Chương 19: Cần Tre Và Cốt Thép
Bàn Tử và Muộn Du Bình lục lọi ba lô trang bị, lấy xẻng Lạc Dương ra, chúng tôi mỗi người lại lắp năm đoạn ống xoắn. Gần đây thị trường toàn loại gậy chế tạo bằng sợi các-bon, chúng tôi phải đặc biệt tìm đến công xưởng sản xuất cần câu để đặt hàng. Đặc biệt nhẹ luôn. Bàn Tử dựng thẳng đầu xẻng, bắt đầu gõ xuống nền muối. Nền muối rạn nứt, nhưng bên trong rất cứng chắc, cứng hơn tưởng tượng của chúng tôi rất nhiều. Bởi vì sau khi muối kết thành khối, thành phần bên trong toàn là tinh thể cả, đầu xẻng không thể đâm sâu vào trong được như đâm vào bùn đất. Cứ mỗi lần đập xuống, bề mặt nền muối lại nứt ra. Cứ bể vỡ từng khối từng khối một.Tôi mấp máy đôi môi đã biến thành hai miếng lạp xưởng ướp muối, hỏi Bàn Tử: “Còn nhớ hồi trên núi tuyết, tụi mình từng dùng lò làm tan hang động băng không?”
Bàn Tử thở hắt ra một cái, tuổi lớn rồi, rất dễ bị hụt hơi, trong gió lớn lại càng khó thở hơn. Anh ta bày bếp rượu cồn ra, “Hòa tan được muối không? Mẹ kiếp, đừng có để tụi mình chết ngắc ở đây đấy nhé, vài phút sau lại biến thành chân giò hun khói.”
Đang nói, ông lão bên cạnh cũng bày biện trang bị của mình ra, ông ta rút từ trong ba lô trang bị ra hai cái ống thép nom rất giống xẻng Lạc Dương, một đầu có gắn mũi khoan, một đầu gắn với cần gạt, đây là dùi băng cầm tay dùng để câu cá trên băng. Một mình ông lão ngồi thu lu cách chúng tôi ba bốn mét, bắt đầu đào lỗ trên nền đất.
Bàn Tử ra hiệu với tôi, ý là bảo tôi nhìn người ta mà xem, kia mới gọi là chuyên nghiệp đấy.
Tôi biết độ cứng của muối, chúng tôi giẫm lên mặt đất rất ổn định, chứng tỏ, nếu bên dưới trống rỗng, thì tầng muối này phải rất dày, mà mũi khoan của ông lão lại không đủ dài. Thế là tôi nhìn thấy ông lão bắt đầu ung dung khoan xuống, sau khi cắm một mũi khoan xuống, ông ta lại lấy một đoạn ống thép ra gắn vào. Khoan được khoảng mười mấy phút, ông ta đứng lên nghỉ ngơi một chút, rồi lại tiếp tục công việc. Chúng tôi ngồi bên cạnh, cứ thế ngồi xổm vừa hút thuốc vừa nhìn. Càng hút khói lại càng mặn, tôi lấy khăn quàng cổ của mình che lên miệng, nhìn khắp bốn phía tối đen như mực, hoa muối thổi vào trong phạm vi chiếu sáng có hạn của đèn pin chúng tôi, rồi loáng cái lại mất hút vào bóng tối. Tôi quay đầu nhìn Muộn Du Bình, thấy ánh đèn của hắn đã đi rõ xa trong bóng tối, hẳn là đi dò đường.
Ở mỗi một khu vực, phạm vi thăm dò của hắn rộng hơn tôi rất nhiều, tôi chỉ cần kiểm tra xung quanh trong phạm vi chừng mấy trăm mét là an tâm rồi, còn Muộn Du Bình, kể từ khi đến Vũ Thôn, hắn gần như đã đi khắp tất cả các rặng núi xung quanh làng đến vài lần rồi. Chẳng qua, lần nào hắn đi cũng mang theo đặc sản kỳ lạ ở vùng đấy về, thực ra cũng rất mong chờ. Tôi nhớ có lần, hắn xách về một cái đầu cá rất quái đản, Bàn Tử phải ra sức ăn suốt ba ngày liền mới hết.
“Cậu biết tập tục muối táng của người dân tộc thiểu số không.” Bàn Tử vốc một nắm muối dưới đất lên, đắp người tuyết, vừa hỏi tôi.
“Tôi biết anh định nói cái gì, tuyệt đối không được, cái loại người từng đạt chiến công, vượt đại nạn như ông đây, thế nào cũng phải moi được cái mộ táng bằng mỳ hạt tiêu cơ.” Tôi ậm ừ nói, nghĩ thầm đừng có huyên thuyên nữa, tôi chẳng muốn há miệng ra nữa, ăn thêm muối nữa chắc cao huyết áp luôn quá.
“Coi tiền đồ của cậu kìa.” Bàn Tử nói: “Tụi mình cực khổ nhiều năm như thế, ít nhất cũng phải táng bằng cà-ri. Nhưng mà cậu nói xem, lần này xuống đây thật là thuận lợi, nếu là trước kia á, nhất định là tụi mình phải gặp vấn đề gì rồi, thế mà lần này chẳng gặp được cái lông gì, quả thực có hơi không quen.”
Tôi nheo mắt lại, tâm trạng rất chi là nhàm chán, kỳ cảnh cánh đồng muối này cũng coi như là kỳ quan mà người bình thường không thể nào gặp được rồi, nhưng đối với tôi mà nói, cảnh sắc như thế thật sự chỉ làm tôi hưng phấn được mấy phút. Cả cơ thể lẫn thần kinh tôi chỉ căng hết lên như dây đàn, chỉ chờ lát nữa thế nào cũng có gì nguy hiểm xuất hiện. Tôi đã quên mất, nơi này không phải là mộ huyệt quỷ quái mà người khác đã bố trí sẵn, chỉ chờ chúng tôi chui đầu vào, mà nó chỉ là một hang núi mà thôi.
Mười năm trôi qua, quả thực trong lúc bất tri bất giác, tôi đã nghiện cái cảm giác gặp nguy hiểm rồi.
Tôi tự phê bình kiểm điểm một chút, rồi nhắm mắt cào cào nền muối. Bấy giờ mới nhìn thấy mấy cái cần câu và đống trang bị của ông lão kia, bèn quan đó nhìn xem.
Dụng cụ câu cá mới nhìn qua thì cũng không khác nhau là mấy, nhưng thực ra, khác biệt lại rất lớn. Cần câu cá diếc, cần câu cá chép, cá rô phi, cần để câu ở khe suối, cần để câu ở ghềnh đá, cần để câu lure, cần câu luồn dây trong, cần để câu trên bè, cần để câu trên thuyền, các chất liệu khác nhau ở những vị trí khác nhau trên cần câu đều được chú trọng kỹ lưỡng. Đối với những người chỉ biết tí chút sơ sơ như tôi, miễn là cần câu thì đều được tất. Nhưng đối với cao thủ thì lại khác biệt rất lớn, ví dụ, có những loại cá khi đớp mồi động tĩnh rất nhẹ, anh cần phải cảm nhận được độ rung rất nhẹ truyền từ mồi câu qua dây câu đến tận cần câu, từ đó mới biết được lúc nào nên thu cần, việc đó đòi hỏi loại cần câu cỡ nhỏ rất mỏng nhẹ rất nhạy bén, chứ nếu dùng loại cần to tướng dài sáu mét, khi lực từ chỗ tay nắm truyền đến được đầu cần thì cá cũng đã chạy mất tiêu rồi.
Tôi quen thuộc các loại cần câu như thế là bởi tôi từng buôn bán cần tre Nhật. Hồi xưa, trước cả vụ Trường Bạch mười năm, có một lần tôi từng đến biển Nhật Bản tìm văn vật, giúp một tay khách hàng tìm cây cổ cầm thời Đường, đàn thì không tìm thấy, nhưng lại thu được mười mấy cây cần tre Nhật. Người Nhật chế tác cần câu nghiên cứu rất kỹ, cũng giống như những thứ khác trong văn hóa Nhật Bản thôi, họ cũng chia ra thành các gia tộc và các danh sư nổi tiếng. Vì cần làm bằng tre Madake, tre Yadake và Rikouya, cho nên mỗi cần câu lại khác nhau, mỗi cái lại tự có tánh khí của mình. Trong phái Moromitsu còn từng xuất hiện một thiên tài xuất chúng, chế tạo ra được một loại cần câu có thể câu được cả Thủy long. Nghe nói, dùng cái cần đó mà câu, có thể câu được rất nhiều thứ xưa nay chưa từng thấy bao giờ.
Hồi đó, tôi rất thích phần “sức nắm” ở đuôi cần câu, chính là phần tay cầm, mỗi bậc đại sư lại có một dấu hiệu về sức nắm của riêng mình. Loạt cần câu kia phần tay nắm có hình lá phong của nhà Ukigusa, nên tôi rất thích. Lúc về nước, tôi bán được bảy cây, số còn lại không bán được, đành tự mình thử dùng, tuy không nắm được cái hay của nó, nhưng ít ra bày trong nhà trông rất đẹp.
Ông lão có một cây cần tre Nhật như thế, phần tay nắm có hình vẽ xiềng xích, nhưng nhìn mặt trước xem thì thấy rõ ràng là đã được ông ta sửa sang lại rồi, không biết ông ta có ý tưởng gì của riêng mình nữa.
Đúng lúc này, tôi lại nhìn thấy cây cần câu cốt thép bọc vải vàng, nằm ở ngay chính giữa đống cần câu. Tôi muốn thò tay ra nhắc thử lên xem sao, nghĩ một hồi lại thôi.
Bàn Tử vỗ vai tôi nói: “Thiên Chân, ông già không khoan xuống nữa rồi.” Tôi quay đầu lại, thấy bên kia, ông lão đột nhiên nhấc cây gậy lên, bắt đầu quay ngược mũi khoan rồi rút ra, nhưng không có tí nước nào bắn lên quanh lỗ khoan.
“Không có nước à?” Tôi hỏi ông lão. Ông lão lắc đầu: “Không có, không xuống được nữa.” Lưỡi khoan rút ra, trên mặt đất xuất hiện một cái lỗ to cỡ miệng chén. Chúng tôi lấy đèn pin soi xuống. Không nhìn thấy phía dưới, thử dán lỗ tai vào nghe, cũng không có âm thanh gì, rồi lại nhìn đầu mũi khoan, thấy chỉ toàn vụn đá. Là đá. Phán đoán sai lầm.
Chúng tôi xách trang bị và đèn mỏ lên, nếu nước hồ không nằm bên dưới tầng muối này, vậy thì nó ở đâu? Tôi vừa định mở lời khuyên ông lão quay về, suốt chặng đường xuống đây chỉ muốn câu cá, nhưng giờ xác suất câu được con cá đó đã tụt xuống quá thấp, không ngờ ngay cả hồ nước cũng không tìm thấy nữa, nơi này rất có thể chính là đáy hồ năm xưa, giờ hồ đã khô cạn từ lâu rồi. Nhưng tôi nhìn thấy ánh đèn mỏ của Muộn Du Bình ở một phía cách chúng tôi rất rất rất xa, đang nhấp nháy ra tín hiệu. Hình như là phát hiện ra điều gì.