Bán Duyên

Chương 8: Dạy viết chữ

Có người chăn trâu, Văn Phúc lại trở về theo hầu bên cạnh Bá Khắc.

Mà lúc này, cửa hàng hải sản khô của Bá Khắc bắt đầu hoạt động trên tỉnh, ban đầu quả thực không mấy khả quan, nhưng sau khi y dùng nó làm mồi nhậu, mời mấy người có chức quyền trên tỉnh dùng thử, thì hải sản khô lập tức đắt như tôm tươi. Y còn sai người đi học công thức nấu mấy món hải sản lạ miệng, sau đó tặng kèm cho mấy quán rượu hợp tác cùng với nhà y.

Y vốn là nhà nho, cho nên không thể tham gia vào kinh thương, chỉ có thể hoạt động cửa hàng dưới danh nghĩa chú mình. Chú của y Đào Bá Lộc là một người cực kỳ tốt với hai đứa cháu của mình, xét thấy nếu độc chiếm nguồn lợi từ hải sản này sẽ gây rắc rồi không cần thiết, ông đã đề nghị Bá Khắc dùng danh tiếng của mình để liên kết với một vài phú thương khác trong vùng, sau đó dần dần lan rộng ra khắp cả nước.

Vì chuyện này mà đám quan viên tham lam kia không sơ múi được gì, cũng không có cơ hội để làm khó dễ Bá Khắc, trong lòng chúng hậm hực lắm.

Đàn anh cùng thầy dạy với y cũng từng đệ tấu lên triều đình về tính khả quan của việc buôn bán hải sản, nhưng rất nhanh đã bị gạt phăng đi. Hắn chỉ có thể cảm khái, triều đại thối nát mục rữa này, không biết có thể tồn tại được bao lâu.

Chuyện làm ăn thì khả quan nhưng mùa màng thì đúng như y dự đoán. Năm nay trời đột ngột đổ sương đá đúng vào dịp lúa trổ bông, cho nên sản lượng thóc lúa thu hoạch chẳng được bao nhiêu.

Nháy mắt mà đã đến cuối năm, công việc của Bá Khắc cũng trở nên bận rộn hơn, nào đóng thuế năm, nào tính tiền công, nào làm báo cáo sản lượng hoa màu… quay như chong chóng.

Trời thì lạnh, Bá Khắc cứ ngồi đón gió trong phòng sách, đến nỗi đổ bệnh cũng không nói cho ai biết, ráng gắng gượng làm cho xong việc.

Văn Phúc xót xa nhìn khuôn mặt hốc hác của y, không biết làm gì để chia sẻ gánh nặng, chỉ có thể chốc chốc lại nấu nước gừng táo đỏ, chốc chốc lại đắp thêm cái chăn, bóp vai, xoa thái dương cho y.

Bá Khắc ho hai tiếng, Văn Phúc không chịu nổi nữa, lắm miệng nói một câu:

“Ông ơi hay ông đi nghỉ chút đi, chứ bệnh thế này cũng có làm được gì đâu.”

Bá Khắc lắc đầu, giọng mũi nghèn nghẹt:

“Không làm xong trước Tết đám quan viên đó lại hạnh họe. Năm nay mùa màng chả được bao nhiêu mà triều đình còn tăng thuế, phải tính toán cẩn thận nếu không mang vạ vào thân lúc nào không hay.”

Quả thực làm địa chủ lương thiện như Bá Khắc cũng chẳng sung sướиɠ gì. Sưu cao thuế nặng, địa chủ vùng khác đều nhân cơ hội tăng thuế chèn ép tá điền, còn bá hộ Khắc thì ngược lại, xét thấy mùa màng thất bát, y còn giảm hai phần thuế cho nông dân, trừ đi khoản thuế nộp lên trên, còn lại cũng chỉ đủ một nhà trên dưới ăn đến tháng tư.

“Ông xem có việc gì đơn giản để con giúp ông không?”

Văn Phúc cúi đầu nhìn y, khẽ nói.

Bá Khắc rất muốn bật cười, y thuê cả tú tài về làm đỡ sổ sách còn chẳng ăn ai nữa là thằng hầu một chữ bẻ đôi không biết, thế nhưng khi ngước mắt lên nhìn vào ánh mắt của Văn Phúc, y lại chẳng thể nói lên nửa lời.

Đôi mắt đen láy của hắn có chứa những tình tự mà y không hiểu nổi, có xót xa, có lo lắng, có trìu mến.

Bá Khắc cảm thấy có lẽ mình bị sốt rồi, cho nên mắt mới hoa.

Y ho khan hai tiếng, kéo một cuốn sổ dạy cách tính toán cơ bản, đưa cho Văn Phúc, bớt ra chút thời gian dạy hắn một vài cách tính toán qua loa.

Khiến y bất ngờ là, chỉ cần nói một lần, quá lắm là hai lần, Văn Phúc có thể nắm bắt được ngay, thậm chí còn tính nhanh hơn cả y nữa.

“Cậu lại đây, nhà này có thuê hai mẫu ba đất, hai phần trồng lúa, 1 phần trồng màu, cậu tính số thuế cho tôi.”

“Hai mẫu ba đất, vị chi là…”

Suốt một buổi sáng, Bá Khắc ngồi đọc sổ, Văn Phúc đứng bên cạnh tính toán, Bá Khắc ghi kết quả vào sổ, sau đó soát lại một lượt. Không thừa không thiếu không lệch dù chỉ một cắc.

Bá Khắc đặt cuốn sổ và bàn tính xuống nhìn chằm chằm người hầu nam của mình, cảm thấy hình như bản thân vớ được món hời rồi. Có sự giúp đỡ của Văn Phúc, công việc của cả ngày chỉ cần hoàn thành trong một buổi sáng, Bá Khắc ho nhẹ hai tiếng, khẽ nói:

“Thông minh như vậy sao không đi học?”

“Bẩm ông, con là con cả trong nhà, cho nên phải gánh vác gia đình.”

Văn Phúc cúi đầu, đôi mắt thoáng đượm buồn, mặc dù rất nhanh biến mất nhưng không qua khỏi mắt Bá Khắc. Y híp híp mắt, đoán chừng trong đó còn có ẩn tình gì đó, chẳng qua người ta không muốn nói thì y cũng không hỏi nhiều.

“Đi ăn cơm thôi, buổi chiều cậu lại qua đây, không cần làm việc gì dưới nhà.”

Nói xong y đứng dậy. Không ngờ y bệnh không nhẹ, mới đứng lên đã xây xẩm mặt mày, lảo đảo xuýt ngã. Văn Phúc duỗi tay ôm người vào lòng, lo lắng hỏi dồn:

“Ông ơi, ông có sao không? Khó chịu chỗ nào?”

Bá Khắc tối tăm mặt mũi, lỗ tai lùng bùng, muốn mở miệng ra nói lại không còn chút sức nào. Văn Phúc hốt hoảng nhấc bổng người lên, bế trở về phòng ngủ, gọi thằng Chuột đang canh cửa gần đó chạy đi mời thầy lang.

Hắn bế Bá Khắc đặt lên trên giường, đắp chăn cẩn thận, đoạn lấy dầu quế ra xoa lên hai bên thái dương, lòng bàn tay và gan bàn chân của y, dùng hết sức chà cho đỏ ửng lên.

Thằng Chuột nhanh chóng cõng ông lang Hoạt chạy về, vội vàng khám xét.

“Mệt nhọc quá độ cộng với cảm lạnh, bây giờ người nhà nấu cháo loãng đút cho ông bá hộ uống, sau đó cho uống ba viên thuốc này. Tôi kê đơn, các anh đi bốc thuốc sắc lên…”

Thầy lang nhấn mạnh là phải nghỉ ngơi thật tốt. Bá Khắc bị sốt nhẹ, Văn Phúc túc trực bên người y không rời nửa bước. Cũng may bệnh đến nhanh mà đi cũng nhanh, qua hai ngày, Bá Khắc đã khỏe hơn rất nhiều. Y muốn xuống giường đến phòng sách làm việc, nhưng mà quơ chân dưới gầm giường mãi không thấy dép guốc đâu cả.

Đúng lúc này Văn Phúc ôm một chồng sổ sách đến, cùng với một chiếc bàn thấp, lạnh nhạt nói:

“Dép con cất đi rồi, nếu ông muốn làm việc thì ngồi trên giường, làm một lúc rồi nghỉ.”

Giọng điệu vẫn như thế, nhưng không hiểu sao Bá Khắc lại có cảm giác, hắn là chủ còn y mới là người hầu nhỉ?

Bá Khắc hơi nhướn mày, cũng không trách móc gì, dù sao sức khỏe chính là của mình, không tự thương lấy thì ai thương. Hơn nữa, sổ sách cũng đã làm xong rồi, chỉ cần sắp xếp lại một chút nữa thôi. Y nhìn Văn Phúc rồi nói:

“Lấy một chiếc bàn và một chiếc bút nữa lại đây.”

Văn Phúc không hiểu nhưng vẫn chạy đi lấy, Bá Khắc bảo hắn đặt lên trên giường song song với chiếc bàn của mình, bày giấy bút ra rồi nói:

“Đi rửa chân rồi lên đây ngồi đi.”

Văn Phúc giật mình ngơ ngác tại chỗ, cảm thấy mình đang nằm mơ thì phải. Bá Khắc nhấn mạnh thêm một lần nữa, hắn mới dám tin là thật.

“Qua đây… Đầu tiên phải hiểu rõ về Quốc âm trước, chữ Quốc âm là văn tự ngữ tố…”

“Cầm thẳng bút lên… đúng rồi… Viết bằng cổ tay chứ không phải cánh tay… Ấn nhẹ thôi, viết chữ chứ không phải đi cày… lại vẹo rồi… Đây là cái chữ quái gì, cậu viết còn xấu hơn cả thằng Minh nữa…”

Trong phòng ông bá hộ thường xuyên truyền ra những âm quát mắng, tiếng đọc sách trầm trầm, hòa lẫn vào khí lạnh mùa đông.

Chẳng mấy chốc, năm mới đã đến, người hầu trong nhà được nghỉ để về nhà với gia đình.

Họ cũng không được ăn Tết ở nhà, mà chỉ về đúng một ngày vào ngày cũng Ông Công Ông Táo, đem tiền công và quà Tết về cho gia đình, sau đó lại trở lại nhà bá hộ ngay, vì năm hết Tết đến mới là thời điểm bận rộn nhất trong nhà địa chủ.

Mọi năm, Bá Khắc đều cảm thấy tẻ nhạt vô vị, đón Tết gọi cho có, nhưng năm nay y đặc biệt mong đợi nhóm người làm quay lại sau ngày lễ, bởi vì trong đó có người mà y mong chờ.

Chỉ tiếc, mọi người đi lành lặn trở về lành lặn, chỉ có người y đợi là vác theo một cái đầu thủng một lỗ, máu tươi ào ào chảy ra, thấm đỏ con ngươi của Bá Khắc…