“Tôn Tiên Phát bao nhiêu tuổi rồi?” Tôi hỏi.
“Bốn mươi lăm.” Bác sĩ Quế dừng lại một lát, nói tiếp. “Nhưng người tình bí mật của anh ta mới hơn 20 tuổi.”
“Ồ, cỏ non đâu có dễ ăn thế.” Tôi vừa nói, vừa mặc trang phục khám nghiệm hiện trường rồi tiến về phía góc tường, nơi các nhân viên pháp chứng đang tụ tập.
“Hiện trường có quá ít vật chứng dấu vết.” Lâm Đào đã ngồi lom khom ở đó từ lúc nào, vừa dùng thiết bị hút tĩnh điện rà đi rà lại, vừa nói với tôi: “Chúng tớ vẫn chưa tìm ra được manh mối nào có giá trị.”
Trên mặt đất, nhìn thấy rõ nhất là một vũng máu lớn, bên cạnh còn có một bãi nôn.
“Bãi nôn nằm ở vị trí này, có lẽ là do nạn nhân bị thương ở đầu dẫn đến tăng áp lực nội sọ gây nôn mửa, lại kết hợp với hình dạng của vũng máu, có thể khẳng định đây là hiện trường ban đầu khi nạn nhân ngã xuống, cũng có nghĩa là nạn nhân đã bị tấn công ngay tại đây.” Tôi vừa phân tích vừa lần theo chân tường lên trên tìm kiếm dấu vết.
Bức tường bao không được trát vữa, những viên gạch trần có màu đỏ sẫm, quả thực rất khó phát hiện ra vật chứng dấu vết. Tôi lấy từ trong hòm đồ nghề ra chiếc kính lúp, săm soi từng li từng tí dọc theo mặt tường, bỗng thấy mảng màu đỏ thẫm có mấy đốm màu khác lạ đập vào trong mắt. Tôi vội vàng lấy mẫu thử từ một đốm màu khả nghi, nhỏ lên vài giọt thuốc thử benzidine, giấy lọc nhanh chóng ngả sang màu xanh biếc.
“Có vẻ như mấy vết lốm đốm này đúng là vết máu thật.” Tôi nói. “Nhìn vào hình dạng của vết máu, có lẽ là do bị bắn tóe hoặc vẩy lên.”
Lâm Đào lấy thước cuộn ra đo đạc một hồi, ngờ vực nói: “Mấy vết máu dạng phun bắn này chỉ cách mặt đất có 20 centimet, vị trí thấp quá, chẳng lẽ nạn nhân bị tấn công khi đang nằm bò dưới đất?”
“Nghe nói trên đầu nạn nhân có một vết thương, nhưng trên da đầu thì không có động mạch lớn nào cả, rất khó hình thành nên vết máu có dạng phun bắn.” Tôi phát huy sở trường pháp y, bắt đầu lập luận. “Bởi vậy, vết máu ở đây có lẽ là bị vẩy lên, cũng có nghĩa là, hung thủ đã dùng hung khí đánh vào đầu nạn nhân, máu dính vào hung khí, khi hung khí được vung lên, máu bám trên đó đã bắn vào chân tường.”
Nhìn vào vết máu, khó lòng suy đoán thêm được gì nữa, tôi bèn quay sang hỏi một điều tra viên ở bên cạnh: “Người đầu tiên phát hiện ra Tôn Tiên Phát gặp nạn có nói lúc đó anh ta ở trong tư thế nào không?”
Điều tra viên bước tới bên vũng máu ở chân tường, đưa tay chỉ trỏ: “Lúc đó, Tôn Tiên Phát quay đầu vào tường, chân xoay về phía cổng chính, ở trong tư thế nằm ngửa.”
Nằm ngửa? Tôi không suy nghĩ gì thêm nữa, bèn cùng Lâm Đào tiến vào trong nhà tiếp tục xem xét.
*
Trong nhà rất gọn gàng ngăn nắp, Tôn Tiên Phát hẳn là một người chăm chỉ, chịu khó. Đồ đạc trong phòng được bày biện ngay ngắn, ở chính giữa chiếc bàn vuông đặt một xâu chìa khóa và hai gói thuốc lá chưa bóc. Bên cạnh là phòng ngủ, chăn được gấp gọn gàng, xếp ở đầu giường.
“Hiện trường có vẻ như không hề có dấu vết bị lục lọi, có thể loại trừ khả năng gϊếŧ người cướp của. Em đoán rằng có tới tám, chín mươi phần trăm là gϊếŧ người vì tình.” Tôi thấy Lâm Đào đã bước lên tầng hai, bèn quay sang nói với Đại Bảo bên cạnh.
“Phải, chìa khóa để ở trên bàn, chắc là nạn nhân đã vào trong nhà rồi.” Đại Bảo lẩm bẩm. “Hai bao thuốc lá này có lẽ là thuốc của nhà có đám ma?”
“Có một điểm rất bất thường, nạn nhân đã vào trong nhà nhưng lại chưa lên giường đi ngủ.” Tôi và Đại Bảo vào trong nhà vệ sinh, sờ mấy chiếc khăn mặt treo trên tường. “Khăn đều khô nguyên, không có dấu hiệu tắm gội. Anh cho rằng nạn nhân vừa vào nhà lại đi ra ngoài rồi bị tấn công, hay là bị tấn công vào lúc sáng sớm khi chuẩn bị đi ra ngoài?”
Đại Bảo ngơ ngác lắc đầu.
Tôi cười, nói: “Sao anh ngốc thế, 4 giờ sáng người ta đã phát hiện ra nạn nhân nằm dưới đất, nếu nạn nhân bị tấn công vào lúc sáng sớm trước khi ra khỏi cửa thì theo như thời gian anh ta đã hẹn tối hôm trước, anh ta sẽ ra khỏi cửa tầm 3 rưỡi sáng. Chỉ nửa tiếng, liệu có thể tạo ra một vũng máu lớn đến thế ở bên ngoài được không?”
Đại Bảo bừng hiểu: “Đúng rồi! Không có động mạch chính nào bị tổn thương cả, từ vết thương giập rách trên đầu có thể chảy ra một vũng máu lớn như vậy, chí ít cũng cần đến vài tiếng.”
“Kết hợp với tình hình tại hiện trường, chăn gấp gọn gàng, chìa khóa ở trong phòng khách,” tôi nói, “có lẽ là nạn nhân vừa vào trong nhà lại đi ra ngoài ngay, sau khi ra khỏi cửa thì bị đánh lén vào sau gáy. Có một vấn đề là nếu nạn nhân muốn đi ra ngoài thì phải đi về phía cổng chính chứ, nhưng anh ta lại đi về phía góc tường theo hướng ngược lại, là tại sao? Anh ta đi tới chân tường để làm gì nữa?”
“Còn nữa, anh ta ra khỏi cửa mà không mang theo chìa khóa, có lẽ là không khóa cửa.” Đại Bảo nói. “Tuy nhiên, người báo án lại khẳng định rằng lúc anh ta tới nơi, cửa chính của căn nhà đã khóa chặt, chẳng lẽ hung thủ gϊếŧ người xong còn khóa cửa giúp nạn nhân?”
“Chúng ta quay ra chỗ chân tường xem lại.” Tôi nói rồi xách hòm đồ nghề lên, bước ra khỏi nhà, đi ra sân. Khoảnh sân khá rộng, cách chân tường năm mét có một gian nhà nhỏ bằng gạch do nạn nhân tự xây, bên trong cất một số dụng cụ quét dọn như chổi, gầu hót rác. Tôi và Đại Bảo bèn đưa mắt nhìn nhau, hóa ra con người chịu khó này định lấy chổi để quét dọn nhà cửa.
“Có lẽ hung thủ đã nấp sẵn ở cửa nhà, nhìn thấy Tôn Tiên Phát ra khỏi nhà, đi đến gần chân tường, liền ra tay sát hại.” Đại Bảo đẩy gọng kính trên sống mũi, nói. “Còn tại sao hung thủ lại khóa cửa giúp nạn nhân, có lẽ chỉ có hung thủ mới biết.”
Tôi đứng dưới sân, ngẩng đầu nhìn lên tầng hai của căn nhà. Tầng hai có một dãy cửa sổ kiểu kéo đẩy bằng hợp kim nhôm, cánh cửa sổ nằm sát tường đang mở toang, Lâm Đào đang chăm chú kiểm tra dọc theo khung cửa sổ. Tôi nháy mắt với Đại Bảo, nói: “Thằng cha Lâm Đào đẹp trai thật đấy, chẳng trách gái theo ầm ầm.”
“Nhiều gái theo cũng được ích lợi gì?” Đại Bảo nói. “Chẳng phải vẫn trơ khấc một thân đấy à? Đâu có được hạnh phúc như em?”
Lâm Đào đứng trên tầng hai nghe thấy tiếng Đại Bảo bèn cúi đầu nhìn xuống, nói lớn: “Bí Đao, cậu xem này, nạn nhân đúng là không có ý thức đề phòng kẻ gian gì cả. Cánh cửa mở toang, nếu có kẻ gian muốn đột nhập vào nhà trộm cắp, chỉ cần trèo lên bờ tường là với được đến cửa sổ, muốn trèo qua cửa sổ vào trong phòng thì quá dễ.”
“Vớ vẩn!” Tôi bực bội gắt lên, “Bí Đao cái gì mà Bí Đao? Cậu dám ngang nhiên gọi biệt danh của tớ trước mặt bao nhiêu người thế hả?”
Đại Bảo đứng ở bên cạnh phì cười, tôi đập vào đầu anh ta, nói: “Cười cái gì, em đoán rằng nếu không phải nạn nhân từ trong nhà đi ra, tự chui vào rọ, thì hung thủ có lẽ cũng sẽ trèo vào trong nhà qua lối ấy.”
“Tầng hai không có dấu vết khả nghi.” Lâm Đào nói với qua khung cửa sổ xuống sân, “hiện trường có vẻ như chẳng có một vật chứng nào hết, giờ chỉ còn biết trông chờ vào công tác khám nghiệm tử thi thôi.”
Sau bữa trưa, tôi và Đại Bảo tới phòng giải phẫu pháp y trong nhà xác huyện Thạch Bồi. Gian phòng nhỏ tối tăm vẫn giống hệt như một năm về trước, không có gì thay đổi. Bác sĩ Quế đã ở nhà xác chờ chúng tôi, đứng đợi cùng với anh ta còn có lãnh đạo bộ phận pháp y của Công an huyện Thạch Đan tên là Quản Kỳ Kim. Bác sĩ Quản đã ngoài 50 tuổi, có thể coi là tiền bối của chúng tôi, lần này, ông đảm nhiệm công việc ghi chép.
Đầu tiên, chúng tôi kiểm tra một cách hệ thống thân thể và tứ chi của Tôn Tiên Phát, không thấy có bất cứ vết tổn thương nào.
“Chà chà, chăm chút bản thân chu đáo thật đấy.” Bác sĩ Quế nói. “Cả người sạch sẽ trắng trẻo thế kia.”
“Có vẻ như anh ta là một người rất chăm chỉ, ở nhà có một mình cũng quét dọn sạch bong.” Tôi nói.
“Ồ, chưa biết chừng là do ‘cỏ non’ của anh ta quét dọn giúp cũng nên.” Đại Bảo cầm dao phẫu thuật lên, vừa cạo đầu thoăn thoắt vừa nói.
Khi tóc của Tôn Tiên Phát được cạo sạch sẽ, toàn bộ vết thương ở vùng chẩm đã lộ ra hoàn toàn.
“Hai mép vết thương tù, quanh mép vết thương có đường nứt toác dọc theo chiều da, trong vết thương có thể nhìn thấy cầu nối tổ chức (1).” Tôi cầm lấy kẹp cầm máu, vừa kiểm tra miệng vết thương, vừa nói rõ tình hình khám nghiệm để bác sĩ Quản ghi lại. “Đáy vết thương đã chạm tới mảng xương sọ vỡ, có thể khẳng định là gãy xương theo kiểu vỡ vụn xương sọ.”
(1) Cầu nối tổ chức (tissue bridge): Khi vật tày đập mạnh lên cơ thể người sẽ khiến cho da và tổ chức mềm bị xé rách. Do là bị xé rách chứ không phải bị cứa đứt bởi vật sắc nhọn nên bên trong vết thương vẫn còn những sợi tổ chức (mô liên kết, mạch máu và thần kinh chưa hoàn toàn đứt rời) nối liền với nhau, gọi là cấu nối tổ chức. Đây là một trong những căn cứ để xác nhận vết thương do vật tày gây ra.
Tôi dùng cồn lau chùi cẩn thận xung quanh vết thương, nói: “Đây là vết thương giập rách điển hình do hung khí tày tấn công vào đầu gây rách da hình thành nên. Mọi người xem, da ở xung quanh vết thương bị trầy xước, tại sao lại như vậy?”
“Bề mặt của hung khí thô ráp, mặt tiếp xúc lớn hơn vết thương.” Kiến thức lý thuyết của Đại Bảo rất vững.
“Vậy sẽ là vật gì?” Tôi chống hai tay lên thành bàn giải phẫu, vận động phần cổ đã bắt đầu cứng đờ. “Liệu có phải là gậy gỗ lớn?”
Thấy chúng tôi vẫn lề mề chưa chịu động dao giải phẫu phần đầu thi thể, bác sĩ Quản tỏ ra sốt ruột: “Chuyện đó đâu có gì quan trọng, chúng ta biết được hình thù đại khái của hung khí gây thương tích là được rồi. Nhanh lên nào, tôi không còn trẻ được như các anh, cái lưng già của tôi đã mỏi nhừ rồi đây này.”
Ba người chúng tôi đều đang đứng trước bàn giải phẫu, ngoài bác sĩ Quản, không còn ai để ghi chép nữa, thế là tôi cũng không muốn nói gì thêm, cúi xuống, bắt đầu rạch mở da đầu của nạn nhân.
Phía dưới vết giậo rách đúng là tương ứng với vị trí xương sọ vỡ vụn kéo dài từ vùng chẩm tới tận vùng trán dọc theo đáy sọ.
“Ồ, lực tác động mạnh thật đấy, xương sọ vỡ đến mức này cơ mà!” Bác sĩ Quế kêu lên.
Tôi chau mày, nói tiếp: “Đồ vật bằng gỗ sẽ không thể nào gây ra tình trạng vỡ xương nghiêm trọng đến thế được, có vẻ như là hung khí bằng kim loại và bề mặt rất thô ráp, vậy sẽ là thứ gì được nhỉ?”
Thấy tôi lại suy đoán lan man về hình thù của hung khí gây án, bác sĩ Quản bực mình bĩu môi một cái. Bác sĩ Quản quá nửa đời người làm việc trong ngành pháp y, chưa từng phạm phải sai lầm gì lớn nhưng cũng chưa lập được thành tích nào đáng kể, chỉ cần yên ổn công tác thêm hai năm nữa là có thể tự hào về hưu. Xem ra, ông ta hoàn toàn chẳng buồn bận tâm tới suy luận của chúng tôi. Tuy tôi thấy ác cảm đối với thái độ làm việc được chăng hay chớ kiểu này song cũng ngại không muốn phê bình ông ta trước mặt người khác nên đành tiếp tục tập trung vào công việc, cẩn thận lấy ra tổ chức não của nạn nhân.
“Ồ? Sao vùng trán lại có xuất huyết não? Da đầu trước trán không bị tổn thương kia mà!” Đại Bảo đưa tay đẩy gọng kính trên sống mũi, lật lại phần da đầu phía trước trán nạn nhân ra xem lại lần nữa. “Tổn thương dội đối lực?” (2)
(2) Tổn thương dội đối lực hay chấn thương dội (contre-coup injury) là chỉ phần đầu đang vận động nhanh bỗng giảm tốc đột ngột, dẫn tới da đầu, xương sọ, tổ chức não bị tổn thương, xuất huyết ở vị trí bị va đập. Đồng thời, tổ chức não ở vị trí đối diện với vị trí va đập cũng vaa chạm với vách trong xương sọ do chuyển động quán tính dẫn tới tổn thương do xuất huyết, nhưng da đầu tương ứng với vị trí đó sẽ không bị tổn thương.
“Không phải chứ? Tôi nói. “Tổn thương dội đối lực chỉ xuất hiện khi bị ngã thôi.”
Tôi dùng kẹp cầm máu bóc rách màng cứng ở đáy sọ, lộ ra vết nứt trên xương sọ, nói: “Anh xem này, vết rạn nứt trên xương kéo dài từ vùng chẩm tới trước trán, do xương bị gãy vỡ mới dẫn tới tụ máu ở trước trán, điều này không phù hợp với nguyên lý của tổn thương dội đối lực. Em nghĩ rằng, có lẽ đó là xuất huyết do gãy xương chứ không phải do tổn thương dội đối lực.”
“Đúng vậy!” Bác sĩ Quản đứng cạnh cũng nhấc hộp sọ của nạn nhân lên xem xét, nói: “Anh xem, vết nứt trên xương chẩm có hiện tượng đứt đoạn.”
Chúng tôi đều biết, vết nứt trên xương có hiện tượng đứt đoạn đan xen như thế này là do bị chịu lực nhiều lần, dẫn đến gãy xương nhiều lần gây ra.
“Nói như vậy tức là nạn nhân đã bị đánh vào đầu hai lần trở lên, có điều chỉ có một lần hình thành vết thương mà thôi.” Tôi nói.