Mắt Âm Dương I

Chương 62

- Mẹ kiếp, thứ ma quái gì thế này, rõ ràng là người thiết kế chả ra gì, nét chạm khắc đến chỗ quan trọng nhất thì lại là cái lỗ vuông, không có cách nào nhìn ra hình thù gì.

Nhị Rỗ cũng lắc đầu, những nét chạm khắc này không thể so được với những bức vẽ trên bàn tay bức tượng đất. Đường nét trên những bức vẽ lớn kia tuy đơn giản, nhưng không bị thiếu nét, chỉ cần có nhãn lực tốt, ngộ tính cao là có thể nhận ra đầu mối. Còn mỗi đường nét trên cái chuông Kim Cương kì dị này đều được khắc rất sâu, mô tả rất sinh động, nhưng chỉ là một bức vẽ dở dang, càng nhìn càng khó hiểu.

Dương Hoài Ngọc nãy giờ vẫn chăm chú quan sát, thấy Nhị Rỗ cứ xoay đi xoay lại cái chuông, nhìn kỹ từng đường từng nét, cứ như thế mấy lần, cô bỗng sực hiểu ra:

- Tôi nhớ ra rồi, tôi đã từng thấy những đường nét chạm khắc trên chuông này.

Câu nói của cô khiến Vương Uy và Nhị Rỗ giật nảy mình, đồng thanh:

- Cái gì cơ?

Dương Hoài Ngọc nhìn hai người nói:

- Anh Uy còn nhớ lúc ở trong rừng Xương Đô bác Tôn nói gì không? Bức bích họa mà bác ấy thấy trong địa lao phủ bối lặc ấy, về sau bị cha tôi đem đi, nhưng cha tôi cho phép bác ấy sao lại một bản, hồi xưa tôi đã thấy bản sao ấy rồi.

Nghe đến đây, Vương Uy cũng đoán ra ngay, chắc chắn những đường nét chạm khắc trên bầu chuông Kim Cương này giống hệt bức bích họa ở địa lao phủ bối lặc kia, như vậy những giả thuyết về vương triều Lạp Cách Nhật lại càng có cơ sở rồi.

Dương Hoài Ngọc chỉ một góc trên chiếc chuông Kim Cương, nói:

- Bức tường mà các anh nghi hoặc nãy giờ rất giống với bức tường trong vương cung của vương triều Lạp Cách Nhật trên bức bích họa trong phủ bối lặc, có điều góc độ hơi khác mà thôi. Bóng đen in trên tường, đúng là cái cây to từ trong điện vươn ra.

Nhị Rỗ nói:

- Mẹ kiếp, tôi thấy thứ này quái gở lắm, chỉ huy nói xem, trên chuông Kim Cương của Tây Tạng thường chỉ khắc hình Bồ tát, được xem như thần khí của kẻ tu hành, nhưng cái này lại khắc hình vương cung, thật không ra sao.

Đối với vấn đề này, Vương Uy cũng rất nghi hoặc, trên những pháp khí thông thường chỉ chạm khắc hình quỷ thần để xua đuổi tà ma, nhưng cái chuông Kim Cương này hình như lại có tác dụng khác. Anh quan sát đi quan sát lại nhưng vẫn không hiểu tại sao, về phần Dương Hoài Ngọc cũng chỉ nhận ra được một góc của bầu chuông, còn những chỗ khác, cô đều mù tịt cả.

Trong lúc mọi người đang bối rối, chợt Nhị Rỗ lại phát hiện ra vấn đề. Ở một góc khác của bầu chuông có mười mấy chấm nhỏ, chỉ chiếm một diện tích bằng móng tay, hơn nữa bên trên còn phủ một lớp gỉ đồng đen, Nhị Rỗ cứ mân mê bầu chuông mãi, đột nhiên làm tróc lớp gỉ đồng, nên những chấm nhỏ khắc chìm vào trong mới lộ ra.

Nhị Rỗ có trí nhớ tốt, hơn nữa trước đây đã nghiên cứu kỹ tranh vẽ trên lòng bàn tay pho tượng đất, nhớ rất rõ hình dạng những bức vẽ đó. Thấy những chấm này, gã sực nghĩ ra, mười mấy chấm nhỏ này cũng giống như cách sắp xếp những sinh vật trên bức tranh nơi lòng bàn tay pho tượng.

Tuy hơn chục chấm nhỏ này chỉ bằng một góc trong thế trận của lũ sinh vật đó, nhưng cách sắp xếp này lại rất đặc biệt, không khác gì cách sắp xếp trên bức tranh nơi tay pho tượng đất. Nhị Rỗ chăm chú quan sát bầu chuông, nhưng những phần có dấu chấm khác đều bị những lỗ vuông làm cho gián đoạn, không có thêm bất cứ đầu mối nào nữa.

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc cũng dán mắt vào bầu chuông, mọi hành động của Nhị Rỗ, họ đều mau chóng hiểu ra ngay. Từ khi trông thấy thú trận trong Thần Thú đại điện, họ đã không để ý tới sự thần bí của những đường nét trong trên những tranh vẽ kia nữa, mà xác định rằng đầu mối nằm trên mình những con thú quái dị kia.

Nhưng sự thật hình như không phải thế, những chấm nhỏ thần bí trên chuông Kim Cương lại tái hiện, càng làm tăng thêm nghi hoặc trong lòng họ, trận thế kỳ lạ này rốt cuộc có ý nghĩa gì? Vấn đề có lẽ không nằm ở những con thú kia, mà ở thế trận này, bọn chúng trước sau đều giữ nguyên tư thế kỳ lạ ấy, ắt hẳn phải có lý do gì khác. Hơn nữa, những bức tranh trên bàn tay tượng, Thần Thú đại điện, những nét chạm khắc trên bầu chuông Kim Cương còn có cả hình vương cung Lạp Cách Nhật, điều này có liên quan gì đến vương triều Lạp Cách Nhật chăng?

Những bí mật này có lẽ đều nằm ở tám lỗ vuông trên bầu chuông Kim Cương. Nhị Rỗ thò ngón tay vào lỗ vuông trên bầu chuông Kim Cương sờ sờ, chợt hiểu ra:

- Trong những lỗ vuông này có rãnh ngầm, chắc là để những lá đồng bịt kín các lỗ vuông khớp vào, những nét chạm khắc này quả nhiên là một thể hoàn chỉnh.

Vương Uy cũng cho ngón tay vào, quả nhiên sờ thấy vách trong của bầu chuông có một đường rãnh chìm, khe rãnh rất hẹp, xem ra những lá đồng bịt kín các lỗ vuông kia cũng rất mỏng.

Nhị Rỗ kiểm tra từ đầu xuống chân cái xác lính nhà Thanh, không thấy có một lá đồng nào, gã vẫn chưa tin, lại tìm từ dưới lên trên một lần nữa, cởi hết quần áo, vẫn không thấy gì.

Vương Uy nói:

- Cái chuông Kim Cương quái gở như thế, những lá đồng bịt kín lỗ vuông kia lại mới là quan trọng, xem ra chưa hẳn đã dễ tìm đâu, phải mất công một chút.

Nhị Rỗ hoang mang gật đầu, Vương Uy nói nghe rất có lý, nhưng lúc này không tìm ra đầu mối, thì dù có nói lý đến đâu cũng bằng không.

Đúng lúc ấy, bên ngoài đống đổ nát của cung điện băng lại vang lên một loạt tiếng chân người. Lần này không chỉ có vài tiếng chân lẻ tẻ đơn điệu mà rầm rập hết trận này tới trận khác, nghe như một đại đội đang hành quân vậy, hơn nữa bước đi còn rất có trật tự, chỉ nghe cũng có thể biết đó là quân chính quy.

Ba người nhìn nhau, lần này thì thật rồi, tiếng chân này từ trong khuôn viên băng vọng ra, hơn nữa còn vang hơn lần trước, nghe thật hơn nhiều.

Cả ba gần như đồng thời chạy xộc ra khuôn viên băng, ba ngọn đuốc len lỏi giữa đám cây cối bằng băng, hắt ánh vàng lên lớp băng long lanh trông vô cùng đẹp mắt.

Tiếng bước chân nghe như gần ngay trước mắt, nhưng khi ba người xộc vào hoa viên bằng băng, lại không thấy dấu vết gì của sinh vật cả, ánh đuốc xé toang một mảng tối, chỉ thấy những cây băng đan chéo, ngoài ra đâu còn gì khác?

Những hàng cây bằng băng chia cắt ba người, chỉ thấy ba ngọn đuốc chập chờn giữa bóng tối mênh mông. Có điều tiếng bước chân bí ẩn kia vẫn vang lên, nghe như ở ngay bên tai nhưng mọi nơi mà ánh đuốc chiếu đến, lại chỉ có những tảng băng im lìm.

Nhị Rỗ và Vương Uy đứng cách nhau vài gốc cây lớn, khoảng cách giữa đôi bên chừng hơn chục mét. Cả hai đứng dưới gốc cây băng, lắng tai nghe ngóng động tĩnh, thấy bước chân hình như vang lên ở ngay dưới gốc cây, nhưng Nhị Rỗ soi đuốc xuống nhìn lại chỉ thấy mặt băng dày cộp và gốc cây băng cắm sâu xuống mặt băng, chẳng hề có gì khác.

Nhị Rỗ vốn là kẻ táo bạo, mười mấy năm đánh trận gϊếŧ không biết bao nhiêu người mà kể, đừng nói gì đến quỷ, ngay cả thần tiên gã cũng chẳng coi vào đâu, vậy mà bây giờ cũng thấy nơm nớp. Nghe tiếng bước chân rầm rập cứ dội vào tai, Nhị Rỗ vã cả mồ hôi trán, những giọt mồ hôi to như hạt đậu, vừa nhỏ xuống đất đã đóng thành băng, lòng gã càng thêm kinh hãi. Vương Uy cũng căng thẳng chẳng kém, bên trái anh là Nhị Rỗ, bên phải là Dương Hoài Ngọc, ba người đứng cách nhau không xa lắm, tiếng bước chân hình như ở ngay trước mặt, nhưng anh tìm mãi cũng không thấy được là do thứ gì phát ra.

Vương Uy soi đuốc vào mấy cái cây quanh đấy, nhưng không thấy bất cứ thứ gì. Anh chợt nhớ lại dạo ở Xuyên Trung, từng nghe được chuyện “ma hành quân” lưu truyền trong dân chúng. Hồi ấy đơn vị anh đóng quân ở một làng, đó là giai đoạn hỗn quan hỗn quân, quân phiệt đấu đá lẫn nhau, rất nhiều thanh niên trai tráng trong làng đều bị bắt vào lính, không quá ba tháng đã trở thành bia đỡ đạn.

Trước đấy ít lâu, một trận đánh ác liệt vừa diễn ra ở thung lũng đối diện với làng, nửa thung lũng bị đạn pháo tàn phá. Trận ấy là quân chủ lực của Lưu Tương đánh nhau với quân tinh nhuệ của Dương Sâm, quân số cả hai bên đều rất đông, nói ra cũng thật kỳ lạ, trong trận đó, cả hai bên gần như đều bị tiêu diệt hoàn quân, chẳng còn mấy người sống sót.