Ngày cưới được định, Má Lớn chạy siết chuẩn bị cho hôn lễ của anh Cả. Ngày cưới là nhầm mùng 9 tháng giêng, tức là ăn Tết xong sẽ đến ngày lành tháng tốt đón chị Loan về. Tôi nghe nói là sang năm không được ngày, chỉ duy nhất ngày mùng 9 là ngày tốt nhất, bởi vậy hôn lễ mới phải tiến hành gấp gáp tới như vậy. Phần khác, tôi nghĩ là do Má Lớn nôn có dâu, bà ấy thà là cưới gấp chứ nhất quyết không trì hoãn đợi thêm một năm nữa. Mà tôi thấy như vậy cũng tốt, anh Cả cũng lớn tuổi rồi, cũng nên lấy vợ sinh con cho yên lòng ba má. Nhà họ Dương bây giờ chỉ thiếu duy nhất cô con dâu trưởng mà thôi.
Giao thừa năm nay chắc tôi không được về nhà mẹ, mấy bữa trước tôi có giả vờ hỏi vu vơ Má Lớn, bà ấy cũng thật lòng nói cho tôi biết là cả tôi và Châu Nhi đều không được về. Có về thì cũng phải sang mùng 2 tết, chứ giao thừa và mùng 1 thì phải ở lại đây. Mà thật ra tôi cũng chỉ hỏi cho có hỏi thôi chứ tôi cũng không hy vọng nhiều là sẽ được về. Bởi năm nay là năm đầu tiên tôi về làm dâu, nhà chồng có dễ hay là khó thì tôi cũng phải ở lại để chuẩn bị đón năm mới, đó coi như là hiểu chuyện, không làm cho cả hai bên gia đình khó xử. Còn về phần các năm sau, tôi cố gắng khôn khéo một chút là được mà. Sang năm lại có chị dâu Cả, tôi cũng không cần phải nhọc nhiều như năm nay, đó xem như cũng là lợi thế của dâu thứ bọn tôi.
Sáng 24 Tết, tôi với Chính Quân đem quà về biếu nhà tôi, nhà ở đây là nhà của ba tôi chứ không phải nhà mẹ tôi dưới quê. Nói thật thì tôi cũng không muốn đi lắm, bởi tôi không có thân thiết với ba mình, ở đây lại có dì, tôi lại càng thấy không quen được. Nhưng không về thì cũng không được, Ông Nội tôi đã biểu bọn tôi đem quà về biếu, tôi lại không dám cãi lời ông.
Sau khi thắp nhang cho chị Như xong, tôi để Chính Quân nói chuyện với ba tôi, còn tôi thì ra sau ngồi nựng nịu đám mèo lúc trước chị Như nuôi. Chà, ở đây có ba con trắng muốt, còn con đen mun nữa không biết là trốn ở đâu rồi. Lúc còn sống, chị Như thương đám mèo này lắm, chị còn định đi lấy chồng là lôi bọn nó theo luôn ấy chứ. Ai mà ngờ được, chị cứ như vậy mà bỏ tôi, bỏ bầy mèo đáng yêu như vậy mà đi trước, lại không một lời từ biệt…
– An Lâm, sao con không lên trước chơi với ba mà xuống đây ngồi một mình vậy?
Dì đi tới chỗ tôi ngồi, bà ấy cười dịu dàng, giọng cũng ngọt ngào lắm. Thấy bà ấy niềm nở như vậy, dù thích hay không thích, tôi vẫn là nên lịch sự trả lời.
– Dạ con ngồi ở đây được rồi dì, ngồi trên đó cũng không hiểu hai người họ nói gì, chán lắm.
Dì gật gật:
– Cũng phải, đàn ông bọn họ nói chuyện làm ăn đao to búa lớn, đàn bà mình nghe không hiểu đâu con.
– Dạ.
Đồng loạt cả hai đều im lặng, không khí lúc này lại có hơi trầm xuống, vẫn là dì Nhu lên tiếng trước, giọng điệu quan tâm:
– An Lâm, con… có kế hoạch gì hay không?
Tôi nhìn bà ấy, nghĩ nghĩ một lát mới hiểu là bà ấy đang có ý gì, tôi nhẹ giọng trả lời:
– Con cũng không có kế hoạch gì đâu dì.
Dì Nhu ra vẻ mừng rỡ, bà dặn dò:
– Ừ ừ, nên như vậy, cứ sinh một đứa đi rồi muốn kế hoạch thế nào thì kế hoạch. Con cái là thứ gắn kết tình cảm vợ chồng, dù vợ chồng không còn thương nhau nữa nhưng vẫn còn đứa con trói buộc… con hiểu ý dì không Lâm?
Lại là vấn đề này, dì Nhu bộ không còn chuyện gì để nói hay sao mà cứ hễ gặp tôi là bà ấy lại nhắc đến chuyện con cái rồi trói buộc. Bắt tôi lấy chồng thay chị chưa đủ à, giờ lại còn muốn điều khiển đời sống hôn nhân của tôi nữa? Đùa, tôi thì lạ gì bà ấy, bà ấy là sợ Chính Quân bỏ tôi, sợ chỗ dựa của vợ chồng bà ấy không còn nên mới khuyên bảo tôi như thế, chứ bà ấy làm gì đã tốt lành với tôi. Tôi với Chính Quân mà chia tay thì con trai bà ấy cũng chẳng còn tương lai gì đâu.
Thấy tôi chau mày không trả lời, dì Nhu như hiểu ý, bà ấy lại cười nói:
– Dì là dặn dò con vậy thôi chứ dì biết con hiểu hết mà, con là đứa thông minh khôn khéo, dì thấy con dì cũng an tâm phần nào. Mà dì thấy Chính Quân nó cũng tốt, hai đứa chắc chắn sẽ hạnh phúc mà, con cứ yên tâm.
Tôi nhìn nhìn bà ấy, chỉ gật gật chứ không trả lời, mà dì Nhu giống như là mười năm không được nói chuyện với ai vậy, dì ấy hết hỏi chuyện này rồi hỏi đến chuyện kia, tôi chỉ chờ trả lời thôi mà cũng mệt. Lát sau, người làm trong nhà đi tới rồi nói nhỏ vào tai bà ấy chuyện gì đó, bà ấy mới đứng dậy gấp gáp rời đi. Thấy dì Nhu đi, tôi mới thở phào một hơi nhẹ nhõm, bà ấy mà ngồi thêm một lát nữa chắc tôi rối não vì trả lời luôn quá.
Lúc về, tôi có đến trước bàn thờ chị Như báo với chị một tiếng. Lúc này, con mèo đen lại xuất hiện rồi ngồi ngay ngắn trên nóc tủ nhìn chằm chằm về phía tôi. Thấy nó, tôi đi tới xoa xoa đầu, nó cũng nũng nịu quấn quýt mãi không chịu đi. Phải tới lúc dì Nhu đi tới bồng nó trên tay, nó mới thôi quấn theo tôi nữa. Cũng không hiểu tại sao, tôi lại có cảm giác là lạ khi tiếp xúc với nó, cái loại cảm giác vấn vương này… thật khó diễn tả bằng lời được mà!
………………………
Lên xe về lại nhà, tôi cả buổi chỉ ngồi trên xe ngắm cảnh đường phố chứ cũng không nói gì với Chính Quân. Thường thì hai đứa bọn tôi ở chung một chỗ cũng không biết phải nói gì, lúc này cũng lại giống như thế.
– Tôi nghe nói… em muốn về thăm mẹ ở quê à?
Im lặng nãy giờ, đột nhiên nghe anh ta hỏi, tôi có hơi ngạc nhiên:
– Ừ thì… tôi cũng muốn về nhưng mà không về cũng không sao đâu, sang năm tôi về cũng được.
Chính Quân không nhìn tôi, miệng anh ta hỏi nhưng mắt và tay vẫn tập trung vào lái xe:
– Nhớ mẹ à?
Tôi gật gật:
– Tất nhiên rồi, đã mấy tháng tôi chưa có được gặp mẹ. Với lại, ngày 30 Tết cũng là ngày sinh nhật của Ông Ngoại tôi, năm nào tôi cũng đón sinh nhật ông ngoại cùng với mẹ. Năm nay thui thủi chỉ có mình bà, nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy hơi xót…
Thấy tôi vừa nói xong lại thở dài, Chính Quân đột nhiên quay sang nhìn tôi, cũng không biết anh ta đang nghĩ gì, tôi chỉ thấy anh ta nhìn vài giây rồi lại thôi. Nghĩ nghĩ, tôi lại nói tiếp:
– Tôi cũng chỉ than thở vậy thôi chứ tôi cũng không bắt buộc một hai phải về, tôi giờ đã là gái có chồng, làm sao được thoải mái tự do muốn làm gì thì làm như trước kia được. Mẹ tôi cũng hiểu mà, bà còn không cho tôi về nữa kìa, anh đừng nghĩ nhiều.
Chính Quân cười nhạt:
– Tôi thì nghĩ gì nhiều, thuận miệng thì hỏi em một chút thôi. Nhưng mà… hình như theo tôi được biết thì ông ngoại em mất lâu rồi mà, sao còn đón sinh nhật mỗi năm?
Tôi cười hiền:
– Ừ thì ngoại mất rồi nhưng tôi với mẹ vẫn đón sinh nhật mỗi năm cho ông, thói quen từ khi tôi còn nhỏ đến giờ… tôi với mẹ cũng không có ý định không đón sinh nhật cho ông nữa.
– Vậy à…
Cười khẽ, tôi lại nói, giọng bình thường trở lại:
– Nhưng mà có sao đâu, năm nay dù không về với mẹ được thì tôi vẫn đón sinh nhật ông ngoại. Quan trọng là tấm lòng, hình thức chỉ là tượng trưng thôi.
Chính Quân lại hỏi:
– Có muốn về không? Tôi đưa em về?
Tôi lắc lắc đầu, vẫn là thực lòng mà nói:
– Sang năm tôi về, năm nay tốt nhất vẫn là nên đón giao thừa với nhà mình, tôi không sao đâu, anh đừng lo.
Chính Quân không nói gì, tôi cũng lại không nói thêm gì. Những gì tôi nói nãy giờ đều là thật lòng, cũng không có chút nào là thảo mai giả vờ cả. Xuất giá thì tòng phu, tôi làm vậy cũng là hợp lý thôi, với lại, nhà chồng tôi cũng không giống những nhà bình thường, muốn làm theo ý mình… e là phải đợi tới khi chồng tôi làm chủ Dương gia thì mới được. Mà con đường bước đến vị trí cao nhất kia, chắc chẳng dễ dàng đến lượt chồng tôi đâu.
………………………..
Những ngày cận tết, công việc mỗi ngày mỗi nhiều, tôi từ sáng tới tối đi đi lại lại thôi cũng thấy mệt. Ngày thường thì không đến mức, gần tết nhiều việc quá nên cứ bị xoay như chong chóng, chưa kể tôi còn phải phụ với Má Lớn chuẩn bị hôn lễ cho anh Cả, đã bận giờ còn bận hơn. Đến cả thời gian chơi với cu Gin còn hạn hẹp, thằng bé cứ đòi tôi đưa đi siêu thị chơi mà tôi còn chưa sắp xếp được thời gian rảnh. Chắc phải đợi Chính Quân được nghỉ tết, để anh ta đưa thằng bé đi chơi thay tôi luôn quá.
Năm nay, tôi dự định ăn bữa cơm cuối năm với nhà chồng rồi đợi đến gần giờ giao thừa, tôi sẽ lên sân thượng vừa ngắm pháo hoa vừa mừng sinh nhật của ông ngoại. Năm nào mẹ con tôi cũng làm như vậy, năm nay dù có xa nhà nhưng cũng không xuất hiện ngoại lệ. Gì thì gì cứ phải mừng tuổi mới ông ngoại cái đã, năm nào cũng thế nên thành thói quen luôn rồi. Mà chuyện này tôi cũng không định sẽ nói cho Chính Quân nghe, tôi nghĩ chắc anh ta sẽ không quan tâm đến đâu.
30 Tết, chị Loan sang chơi, Má Lớn gọi chị tới để ăn bữa cơm cuối năm cùng với cả nhà. Năm nay nhà chồng tôi coi bộ có đủ mặt dâu con, cả ba cháu trai của ông nội đều có vợ cả rồi, không khí Tết có vẻ như náo nhiệt hơn hẳn. Từ sớm, cu Gin đã thay bộ đồ mới, cu cậu ngồi sẵn trên ghế ăn để chờ tới giờ cơm. Đợi mãi cũng đến giờ cả nhà sum họp, bữa cơm cuối năm cuối cùng cũng đến.
Bàn tiệc cuối năm với rất nhiều món, tôi nhìn mà hoa hết cả mắt, cũng không biết phải ăn món nào trước nữa. Má Lớn sợ chị Loan ngại nên hết gắp món này rồi đến gắp món kia cho chị ăn. Tôi thì lâu lâu cũng được Chính Quân tiện tay bỏ thức ăn vào đĩa riêng, mà lần nào nhìn mặt anh ta cũng giống như là miễn cưỡng vậy, trông chả thành tâm chút nào. Ăn được một lát, Châu Nhi bỗng dưng cắt ngang hoạt động của mọi người, cô ấy đứng lên, môi cười rạng rỡ, hai má phính hồng, giọng điệu vô cùng phấn khích:
– Con… có chuyện này muốn thông báo cho cả nhà mình biết.
Chú Ba Vũ nhìn cô ấy với ánh mắt khó hiểu, chú ấy liền lên tiếng:
– Châu Nhi… có chuyện gì vậy em?
Châu Nhi cười mỉm mỉm nhìn chồng mình, dưới ánh nhìn đầy tò mò của mọi người, cô ấy vui mừng thông báo:
– Em…. có thai rồi!
Cả nhà đưa mắt nhìn nhau, trên môi mỗi người đều từ từ nở lên nụ cười chúc mừng. Chú Ba Vũ nghe vợ báo có thai, chú ấy vui đến mức đứng bật dậy, cả người nhốn nháo đứng không yên. Đợi Châu Nhi xác nhận thêm lần nữa, chú Ba mới dám tin đó là sự thật, hai vợ chồng vỡ òa hạnh phúc ôm chầm lấy nhau trong tiếng chúc mừng của tất cả mọi người. Tôi nhìn thấy vợ chồng chú ấy mừng rỡ như vậy, thực tâm cũng thấy vui lây, chuyện mang thai là chuyện cực kỳ tốt, nhất định phải chúc mừng.
Ông Nội, Má Nhỏ, ba chồng tôi, người nào người nấy cười đến không khép được miệng. Nhất là Má Nhỏ, bà ấy vừa cười vừa chấp tay khẩn Trời khẩn Phật vì đã phù hộ cho Châu Nhi có em bé. Đến cả người ít màn thế sự như chồng tôi cũng lên tiếng chúc mừng cho vợ chồng chú Ba.
– Chúc mừng em dâu, sang năm anh phải lì xì cho em một bao lì xì to gấp đôi rồi.
Châu Nhi cười rạng rỡ:
– Cảm ơn anh Hai.
Má Nhỏ thấy vậy, lại liền chen miệng vào:
– Bây giờ anh Cả con cũng chuẩn bị lấy vợ, vợ chồng con cũng nên sinh một đứa đi là vừa. Đừng có để con của Chính Vũ chạy loanh quanh rồi mới chịu sinh, như vậy là không có được đâu nha Chính Quân.
Cả nhà cùng cười, tôi thì cúi mặt có hơi ngại ngại, nhất thời không biết nên nói gì. Chỉ có Chính Quân là điềm tĩnh hơn, anh ta vờ nắm lấy tay tôi, giọng dịu xuống:
– An Lâm không cần vội đâu, cô ấy có cu Gin rồi, đợi khi nào muốn sinh thì sinh thôi.
Má Lớn lại cười nói với tôi:
– An Lâm, con đừng có nghe Chính Quân nói bậy, có cu Gin thì có nhưng vẫn phải sinh thêm vài đứa nữa, nhà mình thiếu nhất là con cháu, con cứ sinh… má đây nuôi hết.
Cả nhà lại bật cười thêm lần nữa, không khí đã vui lại càng vui hơn hẳn. Đâu đâu cũng nghe tiếng nói tiếng cười tràn lan, không khí Tết đã đến gần sát, chỉ còn cách vài giờ nữa thôi. Sau bữa cơm, chị Loan chơi thêm một lát nữa cũng xin phép về nhà để đón năm mới cùng gia đình. Châu Nhi vốn dĩ sẽ ở lại đón giao thừa cùng cả nhà nhưng cô ấy đột nhiên đổi ý, muốn về nhà mẹ để đón. Bình thường, Má Lớn sẽ không đồng ý cho tôi hay là Châu Nhi về nhà mẹ nhưng bây giờ Châu Nhi đã mang thai cháu của nhà họ Dương, lời nói của cô ấy có sức nặng hơn cả. Thế nên Má Lớn không cần suy nghĩ nhiều, liền gật đầu đồng ý để Châu Nhi về nhà mẹ, sáng mồng Một lại sang. Tất nhiên, Chính Vũ cũng đi cùng, mọi người trong nhà đều vui vẻ đồng ý, không ai có ý kiến gì khác cả. Tôi nhìn Châu Nhi được về nhà mẹ đón năm mới, lại được cả nhà chồng vui vẻ chấp nhận, trong lòng tự dưng sinh ra chút xíu tủi thân. Nếu đổi lại là tôi không có thai, chắc chẳng ai đồng ý cho tôi đi như vậy đâu…
Sau khi ăn bữa cơm, cả nhà ngồi cùng nhau xem tivi, đợi khi giao thừa đến sẽ làm thủ tục cúng bái. Tôi canh đồng hồ đến gần 11 giờ đêm, giả vờ lấy cớ lên xem cu Gin rồi đi thẳng lên sân thượng, tay ôm cái bánh kem mua hồi chiều, chuẩn bị chúc mừng sinh nhật ông ngoại. Bày bánh kem ra bàn, tôi đốt nến rồi chắp tay ước nguyện như mọi năm, sau đó thổi tắt nến, trên môi vẫn là nụ cười rạng rỡ vô cùng. Hằng năm, cứ đến gần giờ giao thừa, tôi và mẹ sẽ mừng sinh nhật ông ngoại như vậy, tất cả đều là do tôi thổi nến, tôi ước nguyện thay cho ông ngoại như vậy. Nhớ trước kia còn nhỏ, mỗi lần mừng sinh nhật cho ông, tôi lại leo vào lòng ông, rồi tranh ông ước nguyện, thổi nến… mới đây mà đã hơn 20 năm, thời gian trôi qua nhanh thật.
Đang ngồi hoài niệm lại quá khứ, từ xa, tôi đã nghe giọng của anh Cả cất lên:
– Tiểu Lâm, hôm nay là sinh nhật của em sao?
Thấy anh Cả đi từng bước từng bước thật chậm đến gần, tôi giật mình đứng bật dậy rồi đi nhanh đến chỗ anh ấy. Đỡ được tay anh, tôi vội hỏi gấp:
– Anh Cả… sao anh không ngồi xe mà lại đứng dậy đi? Anh có muốn ngồi xe không, em đi lấy xe cho anh?
Anh Cả lắc đầu cười nhẹ:
– Không cần đâu, anh đi được… anh đi được mà.
Anh Cả vừa nói lại vừa bước đi từng bước nặng nhọc, khó khăn lắm mới đi được đến bàn, tôi gấp gáp kéo ghế cho anh ấy ngồi xuống. Nhìn mồ hôi tủa trên trán anh ấy, tôi thật sự có chút xót xót. Thấy tôi nhìn, anh Cả vội lau mồ hôi, vẫn là nụ cười hiền lành trước sau như một:
– Anh không sao đâu, anh cũng phải tập đi lại để chuẩn bị cho đám cưới chứ. Đã là chú rể thì phải đi rước cô dâu, em thấy có đúng không?
Tôi gật gật, vừa động viên vừa khuyên bảo:
– Anh Cả nói phải nhưng gì thì gì anh cũng đừng quá sức, sức khỏe của anh vẫn là quan trọng nhất đó.
– Ừ anh biết rồi mà… à quên nữa, bữa nay là sinh nhật của em à?
Thấy anh Cả hiểu lầm, tôi liền cười giải thích:
– Dạ không, bữa nay là sinh nhật của ông ngoại em, năm nay em xa nhà nhưng vẫn muốn mừng sinh nhật ông vậy đó mà.
– À ra là như vậy, thế nên khi nãy anh thấy là lạ, vì anh nhớ sinh nhật em không phải là bữa nay.
Tôi ngạc nhiên:
– Anh Cả biết ngày sinh của em luôn á?
– Nhớ chứ, anh có trí nhớ rất tốt, đọc qua một lần là nhớ rất lâu… có phải là ngày 20 tháng 6 hay không?
Tôi gật gù như gà mổ thóc, hai mắt sáng rực:
– Dạ phải phải.
Anh Cả bật cười:
– Thấy chưa, anh đã nói mà, trí nhớ của anh rất tốt.
Công nhận là tốt thật, đến cả Chính Quân còn không nhớ, vậy mà anh Cả lại nhớ, siêu thật ấy chứ.
– Sao muốn về nhà mẹ mà không nói với anh, anh nói lại với mẹ một tiếng là được mà?
Nghe anh Cả hỏi vậy, tôi cười đáp:
– Không cần phải phiền đến anh đâu, sang năm em về vẫn được mà.
Anh Cả nhìn tôi, giọng dịu hơn hẳn:
– Sau này đừng nói là phiền, anh giúp gì được em anh sẽ giúp, em đừng nghĩ là phiền, anh không thấy phiền… em hiểu chưa?
Tôi nhìn anh Cả, cảm nhận được trong lời nói kia không chỉ đơn thuần là sự cởi mở của anh em trong nhà. Nhất thời, tôi có chút bối rối, giọng cũng ngập ngừng:
– Em… em hiểu rồi.
Thấy tôi bối rối, anh Cả lại cười, ánh nhìn trầm xuống, lời nói càng lúc càng chứa hàm ý khó hiểu:
– Chỉ cần em muốn, anh nhất định sẽ giúp… anh từng có một cái sai, anh không muốn sau này… anh lại sai thêm nhiều lần nữa.
Tôi nhìn anh Cả, nhìn đến hoang mang trong lòng. Không đợi tôi có cơ hội hỏi, anh đã vội đứng lên, một tay anh đút vào túi quần, tay còn lại khẽ xoa xoa tóc tôi, giọng rất dịu, rất rất dịu:
– Cuối cùng vẫn là do anh nhúng nhường quá… cái gì cũng không bằng Chính Quân. Nhưng thấy em sống tốt, anh coi như cũng mãn nguyện. Những lời này anh chỉ nói một lần, sau này sẽ không bao giờ lập lại. Em phải thật hạnh phúc đó… em dâu!
Tôi từng nghe ai đó nói rằng “Vẻ đẹp không nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong đôi mắt của kẻ si tình”… thật sự, ánh mắt này của anh Cả… quá mức si tình… quá mức si tình rồi…
Trong lúc tôi còn đang hoang mang không hiểu chuyện gì, một giọng nói uy lãnh cất lên, nghe như mang bão giông đi tới: