Tuyết thốc vào nhà thổi tắt ngọn nến trên bàn, gió lạnh như dao cứa hai má.
Tào Côn Đức dửng dưng lên tiếng: “Đôn Tử, khép cửa lại.”
Rồi lão lấy cái giũa trong hộp gỗ ra, chẳng buồn nhấc mí mắt, “Làm sao hả? Hộ buôn thuốc chết rồi à?”
“Chẳng phải chính ông phái người làm ư?” Thanh Duy nói, “Tối hôm tổ chức hội thơ Hàn Lâm, ông nói Hà gia có thế lực quá lớn, khó nhổ tận gốc, trừ phi dân chúng oán hận người người đòi gϊếŧ, ông bảo ta gϊếŧ vài người để bọn họ làm lớn chuyện, cáo lên ngự trạng, toàn bộ chuyện xảy ra tối nay, không phải như ông muốn rồi sao?!”
“Đúng là ta đã dạy con cách làm, nhưng vì đâu con cho rằng là ta làm?” Tào Côn Đức từ tốn nói, “Vả lại, những người đó cáo trạng Hà gia thì tốt quá rồi còn gì? Hà gia treo đầu dê bán thịt chó, đổi chác kiếm lời, cha con Hà Thập Thanh Hà Hồng Vân lòng dạ ác độc, coi mạng người như cỏ rác, đáng nhẽ phải có kết cục này từ lâu. Nếu hộ buôn đó không chết, lẽ nào con muốn đợi triều đình từ từ điều tra, từ từ thẩm vấn? Còn không biết phải chờ đến ngày tháng năm nào.”
“Hà gia coi mạng người như cỏ rác, thế tối nay gϊếŧ người không phải coi mạng người như cỏ rác ư? Bọn họ đáng thương biết bao, chỉ vì đạt được mục đích mà không từ thủ đoạn, vậy khác gì Hà gia!”
“Nhưng người cũng đã chết rồi, giờ con đến tìm ta có được gì không? Ta cũng chẳng có phép cải tử hoàn sinh.” Tào Côn Đức nói, “Nhưng con nói đúng, hộ buôn ấy chết cũng thật đáng thương, xác chết được Tuần Kiểm Ti phát hiện như thế nào? Nếu ta mà ra tay, ta đã không làm như vậy.”
Thanh Duy nghe lời đó, im lặng chốc lát, “Ý nghĩa phụ là, thật sự không phải nghĩa phụ đã gϊếŧ hộ buôn tối nay?”
“Nếu là ta làm, ta đã không ra tay ở chỗ ngoại ô hoang dã kia rồi, mà ta sẽ sai người chặn đầu hộ buôn ở ngõ Lưu Thủy, thả xác chết trôi trên con sống tấp nập nhất, đợi sáng ngày mai, trăm nghìn bách tính đồng thời phát hiện thảm án, chẳng phải còn tốt hơn sao? Nếu muốn khuấy đảo cho chuyện to lên, việc gì chỉ giới hạn ở hộ buôn, chi bằng khiến cả kinh thành rơi vào hoang mang sợ hãi.” Tào Côn Đức nói.
Lão nhìn Thanh Duy, thong dong bảo, “Dù con hiểu lầm ta, nhưng ta cũng không trách con đâu. Con sinh ra ở chốn dân dã, không hiểu rõ thế cục trong triều, Hà gia ngồi trên cao quá lâu, dễ khinh rẻ người dưới, đến hai thế hệ Hà Thập Thanh Hà Hồng Vân, bản tính ác độc bạc tình đã ăn sâu vào máu, trong triều có người chướng mắt bọn họ, đương nhiên sẽ ra tay thôi. Trong triều cũng toàn là cáo già, cho nên đôi khi, suy nghĩ của bọn họ cũng dề trùng hợp với ta.”
Nghe Tào Côn Đức nói xong, Thanh Duy không lên tiếng.
Nàng không tin Tào Côn Đức không liên quan đến cái chết của hộ buôn kia, nhưng có một câu lão nói đúng, làm việc làm cho đến cùng, nếu đổi lại là lão chủ mưu, chắc chắn thủ đoạn sẽ còn ác hơn nữa.
Thanh Duy hỏi: “Nếu không phải nghĩa phụ thì là ai?”
Nhưng câu hỏi đã bị ném vào bóng tối đêm đen, chẳng có câu trả lời.
Sự tin tưởng giữa nàng và Tào Côn Đức vốn như một phiến băng mỏng, những năm qua dần dà rạn nứt, mà khoảnh khắc nàng đẩy cửa xông vào lúc nãy đã khiến mảnh băng vỡ vụn, nàng biết lão sẽ không tiết lộ chuyện gì cho nàng nữa.
Thanh Duy cụp mắt: “Con đi trước ạ.”
“Gượm đã.” Tào Côn Đức gọi nàng lại, lão lật lại hai cốc trà, nhấc bình sứ lên, “Trà vẫn nóng, ngồi xuống nói chuyện với nghĩa phụ một lát đi.”
“… Cái hồi ta tìm thấy con, con chỉ mới là một tiểu cô nương mười bốn tuổi, lục lọi đống gạch vỡ ngói vụn suốt đêm, mặt mày lấm tấm bụi bẩn, ta mới đi tới hỏi, ‘cô bé đang tìm gì thế’, con bảo con đang tìm cha con, ông ấy bị chôn bên dưới. Nhìn con lúc đó gầy gò nhỏ bé, hai mắt đỏ hoe, mười đầu ngón tay bật máu, thật đáng thương làm sao. Nên ta mới đưa con về, bảo con gọi ta là ‘nghĩa phụ’, con cũng ngoan ngoãn gọi, con nói ta đã cứu mạng con, con sẽ đi theo ta, lúc ấy ta chỉ cảm thấy con thông minh biết điều, về sau mới biết, Ôn Tiểu Dã đúng là Ôn Tiểu Dã, làm gì cũng có chủ kiến, thực ra đâu phải con muốn đi theo ta, con biết ta là người trong triều, nên mới theo ta để tìm Ngư Thất.”
Đêm đông rét buốt, trà vừa rót đấy mà đã nguội, Thanh Duy không uống, chỉ đáp: “Đúng là con muốn tìm sư phụ thật, nhưng lúc đó nghĩa phụ đã cứu con, giúp con che giấu thân phận, con cũng thật lòng muốn theo nghĩa phụ để báo đáp ân tình.”
“Thôi, chuyện cũng đã qua rồi, không nhắc lại nữa, có lẽ đó là duyên phận của cả ta và con.” Tào Côn Đức nói, “Nào ai định chuẩn được duyên phận? Năm ấy Tiểu Chiêu vương đích thân đến Thần Dương, mời phụ thân con xuống núi xây Tiển Khâm Đài, con cũng đâu ngờ nhiều năm sau, con và ngài ấy lại gặp nhau ở kinh thành.”
Nói đến đây, Tào Côn Đức đổi đề tài, “Kể ra ấy, Ôn Thiên về Thần Dương để thủ tang mẹ của con, nếu không phải Tiểu Chiêu vương đi mời thì ông ta đã không chết dưới Tiển Khâm Đài, nhưng nay nghĩa phụ thấy… sao con không ghi hận Tiểu Chiêu vương?”
Thanh Duy im lặng, đoạn đáp, “Con biết rõ phụ thân mình là người như thế nào, ngày trước xây dựng Tiển Khâm Đài, nếu không phải ông ấy muốn thì không ai có thể mời được ông ấy cả. Chỉ là hồi đó con còn trẻ người non dạ, luôn gán suy nghĩ của mình lên người ông ấy, cho rằng phụ thân nên ở lại Thần Dương thủ tang cho mẫu thân, nhưng không biết rằng con có chấp niệm của con thì phụ thân cũng có chấp niệm của mình, ông ấy đã bỏ lỡ gặp mặt mẫu thân lần cuối, trong lòng hối hận vô cùng, với ông, có lẽ xây đài cao là vì mẫu thân. Phụ thân quyết định xây dựng Tiển Khâm Đài là lựa chọn của ông ấy, không liên quan đến Tiểu Chiêu vương, nên những năm nay con chưa bao giờ oán hận y vì lý do đó.”
“Không ngờ con lại có thể nghĩ rõ ràng đến vậy.” Tào Côn Đức thở dài, “Nếu đã như vậy, có chuyện này nghĩa phụ không giấu con nữa. Thực ra trước lúc Tiển Khâm Đài hoàn thành, ai cũng biết Ôn Thiên nhiều lần ra lệnh dừng lại, đến nỗi ngày hoàn thành đài cao, Ôn Thiên bị Huyền Ưng Ti bắt đi nên mới không có mặt. Rồi Tiển Khâm Đài sập, Chỉ huy sứ và Đô kiểm điểm của Huyền Ưng Ti đều bị tra hỏi chặt đầu, về việc Ôn Thiên có tội hay không, triều đình luôn tranh cãi không thôi. Cuối cùng con có biết tội danh của Ôn Thiên được định như thế nào không? Là Tiểu Chiêu vương, là ngài ấy đã ký tên lên công văn định tội Ôn Thiên.”
“Nghĩa phụ muốn nói cho con biết,” Thanh Duy hỏi, “Chính Tiểu Chiêu vương đã khiến phụ thân con cõng oan danh?”
“Có câu trước đó nghĩa phụ nói không sai, con sinh ra ở nơi dân dã, không hiểu được thế cục trong triều. Là con gái của Ôn Thiên, con đã theo vụ án Tiển Khâm Đài đủ lâu, đủ biết rõ từ triều đình cho đến dân gian ngày ấy như thế nào. Năm xưa Tiển Khâm Đài sập, sĩ tử bách tính chết vô số kể, tiên đế lâm bệnh nặng, ngai vàng lung lay, triều cục bất ổn, dân chúng lầm than, thậm chí có người tụ tập trước cửa cung, xin trị tội của tất cả thợ mộc tham gia xây dựng Tiển Khâm Đài. Trước tình hình ấy, nếu không định tội tổng đốc công thì rất khó khiến lòng dân được yên. Bất cứ ai ở vào vị trí của Tiểu Chiêu vương, e rằng cũng không còn lựa chọn nào khác. Là Tiểu Chiêu vương khiến phụ thân con cõng oan danh? Y bị buộc phải ký tên lên công văn định tội. Kẻ thực sự khiến phụ thân con phải gánh oan danh chính là những kẻ muốn chôn vùi chân tướng, là Hà Hồng Vân, Hà Thập Thanh, Ngụy Thăng, Từ Đồ, và cả tội nhân mà cho dù hiện tại con chưa tìm ra, nhưng chắc chắn tương lai sẽ bắt được.”
Thanh Duy nói một tràng, đoạn nàng rũ mắt, im lặng một lúc rất lâu mới nói tiếp: “Dù gì cũng đã nói đến đây rồi, có chuyện này con vẫn luôn thắc mắc, muốn hỏi nghĩa phụ. Năm ấy khi công văn truy nã ban hành, tên của con được khoanh đỏ, về sau con đi hỏi thăm mới biết, đó là vì trong triều có người nói con đã chết dưới Tiển Khâm Đài. Con muốn hỏi nghĩa phụ, người này,” Thanh Duy mấp máy môi, “Có phải là Tạ Dung Dữ không?”
Ngoài phòng tuyết rơi nhẹ nhàng.
Nghe câu hỏi đó, Tào Côn Đức nhớ lại một chi tiết không mấy quan trọng.
Kể ra thì, ngày thảo xong công văn truy nã, chính lão đã cầm đến điện Chiêu Doãn cho Tiểu Chiêu vương xem qua.
Lúc ấy vết thương của Tiểu Chiêu vương đã khá hơn, tiếc thay tâm bệnh thành họa, gần như không thể gặp ai.
Ngoài điện trời đổ mưa, Tào Côn Đức cúi người trước giường, trình công văn truy nã lên.
Vị vương gia trẻ tuổi dựa vào gối, mặt trắng bợt như giấy, im lặng nhìn từng cái tên một trong lệnh truy nã, rồi bỗng dừng lại ở chỗ nào đó, ánh mắt thoáng dao động.
Một lúc sau, y nhấc bút chấm mực đỏ, khoanh một vòng tròn vào ba chữ “nữ Ôn thị”, giọng khản đặc: “Ta đã gặp… tiểu cô nương này rồi, ngày Tiển Khâm Đài sập, nàng ấy… đã chết dưới Tiển Khâm Đài…”