Khi Dung Thư tỉnh dậy, trời đã chạng vạng tối. Sau cơn mưa xối xả hồi sáng, hình như đã có thêm chút tươi mát của mùa thu trong không khí.
Doanh Tước bưng cho Dung Thư một chén nước thơm [1], hỏi: “Cô nương ngủ hơn bốn canh giờ rồi, nhất định rất đói. Trong bếp nhỏ đang hầm canh, còn có một nồi vịt hấp, một bát canh lòng dê và một ít món xào chay, có muốn nô tỳ dọn lên không ạ?”
[1] Nước thơm (香饮子): Một thức uống phổ biến thời nhà Tống, tốt cho sức khỏe, có giá trị chữa bệnh thường được đun với các loại thảo mộc và trái cây, có vị ngọt.
Dung Thư được ngủ một giấc nên cơ thể rất thoải mái, đầu không còn đau, trong lòng cũng không cảm thấy buồn chán nữa, nghe Doanh Tước nói tên mấy món ăn, càng cảm thấy đói bụng, nàng suy nghĩ rồi nói: “Mang qua cho má Trương một chén canh, má Trương thích ăn củ sen cắt lát, lát xào thêm một ít củ sen cắt lát rồi mang qua cho má.”
Doanh Tước thấy Dung Thư đã thèm ăn trở lại thì vui vẻ làm theo, sải bước như gió ra khỏi phòng.
Doanh Nguyệt ở một bên đẩy cửa sổ ra, liếc nhìn bầu trời và ngập ngừng nói: “Em vừa nghe Thường Cát nói, cô gia phá án trong Hình bộ cả ngày, lúc này vẫn chưa ăn tối. Cô nương có muốn cử người đi mời cô gia về dùng bữa không ạ?”
Nửa canh giờ trước Thường Cát từng trở về thư phòng, Doanh Nguyệt nghĩ ở đó sẽ nghe được tung tích của Cố Trường Tấn.
Khi biết Cố Trường Tấn phá án nguyên một ngày, Doanh Tước tức đến mức giậm chân, căm giận bất bình nói: “Làm gì có ai vừa mới thành thân có hai ngày mà đã trở lại nha môn làm việc, bỏ lại tân nương ở nhà một mình cơ chứ? Cô gia thật quá đáng! Nếu bị truyền ra ngoài, chẳng phải sẽ khiến cô nương bị người khác coi thường sao!”
Trong lòng Doanh Nguyệt cũng không thoải mái, rõ ràng Hoàng thượng đã cho phép cô gia nghỉ ba ngày, hôm qua lại là Tết Trung thu, vốn có thể nghỉ thêm một ngày nữa, tính ra phải đến ngày mười tháng tám cô gia mới phải quay lại Hình bộ điểm mão [2].
[2] Điểm mão (點卯): Ngày xưa, lệ các quan làm việc từ giờ Mão (5 - 7 giờ sáng), giờ mà trưởng quan sẽ điểm danh những người đến làm việc.
Hôm qua đã không viên phòng với cô nương rồi, hôm nay trời vừa sáng đã vội vã đến nha môn Hình bộ. Xem thế nào cũng thấy như đang không coi cô nương ra gì.
Doanh Tước còn tức, làm sao mà Doanh Nguyệt có thể không tức được? Nhưng nàng cũng đã lớn tuổi hơn chút rồi, biết được lúc này không nên hành động theo cảm tính, mới hỏi Dung Thư có muốn đi đến Hình bộ mời ngài ấy về không.
Nhưng vừa nói xong, trong lòng lại cảm thấy thấp thỏm, sợ cô nương nhà mình buồn rầu.
Doanh Nguyệt lén lút nhìn Dung Thư, nhưng vừa liếc mắt nàng đã bắt gặp đôi mắt đen láy của Dung Thư, bị đôi mắt ấy nhìn làm nàng cũng phải sửng sốt.
Dung Thư nhoẻn miệng cười.
Hai nha hoàn bên cạnh nàng là do Thẩm thị đích thân lựa chọn, trong hai người thì một người hoạt bát xinh xắn, người kia lại chín chắn thận trọng, bọn họ đã ở bên cạnh Dung Thư mười ba năm rồi.
Doanh Nguyệt lớn hơn Dung Thư bốn tuổi, từ nhỏ đã có dáng vẻ của một bà cụ non. Nếu là chuyện thường sẽ gác nó lại một bên, nhất định sẽ không để lộ cảm xúc của mình lên mặt. Hiện tại có lẽ vì thấy Dung Thư chịu quá nhiều uất ức, nên mới không kìm được.
Thật ra Dung Thư không cảm thấy khổ sở, ngay cả kiếp trước, nàng cũng không cảm thấy buồn khi biết rằng Cố Trường Tấn đã trở lại nha môn làm việc vào ngày đầu tiên thành hôn, và bây giờ nàng lại càng không thấy buồn.
“Không cần đi mời chàng ấy, Nhị gia đang nắm giữ một vụ án khó giải quyết, hôm nay không bận đến lúc trăng lên giữa trời thì sẽ không trở về Tùng Tư Viện.”
Lời nàng nói là thật, đầu năm có một vụ án ở châu Xương Bình thuộc quản lý của phủ Thuận Thiên.
Một người con gái nhà lành tên Hứa Ly Nhi ở Khúc Uyển hát rong, đã bị một Tường sinh [3] ở châu Xương Bình tên Dương Vinh nhìn trúng, cưỡng ép bắt về phủ làm tiểu thϊếp. Mẫu thân của Hứa Ly Nhi là Kim thị đến phủ Dương Vinh đòi lại con gái, không ngờ lại bị Dương Vinh sai người đuổi ra ngoài, lại còn bị đánh một trận.
[3] Tường sinh (庠 生): danh hiệu ban cho người thi đỗ nhị trường trong kỳ thi hương. (Giải thích thêm: Mỗi kỳ thi hương có bốn môn, mỗi môn gọi là một trường. Thí sinh đủ điểm môn thứ nhất gọi là Nhất trường, được thi tiếp môn thứ hai. Thí sinh đủ điểm môn thứ hai gọi là Nhị trường, được thi tiếp môn thứ ba. Cứ thế tính lên.)
Kim thị nghe nói Phủ doãn [3] Chu Ngạc phủ Thuận Thiên là đại lão gia thanh thiên công chính liêm minh, không chịu cúi đầu trước quyền quý, đã chống đỡ cơ thể ốm yếu đi đến phủ Thuận Thiên, kiện Dương Vinh cưỡng đoạt dân nữ, bức dân lành làm thϊếp.
[3] Phủ doãn (府尹): Phủ doãn là chức danh trong hệ thống quan chế thời phong kiến, tương đương Tổng đốc, chức danh Phủ doãn chỉ áp dụng tại kinh đô.
Quả thật Chu phủ Doãn xử lý vụ án một cách công bằng, cứu được Hứa Ly Nhi ra và tống Dương Vinh vào đại lao.
Không may Dương Vinh có một người thúc thúc tên Dương Húc, từng nhậm chức Thái giám ở Tư Lễ Giám và Đề đốc Đông Xưởng, bên chỗ Dương Vinh vừa mới vào ngực, bên kia lại xuất hiện một nhạc công khăng khăng nói Hứa Ly Nhi không phải con nhà lành, năm ngoái nàng đã bị mẫu thân bán cho hắn từ trước đó rồi, hắn đã bán lại Hứa Ly Nhi cho Dương Vinh, tất cả khế ước bán thân đều được viết bằng giấy trắng mực đen rõ ràng rành mạch.
Ngay khi khế ước bán thân của Hứa Ly Nhi được đưa ra, vụ án này lại rơi vào tay Bắc Trấn Phủ Tư, Dương Vinh, Kim thị và Hứa Ly Nhi đều bị nhốt vào ngục giam của Bắc Trấn Phủ Tư để thẩm vấn.
Người vào ngục giam của Bắc Trấn Phủ Tư dù không chết thì cũng bị lột da, Kim thị bị tra tấn đến mức hơi thở thoi thóp, cuối cùng lại bị đánh đến khi nhận tội, ngay lập tức bị kết án chặt đầu.
Sau khi vụ án được giải quyết, Dương Vinh vênh váo rời khỏi Bắc Trấn Phủ Tư, còn việc hành quyết trảm Kim thị thì chuyển giao tới Hình bộ xét duyệt.
Dương Vinh đã không đoán được rằng sau khi vụ án được bàn giao, một viên ngoại lang của Hình bộ không thuận theo mà đã đưa vụ án này đến trình trước mặt Thánh nhân.
Cố Trường Tấn chính là viên ngoại lang đó của Hình bộ.
Dung Thư nhớ rõ ràng vụ án này vốn đã được giải quyết, nhưng cuối cùng vẫn bị lật án bởi những nỗ lực của chính Cố Trường Tấn.
Ở Thượng Kinh chàng vốn đã có danh tiếng, năm 18 Gia Hữu Trạng nguyên Cố Trường Tấn và Thám hoa Quản Thiếu Duy ở Kim Loan Điện đã tố cáo việc này lên Hoàng thượng, bây giờ bá tánh vẫn còn bàn tán đến chuyện đó.
Trước mắt vụ án của Hứa Ly Nhi cũng đang ở giai đoạn quan trọng, ngày mười chín tháng tám, lâu không lâm triều Thánh nhân sẽ thượng triều. Nếu ngày ấy Cố Trường Tấn không thể trình vụ án này lên cho Thánh Thượng nghe, vụ án của Hứa Ly Nhi có thể sẽ không có ngày được rửa oan.
Suy cho cùng, mạng người vô cùng quan trọng, hai mẹ con họ lại đáng thương như thế, đương nhiên Dung Thư hy vọng Cố Trường Tấn có thể đòi lại công đạo cho mẹ con Hứa Ly Nhi như kiếp trước.