Mắt Âm Dương I

Chương 26

- Bác già rồi, lặn xuống dưới không tiện, để đấy tôi xuống xem, hồi nhỏ tôi cũng tập bơi qua sông rồi.

Nghe Vương Uy nói vậy, lão Tôn gật đầu. Vương Uy thay đồ lặn, rồi âm thầm chuồi xuống nước. Bộ đồ lặn này là bọn lão Tôn đặt mua ở nước Anh, luôn đem theo người, trên mũ lặn còn có đèn, bên trong lắp cả ắc quy, chỉ cần bấm nút là bật sáng, có thể chiếu sáng trong phạm vi mười mét dưới nước.

Nước rất lạnh, Vương Uy vừa lặn xuống đã rùng cả mình. Anh lặn xuống sâu mấy mét, phát hiện dưới sông ngầm không có cá, chỉ mênh mông những nước là nước. Anh lặn xuống dưới đáy chiến thuyền cổ, quả nhiên thấy bên dưới có một hàng mái chèo lớn, đang từ từ khua động theo dòng nước.

Những mái chèo này không hề có dấu hiệu gì là có người điều khiển, nhưng nếu là tốc độ tự nhiên thì không thể nhanh như thế được. Vương Uy cố bơi theo con thuyền, tâm trí anh chợt rúng động, trong số những mái chèo hình như có mấy cái chèo rất nhịp nhàng. Anh dụi mắt, lại gần hơn chút nữa, xác nhận mình không nhìn nhầm, ở đấy có ít nhất hai mái chèo đang hoạt động.

Ró ràng trên thuyền có người, Vương Uy kinh ngạc.

Anh bơi tiếp một đoạn nữa, có thể thấy mái chèo của con thuyền gỗ đang khua động liên tục trên đầu anh, nhưng không thấy Dương Hoài Ngọc đâu cả. Chuyện này quả là không bình thường, rõ ràng Dương Hoài Ngọc cũng lặn xuống ở chỗ này mà. Nhìn tư thế xuống nước của Dương Hoài Ngọc Vương Uy có thể đoán được khả năng bơi lặn của cô còn siêu hơn anh nhiều. Nhưng một người sống sờ sờ như thế tại sao lại vô duyên vô cớ biến mất được.

Vương Uy đang thắc mắc thì bỗng thấy một cục máu từ đáy nước nổi lên, anh vội rọi đèn về hướng đó, chỉ thấy sâu dưới nước chừng mười mét, có hai bóng đen đang quấn lấy nhau.

Vương Uy vội lặn xuống đó, thấy trên mình bóng đen phụt ra mấy luồng máu, anh tránh luồng máu đang phun về phía mình, nhận ra một trong hai bóng đen kia là Dương Hoài Ngọc. Thứ đang quấn lấy Dương Hoài Ngọc thấy có người đến liền quay mình chuồn thẳng, tốc độ rất nhanh, chỉ một loáng đã lặn mất tăm.

Vương Uy vội tóm chặt lấy Dương Hoài Ngọc đang cứng đờ cả người, ngoi lên mặt nước. Lão Tôn ném một sợi dây thừng xuống, kéo hai người lên thuyền.

Bàn tay và cánh tay Dương Hoài Ngọc đều bị thương, nhưng vết thương không sâu. Vương Uy lấy thuốc trong hộp cứu thương bôi vào rồi băng lại cho cô, may mà không có gì nghiêm trọng.

Lão Tôn vội la lên:

- Dưới nước có người à?

Dương Hoài Ngọc gật rồi lại lắc đầu, nói:

- Cháu vừa xuống nước thì đèn trên mũ lặn bị đập vỡ, sau đó liền bị một luồng sức mạnh tấn công. Hình như không phải người, người ở dưới nước làm thế nào mạnh như thế được? Thứ đó lôi cháu xuống đáy nước, cháu hoảng quá, vội rút dao ra đánh nhau với nó. Vết thương trên người cháu đều là do lúc đánh nhau bị thứ đó khống chế dao, tự chém vào tay mình.

Lão Tôn vuốt râu, trầm ngâm hồi lâu mới nói:

- Bằng vào thân thủ của cô, đánh nhau với nó bấy nhiêu lâu mà không biết có phải là người không à?

Dương Hoài Ngọc nói:

- Cháu đâu có đυ.ng được vào nó, có điều lúc nó tóm lấy tay cháu, có cảm giác tay nó không phải là tay người, mà là một cặp móng vuốt.

- Móng vuốt? – Vương Uy và lão Tôn cùng sững sờ.

Lão Tôn hỏi dồn:

- Các người có thấy mái chèo hoạt động không?

Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đồng loạt gật đầu, nghe họ thuật lại những gì đã gặp ở dưới nước, lão Tôn luôn miệng than quái lạ.

Việc chèo thuyền cổ cũng có quy tắc của nó, gọi là mười hai chèo, nghĩa là ít nhất phải có mười hai mái chèo cùng chèo, bằng không sẽ không thể phát huy ưu thế của cấu tạo mười tám mái chèo được. Lão Tôn và Dương Hoài Ngọc bôn ba trên biển bấy lâu, đã gặp nhiều tàu thuyền đi biển, hiểu khá rõ về các loại tàu thuyền. Họ dọc ngang suốt một dải hải phận Đông Nam Á, từng phát hiện thấy thuyền đi biển cổ đại của Trung Quốc ở rất nhiều làng chài hoặc vùng biển, hàng hải và phòng thủ bờ biển rất phát triển dưới thời Minh, kỹ thuật đóng thuyền đi biển rất cao siêu, vì vậy lão Tôn và Dương Hoài Ngọc hiểu rất rõ về loại chiến thuyền cổ thời Minh này.

Trên chiến thuyền cổ có đông lính áo vàng như thế, nếu chúng muốn tìm gì đó trên con sông ngầm này, chắc chắn sẽ phát huy toàn bộ ưu thế của mười tám mái chèo, chúng không thiếu người, sao lại chỉ chèo có hai mái?

Ba người cùng bàn bạc, cảm thấy cứ phỏng đoán như thế này cũng chẳng ích gì, Vương Uy xung phong lên chiến thuyền cổ kia xem xét, vết thương trên tay Dương Hoài Ngọc không nghiêm trọng nên cô cũng đòi đi với Vương Uy. Lão Tôn khuyên ngăn mấy câu, thấy cô vẫn khăng khăng, cũng đành đồng ý.

Lão Tôn cập con thuyền gỗ vào đuôi chiếc thuyền cổ, Vương Uy nhanh nhẹn tung móc câu vào mạn thuyền, nắm chặt dây móc câu kéo thật mạnh rồi tung người nhảy sang. Chiến thuyền cổ cao hơn thuyền gỗ đến mấy thước, Vương Uy sử dụng cả tay chân, thoăn thoắt leo lên mạn thuyền rồi trèo lên sàn. Dương Hoài Ngọc thấy Vương Uy lên được chiến thuyền cũng tung móc câu leo lên.

Hai người đứng trên boong thuyền, nhìn bóng khoang thuyền đổ dài hiu hắt dưới ánh đèn bão. Vương Uy và Dương Hoài Ngọc lấy làm lạ, nếu trên thuyền có người thì lúc họ leo lên chắc chắn đã bị phát hiện, tại sao không có động tĩnh gì?

Quái gở vẫn là quái gở! Họ tận mắt trông thấy mái chèo dưới nước bị người điều khiển hẳn hoi, trong khoang thuyền có người là điều không còn nghi ngờ gì nữa. Vương Uy và Dương Hoài Ngọc đều rút súng, lên đạn, chuẩn bị sẵn sàng rồi từ từ đẩy của khoang thuyền, cùng với tiếng cánh cửa kèn kẹt mở ra, cả hai vội nép sang một bên theo phản xạ.

Thật bất ngờ, chào đón họ không phải là đạn, mà là một khoảng lặng vô cùng sau tiếng kẹt cửa, gió trên sông chợt đóng sập cửa khoang thuyền lại khiến Vương Uy và Dương Hoài Ngọc nghe tiếng mà thót cả tim.

Dương Hoài Ngọc lấy từ trong ba lô ra một cái đèn pin rất đẹp, Vương Uy mới thấy lần đầu, nó rất giống với đèn trên mũ lặn, nhưng cự li chiếu sáng rất xa, mà cũng sáng hơn nhiều.

Vương Uy tay cầm súng, dè dặt tiến vào khoang thuyền, Dương Hoài Ngọc soi đèn theo sau. Cô soi khắp khoang thuyền một lượt, nhưng không thấy có dấu vết con người. Những thứ bày biện trong khoang toàn đồ cổ, từ bàn ghế kỷ trà trạm trổ hoa văn đến đủ loại binh khí đao thương kiếm kích đã han gỉ đến không nhận ra hình dạng gì nữa. Dường như tất cả đồ gỗ chạm trổ trong này đều có màu đen thẫm, sờ vào thấy âm ẩm, khiến người ta cảm thấy rất khó chịu.

Trong khoang thuyền giăng đầy mạng nhện, những con nhện to bằng bàn tay quơ quơ những cái chân lều nghều xù xì, bò đi bò lại trên đó. Dương Hoài Ngọc và Vương Uy đến gần lũ nhện, nhưng chúng vẫn bò lổm ngổm, coi như họ không tồn tại.

Vương Uy nói:

- Đay là khoang chính, xem ra nhiều năm nay không có người vào đây. Nếu những tên áo vàng bước lên thuyền mà bác Tôn thấy là người sống, chắc chắn khoang chính sẽ không như thế này.

Dương Hoài Ngọc gật đầu, chuyện này đúng là rất kỳ lạ, họ lượn qua cả khoang một lượt, nhưng không thấy bất cứ thứ gì có giá trị.

Tiếp đó, họ bước xuống tầng dưới. Tầng dưới lẽ thường là nơi ở và làm việc của tướng lĩnh trên chiến thuyền, tầng này ngăn thành mấy gian lớn, trang trí rất đẹp. Gian ngoài còn bày biện xa hoa hơn tầng trên, tuy về cơ bản đồ dùng cũng chẳng khác biệt gì mấy, hai người bèn đi thẳng vào gian trong cùng.

Dương Hoài Ngọc vừa đẩy cửa, liền trông thấy trong đó có một người đang đứng, Vương Uy nhanh mắt nhanh tay, thầm nghĩ người trên chiến thuyền cổ mấy trăm năm tuổi chắc chắn chẳng phải hạng tử tế gì, bèn nhắm thẳng vào người kia, nổ liền hai phát súng.

Dương Hoài Ngọc cũng tắt đèn pin, giơ súng liên thanh quét một tràng, phát nào cũng trúng mục tiêu, đạn ghim vào thân thể phầm phập.

Vương Uy lách người tiến vào phòng, Dương Hoài Ngọc ở phía sau bật đèn pin soi, luồng sáng chói mắt rọi thẳng vào người kia, chỉ thấy kẻ đó đang quay lưng về phía hai người, mình vận chiếc áo dài có hoa văn kỳ lân mai hoa, đầu đội mũ cánh chuồn lụa đen.