Để chứng minh "học đàn dễ ợt", tôi lập tức triệu tập Phú ghẻ đến nhà.
Tôi dắt hắn ra sau vườn:
- Ngồi đó đợi tao chút!
Phú ghẻ quả là thằng bạn chẳng ra gì. Tôi vừa quay lưng đi, nó đã giục:
- Lẹ lên! Tao đói bụng lắm rồi!
Tôi ngạc nhiên:
- Lẹ lên cái gì?
Phú ghẻ liếʍ môi:
- Thì đi lấy món gì mày định đãi tao ấy!
Tôi phì cười:
- Món này ăn không được!
Một lát tôi ôm cây đàn ra.
Phú ghẻ nhìn sững cây đàn:
- Cho tao hả?
Tôi chìa cùi chỏ:
- Cho cái này nè.
- Vậy chứ mày xách đàn ra đây làm gì?
Tôi dúi cây đàn vào tay nó mỉm cười:
- Tập tao đàn!
- Trời ơi là trời!
Phú ghẻ kêu lên một tiếng tuyệt vọng và ngã lăn đùng ra bãi cỏ.
Nhìn nó giả chết biết nó muốn "đòi hối lộ" tôi đành tặc lưỡi:
- Thôi để tao đi kiếm cho mày một ổ bánh mì nhưng nạp năng lượng xong, mày phải tập cho tao đàng hoàng à nghen!
Kể từ bữa đó, mồm tôi lúc nào cũng lảm nhảm "Đồ, rê mi fa xôn la xí đố rế", cứ như thể đọc thần chú. Nhỏ Châu nhại tôi riết đến nỗi quen miệng, bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp nó ngồi ngoài hè lảm nhảm giống như tôi.
Phú ghẻ chỉ dạy tôi có ba bữa đầu. Đến khi thấy tôi có thể gảy "từng tứng tưng" một mình, nó thảy cho tôi cuốn "Tự học ghi ta" và dăm tập nhạc rồi biến mất.
Chiều chiều tôi ôm đàn ra vườn, ngồi bấm nhói cả tay. Tôi dòm vô sách, lui cui tập chuyển gam. Tôi bấm gam không quen, gảy lên nghe "tạch tạch" như thể pháo lép.
Nhỏ Châu ngồi bên cạnh xem tôi tập, với vẻ mặt tò mò của một khán giả đang ngồi coi khỉ tập đi xe trong rạp xiếc. Mỗi lần cây đàn của tôi phát ra những âm thanh nghe nghèn nghẹt như một người viêm mũi kinh niên, nó liền bụm miệng cười hí hí.
Nhưng tôi mặc nó. Tôi nghĩ đến câu "Có công mài sắt, có ngày nên kim" và lại cúi mình trên thùng đàn gảy "chách chách", mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Sự kiên trì hiếm có của tôi có lẽ khiến nhỏ Châu ngạc nhiên lắm. Nó không hiểu tại sao một kẻ vốn nổi tiếng làm biếng trong việc học lẫn việc nhà như tôi lại siêng năng tập gảy đàn một cách đột ngột như thế. Một hôm, nén không được thắc mắc:
- Tự dưng anh học đàn chi vậy ?
- Sao lại tự dưng? - Tôi quắc mắt - Hễ có bạn gái là phải biết chơi đàn, hiểu chưa đồ ngốc?
Nghe tôi mắng là "đồ ngốc", nhỏ Châu lộ vẻ ngẩn ngơ. Chắc nó đang cố tìm hiểu xem giữa "chị hai" của nó và cây đàn trên tay tôi có mối liên hệ bí ẩn như thế nào mà tôi nạt nộ nó một cách hùng hồn như thế.
Trong khi nhỏ Châu đang nghĩ ngợi mông lung, tôi chợt giật thót mình khi nhớ ra ba tôi và chú Sáu tôi đâu có biết đàn địch hát xướng gì mà vẫn tán tỉnh được mẹ tôi và thím Sáu ngon ơ. Sợ nhỏ Châu nhớ ra chuyện đó rồi vặn vẹo lôi thôi, tôi hắng giọng nói thêm:
- Khi mình thích một ai đó, trong lòng mình có những cảm xúc không thể nói ra thành lời được, mình phải nhờ cây đàn nói giùm mình, mày hiểu không?
- Không hiểu!
Nhỏ Châu lắc đầu, thật thà đáp. Thật thà là một đức tính tốt nhưng lúc này nhìn nhỏ Châu, tôi chỉ muốn véo cho nó một cái.
Nhỏ Châu không biết sát khí đang nổi lên trên đầu tôi, lại tiếp tục chất vấn:
- Cây đàn có biết nói đâu mà nói dùm!
- Thật tao chưa thấy ai ngu như mày! - Tôi đổ quạu - Chứ còn miệng tao nữa chi! Bộ tao không biết hát theo hả ?
- Anh mà hát? - Nhỏ Châu nhìn sững tôi như thể nó chưa từng thấy tôi bao giờ.
- Chứ sao! - Tôi ưỡn ngực - Mai mốt gặp Cẩm Phô tao sẽ hát cho nó nghe bài "Nỗi buồn hoa phượng". Nghe xong, chắc chắn nó sẽ xúc động đến ứa nước mắt.
"Nỗi buồn hoa phượng" là một trong hai bài hát Phú ghẻ dạy tôi bữa trước. Nó bắt tôi đàn bản này cốt để nó dạy điệu habanera, cũng như đàn bản "Lạnh Lùng" để học điệu tăng go sơ cấp.
Nói xong tôi ngoác miệng hát liền, sợ để lâu nó cụt hứng:
- "Mỗi năm đến hè lòng mang mát buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương...
Tôi đang lim dim mắt rống hết cỡ, nhỏ Châu bỗng "xì" một tiếng, chen ngang:
- Bữa nay còn chưa đến Tết, hè đâu mà hè!
Bị phá bĩnh, mặt tôi nhăn như bị:
- Thì đợi đến hè tao hát! Tao có hát bây giờ đâu!
- Chứ bây giờ anh hát bản gì ?
Tôi nhún vai:
- Thiếu gì bản, Phú ghẻ dạy tao cả khối!
Và tôi liếʍ môi:
- Thôi để tao hát cho mày nghe bản này!
- Bản gì vậy ?
Không buồn trả lời nhỏ Châu, tôi cuối đầu nhìn xuống cần đàn tìm chỗ để... đặt mấy đầu ngón tay. Tôi gảy "chách chách chách chùm chum" và hát:
- Em nỡ lạnh lùng đến thế sao
Tim anh tan nát tự hôm nào...
Lần này cũng vậy, tôi mới "biểu diễn" được hai câu, nhỏ Châu đã nhảy tót vô họng tôi:
- Bữa trước anh bảo chị Cẩm Phô nhớ anh muốn chết, sao bây giờ lại hát "Em nỡ lạnh lùng đến thế sao"?
Bị "đâm hông" hoài, tôi nhịn hết nổi, bèn giơ nắm đấm ra:
- Mày không biết thưởng thức văn nghệ, thì tìm đường xéo đi cho tao nhờ! Đứng đó tao nổi khùng lên là tao cốc cho u đầu bây giờ!
Nhỏ Châu chắc chẳng ham gì cái chuyện "thưởng thức" giọng ca rè như thùng thiết bể của tôi. Nghe tôi đuổi, nó co giò chạy biến, mặt mày rạng rỡ.
Ngồi lại một mình giữa vườn hoa, tôi tiếp tục gò người trên thùng đàn, thả hồn theo tiếng tơ trầm bổng. Thỉnh thoảng, cây đàn dưới tay tôi lại phát ra những âm thanh "tạch tạch" nhưng tôi mặt kệ. Những cánh hoa vàng rung rinh trước gió khiến lòng tôi bỗng chốc trở nên dịu dàng và thanh thản. Tôi ngắm màu hoa và khe khẽ hát:
- Sao em không nói một lời gì
Dẫu chỉ một lời không đáng chi...
Tôi hát và bất giác nhớ đến "chị hai nhỏ Châu". Tôi nhớ trước nay nó chẳng nói với tôi được "một lời gì" ý nghĩa. Gặp tôi trong quán bà Thường, nó chỉ nói chuyện lông bông. Rồi cắm cúi ăn chè. Ăn mệt nghỉ. Dường như nhỏ Châu nói đúng. Cẩm Phô chỉ thích ăn chè chứ đâu phải thích tôi.
Trước nay, chẵng bao giờ tôi để ý đến những chuyện "vặt vãnh" đó. Hễ ngồi cạnh Cẩm Phô là tôi khoái. Ngồi cạnh nó, tôi sướиɠ mê tơi. Lòng lâng lâng, tôi chẳng ao ước gì hơn nữa. Nhưng bữa nay, ngâm nga hát hỏng một hồi, tôi sực nhớ ra Cẩm Phô chưa từng "hứa hẹn" gì với tôi. Mà tôi, hình như tôi cũng chưa hề "thề thốt" gì với nó. Sao lạ vậy nhỉ.
Suốt mấy ngày liền, tôi tập tới tập lui hai bản "Lạnh lùng" và "Nỗi buồn hoa phượng". Các đầu ngón tay tôi tê buốt, nhưng tôi kiên quyết không bỏ cuộc. Tôi nhất định phải trở thành ca sĩ... nghiệp dư. Tôi nhất định đem lời ca tiếng hát ra "phục vụ" Cẩm Phô. Tôi sẽ nhờ tiếng đàn nói hộ lời "thề thốt".
Để cho ra vẻ nghệ sĩ, tôi bắt đầu để tóc dài phủ gáy. Tôi cắt móng tay trái cụt lủn, sát tận gốc, trong khi tay phải tôi để móng dài thậm thượt. Dân sành điệu nhìn vào, biết ngay tôi là tay chơi đàn thứ "xịn". Chỉ có dân móc classique chuyên nghiệp hoặc dân ghẻ ngứa như Phú ghẻ mới để móng tay dài kiểu đó.
Tiếc một nỗi, Cẩm Phô không phải là "dân sành điệu". Thấy tôi để móng tay dài, nó rụt cổ:
- Eo ôi, ghê quá!
Tôi chưa kịp giải thích, nó đã "phán":
- Anh cắt móng tay đi! Để móng tay ngắn trông sạch sẽ hơn!
Mỗi lời nói của Cẩm Phô như mỗi nhát dao, cứa vào tim tôi. Tôi ngồi trước mặt nó cố tình dơ qua dơ lại bàn tay cốt làm nó chú ý. Tôi đinh ninh khi nhìn thấy những ngón tay "nghệ sĩ" của tôi, nó sẽ ngạc nhiên hỏi "Anh để móng tay dài làm chi vậy ?". Tôi sẽ kiêu hãnh đáp "Để chơi đàn". Nếu nó hỏi tiếp "Anh chơi đàn chi vậy ?"tôi sẽ mạnh dạn tỏ bày "Để nhờ tiếng đàn nói hộ lòng mình". Nếu nó hỏi nữa, tôi sẽ nói nữa và cuối cùng cuộc đối thoại tình tứ đó sẽ kết thúc bằng lời thì thầm nũng nịu của Cẩm Phô "Anh thật đáng yêu quá chừng!"