Sau lễ tốt nghiệp, An Huyên bận rộn với việc chuẩn bị cho các trại hè. Đây là lúc giáo viên của Tông Tứ bỏ hết mọi hoạt động chuyên môn ngày thường, tất tả xuôi ngược với đủ thứ việc chân tay để trang trí, bày biện các kiểu. Do An Huyên là giáo viên năm đầu nên được phân công vào trại nội trú. Cô cực kỳ háo hức, liền cùng với các bạn sinh viên tình nguyện bàn bạc kế hoạch hoạt động cho khu trại của mình.Với lý do “đi trại” vô cùng hợp lý, An Huyên rời khỏi Tịch gia trong sự miễn cưỡng của cặp sinh đôi lúc nào cũng như bị bỏ đói kia. Trước khi cô xách túi rời đi, Tịch Minh và Tịch Phụng còn chuẩn bị sẵn một lố thuốc bổ, mỗi loại còn đính kèm chú thích uống mấy viên, uống lúc nào… khiến An Huyên có cảm giác “đi viện” hơn là “đi trại”. Trong lúc đứng chờ taxi, cô lẩm nhẩm xem nên thanh lý đám thuốc men này thế nào, tuy làm trại nội trú mệt hơn bình thường nhưng người khác chịu được, cô lẽ nào thua kém! Vừa ngẩng lên, bỗng gặp ánh mắt nóng rực của hai anh em Tịch gia, cô hơi giật mình. Bọn họ không phải đọc được ý đồ làm tán gia bại sản của cô chứ?
Tịch Minh và Tịch Phụng không để tâm khuôn mặt thất thần của cô, cả hai đồng thời rút từ trong túi áo ra một mảnh vải lụa kẻ sọc giống hệt nhau, quàng lên cổ cô như người ta trao huy chương.
– Cái này… – An Huyên ngỡ ngàng nhìn hai chiếc cà vạt đung đưa trên cổ mình – … không phải bị nữ sinh khác lấy mất hôm tốt nghiệp sao?
Tịch Minh hừ một tiếng:
– Bảo bối không muốn giữ nó?
Cô nhìn vành tai đỏ lựng của cả hai, tự nhiên thấy buồn cười. Mấy thiếu niên đẹp như hoa này không phải đều là những tay lão luyện tình trường hay sao, cớ gì mà phải ngượng ngập vì việc cỏn con này chứ.
Nhưng nhìn bộ dạng thấp thỏm thiếu tự nhiên của họ, trong lòng cô bỗng nảy nở một tia ấm áp ngọt ngào, khiến cô không nỡ trêu chọc thêm.
– Được rồi, cô giữ nó là được phải không? – An Huyên nhè nhẹ vuốt ve miếng lụa trơn mịn, không quên ôm lấy hai đứa trẻ cao lớn đang quyến luyến không buông.
Ngồi trên taxi, cô nghiền ngẫm món quà bất đắc dĩ kia một lát rồi quyết định bỏ vào túi xách. Cô chỉ đơn thuần nghĩ rằng việc tặng cà vạt là một thói quen có ý nghĩa tượng trưng nào đó của giới học sinh để kỷ niệm ngày mà tuổi học trò kết thúc, giống như việc viết mấy dòng nhắn gửi trên áo đồng phục vậy.
...
Mười bốn ngày ở trại nội trú cũng là mười bốn ngày cô bị bọn trẻ quần thảo đến phát điên. An Huyên trước giờ chỉ quen làm việc với học sinh lớn, nay được phân công phụ trách một trại toàn đám con nít lớp 2, lớp 3, cô như rớt vào vũng xoáy của những tiếng réo “Cô ơi” phát ra từ mấy cái miệng xinh xẻo. Ví dụ như hiện tại thì đoạn hội thoại là thế này:
“Cô ơi, con buồn ị!”
“Vô ô ô ô… duyên! Cậu phải bảo là buồn đi vệ sinh nặng chứ!”
“KỆ TỚ!!! CÔ ƠI, CON BUỒN ĐI VỆ SINH CẢ NẶNG CẢ NHẸ!”
“Hoàng Trương, con chờ 2 phút nữa đến giờ nghỉ giải lao thì đi nhé.”
(Khuôn mặt đang hớn hở lập tức co rúm như phải trải qua một cơn đau quằn quại, hai chân lập tức xoắn lại, hai tay cũng phối hợp bê mông) “Nhưng con không nhịn được! CÔ KHÔNG CHO THÌ CON Ị RA LỚP RỒI CÔ DỌN!”
“Được, con mau vào nhà vệ sinh đi.”
Cái bóng tròn quay lập tức lăn vù ra khỏi lớp.
“Eoooo… Cô ơi, bạn í đánh rắm! Thối quá! Con chết đây!” (Nói xong liền huỳnh huỵch chạy vòng vòng quanh lớp).
“Không sao, mở cửa rộng ra chút cho thoáng khí”.
“Ối! Đóng cửa vào! Cậu mở cửa làm gió bay hết bài vẽ của tớ rồi! Cô ơi… Hu hu…”
“Con nhặt lại là được. Chịu khó một chút, chờ bay hết mùi đã rồi đóng cửa.”
… Vân vân và mây mây những lời đối đáp quẩn quanh mỗi ngày.