Nhị Rỗ nói:
- Hai người này hình như chết sau tên lính nhà Thanh kia rất lâu, nhưng dù lâu thế nào đi nữa thì mức độ phân hủy cũng không chậm như thế chứ?
Chuyện này kể ra thực vô cùng kỳ dị, Thomas tiến vào hẻm núi lớn của dãy Đường Cổ Lạp từ hơn hai mươi năm trước, thời gian hai mươi năm đủ cho xác một nghìn tên lính phân hủy chỉ còn lại bộ xương, thậm chí xương cũng không còn. Nhưng hai xác chết này vẫn chưa phân hủy, đúng là chuyện không thể hiểu nổi.
Không có cách nào nghiên cứu rõ ràng về cái xác được, ba người lại tiếp tục men theo hướng dòng chảy, đi sâu xuống dưới lòng đất. Càng đi họ càng thấy lạnh, thật vô cùng kỳ lạ, nước sông vẫn chảy rất chậm, thỉnh thoảng còn có thể thấy một vài mảnh băng trôi.
Băng qua một cửa hang, thế giới trước mắt họ bỗng hoàn toàn đổi khác. Trong phạm vi soi sáng của ba bó đuốc, xuất hiện một vòm cửa hình vòng cung trong suốt, hai bên vòm cửa là hai bức tường băng vừa cao vừa to, ngước nhìn không biết cao đến chừng nào. Nhị Rỗ tiến lên thêm mười mấy mét, phát hiện bên trong vách động phía trước đâm xuyên vào sơn động, đều là những bức tường băng cao lớn như vậy.
Bước qua vòm cửa, họ hết sức kinh ngạc trước cảnh tượng bên trong. Ngay sau vòm cửa là hai bức tượng sư tử lớn được tạc bằng băng, mặt đất là một khối băng hoàn chỉnh, đi không cẩn thận sẽ trượt ngã. Cách hai pho tượng sư tử không xa là một cung điện băng rất nguy nga bề thế, ba người đến trước cung điện, lập tức cảm thấy bản thân vô cùng bé nhỏ.
Dương Hoài Ngọc ngước nhìn tòa cung điện hùng vĩ tráng lệ, run rẩy thốt:
- Đây là một cung điện băng khổng lồ dưới lòng đất sao!
Chương 12: Cung điện băng(1)
Dương Hoài Ngọc tiếp tục giơ đuốc quan sát những hình khắc trên bức tường băng, ánh mắt đầy kinh ngạc và rúng động.Nhị Rỗ ngó nghiêng xung quanh, lại vòng ra trước cửa băng cung, thấy ngay tấm bảng trên cửa có khác một dòng chữ Tạng rất lớn, nét bút to bằng cả thân người, Nhị Rỗ nói, dòng chữ đó có nghĩa là “Thần Thú đại điện”.
Vương Uy lấy làm lạ, trong Thần Thú đại điện này thờ cúng thần thú nào nhỉ?
Ba người qua cửa vòm bước vào đại điện, ánh đuốc nhảy múa, hắt bóng người lên những bức tường băng xung quanh, tưởng như khắp nơi đều thấy bóng người cùng ánh lửa, vừa bước vào đại điện, cả ba lập tức sững sờ trước sự hùng vĩ của nó.
Băng qua ba lớp cửa vòm, ba người tiến vào trong đại điện. Tòa đại điện này rất rộng, từ cửa điện vào đến nơi thờ phải hơn một trăm mét, tiếng bước chân lộp cộp trên nền băng cứ văng vẳng trong đại điện, từ nơi sâu thẳm của đại điện chợt nghe có âm thanh ầm ầm vọng lại.
Trong cung điện băng Nhị Rỗ tỏ ra rất kích động, một mình đi trước, đến pho tượng Bồ tát, bỗng gã “ồ” lên một tiếng, Vương Uy và Dương Hoài Ngọc vội lại gần.
Nhị Rỗ chỉ vào bức tượng băng khổng lồ nằm giữa đại điện:
- Hai người hãy nhìn, đây là cái gì?
Vương Uy thoạt nhìn đã giật thót mình, Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc chưa từng thấy cái này bao giờ, nhưng Vương Uy từng đối diện nó, đã nhìn rõ mồn một gương mặt ấy, liền nói:
- Đây là thứ ẩn náu trong sương mù trên bức tượng ấy, té ra hình dáng nó là thế này.
Đúng như Vương Uy lúc ấy trông thấy, thứ đó có một gương mặt Phật, mũi và miệng giống hệt như Di Lặc cười, mắt trợn tròn như chuông đồng, lông mi đỏ rũ xuống đến quá tầm mắt, tựa như một vầng lửa che phủ đôi mắt.
Nhị Rỗ quan sát kỹ con thú khổng lồ, thấy thân hình nó to lớn kềnh càng, nằm dài trên mặt đất, hệt như một con sư tử đang ngủ. Dáng dấp nó to lớn, những khớp xương vồng lên thành hình vòng cung tràn trề sinh lực, tưởng chừng như hễ chồm lên là có thể vồ người tới nơi, đầy vẻ oai phong hùng dũng.
Dương Hoài Ngọc bước ra đằng sau con thú, Vương Uy đi vòng sang bên cạnh, quan sát kỹ sinh vật mấy lần suýt dồn họ vào chỗ chết, đúng là càng nhìn càng kinh hãi. Con thú này nanh sắc móng nhọn, thể hình cường tráng, chẳng trách gì nó đi lại thoăn thoắt như gió, mắt người không thể nhìn rõ được.
Kỳ lạ nhất là bộ mặt của nó, bộ mặt giống với mặt Di Lạc, rõ ràng được khắc họa dựa theo mặt người. Nếu thoáng nhìn chắc chắn sẽ cho rằng bộ mặt này chỉ là do con người tưởng tượng ra rồi tạc thành, nhưng Vương Uy đã từng trông thấy con thú này bằng xương bằng thịt, gương mặt đó quả thực giống pho tượng băng này như khuôn đúc, là một gương mặt Phật đầy đủ thần thái.
Nhị Rỗ từ phía sau đi vòng ra phía trước, chợt lớn tiếng kêu:
- Chỉ huy đến mà xem, trận pháp đằng sau này rất khác thường.
Nghe Nhị Rỗ nói, Vương Uy vội chạy lại, quả nhiên thấy đằng sau con thú này còn một đám những con thú nhỏ, chỉ lớn bằng sư tử hoặc hổ thông thường, sắp xếp thành trận pháp. Thoáng nhìn có vẻ rất lộn xộn, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy, cách sắp xếp những con thú nhỏ này giống hệt như những đường nét trong mấy bức vẽ trên lòng bàn tay pho tượng đất.
Trông thấy vậy, ba người sực hiểu ra, trận thế của những con thú này đã chứng minh các đường nét trên tranh vẽ đúng là khắc họa con thú ẩn náu trong sương mù. Nhưng các bức vẽ cũng như cự thú trận này đều bày ra cũng một trận thế, điều này nhằm mục đích gì? Lẽ nào việc bụng bức tượng đất nổ tung có liên quan đến con thú này sao? Và làm thế nào để thông qua những con thú này, tìm thấy được hai cánh cửa đồng có hai chiếc kích hình dã thú?
Tất cả những điều này vẫn còn là bí ẩn.
Vương Uy cảm thấy đứng dưới đất khó mà trông rõ được thú trận. Anh liền gọi Nhị Rỗ, hai người từ hai bên leo lên mình con thú “đầu lĩnh”. Thân mình nó quá lớn, băng lại rất trơn, hơn nữa tay chân họ cũng không thể bấu víu vào đâu được, nếu bị dính vào băng sẽ bị bóc hẳn một mảng da.
Vương Uy lấy từ trong ba lô ra một sợi dây thừng, đầu dây có buộc móc câu ba cạnh, đồ vật này trong giới lục lâm giang hồ gọi là “bò cạp vượt tường”, là công cụ thiết yếu để bọn trộm cắp trèo tường. Người đứng bên ngoài ném “bọ cạp vượt tường” ra, móc ba cạnh sẽ móc vào khe ngói ở mái hiên, móc này rất chắc, hơn nữa kết cấu rất đặc biệt, hễ móc vào khe ngói nếu không khéo léo thì không thể nào lấy xuống nổi. Móc ba cạnh là lợi khí vượt tường của bọn trộm cắp, nên quan trên cấm người dân sản xuất.
Tổ tiên Vương Uy vốn là thế gia trong giới lục lâm, những thứ này không những anh thấy nhiều mà còn sử dụng thành thạo, hễ vung lên là móc câu móc vào đúng vị trí đã định, không sai một phân. Lực đạo của tuyệt kỹ này chính là lực cổ tay mà anh luyện được khi tập ngón Đoạn Môn chỉ, chỉ cần vung tay lên là phát ra kình lực hùng hậu, anh nhắm đúng vị trí, vùng mạnh, “bò cạp vượt tường” bay vút ra như rắn, vượt qua lưng con dã thú sang bên kia, rơi xuống hơn mười mét, rồi quấn vào chân nó, móc sắt bám vào khe băng.
Nhị Rỗ và Dương Hoài Ngọc tròn mắt, há hốc mồm ra, công phu này của Vương Uy quả là xảo diệu vô cùng, trong khéo còn có cái khéo hơn. Cả hai đều là kẻ sống trên đầu mũi đao mũi kiếm, từng trải không ít sự đời, nhưng công phu xảo diệu thế này quả là chưa thấy bao giờ, khiến họ không khỏi nhìn Vương Uy bằng con mắt khác.
Vương Uy quay sang bảo Nhị Rỗ:
- Đứng sững ra đấy làm gì, mau leo lên.
Hai người nắm lấy sợi dây thừng, hồi hộp leo lên lưng con thú cao hơn chục mét. Vì thân hình con thú rất lớn, họ nằm bò trên tấm lưng nó như trên mặt đất, không sợ bị trượt ngã.
Nhị Rỗ bảo Dương Hoài Ngọc đi sang phía bên cạnh thú trận đằng sau, như vậy có thể dựa vào ánh đuốc bên dưới, để quan sát toàn cục trận thế. Hai người căng mắt nhìn kỹ, lại so sánh với những bức vẽ trong trí nhớ, xác định thú trận này được bài trí sắp xếp giống hệt với những đường nét trong các bức tranh trên bàn tay pho tượng.