Hầm Mộ

Chương 16: Bi Kịch Của Một Gia Đình.

Tại khu resort Mai Châu ( Hòa Bình ), đội thợ của Chính vẫn đang làm việc khá bận rộn, dù rằng gần như tất cả những hạng mục trong dự án đã hoàn thiện, chủ thầu cũng đã rời khỏi đây cùng người của mình. Nói tóm lại, toàn bộ khu nghỉ dưỡng đã được xây dựng xong, chỉ chờ ngày đưa vào hoạt động. Riêng đội của Chính được giữ lại với lý do còn một vài chỗ cần tu sửa và họ cần một đội thợ xây làm được việc.

Tất nhiên đi kèm với đó là một khoản thưởng khá hậu hĩnh đúng như những gì mà ông Vương đã hứa trước đó. Vừa nhận được thưởng, lại vừa có thêm công việc, chế độ đãi ngộ cũng rất tốt. Đội thợ không còn phải ngủ lán, ngủ lều tạm nữa mà tất cả được cấp 2 căn homestay rộng rãi. Trong đội, ai cũng nghĩ có được sự ưu ái như vậy là nhờ Chính, một người mà trong 1 tuần gần đây có mối quan hệ khá thân thiết với ông Vương.

Lúc này cả đội đang theo sự chỉ đạo của Chính, đó là dọn dẹp sạch sẽ khu vực chòi gác, nơi mà trước đây dùng để cho người có nhiệm vụ trông coi khu chứa vật liệu. Một người trong nhóm hỏi Chính ;

— Anh này, không biết ông Vương định làm cái gì ở đây mà lại kêu chúng ta dọn dẹp sạch sẽ chỗ này nhỉ..?

Chính nhìn tay thợ bằng ánh mắt lạnh vô hồn, Chính nói :

— Đừng hỏi nhiều, chỉ cần làm theo yêu cầu là được. Sau khi dọn xong xuôi, bắt đầu đào xuống khoảng 5 tấc, nếu thấy có dấu hiệu gì của nền móng cũ thì lập tức dừng lại ngay.

Dứt lời, Chính đi xung quanh khu vực đó để kiểm tra những người khác. Chính đi khỏi, Tân bèn nói với tay thợ ban nãy :

— Anh có thấy ông Chính lạ lắm không..?

Tay thợ đáp :

— Ừ thì cũng có chút chút, nhưng chắc là dó áp lực công việc thôi. Mà này, tao vẫn không hiểu tại sao dọn sạch rồi mà lại đào xuống 50cm, lại còn tìm nền móng gì gì là sao nhỉ..?

Tân trả lời :

— Anh có nghĩ chúng ta đang tìm một thứ gì đó không..?

Tay thợ hỏi lại :

— Tìm gì là tìm cái gì..?

Tân nói nhỏ :

— Em cũng không biết, nhưng nghe cứ như kiểu mấy cái phim mà người ta tìm đồ cổ ấy….Kiểu như khai quật di tích gì đó.

Tay thợ nhìn Tân rồi gật gù :

— Mày nói có lý à nghen, giờ tao mới chú ý, cách mà ông Chính ông ấy khoanh vùng khu vực này lại rồi cắt cử người từng vị trí….Đúng là có chút gì đó bí hiểm….Thêm nữa, tự nhiên ông chủ kia lại thưởng cho chúng ta mỗi người một khoản không nhỏ, trong khi tiền công vẫn đầy đủ, mà chúng ta có làm được gì đâu…?

“ Đét “

Tay thợ vỗ mạnh vào đùi rồi ồ lên :

— Thôi đúng rồi, có khi nào, tay Chính này với ông chủ kia tình cờ phát hiện được ở đây có thứ gì đó, như kho báu chẳng hạn…..Nên là họ mới đi tìm, hoặc ở chỗ này có di tích cổ, biết đâu ấy nhỉ…? Thế nên để giữ bí mật, ông Chính mới để chúng ta lại….He he he, có khi quả này lại trúng mánh….Biết đâu tìm được thứ gì đó, chúng ta cũng có phần thì sao….Mày nói làm tao thấy hồi hộp quá, để lát phải nói với mọi người mới được.

Tân cũng có suy nghĩ như vậy, tuy nhiên Tân lại không cho rằng ở đây có kho báu, vàng bạc hay thứ gì giá trị. Điều mà Tân đang nghĩ đến đáng sợ hơn nhiều, bởi câu chuyện về ma nữ không đầu, cũng như vết chân in bên ngoài cửa chòi đến nay hãy còn ám ảnh trong tâm trí của Tân. Không tự nhiên mà ông Vương kia lại muốn mọi người đào bới nơi này, ngay tại cái chòi mà thằng Hào đã phải vãi cả cứt ra quần do ma quỷ hù dọa. Liệu dưới lòng đất này có vàng bạc hay chỉ là những thứ kinh dị mà lẽ ra con người không nên tìm kiếm. Thái độ của Chính mấy ngày hôm nay cũng là nguyên nhân khiến cho Tân lo lắng. Làm việc ở đây đã hơn nửa năm, nhưng trước đó ngay đến cả tên chủ thầu Chính có khi còn chẳng biết, vậy mà chỉ sau lần ông Vương đến đây xem xét, Chính đã trở thành người thân quen của ông ta. Đó cũng chính là cái ngày câu chuyện ma của thằng Hào bắt đầu. Không lẽ mọi thứ chỉ là sự trùng hợp…..Nhưng đó cũng chỉ là suy nghĩ của Tân mà thôi, không có gì chứng minh cả.

Bất chợt Tân thấy lạnh người, bởi từ đằng trước, Chính đang ngoái đầu lại nhìn về phía Tân. Tân vội vàng tiếp tục công việc, ánh mắt của Chính khiến cho Tân thấy nổi da gà. Giữa rừng núi hoang vu này, cảnh sắc tuy rất đẹp, nhưng đâu đó vẫn chứa đựng những điều khiến cho con người ta nơm nớp lo sợ.

Chính vẫn đứng đó nhìn về phía Tân :

— Hừm…

[……]

Tại Hà Nội.

Lý đang trên đường đạp xe trở về nhà, bên trong cặp sách của Lý là chiếc cặp da của bác Công. Ban nãy Lý nghe thấy chị gái kia nói :

“ Hãy đưa nó cho Thành “

Anh Thành là con trai lớn của bác Công, bác Công có tất cả ba người con, anh Thành lớn nhất xong đến chị Như, người con nhỏ nhất năm nay cũng học lớp 9. Bác Công lớn hơn bố Lý 4 tuổi, còn bác Ngà kém bác Công 2 tuổi. Gia đình bác Công trước nay luôn được coi là gia đình có nề nếp, thành đạt, bác Công cũng là một người rất tốt. Bác tuy bận rộn nhưng trong khu vực có công việc gì bác cũng đều ủng hộ nhiệt tình. Lý có nghe bố mẹ kể, ngày nhà Lý mới chuyển đến đây, bác Công hàng xóm đã giúp đỡ gia đình Lý khá nhiều. Vậy nên người dân xung quanh đây ai ai cũng nể bác Công cả. Chẳng vậy mà đám ma của bác rất đông người đến viếng. Anh Thành, con lớn của bác Công cũng đã lấy vợ và ra ở riêng từ lâu, chị Như cũng không sống chung với bố mẹ, chỉ có cậu con trai út là ở với vợ chồng bác Công mà thôi.

Đạp hết sức để về nhà, bởi một điều gì đó thúc đẩy Lý rằng phải đưa cái cặp này cho con trai bác Công trước khi người ta đưa bác Công đi chôn. Hôm qua bà Nhung có nói, chiều nay gia đình sẽ đưa bác Công đi chôn vì còn đợi người nhà ở bên nước ngoài về. Đêm qua, bác Công cũng có nói 1 câu :

“ Bác không còn nhiều thời gian nữa. “

Mẹ Lý cũng kể khi bác Công chết ở bệnh viện, bác co giật mất một lúc rồi chết mà không nhắm được mắt. Có lẽ nào đó là do bác Công vẫn còn uất ức, vẫn còn có điều oan khuất chưa được giải tỏa. Và có thể, tất cả đang nằm trong chiếc cặp mà bác công gửi ở siêu thị trong trung tâm thương mại gần nhà.

Về đến nơi, tiếng kèn trống chuẩn bị đưa quan tài bác Công lên xe tang đang vang lên đầy bi thương. Mọi người đứng khá đông khiến cho Lý không thể chen lên đằng trước được. Tiếng khóc mỗi lúc một lớn hơn khi mà quan tài bác Công đang được người ta khiêng lên chiếc xe tang hai màu đen trắng. Và kia, người phụ nữ đang gào thét đến khàn cả tiếng, hai bàn tay bà ta cào cấu, bám víu vào quan tài đầy đau đớn chính là bác Ngà, vợ của bác Công, nhìn bác Ngà lúc này như người điên, người dại :

— Đừng mang chồng tôi đi….Hu hu hu…..Mình ơi, mình mất rồi….Tôi biết phải làm sao.

Và Lý nhìn thấy, người đang cố đỡ mẹ mình dậy chính là anh Thành, anh Thành đầu đeo khăn tang trắng, mắt ướt đẫm lệ, có lẽ anh đau khổ vì việc bố ra đi đột ngột là một phần, phần còn lại khiến cho anh thắt quặn cả tim chính là việc mẹ mình ba ngày hôm nay đau đớn vật vã đến thương tâm như vậy. Nhìn cảnh tượng đó ai ai cũng xót xa.

“ Phải đưa cái cặp cho anh Thành, nhưng đưa bằng cách nào đây..? Mình làm như vậy liệu có đúng không..? Rồi gia đình họ sẽ ra sao khi biết tất cả những sự thật này…”

Lý vẫn chưa biết phải làm sao..? Bởi dù thế nào đi nữa việc này khiến cho Lý cảm thấy khó xử. Nếu như cô đưa cái cặp cho anh Thành, khi đó mọi chuyện vỡ lở, rồi bố mẹ cô sẽ truy hỏi cô lấy cái cặp đó ở đâu, không chỉ bố mẹ cô mà cả gia đình bác Công sẽ tìm cô để tìm hiểu mọi chuyện. Liệu rằng mọi người sẽ tin cô đây là do bác Công muốn như vậy, hay sẽ chửi cô là kẻ phá hoại gia đình người khác.

“ Ò…e…tí….te…Cheng….cheng…”

Tiếng kèn đám ma não lòng…

“ Mình ơi….sao tôi khổ…thế này…”

Tiếng bác Ngà đang khóc lóc kêu gào….

Tất cả cứ vang lên văng vẳng trong đầu Lý…..Cuối cùng, quan tài của bác Công cũng đã được đưa lên xe…..Bác Ngà phủ phục ôm cả cái quan tài khóc nức nở. Còn anh Thành, anh Thành đang tiến về phía Lý.

“ Bíp…bíp..”

Lý giật mình quay lại bởi tiếng bíp của chiếc xe oto đỗ ngay sau lưng cô. Là xe của anh Thành, có lẽ anh Thành sẽ đi oto đến nơi chôn cất bố mình trước.

Núp người lại, Lý không muốn bị nhìn thấy.

“ Cạch “

Vừa mở cửa xe thì Thành dừng lại, anh đi về phía capo, có thứ gì đó được để trên nắp capo, ngay chỗ cần gạt nước. Đó là một chiếc cặp da, Thành nhặt lấy chiếc cặp, có kẹp một tờ giấy, Thành khẽ đọc :

— “Bác Công gửi cho anh “. Cái này là sao vậy ta…?

Lý đứng nấp ở cách đó một đoạn, nhìn thấy anh Thành đã cầm chiếc cặp rồi ngồi vào trong oto……Nhưng đã 5 phút, mặc cho xe tang đã di chuyển ra bên ngoài đường lớn, mặc cho dòng người đưa tiễn bác Công nối đuôi nhau than khóc, buồn bã thì chiếc xe đó vẫn không nổ máy.

Lúc này chỉ có tiếng gào khóc của bác Ngà vang vọng mà thôi :

“ Hu hu hu….Mình ơi, mình chết tức tưởi quá…..”