Chương 2: Ông Lão Câu Cá
Bao nhiêu năm trôi qua rồi, không phải lúc nào cũng có người qua đường hỏi bọn tôi câu này đâu, nhất là lại còn dùng tiếng lóng trong nghề nữa chứ. Có điều, tiếng lóng của ông cụ này cứ nửa nọ nửa kia, không rõ lai lịch thế nào. Dáng đi của Tiểu Ca đương nhiên là chả có gì khác người bình thường cả, nếu có thể nhìn ra được manh mối gì từ dáng đi của người khác thì ông già này chắc chắn cũng phải là dạng máu mặt giang hồ đây, không thể thất lễ được. Tiếng phổ thông mang khẩu âm Phúc Kiến của ông ta nghe khó hiểu cực kỳ, nếu không phải dạo này tôi vẫn thường cùng ăn cùng ở với dân địa phương thì chắc còn lâu mới nghe hiểu nổi hệ thống phương ngôn phức tạp nơi này. Nhưng để cho tiện, tôi vẫn ghi lại những lời của ông lão bằng tiếng phổ thông.Nếu là hồi xưa, có lẽ bọn tôi cũng lại dùng tiếng lóng đối đáp lại, nhưng bây giờ tất cả đều đã là mây bay, ông ta có là dân giang hồ hay yêu tinh trong núi tôi cũng không quan tâm nữa, với cả, cái nghề này thời nay không giống thời xưa nữa, ngày nay thanh niên không còn hứng thú với những thứ cổ lỗ sĩ nữa rồi. Tiểu Ca đương nhiên cũng hiểu điều này, bèn lắc đầu nói với ông lão: “Không phải đâu.” Rồi quay đầu bỏ đi thẳng.
Ông lão sửng sốt ngẩn ra, không ngờ lại nhận được câu trả lời như thế. Bàn Tử khoác vai Muộn Du Bình, âm thầm ra dấu khen ngầu. “Tốt, giữ vững tinh thần nhá.”
Tôi cười thầm, xoay người chạy theo bọn họ. Ông lão kia trông thế mà khỏe gớm, chạy vài bước đã vượt lên trước mặt chúng tôi, tiếp tục nói với Tiểu Ca: “Này chàng trai, ta không nhìn lầm, người thường không nhìn ra được, nhưng ta đã cầm đèn suốt năm mươi năm nay, mùi trên người anh, ta ngửi cái là biết anh làm nghề gì.”
Tôi với Bàn Tử liếc nhìn nhau, nghĩ bụng lão già này không thuận theo là quyết không buông đây, Bàn Tử bèn nói: “Cụ ơi, tụi con chỉ là đi ngang qua đây thôi, về quê ăn Tết ấy mà, không giúp gì được cụ đâu.”
Ông lão trợn mắt nhìn Bàn Tử: “Lão đại nhà mày còn chưa nói năng gì, cái tên tay ngang nửa đường xuất gia này bày đặt ngáng tài vận cái gì!”
Ông ta nói hết sức hùng hồn, Bàn Tử tức thì nổi giận: “Mẹ kiếp con mắt nào của lão nhìn ông Béo ta đây là nửa chừng xuất gia! Béo gia ta tam sơn ngũ nhạc…” Tôi lập tức ngăn Bàn Tử lại, chợt nghe ông lão kia nói tiếp: “Anh bạn, vào nhà xem đã, sẽ không hối hận. Ta cũng là hết cách rồi, bằng không món bở ngần này dễ gì dâng lên mấy người.”
Tôi nghe trong lòng tim đập bình bịch mấy tiếng, nghĩ thầm có đi vòng tắt thuê xe máy thôi mà cũng bập phải Lạt ma xóm núi nữa hả? Đáng tiếc, rửa tay gác kiếm rồi, chứ không nhất định tôi phải chen một chân vào.
Đang định từ chối, quay đầu nhìn Bàn Tử, đã thấy Bàn Tử hai mắt trợn trừng như hung thần, mặt phừng phừng lên ba chữ “Khai trương thôi!” sáng lập lòe. Tôi chộp bả vai Bàn Tử, nhắc nhở: “Cơ hội trước sau vẹn toàn đến vậy, cả đời chẳng có bao nhiêu đâu.”
Bàn Tử thở dài một tiếng. Bấy giờ ông cụ kia mới nhận ra, trong ba người tôi mới là trưởng nhóm, bèn lộ ra vẻ kinh ngạc.
Tôi sinh lòng chán ghét, muốn từ chối thẳng luôn. Ông lão kia bèn giơ tay ra hiệu đừng nói gì cả: “Thế này nhé, tôi giúp mấy cậu tìm xe máy, mấy cậu vào nhà uống chén trà, cả đám tụ lại, tôi sẽ nói rõ đầu đuôi câu chuyện. Nếu các cậu vẫn không có hứng thú, tôi không ép buộc nữa. Làng này tôi quen, nếu tôi không cho người đưa các cậu đi, các cậu cũng chẳng dễ gì ra ngoài được đâu, đường này cũng khó đi lắm, mấy cậu cứ suy nghĩ đi.”
Ba người quay sang nhìn nhau, tuy là nghe thì tức cười thật đấy, nhưng quả thực những lời này như bóp nghẹn mạch máu chúng tôi.
Tôi lạnh lùng nhìn ông già. Tôi đã không còn là cậu nhóc trước kia vẫn rất hứng thú với tình huống kiểu này, thôi bỏ qua đi. Lại nhận ra thắt lưng mình đang kêu thảm thiết, khớp xương cọ vào đống sườn lợn khô đang vác trên lưng, đau như muốn gãy.
Suy nghĩ vài giây, cuối cùng tôi đành thỏa hiệp. Vì xe máy, tôi bỏ quách luôn danh dự của một kẻ đã rửa tay gác kiếm. Thế là gật đầu: “Xin thu xếp xe máy giùm cho, cám ơn cụ.”
Ba người chúng tôi đi theo ông lão, lại bước vào đúng căn nhà cũ treo biển “Lôi Mi Liên điếu khí”, hóa ra căn nhà gạch này là của ông ta, không biết ông ta có phải tên là Lôi Mi Liên không nhỉ, nhà họ Lôi là danh gia vọng tộc của dân tộc Xa gần đây, tôi cũng không lấy gì làm lạ.
Bên trái chiếc bàn bát tiên có một cánh cửa dẫn vào buồng trong, qua buồng trong là đến hậu viện. Đa phần các ngôi nhà cổ đều có kết cấu như vậy.
Ông ta dẫn bọn tôi vào buồng trong, bật sáng bóng đèn dây tóc, khiến gian nhà u ám bỗng chốc tràn ngập ánh sáng ấm áp, nhưng vẫn lạnh lẽo như cũ. Trước tiến, ông ta dùng điện thoại bàn gọi một cú, dùng tiếng địa phương nói vài câu, giúp chúng tôi tìm xe máy. Nhân dịp này chúng tôi bèn quan sát xung quanh, có một chiếc giường kê sát tường, ở mặt tường khác lại treo đầy gậy trúc, cái thô cái nhẵn, treo mấy lượt liền. Tôi nhìn kỹ mới nhận ra, đây toàn là cần câu cá.
Tôi thích câu cá, nhìn những chiếc cần này, trong lòng nảy sinh chút ngờ vực. Nhìn thì biết cần này làm từ gậy trúc, nhưng tôi lại cảm thấy chúng có gì khác so với cần câu bình thường. Quay đầu nhìn Muộn Du Bình, hắn cũng đang yên lặng xem xét những chiếc cần câu này, nhìn không ra đang nghĩ cái gì.
Một bên giường có đặt một cái bàn trà, trên bày một bộ đồ trà phổ biến ở Phúc Kiến. Người Phúc Kiến thích uống trà có tiếng, một bộ ấm chén cũ không đáng bao tiền, nhưng xem ra nó rất được chú trọng. Bên bàn trà xếp mấy cái ghế lùn, chúng tôi ngồi xuống đó, đặt đồ đạc ba lô xuống, toàn thân mới thoải mái một chút. Nhấp chút trà nóng, gò má lạnh lẽo cũng tôi cuối cùng cũng hồi lại tí huyết sắc.
“Xem ra nhà mình bán cần câu nhỉ.” Bàn Tử thấy đã giải quyết được chuyện xe máy, tâm tình khoái trá, nhìn gậy trúc treo khắp bốn vách tường, hỏi.
“Không, những cần câu này đều là của tôi.” Ông lão nói, “Không nói dối mấy cậu, tôi vốn không phải người địa phương, tôi đến làng này đã hai mươi năm rồi, là để câu một con cá.”