Sau cuộc hẹn với Cẩm Phô, tôi tức tốc phóng xe tới nhà Cường. Tôi không tin sẽ tóm được nó vì sau khi gạt cho tôi ngồi ê mông trong quán bà Thường, nó thừa biết tôi sẽ đi tận chân trời góc bể để tìm nó .
Nhưng khác với dự đoán của tôi, Cường không thèm lánh nạn. Nó vẫn ngồi lì ở nhà , thậm chí thấy tôi tới, nó còn nhe răng cười:
_ Thích hén!
_ Thích cái đầu mày! - Tôi hầm hầm.
Cường giật thót:
_ Mày sao vậy ? Bộ Cẩm Phô không tới hả ?
_ Tới! - Giọng tôi vẫn lạnh băng.
Cường ngơ ngác:
_ Tới sao mày chửi tao ?
Tôi không thèm trả lời Cường. Mà hỏi "đốp" ngay:
_ Hôm qua mày bật mấy ngón tay ?
_ Thì tao đã nói rồi . Một ngón.
_ Vậy sao hồi trưa hai giờ Cẩm Phô mới tới ?
Cường liếʍ môi:
_ Làm sao tao biết được! Có thể nó bận chuyện nhà !
_ Bận cái mốc xì ! - Tôi hừ giọng - Nó bảo nó thấy mày đưa hai ngón tay!
Vừa nói tôi vừa chồm tới khiến Cường vội bước lui một bước và kêu lên:
_ Tao chỉ giơ có một ngón hà !
Tôi nghiến răng:
_ Mày thề đi!
_ Thề thì thề chứ sợ cóc gì ! - Đang hùng hổ , Cường đột ngột nhíu mày - À , à , tao nhớ rồi! Như vậy là hôm qua tao giờ trước sau tổng cộng hai ngón!
_ Hai ngón là hai ngón chứ "trước sau tổng cộng" là cái khỉ khô gì !
Cường gãi cổ phân trần:
_ Thoạt đầu tao chỉ giơ ngón trỏ , ý nói mày hẹn một giờ .. Nhưng rồi sợ ra hiệu như vậy nó vắn tắt quá , tao mới giơ thêm ngón giữa chỉ chỉ về hướng nam ngầm bảo mày hẹn nó trong quán bà Thường.
Nghe Cường giải thích, tôi không biết mình nên cười hay nên khóc. Có lẽ là nên cười . Vì mẹ tôi từng bảo: con trai khóc trông xấu lắm!
Từ khi "gài" thằng Cường làm "gián điệp", tôi gặp Cẩm Phô dài dài.
Cường vẫn nói chuyện với Cẩm Phô bằng ngôn ngữ của.... những ngón tay nhưng sau tai họa tày đình kia, nó không còn dám lạm dụng thứ ngôn ngữ bí hiểm này vào những mục đích bừa bãi nữa. Cường thôi chỉ trỏ lung tung. Bây giờ, những ngón tay đầy cấu ghét của nó chỉ đóng vai trò của những chiếc kim đồng hồ: ngón trỏ là một giờ, ngón trỏ giữa là hai giờ, ngón trỏ đưa lên ngón giữa gập xuống là một giờ rưỡi...
Dĩ nhiên không phải lúc nào Cẩm Phô cũng hoan hỉ đáp lại lời hẹn hò của tôi. Những lúc bận chuyện gì không đi được, nó trả lời bằng cách đưa tay lên vuốt tóc. Cẩm Phô dặn tôi như vậy.
Bữa nào Cẩm Phô vuốt tóc, Cường hộc tốc đến nhà tôi.
- Hỏng bét rồi!
- Có chuyện gì vậy?
- Bữa nay nó lại rờ đầu!
Thứ văn chương "thô thiển" của Cường bao giờ cũng khiến tôi nhăn mặt:
- Nó vuốt tóc thì bảo nó vuốt tóc, mày cứ nói rờ đầu nghe thấy ghê!
- Ghê gì đâu?
Tôi hừ mũi:
- Nghe cứ như thể đầu nó toàn là ghẻ chốc!
- Chứ gì nữa! - Cường nham nhở - Chính nó lây cho thằng Phú ghẻ nhà mình...
Tôi dậm chân dậm cẳng, không đợi Cường nói hết câu:
- Mày có xéo ngay đi không!
Thấy tôi phùng mang trợn mắt, Cường rụt cổ, lảng mất. Nhưng vài ngày sau nó lại mò đến, cười toe toét:
- Ngon lành! Bữa nay bật ngón tay xong, tao liếc chừng cả buổi, chẳng thấy nó rờ đầu rờ cổ miếng nào!
Hào hứng với thành quả vừa đạt được, Cường quên béng mất giữa "vuốt tóc" và "rờ đầu" từ nào nghe văn hoa thơ mộng hơn từ nào. Nó cứ thuận miệng tuôn ra ào ào. Tôi lại nhăn mặt, nhưng những lần sau này tôi chẳng thèm cự nự nó. Cự nó, nó lại phịa chuyện Cẩm Phô có ghẻ, tôi càng lộn tiết thêm.
Thật ra trong mười lần tôi rủ Cẩm Phô đi ăn chè, nó chỉ vuốt tóc với tôi khoảng hai lần. Tám lần khác nó đều y hẹn. Tôi đến quán bà Thường ngồi đợi chừng mười phút là thấy nó xuất hiện. Như vậy là thằng Phú ghẻ nói đúng. Cẩm Phô thương tôi chứ đâu có thù tôi. Thằng Phú ghẻ ngứa này mà đi làm thầy bói chắc là giàu sụ!
Nhưng mặc dù thương tôi không để đâu cho hết, mặc dù những buổi trưa trong vườn bà Thường yên tĩnh và cực kỳ thơ mộng, Cẩm Phô vẫn không chịu ngồi gần tôi. Lần nào nó cũng ngồi vào chiếc ghế đối diện, bất chấp việc trước đó tôi đã khéo léo bố trí hai ly chè nằm sát về phía tôi và hoàn toàn xa cách tầm tay nó. Chiếc ghế chết tiệt đó ngăn cách với tôi bởi chiếc bàn cũng chết tiệt không kém, lần trước tôi rải đầy lá khô, Cẩm Phô còn không ngán, huống chi bây giờ tôi chẳng dám ngo ngoe.
Bao giờ cũng vậy, mỗi lần Cẩm Phô chuẩn bị an tọa trên chiếc ghế khốn kiếp đó, tôi đều mở thao láo mắt ra nhìn nó và ấm ức tự nhủ người xưa bảo "nam nữ thọ thọ bất thân", ông cố tôi và bà cố Cẩm Phô nếu ngồi ăn chè với nhau chắc cũng ngồi cách xa như vậy, thậm chí nếu không có bàn có khi phải chạy đi mượn cái bàn của ai đó đặt vô giữa, nhưng đó là người xưa, còn Cẩm Phô là cháu chắt xa lắc xa lơ của các vị, là người đời nay, sao nó cũng bày đặt "thọ thọ" với tôỉ?
Nhưng dù sao tôi cũng chẳng lấy làm buồn cho lắm về chuyện đó. Bởi khi Cẩm Phô đưa mắt nhìn tôi và cái giọng êm ái của nó vừa cất lên là bao nhiêu bực dọc trong lòng tôi lập tức bay biến.
Chè bà Thường đã ngọt, giọng Cẩm Phô còn ngọt hơn. Tôi vốn là đứa hảo ngọt, dĩ nhiên cảm thấy cuộc sống trong khoảnh khắc ấy sao mà đầy ắp ý nghĩa! Mặc dù nói cho đúng thì những cuộc trò chuyện giữa hai đứa tôi trong quán bà Thường khó có thể gọi là "tình tứ".
Thường thường tôi nói:
- Khi nãy đi đường nắng không?
Cẩm Phô nói:
- Nắng.
- Đội nón mà nắng?
- Nón cũng nắng.
- Thôi ăn chè đi cho mát!
- Xí!
"Xí" xong tới phiên Cẩm Phô hỏi tôi:
- Khi nãy anh đợi lâu không?
- Lâu.
- Mấy phút mà lâu?
- Mười phút.
- Mười phút mà lâu gì?
- Lâu chứ.
- Xí!
Sau khi "xí" thêm một tiếng nữa, Cẩm Phô bưng ly chè lên. Chỉ đợi có vậy tôi hí hửng bưng theo.
Những cuộc đối thoại giữa hai người "nhớ nhau muốn chết" đại khái chỉ có vậy, toàn những câu vớ vẩn, chẳng đâu vào đâu và nhạt như nước ốc. Nhưng không hiểu sao, đối với tôi những chuyện ấy lại rất đổi đậm đà, hấp dẫn và mê ly, nếu như Cẩm Phô không phải vội về nhà, nếu như nó có thể ở luôn bên cạnh tôi kể từ giờ phút đó, tôi tin rằng tôi có thể trò chuyện với nó quẩn quanh như vậy cho đến già mà không hề thấy chán.
Cẩm Phô có lẽ cũng cùng tâm trạng như tôi. Nghĩa là nó cũng cảm thấy vui thích khi được ngồi bên tôi, nhìn thấy tôi và nghe tôi nói. Còn tôi nói vung vít những gì chắc nó không mấy để ý.
Có nhiều lúc cuộc trò chuyện đột ngột rơi vào im lặng mà chẳng ai hay. Chúng tôi lơ đãng ngắm con bọ ngựa đang dọ dẫm trên cành lá thấp hoặc dõi theo cánh ong bay vù vù tìm mật giữa trưa. Không nói một câu, sao tôi cảm thấy tôi và Cẩm Phô đang gần nhau quá thể.
Trong những ngày đẹp đẽ đó, tôi âm thầm tích góp tiền bạc mua một cây đàn.
Hôm tôi ôm cây đàn về, nhỏ Châu trố mắt:
- Anh mượn của ai vậy?
Tôi vênh mặt:
- Chẳng mượn của ai cả. Tao mua.
- Mua? - Nhỏ Châu như không tin vào tai mình.
- Thì mua! Bộ mày lạ lắm sao?
Nhỏ Châu không đáp mà lại hỏi:
- Anh mua đàn làm gì?
Nhỏ Châu làm tôi điên tiết.
- Mua đàn là để đàn chứ để làm gì! - Tôi cau mặt - Chẳng lẽ đại huynh của mày mua đàn về để... nấu cà-ri ?
- Nhưng anh đâu có biết đàn?
- Không biết thì học! - Tôi khịt mũi - Học đàn dễ ợt!