Mắt Âm Dương I

Chương 27

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nhìn nhau, thì ra đó là một xác chết đã mấy trăm năm, hèn gì trúng nhiều đạn như vậy mà không chảy một giọt máu.

Hai người đi vòng lên phái trước, thấy khuôn mặt cái xác đã khô hết nước, chỉ còn lại cái đầu lâu bọc da nhăn nheo, trông thật ghê sợ.

Nhưng lạ lùng là, tại sao người này lại chết đứng? Nếu là người bình thường, dù đột tử do bệnh tim mạch chắc hẳn cũng sẽ ngã lăn ra chết, lẽ nào cái xác từ thời nhà Minh này vẫn đứng trong phòng suốt năm trăm năm qua? Chẳng phải quá ly kỳ sao?

Hơn nữa, chiến thuyền cổ này đi dưới dòng sông ngầm năm trăm năm, biết bao nhiêu lần gặp gió mạnh, đυ.ng vào bờ đê hay đá ngầm, hoặc rơi vào vùng nước xiết, khó tránh khỏi chao đảo, tại sao cái xác này vẫn đứng vững?

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều không hiểu, cả hai đi quanh quan sát cái xác vô số lần vẫn chẳng tìm được nguyên nhân, lòng vô cùng thắc mắc.

Bỗng Vương Uy nói:

- Cô Ngọc, cô có thấy tư thế đứng của người này giống hệt bức bích họa trong địa lao phủ bối lặc mà bác Tôn kể không?

Dương Hoài Ngọc nhìn phía sau cái xác, nhớ lại bản sao của bức bích họa mà lão Tôn cho cô xem, toàn thân chợt toát mồ hôi lạnh.

Nhìn sau lưng, cái xác này giống hệt vị quốc vương Lạp Cách Nhật trong tranh, dường như cũng đang đứng quay lưng về phía quần thần, nghe các quần thần báo cáo, thật khó hiểu. Không những tư thế, dáng vẻ, thần thái sống động giống hệt quốc vương Lạp Cách Nhật, mà thậm chí cả khí thế oai phong chấn nhϊếp quần thần cũng như đúc một khuôn.

Quốc vương Lạp Cách Nhật có liên quan gì đến chiến thuyền cổ thời Minh trôi trên dòng sông ngầm này? Tại sao vị quan triều Minh này lúc chết lại giống quốc vương Lạp Cách Nhật đến vậy?

Cánh tay cầm đèn pin của Dương Hoài Ngọc run run, Vương Uy cũng nhận thấy vẻ không ổn của cô ta. Đáp án đã rõ, vị quan triều Minh chết đứng này nhất định có mối quan hệ thần bí nào đó với vương triều Lạp Cách Nhật trong truyền thuyết.

Vương Uy dời mắt khỏi cái xác, thấy gần đó có một chiếc bàn dài, bên trên đầy đủ bút giấy, nghiên mực. Một xấp giấy đã ố vàng chặn dưới nghiên mực, trên giấy viết đầy những chữ. Anh bất giác “ồ” lên một tiếng, lại gần bên bàn xem xét. Nghe Vương Uy buột miệng ồ lên, Dương Hoài Ngọc cũng sực tỉnh.

Vương Uy cầm tệp giấy đã ố vàng lên, chỉ thấy chữ trên đó viết theo thể chữ khải, ghi lại toàn bộ những điều sâu xa, nét chữ đẹp mà không lả lướt, rắn rỏi mà nắn nót, có thể coi như hàng thượng phẩm trong thư pháp. Thuở nhỏ Vương Uy học thầy giáo riêng ở nhà, ông nội của anh từng mời một ông thầy nổi tiếng nhất kinh thành về dạy cho anh nên về thư pháp, Vương Uy khá có bài bản, cũng xem như có trình độ.

Đọc xong mấy chục trang giấy ấy, Vương Uy sợ toát mồ hôi, lòng cũng trầm hẳn xuống, quả nhiên nơi đây là một thung lũng chết, hơn nữa còn là đất dữ trong phong thủy nghìn năm hiếm gặp.

Đại ý nội dung trên giấy nói vị này là quan lớn nhất phẩm của triều Minh dưới thời Vạn Lịch, họ Trương, tên Tử Thông, tên chữ là Dữ Chi, về dòng dõi của ông ta, có thể truy nguyên về tận hoàng đế khai quốc triều Minh Chu Nguyên Chương, cụ tổ ông ta từng theo Chu Nguyên Chương dánh dẹp, giành được đến nửa giang sơn Đại Minh, về sau mới cởi giáp, từ bỏ binh quyền làm một quan văn. Từ đời cụ tổ trở đi, họ Trương đời đời đều có người làm quan lớn trong triều đình, trung lương chính trực, bản thân ông ta cũng đậu võ trạng nguyên vào năm Vạn Lịch thứ hai mươi mốt, có công dẹp loạn, được phong làm Trấn Đông đại tướng quân, hàm nhất phẩm.

Vạn Lịch năm thứ ba mươi mốt, tức là mười năm sau, Vạn Lịch hoàng đế Chu Dực Quân bỗng lâm bệnh lạ, các vị ngự y trong triều dùng đủ mọi cách vẫn không chữa khỏi. Không còn cách nào khác, trong cung đành phải hạ thánh chỉ, chiêu mộ thần y trong thiên hạ để chữa khỏi bệnh cho hoàng đế. Lúc ấy, một vị lạt ma người Tạng vào cung, vừa thấy bệnh tình của hoàng đế, ông liền bảo sẽ chữa khỏi, rồi kê mấy phương thuốc lạ lùng, nào ngờ lại trị lành được cho Vạn Lịch Thần Tông hoàng đế.

Hoàng đế khỏi bệnh, phong thưởng cho lạt ma không biết bao nhiêu là vàng bạc châu báu, nhưng lạt ma nhất mực từ chối. Hoàng đế lấy làm lạ, nói rằng vị lạt ma là ân nhân cứu mạng của mình, bách tính thường dân còn biết đạo lý mang ơn phải báo đáp, thân là cửu ngũ chí tôn, càng phải làm gương cho thiên hạ.

Vị lạt ma không từ chối nổi, đành yêu cầu nhà vua giúp ông ta làm một việc, còn ngọc ngà châu báu, quan to lộc lớn ông ta không hứng thú. Vị lạt ma lấy từ trong bọc ra một tấm bản đồ dơ dáy, đưa cho hoàng đế xem, rồi rỉ tai nói nhỏ mấy câu, Vạn Lịch hoàng đế lập tức biến sắc mặt, truyền lệnh bãi triều.

Trương Tử Thông không biết vị lạt ma kia nói gì với hoàng đế, nhưng sau buổi chầu đó, Vạn Lịch hoàng đế liền mấy hôm không thượng triều, chỉ ở trong cung mật đàm với vị lạt ma

Bốn ngày sau, Vạn Lịch hoàng đế ra một mật chỉ, phong cho Trương Tử Thông làm khâm sai đại thần, phái một nghìn ngự lâm quân cùng bốn nghìn quan quân Tứ Xuyên tiến vào Tây Tạng, dựng chùa ở phía Tây Nam, ban danh Phong Đô.

Trương Tử Thông đem năm nghìn quân vào Tây Tạng, mất một tháng để xây chùa Phong Đô, sau đó dựa theo tấm bản đồ thần bí mà Vạn Lịch hoàng đế ban cho, tiến sâu vào vùng núi tuyết, thuận lợi tìm được hang động khổng lồ dưới lòng đất này.

Trong triều, Trương Tử Thông được phong làm nhất phẩm đại thần, Trấn Đông đại tướng quân, nhưng thực tế ông ta còn có một thân phận đặc biệt khác, đây là bí mật mà trong triều ngoài nội không ai biết, chỉ trừ Vạn Lịch hoàng đế. Thân phận đặc biệt đó là Ngự Dụng quốc sư của Vạn Lịch hoàng đế, chuyên tìm long mạch, chọn huyệt vị, phân tích địa thế long mạch khắp thiên hạ.

Trương Tử Thông tiến vào vùng núi tuyết, bị địa thế long mạch ở đây trấn trụ, chỉ thấy long mạch phía Nam bắt nguồn từ núi Côn Lôn, thế đi rất hiểm, đến núi tuyết Đường Cổ Lạp thì rơi vào vùng đất dữ kìm hãm long mạch nên bị vùi lấp dưới lòng đất. Mà hang động ngầm dưới đất này theo truyền thuyết lại đứng đầu trong số mười vạn thế đất hung hiểm, là Bối long âm khư, dương khí không vào được, âm khí không ra được. Kỳ dị hơn nữa là, tấm bản đồ vẽ đến đây thì bỏ trống quãng giữa, các phần sau không có liên hệ gì cả.

Muốn hoàn thành mật lệnh của Vạn Lịch hoàng đế phải nghĩ cách phá được Bối long âm khư. Trương Tử Thông tụt xuống hang động ngầm, phát hiện ra dưới này là một biển nước mênh mông, tuyết từ trên núi chảy xuống ngập cả hang, nước sâu quá sức tưởng tượng. Quan trọng hơn, cái hang này vốn là đất chí âm, nước ngập cả đôi mắt rồng của Bối long âm khư, không thấy mắt rồng nghĩa là không có cách nào phá nổi tuyệt địa phong thủy Bối long âm khư.

Trương Tử Thông cho năm nghìn quân đóng ở khe núi lớn rồi một mình xuống thám hiểm hang sâu. Hơn một tháng sau, qua nhiều lần cân nhắc, ông ta quyết định làm một việc kinh thiên động địa là ngăn nước chặn dòng, quây biển nước dưới lòng đất này lại, đắp một con đê lớn,tạo thành một bờ ngăn nước, để một phần âm khí chìm xuống đáy sâu, một phần ở trong không khí, hình thành địa thế âm dương phân cách. Bối long âm khư thuộc âm, một khi nằm giữa hồ nước sẽ biến thành vô hình, chỉ có rót dương khí vào mới có thể làm cho âm khư hiện hình.

Trương Tử Thông chỉ huy năm nghìn người chặn đứng mấy đường thủy đạo chủ yếu chảy vào hang sâu, hao tốn năm năm xây lên một con đê lớn dài mười mấy cây số trong hang. Trong năm năm đó, tại hang này đã xảy ra nhiều sự việc khác thường, năm nghìn quân sĩ cũng hi sinh không ít, tổn thất rất nặng nề.

Đắp xong con đê, để tiện qun sát toàn cảnh con sông ngầm, Trương Tử Thông lại ra lệnh đóng chiến thuyền cổ mười tám mái chèo này. Trong quân chẳng thiếu thợ khéo, họ nhanh chóng hoàn thành chiến thuyền, Trương Tử Thông chọn ngày hoàng đạo, thân chinh dẫn năm chục tướng sĩ dong thuyền thám hiểm sông ngầm.

Trương Tử Thông từ nhỏ đã luyện được đôi mắt có thể nhìn thấu âm dương, trong thấy đôi mắt rồng của Bối long âm khư. Ông ta chỉ huy chiến thuyền tiến vào dòng sông ngầm, không khỏi kinh ngạc trước sự rộng lớn của thủy vực, thậm chí có thể coi nơi này là đại dương dưới lòng đất, hang động do con đê của ông ta vây lại tạo thành, chỉ bằng một góc so với thủy vực rộng lớn này thôi.