử rồi, đang dự giờ ở trên lớp đấy ạ”. Nghiêm Quỳnh cười cười, nghĩ ngợi một hồi rồi lại hỏi: “Chị Phương có quen anh bác sĩ ở trạm xá kia không?”.

Từ sân giếng có thể nhìn được một góc trạm xá, Hà Phương theo phản xạ liếc lên, ở chỗ này thấy được nửa sườn mặt của Đình Việt.

Cô gật đầu: “Có, trước có ở chỗ này một tháng, quen cả”.

“Thế ạ?”. Ánh mắt Nghiêm Quỳnh như dán chặt vào gương mặt anh: “Trông đẹp trai quá. Có vợ chưa hả chị?”

“Chưa có”.

“Hôm qua em không thấy anh này. Mãi đến sáng nay mới thấy. Hồi nãy có chào hỏi mấy câu, nghe giọng cũng nhẹ, chắc cũng người Hà Nội lên đây”.

“Ừ”. Hà Phương khẽ nhíu mày: “Cô thích anh ấy hả?”.

“Làm gì có, anh nào đẹp trai em cũng thích hết”. Nghiêm Quỳnh nửa đùa nửa thật đáp: “Nhưng em cứ có cảm giác anh này nhìn quen lắm, chắc trước đây em có từng phỏng vấn một lần rồi. Em nhớ mặt tốt lắm, không nhầm được đâu”.

“Anh ấy là bác sĩ ở trên này 7 năm rồi. Đầu năm nay vừa nhận giải thưởng vinh danh các bác sĩ có đóng góp cho nền y học đất nước, chắc hôm đó cô cũng đến lấy tin nên mới thấy quen”.

“Hôm ấy em không đi lấy tin”. Nghiêm Quỳnh ngẩn ra: “Nhưng anh ấy tên là gì hả chị?”

“Bác sĩ Đỗ Đình Việt”.

Vẻ mặt Nghiêm Quỳnh thoáng sửng sốt, lại có chút tái đi, như thể không sao tin được. Hà Phương biết cô ta không đơn giản chỉ là thấy Đình Việt đẹp trai nên mới có biểu cảm như vậy, nhưng chưa kịp hỏi, Nghiêm Quỳnh đã nói: “Em nhớ ra rồi. Nếu đúng anh ấy tên Đỗ Đình Việt, mà nhìn mặt lại quen thế này thì…”.

“Thì gì?”. Hà Phương hỏi.

Nghiêm Quỳnh há miệng định nói gì đó, nhưng đột nhiên nghĩ ngợi thế nào nên lại thôi. Cô ấy hơi mất tự nhiên nói: “À… không có gì ạ”.

“Anh ấy từng ngủ với cô à?”.

Nghiêm Quỳnh giật bắn mình, vội vã xua tay: “Không phải. Em làm sao mà ngủ được với anh ấy. Ngủ được với anh ấy em cũng ngủ”.

“Chơi bạo thế sao?”. Hà Phương cười khẩy.

“Chị không biết đâu, nhìn dáng người với khuôn mặt kia đã muốn tình một đêm với người ta rồi. Biết gia cảnh anh ấy nữa thì…”. Nghiêm Quỳnh tặc lưỡi: “Chỉ muốn úp sọt luôn cho xong”.

Có người nào đó thầm chửi tục trong lòng một tiếng!

Nghiêm Quỳnh không nhìn ra được vẻ mặt cười như không cười của Hà Phương, vẫn tiếp tục: “Em vẫn không hiểu sao anh ấy lại lên đây làm bác sĩ nhỉ? Còn lên tận 7 năm”.

“Tôi cũng không rõ. Chắc là bị bỏ bùa”.

Nghiêm Quỳnh sửng sốt quay đầu nhìn cô, không cần đoán cũng biết cô ta đang sợ. Hà Phương vẫn lạnh nhạt nói: “Ở chỗ này nhiều người biết làm bùa lắm, cô cẩn thận”.

Mặt Nghiêm Quỳnh tái xanh: “Thật ạ?”

“Thật”. Nói xong, Hà Phương thả gáo múc nước xuống bên cạnh giếng, lững thững đi vào.

Cô định về ký túc xá, nhưng nghĩ ngợi thế nào lại đi thẳng lên trạm xá. Đình Việt lúc này đã xử lý xong đống giấy tờ, đang pha thuốc, thấy bóng cô mới ngước lên, nói móc một câu: “Ngủ dậy sớm thế?”.

“Tại vì mơ một giấc mơ không muốn tỉnh dậy đấy”. Cô tựa lưng vào khung cửa, nhìn quanh một vòng trạm xá sơ sài của anh. Trong này ngoài giấy tờ và thuốc thang thì chẳng còn gì có giá trị, nhưng tất cả đều rất gọn gàng sạch sẽ: “Anh có muốn biết tôi mơ gì không?”

“Không cần đoán cũng biết là chuyện xấu”. Anh thờ ơ đáp.

“Đúng thế. Tôi mơ làm với anh cả đêm”. Cô chu môi, cười cười: “Nhưng sáng ra mới biết không chỉ có tôi muốn làm với anh, còn có một người nữa kìa. Bác sĩ Việt, muốn ngủ với anh có khi phải xếp hàng ấy nhỉ?”

Đình Việt ngay lập tức sầm mặt: “Nói vớ vẩn gì thế?”

“Nói thật”. Ngữ điệu của Hà Phương vô cùng nghiêm túc.

Lúc này, anh mới nhận ra cô đang nói thật, không biết mới sáng ra đã có ai chọc cô, nhưng nhìn bộ dạng của Hà Phương lúc này anh thấy hơi buồn cười.

Đình Việt dừng tay pha mấy lọ thuốc nhỏ, cúi người lấy ra từ trong ngăn kéo một nắm lá, miệng nói với cô: “Lại đây ăn sáng”.

Thấy bánh cooc mò, hai mắt Hà Phương lập tức sáng rực, cô cũng quên luôn cảm giác buồn bực vừa rồi, nhanh chóng rảo bước đi lại gần anh: “Anh lại tham ô của dân đấy à?”.

“Ừ. Hấp lại ban sáng rồi. Vẫn còn nóng, ăn đi”.

“Anh hấp?”

“Ừ”.

Hà Phương cười tươi rói, mở bánh cooc mò ra đưa lên miệng cắn một miếng, hương vị quen thuộc lập tức lấp đầy mọi giác quan. Cô hài lòng nói một tiếng: “Ngon hơn hẳn bình thường”.

Đình Việt bật cười: “Ăn nhanh lên rồi về ký túc xá cho tôi còn làm việc”.

“Hôm nay anh không vào thôn à?”

“A Văn với Lâm vào rồi, buổi chiều đến lượt tôi đi”.

“Lâm nào cơ?”. Cô vừa nhai vừa hỏi”

“Bác sĩ mới đến. Mới 23 tuổi. Trông cũng được”.

“Đẹp trai bằng anh không?”

“Không biết”.

“Nếu không đẹp trai bằng anh thì tôi chẳng thèm”.

Có người nào đó vô cùng bất lực với người phụ nữ này, cũng chẳng biết làm sao, anh nghĩ có lẽ mình bắt đầu có sở thích bị ngược rồi thì phải.

Thích dây dưa với một cô gái vừa mặt dày vừa trắng trợn, hễ mở miệng là đòi làm với anh, còn luôn nói mấy lời xằng bậy làm anh giận đến ứa gan. Nhưng thật kỳ lạ, anh vẫn không dứt được.

Đình Việt đợi cô ăn xong bánh cooc mò mới đẩy cô: “Mau đi”.

Hà Phương ra đến cửa lại đột nhiên thò đầu vào, tủm tỉm: “Bác sĩ Việt, lúc nào rảnh thì khám bệnh cho tôi nhé”

“Đau chỗ nào?”

“Ở ngực”. Cô ưỡn cao ngực lên, ánh mắt không che giấu ý trêu chọc: “Cả hai bên, chỗ nào cũng khó chịu”.

“…”

“Hay anh lấy ống nghe, nghe thử xem. Hoặc sờ thử một cái cũng được”.

Mặt anh đen như đít nồi: “Hà Phương, ngậm miệng lại”.

“Vừa tay lắm đấy”.

Lần này, Đình Việt dứt khoát đứng dậy đóng cửa sầm một tiếng, Hà Phương chọc anh nổi giận đùng đùng thì ôm bụng cười ngặt nghẽo, cười đến mất cả hình tượng, mãi đến khi thấy lũ trẻ ở bên lớp học nhìn cô bằng ánh mắt quái gở, Hà Phương mới đành ngậm miệng đi về.

Đến lúc ăn cơm, mọi người vẫn quây quần trên băng ghế dài ngoài sân. Nghiêm Quỳnh gần như quấn lấy Đình Việt, hỏi hết chuyện này đến chuyện khác, lấy lý do thu thập tin tức để viết báo, nhưng anh chỉ lạnh nhạt trả lời: “Tôi không có ý để viết cả, cô viết về thầy A Sì Lử thì hơn”.

“Sao không có gì để viết chứ? Đầu năm anh vừa được vinh danh là một trong các bác sĩ có đóng góp cho nền y học đất nước. Lần này lên đây lại tình cờ gặp anh, bác sĩ Việt, khó khăn lắm mới gặp được người thật, anh đồng ý cho tôi viết một bài đi”.

Đình Việt trước sau như một, ngoài Hà Phương khiến anh bất lực ra, những người còn lại dù có làm cách nào cũng chỉ đổi được một vẻ hờ hững của anh: “Không cần đâu”.

Nhã Lam bưng đồ ăn đến, thấy Nghiêm Quỳnh cứ dính lấy anh thì rất khó chịu: “Mọi người ăn cơm thôi. Đồ ăn hôm nay ngon lắm, A Văn mới đi chợ phiên hôm qua mua được đấy”.

Mấy đứa trẻ cùng những người còn lại cũng ồ lên: “Ăn cơm thôi”.

Hà Phương từ đầu đến giờ không bận tâm đến việc Nghiêm Quỳnh tán tỉnh Đình Việt, cô chỉ âm thầm đếm lũ nhóc, phát hiện ra trong mấy chục đứa vẫn thiếu A Pá.

Hà Phương ghé đầu hỏi A Sùng ngồi bên cạnh: “A Pá hôm nay vẫn không đi học hả?”.

“Vâng ạ”. Thằng nhóc A Sùng và một đũa cơm đầy vào miệng, nhai nhồm nhoàm, nói cũng không tròn chữ: “Sáng hôm nay con đến thấy A Pá buồn thiu, nhưng mẹ nó vẫn không cho đi học”.

“A Pá còn muốn đi học ở trường tiểu học A Tứ không?”

“Có ạ. Nó nói với con nó muốn đi học ở đây, muốn có bút màu cơ. Nó không muốn đi học ở huyện rồi không về nữa như chị Lý Ban đấy. Cả anh Đặng Văn Lả, anh Lý Ba Dửn nữa”

“Bọn họ là ai cơ?”

“Chị Lý Ban là chị của A Pá, còn mấy người kia là người trong làng ạ. Mấy anh ấy hơn con 5 tuổi. Ngày trước có mấy người đến đón các anh ấy, bảo ra ngoài huyện đi học, nhưng mãi vẫn không thấy về nữa”.

Hà Phương cứ có cảm giác chuyện này sai sai ở đâu đó, nhưng tạm thời chưa tìm hiểu được tường tận nên cô không thể nói rõ được. Cô gật đầu, gắp một miếng thịt lợn thơm nức đặt vào bát A Sùng: “Thằng nhóc, mau ăn đi. Năm nay cũng không thấy cao hơn là bao”.

A Sùng cười tít mắt, bỏ miếng thịt vào miệng, lại và thêm một đũa cơm to: “Con cao thêm được 10 centi rồi đấy”.

Ăn trưa xong, Hà Phương lại đi tìm Đình Việt. Anh nói buổi chiều sẽ đi vào thôn, cô cũng muốn đi cùng.

Anh thấy cô sửa soạn đồ muốn đi mới hỏi: “Sao tự nhiên lại muốn vào thôn?”

“Thằng nhóc A Sùng nói A Pá mấy hôm nay không đi học, mẹ A Pá nói sẽ đưa thằng bé ra huyện học, anh có cảm giác gì không?”.

Đình Việt ngẫm nghĩ vài giây rồi đáp: “Không đúng lắm”.

“Đúng vậy, tôi cũng thấy thế”. Hà Phương lục ba lô lấy sổ tay, nhưng sờ tới sờ lui mới phát hiện ra hôm kia cô lên đây rất vội, chưa kịp bỏ cuốn sổ mới vào, cuối cùng đành phải móc ngăn riêng trong ba lô ra, lấy cuốn sổ cũ: “Nhà A Pá không có điều kiện, sao ra huyện học được, với cả đi học ở đây sẽ gần hơn ra huyện, tiết kiệm được chi phí và quãng đường”.

“…”

“Thêm nữa, A Sùng còn nói mấy đứa bé trong thôn cũng ra huyện đi học, sau đó cũng không về nữa. Tôi muốn đi thử xem”.

Thực ra chuyện này trước đây anh có từng nghe qua, nhưng những đứa nhóc ra huyện học chưa từng đến trường tiểu học A Tứ, anh không quen biết, mà người dân trong thôn cũng không có thắc mắc gì, thế nên anh không can thiệp nhiều.

Nhưng Hà Phương nói đúng, mấy đứa trẻ đột nhiên biến mất là điều đáng để phải suy nghĩ, hơn nữa A Pá lại là học sinh của trường tiểu học A Tứ, anh không thể nhắm mắt làm ngơ.

Anh gật đầu: “Chúng ta đi”.

Hai người nhanh chóng sửa soạn, lúc ra đến sân thì thấy Nghiêm Quỳnh đang quanh quẩn chờ ở đó. Cô ta nghe loáng thoáng hai người nói sẽ đi vào trong thôn nên muốn đi theo: “Anh Việt, tôi muốn viết tin về cuộc sống của người dân trong thôn, tôi đi cùng được không?”

“Đường rừng, cô không đi được”.

“Tôi đi được. Đường từ bản Tam vào đây đi bộ lội suối, tôi còn đi được mà”. Nói đến đây, Nghiêm Quỳnh lại liếc Hà Phương đứng bên cạnh anh: “Với cả chị Phương đi được thì chắc tôi cũng đi được. Anh cho tôi đi theo đi”

Đình Việt liếc đôi giày búp bê đế bằng của Nghiêm Quỳnh, cũng lười lắm lời, chỉ bảo: “Cô muốn đi thì đi”. Sau đó, đi thẳng lên đầu dốc.

Anh và Hà Phương đã quen với đoạn đường này nên đi rất nhanh, Nghiêm Quỳnh chưa quen, lại đi giày búp bê nên chạy mãi mới đuổi theo được. Bọn họ băng qua một đoạn rừng ngắn, đến khe suối lần này không phải lội nữa, chỉ cần đi lên cầu là có thể sang được bờ bên kia.

Nhưng lúc Đình Việt và Hà Phương đã trèo lên xong thì Nghiêm Quỳnh vẫn đứng mãi một chỗ. Cô ta nhìn cây cầu dựng bằng những cây luồng dài, trông có vẻ chắc chắn nhưng dù sao cũng chỉ là gỗ, bên dưới nước lớn, sỏi đá nhọn hoắt, Nghiêm Quỳnh sợ không dám bước lên.

Hà Phương quay đầu nhìn mặt cô ta xanh mét mới cười: “Không đi nữa à?”.

Nghiêm Quỳnh run lẩy bẩy nói: “Vẫn muốn đi, nhưng tôi hơi sợ”. Cô ta nói đến đây lại ngước nhìn Đình Việt: “Bác sĩ Việt, đỡ tôi với”.

“Không rảnh”. Nói rồi, anh nắm tay Hà Phương kéo đi. Nghiêm Quỳnh đứng bên dưới trông thấy bàn tay hai người đan chặt vào nhau, một trước một sau đi trên chiếc cầu dài chênh vênh mới nhận ra một điều. Thì ra cô ấy mới là người trong lòng bác sĩ Việt.

Bánh cooc mò sáng nay cô ta muốn ăn, Đình Việt không cho là vì nó thuộc về Hà Phương. Số điện thoại của anh cô ta muốn xin nhưng không được, là bởi vì anh chỉ cho duy nhất một người phụ nữ.

Một người có thể coi là hoàn hảo như bác sĩ Việt lại thích một kẻ quái gở như Hà Phương, đây là điều nực cười nhất mà Nghiêm Quỳnh từng biết. Cô ta rất thắc mắc, liệu một ngày nào đó Đình Việt biết Hà Phương từng là một kẻ đ.iên, từng bị trầm cảm đến mức phải dùng tình d.ục để giải phóng bản thân mỗi lần lên cơn, anh có còn thích Hà Phương như bây giờ nữa không?

Xuất thân cao quý như anh, làm sao có thể chấp nhận một người phụ nữ tâm thần lại bẩn thỉu như vậy được chứ?

Trong khi đó, Đình Việt và Hà Phương đi một mạch qua cây cầu nhỏ, lại băng qua nửa quả đồi nữa mới đến được thôn làng bên kia.

Anh đã từng đến nhà A Pá vài lần nên biết đường, khi dẫn Hà Phương đến đó thì chỉ có mẹ A Pá đang ngồi tựa vào cánh cửa, bên cạnh còn có mấy đứa em nheo nhóc, lũ trẻ tuổi san sát, có lẽ cứ ba năm một lại sinh một đôi.

Hà Phương thở hổn hển chạy đến trước, chưa kịp bình ổn lại hô hấp đã hỏi bà ta: “Chị gái, cho hỏi A Pá đâu rồi?”

Mẹ A Pá năm nay mới chỉ hơn 30 tuổi nhưng đã có đến 6 đứa con, lam lũ vất vả nhiều nên gương mặt già nua hơn tuổi thật. Chị ta sửng sốt nhìn Hà Phương, định hỏi cô là ai, nhưng vài giây sau trông thấy bác sĩ Việt cũng đi đến thì ánh mắt đã bớt đi vẻ đề phòng.

Mẹ A Pá nói: “Cô làm ở trạm y tế cùng bác sĩ Việt à?”.

“Tôi hỏi chị A Pá đâu rồi?”

“Nó đi ra huyện rồi. Xe vừa chở nó đi. Cô hỏi nó làm gì?”

“Xe nào chở A Pá ra huyện cơ?”. Hà Phương cau mày thật chặt: “Trẻ con đi học, làm gì có xe nào đến tận nhà chở?”

“Năm ngoái Lý Ban nhà tôi cũng được chở đi như thế mà. Họ nói họ là quản sinh ở trường dân tộc nội trú, thấy Lý Ban với A Pá ngoan ngoãn nên cho ra huyện đi học. Ở đó họ nuôi cơm, học phí cũng được miễn, còn được ở lại ký túc xá nữa. Điều kiện tốt như thế nên tôi cho hai đứa ra huyện đi học”.

“Thế từ lúc đi đến giờ Lý Ban nhà chị đã về lần nào chưa?”

Mẹ của A Pá nghe hỏi thế thì hơi lúng túng: “Họ bảo học ở huyện chương trình nhiều lắm, nghỉ hè còn tham gia hoạt động gì đó nên không về được. Lần này họ đến đón A Pá ra với chị mà”.

“Nói thế mà chị cũng tin à?”. Hà Phương biết người dân ở đây không được tiếp cận giáo dục, dân trí thấp, nhưng giao một đứa con cho người lạ một năm không thấy tin mà vẫn giao thêm đứa con khác, thật không thể hiểu được người phụ nữ này: “Tôi nói cho chị biết, chẳng có trường dân tộc nội trú nào tuyển sinh như thế cả. Cũng chẳng có trường nào giữ học sinh một năm không về. Lý Ban nhà chị bị người ta bắt cóc bán đi rồi, bây giờ đến cả A Pá bọn họ cũng bắt mất kia kìa. Sao chị có thể tin người thế hả?”

Nghe cô nói đến đây thì mẹ A Pá giật bắn mình: “Không phải đâu, sao mà bắt đi được. Lý Ban còn nhỏ thế bắt cóc nó bán đi thì được gì. A Pá nữa. Bọn họ nói cho đi học, còn cho tiền mang về nữa mà. Đây này”. Chị ta giở chiếc túi thổ cẩm đeo bên hông ra, xòe ra mấy tờ tiền màu xanh: “Họ nhiều tiền lắm, cho tôi bao nhiêu tiền đây này. Họ giàu thế thì bắt con tôi làm gì?”

Hà Phương bất lực muốn chửi tục một tiếng, nhưng lúc này Đình Việt lại bước lên. So với cô, anh bình tĩnh và thông suốt hơn rất nhiều: “Xe đón A Pá đi lâu chưa?”

Mẹ A Pá lúc này đã bắt đầu run lập cập, há miệng hồi lâu cũng không nói được câu nào. Hà Phương thiếu kiên nhẫn, lại hét to: “Chị mau nói đi, xe đón A Pá đi từ lúc nào? Đi về hướng nào?”

“Mới… mới…”. Mẹ A Pá trước kia luôn thấy bác sĩ Việt ôn hòa lại trầm tĩnh, nhưng lần này thấy sắc mặt anh nghiêm trọng như vậy, cũng bắt đầu tin A Pá đã bị bắt bán đi rồi. Chị ta chỉ tay về phía con đường cái dẫn ra ngoài thôn: “Vừa mới đi được ba mươi phút thôi. Họ đi ra đường cái”.

Chị ta vừa nói hết câu thì Đình Việt đã lập tức chạy đi, Hà Phương cũng chạy theo anh. Ở đây chỉ có duy nhất một con đường dẫn ra ngoài thôn nên chiếc xe kia chỉ có thể ra được con đường đó, nhưng xe đã đi hơn 30 phút, lại di chuyển bằng ô tô, trong khi bọn họ chỉ chạy bộ thì thực sự không thể đuổi kịp.

Hà Phương vừa chạy vừa hét: “Tìm cách khác đi, mượn xe máy của ai đó đuổi theo, hoặc gọi báo công an ngoài huyện. Chúng ta chạy bộ đuổi không kịp”.

“Ở đây không có sóng điện thoại”. Anh gằn lên, tiếp tục chạy về phía bước, bụi đất cuốn lên theo bước chân anh: “Cô mau quay về bản gọi điện thoại báo công an đi”.

“Quay về thì không kịp mất”. Theo như tính toán của cô, quay được về đến trường tiểu học thì cũng đã là 1 tiếng sau, khi ấy có lẽ xe của bọn bu.ôn ng.ười đã sang huyện khác rồi.

Đình Việt vẫn mải miết chạy đi, nhưng chốc lát sau anh lại rẽ vào một con đường mòn khác, không phải là đường chính. Hà Phương thấy vậy lại nói: “Anh đi đâu thế?”.

“Có đường tắt, nếu may mắn vẫn đuổi kịp”. Anh gạt những tán cây vươn ra đường, mấy chiếc gai cào vào cánh tay, để lại vài vệt m.á.u: “Cô mau quay lại”.

“Không quay lại”. Cô gào to, lúc này cứu A Pá là chuyện quan trọng, nhưng đối đầu với bọn bu.ôn người cũng là chuyện lớn. Đã có gan đến tận đây, chắc hẳn trong tay phải có vũ khí, cô không thể để Đình Việt gặp bọn chúng một mình: “Anh đi đâu tôi theo đó”.

Đình Việt sầm mặt: “Cô bị đ.iên à? Biết phía trước nguy hiểm thế nào không?”

“Nguy hiểm gì tôi mặc kệ”. Cô cố gắng theo kịp bước chân anh, cũng chẳng bận tâm gai góc cào xước khắp người: “Tôi đi cùng anh, không ai cản được tôi”.

Có người nào đó thầm chửi tục trong lòng một tiếng. Người phụ nữ này cứng đầu quá mức, anh phát đ.iên rồi!

Thôn làng ở lưng chừng đồi nên con đường cái này thiết kế rất ngoằn ngèo, vòng từng vòng xoắn ốc từ dưới chân đồi đi lên. Con đường mòn mà Đình Việt và Hà Phương đang chạy lại thẳng từ lưng đồi xuống dốc, bọn họ chạy mấy bước lại trượt xuống cỏ, mông đập đau điếng, nhưng chẳng ai buồn bận tâm đến chuyện đó, chỉ vội vã chạy đi.

Chạy hơn hai mươi phút, cuối cùng Hà Phương cũng thấy loáng thoáng một chiếc xe ô tô 16 chỗ đang ở gần chân dốc. Thôn làng nghèo khổ, đến xe máy cũng chẳng có mấy nhà sở hữu, ô tô vào đây chỉ có thể là bọn b.u.ôn người mà thôi.

Cô cuống quít quay sang định gọi Đình Việt, nhưng cùng lúc này anh cũng vươn tay ra, kẹp chặt lấy cô trong lòng rồi gằn giọng: “Đừng gây tiếng động”.