Nhưng chiếc xe ngựa không dừng lại, nó cũng không chạy thẳng, mà lao theo chúng tôi. Phu xe hốt hoảng nhưng không sao khống chế được con ngựa, nó lao vào chúng tôi như thể muốn vồ con mồi vậy. Nghiêm Hy ôm lấy tôi, dùng thân người chắn ở phía trên.
Cả chiếc xe ngựa đổ ập xuống lưng, tôi nghe Nghiêm Hy rên lên một tiếng, sau đó cả cơ thể nặng nề đè lên người tôi.
Những bác nông dân đang làm ruộng gần đó hớt hãi chạy đến, kiềm chặt con ngựa, sau đó mới dựng xe ngựa dậy, đỡ tôi và Nghiêm Hy ra ngoài.
Lần đó tôi không bao giờ quên được, vì sự bướng bỉnh của mình mà Nghiêm Hy bị gãy tay, gãy hai cái xương sườn, phải nằm viện hơn một tháng. Cũng từ đó tôi không bao giờ cãi lời anh ta nữa.
Tôi biết anh ta bói rất chuẩn, nhưng chuyện ly hôn tôi vẫn không tài nào chấp nhận nổi. Không phải anh ta nói vận mệnh có thể sửa đổi sao?
Tôi đã từng mong anh ta có nỗi khổ gì đó, sau khi xong việc sẽ quay lại giải thích với tôi. Nhưng sau đêm ly hôn đó, hôm sau người mở khóa cửa cho tôi lại là nhân viên của anh ta, cô ấy nói anh ta đi công tác rồi.
Không gặp được anh ta, tôi không ngừng gọi điện thoại, tôi sợ anh ta xảy ra chuyện, dù anh ta tổn thương tôi, tôi vẫn tin là anh ta có nỗi khổ riêng.
Thế mà anh ta biệt tăm đúng một tuần, sau lại dùng cách thức này gặp lại tôi.
Anh ta nói anh ta quên hết rồi, vậy tôi còn hỏi được gì ở anh ta nữa?
Lúc đang thất thần đi đến dưới tòa nhà, túi đồ ăn trên tay tôi rơi "bịch" xuống đất.
"Bà nội." Tôi gọi to.
Bà cụ lưng còng đang định qua đường bị giọng nói của tôi làm giật mình, quay đầu lại.
Tôi chạy nhanh đến, khi đứng trước mặt bà cụ tôi mới phát hiện, đó không phải bà tôi, chỉ là có hơi giống nhau mà thôi.
Cũng phải, bà nội đã mất năm tôi mười tuổi. Năm bà nội mất, Nghiêm Hy đưa tôi rời thôn nhỏ, sang châu Phi nghiên cứu về kim cương và các loại đá quý, sau đó lại đến Nga, vòng qua các nước châu Âu. Cũng nhờ đó mà tôi thông thạo rất nhiều ngoại ngữ, và cũng vì vậy tôi miễn cưỡng chỉ tốt nghiệp cấp ba với thành tích trung bình, vì phải đổi nơi ở liên tục.
Đó cũng là lý do tôi khó tìm được việc làm, dù tôi thông thạo bảy loại ngoại ngữ.
Tôi vội mỉm cười xin lỗi: "Xin lỗi, con nhận nhầm người."
Bà cụ cười hiền từ, nói: "Không sao."
Tôi tạm biệt bà cụ, vừa đi được vài bước chân, bà lại gọi tôi lại: "Cô gái trẻ!" Bà chống gậy đến trước mặt tôi.
"Ta có thể nói với con vài câu không?" Bà hỏi.
"Sao vậy ạ?" Tôi lễ phép đáp, có lẽ vì bà hơi giống bà nội nên làm tôi khá có thiện cảm.
"Không có gì, ta chỉ là muốn nhìn kĩ một chút, con có hơi lạ."
Tôi ngạc nhiên nhìn bà.
Bà nhìn tôi một lúc, tôi thấy rõ vẻ kinh ngạc ngày càng đậm hơn trong mắt bà.
"Sao có thể?" Bà nói.
"Bà ơi, sao vậy?" Tôi hỏi.
"Thầy pháp giúp đỡ con là ai?"
Câu hỏi của bà làm tôi nghi hoặc, có vẻ bà đang hỏi về Nghiêm Hy. Vậy nên so với thiện cảm ban đầu, tôi bắt đầu đề phòng.
"Có chuyện gì sao ạ?"
Bà cụ khó xử, bà mấp máy môi muốn nói gì đó, do dự nửa ngày, cuối cùng bà cũng mở miệng: "Làm nghề pháp sư này, đến cuối đời có thể gặp được người lợi hại như vậy, sau này chết cũng có thể nhắm mắt. Một chút thiên cơ này tiết lộ cũng không sao. Mệnh số của con đã tận từ lâu, người có thể giúp con cải số chắc chắn rất có bản lĩnh, con có thể hẹn người đó cho ta gặp mặt một lần được không?"
Những lời này như một búa gõ vào gáy tôi, khiến đầu tôi ong ong. Song tôi vẫn biết có những chuyện không thể tùy tiện.
"Bà ơi, những gì bà đang nói con nghe không hiểu. Với cả, xung quanh con không có thầy pháp nào cả. Người nhà con đang đợi, con đi trước, bà đi đường cẩn thận nhé." Nói xong tôi lập tức quay người đi vào tòa nhà, không thể nán lại lâu hơn nữa.
Vào nhà, nhìn Nghiêm Hy an tĩnh ngồi trên sô pha đọc sách, tôi bỗng không biết nói gì. Trước đây anh rất bận, trừ buổi sáng cùng nhau ngồi ăn cơm ra, bình thường anh đều tiếp khách về muộn, hiếm khi nhàn nhã như lúc này.
Một tuần không gặp, Nghiêm Hy trở nên rất lạ. Bất luận thế nào, hôm nay tôi nhất định phải hỏi cho rõ.