Pháp Y Tần Minh - Quyển 2: Lời Tố Cáo Lặng Thầm

Chương 59: Vụ án thứ 14 - Đứa trẻ trong cát (1)

Điều bi thảm nhất trong cuộc đời không gì bằng mất con, tất cả mọi thứ đều sụp đổ, không bao giờ còn trở lại được như trước.

Dwight David Eisenhower

Mùa mưa ở miền Nam, mưa như trút nước.

Rất nhiều thành phố phải gấp rút tu sửa hệ thống thoát nước trước khi những đợt mưa rào kéo đến, nhưng vẫn có một số lãnh đạo thành phố tự tin thái quá, cho đến khi mưa bão sầm sập giáng xuống đầu.

Mây đen bao phủ suốt gần một tuần lễ, mưa cơn to tiếp cơn nhỏ, cứ dầm dề mãi không dứt. Cống ngầm các nơi bị quá tải, đường phố nào cũng thấy công nhân vệ sinh đô thị đang hối hả tu sửa đường ống nước dưới trời mưa.

Lại qua một đêm mưa gió, hệ thống thoát nước thành phố bị tê liệt hoàn toàn, nước ngập mỗi lúc một cao, nắp cống ngầm ở những nơi thấp trũng bị nước cuốn bật tung, nước phun ồ ạt. Đúng là khắp tỉnh đâu đâu cũng thấy đài phun nước.

Khu đô thị Thịnh Thế là một hạng mục kiến trúc mới được thi công ở vùng ngoại ô tỉnh lỵ, rộng gần mười hecta, sau khi xây xong, đây xứng đáng được coi là khu đô thị hàng đầu trong tỉnh. Vì mưa to gió lớn nên suốt một tuần nay, các hạng mục lớn đều phải tạm dừng thi công, trên công trường thi thoảng mới vọng lên tiếng ồn ào của các công đoạn lặt vặt.

Mưa xối xả mấy ngày liền đã cuốn tung đống rác xây dựng ở đằng tây công trường. Con đường phía tây công trường ngập ngang bắp chân. Bong bóng và bao xi măng nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Ông Vương là công nhân phụ trách thu dọn rác xây dựng ở công trường, mưa bão khiến ông phải nghỉ vài ngày, vì ăn lương theo giờ làm nên mấy hôm nay ông cũng không có thu nhập. Sắc trời âm u khiến tâm trạng của ông cũng nặng nề theo. Ngày nào ra khỏi nhà, ông cũng không tài nào lái nổi chiếc xe ba bánh cũ nát, đành phải dò dẫm đi bộ trong nước ngập lạnh buốt. Cho nên mấy hôm nay, ông luôn bực bội trong lòng.

Lại một đêm mưa gió bão bùng, mãi khi trời sáng mới bắt đầu có vẻ mây tan nắng hiện. Ông Vương bước ra ngoài lán, nhìn về phía vầng mặt trời ẩn hiện phía chân mây, thở phào một hơi. Ông nhìn con đường phía tây ngập úng những nước, băn khoăn không biết hôm nay đã có thể bắt đầu công việc được chưa. Rồi ông lội xuống nước, muốn thử xem nước sâu chừng nào, mặt đường có hỏng nhiều không.

Cứ thế bước thấp bước cao đi được chừng hai mươi phút mới đến được bên bãi rác. Đột nhiên, ông thấy chân mình giẫm phải thứ gì đó mềm mềm khiến ông giật nảy mình.

“Nước đọng mà cũng có rắn nước à?” Ông Vương nhìn xuống mặt nước ngầu bùn đang chảy lừ đừ dưới chân, muốn nhìn cho rõ thứ gì dưới đó.

Nhưng chẳng có thứ gì động đậy.

Ông Vương lập cập thò chân ra dò thử lần nữa.

Không sai chút nào, đúng là có vật gì mềm giống như con rắn!

Sau khi giẫm giẫm đá đá vài lần, ông Vương nhận ra nó không phải là vật sống. Ông mò được một cành cây bên đường, khều thử cái vật mềm mềm dưới nước.

“Ái chà, nặng gớm nhỉ.” Cành cây bị gãy đôi, Ông thở mấy cái rồi thò tay xuống mò thử.

“Hóa ra là một cái túi vải.” Ông Vương đã sờ thấy vật đấy, liền đoán.

Hết cả sợ, ông Vương nắm lấy “cái túi”, ráng sức nhấc lên khỏi mặt nước.

“Thình!” Ông Vương chợt thấy tim mình như bị ai bóp một cái thật mạnh. Thứ ông đang cầm trên tay nào phải túi với bao gì, mà là cánh tay của một đứa trẻ. Theo đà kéo của ông, cả người đứa bé đã bị lôi lên khỏi mặt nước. Cơ thể nó mềm oặt, rũ xuống, bộ mặt tím xanh trông vô cùng ghê rợn.

Tay ông Vương run lên lẩy bẩy, buông đứa bé rơi tõm xuống nước. Ông ngã ngồi xuống, miệng há hốc, không thốt được một lời.

*

Mưa vẫn tuôn dầm dề, thời tiết này không ai có thể vui nổi, huống hồ còn có một ông cụ đang gào khóc ầm ĩ trong phòng làm việc.

Một tháng trước, ông cụ bị người ta đập cờ lê vào đầu. Căn cứ theo tiêu chuẩn giám định thương tật phần mềm của cơ thể, vết thương tày trên da đầu có độ dài lên đến 6 centimet sẽ được coi là thương tích nhẹ. Vết sẹo trên đầu ông cụ dài đến 20 centimet nhưng báo cáo giám định pháp y của Công an huyện lại cho là thương tích không đáng kể.

“Pháp sư Tần ơi!” Ông cụ gào khóc. “Lũ pháp sư chỗ chúng tôi đúng là táng tận lương tâm, chỉ biết ăn tiền. Người nghèo như chúng tôi thật khổ hết chỗ nói, bị người ta đánh mà chỉ biết ngậm đắng nuốt cay. Anh xem, sao thói đời lại có thể đổi trắng thay đen như thế chứ? Thật đáng thương cho những người thấp bé cổ họng chúng tôi!”

“Là pháp y!” Tôi đính chính. “Thôi bác đừng than khóc nữa, để tôi xem vết thương thế nào.”

Vết sẹo trên đầu ông cụ là một đường thẳng và mảnh, rìa mép phẳng phiu, lượn thành một vòng cung nhỏ trên mặt da tại vùng chẩm. Xem xong, tôi bỗng bật cười, lại là một chiêu trò không đủ tầm.

Theo chính sách hiện nay, với những vụ tranh chấp dân sự dẫn tới cố ý gây thương tích tạo thành tổn thương nhẹ, có thể xử lý bằng cách hòa giải. Do khoản tiền đền bù hòa giải ngày càng tăng lên, nên các vụ ngụy tạo thương tích (không bị thương mà giả vờ bị thương) và tự tạo thương tích (tự gây tổn thương cho mình) càng ngày càng nhiều. Điều này  đòi hỏi bác sĩ pháp y phải có con mắt tinh tường, phân biệt chuẩn xác mới có thể bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án.

Đây lại là một vụ thông đồng với bác sĩ để ngụy tạo vết thương giả nhưng tay nghề quá kém. Ai chẳng biết, vết thương do cờ lê đập vào kiểu gì cũng không thể thẳng thớm ngay ngắn được, càng không thể mảnh như thế này. Hơn nữa, diện tích tiếp xúc của cờ lê quá nhỏ, không thể đập một cái mà gây ra một vết thương kéo dài đến nửa vùng chẩm. Cho nên vết sẹo trên đầu ông cụ chắc chắn là được rạch bởi vật sắc nhọn như dao phẫu thuật.

“Bác cho rằng cái cờ lê có thể tạo ra vết sẹo giống như trên đầu bác được à?” Tôi hỏi.

Ông cụ ngước mắt nhìn tôi: “Pháp sư Tần, ý anh là sao? Anh bảo tôi làm giả ấy à? Tôi mà làm giả được sao? Tôi có giống loại người ăn gian nói dối không?”

“Là pháp y!” Tôi chau mày. “Có làm giả hay không, bản thân bác biết rõ hơn ai hết. Kết quả tái khám nghiệm của bác vẫn là tổn thương không đáng kể.”

Ông cụ há hốc miệng, im bặt một hồi lâu mới nói: “Thật không ngờ đấy, pháp sư Tần ạ, đến sở Công an tỉnh các anh cũng bị hắn mua chuộc cả rồi.”

Tôi cười nhạt, lắc đầu: “Bác muốn nói thế nào cũng được, chúng tôi không thể buộc tất cả mọi người đều phải hài lòng với chúng tôi, chỉ cần đảm bảo khách quan công bằng, không thẹn với lương tâm mình là được. Bác có thể về được rồi. Ngoài ra, về phía đơn vị thụ lý vụ án, tôi thấy các anh có thể điều tra sự vụ này về tội ngụy tạo chứng cứ.”

Vừa nghe tôi nói vậy, ông cụ đã mặt đỏ phừng phừng: “Công bằng cái rắm thối ấy! Vết sẹo trên đầu tao dài mười mấy phân mà chúng mày dám bảo là tổn thương không đáng kể, chẳng phải là ăn tiền bóp méo sự thật còn gì? Ông mày về sẽ lên mạng vạch mặt chúng mày!”

“Bác cứ việc!” Ông tà càng sừng sộ, tôi lại càng thêm bình tĩnh. “Người chửi chúng tôi trên mạng đâu chỉ có một mình bác, thêm một người cũng chẳng sao. Mời bác về cho!”

“Reng reng reng…”

Tôi chau mày xua tay: “Tôi phải nghe điện thoại đây, chào bác nhé!”

Điều tra viên bèn đưa ông cụ ra khỏi phòng làm việc.

“Bây giờ là 8 rưỡi, trước 9 giờ phải đến công trường khu đô thị Thịnh Thế.” Trong điện thoại vang lên mệnh lệnh của sư phụ.

*

“Ờ… hiện trường thế này, khám nghiệm thế nào được đây?” Đại Bảo đứng trong nước ngập, nhìn ngang nhìn ngửa rồi kêu lên. “Toàn nước là nước.”

Lâm Đào cũng lắc đầu hoang mang: “Biết khám nghiệm thế nào, chẳng còn chút dấu vết nào nữa.”

Tôi đưa mắt nhìn quanh. Tuy nước đọng đang từ từ rút đi, nhưng cảnh tượng xung quanh đúng là tan hoang như một bãi chiến trường. Đủ loại rác xây dựng bị nước xối ngổn ngang, những đυ.n cát và đυ.n đất đều bị sạt lở nham nhở, trôi theo dòng nước đυ.c ngầu về phía cống ngầm ở chỗ trũng.

Nước ngập chỉ còn đến mắt cá chân, một nửa thi thể đứa bé đã lộ trên mặt nước, khe khẽ dập dềnh theo dòng nước chảy. Nếu không có sắc mặt tím xanh ghê rợn thì đứa bé trông như đang nằm ngủ trong nôi, khuôn mặt xinh xắn trông thật đáng yêu.

Đau lòng nhất là phải nhìn cái chết của trẻ thơ. Tôi bước lại bên đứa trẻ, quan sát một chốc, trong lòng tràn đầy xót thương.

“Đây là con cái nhà ai thế?” Đại Bảo hỏi bác sĩ Vương đứng bên cạnh.

“Thế mà cũng hỏi!” Trong lòng đang sẵn bực bội, tôi trút cả lên đầu Đại Bảo. “Biết là con cái nhà ai thì cần chúng ta tới đây làm gì nữa?”

Bác sĩ Vương gật đầu nói: “Đúng vậy! Kỳ lạ thật, khu vực này ngoài công trường thi công và mấy xóm làng lân cận chưa phải di dời thì không còn gì khác nữa. Nhưng đồn công an khu vực lại không hề nhận được tin báo trẻ con mất tích. Nếu đứa trẻ nhỏ tuổi thế này đi lạc, người nhà kiểu gì cũng phải báo công an chứ.”

“Các anh thấy thế nào?” Tôi hỏi.

Bác sĩ Vương thở dài, ngồi xuống, nhấc cánh tay nhỏ bé của đứa trẻ lên, nói: “Em xem này!”

Trên tay đứa trẻ chi chít những vết trầy xước li ti.

Tôi cúi đầu ngẫm nghĩ một lát rồi bước tới bên đống cát đã bị xối mất một nửa ở bên cạnh, lấy từ trong hòm đồ nghề ra một cái xẻng nhỏ, bắt đầu đào bới.

“Sao lại có tổn thương thế này được nhỉ?” Đại Bảo lẩm bẩm tự hỏi. “Những vết trầy xước rất nhỏ, rõ ràng không phải là bị đánh đập, cũng không phải là do chà xát với mặt đất.”

Bác sĩ Vương rất giàu kinh nghiệm, nghe anh ta nói thế thì phì cười, chỉ về phía tôi đang hì hục đào cát, nói: “Tần Minh đoán đúng rồi đấy!”

“Cát?” Đại Bảo đẩy gọng kính trên sống mũi, nói. “Ồ, là do nghịch cát gây ra à? Nhưng hiện trường đã bị hủy hoại hoàn toàn, muốn tìm ra dấu vết thì hơi bị khó đấy!”

“Đứa bé chắc mới hơn một tuổi, đi còn chưa vững mà nghịch cát nỗi gì?” Tôi hơi áy náy vì lúc nãy đã tức giận vô cớ, bèn dịu giọng nói. “Còn nữa, anh đã bao giờ trông thấy đứa trẻ nào nghịch cát đến nỗi trầy trụa khắp người chưa?”

“Thì chính vì nhỏ quá nên mới bị thương mà.” Đại Bảo làu bàu.

Tôi chẳng nói gì thêm, tiếp tục cắm cúi đào cát. Đào được một lúc, tôi trông thấy một sợi vải nhỏ màu trắng. Tim tôi thắt lại, vội lôi ra xem, là một chiếc khăn quàng của trẻ nhỏ.

Cơn phẫn nộ âm ỉ tích tụ trong lòng khiến tôi chợt thấy da đầu tê dại, hai tai ù đặc. Tôi nói: “Đứa trẻ bị chôn ở chỗ này.”

Bác sĩ Vương gật đầu đồng tình: “Đúng là loại người không bằng cầm thú. Đến trẻ con cũng không tha.”

Đại Bảo chớp chớp mắt, cuối cùng cũng đã bừng tỉnh: “Mọi người…. mọi người đang nói… em bé bị chôn sống à?”

Hồi nhỏ đọc truyện diễn nghĩa hay có cảnh chôn sống người ta, nhưng giờ đã sang thời đại văn minh, tình trạng này đã cực kỳ hiếm gặp, vì người bình thường sẽ chẳng ai ngoan ngoãn chịu trận. Nhưng trẻ nhỏ thì khác, vì trẻ nhỏ hoàn toàn không có năng lực phản kháng.

Bác sĩ Vương chuyển thi thể đứa bé lên một bệ xi măng sạch sẽ, lấy kẹp cầm máu vạch mí mắt ra: “Anh xem này, trong mắt đứa bé có các, niêm mạc bị xung huyết, cho thấy lúc nạn nhân bị vùi xuống, mắt vẫn còn cử động. Vậy thì những vết trầy xước trên tay chính là phản ứng sống khi nạn nhân nắm chặt lấy cát.”

Đại Bảo gật đầu.

Tôi đưa mắt nhìn quanh, vì đây là nơi hẻo lánh nên không có đám đông nào kéo tới xem. Tôi quay sang nói với cảnh sát khu vực: “Các anh hãy canh giữ không cho ai tới gần, chúng tôi sẽ giải phẫu tử thi ngay tại đây.” Vừa nói tới hai chữ “giải phẫu”, tôi bỗng cảm thấy như có khối đá tảng đè chặt xuống tim mình, thở không ra hơi. Rạch dao mổ vào cơ thể non nớt của đứa bé, đó quả là một sự giày vò tâm lý ghê gớm đối với một bác sĩ pháp y.”

“Theo em thì liệu có phải là ai đó vứt bỏ con mình không?” Đại Bảo hỏi.

Tôi lắc đầu, nói: “Nếu là vứt con, người ta thường sẽ bỏ trước cửa cô nhi viện hay cổng nhà người khác. Con ai chẳng phải rứt ruột đẻ ra? Cho dù phải vứt bỏ vì bất kỳ lý do gì cũng sẽ vô cùng đau đớn, đâu có lý gì lại còn đem chôn sống? Hơn nữa, nếu như muốn bỏ, người ta đã bỏ luôn từ lúc mới sinh ra. Còn em bé này đã hơn một tuổi, lại được ăn mặc chỉnh tề, áo quần cũng không phải loại rẻ tiền, chắc chắn không phải là bị bố mẹ bỏ rơi đâu.”

“Nếu hơn một tuổi mới phát hiện ra em bé bị bệnh thì sao?” Đại Bảo nói.

“Tần Minh đã nói rồi, áo quần không phải loại rẻ tiền, gia cảnh chắc cũng không đến nỗi.” Bác sĩ Vương nói. “Nên không có chuyện không chạy chữa cho con mà lại mang gϊếŧ con đi.”

“Có bệnh hay không, giải phẫu xong sẽ biết ngay thôi.” Tôi nói.

Con dao mổ trong tay tôi run rẩy đặt trước khoang ngực bé nhỏ, lấy can đảm đến mấy lần mà tôi vẫn không thể rạch xuống nổi. Bác sĩ Vương huých cùi chỏ vào tôi có ý an ủi, sau đó cầm lấy dao mổ, rạch mở lớp da trên bụng ngực đứa bé.

Khi những xương sườn trắng rợn phơi ra trước mắt, một dòng máu nóng bỗng xộc thẳng lên đầu tôi. Tôi tự thề với lòng mình, nhất định phải đưa bằng được con người cầm thú kia ra trước vành móng ngựa.

Khung xương đứa bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện, da rất mỏng nên công việc giải phẫu diễn ra khá nhanh. Tôi và bác sĩ Vương đứng hai bên đứa trẻ, nhanh chóng khám nghiệm các cơ quan nội tạng trong khoang bụng ngực. Khi sắp kết thúc, chợt nghe Đại Bảo kêu toáng lên: “Dừng lại! Mọi người nhìn xem, em bé cử động kìa!”