Cái chết của Thanh khiến cả làng bất ngờ. Trước đây ai đồn đại chuyện Thanh bỏ nhà theo trai thì nay lại chuyển sang nghi vấn mới. Nhiều người cho rằng do Thuật trở về, Thanh vẫn chưa dứt tình với Thuật nên đã tự tử. Chẳng hiểu ai tung ra cái tin đồn ấy nhưng đi tới đâu người ta cũng bàn tán.
Tân chạy tới nơi thì xác của Thanh đã được đưa lên bờ. Do bị ngâm lâu dưới nước nên toàn bộ cơ thể đã bị phân huỷ mạnh. Tóc, da của Thanh đã bị bong tróc và lột ra nhìn vô cùng đáng sợ.
Bà Mai nhào đến bên thi thể con dâu mà gào lên thê lương: Thanh ơi là Thanh, nhà có con không ở, sao con lại xuống giếng làng làm cái gì? Ối Thanh ơi là Thanh, sao con nói đi lên hợp tác xã với thằng Tân mà giờ con lại ở đây?
Phía bên công an tới kiểm tra rồi nhanh chóng đưa ra kết luận Thanh tự tử và bàn giao thi thể lại cho gia đình làm lễ an táng.
Mẹ Thanh bấy giờ nghe tin con gái chết dưới giếng, tay chân nguyên cả bùn đất cũng chạy tới nơi, vừa đi bà vừa khóc: con ơi là con, sao con dại dột thế hả Thanh ơi? Con cho mẹ biết, sao lại ra cớ sự thế này?
Tân sau cái chết của vợ thì như bị biến thành người khác. Anh ta kêu gào, anh ta tự nhốt mình trong phòng không chịu ra ngoài. Ông bà Mai dù cố gắng động viên khuyên can thế nào đi nữa thì Tân cũng một mực không nghe. Tân thậm chí còn ôm khư khư đống quần áo của vợ mà khóc tu tu như đứa trẻ.
Cái chết của Thanh bị người ta đồn đại theo nhiều hướng khác nhau. Nhất là họ dựa vào sự lạ khi tìm được thi thể của Thanh. Bởi theo lẽ thông thường xác chết phải nổi lên nhưng xác của Thanh lại chìm sâu dưới lòng giếng. Nếu như không phải do thi thể bị phân huỷ, bốc mùi khiến người dân phát hiện ra thì chắc Thanh mãi mãi nằm dưới đáy giếng.
Ngày ấy cái giếng nơi Thanh chết là cái giếng nước thiêng của làng. Cái giếng này trước đây nhiều người dùng nhưng một đêm kia có vài người nằm mơ thấy trên thành giếng xuất hiện một cô gái. Cô ấy đẹp như tiên trên trời.
Người dân mơ thấy sự lạ mới kể chuyện lại cho mọi người nghe. Những người khác bấy giờ cũng kể rằng họ từng mơ thấy giấc mơ như thế. Họ đồn đoán là giếng nước ấy có nàng tiên nào giáng trần ngự tại đây tu luyện. Một người đồn rồi trăm người đồn. Họ gọi giếng nước này là giếng nước tiên.
Năm ấy còn loạn lạc, đời sống người dân còn nghèo. Họ co niềm tin vào cái giếng nước Tiên, nên ai bệnh tật hay cần cầu xin gì cứ đến giếng nước xin cô tiên ban phép màu là y như rằh được toại nguyện.
Không rõ sự tích giếng nước tiên ấy được kể từ ai nhưng những câu chuyện về cô tiên giếng được trẻ con thuộc lòng. Tụi nó còn hát truyền miệng những bài vè về giếng nước cô tiên.
Về sau, một bà mo già bị mù trong làng bỗng dưng phán rằng: giếng nước ấy là yêu tinh chiếm giữ. Nó tu luyện biến thành thần tiên chứ không phải là tiên hạ phàm.
Giếng nước tiên mà dân làng sùng bái bấy lâu qua lời thầy mo bị biến thành giếng yêu tinh thì chẳng ai dám tin. Bà ấy nói tiếp: con yêu tinh ấy đang tìm cách rời khỏi cái giếng làng nhưng chưa tìm được người thế mạng cho nó. Nó đang chờ cơ hội có người hợp mệnh số tới thay nó tiếp quản cái giếng nước này mà thôi.
Bà mo mù này là người có tiếng nói trong làng. Bà ấy nổi tiếng từ rất lâu nhưng ít xem cho mọi người. Cũng một phần do ngày ấy còn chiến tranh loạn lạc, người ta lo cho mạng sống của mình từng giờ, cơm thì chẳng có mà ăn thì ai mà có thời giờ quan tâm tới vấn đề tâm linh nữa?
Mọi người nghe bà mo nói vậy chỉ cười bảo bà ấy nói nhảm nhí. Tuy nhiên những sự việc bà ấy tiên đoán sau đó khiến người ta phải suy ngẫm lại.
Số là bà ấy dự liệu rằng cổng làng sẽ bị bom đánh trúng, nhiều cô gái trong làng bị quân địch bắt đi phục vụ rồi gϊếŧ chết. Hay như bà ấy tiên đoán những sự việc liên quan đến đấu tố địa chủ, những hình phạt xử bắn, treo người lên thị uy, chôn xác tập thể ... đều hoàn toàn chính xác.
Vậy nên những câu bà ấy nói ra người ta thấy sợ. Họ sợ nó sẽ trở thành sự thật như những chuyện bà ấy tiên đoán trước kia. Người trong làng nhiều khi đi ra đường gặp trúng bà mo ấy còn lo lắng quay lại nhà vì sợ bà ấy sẽ nói chuyện gì đó liên quan đến mình và gia đình. Dần dần, người ta gọi bà ấy là phù thuỷ.
Trước lúc bà phù thuỷ mất, bà ấy vẫn nhắc đến chuyện giếng yêu tinh. Bà ấy nói rằng một ngày nào đó cô gái hợp mệnh với yêu tinh kia sẽ phải thế mạng cho nó. Cái giếng ấy phải lấp đi, mọi người không nên tới gần đó. Lỡ như có người chết dưới giếng nước ấy thì phải nhớ dùng dây gai bện thật chặt, buộc tay chân người chết lại rồi mới được mang đi chôn cất.
Câu chuyện về giếng yêu tinh đã bị trôi vào dĩ vãng. Vốn dĩ người ta đã quên đi thì nay bỗng dưng bị đào xới lại khi Thanh chết dưới giếng. Hơn nữa xác của Thanh không nổi lên theo lẽ thường tình mà chìm dưới đáy giếng.
Người trực tiếp mang xác Thanh đưa lên bờ còn kể lại rằng cô ấy chết trong tư thế ngồi gục dưới giếng chứ không phải tư thế giống như một người rơi xuống giếng thông thường. Sự kì lạ ấy lại một lần nữa gây ra sự tò mò.
Một số người già trong làng tới gia đình ông Mai đề nghị ông ấy phải làm theo nghi lễ chôn cất mà bà phù thuỷ đã dặn dò khi xưa. Chẳng biết phải tin vào đâu nhưng con dâu của ông Mai bị người ta dùng dây gai bện chặt buộc tay chân lại rồi mới mang đi chôn cất.
Ông Mai làm công an, ông ấy chẳng tin vào cái chuyện ma quỷ hay yêu tinh mà dân làng đồn đại nhưng các cụ bô lão trong làng kéo đến yêu cầu thì gia đình buộc phải làm theo. Họ đe doạ rằng nếu ông bà không làm theo lời dặn dò khi xưa thì sau này hậu quả thế nào tất thảy do gia đình ông Mai chịu trách nhiệm trước dân làng.
Hơn nữa, họ yêu cầu gia đình ông Mai phải nhanh chóng chôn cất thi thể của Thanh tránh để quá lâu cô ta biến thành yêu tinh hại dân làng.
Ông Mai cũng lo tang lễ và chôn cất sớm, không phải do sợ Thanh biến thành yêu tinh mà do thi thể của con dâu bị ngâm nước bao nhiêu ngày đã phân huỷ buộc phải tiến hành an táng sớm. Mọi chuyện trong nhà ông một tay lo liệu, con trai ông bấy giờ đã như phát điên bởi cái chết của vợ.
Đám tang của Thanh diễn ra nhanh chóng. Cả làng tới dự, người thì xót thương cho cô gái trẻ không suy nghĩ chín chắn để rồi tìm đường quyên sinh trong khi đang ở cái tuổi phơi phới xuân xanh. Nhiều người thì lo ngại cho số phận của những người dân trong làng sau khi nghe các cụ kể lại sự tích giếng nước. Tụi trẻ con trong làng thì đồn rằng cái giếng ấy có yêu tinh ăn thịt người, đứa nào tới đó sẽ bị nó bắt ăn thịt. Thực ra lời đồn ấy xuất phát từ người lớn, họ doạ như thế để trẻ con trong làng không tới giếng nước chơi, tránh bị ngã xuống giếng mà bỏ mạng.
Thời gian trôi đi, người ta cũng dần quên đi cái chết đầy thương tâm của Thanh. Mọi người bị cuốn vào guồng công việc và chẳng ai còn nhắc tới Thanh và cái giếng nước nữa.
Ba năm sau, gia đình làm lễ cải táng cho Thanh. Bố mẹ Thanh cũng sang nhà ông bà Mai xin mang con gái về nhà thờ phụng. Họ nói rằng Tân rồi sẽ phải lấy vợ, nếu cứ thờ cúng linh hồn Thanh thì không hay cho lắm. Ông bà Mai thì chẳng dám có ý kiến vì Tân quyết không cho bố mẹ vợ đưa Thanh về ngoại. Mọi người khuyên can thì Tân nói: Thanh là vợ của con, cô ấy sống là vợ của con, chết cũng làm ma nhà con. Con xin bố mẹ đừng bắt con rời xa cô ấy.
Mẹ Thanh gạt nước mắt nói với Tân: mẹ biết con thương con Thanh nhưng nó chết rồi. Con còn trẻ cũng cần phải lấy vợ. Nếu như con để ảnh thờ con Thanh trong nhà thế này không tiện.
Tân đáp: ai muốn về nhà con thì phải báo với Thanh. Nếu cô ấy đồng ý thì con đồng ý. Nếu như cô ấy không bằng lòng thì con nguyện cả đời này ở vậy
Ông bà Mai nghe con trai nói vậy thì sốc lắm. Gia đình ông bà sinh được có hai người con, Tân lại là con trai duy nhất. Thanh mất rồi, nếu Tân không chịu lấy vợ thì lấy đâu ra cháu cho ông bà bế? Gia đình ông bà kiếm đâu ra cháu đích tôn chống gậy?
Bố mẹ Thanh dường như thấu hiểu nổi lòng của ông bà thông gia. Họ cũng ra sức khuyên can con rể nhưng ngặt một nỗi là Tân cứ khư khư giữ ý kiến của mình.
Ông bà Mai thì chịu, không có cách nào khuyên can con trai. Kể sau khi Thanh chết đi, Tân cũng dường như chết tâm theo vợ mất rồi. Ông bà cũng nhờ người mối lái, giới thiệu cho cậu vài đám nhưng cậu luôn thờ ơ. Nếu ông Mai mà gay gắt thì cậu lại tìm cách phá. Bà Mai khuyên nhủ thì cậu trịnh trọng tuyên bố: bố mẹ muốn có cháu nối dõi nhưng có ai nghĩ đến vợ con không? Cô ấy chết oan ức, mồ còn chưa xanh cỏ. Sao mọi người lại ích kỉ như thế?
Bà Mai chỉ biết lắc đầu bởi con trai bà là đứa si tình. Trước đây Tân thương Thanh thì khi mười tám tuổi. Cậu ấy chưa hề để mắt tới bất kì một cô gái nào khác ngoài Thanh. Cậu hay tâm sự với mẹ về Thanh, nỗi lòng của cậu bà rất hiểu. Tuy nhiên Tân phát hiện ra Thanh có người yêu. Cậu chỉ âm thầm theo dõi hai người chứ không như người ta vùng lên giành tình yêu cho bản thân mình.
Ngày Thanh đồng ý làm đám cưới, Tân vui mừng chạy quanh nhà khoe với mẹ. Bà nhìn con trai hạnh phúc mà lòng cũng vui đến lạ. Bà những tưởng cả đời con trai mình sẽ hạnh phúc bởi lẽ trong mắt cậu ấy Thanh là tất cả.
Với đứa con dâu này ông bà Mai cũng rất ưng bụng. Thanh ngoan, hiền và chịu thương chịu khó. Bà vẫn thường khen con trai mình có mắt nhìn người.
Ấy vậy mà cuộc vui chưa đầy gang tấc, Thanh đã bỏ mạng tại cái giếng làng. Bà biết tin sốc lắm chứ. Tim bà đau đớn vô cùng.
Trước lúc tìm thấy thi thể của Thanh bà vẫn hàng đêm cầu nguyện cho Thanh. Bà chỉ mong rằng Thanh bỏ đi đâu đó vài ngày rồi trở về.
Bà từng hỏi thử Thanh về cậu Thuật. Không phải bà có ý nghi ngờ gì con dâu nhưng chẳng hiểu sao lúc ấy bà buột miệng nói ra câu ấy. Bà còn những tưởng Thanh giận bà mới bỏ đi vì bà nghi ngờ tấm lòng của cô. Những ngày sau bà mơ thấy ác mộng liên tục. Khi ấy bà sợ lắm. Bà lo con dâu bà gặp sự chẳng lành.
Vậy mà đúng như những cơn ác mộng, Thanh đã mãi mãi chẳng trở về. Bà tự trách bản thân mình rằng liệu có phải do bà nhắc đến Thuật khiến Thanh nghĩ dại mới gieo mình xuống giếng nước? Tuy nhiên đôi dép của Thanh lại trôi ở bờ mương lại đưa bà đến suy nghĩ khác. Đã có lúc bà tự hỏi: liệu có phải con Thanh bị ai đó sát hại hay không? Nếu nó muốn tự tử thì tại sao dép một nơi, người một nẻo? Hơn nữa tối hôm ấy Thanh xách theo bình trà lên cho Tân. Vậy bình trà ấy giờ ở đâu?
Bà kể lại những nghi vấn trong lòng cho chồng nghe. Ông Mai lặng người suy ngẫm rồi lắc đầu: tôi cũng không hiểu có chuyện gì đã xảy ra. Lúc con Thanh được đưa lên bờ thì thi thể bị thối rữa rồi. Bên công an đâu tìm được chứng cớ gì cho rằng nó bị người ta gϊếŧ chết? Mà ai gϊếŧ con bé chứ? Nó có thù oán gì với ai đâu? Gϊếŧ người thì cũng phải có động cơ. Bà thử nghĩ xem là có chuyện gì?
- Nhưng tại sao dép con bé lại ở bờ mương? Không lẽ bên công an không nghi ngờ điều gì hay sao?
- Người chết rồi, giờ tìm làm sao? Chẳng có nhân chứng, chết không đối chứng. Bà bắt tôi tìm cái gì mới được?
Ông ngưng một lúc rồi nói tiếp: hôm ấy tôi cũng đưa ra nghi vấn nhưng phía công an họ khẳng định con Thanh chết đuối. Còn chuyện đôi dép thì có thể con bé nghĩ quẩn rồi bỏ dép ở mương nước rồi đi đến cái giếng nhảy xuống dưới.
Bà Mai không bị lời nói của chồng thuyết phục. Bà vẫn đinh ninh có chuyện xảy ra với Thanh. Ông Mai khuyên vợ: con bé chết rồi, hãy để cho nó yên. Mà điều bà cần quan tâm là thằng Tân kia kìa. Chúng ta nên hạn chế nhắc tới con Thanh để chuyện này nó qua đi.
Bà Mai chẳng biết nói sao bởi bà chỉ nghi ngờ như thế. Chẳng nó lời giải thích nào hợp lý cho cái chết hết sức vô lý của Thanh. Nỗi đau ấy bà nén lại trong tim. Bà Thương con dâu thì lại thương con trai, bởi lẽ bà sợ Tân sẽ dại dột vì cái chết của Thanh mà nghĩ quẩn.
Thuỷ thường xuyên về nhà. Nhìn cả nhà vì Thanh mà ủ dột cô càng thêm khó chịu.
Thuỷ vốn không ưa Thanh, thế nên cái chết của Thanh chẳng khiến cô có chút gì đó thương cảm. Cô còn ra sức đổ lỗi cho Thanh rằng chắc do muốn bỏ nhà theo trai nhưng bị từ chối mới xấu hổ mà nhảy xuống giếng tự tử.
Đúng là chuyện quái gì cũng có thể bị người ta xuyên tạc và bóp méo. Trong làng trước đó cũng không ít lời đồn vì mối quan hệ tình cảm của Thanh. Xuất phát lời đồn ấy là có người khẳng định tối hôm Thanh chết, Thanh và Thuật có gặp nhau.
Mọi người đoán xem, liệu có phải cái chết của Thanh liên quan đến Thuật?